.::. Cung cấp thông tin đầy đủ, trung thực là trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, đơn vị sự nghiệp, hiệp hội, cơ sở hành chính, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng trên địa bàn .::. .............................................................................................................................................................................................................. ........................................  

Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc (GRDP) 9 tháng năm 2021 ước tính tăng 9,62% so với cùng kỳ năm trước, đứng thứ 3 vùng ĐBSH và thứ 4 cả nước chỉ sau 3 tỉnh Hà Nam, Gia Lai và Hải Phòng. Đây là một thành công lớn của tỉnh trong kiểm soát được tình hình dịch bệnh, duy trì vùng xanh an toàn và phát triển kinh tế-xã hội.

z2819831840039_4d24db2e219c5c27255fc5f11093960e

Tiếp nối kết quả đã đạt được của năm 2020, sáu tháng đầu năm 2021, kinh tế tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục ổn định và bắt đầu khởi sắc. Mặc dù dịch Covid-19 xuất hiện trở lại trên địa bàn tỉnh từ cuối tháng Tư với biến chủng mới có tốc độ lây lan nhanh; song với sự quyết tâm và vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp nên dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh nhanh chóng được kiểm soát. Nhờ đó, tăng trưởng GRDP 6 tháng đầu năm của Vĩnh Phúc so cùng kỳ đạt mức tăng cao, đứng thứ nhất vùng ĐBSH và thứ 3 cả nước chỉ sau 2 tỉnh Hòa Bình, Ninh Thuận.

Bước sang quý III, dịch bệnh bùng phát mạnh tại các tỉnh phía Nam và các tỉnh lân cận. Tình trạng giãn cách xã hội nghiêm ngặt để phòng chống dịch ở nhiều tỉnh đặc biệt tại các tỉnh, thành phố kinh tế trọng điểm như: Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Cần Thơ... đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sức khỏe, tính mạng của người dân và hoạt động sản xuất kinh doanh. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý III/2021 ước tính giảm 6,17% so với cùng kỳ, là mức giảm sâu nhất kể từ khi Việt Nam tính và công bố GDP quý đến nay.

Trên địa bàn tỉnh tình hình dịch bệnh được kiểm soát góp phần duy trì ổn định được hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, chịu sự tác động của tình hình trong nước và thế giới, cũng như các dòng chảy lưu thông hàng hóa và các hoạt động kinh tế - xã hội đứt gãy, gián đoạn, ước tăng trưởng GRDP quý III chỉ tăng 0,79% so với cùng kỳ. Trong đó: Khu vực nông, lâm thủy sản tăng 1,97%; công nghiệp - xây dựng tăng 1,79%, riêng công nghiệp tăng 1,8%; khu vực dịch vụ giảm 4,27%. Do 6 tháng đầu năm đã đạt mức tăng cao nên tính chung 9 tháng tăng trưởng kinh tế của tỉnh vẫn ước tăng 9,62%, đứng thứ 3 vùng ĐBSH và thứ 4 cả nước, sau thành phố Hải Phòng, tỉnh Hà Nam và Gia Lai. Trong đó: Khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 4,79%; khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 15,17%, riêng công nghiệp tăng 16,23%; khu vực dịch vụ tăng 2,81%.

z2819829360874_fbf5af1874899368423564a4ade940a8

Khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản: Nhờ sự chỉ đạo quyết liệt trong việc tái cơ cấu cây trồng vật nuôi, tăng cường hỗ trợ kỹ thuật, vật tư, đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ trong khoa học và cơ giới hóa trong sản xuất nên ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản có sự phát triển tốt, đạt mức tăng trưởng khá +4,79%, đóng góp 0,32 điểm % vào mức tăng chung.

Ngành chăn nuôi đóng góp quan trọng vào đà tăng trưởng chung của toàn ngành nông nghiệp với mức tăng trưởng 8,34%, chủ yếu do sự phục hồi của đàn lợn sau dịch tả lợn Châu Phi năm 2019. Chăn nuôi lợn tuy gặp một số khó khăn trong việc duy trì và mở rộng quy mô đàn lợn do giá thịt lợn hơi xuống thấp trong những tháng quý III, nhưng tính chung 9 tháng đầu năm sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng vẫn tăng 11,95% so với cùng kỳ. Sản lượng các ngành chăn nuôi khác đều đạt mức tăng khá: thịt gia cầm tăng 4,98%; trứng tăng 8,16%; sữa bò tươi tăng 21,24%...

Ngành trồng trọt phát triển ổn định, diện tích gieo trồng toàn tỉnh tiếp tục có xu hướng giảm, tuy nhiên đây là mức giảm không đáng kể so với năm trước (giảm 0,46%). Dịch bệnh Covid-19 phức tạp với những biện pháp cách ly, hạn chế di chuyển đã khiến một bộ phận người lao động tham gia nhiều hơn vào hoạt động trồng trọt của gia đình nên gia tăng diện tích gieo trồng so với thời kỳ trước. Bên cạnh đó, nhờ thực hiện tốt khâu chăm sóc, tuân thủ sự chỉ đạo và lịch thời vụ của ngành nông nghiệp nên ước tính năng suất lúa cả năm tăng 2,8%; trong đó, năng suất lúa vụ Mùa ước đạt 56,03 tạ/ha, là vụ Mùa được mùa nhất trong mười năm trở lại đây; cơ cấu cây trồng có sự chuyển dịch tích cực từ cây trồng giá trị thấp sang cây trồng giá trị cao. Do đó, ngành trồng trọt vẫn đạt mức tăng trưởng 1,32%.

Khu vực công nghiệp - xây dựng: Sáu tháng đầu năm ngành công nghiệp của tỉnh đạt mức tăng trưởng cao (tính lại là 24,31%), bước sang quý III tình hình dịch bệnh Covid-19 trên cả nước tiếp tục diễn biến phức tạp, nguy cơ xâm nhập vào trên địa bàn tỉnh, chuỗi cung ứng bị gián đoạn do nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội. Các doanh nghiệp vừa phải tổ chức sản xuất an toàn trong phòng chống dịch bệnh, đồng thời chủ động điều chỉnh kế hoạch sản xuất cho phù hợp với nhu cầu thị trường. GTTT ngành công nghiệp quý III tăng nhẹ so với cùng kỳ (+1,8%). Tính chung 9 tháng đầu năm, khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 15,17%, đóng góp 7,07 điểm %, riêng công nghiệp tăng 16,23%, đóng góp 6,72 điểm %.

z2819829345585_3b9d84458107decee2b976011130b705Trong công nghiệp, ngành linh kiện điện tử tiếp tục duy trì đà tăng trường và đạt mức tăng 32,55% so với cùng kỳ, có mức đóng góp lớn nhất vào chỉ số tăng chung ngành công nghiệp của tỉnh (5,04 điểm % tăng trưởng). Ngành sản xuất ô tô gặp khó khăn trong quý III, các doanh nghiệp tiếp tục cắt giảm sản lượng sản xuất do chuỗi cung ứng bị gián đoạn, hoạt động thông thương giữa các tỉnh/thành phố bị hạn chế; chỉ số sản xuất ngành sản xuất xe có động cơ giảm 3 tháng liên tiếp trong quý. Tuy nhiên, do chỉ số sản xuất đạt mức tăng cao trong các tháng đầu năm, nên tính chung 9 tháng, ngành sản xuất xe có động cơ vẫn tăng đạt mức tăng trưởng 13,85%, đóng góp 0,87 điểm% tăng trưởng. Ngành sản xuất xe máy tiếp tục xu hướng giảm của các năm trước do nhu cầu sử dụng xe máy của người dân đã dần đạt ngưỡng bão hòa; đồng thời do tác động tiêu cực của dịch Covid-19 làm lượng xe tiêu thụ giảm rõ rệt, chỉ số sản xuất của ngành giảm 13,83% so với cùng kỳ, làm giảm 0,87 điểm % tăng trưởng. Các ngành công nghiệp còn lại cơ bản ổn định.

Khu vực dịch vụ: Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động thương mại và dịch vụ. Những tháng đầu năm, hoạt động bán lẻ hàng hóa và kinh doanh dịch vụ diễn ra sôi động. Cuối quý II và quý III, do dịch bệnh bùng phát, nhu cầu tiêu dùng của người dân bị chững lại do thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh của địa phương, hạn chế mua sắm, không tập trung đông người… Các ngành dịch vụ vận tải, du lịch lữ hành, ăn uống, giải trí chịu tác động rất lớn của dịch bệnh nên giá trị giảm mạnh. Giá trị gia tăng khu vực dịch vụ quý III giảm 4,27% so với cùng kỳ năm trước, tính chung 9 tháng đầu năm ngành dịch vụ chỉ đạt mức tăng trưởng 2,81%, đóng góp 0,59 điểm %.

Thuế sản phẩm: Chín tháng đầu năm, hoạt động sản xuất trên địa bàn tỉnh diễn ra tương đối ổn định, một số ngành sản xuất chủ lực vẫn đạt mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ như: sản xuất ô tô, sản xuất linh kiện điện tử... nên đã đóng góp tích cực vào nguồn thu ngân sách của tỉnh. Do đó, thuế sản phẩm trên địa bàn cũng đạt mức tăng khá (+6,37%), đóng góp 1,64 điểm % tăng trưởng của tỉnh.

Phòng Thống kê Tổng hợp

 

luat_sua_doi_ltk

Đang truy cập: 10
Trong ngày: 120
Trong tuần: 1156
Lượt truy cập: 1422441

Xin cho biết ý kiến của bạn về trang thông tin điện tử Cục Thống kê tỉnh Vĩnh Phúc?
Tốt
Khá
Trung bình
Kém

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỤC THỐNG KÊ TỈNH VĨNH PHÚCChung nhan Tin Nhiem Mang

Địa chỉ: Số 20

Lý Thái Tổ - Phường Đống Đa - Thành phố Vĩnh Yên - Tỉnh Vĩnh Phúc

Điện thoại: 0211 3 861 139, Fax: 0211 3 843 841Email: vinhphuc@gso.gov.vn, cuctk@vinhphuc.gov.vn