.::. Cung cấp thông tin đầy đủ, trung thực là trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, đơn vị sự nghiệp, hiệp hội, cơ sở hành chính, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng trên địa bàn .::. .............................................................................................................................................................................................................. ........................................  

Năm 2021, kinh tế thế giới phục hồi nhanh hơn kỳ vọng và dần lấy lại đà tăng trưởng nhờ sử dụng hiệu quả các chính sách tài khóa và hoạt động tiêm phòng Vaccine Covid-19. Tuy nhiên, đà phục hồi có dấu hiệu chững lại trong những tháng cuối năm do phải đối mặt với những yếu tố bất ổn từ làn sóng Covid-19 mới đang hình thành trên quy mô toàn cầu, tốc độ tăng trưởng khối lượng thương mại hàng hóa có dấu hiệu chậm lại; giá cả, lạm phát đang có xu hướng tăng cao; rủi ro đứt gãy chuỗi cung ứng, gián đoạn thương mại và chênh lệch cung - cầu có nguy cơ gia tăng... Mặc dù tăng trưởng kinh tế còn khác nhau ở các khu vực, nhưng những đối tác thương mại và đầu tư lớn của Việt Nam hiện đang ở trạng thái phục hồi, mang lại những cơ hội cho nền kinh tế Việt Nam. Tiếp nối những kết quả quan trọng, ấn tượng đã đạt được của năm 2020, kinh tế trong nước những tháng đầu năm tiếp tục ổn định. Tuy nhiên, dịch bệnh bùng phát lần thứ tư với chủng mới Delta đã gây thiệt hại nặng nề cho cả kinh tế và các lĩnh vực xã hội, nhiều hoạt động kinh tế bị đình trệ, đứt gãy, doanh nghiệp ngừng sản xuất, thất nghiệp tăng cao...

Tỉnh Vĩnh Phúc là một trong những địa phương đầu tiên trong nước chịu tác động của đợt dịch thứ 4 với biến chủng Delta nguy hiểm. Tuy dịch nhanh chóng được kiểm soát trên địa bàn nhưng lại bùng phát mạnh tại các tỉnh phía Nam và các địa phương lân cận, luôn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm vào tỉnh, tác động đến cung cầu thị trường, ảnh hưởng sản xuất, lưu thông hàng hóa của các doanh nghiệp trên địa bàn. Trước những khó khăn và thách thức mới, Tỉnh đã có nhiều chính sách kịp thời, linh hoạt và hiệu quả để vừa kiểm soát tốt dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế, là điểm sáng trên cả nước về thực hiện  mục tiêu kép. Năm 2021, tình hình kinh tế, xã hội tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục ổn định, kinh tế đạt mức tăng trưởng khá, thu ngân sách vượt kế hoạch đề ra, thu hút vốn đầu tư dự án FDI đăng ký mới đạt kết quả cao nhất từ trước tới nay, các lĩnh vực văn hóa xã hội được duy trì, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.

TÌNH HÌNH KINH TẾ

Tăng trưởng kinh tế

Năm 2021, kinh tế tỉnh Vĩnh Phúc phục hồi và tăng trưởng cao trong những tháng đầu năm, sáu tháng đầu năm đạt mức tăng 14,71% so cùng kỳ, cao nhất vùng Đồng bằng Sông Hồng và cao thứ 3 cả nước. Bước sang quý III, do tác động nghiêm trọng của dịch Covid-19 tại các tỉnh phía Nam và các địa phương lân cận, tăng trưởng quý III chỉ đạt mức tăng 1,60% so với cùng kỳ. Bước sang quý IV, dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, cùng với Nghị quyết 128 của Chính phủ được ban hành, tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt thực hiện, đưa nền kinh tế xã hội hoạt động theo trạng thái bình thường mới và đảm bảo “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, kinh tế của tỉnh nhanh chóng phục hồi và đạt mức tăng khá. Tính chung cả năm, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của Vĩnh Phúc tăng 8,02% so với năm 2020, đứng thứ 9 cả nước. Trong đó: Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,81%; khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 12,98%, riêng công nghiệp tăng 13,84%; khu vực dịch vụ tăng 2,96%.

Tăng trưởng khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản: Ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản của tỉnh ít chịu tác động của dịch bệnh nên sản xuất ổn định và đạt mức tăng khá, tăng 4,81%, đóng góp 0,28 điểm % vào mức tăng chung. Riêng sản xuất nông nghiệp tăng 4,97%, đóng góp 0,26 điểm %.

Các ngành lâm nghiệp, thủy sản tiếp tục sản xuất ổn định, giá trị tăng thêm năm 2021 đạt mức tăng lần lượt là 3,79% và 3,36% đóng góp 0,02 điểm % vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

Tăng trưởng khu vực công nghiệp - xây dựng: Giá trị tăng thêm khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 12,98%, đóng góp 6,12 điểm % vào tăng trưởng của tỉnh, là năm có tốc độ tăng trưởng cao thứ 2 trong vòng 10 năm trở lại đây và cao hơn mức tăng bình quân của giai đoạn 2016-2020. Trong đó công nghiệp tăng 13,84%, đóng góp 5,78 điểm %.

          Khu vực dịch vụ: Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động thương mại và dịch vụ. Tính chung cả năm, các ngành dịch vụ đạt mức tăng trưởng thấp, ước đạt 2,96%, đóng góp 0,61 điểm % vào tăng trưởng GRDP chung của tỉnh.

Thuế sản phẩm trừ trợ cấp: Năm 2021, hoạt động sản xuất trên địa bàn tỉnh diễn ra tương đối ổn định, một số ngành sản xuất chủ lực vẫn đạt mức tăng trưởng khá như: sản xuất ô tô, sản xuất linh kiện điện tử... nên đã đóng góp tích cực vào nguồn thu ngân sách của tỉnh. Do đó, thuế sản phẩm trên địa bàn tỉnh cũng đạt mức tăng 3,84%, đóng góp 1,01 điểm % tăng trưởng chung.

Quy mô, cơ cấu kinh tế

Quy mô GRDP tỉnh Vĩnh Phúc năm 2021 theo giá hiện hành ước đạt 136,2 nghìn tỷ đồng, tăng 12,6 nghìn tỷ đồng, tương đương tăng 10,2% so với năm 2020. Đưa giá trị GRDP bình quân đầu người lên 114,27 triệu đồng/người, tăng 8,8 triệu đồng/người, tương đương tăng 8,30% so với năm 2020.

Về cơ cấu trong GRDP: Do tác động của dịch bệnh Covid-19 nên tỷ trọng ngành dịch vụ trong cơ cấu GRDP năm 2021 giảm so năm 2020. Năm 2021, ước tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng chiếm 48,02%, ngành dịch vụ chiếm 21,42% và ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 5,89%; thuế sản phẩm chiếm 24,67% trong cơ cấu GRDP các ngành kinh tế theo giá hiện hành.

Tình hình sản xuất kinh doanh của các ngành, lĩnh vực kinh tế trên địa bàn tỉnh

Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản

Năm 2021, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh diễn ra  trong điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi; năng suất, sản lượng các cây trồng chủ yếu đều tăng. Chăn nuôi gia cầm phát triển ổn định, chăn nuôi lợn phục hồi tốt trong những tháng đầu năm, nhưng có xu hướng chậm lại những tháng cuối năm do giá lợn hơi liên tục giảm, trong khi giá thức ăn chăn nuôi tăng nên gây khó khăn trong việc duy trì và mở rộng đàn. Sản lượng chăn nuôi chủ yếu như thịt lợn, thịt gia cầm, trứng, sữa bò... đều tăng khá.

Sản xuất nông nghiệp: Tổng diện tích gieo trồng cây hằng năm toàn tỉnh đạt 85.691 ha, giảm 0,28% so với năm trước, mức giảm thấp nhất kể từ năm 2016.

Số lượng đàn gia súc, gia cầm tại thời điểm cuối tháng Mười hai ước đạt: Đàn trâu có 17,6 nghìn con, giảm 3,1% so với cùng thời điểm năm trước; đàn bò 103,6 nghìn con, giảm 0,46%, riêng đàn bò sữa 15,6 nghìn con, tăng 0,33%; đàn lợn (không bao gồm lợn con theo mẹ) 466,2 nghìn con, tăng 3,64%; đàn gia cầm 12,03 triệu con, tăng 1,59%. Tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng năm 2021 đạt 119,61 nghìn tấn, tăng 9,0% so với cùng kỳ.

Sản xuất lâm nghiệp và thủy sản ổn định, sản lượng gỗ khai thác và sản lượng thủy sản đều tăng so với năm 2020: Sản lượng gỗ khai thác năm 2021 đạt 45,60 nghìn m3­­­­, tăng 7%; trồng mới 701 ha rừng tập trung, 1.015,3 nghìn cây phân tán. Diện tích nuôi trồng thủy sản ước đạt 6.430,6 ha, giảm 1,42%; tổng sản lượng thủy sản ước đạt 23,5 nghìn tấn, tăng 2,82%, trong đó, sản lượng nuôi trồng đạt 21,61 nghìn tấn, tăng 3,37% so với năm trước.

Sản xuất công nghiệp

Tính chung năm 2021, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 11,72% so với năm 2020. Trong các ngành công nghiệp cấp II, có 16/24 ngành công nghiệp có sự phục hồi tích cực, chỉ số sản xuất cả năm tăng khá so với năm trước.

Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo năm 2021 giảm 4,43% so với năm trước.

Chỉ số tồn kho tăng 15,06% so với cùng thời điểm năm 2020.

Thương mại, dịch vụ

Năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 55.351,9 tỷ đồng, tăng 5,83% so với năm trước. Xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 49.295,3 tỷ đồng, chiếm 89,06% tổng mức, tăng 5,91% so với năm 2020.

Năm 2021, vận tải hành khách ước đạt hơn 10,9 triệu lượt khách vận chuyển, giảm 34,87%; luân chuyển đạt gần 700,8 triệu lượt khách.km, giảm 35,90% so với năm 2020. Vận tải hàng hóa ước đạt hơn 29,5 triệu tấn hàng hóa vận chuyển, giảm 3,71%; luân chuyển đạt hơn 2.230,6 triệu tấn.km, giảm 2,25%. Tổng doanh thu hoạt động vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải ước đạt 3.662,3 tỷ đồng, giảm 6,16%; trong đó, doanh thu vận tải hành khách đạt 463,1 tỷ đồng, giảm 32,09%; doanh thu vận tải hàng hóa đạt 3.122,3 tỷ đồng, giảm 0,06% so với năm 2020.

Tài chính, ngân hàng và bảo hiểm

Thu, chi ngân sách nhà nước: Theo số liệu của Kho bạc Nhà nước tính đến 15/12/2021, tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt 30.976 tỷ đồng, tăng 22,96% so với cùng kỳ.

Tổng chi ngân sách nhà nước đến ngày 15/12/2021 đạt 19.914 tỷ đồng, tăng 4,02% so với cùng kỳ.

Hoạt động ngân hàng, tín dụng: Tổng dư nợ cho vay đến 31/12/2021 ước đạt 101,3 nghìn tỷ đồng, tăng 15% so với cuối năm 2020.

Tổng nguồn vốn huy động dự kiến đến 31/12/2021 ước đạt 100 nghìn tỷ đồng, tăng 9% so với cuối năm 2020.

Năm 2021, lãi suất cho vay trên địa bàn phổ biến từ 4-9,5%/năm đối với từng kỳ hạn và đối tượng; lãi suất huy động bằng VNĐ phổ biến từ 0,1-6,5%/năm. Nợ xấu có xu hướng tăng cao, dự kiến đến 31/12/2021 là 800 tỷ đồng; tăng 49,25% so với tháng 12/2020, chiếm tỷ lệ 0,79% trên tổng dư nợ.

Bảo hiểm: Ước tính đến 31/12/2021, số người tham gia BHXH: 242.522 người, chiếm 37,2% lực lượng lao động (bao gồm: BHXH bắt buộc: 225.836 người; BHXH tự nguyện: 16.686 người) tham gia BH thất nghiệp: 218.271 người, chiếm 33,5% lực lượng lao động; tham gia BHYT: 1.116.989 người, tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 93,8% dân số.

Đầu tư, xây dựng và phát triển doanh nghiệp

Vốn đầu tư: Kết quả thực hiện vốn đầu tư phát triển toàn xã hội năm 2021 trên địa bàn tỉnh ước đạt 45.691 tỷ đồng, tăng 5,25% so với năm trước.

Thu hút vốn đầu tư trực tiếp trên địa bàn tỉnh năm 2021 có sự tăng mạnh về số vốn đăng ký mới ở cả khu vực đầu tư trong nước (DDI) và khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Theo số liệu Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc đến ngày 15/12/2021, tỉnh đã thu hút được 43 dự án DDI (25 dự án cấp mới, 18 dự án điều chỉnh vốn) với tổng vốn đăng ký đạt 21.838 tỷ đồng, tăng 143,02%; 68 dự án FDI (36 dự án cấp mới, 32 dự án điều chỉnh vốn) với tổng vốn đăng ký đạt 1.025 triệu USD, tăng 51,29% so với cùng kỳ. Trong đó, vốn đăng ký cấp mới cho 36 dự án FDI đạt 885 triệu USD, cao nhất trong 25 năm kể từ khi tái lập tỉnh tới nay.

Xây dựng: Ước tính tổng giá trị sản xuất ngành xây dựng theo giá hiện hành năm 2021 đạt 26,37 nghìn tỷ đồng, tăng 9,90% so với năm trước.

Tình hình hoạt động của doanh nghiệp: Tính đến ngày 15/12/2021, toàn tỉnh có 1.169 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 12.337 tỷ đồng, giảm 3,39% về số doanh nghiệp nhưng tăng 39,68% về vốn đăng ký so với cùng kỳ. Trong năm, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động là 338 doanh nghiệp, tăng 33,07% so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động năm 2021 lên 1.507 doanh nghiệp. Trung bình mỗi tháng có 125 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.

Số lượng doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể trong kỳ là 516 doanh nghiệp, tăng 17,81% so với cùng kỳ. Trung bình mỗi tháng có 43 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Tình hình giá cả thị trường

CPI bình quân năm 2021 tăng 0,31% so với năm trước, thấp nhất trong 5 năm trở lại đây. Một số nguyên nhân làm tăng CPI trong năm 2021: Giá nhiên liệu (xăng A95 (VI), xăng sinh học E5, dầu diezen) trong nước bình quân năm 2021 tăng 28,36%, làm CPI chung tăng 0,91 điểm %; giá các mặt hàng lương thực tăng 3,49%, chủ yếu ở nhóm gạo, bột mì và ngũ cốc khác làm tăng 0,12 điểm %; giá các nguyên vật liệu như xi măng, thép, cát tăng mạnh làm cho chỉ số nhóm vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 6,62%, làm tăng 0,13 điểm %...

Trong chiều ngược lại, một số yếu tố kiềm chế giúp CPI bình quân năm 2021 đạt mục tiêu đề ra như: Giá các mặt hàng thực phẩm giảm 3,59% góp phần làm cho CPI chung giảm 0,84 điểm % so với cùng kỳ. Nguyên nhân chủ yếu là do ảnh hưởng của dịch Covid-19 kéo dài nên nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm từ thịt gia súc giảm do các cửa hàng kinh doanh phải ngừng kinh doanh hoặc hoạt động một phần công suất để bảo đảm an toàn và phòng chống dịch đã làm cho giá thịt gia súc năm 2021 giảm; nhóm du lịch trọn gói chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid, giảm 8,06% làm cho chỉ số nhóm văn hóa, giải trí và du lịch giảm 5,04% so với năm 2020.

Chỉ số giá vàng và Đô la Mỹ trên địa bàn biến động cùng chiều với giá vàng và giá đồng Đô la Mỹ trên thị trường thế giới. Bình quân năm 2021, chỉ số giá vàng tăng 10,14%, chỉ số giá Đô la Mỹ giảm 0,36% so với năm 2020.

MỘT SỐ VẤN ĐỀ XÃ HỘI

Dân số, lao động, việc làm, bảo đảm an sinh xã hội

Dân số trung bình năm 2021 của tỉnh Vĩnh Phúc ước tính 1.191,8 nghìn người, tăng 20,6 nghìn người, tương đương mức tăng 1,75% so với năm 2020.

Lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc ước tính có 642 nghìn người, tăng 19 nghìn người so với năm trước.

Công tác giải quyết lao động, việc làm: Ước năm 2021, toàn tỉnh giải quyết việc làm cho 16.080 lao động, đạt kế hoạch đề ra.

Công tác bảo đảm an sinh xã hội: Các chính sách bảo đảm an sinh xã hội, chính sách đối với người có công, hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid - 19 được thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng quy định.

Giáo dục

Hoạt động giáo dục và đào tạo chịu nhiều tác động của dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, năm học 2020-2021, ngành Giáo dục tỉnh Vĩnh Phúc đã đạt nhiều kết quả nổi bật: Tỷ lệ tốt nghiệp của tỉnh đạt 99,36%, tiếp tục giữ vững vị trí thứ 5 toàn quốc về điểm trung bình các môn thi, có 7/9 môn thi của Vĩnh Phúc có điểm trung bình bài thi nằm trong top 10 toàn quốc. Chất lượng giáo dục mũi nhọn tăng cường, mở rộng với hơn 3.000 học sinh giỏi cấp tỉnh; 82/92 học sinh dự thi đạt giải học sinh giỏi cấp quốc gia đạt tỷ lệ 89,13%, đứng đầu cả nước, trong đó có 11 giải Nhất, trở thành địa phương có tỷ lệ học sinh đoạt giải và số giải Nhất cao nhất toàn quốc; 2 học sinh đoạt huy chương tại kỳ thi Olympic quốc tế…

Y tế, vệ sinh an toàn thực phẩm

Công tác phòng chống dịch Covid-19: Tính đến ngày 24/12/2021, trên địa bàn tỉnh ghi nhận số ca mắc Covid-19 là 2.382 ca; trong đó: số bệnh nhân đã được điều trị khỏi 1.209 người, số bệnh nhân đang được điều trị là 861 người, số bệnh nhân tử vong 06 người. Tỉnh đã tiếp nhận 1.471.186 liều vắc xin, triển khai tiêm vắc xin cho 772.973 người đạt 95,4% dân số trên 18 tuổi và  126.825 trẻ từ 12-17 tuổi, tỷ lệ đạt 82,79%.

Công tác an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP): Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 01 vụ ngộ độc thực phẩm với tổng số 66 người mắc và 34 người phải nhập viện, không có trường hợp tử vong.

Các hoạt động văn hoá và thể thao

Hoạt động văn hóa, thông tin trong năm chủ yếu tập trung thực hiện các nhiệm vụ chính trị, các sự kiện quan trọng đất nước và của tỉnh, được tổ chức với hiều hình thức, phù hợp với tình hình, diễn biến của dịch Covid-19.

Phong trào thể dục, thể thao tiếp tục được đẩy mạnh trong điều kiện thực hiện nghiêm công tác phòng chống dịch bệnh.

Tình hình tai nạn giao thông, cháy nổ và bảo vệ môi trường

Tai nạn giao thông: Tính đến ngày 15/12/2021, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 40 vụ tai nạn giao thông, 29 người chết và bị thương 25 người, so năm trước số vụ tai nạn giảm 01 vụ và số người chết giảm 02 người, số người bị thương giảm 07 người.

Cháy nổ: từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 28 vụ cháy (trong đó có 02 người bị thương), ước giá trị thiệt hại 5,6 tỷ đồng.

Công tác bảo vệ môi trường: Trong năm, các cơ quan chức năng phát hiện và xử lý 71 vụ vi phạm môi trường, số vụ đã xử lý 50 vụ, số tiền đã xử phạt 1.148,5 triệu đồng. So với năm 2020 giảm 91 vụ và số tiền xử phạt giảm 6.213,67 triệu đồng.

Tình hình thiên tai: Năm 2021, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 06 vụ thiên tai do mưa lớn kèm theo sấm sét và gió lốc giật mạnh, không gây thiệt hại về người; thiệt hại về tài sản ước tính 6,7 tỷ đồng./.

File Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2021

 

luat_sua_doi_ltk

Đang truy cập: 12
Trong ngày: 217
Trong tuần: 956
Lượt truy cập: 1405138

Xin cho biết ý kiến của bạn về trang thông tin điện tử Cục Thống kê tỉnh Vĩnh Phúc?
Tốt
Khá
Trung bình
Kém

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỤC THỐNG KÊ TỈNH VĨNH PHÚCChung nhan Tin Nhiem Mang

Địa chỉ: Số 20

Lý Thái Tổ - Phường Đống Đa - Thành phố Vĩnh Yên - Tỉnh Vĩnh Phúc

Điện thoại: 0211 3 861 139, Fax: 0211 3 843 841Email: vinhphuc@gso.gov.vn, cuctk@vinhphuc.gov.vn