.::. Cung cấp thông tin đầy đủ, trung thực là trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, đơn vị sự nghiệp, hiệp hội, cơ sở hành chính, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng trên địa bàn .::. .............................................................................................................................................................................................................. ........................................  

File dữ liệu báo cáo (định dạng PDF)

Lời văn

Số liệu


Tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh 6 tháng đầu năm 2017 có những chuyển biến tích cực. Trong kinh tế, tăng trưởng khá ở lĩnh vực công nghiệp và xây dựng; khu vực dịch vụ tiếp tục ổn định và phát triển; trong nông nghiệp, tuy diện tích gieo trồng một số cây trồng chủ yếu giảm nhưng năng suất hầu hết đều tăng so cùng kỳ năm trước; trong chăn nuôi, tuy số lượng đàn gia súc, gia cầm được duy trì ổn định và phát triển nhưng giá thịt lợn hơi giảm sâu ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân; thị trường hàng hóa đa dạng, phong phú, đáp ứng nhu cầu cho sản xuất và tiêu dùng xã hội... Các lĩnh vực văn hóa, an sinh xã hội được quan tâm, quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Kết quả cụ thể các ngành, lĩnh vực như sau:

I. TÌNH HÌNH KINH TẾ

1. Về tăng trưởng kinh tế

Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) 6 tháng đầu năm theo giá so sánh dự kiến đạt 32.765 tỷ đồng, tăng 7,43% so với 6 tháng đầu năm 2016. Trong đó:

- Giá trị tăng thêm ngành nông, lâm nghiệp và thuỷ sản đạt 2.535 tỷ đồng, tăng 2,60%, đóng góp vào tăng trưởng chung là 0,21 điểm %;

- Giá trị tăng thêm ngành công nghiệp, xây dựng đạt 15.588 tỷ đồng, tăng 8,28%, đóng góp vào tăng trưởng chung của tỉnh là 3,91 điểm% (riêng ngành công nghiệp đạt 14.542 tỷ đồng, tăng 8,17%, đóng góp vào tăng trưởng chung là 3,60 điểm %);

- Các ngành dịch vụ đạt 6.907 tỷ đồng, tăng 7,89%, đóng góp vào tăng trưởng chung là 1,66 điểm %;Thuế sản phẩm ước đạt 7.736 tỷ đồng, tăng 6,98% so cùng kỳ, đóng góp vào tăng trưởng chung là 1,65 điểm %.

2. Tài chính, ngân hàng

Dự kiến 6 tháng đầu năm, thu ngân sách của tỉnh đạt 13,45 nghìn tỷ đồng, bằng 40% dự toán và giảm 4% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, hầu hết các khoản thu từ các doanh nghiệp trong nước, thu thuế, phí các loại và thu tiền sử dụng đất, thu từ hải quan... đều tăng so cùng kỳ, riêng thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài dự kiến 6 tháng đạt 9,66 nghìn tỷ đồng, đạt 35% dự toán và giảm 11% so cùng kỳ. Nguyên nhân do sản phẩm chủ lực đóng góp vào ngân sách của tỉnh là hai công ty Honda và Toyota thay đổi chiến lược kinh doanh, không sản xuất xe trong nước mà chuyển sang nhập khẩu hai dòng xe Fortuner và Civic; đồng thời thuế nhập khẩu linh kiện và xe nguyên chiếc từ các nước Asean giảm từ 40% năm 2016 xuống còn 30% vào năm 2017 làm giá xe trong nước giảm xuống nên thuế giảm, đã ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả thu ngân sách của tỉnh.

Tổng chi ngân sách nhà nước 6 tháng ước đạt 6,56 nghìn tỷ đồng, bằng 39% so dự toán và tăng 8% so cùng kỳ; trong đó chi đầu tư phát triển đạt 2,35 nghìn tỷ, bằng 44% dự toán và tăng 35% so cùng kỳ.

Hoạt động tín dụng ngân hàng tiếp tục đáp ứng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Các Tổ chức tín dụng tiếp tục triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong quan hệ tín dụng với khách hàng; thực hiện chương trình kết nối giữa Ngân hàng với Doanh nghiệp; tập trung cho vay 5 lĩnh vực ưu tiên; chủ động xây dựng các chương trình cho vay với lãi suất hợp lý, đa dạng hóa các sản phẩm tín dụng, dịch vụ ngân hàng kết hợp với đổi mới quy trình cho vay, đơn giản hóa thủ tục vay vốn, nâng cao khả năng thẩm định để rút ngắn thời gian giải quyết cho vay, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn phục vụ phát triển sản xuất kinh doanh… Nhiều giải pháp về huy động vốn được thực hiện tốt nên tổng nguồn vốn huy động ước đạt 50.990 tỷ đồng, tăng 0,47% so với tháng trước và tăng 4,18% so với cuối năm 2016. Tổng dư nợ đạt 46.550 tỷ đồng, tăng 0,79% so với tháng trước và tăng 10,14% so với cuối năm 2016. Tỷ lệ nợ xấu đã giảm so với cuối năm 2016 và hiện chiếm tỷ lệ 1,29% trên tổng dư nợ. Nợ xấu giảm thấp góp phần cải thiện thanh khoản của hệ thống ngân hàng, giảm mặt bằng lãi suất, mở rộng tăng trưởng tín dụng nhằm hỗ trợ thị trường, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trên địa bàn tỉnh.

3. Đầu tư - xây dựng

Sáu tháng đầu năm 2017, nhằm đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án nhất là các công trình, dự án phải hoàn thành trong năm nay. UBND tỉnh đã và đang chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương các chủ đầu tư tăng cường công tác quản lý đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước; tập trung vốn thanh toán nợ đọng trong xây dựng cơ bản và hoàn thành dứt điểm từng công trình trọng điểm, không đầu tư dàn trải, chỉ đạo đôn đốc, chủ đầu tư, nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình; cho thanh lý, chấm dứt hợp đồng đối với các nhà thầu chậm hoặc ngừng triển khai dự án. Dự kiến tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn 6 tháng đầu năm thực hiện đạt 11.206 tỷ đồng tăng 10,35% so với cùng kỳ. Trong đó, nguồn vốn nhà nước trên địa bàn thực hiện 2.896 tỷ đồng chiếm 25,84% tổng vốn và tăng 19,27% so với cùng kỳ năm trước; vốn ngoài nhà nước thực hiện 5.463 tỷ đồng, chiếm 48,74% và tăng 6,50%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 2.848 tỷ đồng, chiếm 25,42% và tăng 9,59%.

Về công tác xúc tiến đầu tư: UBND tỉnh đã chỉ đạo xây dựng chương trình xúc tiến đầu tư năm 2017, trong đó đã tổ chức thành công các cuộc xúc tiến đầu tư tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp; xây dựng 2 chương trình xúc tiến đầu tư tại Châu Âu, Ấn Độ, Nam Phi và UAE. Đồng thời, các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã tiếp và làm việc với một số nhà đầu tư nước ngoài đến tìm hiểu môi trường đầu tư tại tỉnh. Các cơ quan tham mưu đã liên hệ với đầu mối tổ chức KCCI, KOTRA, JETRO, JICA về đề nghị hỗ trợ chương trình xúc tiến đầu tư của tỉnh năm 2017.

Kết quả thu hút đầu tư: Tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đầu tư mới cho 33 dự án, trong đó có 22 dự án FDI với số vốn đăng ký 49,7 triệu USD và 11 dự án DDI với tổng vốn đầu tư đăng ký là 331,4 tỷ đồng. Luỹ kế, tổng số dự án còn hiệu lực trên địa bàn tỉnh là 904 dự án, gồm 659 dự án DDI với tổng vốn đầu tư 67,38 nghìn tỷ đồng (vốn thực hiện đạt 31,7% vốn đăng ký) và 245 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 3,66 tỷ USD (vốn thực hiện đạt 61,4% vốn đăng ký). 

4. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản

a) Sản xuất nông nghiệp

- Trồng trọt: Theo số liệu sơ bộ, vụ đông xuân năm nay toàn tỉnh gieo trồng được 60.475 ha cây hàng năm, giảm 3,57% so với cùng kỳ 2016. Trong tổng số, diện tích lúa là 31.321 ha, tăng 0,36% so với cùng kỳ; ngô đạt 12.986 ha, giảm 9,28%; cây lấy củ có chất bột đạt 3.692 ha, giảm 5,97%; rau các loại đạt 7.143 ha, giảm 0,59% ... Dự kiến, năng suất, sản lượng một số cây trồng chủ yếu vụ đông xuân như sau: lúa đạt 60,90 tạ/ha, tăng 4,03% so với cùng kỳ, sản lượng đạt 190.757 tấn, tăng 4,40%; ngô đạt 44,31 tạ/ha, tăng 2,69%, sản lượng đạt 57.538 tấn, giảm 6,84%; khoai lang đạt 103,65 tạ/ha, tăng 3,77%, sản lượng đạt 19.340 tấn, tăng 0,81%; rau các loại đạt 217,67 tạ/ha, tăng 5,28%, sản lượng đạt 155.477 tấn tăng 4,65% so với cùng kỳ...

Tổng diện tích các loại cây lâu năm hiện có 8.189 ha, tăng 0,10% so với cùng kỳ, trong đó diện tích cây ăn quả là 7.691 ha, chiếm 93,92% diện tích cây lâu năm các loại. Diện tích một số loại cây ăn quả chủ yếu như sau: Xoài 755 ha, tăng 1,2% so với cùng thời điểm năm trước; na 316 ha, tăng 1,2%; đu đủ 183 ha, tăng 2,2%; táo 85 ha, tăng 3,9%,... Diện tích nhãn, vải tuy chiếm tỷ trọng lớn, song giảm so với cùng thời điểm năm trước. Cụ thể, diện tích nhãn là 769 ha, giảm 0,2%; vải 1.981 ha giảm 0,3%. Một mặt là do hiệu quả kinh tế không cao, giá giảm nên người dân chuyển đổi sang trồng các loại cây ăn quả khác, ngoài ra việc thu hồi đất để làm khu công nghiệp, công trình công cộng... cũng làm cho diện tích các loại cây trồng này giảm.

- Chăn nuôi: Do năm 2016 lợn được giá, người chăn nuôi mở rộng quy mô sản xuất; bên cạnh đó, công tác kiểm tra, phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo và người dân tích cực chủ động thực hiện, nên từ đầu năm đến nay không có bệnh dịch lớn xảy ra trên địa bàn tỉnh. Vì vậy, số lượng đàn gia súc, gia cầm được duy trì ổn định và phát triển, nhất là đàn lợn.

Theo kết quả điều tra chăn nuôi, tại thời điểm 01/4/2017 trên địa bàn tỉnh có 19.745 con trâu, tăng 0,1% so cùng thời điểm năm 2016; 113.147 con bò, tăng 10,03%, trong đó có 8.385 con bò sữa, giảm 2,12%; 676.363 con lợn, tăng 18,40%; 8.094 ngàn con gà, tăng 4,63% ... Tuy nhiên, chăn nuôi lợn gặp nhiều khó khăn do từ cuối năm 2016 đến nay xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc bị ngừng trệ dẫn đến tình trạng dư thừa cung nghiêm trọng làm giá lợn hơi giảm mạnh, người chăn nuôi bị thua lỗ nặng, ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất cũng như ảnh hưởng đến tăng trưởng của ngành nông nghiệp nói riêng và kinh tế của cả tỉnh nói chung. UBND tỉnh đã chỉ đạo thực hiện một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người chăn nuôi lợn thông qua việc thu mua lợn tại các cơ sở chăn nuôi đạt tiêu chuẩn VietGap, chăn nuôi an toàn, được kiểm soát giết mổ với mức giá mua cao hơn khoảng 15% và mở 03 điểm bán với mức giá bán thấp hơn khoảng 20% so với giá thị trường; đẩy mạnh tuyên truyền để cả hệ thống chính trị vào cuộc; rà soát các cơ chế, chính sách hỗ trợ về chăn nuôi; chú trọng liên kết theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ; đẩy mạnh tìm kiếm thị trường trong nước... nên tình hình tiêu thụ lợn thịt trên địa bàn tỉnh tháng Sáu đã khá hơn so với những tháng trước. Dự kiến, sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng 6 tháng đầu năm đạt 46.072 tấn, tăng 5,65% so với cùng kỳ; gà 13.596 tấn, tăng 3,64%; trứng gà đạt 170.188 ngàn quả, tăng 3,15%; sữ bò tươi đạt 8.899 tấn, tăng 6,08% so với cùng kỳ...

Công tác kiểm tra, giám sát ngăn chặn buôn bán, vận chuyển gia súc, gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm không qua kiểm dịch của cơ quan thú y được tăng cường và thực hiện nghiêm túc; thực hiện đầy đủ các quy trình, trình tự, thủ tục trong quá trình kiểm dịch động vật và sản phẩm động vật.

b) Sản xuất lâm nghiệp

Hoạt động sản xuất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm tập trung chủ yếu vào việc chuẩn bị hiện trường trồng rừng, trồng rừng, chăm sóc cây giống và khai thác gỗ cùng với lâm sản khác. Dự kiến 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh trồng được 404 ha rừng trồng mới tập trung, đạt 69,0% so với kế hoạch năm, bằng 81,93% so với cùng kỳ, chủ yếu là rừng sản xuất; chăm sóc rừng lần một cho 482 ha, tăng 1,7% so với cùng kỳ; diện tích rừng được bảo vệ là 9.758 ha, đạt 100% kế hoạch năm, tương đương với cùng kỳ năm trước; sản lượng gỗ khai thác đạt 14.077 m3, tăng 3,70%; sản lượng củi khai thác 24.458 ste, giảm 3% so với cùng kỳ.

Công tác phòng chống cháy rừng đã đ­ược các cấp các ngành chỉ đạo tích cực đến các địa phương. Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm đã xảy ra 5 vụ cháy rừng, với diện tích cháy là 37,67 ha, tăng 18,67 ha so với cùng kỳ. Trong đó, có một vụ cháy do nắng nóng ở nền nhiệt cao, các vụ còn lại đang được các cơ quan chức năng làm rõ.

c) Sản xuất thuỷ sản

Hiện nay, toàn tỉnh có 10.651 cơ sở nuôi trồng thủy sản, trong đó có 9.842 cơ sở nuôi bằng diện tích mặt nước, 13 cơ sở nuôi lồng bè và có 796 cơ sở tham gia sản xuất giống. Cơ sở sản xuất thủy sản chủ yếu là hình thức hộ cá thể, do vậy diện tích nuôi còn nhỏ lẻ, manh mún nên hiệu quả nuôi trồng chưa cao; một số cơ sở là các trang trại đã từng bước mở rộng quy mô và dần đi vào hình thức nuôi thâm canh, bán thâm canh nhằm tăng năng suất, sản lượng nuôi trồng.

Diện tích nuôi trồng 6 tháng đầu năm ước đạt 5.431 ha, giảm 1,04% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, diện tích nuôi cá 5.275 ha (chiếm 97,1% diện tích); diện tích nuôi trồng thuỷ sản khác 2,6 ha; diện tích ươm giống 153,6 ha. Tổng sản lượng thuỷ sản 6 tháng đầu năm ước đạt 9.667 tấn, tăng 0,67% so với cùng kỳ. Trong đó, sản lượng khai thác đạt 892 tấn, giảm 1,36%; sản lượng nuôi trồng đạt 8.775 tấn, tăng 0,89% so với cùng kỳ.

Tình hình sản xuất giống thuỷ sản ở Vĩnh Phúc đã đi vào ổn định, các hộ và cơ sở sản xuất giống lớn của tỉnh như Chi cục thủy sản, Công ty cổ phần giống Yên Lạc, Trung tâm Thủy sản cấp 1 và Trung tâm giống vật nuôi đã đảm bảo đủ nguồn giống để cung cấp cho bà con nuôi trồng trong và ngoài tỉnh. Sản lượng cá giống 6 tháng đầu năm ước đạt 1.674 triệu con, giảm 0,41% so với cùng kỳ.

5. Sản xuất công nghiệp

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm dự kiến tăng 4,55% so cùng kỳ năm trước, theo ngành kinh tế cấp I: ngành công nghiệp khai khoáng tăng 2,71%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,60%; ngành công nghiệp sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước tăng 12,29%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải giảm 6,11%, Tình hình cụ thể ở từng ngành như sau:

- Ngành công nghiệp khai khoáng tăng 2,71% so với cùng kỳ. Các doanh nghiệp trong ngành tiếp tục đẩy mạnh sản xuất phục vụ nhu cầu xây dựng các công trình trong và ngoài tỉnh. Sản phẩm của ngành tiêu thụ tốt nên đã thúc đẩy sản xuất phát triển;

- Ngành sản xuất chế biến thực phẩm giảm 4,88% so với cùng kỳ. Nguyên nhân chính là do giá thịt lợn hơi giảm sâu, khó tiệu thụ người dân không tiếp tục mở rộng quy mô và tái đàn khiến thị trường tiêu thụ thức ăn chăn nuôi gặp khó khăn;

 - Ngành dệt tăng 1,57% so với cùng kỳ; ngành sản xuất trang phục tăng 2,40% so với cùng kỳ. Các doanh nghiệp trong ngành vẫn giữ được nhịp độ phát triển, chất lượng sản phẩm được các doanh nghiệp quan tâm hàng đầu nên lượng đơn đặt hàng 6 tháng đầu năm vẫn duy trì ổn định và đem lại giá trị cao cho ngành;

- Ngành sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại tăng 4,21% so với cùng kỳ. Trong những tháng đầu năm nhu cầu xây dựng nhà tăng cao, sản phẩm của ngành đạt lượng tiêu thụ lớn. Các doanh nghiệp cũng không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, tìm hiểu nhu cầu người sử dụng, từ đó tạo được chỗ đứng vững chắc tại thị trường trong nước cũng như trên thế giới;

- Ngành sản xuất kim loại tăng 10,92% so với cùng kỳ. Sản phẩm của ngành luôn giữ được thị trường tiêu thụ ổn định, trong những tháng đầu năm sản xuất đạt mức tăng khá so cùng kỳ;

- Ngành sản xuất linh kiện điện tử tăng 47,81% so với cùng kỳ. Trong 6 tháng đầu năm, số doanh nghiệp hoạt động trong ngành tiếp tục tăng lên cả về số lượng và quy mô sản xuất, từ đó khẳng định được đây là một trong những ngành công nghiệp mũi nhọn của tỉnh, có đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế cũng như tạo việc làm ổn định cho phần lớn người lao động trong tỉnh;

- Ngành sản xuất xe có động cơ giảm 7,90% so với cùng kỳ do chính sách giảm thuế nhập khẩu nên các doanh nghiệp sản xuất ô tô đang cắt giảm sản lượng sản xuất, chuyển sang nhập khẩu để phân phối;

- Ngành sản xuất phương tiện vận tải tăng 1,31% so với cùng kỳ. Thị trường xe máy bắt đầu có sự khởi sắc khi số xe bán ra trên thị trường tăng so cùng kỳ; các doanh nghiệp tiếp tục chú trọng đến việc nâng cao chất lượng sản phẩm, chăm sóc khách hàng; liên tục xuất xưởng những loại xe mới có tính năng vượt trội. Do vậy, thu hút lớn lượng khách trong và nước, nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp trong toàn ngành;

 - Ngành sản xuất phân phối điện, khí đốt tăng 12,29%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 6,11% so với cùng kỳ.

Dự kiến 6 tháng đầu năm, các doanh nghiệp công nghiệp trên địa bàn tỉnh sản xuất được 104.077 tấn thức ăn gia súc, giảm 3,98% so với cùng kỳ; 29.926 ngàn quần áo các loại, tăng 3,90%; 38.612 ngàn m2 gạch ốp lát, tăng 0,68%; 555.014 ngàn viên gạch xây dựng bằng đất sét, tăng 6,71%; 25.667 xe ô tô các loại, giảm 8,40%; 915.516 xe máy các loại, tăng 1,31%; doanh thu linh kiện điện tử đạt 16.820 tỷ đồng, tăng 56,20%; điện thương phẩm đạt 1.131 triệu kwh, tăng 12,29%; nước thương phẩm đạt 8.992 ngàn m­3,  tăng 3,93%...

6. Thương mại, dịch vụ và giá cả

a) Bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng

 Hoạt động kinh doanh thương mại và dịch vụ trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm nhìn chung ổn định, các cơ sở kinh doanh thương mại và dịch vụ  không có biến động nhiều cả về số lượng và qui mô; lượng hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng luôn đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu cho sản xuất và tiêu dùng của đời sống xã hội.

Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm dự kiến đạt 19.270 tỷ, tăng 9,28 % so cùng kỳ năm trước. Trong đó, kinh tế nhà nư­ớc thực hiện 120 tỷ đồng, tăng 11,32%; kinh tế tập thể 27 tỷ, tăng 14,65%; kinh tế cá thể 10.197 tỷ, tăng 8,45%; kinh tế tư nhân 7.712 tỷ, tăng 11,57%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài 1.214 tỷ, tăng 2,26% so cùng kỳ.

Phân theo nhóm ngành kinh tế, ngành thương nghiệp bán lẻ thực hiện 16.727 tỷ đồng, tăng 9,30%; kinh doanh dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch 1.668 tỷ, tăng 9,41%; các ngành dịch vụ khác thực hiện 875 tỷ, tăng 8,74% so cùng kỳ.

b) Vận tải hành khách và hàng hoá

Dịch vụ vận tải đáp ứng nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa phục vụ sản xuất, kinh doanh. Dự kiến, 6 tháng đầu năm vận tải hàng hoá đạt 13.891 ngàn tấn, luân chuyển đạt 1.003.470 ngàn tấn.km, so với 6 tháng đầu năm 2016 tăng 3,30% về tấn và tăng 4,68% về tấn.km; khối l­ượng hành khách vận chuyển đạt 13.003 ngàn người, luân chuyển đạt 877.674 ngàn người.km, tăng 6,25% về người và tăng 4,10% về người.km so với cùng kỳ năm 2016.

Tổng doanh thu vận tải 6 tháng đầu năm ước đạt 1.792 tỷ đồng, tăng 10,73% so cùng kỳ. Trong đó, vận hành khách đạt 444 tỷ đồng tăng 10,63%; vận tải hàng hoá đạt 1.324 tỷ đồng, tăng 9,88%.

II. MỘT SỐ VẤN ĐỀ XÃ HỘI

1. Công tác giải quyết lao động, việc làm, bảo đảm an sinh xã hội

Với mục tiêu góp phần giải quyết việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp, dư thừa lao động và giảm nghèo, trong những năm gần đây tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích, ưu tiên chính sách đào tạo nghề, giải quyết việc làm, thúc đẩy hoạt động đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Tính đến hết tháng 5/2017, Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh Vĩnh Phúc đã diễn ra 16 phiên giao dịch việc làm, thu hút được 376 lượt doanh nghiệp tham gia và đã tuyển được tại sàn 997 lao động. Dự kiến, 6 tháng đầu năm toàn tỉnh giải quyết việc làm cho 10.641 lao động, đạt 46,3% kế hoạch, giảm 11,2% so với cùng kỳ, trong đó xuất khẩu 710 lao động đạt 35,5% kế hoạch, tăng 1,6% so với cùng kỳ.

Chế độ, chính sách cho các đối tượng chính sách, gia đình khó khăn được quan tâm chăm lo. Tỉnh đã tổ chức thăm hỏi và tặng quà của Chủ tịch nước và của tỉnh tới đối tượng chính sách là người có công, các đơn vị trực tết và bệnh nhân mắc bệnh nặng không về nhà ăn Tết, góp phần động viên, thăm hỏi kịp thời các đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh. Hoạt động Bảo trợ xã hội và giảm nghèo được chú trọng. Trong đó, tỉnh đã cấp 74.391 thẻ bảo hiểm y tế cho 32.593 người nghèo và 41.798 người cận nghèo; cấp phát bổ sung thẻ bảo hiểm y tế cho 62 hộ nghèo, hộ cận nghèo phát sinh do ốm đau, bệnh tật phải điều trị dài ngày; hỗ trợ tiền điện cho 16.724 hộ nghèo, với tổng kinh phí 1,34 tỷ đồng.

Công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em: Tỉnh đã phát động Tháng hành động vì trẻ em năm 2017; triển khai mô hình Hệ thống bảo vệ trẻ em dựa vào cộng đồng; kế hoạch phòng chống tai nạn thương tích trẻ em; kế hoạch dạy bơi miễn phí cho trẻ em các huyện, thành phố, thị xã; kế hoạch tổ chức diễn đàn trẻ em cấp tỉnh và hướng dẫn tổ chức diễn đàn trẻ em cấp huyện; xây dựng công trình phúc lợi, vui chơi, giải trí, bể bơi, tặng quà, trao học bổng cho trẻ em nghèo, hỗ trợ phẫu thuật chỉnh hình cho trẻ khuyết tật, tặng 30 xe đạp, 35 suất đồ dùng học tập, 50 suất học bổng cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn…

2. Giáo dục và đào tạo

Năm học 2016-2017, ngành Giáo dục và Đào tạo tiếp tục chỉ đạo đổi mới công tác quản lý theo hướng tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các nhà trường; duy trì thực hiện Đề án dạy học ngoại ngữ, trong đó tiếp tục triển khai dạy thí điểm song ngữ môn Toán tại 11 trường THPT, môn Lý, Hóa, Sinh tại 15 trường THPT; đổi mới nội dung, hình thức kiểm tra đánh giá hoạt động học tập của học sinh...  Đến nay, các trường phổ thông đã bế giảng năm học 2016-2017, chất lượng giáo dục đại trà và mũi nhọn được giữ vững. Tại kỳ thi học sinh giỏi các môn văn hóa lớp 12, Vĩnh Phúc có 77 học sinh đạt giải trong đó có 1 giải nhất, 33 giải nhì, 20 giải ba, 23 giải khuyến khích và đặc biệt có 1 học sinh được tham dự kỳ thi Olympic Toán học quốc tế tại Brazil. Ngoài ra, tại cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia, học sinh của tỉnh đã đạt 1 giải nhất, 5 giải ba và 1 giải khuyến khích. Tỷ lệ tuyển sinh vào lớp 10 THPT so với số học sinh tốt nghiệp THCS đạt 73,8%, còn lại 26,2% học sinh lựa chọn học tại các trung tâm Giáo dục thường xuyên và dạy nghề, cơ bản đáp ứng được lộ trình mục tiêu phân luồng học sinh sau THCS của tỉnh đã đề ra.

Công tác chuẩn bị về cơ sở vật chất cho kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017 trên địa bàn tỉnh đã được hoàn tất. 28 điểm thi đều đảm bảo đầy đủ các trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật phục vụ cho việc tổ chức thi với nhiều lần khảo sát, kiểm tra của Sở Giáo dục và Đào tạo. Các Hội đồng thi đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch và có nhiều biện pháp bảo đảm điện lưới, an ninh trật tự, an toàn vệ sinh thực phẩm tại các điểm thi, góp phần để kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế.

3. Y tế, vệ sinh an toàn thực phẩm

Các đơn vị y tế đã chủ động kiểm tra, giám sát các bệnh dịch; trong đó đã xây dựng kế hoạch phòng chống dịch; tổ chức truyền thông hướng dẫn nhân dân các biện pháp phòng, chống, tiêm phòng các loại vắcxin, vệ sinh môi trường và tiến hành tổ chức điều trị kịp thời các trường hợp mắc bệnh. Vì vậy, trên địa bàn tỉnh đã không có dịch lớn xảy ra, chỉ rải rác một số ca bệnh do chuyển mùa thường gặp, như: cúm, ca tiêu chảy, tay - chân- miệng, sởi, sốt xuất huyết...

Chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh đang từng bước được cải thiện ở cả 3 tuyến. Ứng dụng một số kỹ thuật cao trong chẩn đoán và điều trị tiếp tục được triển khai như: hồi sức tích cực, chẩn đoán hình ảnh, ngoại khoa, phẫu thuật nội soi. Công suất sử dụng giường bệnh đạt trên 100% so với cùng kỳ. Tiến độ thực hiện tiêu chí quốc gia về y tế xã đạt tỷ lệ 82,5%. 100% đơn vị thực hiện giá dịch vụ theo quy định. Thuốc và sinh phẩm y tế được quản lý chặt chẽ về chất lượng và giá cả. Các cơ sở y, dược tư nhân thường xuyên được kiểm tra việc chấp hành các quy định về hành nghề y, dược.

Công tác an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn tỉnh nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của các cấp, các ngành. Hoạt động thông tin, giáo dục, truyền thông phổ biến kiến thức cho người dân được thực hiện thường xuyên bằng nhiều hình thức phong phú như: Tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông đại chúng, cấp phát tờ gấp, treo băng zôn, khẩu hiệu, qua đó nhận thức của người tiêu dùng và các đối tượng sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm được nâng lên.

 Công tác thanh, kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh được duy trì thực hiện thường xuyên và theo kế hoạch tại tất cả các tuyến. Sáu tháng đầu năm, Tỉnh đã thành lập đoàn kiểm tra và thực hiện 2.850 lượt thanh, kiểm tra tại 4.155 cơ sở; trong đó, tỷ lệ cơ sở không đạt tiêu chuẩn chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm chiếm 15%. Đoàn kiểm tra đã phạt tiền 17 cơ sở với tổng số tiền 40,9 triệu đồng, nhắc nhở 253 cơ sở. Tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh xảy ra 02 vụ ngộ độc thực phẩm với 19 người mắc, đi viện 19 người, không có trường hợp tử vong.

4. Các hoạt động văn hoá và thể thao

Tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật, vui chơi giải trí, tổ chức lễ hội truyền thống chào mừng các ngày lễ của đất nước và của địa phương. Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá tiếp tục được triển khai gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới. Thực hiện tốt công tác bảo tồn di sản văn hóa, trong đó đã xây dựng hồ sơ di sản quốc gia đối với Lễ hội đền Ngự Dội; xây dựng kế hoạch kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể 4 huyện, thành, thị; tu bổ tôn tạo 34 di tích; hoàn thiện trưng bày nội thất Văn miếu tỉnh; nghiên cứu về địa điểm thực hiện dự án “Huyền thoại Tây Thiên”; phân loại chỉnh lý sưu tập khảo cổ học khai quật tại di chỉ Khảo cổ học Lũng Hòa; tổ chức thành công Lễ phát động Chiến dịch truyền thông Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình...

Các hoạt động thể dục thể thao được diễn ra sôi nổi, rộng khắp. Tỉnh đã tổ chức ngày chạy Olympic “Vì sức khỏe toàn dân”; triển khai kế hoạch tổ chức Đại hội thể dục thể thao cấp cơ sở; xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch nâng cao đời sống tinh thần và thể chất của công nhân các khu công nghiệp; chuẩn bị các điều kiện cơ sở vật chất đăng cai tổ chức Liên hoan ca múa nhạc các nước Asean nhân kỷ niệm 50 thành lập Asean; duy trì ổn định các lớp đào tạo năng khiếu thể thao và các đội tuyển thể thao thành tích cao; cử vận động viên tham gia thi đấu tại 13 giải quốc gia, quốc tế. Kết quả, vận động viên của tỉnh đã đạt 11 huy chương vàng, 9 huy chương bạc và 25 huy chương đồng.

5. Tình hình trật tự an toàn xã hội và tai nạn giao thông

Tình hình an ninh trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm ổn định. Công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm được tăng cường, qua đó tội phạm về trật tự xã hội được kiềm chế, tỷ lệ điều tra phá án đạt cao, các vụ trọng án được nhanh chóng điều ra làm rõ. Lực lượng công an đã tích cực triển khai các đề án, kế hoạch chuyên đề phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm; tăng cường các biện pháp quản lý trên lĩnh vực khai thác tài nguyên, khoáng sản; nâng cao hiệu quả các biện pháp quản lý các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự, quản lý lưu trú; triển khai 3 đợt cao điểm và kế hoạch chuyên đề về an toàn giao thông, qua đó đã phát hiện 25,4 nghìn trường hợp vi phạm, xử phạt hơn 15,8 tỷ đồng, trong đó đã triển khai việc ghi hình xử phạt nguội 743 trường hợp, xử phạt 48 triệu đồng. Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc được đẩy mạnh. Theo báo cáo của Ban An toàn giao thông tỉnh, tính đến ngày 15/5/2017, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 15 vụ tai nạn giao thông, làm 14  người chết, 11 người bị thương; so với cùng kỳ năm trước, số vụ tai nạn giao thông tăng 04 vụ, số người chết tăng 01 người; số người bị thương giảm 21người. Nhằm góp phần kiềm chế và giảm thiểu tai nạn giao thông, Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh đã Chỉ đạo tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông để mọi người tham gia giao thông nâng cao ý thức tự giác tuân thủ pháp luật giao thông; thường xuyên, liên tục tập trung tuyên truyền về tác hại của việc sử dụng rượu bia đối với người tham gia giao thông...

6. Tình hình cháy nổ và bảo vệ môi trường

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc xảy ra 16 vụ cháy, giá trị thiệt hại ước tính trên 20 tỷ đồng. Trong tháng Sáu, Phòng Cảnh sát môi trường - Công an tỉnh đã tổ chức kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Qua kiểm tra đã phát hiện nhắc nhở 04 cơ sở vi phạm, lập hồ sơ xử lý 04 cơ sở vi phạm với số tiền 420 triệu đồng. Luỹ kế từ đầu năm đến nay, có 10 vụ vi phạm về môi trường, lập hồ sơ xử lý 10 với tổng số tiền phạt là 1,4 tỷ đồng./.

 

luat_sua_doi_ltk

Đang truy cập: 7
Trong ngày: 7
Trong tuần: 1204
Lượt truy cập: 1421960

Xin cho biết ý kiến của bạn về trang thông tin điện tử Cục Thống kê tỉnh Vĩnh Phúc?
Tốt
Khá
Trung bình
Kém

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỤC THỐNG KÊ TỈNH VĨNH PHÚCChung nhan Tin Nhiem Mang

Địa chỉ: Số 20

Lý Thái Tổ - Phường Đống Đa - Thành phố Vĩnh Yên - Tỉnh Vĩnh Phúc

Điện thoại: 0211 3 861 139, Fax: 0211 3 843 841Email: vinhphuc@gso.gov.vn, cuctk@vinhphuc.gov.vn