.::. Cung cấp thông tin đầy đủ, trung thực là trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, đơn vị sự nghiệp, hiệp hội, cơ sở hành chính, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng trên địa bàn .::. .............................................................................................................................................................................................................. ........................................  

Tình hình KT-XH tỉnh Vĩnh Phúc tháng Mười và 10 tháng năm 2019 

1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản

1.1. Sản xuất nông nghiệp

- Trồng trọt: Hiện nay, bà con nông dân trong tỉnh đã cơ bản thu hoạch xong vụ Mùa và khẩn trương gieo trồng cây vụ Đông. Tính đến 15/10/2019 toàn tỉnh đã gieo trồng được 11.738 ha, bằng 91,15% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngô 5.560 ha, bằng 84,64%; khoai lang 1.222 ha, bằng 99,43%; đậu tương 668 ha, bằng 77,56%; lạc 145 ha, bằng 96,87%; rau các loại 3.118 ha, tăng 2,21% so với cùng kỳ... Theo đánh giá của các địa phương, diện tích gieo trồng các loại cây màu vụ Đông 2019-2020 tiếp tục giảm so với vụ đông 2018-2019, nhiều diện tích sẽ không được gieo trồng, nguyên nhân chủ yếu là do sản xuất vụ Đông chi phí lớn, phải sử dụng nhiều công lao động, hiệu quả kinh tế không cao.

-Chăn nuôi: Chăn nuôi gia cầm trên địa bàn tỉnh từ đầu năm đến nay phát triển khá tốt, không có dịch bệnh lớn xảy ra, các sản phẩm sản xuất ra có thị trường tiêu thụ tương đối ổn định nên người dân yên tâm tập trung phát triển sản xuất. Mặt khác, tháng Mười cũng là tháng các hộ chăn nuôi vào đàn để chuẩn bị sản phẩm cung cấp cho thị trường vào dịp Tết Nguyên đán nên số lượng đầu con tăng khá so với cùng kỳ.

Tình hình chăn nuôi lợn vẫn gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của bệnh Dịch tả lợn Châu phi (DTLCP) diễn biến phức tạp đã gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi. Mặc dù hiện nay giá lợn hơi đã có mức tăng cao nhưng do tâm lý lo ngại dịch bệnh bùng phát trở lại mà nhiều hộ chăn nuôi vẫn chưa dám tái đàn. Trước tình hình đó, UBND tỉnh đã ban hành văn bản chỉ đạo các địa phương trên địa bàn tỉnh tiếp tục phòng, chống bệnh DTLCP và cơ cấu lại ngành chăn nuôi.

Số lượng đàn gia súc, gia cầm tại thời điểm 01/10/2019 như sau: Đàn trâu có 17.882 con, giảm 1,31% so với cùng thời điểm năm trước; đàn bò 109.058 con, giảm 1,75% (trong đó có 12.550 con bò sữa, tăng 8,19%); đàn lợn (không kể lợn con theo mẹ) 455.250 con, giảm 28,03%; đàn gia cầm 11.050 nghìn con, tăng 5,38% so với cùng thời điểm năm 2018. Tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 98.920 tấn, giảm 9,02%; trong đó, thịt lợn 65.124 tấn, giảm 14,62% so với cùng kỳ.

1.2. Sản xuất lâm nghiệp

Đến nay, các đơn vị sản xuất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh trồng đ­ược 700 ha rừng trồng mới tập trung, tăng 1,45% so với cùng kỳ; trong đó, rừng sản xuất 629 ha, còn lại là rừng phòng hộ và rừng đặc dụng. Công tác bảo vệ, chăm sóc và nuôi dưỡng rừng được quan tâm thực hiện với 9.631 ha rừng hiện có; khoanh nuôi tái sinh, phục hồi rừng được Vườn Quốc gia Tam Đảo duy trì thường xuyên với diện tích 160 ha, số cây lâm nghiệp trồng phân tán ước đạt 1.600 nghìn cây, tăng 1,2% so với cùng kỳ. Sản lượng gỗ khai thác mười tháng đầu năm ước đạt 33.237 m3, tăng 3,71% so với cùng kỳ; sản lượng củi khai thác 44.142 Ste, tăng 1,66%.

1.3. Sản xuất thuỷ sản

Sản xuất thủy sản trên địa bàn tỉnh mười tháng đầu năm phát triển ổn định, công tác phòng chống dịch bệnh, ứng phó thiên tai được người dân quan tâm thực hiện đồng bộ với nhiều giải pháp hiệu quả. Cùng với đó, giá các sản phẩm thủy sản luôn ở mức khá, chất lượng thủy sản ngày càng được nâng cao, đáp ứng tốt yêu cầu của thị trường và đem lại thu nhập cho người nuôi.

Diện tích nuôi trồng thủy sản mười tháng đầu năm ước đạt 6.801 ha, tăng 0,1% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng thủy sản đạt 18.434 tấn, tăng 4,89% so với cùng kỳ. Trong đó, sản lượng khai thác đạt 1.684 tấn, giảm 1,59%; sản lượng nuôi trồng đạt 16.750 tấn, tăng 5,59% so với cùng kỳ năm trước.

2. Sản xuất công nghiệp

2.1. Chỉ số sản xuất

Tình hình sản xuất công nghiệp tháng Mười và mười tháng đầu năm 2019 đạt kết quả tăng khá so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tiếp tục đóng vai trò chủ chốt, thúc đẩy tăng trưởng chung và duy trì ở mức tăng trưởng hai con số; ngành sản xuất và phân phối điện bảo đảm đáp ứng tốt cho hoạt động sản xuất và sử dụng của người dân.

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng Mười tăng 8,45% so với cùng kỳ năm trước, trong đó ngành khai khoáng giảm 23,75%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,29%; ngành sản xuất, phân phối điện tăng 20,97%; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 28,87%.

 

Chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp tháng 10 năm 2019 (%)

ktxh102019_1

 

Tính chung mười tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tính tăng 11,67%  so với cùng kỳ, thấp hơn mức tăng 14,57% của cùng kỳ năm 2018 nhưng cao hơn mức tăng 4,24% và 10,99% của cùng kỳ năm 2016 và năm 2017. Trong các ngành công nghiệp cấp II, một số ngành chiếm tỷ trọng lớn có chỉ số sản xuất mười tháng tăng cao so với cùng kỳ năm trước, đóng góp chủ yếu vào tăng trưởng chung của toàn ngành công nghiệp như: Ngành sản xuất linh kiện điện tử tiếp tục dẫn đầu với mức tăng 46,23%; ngành sản xuất thiết bị điện tăng 27,54%; ngành sản xuất kim loại tăng 26,73%; ngành sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim tăng 19,91%… Bên cạnh đó, vẫn có 6/24 ngành công nghiệp cấp II của tỉnh có chỉ số sản xuất giảm so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành sản xuất xe có động cơ giảm 6,78%, do xe sản xuất trong nước tiếp tục phải cạnh tranh với thị trường xe nhập khẩu hiện nay đang rất dồi dào về nguồn cung, giá thành ngày càng giảm, vì vậy hai doanh nghiệp Toyota va Honda chuyển dần sang nhập khẩu; ngành sản xuất phương tiện vận tải khác giảm 13,27%, do thị trường đang ở mức bão hòa; ngành sản xuất giường, tủ, bàn ghế giảm 13,51%; ngành sản xuất trang phục giảm 3,23%...

Các ngành công nghiệp còn lại phát triển ổn định.

2.2. Sản phẩm công nghiệp chủ yếu

Hầu hết sản lượng sản phẩm công nghiệp chủ yếu của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tháng Mười dự kiến đều có mức tăng khá so với tháng trước và so với cùng kỳ. Tính chung mười tháng đầu năm 2019, ngoài sản lượng ô tô giảm 6,78%, xe máy giảm 13,27% và quần áo các loại giảm 2,93%, các nhóm sản phẩm công nghiệp chủ yếu còn lại của tỉnh đều có mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm 2018 như: Doanh thu từ sản xuất linh kiện điện tử đạt 77.955 tỷ đồng, tăng 46,23%; giày thể thao đạt 6.006 nghìn đôi, tăng 24,21%; gạch ốp lát 125.124 nghìn m2, tăng 19,91%; máy điều hòa không khí 20.896 cái, tăng 37,75%; điện thương phẩm 5.076 triệu kwh, tăng 15,67%; nước uống được 21.641 nghìn m3, tăng 15,64%...

2.3. Chỉ số sử dụng lao động

Chỉ số sử dụng lao động trong các doanh nghiệp công nghiệp trên địa bàn tỉnh tháng Mười tăng 1,27% so với tháng trước và tăng 6,37% so với cùng kỳ. Tính chung mười tháng đầu năm, chỉ số sử dụng lao động tăng 0,95% so với cùng kỳ; trong đó, lao động khu vực doanh nghiệp Nhà nước giảm 6,61%, doanh nghiệp ngoài nhà nước tăng 4,66%, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 0,32%.

2.4. Chỉ số tiêu thụ, tồn kho

Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng Mười tăng 0,52% so với tháng trước và giảm 8,12% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung mười tháng đầu năm, nhiều ngành có chỉ số tiêu thụ tăng cao như: ngành sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 30,85%, ngành sản xuất kim loại tăng 23,91%, ngành sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 21,81%, ngành sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 20,38%, ngành sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim tăng 19,16%... Bên cạnh đó, một số ngành có chỉ số tiêu thụ giảm như: ngành sản xuất phương tiện vận tải khác giảm 13,61%, ngành sản xuất xe có động cơ giảm 7,17%... Các ngành còn lại có biến động nhẹ.

Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng Mười năm nay giảm 4,04% so với tháng trước và tăng 26,20% so cùng kỳ năm trước. Hầu hết các ngành đều có chỉ số tồn kho tăng cao so cùng kỳ; trong đó, ngành sản xuất phương tiện vận tải khác tăng 41,47%, ngành sản xuất kim loại tăng 36,64%, ngành sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 20,08%...

3. Đầu tư, xây dựng

Năm 2019, công tác phân bổ vốn đầu tư công được tỉnh thực hiện đúng các nguyên tắc trong cơ chế giao và điều hành kế hoạch nhà nước, trong đó, tập trung ưu tiên thanh toán nợ, công trình chuyển tiếp, bố trí dự án mới khi đảm bảo đầy đủ thủ tục đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư công và các văn bản hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trong các tháng cuối năm, UBND tỉnh đã yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố tăng cường phối hợp, tháo gỡ khó khăn, giải quyết vướng mắc trong triển khai các công trình, dự án, nhất là các công trình, dự án trọng điểm; theo dõi chặt chẽ tình hình giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công của từng dự án, kịp thời đề xuất điều chỉnh cho phù hợp tránh để dồn vào cuối năm. Kết quả thực hiện vốn đầu tư trong tháng đạt khá: Tổng vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý thực hiện ước đạt 626,4 tỷ đồng tăng 4,76% so với tháng trước và tăng 1,08% so cùng kỳ. Trong đó, nguồn vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh là 441,0 tỷ đồng, tăng 3,68%; vốn ngân sách cấp huyện là 146,65 tỷ đồng, tăng 8,80%; vốn ngân sách cấp xã là 38,79 tỷ đồng, tăng 2,52% so với tháng trước. Tính chung mười tháng đầu năm, tổng vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý đạt 4.947,1 tỷ đồng, tăng 3,31% và bằng 79,38% so với kế hoạch năm.

4. Thương mại, dịch vụ và giá cả

4.1. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng

Tháng Mười, tình hình kinh doanh thương mại và dịch vụ trên địa bàn tỉnh tiếp tục ổn định và phát triển khá. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh đã chủ động dự trữ, cung ứng hàng hóa, đưa hàng hóa về nông thôn, vùng sâu, vùng xa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của đời sống nhân dân; tiếp tục phát triển hệ thống bán lẻ, thị trường trong nước gắn với cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". Các ngành liên quan phối hợp chặt chẽ với Cục Quản lý thị trường quyết liệt phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, xử lý nghiêm, công khai các vi phạm, góp phần kiềm chế tăng giá, gây lạm phát.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong tháng Mười ước đạt 4.510,1 tỷ đồng, tăng 13,69% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung mười tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính đạt 42.670,5 tỷ đồng, tăng 9,87% so với cùng kỳ năm trước.

Phân theo nhóm ngành kinh doanh

- Doanh thu bán lẻ hàng hóa trong tháng Mười ước đạt 3.895 tỷ đồng, tăng 2,27% so với tháng trước và tăng 14,25 % so với cùng kỳ năm trước. Trong 12 nhóm ngành hàng, nếu so với tháng trước chỉ có 2 nhóm có mức doanh thu giảm là nhóm hàng may mặc giảm 0,47% và nhóm vật phẩm, văn hóa, giáo dục giảm 3,17% chủ yếu do tháng trước nhu cầu mua sắm cho năm học mới tăng cao; các nhóm hàng còn lại tiếp tục ổn định và có mức tăng nhẹ. Tuy vậy, so với cùng kỳ năm trước, thì cả 12 nhóm ngành hàng đều có mức doanh thu tăng khá, một số nhóm ngành hàng có mức tăng khá cao như: Nhóm hàng may mặc tăng 19,76%; nhóm lương thực, thực phẩm tăng 18,38%; nhóm nhiên liệu khác (trừ xăng dầu) tăng 17,64%; nhóm vật phẩm, văn hóa, giáo dục tăng 16,11%; nhóm hàng gỗ và vật liệu xây dựng tăng 13,01% so với cùng kỳ... Lũy kế mười tháng, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 36.707 tỷ đồng, tăng 9,87% so với cùng kỳ.

- Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành tháng Mười ước đạt 350,2 tỷ đồng, giảm 1,73% so với tháng trước do thời điểm này đã kết thúc mùa du lịch, nghỉ mát, so cùng kỳ năm trước tăng 8,18%. Trong đó, doanh thu dịch vụ lưu trú đạt 30,0 tỷ đồng, giảm 4,6% so tháng trước và tăng 8,21% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu dịch vụ ăn uống đạt 311,6 tỷ đồng, giảm 1,35% so tháng trước và tăng 8,01% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu du lịch lữ hành đạt 8,6 tỷ đồng, giảm 4,77% so tháng trước và tăng 14,42% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế mười tháng, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành đạt 3.424 tỷ đồng, tăng 9,62% so với cùng kỳ năm trước.

- Doanh thu các ngành dịch vụ khác tháng Mười ước đạt 264,9 tỷ đồng tăng 1,97% so với tháng trước và tăng 13,22% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế mười tháng đầu năm ước đạt 2.539,5 tỷ đồng, tăng 10,13% so với cùng kỳ năm trước.

4.2. Vận tải hành khách và hàng hoá

Để đáp ứng tốt nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa của nhân dân, ngành Giao thông Vận tải đã chỉ đạo các đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải tăng cường công tác đầu tư, nâng cấp các phương tiện vận tải, nâng cao chất lượng dịch vụ; tuân thủ nghiêm quy định về giá, lịch trình, các điểm dừng đỗ đón trả khách, quy định về số lượng hành khách, hàng hóa vận chuyển trên mỗi chuyến xe; tăng cường công tác quản lý đối với loại hình kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô đưa đón học sinh và công nhân; khuyến khích phát triển vận tải hành khách công cộng, vận tải hàng hóa nhằm phục vụ tốt nhu cầu của người dân cũng như sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

Dự kiến, khối lượng vận chuyển hành khách tháng Mười ước đạt 2.143 ngàn người, tăng 0,99% so với tháng trước; luân chuyển hành khách đạt 147 triệu người.km, tăng 0,68% so với tháng trước. Vận chuyển hàng hóa đạt 3.019 ngàn tấn, tăng 1,99% so với tháng trước; luân chuyển hàng hóa đạt 226 triệu tấn.km, tăng 1,80% so với tháng trước. Tính chung mười tháng đầu năm, vận chuyển hành khách đạt 21.037 ngàn người, tăng 3,33%; luân chuyển hành khách đạt 1.434 triệu người.km, tăng 3,46% so cùng kỳ; vận chuyển hàng hóa đạt 28.170 ngàn tấn, tăng 6,63%; luân chuyển hàng hóa đạt 2.085 triệu tấn.km, tăng 7,08% so cùng kỳ.

Tổng doanh thu vận tải tháng Mười ước đạt 397,2 tỷ đồng, tăng 2,37%  so tháng trước. Trong đó, vận tải hành khách đạt 86,7 tỷ đồng tăng 2,52%; vận tải hàng hoá đạt 299,6 tỷ đồng, tăng 2,26% so với tháng trước. Tính chung mười tháng đầu năm, tổng doanh thu vận tải đạt 3.696,4 tỷ đồng, tăng 9,0% so cùng kỳ.

4.3. Chỉ số giá

a) Chỉ số giá tiêu dùng

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trên địa bàn tỉnh tháng Mười tăng 0,87% so với tháng trước, tăng 1,94% so với cùng kỳ, tăng 3,10% so tháng 12 năm trước. Bình quân mười tháng đầu năm, CPI tăng 1,38% so với cùng kỳ.

Trong tháng, có 8/11 nhóm hàng có chỉ số tăng so với tháng trước. Trong đó,

- Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng cao nhất với 2,25%, chủ yếu ở nhóm thực phẩm tăng 3,29%. Cụ thể, nhóm thịt gia súc tươi sống tăng 10,87% (giá thịt lợn tăng 12,70%), đây là mức tăng cao nhất trong nhiều năm trở lại đây, nguyên nhân chủ yếu là do nhu cầu tiêu thụ thịt lợn của người dân tăng lên sau khi dịch bệnh tả lợn Châu phi dần được kiểm soát, trong khi nguồn cung không nhiều; nhóm thịt gia cầm tươi sống tăng 3,47% do người tiêu dùng chuyển sang tiêu thụ các sản phẩm thịt gia cầm nhiều hơn để thay thế cho sản phẩm thịt lợn khi giá tăng cao;

- Nhóm giao thông tăng 1,11% do sự  điều chỉnh của Tập đoàn xăng dầu Việt Nam vào các ngày 1/10 và 16/10 dẫn tới chỉ số giá nhóm nhiên liệu tăng 2,14% so với tháng trước;

- Nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,54%. Mặt hàng tăng chủ yếu ở nhóm đồ uống không cồn tăng 0,82%, rượu bia tăng 0,80%.

Các nhóm còn lại giá tương đối ổn định và có mức biến động nhẹ so với tháng trước.

b) Chỉ số giá vàng và Đô la Mỹ

Chỉ số giá vàng trên địa bàn tỉnh tháng Mười giảm 0,53% so với tháng trước do ảnh hưởng của giá vàng Thế giới, giá bán bình quân ở mức 4.122 nghìn đồng/chỉ. Cùng chiều với giá vàng, giá Giá Đô la Mỹ trên thị trường tự do giảm 0,04% so với tháng trước, giá bán bình quân phổ biến là 22.600 đồng/USD. Bình quân 10 tháng đầu năm, chỉ số giá vàng tăng 5,07%, chỉ số giá Đô la Mỹ tăng 2,28% so với cùng kỳ năm 2018.

 

CHỈ SỐ GIÁ TIÊU DÙNG, CHỈ SỐ GIÁ VÀNG, CHỈ SỐ GIÁ ĐÔ LA MỸ

(So với tháng 12 năm 2018)  ktxh102019_2

5. Tài chính, ngân hàng, bảo hiểm

5.1. Tình hình thu, chi ngân sách Nhà nước

Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tiếp tục duy trì tiến độ khả quan, ngành Thuế đã tăng cường quản lý thu ngân sách nhà nước, đảm bảo kế hoạch thu ở tất cả các lĩnh vực gắn với siết chặt kỷ luật tài chính-ngân sách nhà nước. Thực hành tiết kiệm chống lãng phí, triệt để tiết kiệm chi thường xuyên; không chi những nhiệm vụ chưa cần thiết. Theo số liệu của Kho bạc Nhà nước,tổng thu ngân sách trên địa bàn tính đến 22/10/2019 ước đạt 27.438,4 tỷ đồng, bằng 98,72% dự toán. Trong đó, thu nội địa đạt 23.914 tỷ đồng, bằng 98,64% dự toán; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 3.483 tỷ đồng, bằng 98,12% dự toán. Trong thu nội địa, một số khoản thu chiếm tỷ trọng lớn và đạt mức thu khá như: Thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 17.810 tỷ đồng, chiếm 74,47% tổng thu nội địa và đạt 89,59% dự toán; các khoản thu về nhà đất đạt 3.070 tỷ đồng, chiếm 12,84% trong tổng thu nội địa, bằng 448,81% so dự toán...

Tổng chi ngân sách nhà nước trên địa bàn đến 22/10/2019 đạt 13.343 tỷ đồng, trong đó chi thường xuyên đạt 7.032 tỷ đồng, chi đầu tư phát triển đạt 6.263 tỷ đồng.

5.2. Hoạt động ngân hàng, tín dụng

Để đạt được mục tiêu đề ra là tăng trưởng tín dụng từ 18-20%, huy động vốn từ 15-18%, kiểm soát nợ xấu ở mức dưới 2% tổng dư nợ. Những tháng cuối năm, Ngân hàng Nhà nước tỉnh đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại, ngân hàng chính sách xã hội quan tâm các sản phẩm tín dụng phục vụ nhu cầu đời sống, tiêu dùng và tài chính vi mô, đáp ứng kịp thời nhu cầu chính đáng của người dân, góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh và hạn chế tín dụng đen; đẩy mạnh cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu. Theo đó, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay trên địa bàn tỉnh tháng Mười cơ bản ổn định, lãi suất huy động phổ biến ở mức 4,5% đến 7,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng trở lên. Lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 6% đến 9%/năm; các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường ở mức 6,8% đến 10,5%/năm.

Dự kiến, tổng nguồn vốn huy động đến 31/10/2019 đạt 74.150 tỷ đồng, tăng 7,44% so với cuối năm 2018. Trong đó, tiền gửi các tổ chức kinh tế đạt 28.070 tỷ đồng, giảm 0,63% so với cuối năm 2018, chiếm tỷ trọng 38,86% trên tổng nguồn vốn huy động; tiền gửi tiết kiệm là 45.180 tỷ đồng, tăng 12,85% so với cuối năm 2018, chiếm tỷ trọng 60,93% trên tổng nguồn vốn huy động. Hoạt động tín dụng cũng duy trì mức tăng trưởng ổn định, tổng dư nợ cho vay dự kiến đến 31/10/2019 đạt 75.000 tỷ đồng, tăng 11,51% so với cuối năm 2018. Trong đó, dư nợ cho vay ngắn hạn đạt 49.000 tỷ đồng, tăng 14,9%; dư nợ cho vay trung và dài hạn đạt 26.000 tỷ đồng, tăng 5,62% so với cuối năm 2018. Nợ xấu toàn địa bàn đến hết tháng Mười năm 2019 ước là 740 tỷ đồng, chiếm tỉ lệ 0,99% trên tổng dư nợ.

Hệ thống ngân hàng trên địa bàn đặc biệt quan tâm đầu tư phát triển hoạt động dịch vụ, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt, đa dạng hóa các sản phẩm phi tín dụng thông qua hoạt động nâng cấp Core Banking, hoàn thiện dịch vụ eBanking, thường xuyên phát triển sản phẩm online, đưa ra nhiều gói sản phẩm, dịch vụ hiện đại, an toàn, tiện lợi, được người tiêu dùng đón nhận tích cực. Mạng lưới ATM, POS được chú trọng phát triển về số lượng, quy mô, nâng cao chất lượng dịch vụ và đem lại nhiều sản phẩm tiện ích cho người sử dụng. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã lắp đặt và vận hành 213 máy ATM, gần 700 POS được lắp đặt tại các trung tâm thương mại, khu vui chơi giải trí, siêu thị, nhà hàng, khách sạn, các cửa hàng bán lẻ… tạo điều kiện cho người dân dễ dàng thanh toán và sử dụng dịch vụ ngân hàng.

5.3. Bảo hiểm

Tính đến tháng Mười năm nay, toàn tỉnh có 1.023.389 người tham gia đóng bảo hiểm các loại. Trong đó, Bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc là 200.707 người, BHXH tự nguyện 5.103 người, bảo hiểm thất nghiệp(BHTN) 186.286 người, bảo hiểm y tế (BHYT) là 1.018.286 người. Kết quả thu BHXH trong tháng Mười ước đạt 410 tỷ đồng, lũy kế đến hết tháng mười đạt 3.729,3 tỷ, tăng 442,1 tỷ đồng so với cùng kỳ và đạt 83,3% so với kế hoạch giao.

Bảo hiểm Xã hội tỉnh đã tập trung chỉ đạo có hiệu quả việc thực hiện các chế độ, chính sách BHXH qua đó rút ngắn thời gian giải quyết và tạo thuận lợi cho người thụ hưởng chế độ BHXH. Trong tháng, đã thực hiện chi đúng, chi đủ, kịp thời cho các đối tượng thụ hưởng chế độ BHXH, BHYT với tổng số tiền là 352 tỷ đồng; phối hợp với ngành Bưu điện chi trả đúng, đủ lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng cho người thụ hưởng chính sách trên địa bàn tỉnh. 

6. Một số vấn đề xã hội

6.1. Tình hình giáo dục

Đến nay giáo dục phổ thông các cấp của năm học 2019-2020 đã ổn định, đi vào nề nếp và đã tiến hành tổ chức kiểm tra, đánh giá kiến thức của học sinh thời điểm giữa kỳ I của năm học. Đến thời điểm này, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh đã có hướng dẫn các trường thực hiện thu các khoản đóng góp đầu năm học theo đúng quy định, công khai, minh bạch, đảm bảo không để việc thu các khoản đóng góp đầu năm học bị biến tướng thành lạm thu, gây bức xúc dư luận. Bên cạnh đó, trong những năm gần đây, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh đặc biệt chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác giảng dạy; năm học 2019-2020, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh đã đầu tư 60 phòng tin học - ngoại ngữ cho 41 trường tiểu học và 19 trường THCS, 66 phòng ngoại ngữ chuyên dụng cho 66 trường tiểu học, 50 phòng tin học cho 43 trường THCS và 7 trường THPT với tổng kinh phí gần 100 tỷ đồng. Với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin đã giúp giáo viên và học sinh phát triển tư duy nhiều chiều, góp phần không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục.

6.2. Hoạt động văn hóa, thể thao

Tháng Mười, hoạt động văn hóa thông tin tập trung tuyên truyền về các ngày kỷ niệm, ngày lễ lớn, các nhiệm vụ chính trị trọng tâm trong tháng. Nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ được tổ chức như: Ngày Quốc tế Người cao tuổi 1-10, Ngày Doanh nhân Việt  Nam 13-10, Ngày thành lập Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam 20-10,..  Đặc biệt, sáng ngày 17/10 Ban Vận động “Ngày vì người nghèo” tỉnh tổ chức Lễ phát động toàn dân ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” năm 2019, kêu gọi các cơ quan, đơn vị, lực lượng vũ trang, các tổ chức, cộng đồng doanh nghiệp, các nhà hảo tâm và các tầng lớp nhân dân, đồng bào các dân tộc, tôn giáo trong tỉnh phát huy truyền thống đoàn kết, tương thân, tương ái, tích cực hưởng ứng phong trào đi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Phong trào luyện tập thể dục thể thao (TDTT) quần chúng trên địa bàn tỉnh diễn ra sôi nổi, thu hút được nhiều đối tượng tham gia. Đặc biệt, từ khi HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết 75/2012/NQ - HĐND về phát triển TDTT quần chúng giai đoạn 2013 - 2020 kết hợp với việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, các trung tâm văn hóa xã, nhà văn hóa thôn được đầu tư xây dựng khang trang kèm theo sân thể thao đơn giản, phong trào luyện tập TDTT trong cộng đồng dân cư được đẩy mạnh, thu hút đông đảo người dân ở mọi lứa tuổi tham gia. Ngoài việc giúp tăng cường sức khỏe cho người tập, sự lan tỏa mạnh mẽ của phong trào TDTT quần chúng đã tạo nên sợi dây liên kết chặt chẽ, kết nối cộng đồng. Thể thao thành tích cao tiếp tục được phát triển bền vững, đào tạo đội ngũ vận động viên có chất lượng đóng góp cho đội tuyển quốc gia tham gia các giải đấu quốc tế.

6.3. Tình hình y tế

Trong tháng, ngành Y tế tiếp tục chỉ đạo các đơn vị chức năng chú trọng phòng chống các dịch bệnh phát sinh theo mùa như: Sốt xuất huyết, Tay- Chân- Miệng, Sởi... Đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát phòng chống dịch bệnh, không để xảy ra các dịch bệnh lớn trên địa bàn; duy trì tốt việc chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho nhân dân. Đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh không có dịch bệnh lớn xảy ra. Bên cạnh đó, tăng cường y tế cơ sở, tiếp tục nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh phục vụ nhân dân, giảm quá tải bệnh viện, đáp ứng sự hài lòng của người bệnh.

Công tác tuyên truyền phổ biến Luật An toàn thực phẩm, truyền thông phổ biến kiến thức về an toàn vệ sinh thực phẩm được thực hiện thường xuyên. Sở Y tế tỉnh đã tổ chức phối hợp liên ngành trong công tác thanh kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và dịch vụ ăn uống. Tính đến ngày 15/10/2019, trên địa bàn tỉnh không xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm nào.

Công tác phòng chống HIV/AIDS tiếp tục được đẩy mạnh, đặc biệt chú trọng đến việc thông tin, truyền thông về các hoạt động tư vấn, chăm sóc, điều trị người nhiễm HIV và bệnh nhân AIDS; phối hợp liên ngành chặt chẽ trong hoạt động phòng chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh. Tính đến ngày 30/9/2019, lũy tích có 4.387 người nhiễm HIV (số người nhiễm HIV có hộ khẩu tại tỉnh là 2.264 người); lũy tích số người chuyển AIDS là 2.290 người (số có hộ khẩu tại tỉnh là 1.497 người); lũy tích số người tử vong do AIDS là 1.005 người (807 trường hợp có hộ khẩu tại tỉnh). Số bệnh nhân đang nhận thuốc điều trị ARV là 901 bệnh nhân (26 trẻ em).

6.4. Tình hình an ninh trật tự, an tooàn giao thông và phòng, chống cháy nổ

Tình hình an ninh trật tự: Trong tháng, lực lượng Công an đã tăng cường bám tuyến, bám địa bàn, triển khai các phương án phòng ngừa, đấu tranh trấn áp tội phạm, tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm, đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Do đó, tình hình hoạt động của các đối tượng tội phạm hình sự được kiểm soát, không có diễn biến phức tạp. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 355 vụ phạm tội về trật tự xã hội, làm chết 09 người, bị thương 70 người, thiệt hại về tài sản ước tính gần 13 tỷ đồng.

Theo báo cáo của Ban An toàn giao thông tỉnh, từ ngày 16/9/2019 đến ngày 15/10/2019, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 05 vụ tai nạn giao thông, làm 03 người chết, 04 người bị thương, nâng tổng số vụ tai nạn giao thông trong mười tháng đầu năm lên 33 vụ, làm 30 người chết, 24 người bị thương. Qua tuần tra, kiểm soát đảm bảo trật tự an toàn giao thông các lực lượng chức năng đã lập biên bản, ra quyết định xử phạt 3.449 trường hợp vi phạm, nộp vào Kho bạc Nhà nước trên 1,7 tỷ đồng.

Tình hình cháy nổ: Trong kỳ, trên địa bàn tỉnh xảy ra 02 vụ cháy, 01 vụ ở bãi tập kết phế liệu của hộ dân cư thuộc huyện Vĩnh Tường, 01 vụ cháy khu vực bếp của hộ dân cư huyện Lập Thạch. Lũy kế từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh xảy ra 24 vụ cháy, ước tính giá trị thiệt hại 26,35 tỷ đồng.

Tình hình bảo vệ môi trường: Hưởng ứng lời kêu gọi chung tay hành động giải quyết vấn đề rác thải nhựa của Thủ tướng Chính phủ tại thư số 161/LĐCP ngày 25/4/2019 về giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường do rác thải nhựa gây ra, ngày 13/9/2019 UBND tỉnh ban hành văn bản số 7209/UBND-NN4, chỉ đạo, yêu cầu các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức đến cộng đồng và người dân về tác hại của rác thải nhựa và túi nilon. Theo đó, từ ngày 1/10/2019, tại các cơ quan công sở và các cuộc họp, hội nghị, hội thảo diễn ra trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc sẽ không sử dụng nước uống đóng chai dùng một lần; khi tổ chức các hội nghị, hội thảo, các đơn vị chuyển đổi sang sử dụng các bình nước thể tích lớn hoặc tự đun nấu, sử dụng các vật dụng chứa đựng sử dụng nhiều lần, vật liệu dễ phân hủy. Trong kỳ, trên địa bàn tỉnh không có vụ vi phạm môi trường xảy ra./.

 

luat_sua_doi_ltk

Đang truy cập: 19
Trong ngày: 86
Trong tuần: 990
Lượt truy cập: 1405879

Xin cho biết ý kiến của bạn về trang thông tin điện tử Cục Thống kê tỉnh Vĩnh Phúc?
Tốt
Khá
Trung bình
Kém

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỤC THỐNG KÊ TỈNH VĨNH PHÚCChung nhan Tin Nhiem Mang

Địa chỉ: Số 20

Lý Thái Tổ - Phường Đống Đa - Thành phố Vĩnh Yên - Tỉnh Vĩnh Phúc

Điện thoại: 0211 3 861 139, Fax: 0211 3 843 841Email: vinhphuc@gso.gov.vn, cuctk@vinhphuc.gov.vn