.::. Cung cấp thông tin đầy đủ, trung thực là trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, đơn vị sự nghiệp, hiệp hội, cơ sở hành chính, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng trên địa bàn .::. .............................................................................................................................................................................................................. ........................................  

BÁO CÁO
Tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Vĩnh Phúc tháng 9 và 9 tháng đầu năm 2022

Chín tháng đầu năm 2022, kinh tế thế giới chưa kịp phục hồi sau ảnh hưởng của dịch Covid-19 thì xung đột quân sự Nga-Ukraine bùng nổ đã trở thành một trong những nguyên nhân chính cản trở sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu; giá dầu thô, khí đốt tự nhiên tăng mạnh nhất kể từ năm 2011, tạo áp lực lạm phát tăng cao. Tại thời điểm tháng 9/2022, kinh tế toàn cầu trong năm 2022 được các tổ chức quốc tế dự báo mức tăng trưởng giảm so với các dự báo đưa ra trước đó. Trong bối cảnh đó, nền kinh tế Việt Nam cũng chịu những tác động nhất định, tuy nhiên kinh tế - xã hội nước ta vẫn giữ vững sự ổn định, các cân đối vĩ mô được đảm bảo, lạm phát trong tầm kiểm soát. Từ đầu năm đến nay, kinh tế Việt Nam đã phục hồi nhanh chóng khi đại dịch được kiểm soát, các biện pháp phòng chống dịch được nới lỏng; các chính sách hỗ trợ như lãi suất thấp, tăng trưởng tín dụng mạnh, và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ phát huy tác dụng mạnh mẽ, nhiều lĩnh vực sản xuất kinh doanh đã khởi sắc trở lại.

Cùng với cả nước, tỉnh Vĩnh Phúc bước vào thực nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội năm 2022 với nhiều thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen. Với những giải pháp tích cực, sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp, các ngành, của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân dịch bệnh Covid-19 đã được kiểm soát, hoạt động sản xuất, kinh doanh dần trở lại bình thường. Nhiều ngành, lĩnh vực có mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ như: sản xuất công nghiệp, thu ngân sách, các ngành dịch vụ phục hồi mạnh mẽ.  Các chính sách an sinh xã hội được triển khai kịp thời, có hiệu quả; tình hình chính trị, xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh được giữ vững. Tuy vậy, vẫn còn một số khó khăn do ảnh hưởng căng thẳng chính trị thế giới, gián đoạn chuỗi cung ứng làm giá hàng hóa, nguyên vật liệu, cước vận tải, chi phí logistic... vẫn ở mức cao; tiến độ giải ngân vốn đầu tư công còn chậm so với kế hoạch khiến kinh tế tỉnh Vĩnh Phúc chịu ảnh hưởng không nhỏ. Kết quả 9 tháng đầu năm 2022 đạt được như sau:

1. Sản xuất nông, lâm nghiệp, thuỷ sản

Nhờ những giải pháp hiệu quả của ngành Nông nghiệp nên sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản 9 tháng đầu năm 2022 của tỉnh Vĩnh Phúc vẫn duy trì được sự ổn định trong bối cảnh ảnh hưởng bởi thời tiết diễn biến thất thường từ quý II/2022 và giá vật tư đầu vào tăng cao. Sản xuất Vụ Xuân bị thiệt hại nặng nề và tạo áp lực tới sản xuất vụ Mùa; song, với sự nỗ lực của người nông dân và các công tác chỉ đạo kịp thời của các cấp, các ngành chức năng nên đã đem lại kết quả tốt. Sản lượng một số cây lâu năm chủ yếu tăng so với cùng kỳ; chăn nuôi lợn và gia cầm phát triển ổn định, giá bán thịt lợn hơi trên địa bàn tỉnh đang có xu hướng tăng, người dân yên tâm sản xuất; hoạt động khai thác và tiêu thụ gỗ có nhiều khởi sắc; nuôi trồng thủy sản tăng trưởng tốt.

1.1. Sản xuất nông nghiệp

Trồng trọt

Gieo trồng cây hàng năm

Sản xuất vụ Mùa 2022:  Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm ước đạt 31.833,18 ha, giảm 1,16% (-374,59 ha) so với vụ Mùa năm trước và đạt 99,48% kế hoạch. Tổng sản lượng lương thực có hạt ước đạt 141.613,82 tấn, giảm 0,9% (-1.277,48 tấn). Hiện nay, toàn tỉnh đã thu hoạch được khoảng 15% diện tích lúa Mùa, năng suất gieo trồng ước đạt 56,27 tạ/ha, và được đánh giá là vụ được mùa tương đương với vụ Mùa năm 2021 (vụ Mùa năm 2021 được đánh giá là vụ được mùa nhất kể từ năm 2011).

Cả năm 2022: Diện tích gieo trồng cây hằng năm tiếp tục xu hướng giảm, ước đạt 85.251,72 ha, giảm 432,51 ha so với cùng kỳ. Năng suất, sản lượng của hầu hết các loại cây trồng đều giảm so với cùng kỳ năm trước, nguyên nhân chủ yếu do vụ Đông Xuân chịu ảnh hưởng của thời tiết bất lợi làm 7.701,0 ha lúa bị ngập.

Chăn nuôi

Ngành chăn nuôi duy trì được sự ổn định. Mặc dù giá thức ăn chăn nuôi vẫn ở mức cao nhưng từ đầu năm đến nay, với các giải pháp không quá phụ thuộc vào thức ăn công nghiệp, tổng đàn vật nuôi và sản lượng sản xuất tại các trang trại, hộ chăn nuôi đang dần ổn định, đặc biệt là các đơn vị chủ động được nguồn con giống, liên kết tiêu thụ sản phẩm đầu ra, đảm bảo vệ sinh, an toàn sinh học. 

Đàn gia cầm ước đạt 12.070 nghìn con, tăng 90,4 nghìn con; sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng ước đạt 29.584,8 tấn, tăng 4,22% (+1.198,2 tấn); cho 492.944,1 nghìn quả trứng, tăng 5,74% so với cùng kỳ. Tổng đàn trâu, bò ước tại thời điểm cuối tháng 9 đạt 113.650 con, giảm 2,20% (-2.556 con) so với cùng thời điểm năm 2021. Chín tháng đầu năm, sản lượng thịt trâu, bò hơi xuất chuồng ước đạt 5.274,8 tấn, giảm 63,4 tấn; Sản lượng sữa bò tươi ước đạt 41.200 tấn, tăng mạnh so với cùng kỳ với mức tăng 12,08% (+4.441,0 tấn).

1.2. Sản xuất lâm nghiệp

Chín tháng đầu năm 2022, sản xuất lâm nghiệp của tỉnh tiếp tục có sự phát triển so với cùng kỳ. Toàn tỉnh trồng mới tập trung được 647,9 ha, đạt 95,56% kế hoạch năm 2022 và tăng 5,36% so với cùng kỳ; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 642,8 nghìn cây, đạt 104% so kế hoạch. Sản lượng gỗ khai thác ước đạt 33.736,7,0 m3, tăng 3,73%; sản lượng củi khai thác ước đạt 36.331,0 ste, giảm 9,44% so với 9 tháng đầu năm 2021.

 1.3. Sản xuất thuỷ sản

Tổng sản lượng thủy sản 9 tháng đầu năm ước đạt 16.450,36 tấn, giảm 0,18% trong đó, sản lượng khai thác nội địa ước đạt 1.398,8 tấn, giảm 0,88%; sản lượng nuôi trồng ước đạt 16.450,4 tấn, giảm 0,12% so với cùng kỳ.

2. Sản xuất công nghiệp

Sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh 9 tháng đầu năm liên tục ghi nhận mức tăng trưởng 2 con số, là điểm sáng đóng góp chủ yếu vào sự tăng trưởng chung của tỉnh. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn đã chủ động thực hiện các giải pháp nhằm hạn chế tình trạng thiếu nguyên vật liệu sản xuất do đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên liệu đầu vào; xây dựng kế hoạch sản xuất hợp lý; vận hành ổn định, hiệu quả, tối ưu công suất nhà máy... Tính chung 9 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) trên địa bàn tỉnh tăng 15,06% so vi cùng k, cao nhất kể từ năm 2019 trở lại đây.

Tháng 9/2022, Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) ước tính tăng 4,99% so với tháng trước và tăng 15,01% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 9 tháng đầu năm, IIP ước tính tăng 15,06% so với cùng kỳ năm trước (quý I tăng 14,46%; quý II tăng 17,30%; quý III tăng 13,50%).

Tình hình sản xuất của các ngành công nghiệp chủ lực: Ngành sản xuất linh kiện điện tử từ đầu năm đến nay luôn duy trì sản xuất ổn định và đạt mức tăng trưởng cao, tăng 20,01% so với cùng kỳ. Các hãng công nghệ lớn thường xuyên đưa ra thị trường các sản phẩm mới, các doanh nghiệp hỗ trợ điện tử trên địa bàn tỉnh đã tiếp cận được nhiều đơn hàng mới góp phần đưa sản lượng sản xuất của doanh nghiệp trong ngành tăng khá.

Ngành sản xuất ô tô tăng trưởng tích cực trong những tháng đầu năm một phần nhờ chính sách giảm lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước theo Nghị định số 103/2021/NĐ-CP ngày 26/11/2021 của Chính Phủ đã kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy các doanh nghiệp trong ngành gia tăng sản lượng. Bước sang quý III, tình trạng thiếu hụt chíp bán dẫn và linh kiện công nghệ cao đã ảnh hưởng đến hoạt động của ngành, sản lượng xe lắp ráp giảm so với quý trước, tuy nhiên, vẫn tăng đáng kể so với cùng quý năm trước, là thời kỳ dịch bệnh Covid-19 bùng phát phức tạp trên diện rộng tại nhiều tỉnh thành phía Nam. Tính chung 9 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất ngành ô tô tăng 5,95%,

Ngành sản xuất xe máy tăng 14,24% so với cùng kỳ năm 2021.

Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu 9 tháng đầu năm 2022 đều có sản lượng sản xuất tăng so cùng kỳ năm trước. Ước tính các doanh nghiệp công nghiệp trên địa bàn tỉnh dự kiến sản xuất được: Giày thể thao ước đạt 10.484 nghìn đôi, tăng 9,57%; gạch ốp lát 90.380 nghìn m2, tăng 4,85%; máy điều hòa không khí 9.775 cái, tăng 17,81%; ô tô các loại 41.533 xe, tăng 5,95%; xe máy các loại 1.152.122 chiếc, tăng 14,24%; doanh thu sản xuất linh kiện điện tử ước đạt 152.055 tỷ đồng, tăng 20,01% so với cùng kỳ.

Số lao động làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/9/2022 tăng 3,94% so với tháng trước và tăng 4,39% so với cùng kỳ năm 2021. Lũy kế 9 tháng đầu năm, chỉ số sử dụng lao động tăng 1,55% so với cùng kỳ năm 2021.

Tháng 9/2022, Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 1,94% so với tháng trước và tăng 39,45% so cùng kỳ.Tính chung 9 tháng đầu năm, chỉ số tiêu thụ toàn ngành tăng 14,52% so cùng kỳ năm 2021.

Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng Chín giảm 1,87% so với tháng trước và giảm 60,35% so với cùng kỳ năm 2021.

3. Đầu tư và xây dựng

3.1. Hoạt động đầu tư

Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội trong 9 tháng đầu năm 2022 ghi nhận mức tăng trưởng tốt, đạt 34.447 tỷ đồng, tăng trưởng đều qua các năm. Đây là kết quả của sự chỉ đạo, triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, đặc biệt trong công tác giải ngân vốn đầu tư công­­ nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp, tổ chức, nhà đầu tư, đóng góp tích cực cho tăng trưởng chung của tỉnh 9 tháng đầu năm và cả năm 2022.

Lũy kế chín tháng đầu năm vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn tỉnh đạt 34.447 tỷ đồng tăng 10,79% so với cùng kỳ. Tăng trưởng ở cả 3 khu vực, trong đó, tăng cao nhất là khu vực vốn đầu tư Nhà nước ước đạt 5.634 tỷ đồng, tăng 19,24%; tiếp theo là khu vực vốn đầu tư của dân cư và tư nhân với mức tăng 16,77% (ước đạt 13.376 tỷ đồng); khu vực vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 15.437 tỷ đồng, tăng 3,52% so với cùng kỳ năm trước.

Tình hình thu hút đầu tư: Công tác xúc tiến đầu tư của tỉnh trong những tháng cuối năm có nhiều tín hiệu khởi sắc, lượng vốn đầu tư thu hút được tăng đều qua các tháng, tăng chủ yếu ở các dự án điều chỉnh quy mô vốn đăng ký, điều đó cho thấy Vĩnh Phúc tiếp tục là điểm đến đầu tư an toàn, tiềm năng cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Theo số liệu Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc, đến ngày 15/9/2022, toàn tỉnh đã thu hút được 21 dự án DDI (14 dự án cấp mới, 07 dự án điều chỉnh vốn) với tổng vốn đăng ký đạt 9.797 tỷ đồng, tăng 11,09%.

Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được 51 dự án (21 dự án cấp mới, 30 dự án điều chỉnh vốn) với tổng vốn đăng ký đạt 292,82 triệu USD.

3.2. Hoạt động xây dựng

Hoạt động xây dựng trên địa bàn tỉnh trong 9 tháng đầu năm nhìn chung ổn định nhưng mức tăng trưởng đạt được không cao như các năm trước, do giá các loại vật liệu xây dựng, giá cước vận chuyển liên tục tăng cao đã gây áp lực và tác động trực tiếp đến hoạt động thi công xây lắp trên địa bàn. Điều này phản ánh thực tế khó khăn mà ngành xây dựng gặp phải trong giai đoạn hiện nay và cả trong những tháng cuối năm sắp tới.

Giá trị sản xuất ngành xây dựng theo giá hiện hành quý III năm 2022 ước đạt 8.156,1 tỷ đồng, tăng 24,41% so với quý trước và tăng 8,76% so với cùng kỳ. Lũy kế chín tháng đầu năm tổng giá trị sản xuất ngành xây dựng theo giá hiện hành ước đạt 20.670,2 tỷ đồng, tăng 11,61% so với 9 tháng đầu năm 2021.

Theo giá so sánh, giá trị sản xuất ngành xây dựng quý III năm nay ước đạt 5.613,1 tỷ đồng, tăng 0,90% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 9 tháng đầu năm, giá trị sản xuất ngành xây dựng đạt 13.286,7 tỷ đồng, tăng 3,23% so với 9 tháng đầu năm 2021.

4. Hoạt động của doanh nghiệp

4.1. Tình hình đăng ký doanh nghiệp

Chín tháng đầu năm 2022, nền kinh tế phục hồi nhanh chóng sau đại dịch, Chính phủ ưu tiên ổn định, phát triển kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát,... tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Do đó, tình hình đăng ký doanh nghiệp tiếp tục ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực. Số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động đạt kết quả khả quan, cao gấp 2,5 lần số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Tính đến ngày 15/9/2022, toàn tỉnh có 999 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 19.348 tỷ đồng, tăng 20,36% về số doanh nghiệp, tăng mạnh 124,76% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước.

Cùng với sự phục hồi của nền kinh tế, số lượng doanh nghiệp tham gia quay trở lại thị trường có xu hướng tích cực với 340 doanh nghiệp, tăng 16,44% so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 9 tháng đầu năm 2022 lên 1.339 doanh nghiệp (trung bình mỗi tháng có 148 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động).

Ở chiều hướng ngược lại, số lượng doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh và doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong kỳ là 544 doanh nghiệp, tăng 23,64% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 482 doanh nghiệp, tăng 30,27%; số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể là 62 doanh nghiệp, giảm 11,43%. Trung bình mỗi tháng có 60 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

4.2. Xu hướng SXKD của doanh nghiệp

Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý III năm nay cho thấy: Có 41,11% số doanh nghiệp đánh giá tốt hơn so với quý II; 37,78% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định và 21,11% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn. Nhận định về quý IV, có 55,56% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên so với quý III; 13,33% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn và 31,11% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định.

Trong các yếu tố chủ yếu ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp quý III, có 53,33% số doanh nghiệp nhận định khả năng cạnh tranh của hàng hóa trong nước cao là yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; 44,44% số doanh nghiệp đánh giá nhu cầu của thị trường trong nước thấp; 35,56% số doanh nghiệp cho rằng không tuyển được lao động theo yêu cầu; 28,89% số doanh nghiệp nhận định khó khăn về tài chính; 25,56% số doanh nghiệp lựa chọn do nhu cầu thị trường quốc tế thấp...

5. Thương mại, dịch vụ

Hoạt động kinh doanh thương mại, dịch vụ, vận tải trên địa bàn phục hồi nhanh ở tất cả các ngành, đặc biệt là dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành. Nguồn cung hàng hóa phong phú, đa dạng, đáp ứng tốt nhu cầu thị trường. Hoạt động du lịch tăng trở lại cũng góp phần tạo không khí sôi động cho thị trường bán lẻ. Khối lượng hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng và doanh thu vận tải 9 tháng đầu năm đạt mức tăng cao so với cùng kỳ năm trước.

5.1. Bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng

Tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý III ước đạt 17.335,3 tỷ đồng, tăng 9,33% so quý II/2022 và tăng 29,82% so quý III/2021. Tính chung 9 tháng đầu năm nay ước đạt 47.924,1 tỷ đồng, tăng 19,47% so với cùng kỳ năm trước, đạt quy mô và tốc độ tăng cao hơn so với cùng kỳ các năm trước khi xảy ra dịch Covid-19.

Doanh thu bán lẻ hàng hóa 9 tháng đầu năm ước đạt 42.843,6 tỷ đồng, tăng 19,53% so với cùng kỳ năm trước.

Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, 9 tháng đầu năm ước đạt 3.152,4 tỷ đồng tăng 20,75% so với cùng kỳ năm trước, do nhu cầu vui chơi và du lịch của người dân tăng cao trong dịp hè và các dịp nghỉ lễ 30/4-1/5, Quốc khánh 2-9.

Doanh thu du lịch lữ hành 9 tháng đầu năm 2022 ước đạt 74,6 tỷ đồng tăng 133,38% so với 9 tháng đầu năm 2022 do hoạt động du lịch phục hồi mạnh mẽ, đặc biệt là sự bùng nổ của du lịch trong quý II năm nay.

 Doanh thu các ngành dịch vụ tiêu dùng khác 9 tháng đầu năm 2022 ước đạt 1.853,5 tỷ đồng, tăng 13,79% so với cùng kỳ năm trước.

5.2. Vận tải hành khách và hàng hoá

Chín tháng đầu năm 2022, hoạt động vận tải trên địa bàn tỉnh có sự tăng trưởng khá so với cùng kỳ. Doanh thu vận tải, kho bãi ước đạt 3.594,75 tỷ đồng, tăng 34,88% so với cùng kỳ, tăng cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Trong đó, quý III ước đạt là 1.297,04 tỷ đồng, tăng 63,91% so với cùng kỳ.

Vận tải hành 9 tháng đầu năm 2022 ước đạt 14.682 nghìn lượt khách vận chuyển, tăng 64,9% so với cùng kỳ và luân chuyển đạt 872.098 nghìn lượt khách.km, tăng 53,25%.

 Vận tải hàng hóa 9 tháng đầu năm 2022 ước đạt 29.522 nghìn tấn vận chuyển, tăng 37,6% so với cùng kỳ và luân chuyển đạt 1.982.412 nghìn tấn.km, tăng 23,17%.

5.3. Hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa

Theo số liệu báo cáo của Chi cục Hải quan tỉnh Vĩnh Phúc, kim ngạch xuất khẩu tính đến ngày 15/9/2022 trên địa bàn ước đạt 10.727 triệu USD, tăng 25,27% so với cùng kỳ.

Tính đến ngày 15/9/2022, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 10.146,4 triệu USD, tăng 19,5% so với cùng kỳ.

6. Tài chính, ngân hàng, bảo hiểm

6.1. Tình hình thu, chi ngân sách nhà nước

Chín tháng đầu năm, cân đối ngân sách Trung ương và ngân sách các cấp địa phương được đảm bảo, hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc tăng trưởng khá so với cùng kỳ, qua đó đóng góp tích cực vào nguồn thu ngân sách của tỉnh. Theo số liệu của Kho bạc Nhà nước tính đến 15/9/2022, tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt 25.013 tỷ đồng, tăng 4,66% so với cùng kỳ, bằng 78,43% dự toán Hội đồng nhân tỉnh giao.

Tổng chi ngân sách nhà nước đến ngày 15/9/2022 đạt 15.725 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ.

6.3. Hoạt động ngân hàng, tín dụng

Chín tháng đầu năm 2022, lãi suất trên toàn cầu tăng, song với việc bám sát, thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, của Ngành, ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh trên địa bàn tỉnh đã duy trì, đảm bảo ổn định mặt bằng lãi suất ở mức thấp nhằm hỗ trợ thị trường. Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay trên địa bàn có xu hướng tăng so với cuối năm 2021 (lãi suất tiền gửi bình quân tăng 0,25%/năm, lãi suất cho vay bình quân tăng khoảng 0,24%/năm) chủ yếu do nhu cầu tín dụng tăng cao nhằm đáp ứng cho tăng trưởng kinh tế phục hồi trở lại, cụ thể: Lãi suất cho vay trên địa bàn phổ biến từ 4-11%/năm đối với từng kỳ hạn và đối tượng; lãi suất huy động bằng VNĐ phổ biến từ 0,2-7,2%/năm đối với từng kỳ hạn.

Tổng dư nợ cho vay đến 30/9/2022 ước đạt 114.500 tỷ đồng, tăng 12,21% so với cuối năm 2021.

Kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất 2% đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh theo NĐ 31 và Thông tư 03 đến lũy kế từ đầu chương trình còn thấp: Có 31 khách hàng được hỗ trợ lãi suất (HTLS) với số tiền 49,07 triệu đồng, trong đó: 02 DN được HTLS 46,09 triệu đồng; 29 hộ kinh doanh được HTSL 2,97 triệu đồng. Tổng dư nợ cho vay được HTLS đến cuối kỳ đạt 24,73 tỷ đồng.

Tình hình kinh tế hồi phục, các doanh nghiệp, đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh, một số doanh nghiệp FDI trên địa bàn đến kỳ thanh toán công nợ; chuyển tiền về nước và chuyển sang sử dụng dịch vụ của các ngân hàng nước ngoài. Do vậy, tổng nguồn vốn huy động dự kiến đến 30/9/2022 chỉ đạt 98.000 tỷ đồng, giảm 1,72% so với cuối năm 2021.

Dự kiến đến 30/9/2022, nợ xấu là 790 tỷ đồng giảm 2,95% so với tháng 12/2021, chiếm tỷ lệ 0,69% trên tổng dư nợ.

6.4. Bảo hiểm

Thị trường lao động, việc làm ổn định, nhu cầu tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) của người lao động tăng, do vậy BHXH tỉnh đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân tham gia bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến. Dự kiến đến hết tháng 9/2022, tăng mới 422 đơn vị với 1.725 lao động tham gia và phát triển được 3.886 người tham gian BHXH tự nguyện.

Ước tính đến 30/9/2022, toàn tỉnh có 1.140.932 người tham gia đóng bảo hiểm các loại. Trong đó, tham gia BHXH có 248.443 người, chiếm 37,43% lực lượng lao động (bao gồm: BHXH bắt buộc: 230.796 người; BHXH tự nguyện: 17.647 người), tham gia BH thất nghiệp: 222.876 người, chiếm 33,58% lực lượng lao động; tham gia BHYT: 1.123.285 người, tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 93,8% dân số. Tổng số tiền thu bảo hiểm các loại đến hết tháng 9 năm 2022 ước đạt 4.275,9 tỷ đồng, đạt 74,2% kế hoạch giao và tăng 8,40% so với cùng kỳ năm 2021. Công tác chi trả, nhất là trả lương hưu và trợ cấp BHXH được thực hiện đồng bộ, nhanh gọn và an toàn đến tận tay đối tượng. Qua đó, trong 9 tháng đầu năm BHXH tỉnh đã giải quyết hưởng BHXH hàng tháng cho 545 người; Giải quyết hưởng BHXH một lần cho 7.067 người; Giải quyết ốm đau, thai sản, dưỡng sức cho 178.815 lượt người; lập danh sách chi trả cho 8.139 lượt người hưởng bảo hiểm thất nghiệp.

7.  Chỉ số giá

Học phí theo quy định mới tăng cao từ 30% - 165%, giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm cùng với giá dịch vụ ăn uống tăng là những nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9/2022 tăng 2,78% so với tháng trước, đây là tháng thứ 9 liên tiếp CPI tăng và cũng là tháng có mức tăng cao nhất kể từ đầu năm đến nay.

Chín tháng đầu năm, CPI tăng 3,43% so với cùng kỳ năm trước.

Giá vàng và Đô la Mỹ: Tháng 9/2022, chỉ số giá vàng giảm 0,85% so với tháng trước, giá vàng bình quân là 5.357 nghìn đồng/chỉ. Bình quân 9 tháng đầu năm, chỉ số giá vàng tăng 0,43%, chỉ số giá Đô la Mỹ tăng 0,72% so với cùng kỳ năm trước.

8. Một số vấn đề xã hội

Chín tháng đầu năm 2022, tình hình đời sống dân cư tỉnh Vĩnh Phúc còn nhiều khó khăn bởi chi phí sinh hoạt tăng, thiên tai, dịch bệnh,... Song, với các quyết sách của tỉnh được ban hành đúng đắn, kịp thời đặc biệt trong công tác phòng chống thiên tai, dịch bệnh... nên, tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh có sự hồi phục, đời sống dân cư và các hoạt động an sinh xã hội tiếp tục ổn định và cải thiện góp phần đảm bảo an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội và củng cố niềm tin của Nhân dân.

bao_cao_ktxh_9t_2022_vinh_phuc.docx

so_lieu_ktxh_9t_nam_2022_tinh_vinh_phuc.xlsx

 

luat_sua_doi_ltk

Đang truy cập: 6
Trong ngày: 100
Trong tuần: 1048
Lượt truy cập: 1423597

Xin cho biết ý kiến của bạn về trang thông tin điện tử Cục Thống kê tỉnh Vĩnh Phúc?
Tốt
Khá
Trung bình
Kém

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỤC THỐNG KÊ TỈNH VĨNH PHÚCChung nhan Tin Nhiem Mang

Địa chỉ: Số 20

Lý Thái Tổ - Phường Đống Đa - Thành phố Vĩnh Yên - Tỉnh Vĩnh Phúc

Điện thoại: 0211 3 861 139, Fax: 0211 3 843 841Email: vinhphuc@gso.gov.vn, cuctk@vinhphuc.gov.vn