.::. Cung cấp thông tin đầy đủ, trung thực là trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, đơn vị sự nghiệp, hiệp hội, cơ sở hành chính, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng trên địa bàn .::. .............................................................................................................................................................................................................. ........................................  

Tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Vĩnh Phúc tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2018

Lời văn

Số liệu

Bước vào thực hiện kế hoạch năm 2018, tuy có nhiều thuận lợi, nhưng cũng còn có những khó khăn nhất định.Song với sự lãnh đạo sâu sát của Tỉnh ủy, sự giám sát chặt chẽ của HĐND, sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời, chủ động của UBND tỉnh trong tháo gỡ khó khăn về sản xuất, kinh doanh, cùng với sự cố gắng, nỗ lực của các cấp, các ngành, của cộng đồng doanh nghiệp và của nhân dân nên tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2018 tiếp tục có những chuyển biến tích cực và đạt kết quả quan trọng trên nhiều lĩnh vực. Sản xuất công nghiệp, xây dựng có mức tăng trưởng khá cao so với cùng kỳ; trong nông nghiệp, năng suất, sản lượng lúa tăng, chăn nuôi phát triển ổn định; các ngành dịch vụ tiếp tục ổn định và phát triển, thị trường hàng hóa đa dạng, phong phú, đáp ứng tốt nhu cầu sản xuất và tiêu dùng xã hội... Các lĩnh vực văn hóa, an sinh xã hội được quan tâm, quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Kết quả cụ thể các ngành, lĩnh vực như sau:

I. TÌNH HÌNH KINH TẾ

1. Về tăng trưởng kinh tế

Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) 6 tháng đầu năm 2018 theo giá so sánh 2010 đạt 35.440 tỷ đồng, tăng 7,61% so với cùng kỳ. Trong đó:

- Giá trị tăng thêm ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 2.633 tỷ đồng, tăng 3,61%, đóng góp vào tăng trưởng chung của tỉnh là 0,28 điểm %. Trong nông nghiệp, tuy diện tích cây hàng năm giảm 1,9% so với cùng kỳ, nhưng năng suất các loại cây trồng chủ yếu tăng khá, trong đó năng suất lúa đạt 62,87 tạ/ha, cao nhất từ trước đến nay, nên giá trị ngành trồng trọt tăng 1,31% so cùng kỳ; trong chăn nuôi, ngoài sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng giảm 0,55%, sản lượng chăn nuôi còn lại đều tăng so cùng kỳ, trong đó sản lượng trâu, bò tăng 3,4%, sản lượng thịt gia cầm tăng 9,14%, sản lượng trứng gia cầm tăng 13,66%, sữa bò tăng 18,61%... do đó tăng trưởng của ngành chăn nuôi đạt 5,92%. Tính chung, ngành nông nghiệp tăng 3,55% so với cùng kỳ, đóng góp vào tăng trưởng chung của tỉnh là 0,26 điểm %.  

- Giá trị tăng thêm ngành công nghiệp và xây dựng đạt 18.156 tỷ đồng, tăng 12%, đóng góp vào tăng trưởng chung của tỉnh là 5,91 điểm %. Ba ngành công nghiệp lớn của tỉnh là ngành sản xuất ô tô, xe máy và linh kiện điện tử tiếp tục chiếm tỷ trọng cao trong ngành công nghiệp và đạt mức tăng trưởng khá. Trong đó, sản lượng sản xuất ô tô 6 tháng đạt 30.925 xe, tăng 18,24%; sản lượng sản xuất xe máy đạt 978.238 xe, tăng 10,05%; doanh thu của ngành linh kiện điện tử tăng 24,66%; giá trị tăng thêm của 3 ngành này tăng trên 11% so với cùng kỳ, đóng góp vào tăng trưởng chung của tỉnh trên 4 điểm %. Tính chung ngành công nghiệp đóng góp vào tăng trưởng chung 5,6 điểm % trong tổng số 7,61% của tỉnh.

- Giá trị tăng thêm của các ngành dịch vụ đạt 7.100 tỷ đồng, tăng 7,41%, đóng góp vào tăng trưởng chung của tỉnh là 1,49 điểm %.

- Thuế sản phẩm giảm 0,27% so với cùng kỳ, làm giảm 0,06 điểm % trong tăng trưởng chung của tỉnh. Do chính sách thuế của Nhà nước, từ năm 2018, thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) giảm 5% đối với tất cả các dòng xe và thuế suất thuế nhập khẩu đối với linh kiện ôtô từ các nước ASEAN giảm xuống còn 0%; mặt khác, các doanh nghiệp sản xuất ô tô trên địa bàn chuyển sang sản xuất các dòng xe có dung tích xi lanh nhỏ, thuế xuất thuế TTĐB thấp, thuế bình quân phải nộp trên 1 xe sản xuất trong nước của các doanh nghiệp này giảm.

2. Tài chính, ngân hàng

a) Tình hình thu, chi ngân sách nhà nước

Dự kiến 6 tháng đầu năm, thu ngân sách của tỉnh đạt 13,77 nghìn tỷ đồng, tăng 1,98% so cùng kỳ và đạt 46,46 dự toán năm; trong đó, thu nội địa 11,6 nghìn tỷ đồng, giảm 0,87% so cùng kỳ và đạt 43,47% dự toán. Nguyên nhân do cơ cấu thu của tỉnh chủ yếu từ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, trong khi thu ngân sách của khu vực này giảm 3,05% so cùng kỳ nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả thu ngân sách của tỉnh. Tổng chi ngân sách địa phương 6 tháng đầu năm dự kiến đạt 6,64 nghìn tỷ đồng, giảm 5% so cùng kỳ và đạt 40% dự toán năm. Trong đó, chi đầu tư phát triển đạt 2,26 nghìn tỷ đồng, bằng 39,44% dự toán và bằng 58% so với cùng kỳ; chi thường xuyên đạt 4,23 nghìn tỷ đồng, bằng 42,22% dự toán và tăng 37,87% so với 6 tháng đầu năm 2017…

b) Hoạt động ngân hàng, tín dụng

Sáu tháng đầu năm, hoạt động tín dụng ngân hàng tiếp tục đáp ứng tốt nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Các tổ chức tín dụng tiếp tục triển khai các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn; tập trung cho các ngành, lĩnh vực, chương trình tín dụng trọng điểm như: nông nghiệp, nông thôn, công nghiệp hỗ trợ, lĩnh vực xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa; kiểm soát chặt tín dụng đối với các lĩnh vực phi sản xuất, lĩnh vực có rủi ro cao như bất động sản, chứng khoán. Nhiều giải pháp về huy động vốn được thực hiện tốt nên tổng nguồn vốn huy động dự kiến đến 30/06/2018 đạt 63.250 tỷ đồng, tăng 2,28% so với cuối năm 2017. Tổng dư nợ đến 30/6/2018 dự kiến đạt 56.890 tỷ đồng, tăng 7,67% so với cuối năm 2017. Tỷ lệ nợ xấu đã giảm so với cuối năm 2017 và hiện chiếm 1,31% trên tổng dư nợ. Nợ xấu giảm thấp góp phần cải thiện thanh khoản của hệ thống ngân hàng, giảm mặt bằng lãi suất, mở rộng tăng trưởng tín dụng nhằm hỗ trợ thị trường, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trên địa bàn tỉnh.

3. Đầu tư - xây dựng

Nhằm đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án nhất là các công trình, dự án phải hoàn thành trong năm 2018, UBND tỉnh đã và đang chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương cần đẩy mạnh thu hút đầu tư nhất là đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp mới, tập trung tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, các công trình dự án trọng điểm, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Dự kiến tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn 6 tháng đầu năm đạt 13.137 tỷ đồng, tăng 6,1% so với cùng kỳ. Trong đó, nguồn vốn nhà nước trên địa bàn thực hiện 2.741 tỷ đồng, chiếm 20,86% tổng vốn và giảm 6,26% so với cùng kỳ năm trước; vốn ngoài nhà nước thực hiện 6.833 tỷ đồng, chiếm 52,01% và tăng 10,53%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 3.563 tỷ đồng, chiếm 27,13% và tăng 17,59% so với cùng kỳ.

Tình hình thực hiện các dự án ODA và dự án Phi chính phủ nước ngoài: Các dự án ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài là các dự án có tầm quan trọng lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đến hết 31/5/2018 khối lượng thực hiện và giải ngân đạt 47,6 tỷ đồng, ước 6 tháng đạt 70 tỷ đổng (bằng 9,07% kế hoạch vốn được giao). Nhìn chung, tỷ lệ giải ngân nguồn vốn bố trí cho các dự án sử dụng vốn ODA và ngân sách trung ương đạt thấp so với tỉ lệ giải ngân chung của tỉnh chủ yếu do các dự án hầu hết là dự án mới đang thực hiện các thủ tục để khởi công, bên cạnh đó nguồn vốn bố trí cho các dự án lớn; quy trình, thủ tục thanh toán các dự án sử dụng vốn ODA phức tạp.

Về công tác xúc tiến đầu tư: Các hoạt động xúc tiến đầu tư tiếp tục được quan tâm như: tiếp và làm việc với các đoàn doanh nghiệp đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan và Singapore đến tìm hiểu môi trường, cơ hội đầu tư tại tỉnh; hướng dẫn nhà đầu tư triển khai các dự án sau khi ký biên bản ghi nhớ đầu tư với tỉnh; tổ chức đưa nhà đầu tư tham quan thực địa hạ tầng một số KCN của tỉnh để tìm địa điểm đầu tư phù hợp...

Kết quả 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đầu tư mới cho 45 dự án, trong đó có 27 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký 94,59 triệu USD và 20 dự án DDI với tổng vốn đầu tư đăng ký là 1,42 nghìn tỷ đồng. Ngoài ra, đã điều chỉnh tăng vốn đầu tư 129,7 triệu USD cho 16 lượt dự án FDI và 718,34 tỷ đồng cho 7 lượt dự án DDI.

Tổng vốn đầu tư của các dự án FDI 6 tháng đầu năm 2018 (bao gồm cả đăng ký mới và tăng vốn) ước đạt 224,3 triệu USD, tăng 28,3% so với cùng kỳ, đạt 89,7% so với kế hoạch; các dự án DDI đạt 2.146,6 tỷ đồng, tăng 77,1% so với cùng kỳ, đạt 85,8% so với kế hoạch.

4. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản

a) Sản xuất nông nghiệp

- Trồng trọt: Theo số liệu sơ bộ, vụ đông xuân năm nay toàn tỉnh gieo trồng được 57.464 ha cây hàng năm, giảm 1,90% so với cùng kỳ 2017. Trong tổng số, diện tích lúa là 31.005 ha, giảm 1,01% so với cùng kỳ; ngô đạt 12.541 ha, giảm 3,42%; cây có hạt chứa dầu đạt 3.046 ha, giảm 8,21%; rau các loại đạt 6.892 ha, giảm 3,51% ... Dự kiến, năng suất, sản lượng một số cây trồng chủ yếu vụ đông xuân như sau: lúa đạt 62,87 tạ/ha, tăng 3,07%, sản lượng đạt 194.931 tấn, tăng 2,02% so với cùng kỳ; ngô đạt 45,10 tạ/ha, tăng 1,67%, sản lượng đạt 56.557 tấn, giảm 1,82%; khoai lang đạt 106,43 tạ/ha, tăng 2,36%, sản lượng đạt 21.779 tấn, tăng 12,25%; rau các loại đạt 217,66 tạ/ha, tăng 0,07%, sản lượng đạt 150.014 tấn giảm 3,44% so với cùng kỳ...

Tổng diện tích các loại cây lâu năm hiện có 8.123 ha, giảm 0,2% so với cùng kỳ, trong đó diện tích cây ăn quả là 7.671 ha, chiếm 94,40% diện tích cây lâu năm các loại. Diện tích một số loại cây ăn quả chủ yếu như sau: Xoài 758 ha, tăng 0,90%; chuối 1.803 ha, tăng 0,2%; thanh long 164 ha, tăng 1,7% ; na 321 ha, tăng 1,3%; táo 90 ha, tăng 5,5%; nhãn 688 ha, giảm 2,0%; vải 1.851 ha giảm 0,5%. ... Diện tích nhãn, vải tuy chiếm tỷ trọng lớn, song giảm so với cùng thời điểm năm trước; Một mặt là do hiệu quả kinh tế không cao, giá giảm nên người dân chuyển đổi sang trồng các loại cây ăn quả khác, ngoài ra việc thu hồi đất để làm khu công nghiệp, công trình công cộng... cũng làm cho diện tích các loại cây trồng này giảm.

- Chăn nuôi: Tình hình chăn nuôi 6 tháng đầu năm được duy trì ổn định. Các cơ chế, chính sách về hỗ trợ cho chăn nuôi được thực hiện hiệu quả. Giá thức ăn chăn nuôi ổn định, giá các loại sản phẩm chăn nuôi hiện đang ở mức khá cao tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất phát triển.

Theo kết quả điều tra chăn nuôi, tại thời điểm 01/4/2018 trên địa bàn tỉnh có 18.987 con trâu, giảm 3,84% so với cùng thời điểm năm trước; 116.763 con bò, tăng 3,20%; 618.732 con lợn, giảm 8,52%; 10.063 nghìn con gia cầm, tăng 6,61% (trong đó, gà 8.743 nghìn con tăng 8,02%). Đàn gia cầm tăng là do giá các loại sản phẩm gia cầm tương đối ổn định ở mức khá cao trong thời gian dài, người chăn nuôi có lãi đã đầu tư tăng quy mô đàn; một số hộ chuyển từ chăn nuôi lợn sang chăn nuôi gà cũng là nguyên nhân đàn gia cầm tăng khá mạnh so với cùng kỳ. Bên cạnh những mặt thuận lợi thì chăn nuôi lợn hiện nay vẫn còn gặp khó khăn, mặc dù thời gian gần đây giá lợn hơi đã tăng lên khá mạnh nhưng không ổn định nên người dân chưa thực sự yên tâm đầu tư tăng quy mô đàn.

Dự kiến 6 tháng đầu năm, sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng đạt 45.877 tấn, giảm 0,51% so với cùng kỳ; thịt trâu hơi đạt 767 tấn, tăng 4,56%; bò hơi 2.883 tấn, tăng 3,10%; gà 15.229 tấn, tăng 9,50%; trứng gà đạt 196.377 ngàn quả, tăng 13,66%; sữ bò tươi đạt 12.382 tấn, tăng 18,61% so với cùng kỳ...

b) Sản xuất lâm nghiệp

Dự kiến 6 tháng đầu năm toàn tỉnh trồng mới 399 ha rừng tập trung đạt 61,42% KH năm và tăng 3,15% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu là rừng sản xuất. Trong đó, Công ty Lâm nghiệp Lập Thạch đã trồng được 90 ha, đạt 60% kế hoạch năm; Trung tâm phát triển Lâm, nông nghiệp trồng được 10 ha, đạt 25% kế hoạch năm; còn lại, các địa phương trồng được 299 ha rừng sản xuất và đang tiếp tục thực hiện trồng rừng năm 2018.

Công tác phòng chống cháy rừng đã đ­ược các cấp các ngành chỉ đạo tích cực đến các địa phương. Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm toàn tỉnh đã xảy ra 5 vụ cháy rừng, với diện tích cháy là 11,14 ha, giảm 26,53 ha so với cùng kỳ.

c) Sản xuất thuỷ sản

Tình hình nuôi trồng thủy sản 6 tháng đầu năm ổn định, không có dịch bệnh lớn xảy ra. Bên cạnh việc bà con tích cực đầu tư cải tạo cơ sở hạ tầng, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào nuôi trồng, thì việc đưa các giống cá có năng suất, chất lượng như: Rô phi đơn tính, chép lai 3 máu dòng Đường nghiệp vào sản xuất ngày càng nhiều đã từng bước đáp ứng nhu cầu của thị trường, làm tăng sản lượng nuôi trồng thủy sản so với cùng kỳ, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Ước diện tích nuôi trồng thủy sản 6 tháng đầu năm đạt 5.317,9 ha, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, diện tích nuôi cá 5.316,5ha (chiếm 99,97% diện tích); diện tích nuôi trồng thuỷ sản khác 1,4 ha. Tổng sản lượng thuỷ sản 6 tháng đầu năm ước đạt 10.042 tấn, tăng 3,88% so với cùng kỳ. Trong đó, sản lượng khai thác đạt 932 tấn, tăng 4,43%; sản lượng nuôi trồng đạt 9.110 tấn, tăng 3,82% so với cùng kỳ.

Sản xuất giống thuỷ sản ở Vĩnh Phúc đã đi vào ổn định, các hộ và cơ sở sản xuất giống lớn của tỉnh như: Chi cục thủy sản, Công ty cổ phần giống Yên Lạc, Trung tâm Thủy sản cấp 1 và Trung tâm giống vật nuôi đã đảm bảo đủ nguồn giống để cung cấp cho bà con nuôi trồng trong và ngoài tỉnh. Sản lượng cá giống 6 tháng đầu năm ước đạt 1.775 triệu con, tăng 6,1% so với cùng kỳ, trong đó: Cá bột 1.033 triệu con; cá hương 627 triệu con; cá giống 115 triệu con.

5. Sản xuất công nghiệp

Sáu tháng đầu năm sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh phát triển khá. Nhiều doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đã mở rộng quy mô sản xuất, có thêm nhiều đơn hàng và thị trường tiêu thụ. Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng Sáu tăng 1,17% so tháng trước và tăng 10,64% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 11,88% so cùng kỳ. Chia theo ngành kinh tế cấp I, trong 6 tháng đầu năm ngành công nghiệp khai khoáng tăng 5,53%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 12,05%; ngành công nghiệp sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước tăng 12,08%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải giảm 8,26%.

Trong 6 tháng đầu năm, 2/10 ngành công nghiệp chủ yếu của tỉnh có chỉ số sản xuất giảm so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, ngành công nghiệp dệt giảm 55,38% do một số doanh nghiệp trong ngành gặp khó khăn trong việc tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm nên đã chủ động chuyển sang sản xuất sản phẩm khác dẫn đến chỉ số sản xuất giảm sâu; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý, xử lý rác thải giảm 8,26%. Các ngành công nghiệp chủ yếu còn lại đều có mức tăng khá cao so với cùng kỳ, Trong đó:

- Ngành sản xuất sản phẩm điện tử tăng 24,66% so với cùng kỳ do một số doanh nghiệp trong ngành tiếp tục tăng vốn đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ; một số khác mới đầu tư đi vào sản xuất tạo ra giá trị sản lượng lớn;

- Ngành sản xuất xe có động cơ tăng 18,24% do việc siết chặt các quy định trong việc nhập khẩu xe ô tô vào Việt nam có hiệu lực, số lượng xe sản xuất trong nước tăng lên đáng kể so cùng kỳ;

- Ngành sản xuất kim loại tăng 17,86% do sản phẩm tiêu thụ ổn định và tăng khá cao trong những tháng đầu năm;

- Ngành sản xuất chế biến thực phẩm tăng 13,73%. Một mặt do chăn nuôi ổn định, lượng tiêu thụ thức ăn chăn nuôi tăng lên; bên cạnh đó, một số mặt hàng khác như chè đen, chè xanh có thị trường rộng khắp tại một số nước như Đài Loan, Hàn Quốc đã tạo điều kiện để các doanh nghiệp trong ngành có kế hoạch sản xuất ổn định và phát triển;

- Ngành sản xuất phương tiện vận tải khác tăng 10,05% so với cùng kỳ, Một mặt do các doanh nghiệp tiếp tục chú trọng đến việc nâng cao chất lượng và đưa ra những sản phẩm mới đáp ứng thị hiếu và nhu cầu khách hàng; Bên cạnh đó, nhà sản xuất liên tục đưa ra chương trình khuyến mại, gói chăm sóc khách hàng phù hợp tâm lý người tiêu dùng nên sản lượng xe tiêu thụ khá.

Dự kiến 6 tháng đầu năm, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh sản xuất được 121.179 tấn thức ăn gia súc, tăng 13,73%; 2.732 ngàn đôi giày thể thao, tăng 1,62%; 59.333 ngàn m2 gạch ốp lát, tăng 0,31%; 9.646  máy điều hòa không khí, tăng 6,32%; 30.925 xe ô tô các loại tăng 18,24%; 978.238 xe máy các loại tăng 10,05%; 2.361 triệu kwh điện thương phẩm tăng 12,08%; 10.460 ngàn m­3 nước máy thương phẩm tăng 13,91% ....

6. Thương mại, dịch vụ

a) Bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng

 Hoạt động kinh doanh thương mại và dịch vụ trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm nhìn chung ổn định và tăng khá so với cùng kỳ. Khối lượng lưu chuyển hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng đáp ứng tốt nhu cầu cho sản xuất và tiêu dùng của đời sống nhân dân.

Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm dự kiến đạt 21.647 tỷ, tăng 9,49 % so cùng kỳ năm trước. Xét theo ngành kinh doanh, doanh thu bán lẻ hàng hóa 6 tháng đầu năm đạt 18.859 tỷ đồng, chiếm 87,12% tổng mức và tăng 9,74% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, lữ hành và hoạt động hỗ trợ du lịch đạt 1.800 tỷ đồng, chiếm 8,19% tổng mức và tăng 8,32% so với cùng kỳ năm trước; các ngành dịch vụ tiêu dùng khác đạt 988 tỷ đồng, chiếm 4,56% tổng mức và tăng 7,72% so cùng kỳ năm trước.

b) Vận tải hành khách và hàng hoá

Dịch vụ vận tải đáp ứng nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa phục vụ sản xuất, kinh doanh. Dự kiến 6 tháng đầu năm, vận tải hàng hoá đạt 15.253 ngàn tấn, luân chuyển đạt 1.131.091 ngàn tấn.km, so với cùng kỳ tăng 7,11% về tấn và tăng 9,82% về tấn.km; khối l­ượng hành khách vận chuyển đạt 11.887 ngàn người, luân chuyển đạt 785.805 ngàn người.km, giảm 8,84% về người và giảm 9% về người.km so với cùng kỳ năm 2017.

Tổng doanh thu vận tải 6 tháng đầu năm ước đạt 2.058 tỷ đồng, tăng 8,74% so cùng kỳ. Trong đó, vận hành khách đạt 427 tỷ đồng giảm 3,09%; vận tải hàng hoá đạt 1.577 tỷ đồng, tăng 11,63%...

c) Chỉ số giá tiêu dùng

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng Sáu tăng 0,52% so với tháng trước, tăng 5,37% so với cùng tháng năm trước và tăng 2,44% so tháng 12 năm trước. Nguyên nhân chính làm CPI tháng này tăng là do giá một số mặt hàng thiết yếu tăng như, thực phẩm, chất đốt, giao thông tăng... Trong đó:

- Lương thực giảm 0,90% do các tỉnh phía Bắc đã thu hoạch xong vụ lúa đông xuân, nguồn cung lúa gạo dồi dào nên giá một số loại gạo giảm; trong khi hàng thực phẩm tăng tới 1,25% so với tháng trước và tăng hầu hết ở các nhóm hàng, trong đó mặt hàng thịt lợn tiếp tục tăng 4,31% (giá thịt lợn hơi xuất chuồng tại địa phương đã tăng lên mốc 48.000 đến 52.000đồng/kg, là mức giá cao nhất trong vòng 2 năm trở lại đây);

- Nhóm giao thông tăng 0,99%.Trong tháng, tuy giá điều chỉnh giảm nhẹ vào ngày 22/6/2018, nhưng do trong tháng Năm giá xăng dầu tăng khá cao nên tính bình quân tháng Sáu chỉ số nhóm nhiên liệu vẫn tăng 2,25%;

- Nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,94%. Trong đó, nhóm vật liệu, bảo dưỡng nhà ở tăng 0,45% chủ yếu là sắt xây dựng các loại tăng từ 1,64% đến 1,87%; giá điện sinh hoạt tăng 1,14%, trong khi nước sinh hoạt tăng 4,01% do thời tiết nắng nóng nên nhu cầu sử dụng điện, nước tăng;

Một số nhóm hàng còn lại giá tương đối ổn định.

Như vậy, CPI từ tháng Một đến tháng Sáu có tốc độ tăng khá đồng đều so với tháng cùng kỳ năm trước, tính chung 6 tháng đầu năm, CPI bình quân tăng 4,23% so với bình quân 6 tháng đầu năm 2017. Nhóm có chỉ số bình quân tăng cao nhất trong 6 tháng qua là nhóm dịch vụ y tế với mức tăng 35,16% so với bình quân cùng kỳ, làm tăng tới 2,31 điểm % trong tổng số 4,23 điểm % tăng chung; tiếp đến là nhóm nhà ở điện nước tăng 5,75%, làm tăng 0,60 điểm %; giao thông tăng 5,71%, làm tăng 0,56 điểm %; chỉ số nhóm lương thực tăng 4,29%, đóng góp vào mức tăng chung 0,14 điểm %; nhóm giáo dục tăng 2,92%, làm tăng 0,15 điểm % tăng chung... Các nhóm còn lại giá tương đối ổn định và tăng nhẹ.

II. MỘT SỐ VẤN ĐỀ XÃ HỘI

1. Công tác giải quyết lao động, việc làm, bảo đảm an sinh xã hội

Công tác tư vấn và giới thiệu việc làm được các ngành chức năng quan tâm thực hiện. Kịp thời cho vay vốn giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động; tổ chức hội nghị công tác tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp năm 2018; chú trọng tư vấn, định hướng về chương trình xuất khẩu lao động, du học vừa học vừa làm tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan cho đối tượng là học sinh lớp 12 khối giáo dục phổ thông, giúp các em có thêm thông tin để lựa chọn ngành nghề học tập và việc làm trong tương lai.

Nhằm kết nối Sàn giao dịch việc làm online của tỉnh với Trung tâm Dịch vụ việc làm của các tỉnh trong khu vực Đồng bằng Bắc Bộ như: Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Dương…, tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp cần tuyển dụng nhân công và người lao động có nhu cầu tìm việc làm, từ tháng 4/2018, tỉnh Vĩnh Phúc duy trì mở phiên giao dịch việc làm vào ngày thứ 5 hàng tuần. Tính đến ngày 15/5/2018, tỉnh đã tổ chức 13 phiên giao dịch việc làm, tuyển được 419 người, tư vấn chính sách lao động việc làm cho 7.263 lượt người và giới thiệu việc làm mới cho 129 người. Năm tháng đầu năm, toàn tỉnh giải quyết việc làm cho 11.489 lao động, trong đó, giải quyết việc làm trong nước cho 11.000 người; đưa 489 người đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.

Chế độ, chính sách cho các đối tượng chính sách, gia đình khó khăn được quan tâm thực hiện kịp thời, đầy đủ theo quy định. Tỉnh đã tổ chức thăm hỏi và tặng quà của Chủ tịch nước và của tỉnh tới đối tượng chính sách là người có công, các đơn vị trực tết và bệnh nhân mắc bệnh nặng không về nhà ăn Tết, góp phần động viên, thăm hỏi kịp thời các đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh. Hoạt động Bảo trợ xã hội và giảm nghèo được chú trọng. Tính đến tháng 6/2018, có 22.250 thẻ BHYT được cấp cho người nghèo, 29.183 thẻ BHYT được cấp cho người cận nghèo, 12.440 đối tượng dân tộc thiểu số và 153.680 trẻ dưới 6 tuổi được cấp thẻ BHYT miễn phí. Nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi và trẻ em, các đơn vị chức năng đã phối hợp tổ chức chương trình khám sàng lọc, phát hiện các bệnh lý về mắt, tai - mũi - họng, tim cho hơn một nghìn người cao tuổi và trẻ em trên địa bàn tỉnh.

Công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em: Trong kỳ, các cấp, các ngành, đoàn thể trên địa bàn tỉnh triển khai nhiều hoạt động truyền thông về quyền trẻ em, tập huấn nâng cao năng lực chăm sóc trẻ em. Một số hoạt động điển hình như: Trao tặng 1.275 suất quà tương ứng với số tiền trên 455,4 triệu đồng cho trẻ em vào dịp Tết Nguyên đán; phát động tháng hành động vì trẻ em năm 2018, triển khai mô hình Hệ thống bảo vệ trẻ em dựa vào cộng đồng; xây dựng kế hoạch phòng chống tai nạn thương tích trẻ em, kế hoạch dạy bơi miễn phí cho trẻ em các huyện, thành phố, thị xã; tặng 20 xe đạp, 130 suất học bổng cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn...

2. Giáo dục và đào tạo

Năm học 2017-2018,ngành giáo dục và đào tạo tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chương trình hành động của Tỉnh ủy về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; rà soát tình hình đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị, danh mục các trường chưa đạt chuẩn quốc gia để làm căn cứ đầu tư giai đoạn tới; xây dựng kế hoạch thực hiện đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát triển năng lực học sinh; Công tác tư vấn hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS được quan tâm và duy trì được lộ trình mục tiêu phân luồng học sinh sau THCS của tỉnh đã đề ra. Tại kỳ thi học sinh giỏi các môn văn hóa cấp quốc gia, Vĩnh Phúc có 70 học sinh đoạt giải, trong đó, có 4 giải Nhất, 32 giải Nhì, 24 giải Ba và 10 giải Khuyến khích. Cuộc thi Olympic tiếng Anh trên internet, Vĩnh Phúc giành 29 huy chương vàng, 31 huy chương bạc và 35 huy chương đồng. Cuộc thi Toán qua Internet, học sinh Vĩnh Phúc đạt 49 huy chương vàng, 43 huy chương bạc, 27 huy chương đồng.

Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2018-2019 khối THPT chuyên và không chuyên diễn ra an toàn, đảm bảo công bằng, khách quan. Chỉ còn ít ngày nữa sẽ diễn ra kỳ thi THPT năm 2018, mọi công tác chuẩn bị về cơ sở vật chất cho kỳ thi đã được hoàn tất. Vĩnh Phúc có 28 điểm thi đều đảm bảo đầy đủ các trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật phục vụ cho việc tổ chức thi với nhiều lần khảo sát, kiểm tra của Sở Giáo dục và Đào tạo. Các Hội đồng thi đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch và có nhiều biện pháp bảo đảm điện lưới, an ninh trật tự, an toàn vệ sinh thực phẩm tại các điểm thi, góp phần để kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế.

3. Y tế, vệ sinh an toàn thực phẩm

Công tác phòng bệnh tiếp tục được quan tâm. Để chủ động ứng phó với dịch sốt xuất huyết trong mùa mưa, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã tăng cường giám sát, phát hiện sớm và khoanh vùng, xử lý ổ dịch; triển khai các chiến dịch vệ sinh môi trường để loại trừ ổ bọ gậy, phun hóa chất diệt muỗi và tuyên truyền, nâng cao ý thức nhân dân trong việc tự phòng bệnh. Bên cạnh đó, Sở Y tế đã chỉ đạo các bệnh viện, cơ sở khám, chữa bệnh đảm bảo tốt công tác khám sàng lọc bệnh nhân, phát hiện sớm ca bệnh và điều trị bệnh kịp thời. Do vậy, đến nay trên địa bàn tỉnh không có bệnh dịch lớn xảy ra.

Công tác tuyên truyền phổ biến Luật An toàn thực phẩm, truyền thông phổ biến kiến thức về an toàn vệ sinh thực phẩm được thực hiện thường xuyên. Sáu tháng đầu năm 2018, các ngành chức năng đã tiến hành thanh kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm tại trên 3.500 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và dịch vụ ăn uống, kịp thời chấn chỉnh những vi phạm. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh đã xẩy ra 01 vụ ngộ độc thực phẩm, với 111 người mắc, không có trường hợp tử vong, hiện nay Sở Y tế tiếp tục phối hợp với Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia tổ chức điều tra dịch tễ, truy xuất nguồn gốc các thực phẩm gây ra ngộ độc trong bữa tiệc.

Công tác truyền thông can thiệp và huy động cộng đồng tích cực tham gia phòng chống HIV/AIDS tiếp tục được đẩy mạnh. Tính đến ngày 30/5/2018, số người nhiễm mới HIV/AIDS trong năm trên địa bàn tỉnh là 59 người, lũy tích số người nhiễm HIV là 4.207 người (trong đó, số người nhiễm HIV có hộ khẩu tại tỉnh là 2.029 người), số người chuyển AIDS là 2.223 người (số có hộ khẩu tại tỉnh là 1.455 người), lũy tích số người tử vong do AIDS là 945 người (755 trường hợp có hộ khẩu tại tỉnh).

4. Các hoạt động văn hoá và thể thao

Tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật, vui chơi giải trí chào mừng các ngày lễ của đất nước và của địa phương, đặc biệt để bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật chèo truyền thống, Nhà hát Chèo tỉnh đã dàn dựng nhiều vở diễn và chương trình nghệ thuật, với nhiều đề tài khác nhau phục vụ nhân dân nhiều địa phương trong tỉnh. Các lễ hội truyền thống được tổ chức có sự chuyển biến tích cực, diễn ra trang trọng, an toàn, tiết kiệm cùng nhiều hoạt động văn hóa, thể thao và các trò chơi dân gian sôi nổi, thu hút đông đảo nhân dân và du khách tham gia; Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá tiếp tục được triển khai gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới. Công tác bảo tồn di sản văn hóa tiếp tục được duy trì và thực hiện tốt. Các hoạt động tuyên truyền cổ động trực quan, tuyên truyền lưu động chào mừng ngày chiến thắng 30/4, Quốc tế lao động 1/5, chiến thắng Điện Biên Phủ 7/5, ngày sinh nhật Bác 19/5, 70 năm ngày Bác Hồ ra lời kêu gọi thi đua ái quốc... được diễn ra rộng khắp.

 Các hoạt động thể dục thể thao được diễn ra sôi nổi. UBND tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với Đài truyền hình Việt Nam tổ chức thàng công Vòng chung kết toàn quốc cuộc thi Sáng tạo Robot Việt Nam 2018. Tổ chức thành công Ngày chạy Olympic vì sức khoẻ toàn dân năm 2018. Phối hợp với Liên đoàn bóng chuyền  tổ chức giải bóng chuyền hạng A toàn quốc, vòng loại, bảng A tại Vĩnh Phúc. Tổ chức thành công lễ khai mạc và thi đấu 14 môn Đại hội Thể dục thể thao tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ V năm 2018. Duy trì tập luyện thường xuyên 12 đội thể thao với 181 vận động viên. Xây dựng kế hoạch, chương trình cho các đội đi thi đấu các giải quốc gia, châu Á và Đông Nam Á năm 2018. Tham gia 17 giải thể thao trong nước và quốc tế đạt tổng số 68 huy chương các loại, trong đó có 18 huy chương vàng, 24 huy chương bạc, 26 huy chương đồng.

5. Tình hình trật tự an toàn xã hội và tai nạn giao thông

Sáu tháng đầu năm 2018, tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội ổn định.  Đã đảm bảo tuyệt đối an toàn các mục tiêu trọng điểm, các đoàn khách và các sự kiện chính trị, xã hội quan trọng diễn ra trên địa bàn tỉnh. Lực lượng công an quyết liệt triển khai các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm, qua đó tỷ lệ các vụ phạm tội về trật tự xã hội, các vụ trọng án được nhanh chóng được điều tra, làm rõ. Công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc phát huy hiệu quả. Công tác phòng chống cháy nổ được quan tâm thực hiện.

Công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông được tăng cường, kết hợp với đẩy mạnh các biện pháp tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người tham gia giao thông. Theo báo cáo của Ban An toàn giao thông tỉnh, tính đến ngày 15/5/2018, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 11 vụ tai nạn giao thông, làm 10  người chết, 4 người bị thương; so với cùng kỳ năm trước, số vụ tai nạn giao thông giảm 04 vụ, số người chết giảm 4 người; số người bị thương giảm 7 người. Qua tuần tra, kiểm soát, lực lượng công an tỉnh đã lập biên biển, ra quyết định xử phạt hơn 3.400 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông, thu hơn 2,7 tỷ đồng nộp ngân sách Nhà nước.

6. Tình hình cháy nổ và bảo vệ môi trường

Công tác phòng chống cháy nổ được quan tâm thực hiện, tuy nhiên trong sáu tháng đầu năm trên địa bàn tỉnh vẫn xảy ra một số vụ cháy lớn như cháy tại nhà máy may Vina Korea, khu công nghiệp Khai Quang, Vĩnh Yên, cháy rừng ở Ngọc Thanh, thành phố Phúc Yên. Theo số liệu báo cáo của Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy tỉnh, tính từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh xảy ra 18 vụ cháy, ước giá trị thiệt hại trên 7,7 tỷ đồng./.

 

luat_sua_doi_ltk

Đang truy cập: 15
Trong ngày: 138
Trong tuần: 1013
Lượt truy cập: 1406179

Xin cho biết ý kiến của bạn về trang thông tin điện tử Cục Thống kê tỉnh Vĩnh Phúc?
Tốt
Khá
Trung bình
Kém

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỤC THỐNG KÊ TỈNH VĨNH PHÚCChung nhan Tin Nhiem Mang

Địa chỉ: Số 20

Lý Thái Tổ - Phường Đống Đa - Thành phố Vĩnh Yên - Tỉnh Vĩnh Phúc

Điện thoại: 0211 3 861 139, Fax: 0211 3 843 841Email: vinhphuc@gso.gov.vn, cuctk@vinhphuc.gov.vn