.::. Cung cấp thông tin đầy đủ, trung thực là trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, đơn vị sự nghiệp, hiệp hội, cơ sở hành chính, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng trên địa bàn .::. .............................................................................................................................................................................................................. ........................................  

Tình hình KT-XH tỉnh Vĩnh Phúc tháng Năm và 5 tháng đầu năm 2019

Lời văn

Số liệu


1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản

1.1. Nông nghiệp

- Trồng trọt: Theo số liệu sơ bộ, tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm vụ đông xuân năm 2019 đạt 54.407 ha, giảm 5,32% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài diện tích rau các loại tăng, các loại cây trồng chủ yếu còn lại đều giảm. Cụ thể: lúa đạt 30.151 ha, giảm 2,76% so với cùng kỳ; ngô 9.536 ha, giảm 23,96%; khoai lang 2.010 ha, giảm 1,79%; đậu tương 990 ha, giảm 10,23%; lạc 1.899 ha, giảm 2,09%; rau các loại 6.845 ha, tăng 1,67% so với cùng kỳ... Hiện nay, phần lớn diện tích lúa đang trong thời kỳ vào hạt, chắc xanh; một số diện tích lúa xuân sớm đã chín và đang được thu hoạch.

Thời tiết vụ đông xuân năm nay tương đối thuận lợi cho phát triển của cây trồng, tình hình sâu bệnh hại được phòng trừ kịp thời và kiểm soát tốt nên năng suất các loại cây trồng nhìn chung đạt khá so với cùng kỳ năm trước. Nếu thời tiết không có những diễn biến bất thường, năng suất, sản lượng một số loại cây trồng chính ước đạt như sau: Năng suất lúa ước đạt 62,72 tạ/ha, tuy giảm 0,51% so với cùng kỳ nhưng vẫn là vụ tiếp tục được mùa, sản lượng ước đạt 189.092 tấn, giảm 3,26% so với cùng kỳ; ngô ước đạt 46,94 tạ/ha, tăng 4,01%, sản lượng ước đạt 44.764 tấn, giảm 20,9%; khoai lang ước đạt 114,09 tạ/ha, tăng 7,04%, sản lượng ước đạt 22.929 tấn, tăng 5,13%; đậu tương ước đạt 20,17 tạ/ha, tăng 5,05%, sản lượng ước đạt 1.996 tấn, giảm 5,7%; lạc ước đạt 21,53 tạ/ha, tăng 4,33%, sản lượng ước đạt 4.087 tấn, tăng 2,13%; rau các loại ước đạt 231,52 tạ/ha, tăng 5,68%, sản lượng ước đạt 155.519 tấn, tăng 7,63% so với cùng kỳ năm 2018...

- Chăn nuôi: Tình hình chăn nuôi trên địa bàn tiếp tục gặp khó khăn do giá bán các sản phẩm chăn nuôi vẫn ở mức thấp, sản phẩm chậm tiêu thụ, tình hình bệnh Dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) tiếp tục diễn biến phức tạp, có chiều hướng lây lan nhanh... Mặc dù công tác phòng, chống dịch đã được các cấp, các ngành vào cuộc quyết liệt, thực hiện đồng bộ các giải pháp để ngăn chặn bệnh DTLCP lây lan. Tuy nhiên, số hộ chăn nuôi lợn nhỏ lẻ trên địa bàn tỉnh còn chiếm tỷ lệ lớn trong tổng số hộ có nuôi lợn, nhiều hộ còn chủ quan, lơ là chưa thực hiện tốt vệ sinh, khử trùng tiêu độc, phòng, chống dịch theo hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn nên bệnh DTLCP có chiều hướng lan rộng. Tính đến ngày 23/5/2019, trên địa bàn tỉnh bệnh DTLCP đã xảy ra tại 9/9 huyện, thành phố. Trước tình hình diễn biến phức tạp của DTLCP, UBND tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống DTLCP trên địa bàn tỉnh và tái cơ cấu lại đàn lợn trong thời điểm hiện nay. Trong đó, tuyên truyền, khuyến cáo đến người chăn nuôi tăng cường chăm sóc, nuôi dưỡng, phòng dịch, đẩy nhanh xuất chuồng khi lợn đến tuổi xuất chuồng; không tăng quy mô, số lượng đầu con trong thời gian có DTLCP trên địa bàn, việc tái đàn phải theo hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.  

Trong tháng, các đơn vị chức năng đã hoàn thành công tác tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm và phun thuốc khử trừng tiêu độc chuồng trại, môi trường chăn nuôi đợt I năm 2019 theo kế hoạch. Công tác kiểm tra, giám sát ngăn chặn buôn bán, vận chuyển gia súc, gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm không qua kiểm dịch của cơ quan chức năng tiếp tục được tăng cường và thực hiện nghiêm túc.

1.2. Lâm nghiệp

Tháng Năm, thời tiết mưa nhiều thuận lợi cho sản xuất lâm nghiệp, nhất là với công tác trồng và chăm sóc diện tích rừng tập trung. Công tác chuẩn bị hiện trường trồng rừng mới theo kế hoạch đang được các đơn vị sản xuất lâm nghiệp khẩn trương thực hiện. Đến nay, toàn tỉnh đã trồng được 315 ha rừng trồng mới tập trung, tăng 3,11% so với cùng kỳ và đạt 45% kế hoạch năm; số cây lâm nghiệp trồng phân tán là 900 nghìn cây; sản lượng gỗ khai thác trong tháng ước đạt 2.850 m3, tăng 3,61%; sản lượng củi khai thác ước đạt 6.320 ste, tăng 0,95% so với cùng kỳ.

Công tác phòng chống cháy rừng tiếp tục được tăng cường, lực lượng kiểm lâm thường xuyên phối hợp với chủ rừng thực hiện việc tuyên truyền bảo vệ rừng nên cho đến nay trên địa bàn tỉnh chưa xảy ra vụ cháy rừng nào.

1.3. Thuỷ sản

Sản xuất thuỷ sản trong tháng ổn định. Diện tích nuôi trồng thủy sản ước đạt 5.308 ha, tăng 0,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó chủ yếu là diện tích nuôi cá với 5.305,5 ha. Sản lượng nuôi trồng thủy sản trong tháng ước đạt 1.698 tấn, tăng 6,6% so với cùng kỳ. Tính chung 5 tháng đầu năm sản lượng thủy sản nuôi trồng đạt 8.096 tấn, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm 2018.

2. Sản xuất công nghiệp

2.1 Chỉ số sản xuất

Chỉ số sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh tháng Năm tăng 2,6% so với tháng trước và tăng 12,31% so với cùng kỳ năm trước. Chia theo ngành kinh tế cấp I, các ngành tăng, giảm tương ứng so với tháng trước và cùng kỳ như sau: ngành công nghiệp khai khoáng tăng 2,37% và giảm 5,58%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 2,61% và tăng 12,35%; ngành sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hoà không khí tăng 2,64% và tăng 16,84%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải tăng 0,69% so tháng trước và tăng 5,42% so cùng kỳ năm trước.

Tính chung 5 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 12,06% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức tăng 15,91% của 5 tháng 2018 nhưng cao hơn mức tăng 11,11% của 5 tháng 2017. Trong các ngành công nghiệp cấp II, một số ngành có chỉ số sản xuất 5 tháng đầu năm 2019 tăng cao so với cùng kỳ năm trước, đóng góp tích cực vào tăng trưởng chung của toàn ngành công nghiệp: Ngành sản xuất linh kiện điện tử tiếp tục dẫn đầu với mức tăng 45,12%; sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất tăng 44,65%; ngành chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa tăng 41,03% %; ngành sản xuất kim loại tăng 27,12%; ngành sản xuất các sản phẩm từ khoáng phi kim loại tăng 19,66.... Tuy vậy , vẫn có 9/24 ngành công nghiệp cấp II của tỉnh có chỉ số sản xuất giảm so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành sản xuất xe có động cơ giảm 6,15% do những tháng đầu năm, lượng xe nhập khẩu tăng, xe sản xuất lắp ráp trong nước chưa chiếm được thị phần cao trong tổng lượng xe tiêu thụ, dẫn đến sản lượng sản xuất giảm; ngành sản xuất phương tiện vận tải giảm 9,77% do nhu cầu thị trường đang có xu hướng giảm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý, xử lý rác thải giảm 4,55%; ngành sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic giảm 4,05%...

2.2. Sản phẩm công nghiệp chủ yếu

Khối lượng sản xuất một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu trong tháng Năm đều tăng so với tháng trước. Cụ thể: Thức ăn gia súc ước đạt 22.845 tấn, tăng 1,85% so với tháng trước; quần áo các loại 6.058 nghìn cái, tăng 4,40%; giày thể thao 585 nghìn đôi, tăng 1,64%; gạch ốp lát 12.703 nghìn m2, tăng 4,34%; máy điều hòa không khí 2.896 cái, tăng 1,37%; xe ô tô các loại 5.094 chiếc, tăng 4,60%; xe máy các loại 145.552 chiếc, tăng 1,92%... Tính chung 5 tháng đầu năm, một số sản phẩm có khối lượng tăng khá so với cùng kỳ như: Giày thể thao đạt 2.764 nghìn đôi, tăng 24,45%; gạch ốp lát 58.153 ngàn m2, tăng 19,66%; máy điều hòa không khí 9.857 cái, tăng 24,08%... Trong khi, một số sản phẩm có khối lượng sản xuất giảm so với cùng kỳ như: xe ô tô các loại 5 tháng đầu năm đạt 24.012 chiếc, giảm 6,15%; xe máy các loại đạt 724.411 chiếc, giảm 9,77% so với cùng kỳ năm 2018...

2.3. Chỉ số sử dụng lao động

Chỉ số sử dụng lao động trong các doanh nghiệp công nghiệp trên địa bàn tháng Năm tăng 1,06% so với tháng trước và tăng 0,29% so với cùng kỳ. Số lượng lao động trong các doanh nghiệp tương đối ổn định. Hầu hết các ngành đều có chỉ số lao động tăng so tháng trước. Chia theo loại hình, doanh nghiệp Nhà nước có chỉ số sử dụng lao động giảm, trong khi doanh nghiệp ngoài quốc doanh và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đều có chỉ số tăng.

2.4. Chỉ số tiêu thụ, tồn kho

Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng Năm tăng 4,06% so với tháng trước và tăng 2,66% so với cùng kỳ. Bước vào mùa hè, nhu cầu lắp đặt điều hòa, quạt, các thiết bị làm mát tăng cao, nên chỉ số tiêu thụ ngành sản xuất thiết bị điện và ngành sản xuất máy móc thiết bị khác tăng khá cao: Ngành sản xuất thiết bị điện tăng 3,33% so tháng trước và tăng 68,38% so với cùng kỳ; tương ứng, ngành ngành sản xuất thiết bị điện và ngành sản xuất máy móc thiết bị khác chưa được phân vào đâu tăng 2,76% và 37,52%. Ngành sản xuất ô tô sau khi sụt giảm số lượng bán ra trong tháng trước (chỉ số tiêu thụ tháng Tư giảm 10,96% so tháng trước và giảm 8,18% so cùng kỳ), các nhà sản xuất đã đưa ra các chính sách ưu đãi lớn vào tháng Năm nhằm cạnh tranh hàng nhập khẩu, nên dự kiến chỉ số tiêu thụ của ngành tháng Năm tăng 5,2% so với tháng trước, nhưng so với cùng kỳ vẫn giảm 5,46%.

Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng Năm giảm 6,76% so với tháng trước. Một số ngành có chỉ số tồn kho giảm như ngành sản xuất các phương tiện vận tải, giảm 26,74%; ngành sản xuất da và các sản phẩm có liên quan, giảm 5,87%... Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm trước, chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng tới 30,88%.

3. Đầu tư, xây dựng

Trong tháng Năm, các công trình, dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh tiếp tục được các cấp, các ngành và địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải quyết trình tự thủ tục các dự án. Vì vậy, tổng vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý trong tháng được duy trì ổn định và đảm bảo. Dự kiến, tổng vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý tháng Năm đạt 460,2 tỷ đồng, tăng 5,29% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh là 301,1 tỷ đồng, tăng 3,66%; vốn ngân sách cấp huyện là 123,7 tỷ đồng, tăng 10,26%; vốn ngân sách cấp xã là 35,3 tỷ đồng, tăng 2,86% so với cùng kỳ. Tính chung 5 tháng đầu năm, tổng vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý đạt 2.159,4 tỷ đồng, tăng 2,83% so với cùng kỳ và đạt 34,65% kế hoạch giao vốn đầu năm.

4. Thương mại, dịch vụ và giá cả

4.1. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng

Tình hình kinh doanh thương mại và dịch vụ trên địa bàn tỉnh trong tháng ổn định, kết quả lưu chuyển hàng hóa và dịch vụ đáp ứng đủ nhu cầu cho sản xuất và tiêu dùng của dân cư. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng Năm ước đạt 4.450,2 tỷ đồng, tăng 4,42% so với tháng trước và tăng 12,49% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 3.845 tỷ đồng, tăng 13,06%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 337,8 tỷ đồng, tăng 6,83%; doanh thu du lịch lữ hành đạt 9,1 tỷ đồng, tăng 12,24%; doanh thu dịch vụ khác đạt 258,1 tỷ đồng, tăng 11,99% so với cùng kỳ năm trước. Trong tháng, một số nhóm ngành hàng chiếm tỷ trọng lớn trong tổng mức bán lẻ tiếp tục có mức tăng khá như: nhóm lương thực, thực phẩm, chiếm 21,6% tổng mức, tăng 14,07% so với cùng kỳ; nhóm gỗ và vật liệu xây dựng, chiếm 32,5%, tăng 13,82%; nhóm hàng hóa khác, chiếm 12%, tăng 18,94%...

Tính chung 5 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 20.977 tỷ đồng, tăng 9,89% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, kinh tế nhà nước đạt 144,8 tỷ đồng, tăng 9,24%; kinh tế ngoài nhà nước đạt 4.047,5 tỷ đồng, tăng 20,77%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 257,9 tỷ đồng, tăng 10,64% so với cùng kỳ.

4.2. Vận tải hành khách và hàng hoá

Dự kiến trong tháng Năm, khối lượng vận chuyển hành khách đạt 2.126 ngàn người, tăng 0,9% so với tháng trước và tăng 9,74% so với cùng kỳ năm trước; luân chuyển hành khách đạt 142 triệu người.km, so với tháng trước và cùng kỳ năm trước tăng lần lượt là 0,90% và 7,59%. Vận chuyển hàng hóa đạt 2.733 ngàn tấn, tăng 0,27% so với tháng trước và tăng 5,44% so với cùng kỳ; luân chuyển hàng hóa đạt 202 triệu tấn.km, so với tháng trước tăng 6,08%, so cùng kỳ năm trước tăng 6,08%.

Tính chung 5 tháng đầu năm, vận chuyển hành khách đạt 10.671 ngàn người, tăng 4,72%; luân chuyển hành khách đạt 705 triệu người.km, tăng 4,95% so cùng kỳ; vận chuyển hàng hóa đạt 13.626 ngàn tấn, tăng 7,21%; luân chuyển hàng hóa đạt 1.024 triệu tấn.km, tăng 6,93% so cùng kỳ.

Tổng doanh thu vận tải tháng Năm ước đạt 364,6 tỷ đồng, tăng 0,64% so với tháng trước và tăng 11,54% so cùng kỳ. Trong đó, vận tải hành khách đạt 81,3 tỷ đồng, tăng 11,79%; vận tải hàng hóa 271,5 tỷ đồng, tăng 11,23% so cùng kỳ. Tính chung 5 tháng đầu năm, tổng doanh thu vận tải đạt 1.794 tỷ đồng, tăng 9,14% so với cùng kỳ.

4.3. Chỉ số giá

Giá xăng dầu, giá điện đồng loạt có sự điều chỉnh tăng, những diễn biến của dịch tả lợn Châu Phi là những yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng; tuy vậy, việc kiên định chính sách tiền tệ linh hoạt giữ vững mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ góp phần kiềm chế lạm phát. CPI trên địa bàn tỉnh tháng Năm giảm 0,11% so với tháng trước, tăng 0,91% so với cùng kỳ và tăng 0,87% so tháng 12 năm trước. Tính chung 5 tháng đầu năm, CPI tăng 1,54% so với cùng kỳ. Đây là mức tăng bình quân 5 tháng đầu năm thấp nhất trong 3 năm gần đây (năm 2017 tăng 3,86%; năm 2018 tăng 3,99%).

Trong 11 nhóm hàng chủ yếu, có 2 nhóm hàng ghi nhận mức chỉ số tăng so với tháng trước là: Nhóm giao thông tăng 2,91% do có sự điều chỉnh giá xăng dầu của Tập đoàn xăng dầu Việt Nam vào ngày 02/5 và ngày 17/5/2019; nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 1,02%, trong đó, chỉ số giá điện và nước sinh hoạt tăng lần lượt là 3,04% và 0,21% so với tháng trước; kéo theo giá các mặt hàng trong nhóm vật liệu xây dựng đều có sự điều chỉnh tăng giá. Trong tháng, có 3 nhóm hàng có chỉ số giảm là: Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 1,56% nguyên nhân do ảnh hưởng của dịch tả lợn Châu Phi gây tâm lý e ngại, hạn chế tiêu dùng thịt lợn và các sản phẩm từ thịt làm cho giá thịt lợn giảm 8,23%, nội tạng động vật giảm 6,17%; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,13%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác giảm 0,01%. Các nhóm còn lại giá tương đối ổn định.

Giá vàng trên địa bàn tỉnh giảm nhẹ, chỉ số giá trong tháng giảm 0,08% so với tháng trước, giá vàng bình quân trên thị trường tự do là 3.563 nghìn đồng/chỉ. Giá đô la Mỹ bình quân chung của cả tháng Năm tăng 0,34% so với tháng trước, mức giá bán bình quân phổ biến là 22.607 đồng/USD.

5. Tài chính, ngân hàng, bảo hiểm

5.1. Tình hình thu, chi ngân sách Nhà nước

Tháng Năm, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tiếp tục duy trì tiến độ khả quan, chi ngân sách đáp ứng kịp thời các yêu cầu đầu tư phát triển, chi trả nợ, đảm bảo quốc phòng, an ninh và hoạt động của bộ máy nhà nước. Tổng thu ngân sách trên địa bàn tính đến 20/5/2019 đạt 12.424 tỷ đồng, bằng 44,7% dự toán. Trong đó, thu nội địa đạt 10.926 tỷ đồng, bằng 45,07% dự toán; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 1.474 tỷ đồng, bằng 41,53% dự toán. Trong thu nội địa, một số khoản thu chiếm tỷ trọng lớn và đạt mức thu khá như: Thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 7.678 tỷ đồng, bằng 38,63% dự toán; thu từ thuế thu nhập cá nhân đạt 367 tỷ, bằng 51,73% dự toán; các khoản thu về nhà đất đạt 1.648 tỷ đồng, bằng 241% so dự toán...

Tổng chi ngân sách nhà nước trên địa bàn đến 20/5/2019 thực hiện đạt 6.577 tỷ đồng, bằng 38,96% so với dự toán năm, trong đó chi thường xuyên đạt 3.248 tỷ đồng, bằng 36,89%; chi đầu tư phát triển đạt 3.299 tỷ đồng, bằng 53,95% dự toán năm.

5.2. Hoạt động ngân hàng, tín dụng

Tháng Năm, mặt bằng lãi suất của các tổ chức tín dụng được duy trì ổn định. Lãi suất huy động phổ biến ở mức 4,5-7,3%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng trở lên. Lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 6-9%/năm; các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường ở mức 6,8-10,5%/năm.

Tổng nguồn vốn huy động dự kiến đến 31/5/2019 đạt 75.120 tỷ đồng, tăng 8,85% so với cuối năm 2018. Trong đó, tiền gửi các tổ chức kinh tế là 30.995 tỷ đồng, tăng 9,73%; tiền gửi tiết kiệm là 43.380 tỷ đồng, tăng 8,36%; phát hành giấy tờ có giá là 745 tỷ đồng, giảm 1,64% so với cuối năm 2018. Tổng dư nợ cho vay dự kiến đến 31/5/2019 đạt 70.350 tỷ đồng, tăng 4,59% so với cuối năm 2018. Trong đó, dư nợ cho vay ngắn hạn đạt 44.870 tỷ đồng, tăng 5,22%, chiếm 63,78% tổng dư nợ; dư nợ cho vay trung và dài hạn đạt 25.480 tỷ đồng, tăng 3,51% so với cuối năm 2018; chiếm 36,22% tổng dư nợ.

Các tổ chức tín dụng trên địa bàn tiếp tục thực hiện các giải pháp xử lý nợ xấu nhằm kiểm soát nợ xấu ở mức an toàn. Thực hiện nghiêm các quy định về cấp tín dụng, an toàn hoạt động, cơ cấu lại nợ nhằm hạn chế nợ xấu phát sinh và nâng cao chất lượng tín dụng. Nợ xấu toàn địa bàn đến hết tháng 5 năm 2019 ước là 720 tỷ, chiếm tỉ lệ 1,02% trên tổng dư nợ.

5.3. Bảo hiểm

Kết quả thu bảo hiểm xã hội trong tháng Năm ước đạt 409 tỷ đồng, đưa lũy kế đến hết tháng Năm đạt 1.791 tỷ, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2018 và đạt 40% so với kế hoạch giao. Trong đó, thu bảo hiểm xã hội bắt buộc đạt 1.203,4 tỷ đồng, thu bảo hiểm xã hội tự nguyện đạt 11,1 tỷ đồng, thu bảo hiểm thất nghiệp đạt 91,7 tỷ đồng, thu bảo hiểm y tế đạt 474,6 tỷ đồng…

Trong tháng, Bảo hiểm xã hội tỉnh Vĩnh Phúc đã thực hiện chi đúng, chi đủ, kịp thời cho các đối tượng thụ hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế với tổng số tiền là 307 tỷ đồng (trong đó: Chi bảo hiểm xã hội là 224,4 tỷ đồng, chi bảo hiểm y tế là 101,4 tỷ đồng). Cụ thể: giải quyết hưởng bảo hiểm xã hội hàng tháng cho 56 người; giải quyết hưởng bảo hiểm xã hội một lần cho 551 người; giải quyết ốm đau, thai sản, dưỡng sức cho 2.206 lượt người; giải quyết cho 586 lượt người hưởng bảo hiểm thất nghiệp.

6. Một số vấn đề xã hội

6.1. Tình hình giáo dục

Hiện nay, các trường trong hệ thống giáo dục phổ thông các cấp trên địa bàn tỉnh đã hoàn thành xong các kỳ thi kiểm tra cuối năm học và chuẩn bị cho Lễ Bế giảng năm học 2018 – 2019. Năm học vừa qua, ngành Giáo dục và Đào tạo Vĩnh Phúc tiếp tục có bước tiến tương đối toàn diện, số lượng học sinh giỏi ổn định ở mức cao và mở rộng ở nhiều đối tượng học sinh. Trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia lớp 12, toàn tỉnh có 79 học sinh đoạt giải, chiếm tỷ lệ cao nhất từ trước đến nay (87,8%) gồm 2 giải nhất, 31 giải nhì, 28 giải ba và 18 giải khuyến khích; có 11 học sinh ở các bộ môn: Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học được dự thi vòng 2 chọn đội tuyển thi Olympic quốc tế. Đặc biệt, có 01 học sinh lớp 12 Chuyên Vĩnh Phúc đạt điểm số cao nhất trong đội tuyển toán quốc gia dự thi Olympic toán quốc tế tại Vương quốc Anh vào tháng 7/2019.

Ngoài các cuộc thi do Sở Giáo dục và Đào tạo và Bộ Giáo dục và Đào tổ chức, học sinh Vĩnh Phúc cũng tích cực tham gia các cuộc thi giao lưu với các địa phương trong và ngoài nước như Giải Toán, Vật lý, Tiếng Anh trên Internet, giải bài trên tạp chí Toán học và tuổi trẻ, Vật lý và tuổi trẻ, Tìm kiếm tài năng Toán học Việt Nam MYTS, Toán Kangaroo quốc tế IKMC, Giao lưu Câu lạc bộ Toán tuổi thơ, Ngày hội Trạng nguyên nhỏ tuổi…thông qua các cuộc thi nhằm đẩy mạnh hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, mỗi trường học phải là một địa chỉ đỏ, nơi ươm ước mơ, sáng tạo, khuyến khích tài năng phát triển, hướng tới khởi nghiệp thành công và là môi trường tốt nhất để các em học tập, rèn luyện phẩm chất đạo đức và thể chất để trở thành những công dân có ích cho xã hội.

6.2. Hoạt động văn hóa, thể thao

Tháng Năm, Sở Văn hóa, Thể thao và du lịch Vĩnh Phúc đã tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm ngày lễ lớn của tỉnh cũng như của đất nước: Kỷ niệm 44 năm Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước 30/4 (1975- 2019); 133 năm Ngày Quốc tế lao động 1/5 (1886 - 2019);  65 năm Ngày chiến thắng Điện Biên Phủ 7/5 (1954 -2019); 129 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh 19/5 (1890 - 2019) với các hoạt động tuyên tuyền cổ động, tổ chức triển lãm.... Trong tháng,  Trung tâm Văn hóa tỉnh tham gia “Liên hoan Tuyên truyền lưu động kỷ niệm 60 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh và truyền thống Bộ đội Trường Sơn” do Cục Văn hóa tổ chức với chuỗi các ca khúc cách mạng nêu cao giá trị, ý nghĩa lịch sử và tầm vóc thời đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước; khơi dậy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần đại đoàn kết, niềm tự hào và ý chí tự lực, tự cường dân tộc; góp phần củng cố, bồi đắp niềm tin của nhân dân vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đổi mới và hội nhập quốc tế dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Vòng chung kết giải Bóng đá Hội khỏe Phù Đổng học sinh Tiểu học và THCS toàn quốc – Cúp Nestle Milo lần thứ XVII năm 2019 - khu vực I tổ chức từ ngày 16 đến ngày 20/5/2019 với hơn 100 vận động viên đến từ 6 đội bóng đá Tiểu học, 3 đội bóng đá THCS của 7 tỉnh khu vực I (Bắc Giang, Hà Giang, Lào Cai, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Phú Thọ ,Vĩnh Phúc). Kết quả, cả 2 đội bóng đá Tiểu học và THCS của Vĩnh Phúc đã xuất sắc đạt 2 Giải Nhất. Đây là cơ hội cọ sát, học hỏi và giao lưu ý nghĩa giữa các đoàn, các cầu thủ nhằm thúc đẩy phong trào thể dục thể thao nói chung, môn bóng đá học sinh các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc nói riêng, qua đó để các tỉnh, thành phát hiện những năng khiếu bóng đá trẻ, góp phần cho công tác tuyển chọn, bồi dưỡng và đào tạo tài năng bóng đá cho đội bóng nước nhà.

6.3. Tình hình y tế

Trong tháng, trên địa bàn tỉnh không có dịch xảy ra, cơ cấu bệnh truyền nhiễm ổn định, các bệnh truyền nhiễm có xu hướng giảm hơn so với cùng kỳ năm 2018. Chỉ xuất hiện rải rác các ca bệnh tại các địa phương như: viêm gan virut B, quai bị, tiêu chảy, tay - chân - miệng. Một số bệnh có xu hướng tăng hơn so với cùng kỳ năm 2018 như: sốt phát ban nghi sởi, thủy đậu, cúm... Ngành Y tế đã chủ động theo dõi giám sát tình hình các bệnh dịch, chỉ đạo các đơn vị y tế chủ động phòng chống dịch, tập trung kiểm tra, giám sát và tổ chức điều trị kịp thời cho người bệnh không để dịch bệnh lây lan, không có bệnh nhân tử vong do dịch. Công tác tiêm chủng được thực hiện đầy đủ, an toàn, đúng quy định; công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản được thực hiện thường xuyên và có hiệu quả; hoạt động phòng chống HIV/AIDS được thực hiện đầy đủ, đẩy mạnh công tác can thiệp giảm tác hại, giám sát, tư vấn, chăm sóc và điều trị ARV. Hoạt động truyền thông, Sức khỏe môi trường - y tế trường học, phòng chống bệnh nghề nghiệp,... đều hoàn thành đúng chỉ tiêu.

Hưởng ứng “Tháng hành động về An toàn thực phẩm” năm 2019 với chủ đề “ Nói không với thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”. Ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm các cấp đã tổ chức chiến dịch truyền thông nâng cao nhận thức, hiểu đúng, thực hiện đúng Luật An toàn thực phẩm và các văn bản pháp luật có liên quan; hướng dẫn sản xuất, kinh doanh, bảo quản và tiêu dùng thực phẩm an toàn; thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành thực hiện kiểm tra hoạt động bảo đảm và chấp hành quy định an toàn vệ sinh thực phẩm của các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm; xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm. Tính đến ngày 17/5/2019, trên địa bàn tỉnh không xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm nào.

6.4. Tình hình an ninh trật tự và phòng, chống cháy nổ

Tình hình an toàn giao thông: Những năm gần đây, do nhu cầu đi du lịch vào các dịp nghỉ lễ của người dân tăng cao nên lưu lượng phương tiện và người tham gia giao thông tăng nhanh. Tuy nhiên, ý thức của một bộ phận người tham gia giao thông chưa cao, vẫn tồn tại nhiều hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông. Nhằm nâng cao nhận thức và ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, xây dựng văn hóa giao thông an toàn trong mọi tầng lớp nhân dân, Chủ tịch UBND đã ban hành Chỉ thị số 05 về tăng cường thực hiện các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh. Theo đó, lực lượng Công an cần phải thường xuyên tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông, nhất là các vi phạm tiềm ẩn nguy cơ cao gây tai nạn giao thông, các lỗi trực tiếp gây tai nạn giao thông như: Vi phạm quy định về nồng độ cồn, tốc độ, đi không đúng làn đường, chở quá tải, quá số người quy định; dừng, đỗ sai quy định; không đội mũ bảo hiểm. Đặc biệt, tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm đối với lái xe sử dụng ma túy; tập trung thực hiện ở những tuyến quốc lộ, tỉnh lộ trọng điểm, thường xuyên xảy ra tai nạn, ùn tắc giao thông. Theo báo cáo của Ban An toàn giao thông tỉnh, từ ngày 16/4/2018 đến ngày 15/5/2019, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 02 vụ tai nạn giao thông, làm 01 người chết, 02 người bị thương, nâng tổng số vụ tai nạn giao thông trong 5 tháng đầu năm lên 13 vụ, làm 17 người chết, 10 người bị thương.

Tình hình cháy nổ: Trong tháng, trên địa bàn tỉnh xảy ra 01 vụ cháy bãi tập kết lốp xe ô tô của hộ kinh doanh ở xã Trung Nguyên - huyện Yên Lạc, thiệt hại 30 triệu đồng, nguyên nhân gây cháy do sơ suất, bất cẩn của hộ dân. Lũy kế từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh xảy ra 10 vụ cháy, nổ, ước tính giá trị thiệt hại trên 4,9 tỷ đồng.

Công tác bảo vệ môi trường: Theo số liệu của Sở Tài nguyên và Môi trường, trong tháng Năm đã phát hiện và xử lý 01 vụ vi phạm môi trường với số tiền phạt là 6 triệu đồng. Lũy kế từ đầu năm trên địa bàn tỉnh phát hiện và xử lý 04 vụ vi phạm môi trường với số tiền bị phạt 123,67 triệu đồng./.

 

luat_sua_doi_ltk

Đang truy cập: 9
Trong ngày: 581
Trong tuần: 1483
Lượt truy cập: 1428788

Xin cho biết ý kiến của bạn về trang thông tin điện tử Cục Thống kê tỉnh Vĩnh Phúc?
Tốt
Khá
Trung bình
Kém

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỤC THỐNG KÊ TỈNH VĨNH PHÚCChung nhan Tin Nhiem Mang

Địa chỉ: Số 20

Lý Thái Tổ - Phường Đống Đa - Thành phố Vĩnh Yên - Tỉnh Vĩnh Phúc

Điện thoại: 0211 3 861 139, Fax: 0211 3 843 841Email: vinhphuc@gso.gov.vn, cuctk@vinhphuc.gov.vn