.::. Cung cấp thông tin đầy đủ, trung thực là trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, đơn vị sự nghiệp, hiệp hội, cơ sở hành chính, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng trên địa bàn .::. .............................................................................................................................................................................................................. ........................................  

File dữ liệu báo cáo (định dạng PDF)

Lời văn

Số liệu



1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản

a) Nông nghiệp

- Trồng trọt: Đến thời điểm này, bà con nông dân trong tỉnh đã cơ bản thu hoạch xong vụ mùa và khẩn trương gieo trồng cây vụ đông. Tính đến 15/10/2017 toàn tỉnh đã gieo trồng được 12.146 ha cây vụ đông, giảm 25,56% so với cùng kỳ. Trong đó, ngô 7.724 ha, bằng 82,11%; khoai lang 1.123 ha, bằng 72,24%; đỗ tương 447 ha, bằng 36,15%; lạc 115 ha, bằng 81,32%; rau các loại 2.595 ha, bằng 73,92% so với cùng kỳ... Theo nhận định của các địa phương, diện tích gieo trồng các loại cây màu vụ đông năm nay giảm nhiều so với vụ đông năm trước, nguyên nhân chủ yếu là do ảnh hưởng của thời tiết mưa nhiều, đất ướt không gieo trồng được; bên cạnh đó, sản xuất vụ đông chi phí lớn, phải sử dụng nhiều công lao động, hiệu quả kinh tế không cao nên bà con nông dân chưa thực sự tích cực sản xuất.

- Chăn nuôi: Tình hình sản xuất chăn nuôi trên địa bàn tỉnh nhìn chung ổn định, không có nhiều biến động, việc kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn được thực hiện tốt, trong tháng không có dịch bệnh lớn xảy ra. Theo đánh giá của các địa phương, hiện nay đàn trâu tương đối ổn định, đàn bò và đàn gia cầm như gà, vịt có chiều hướng phát triển khá do giá các loại sản phẩm ở mức khá cao, người chăn nuôi có lãi nên yên tâm đầu tư; mặt khác đây cũng là tháng các hộ vào đàn để chuẩn bị sản phẩm cung cấp cho thị trường vào dịp Tết Nguyên đán. Riêng đàn lợn, mặc dù trong thời gian gần đây giá lợn hơi đã nhích lên từ 30.000 đồng đến 32.000 đồng/kg nhưng người chăn nuôi vẫn chưa có lãi nên việc tái đàn, mở rộng quy mô của các hộ vẫn còn hạn chế, nhất là các hộ chăn nuôi lớn... Để chủ động phòng chống một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho gia súc, gia cầm, ngăn chặn dịch bệnh phát sinh và lây lan, tỉnh đang tiến hành tiêm phòng vacxin cho gia súc, gia cầm và khử trùng tiêu độc môi trường đợt 2 năm 2017. Công tác kiểm tra, giám sát ngăn chặn buôn bán, vận chuyển gia súc, gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm không qua kiểm dịch của cơ quan chức năng được tăng cường và thực hiện nghiêm túc tạo điều kiện để người dân yên tâm đầu tư mở rộng quy mô sản xuất.

b) Lâm nghiệp

Trong tháng, các đơn vị  sản xuất lâm nghiệp và các địa phương tiếp tục tập trung chủ yếu vào công tác chăm sóc, nuôi dưỡng và bảo vệ rừng. Đến nay, diện tích rừng trồng mới tập trung ước đạt 650,9 ha, đạt 108,5% kế hoạch năm và tăng 10,17% so với cùng kỳ; trong đó, phần lớn là rừng sản xuất với 603,4 ha, còn lại là rừng phòng hộ 25,8 ha và rừng đặc dụng 21,7 ha. Công tác chăm sóc diện tích rừng trồng mới và bảo vệ rừng hiện có luôn được quan tâm thực hiện tích cực với hơn 9.758 ha rừng được bảo vệ và 480 ha rừng được chăm sóc; số cây lâm nghiệp trồng phân tán ước trồng được 789,4 nghìn cây, chủ yếu là cây lấy gỗ, cây bóng mát và cây tạo cảnh quan môi trường.

Công tác phòng chống cháy rừng luôn được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo tích cực; đồng thời, lực lượng kiểm lâm thường xuyên phối hợp với chủ rừng thực hiện việc tuyên truyền bảo vệ, phòng chống cháy rừng nên trong tháng không xảy ra vụ cháy rừng nào.

c) Thuỷ sản

Nhìn chung, sản xuất thủy sản tháng Mười trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định, giá thủy sản ở mức khá, nuôi trồng từng bước được đa dạng hoá, chất lượng thủy sản ngày càng đáp ứng được yêu cầu của thị trường và tạo ra thu nhập khá cho người nuôi. Sản xuất thuỷ sản phát triển theo hướng chú trọng đưa các giống thủy sản mới có năng suất cao, chất lượng tốt, sạch bệnh vào nuôi thâm canh; nâng cao chất lượng công tác phòng bệnh, đảm bảo nguồn thức ăn, giảm thiểu các loại hóa chất dùng trong nuôi trồng thủy sản, chủ động công tác ứng phó với thiên tai để hạn chế thiệt hại ở mức thấp nhất... tạo sự an tâm cho người sản xuất, tiếp tục đầu tư phát triển, góp phần nâng cao giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích và thúc đẩy sản xuất thuỷ sản phát triển.

Dự kiến đến hết tháng Mười, diện tích nuôi trồng thuỷ sản trên địa bàn tỉnh đạt 6.915,8 ha, tăng 0,72% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, diện tích nuôi cá 6.913,2 ha, chiếm 99,96% tổng số; thủy sản khác 2,6 ha. Tổng sản lượng thuỷ sản 10 tháng đầu năm ước đạt 17.384 tấn, tăng 3,6% so với cùng kỳ. Trong đó, sản lượng thủy sản nuôi trồng là 15.510 tấn, tăng 4,4%; sản lượng thuỷ sản khai thác là1.874 tấn, giảm 2,5% so với cùng kỳ năm trước.

2. Sản xuất công nghiệp

a) Chỉ số sản xuất

Hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh trong tháng tiếp tục ổn định, các doanh nghiệp đang khẩn trương đẩy tiến độ, tăng năng suất để hoàn thành mục tiêu, kế hoạch đề ra trong năm. Chỉ số sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh tháng Mười tăng 3,13% so với tháng trước và tăng 9,43% so với cùng kỳ. Chia theo ngành kinh tế cấp I, các ngành tăng, giảm tương ứng so với tháng trước và cùng kỳ như sau: ngành công nghiệp khai khoáng tăng 1,02% và tăng 9,93%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 3,19% và tăng 9,45%; ngành sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hoà không khí giảm 1,65% và tăng 22,16%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải tăng 1,08% và giảm 9,51%. Tính chung mười tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh tăng 10,99% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp khai khoáng tăng 4,57%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 11,06%; ngành công nghiệp sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước tăng 14,23%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải giảm 0,66%.

Tình hình cụ thể của một số ngành công nghiệp chủ yếu như sau:

- Chỉ số sản xuất của ngành chế biến thực phẩm trong tháng tăng 6,19% so với tháng trước, song  giảm 5,49% so với cùng kỳ; tính chung mười tháng đầu năm giảm 2,63% so cùng kỳ. Sản phẩm chính của ngành này chủ yếu là thức ăn gia súc, gia cầm; do trong tháng đàn gia cầm như gà, vịt có chiều hướng phát triển khá, bên cạnh đó giá thịt lợn hơi có chiều hướng tăng so với tháng trước nên sản phẩm tiêu thụ khá hơn. Tuy vậy, giá lợn thịt hơi tăng chậm, việc tái đàn cũng như mở rộng quy mô còn cầm chừng, ảnh hưởng đến việc tiêu thụ sản phẩm của ngành này;

- Chỉ số sản xuất tháng Mười của ngành sản xuất xe có động cơ tiếp tục giảm 0,45% so với tháng trước và giảm 43,01% so với cùng kỳ. Việc giảm thuế về 0% đối với các loại xe nhập khẩu trong thời gian tới, nên doanh nghiệp sản xuất cầm chừng, dẫn đến chỉ số sản xuất của ngành giảm sâu so cùng kỳ. Tính chung mười tháng đầu năm, chỉ số sản xuất giảm 17,36% so với cùng kỳ;

- Ngành dệt tuy chỉ số sản xuất trong tháng tăng 4,94% so với tháng trước và tăng tới 10,85% so với cùng kỳ, nhưng tính chung mười tháng đầu năm lại giảm tới 8,12% so với cùng kỳ. Chỉ số sản xuất của ngành này bắt đầu giảm vào tháng Bảy, tháng Tám và giảm sâu vào tháng Chín (giảm 31,94%) so với cùng kỳ do khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm;

- Ngành sản xuất phương tiện vận tải tăng 0,95% so với tháng trước và tăng 0,08% so với cùng kỳ. Sản phẩm của ngành tiêu thụ ổn định và tăng dần trong một vài tháng gần đây do các doanh nghiệp vẫn tiếp tục nâng cao chất lượng cũng như mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Vì vậy, lượng sản phẩm tiêu thụ đạt mức khá, chỉ số sản xuất mười tháng đầu năm tăng 6,01% so cùng kỳ, góp phần đóng góp vào tăng trưởng chung của toàn ngành;

- Chỉ số sản xuất của ngành sản xuất linh kiện điện tử tăng 7,10% so với tháng trước và tăng tới 82,98% so với cùng kỳ, góp phần nâng chỉ số sản xuất mười tháng đầu năm tăng 60,01% so với cùng kỳ. Thị trường công nghệ số đang phát triển mạnh trong mấy năm gần đây, kéo theo các ngành công nghiệp phụ trợ trên địa bàn tỉnh phát triển. Đây là ngành đang chiếm ưu thế và có đóng góp chiếm tỷ lệ cao trong ngành công nghiệp cũng như trong tăng trưởng kinh tế của toàn tỉnh.

Các ngành công nghiệp còn lại tiếp tục ổn định và phát triển.

b) Sản phẩm công nghiệp chủ yếu

Dự kiến tháng Mười các doanh nghiệp công nghiệp trên địa bàn tỉnh sản xuất được 18.860 tấn thức ăn gia súc, tăng 6,19% so với tháng trước; 436 ngàn đôi giày thể thao, tăng 9,27%; 11.632 ngàn m2 gạch ốp lát, tăng 2,39%; 1.825 máy điều hòa không khí, giảm 3,90%; 3.570 xe ô tô các loại, giảm 0,45%; 182.518 xe máy các loại, tăng 0,95%; doanh thu linh kiện điện tử đạt 5.967 tỷ đồng, tăng 7,10% so với tháng trước.... Tính chung mười tháng đầu năm các doanh nghiệp công nghiệp trên địa bàn tỉnh sản xuất được 177.998 tấn thức ăn gia súc, giảm 2,63% so với cùng kỳ; 4.295 ngàn đôi giày thể thao, tăng 0,59%; 103.656 ngàn m2 gạch ốp lát, tăng 5,77%; 16.649 máy điều hòa không khí, tăng 5,93%; 41.315 xe ô tô các loại, giảm 7,36%; 1.608.265 xe máy các loại, tăng 6,01%; doanh thu linh kiện điện tử đạt 40.141 tỷ đồng, tăng 60,01% so với cùng kỳ...

c) Chỉ số sử dụng lao động

Chỉ số sử dụng lao động trong các doanh nghiệp công nghiệp trên địa bàn tháng Mười tăng 2,88% so với tháng trước. Tính chung mười tháng đầu năm chỉ số sử dụng lao động trong các doanh nghiệp công nghiệp trên địa bàn tỉnh tăng 29,86% so với cùng kỳ. Chia theo ngành công nghiệp cấp I, riêng ngành khai khoáng giảm 4,85% so với cùng kỳ; các ngành còn lại đều có chỉ số tăng, ngành có chỉ số sử dụng lao động tăng cao cùng kỳ là ngành chế biến chế tạo tăng 30,69%. Theo thành phần kinh tế, doanh nghiệp nhà nước tăng 1,51%, doanh nghiệp ngoài nhà nước tăng 31,14%, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 30,77 so với cùng kỳ năm trước.

d) Chỉ số tiêu thụ, tồn kho

Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng Mười giảm 1,89% so với tháng trước, tính chung mười tháng đầu năm chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 15,12% so với cùng kỳ. Trong mười tháng, 2 ngành có chỉ số tiêu thụ giảm so cùng kỳ là ngành sản xuất trang phục giảm 16,42%, ngành sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu giảm 8,53%; các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo còn lại đều có chỉ số tiêu thụ tăng, trong đó, ngành sản xuất xe có động cơ tăng 1,48%, ngành sản xuất phương tiện vận tải khác tăng 20,83%...

Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng Mười tăng 5,76% so với tháng trước. Trong đó, một số ngành có chỉ số tồn kho cao như ngành sản xuất chế biến thực phẩm tăng 39,07%, ngành sản xuất phương tiện vận tải tăng 32,83% ...; một số ngành có chỉ số tồn kho giảm như ngành sản xuất trang phục  giảm 2,27%, ngành chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ giảm 10,15%...

3. Đầu tư, xây dựng

Thực hiện Nghị quyết số 70/NQ-CP ngày 03/8/2017 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ra văn bản chỉ đạo các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã nghiêm túc triển khai Nghị quyết này đồng thời ra các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh về thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn năm 2017, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công trong các tháng cuối năm 2017.

Tổng vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý tháng tháng Chín đạt trên 639 tỷ đồng, tăng khá cao so với tháng trước và cùng kỳ với 18,14 % và 16,51%. Trong tháng Chín, các dự án đường giao thông nông thôn, công trình trường học đã được phê duyệt của các xã chuẩn bị về đích trong Chương trình xây dựng Nông thôn mới đang được chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu sớm; các công trình, dự án trọng điểm của tỉnh tiếp tục được tập trung nguồn lực thực hiện và giải ngân vốn... Bên cạnh dự án, công trình đã được hoàn thành đưa vào sử dụng phát huy hiệu quả, vẫn còn nhiều công trình tiến độ chậm, gặp khó khăn trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, trong đó có một số dự án lớn, dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh như: Đường song song đường sắt Hà Nội - Lào Cai, đoạn từ Hợp Thịnh - Đạo Tú đến nút bến xe Vĩnh Yên (tuyến phía nam đường sắt), Đường QL2B đoạn từ cầu chân suối đến Thị trấn Tam Đảo; Công trình đường từ cầu kênh Lũng Hạ đi Nguyệt Đức tạm nghỉ do vướng một số trang trại chưa bàn giao mặt bằng. Ngoài ra, nhiều công trình hiện đang vướng mắc trong việc giao chủ đầu tư, cơ quan quản lý dự án do chưa kiện toàn được các Ban Quản lý xây dựng chuyên ngành, Ban Quản lý Dự án xây dựng khu vực, dẫn đến dự án đã có mặt bằng, đã được bố trí vốn nhưng không triển khai được nhất là trong lĩnh vực Giáo dục và Đào tạo...

Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện thủ tục xây dựng cơ bản, sớm khởi công các công trình và tăng tốc các dự án chuyển tiếp phấn đấu hoàn thành kế hoạch được giao, UBND tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu theo Nghị quyết số 70/NQ-CP ngày 03/8/2017 của Chính phủ. Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Nhà nước trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Các chủ đầu tư nâng cao chất lượng thẩm định nội bộ, tổ chức kiểm soát chặt chẽ hồ sơ thiết kế, bản vẽ thi công, dự toán công trình trước khi nghiệm thu, trình thẩm định. Đồng thời, huy động tối đa phương tiện, nhân lực để đẩy nhanh tiến độ xây dựng và ngay sau khi có khối lượng hoàn thành phải thực hiện giải ngân cho dự án, tránh tình trạng để dồn khối lượng vào cuối năm. Kho bạc tỉnh Vĩnh Phúc chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thanh toán cho các dự án khi có đủ điều kiện giải ngân trong thời hạn 04 ngày làm việc; phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư xử lý các vướng mắc phát sinh, rút ngắn thời gian kiểm soát chi, góp phần đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công.

Dự kiến, tổng vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý tháng Mười đạt 687,4 tỷ đồng, tăng 7,51% so với tháng trước và tăng 21,56% so cùng kỳ năm 2016. Trong đó, nguồn vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh là 577,3 tỷ đồng, vốn ngân sách cấp huyện là 72,6 tỷ đồng; vốn ngân sách cấp xã là 37,5 tỷ đồng. Lũy kế đến hết tháng Mười, tổng vốn đầu tư thuộc nguồn ngân sách nhà nước thực hiện đạt 4.902,3 tỷ đồng, tăng 17,22% so với cùng kỳ năm 2016 và đạt 82,43% kế hoạch vốn giao đầu năm. Trong tháng Mười, một số công trình đã hoàn thành thủ tục đấu thầu, ký hợp đồng sẽ tiến thành khởi công như:  Đường quốc lộ 2C đoạn từ đê Trung ương đi xã Vĩnh Thịnh, tổng mức đầu tư theo kế hoạch được duyệt 71,456 tỷ, vốn thực hiện trong năm 2017 là 30 tỷ đồng; công trình cải tạo, nâng cấp đường giao thông nông thôn xã Nguyệt Đức, đường vành đai 3 huyện Yên Lạc tuyến từ vòng xuyến Mả Lọ đi tỉnh lộ 303, Đền Gia Loan với kế hoạch vốn là 27 tỷ đồng; công trình đường nối đường tỉnh 309 từ Yên Bình đi Hợp Thịnh, Đạo Tú (22,1 tỷ đồng); công trình nhà lớp học, nhà điều hành trường Tiểu học Phú Thịnh (14,97 tỷ đồng); hạ tầng đất đấu giá thôn Phú Thứ, Xã Thượng Trưng (10 tỷ đồng) ...

4. Thương mại, dịch vụ và giá cả

a) Bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng

Tình hình kinh doanh thương mại và dịch vụ trên địa bàn tỉnh trong tháng tăng nhẹ so với tháng trước, nhưng lại tăng khá cao so với cùng kỳ năm trước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng Mười dự kiến đạt 3.639 tỷ đồng, tăng 2,94% so với tháng trước và tăng 22,42% so với cùng kỳ. Trong đó, kinh doanh thương mại đạt 3.191 tỷ đồng tăng 3,38% so với tháng trước và tăng 23,28% so với cùng kỳ; khách sạn, nhà hàng, du lịch đạt 281 tỷ đồng, giảm 2,12% so với tháng trước và tăng 13,36% so với cùng kỳ; các ngành dịch vụ phục vụ tiêu dùng khác đạt 167 tỷ đồng, tăng 3,54% so với tháng trước và tăng 22,64% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung mười tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 33.278 tỷ đổng, tăng 12,93% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, kinh doanh thương mại đạt 28.915 tỷ đồng tăng 13,10% so với cùng kỳ; khách sạn, nhà hàng, du lịch đạt 2.844 tỷ đồng, tăng 11,01%; các ngành dịch vụ phục vụ tiêu dùng khác đạt 1.519 tỷ đồng, tăng 13,36% so với cùng kỳ năm trước. Phân theo khu vực kinh tế, kinh tế nhà nước đạt 207 tỷ đồng, tăng 15,28%; kinh tế tập thể đạt 52 tỷ đồng, tăng 28,96%; kinh tế cá thể đạt 17.535 tỷ đồng, tăng 11,54%; kinh tế tư nhân 13.344 tỷ đồng, tăng 15,60%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài 2.140 tỷ đồng, tăng 7,87% so với cùng kỳ.

b) Vận tải hành khách và hàng hoá

Tình hình kinh doanh vận tải tháng Mười tuy tăng khá so với cùng kỳ nhưng so với tháng trước tăng không đáng kể cả ở khối lượng vận chuyển, luân chuyển hàng hóa và hành khách cũng như doanh thu và phân theo ngành đường.

Dự kiến, tổng khối l­ượng hàng hoá vận chuyển trên địa bàn tỉnh tháng Mười đạt 2,5 triệu tấn, luân chuyển 179 triệu tấn.km. So với tháng trước tăng 1,17% về tấn và tăng 1,64% về tấn.km; so với cùng kỳ năm trư­ớc tăng 18,22% về tấn và tăng 17,29% về tấn km. Mười tháng đầu năm, khối lượng vận chuyển hàng hóa đạt 23,5 triệu tấn, luân chuyển 1.637,2 triệu tấn.km, so với cùng kỳ năm trước tăng 8,11% về tấn và tăng 9,25% về tấn.km .

 Khối lượng hành khách vận chuyển tháng Mười dự kiến đạt gần 1,7 triệu người, luân chuyển đạt 148,6 triệu người.km. So với tháng trước tăng 1,15% về người và tăng 1,87% về người.km; so với cùng kỳ năm trước tăng 8,28% về người và tăng 8,61% về người.km. Tính chung mười tháng đầu năm, vận chuyển hành khách đạt 19,6 triệu người, luân chuyển đạt 1.488,8 triệu người.km, tăng 4,50% về người và tăng 5,22% về người.km so với cùng kỳ năm 2016.

Tổng doanh thu vận tải tháng Mười dự kiến đạt trên 330 tỷ đồng, tăng 2,50% so tháng trước và tăng 19,18% so cùng kỳ. Trong đó, vận tải hành khách đạt 72,5 tỷ đồng, tăng 2,79% so với tháng trước và tăng 16,51% so với cùng kỳ; vận tải hàng hoá đạt 248,9 tỷ đồng, tăng 2,49% so với tháng trước và tăng 24,69% so cùng kỳ. Tính chung mười tháng đầu năm, tổng doanh thu đạt 3.025 tỷ đồng, tăng 14,49% so cùng kỳ.

c) Chỉ số giá tiêu dùng

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trên địa bàn tỉnh tháng Mười tăng 1,02% so với tháng trước, tăng 5,15% so với cùng tháng năm trước và tăng 5,32% so tháng Mười hai năm trước. Bình quân mười tháng đầu năm CPI tăng 3,83% so với cùng kỳ.

CPI tháng này tăng so với tháng trước là do tác động của một số yếu tố:

- Lương thực tăng 1,87% . Sau nhiều tháng ổn định, giá mặt hàng gạo các loại trên địa bàn tỉnh trong tháng Mười đã trở lại tăng 2,90% so với tháng trước do giá lúa gạo thị trường trong nước biến động tăng trong bối cảnh thu hoạch lúa vụ thu đông ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long với thời tiết bất lợi, dịch bệnh phát sinh, năng suất giảm so với cùng kỳ, chi phí tăng;

- Thực phẩm tăng 0,28%. Trong khi thịt gia súc tươi sống không đáng kể, thịt gia cầm, trứng các loại cùng nhóm thủy sản tươi sống giảm thì nhóm rau, củ, quả tươi khô hoặc chế biến lại tăng mạnh do thời tiết không thuận lợi, mưa nhiều ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của cây trồng. Một số loại rau, củ có giá tăng cao từ 13,08% đến 46,17% do nguồn cung hạn hẹp trong khi nhu cầu tiêu dùng vẫn duy trì;

 - Nhóm hàng may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,15%, nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,11%, một mặt do thời tiết chớm lạnh, mặt khác do bước vào mùa cưới nên nhu cầu sắm sửa chăn ga gối đệm, quần áo, giày dép tăng lên; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,68% chủ yếu do dịch vụ phục vụ cá nhân như dịch vụ làm tóc nữ, dịch vụ chăm sóc cá nhân tăng;

 - Nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 11,83%. Đây là nhóm có chỉ số tăng cao nhất trong 11 nhóm hàng. Trong đó, dịch vụ khám sức khỏe tăng 14,62%, đóng góp 0,95 điểm % trong mức tăng CPI toàn tỉnh là 1,02% so với tháng trước. Nguyên nhân, do trên địa bàn tỉnh áp dụng điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo Nghị quyết số 26/2017/NQ-HĐND ngày 17/7/2017 của HĐND tỉnh cùng Công văn số 1624/UBND-VX3 ngày 11/8/2017 của UBND về việc quy định mức giá dịch vụ khám bệnh chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của quỹ bảo hiểm y tế trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của nhà nước và áp giá, mức giá một số trường hợp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc từ ngày 1/10/2017. Theo đó, giá dịch vụ khám chữa bệnh ngoại trú tăng 14,99%, nội trú tăng 14,68%. Giá các loại thuốc ổn định.

Giá vàng trên địa bàn tỉnh giảm 2,33% so với tháng trước, giá vàng bình quân trên thị trường tự do là 3.437 nghìn đồng/chỉ. Cùng chiều với giá vàng, giá Đô la Mỹ trên thị trường tự do giảm 0,12% so với tháng trước, giá bán bình quân phổ biến ở mức 21.613 đồng/USD.

Một số nhóm hàng còn lại giá tương đối ổn định.

5. Tình hình cháy nổ và trật tự, an toàn giao thông

Trong kỳ, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 02 vụ cháy, không gây thiệt hại về người, ước tính thiệt hại về tài sản là 49 triệu đồng. Lũy kế từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 23 vụ cháy, ước tính giá trị thiệt hại là 21,9 tỷ đồng.     Theo báo cáo của Ban An toàn giao thông tỉnh, tính đến ngày 15/09/2017, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 29 vụ tai nạn giao thông, làm 26 người chết, 37 người bị thương. So với cùng kỳ năm trước, số vụ tai nạn giao thông giảm 02 vụ, số người chết giảm 05 người, số người bị thương giảm 18 người. Nguyên nhân chủ yếu gây ra các vụ tai nạn trên là do người điều khiển phương tiện giao thông không chú ý quan sát, không làm chủ tốc độ, chuyển hướng không đảm bảo an toàn và đi sai phần đường. Để tiếp tục đạt mục tiêu ba giảm, thời gian tới, Ban An toàn giao thông tỉnh sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, rà soát các bất cập về hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt; tiếp tục giải tỏa các vi phạm hành lang an toàn giao thông, thiết lập kỷ cương trật tự an toàn giao thông; đẩy mạnh tuyên truyền về tác hại của việc sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông...

 

luat_sua_doi_ltk

Đang truy cập: 6
Trong ngày: 11
Trong tuần: 1205
Lượt truy cập: 1421968

Xin cho biết ý kiến của bạn về trang thông tin điện tử Cục Thống kê tỉnh Vĩnh Phúc?
Tốt
Khá
Trung bình
Kém

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỤC THỐNG KÊ TỈNH VĨNH PHÚCChung nhan Tin Nhiem Mang

Địa chỉ: Số 20

Lý Thái Tổ - Phường Đống Đa - Thành phố Vĩnh Yên - Tỉnh Vĩnh Phúc

Điện thoại: 0211 3 861 139, Fax: 0211 3 843 841Email: vinhphuc@gso.gov.vn, cuctk@vinhphuc.gov.vn