.::. Cung cấp thông tin đầy đủ, trung thực là trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, đơn vị sự nghiệp, hiệp hội, cơ sở hành chính, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng trên địa bàn .::. .............................................................................................................................................................................................................. ........................................  

Tình hình KT - XH Vĩnh Phúc tháng Tám và 8 tháng đầu năm 2015

So_lieu_KTXH_thang_Tam va 8 thang nam 2015.xls

 

 

1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản

a. Nông nghiệp

+ Trồng trọt: Tính đến hết ngày 15/8/2015, toàn tỉnh đã gieo trồng được 33.047 ha lúa và rau màu các loại, tăng 0,37% so với cùng kỳ. Trong đó, lúa mùa đạt 27.550 ha, bằng 98,52% so với cùng kỳ năm trước; ngô 1.614 ha, tăng 9,95% so với cùng kỳ; khoai lang 205 ha, bằng 85,77%; đỗ tương 258 ha, bằng 85,71% so với cùng kỳ; lạc 537 ha, bằng 91,48%; rau xanh 1.801 ha, tăng 7,07% so với cùng kỳ...

Trong tháng Tám, bà con nông dân chủ yếu tập trung vào chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho lúa và rau màu vụ mùa. Đầu tháng, do thời tiết có mưa nhiều tạo điều kiện thuận lợi cho cây trồng phát triển, song cũng là dịp để sâu bệnh sinh sôi và gây hại cho cây trồng. Hiện nay một số diện tích mùa sớm bị nhiễm sâu cuốn lá, sâu đục thân 2 chấm, khô vằn, bạc lá, đốm sọc vi khuẩn... nhưng ở mức độ nhẹ. Để đảm bảo cho vụ mùa đạt kết quả tốt, tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng và các địa phương tăng cường kiểm tra phát hiện sớm, chính xác các loại sâu bệnh để phòng trừ kịp thời, có hiệu quả.

+ Chăn nuôi: Tình hình chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc từ đầu năm đến nay nhìn chung tương đối thuận lợi và phát triển. Số lượng đầu con trên đàn gia súc, gia cầm có xu hướng tăng hơn năm trước do giá bán sản phẩm chăn nuôi tương đối ổn định ở mức khá, người chăn nuôi có lãi nên yên tâm đầu tư mở rộng quy mô sản xuất. Công tác phòng chống dịch cho đàn gia súc, gia cầm được thực hiện tốt, vì vậy từ đầu năm đến nay Vĩnh Phúc không xảy ra những dịch bệnh nguy hiểm như: Cúm gia cầm, lở mồm long móng, tai xanh... Công tác kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y được tăng cường và quản lý chặt chẽ, việc vận chuyển, giết mổ gia súc, gia cầm theo đúng quy định của pháp luật. Để chủ động phòng, chống một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho gia súc, gia cầm, ngăn chặn dịch bệnh phát sinh và lây lan vào địa bàn tỉnh, hiện nay tỉnh đang xây dựng Kế hoạch tiêm phòng vắc xin cho gia súc, gia cầm và khử trùng tiêu độc môi trường đợt 2 năm 2015.

b. Lâm nghiệp

Tính từ đầu nămđến nay, toàn tỉnh toàn tỉnh trồng đ­­ược 602,8 ha rừng tập trung, giảm 4,8% so với cùng kỳ. Trong đó, rừng sản xuất 518,8 ha, rừng đặc dụng 26 ha, rừng phòng hộ 58 ha. Các đơn vị sản xuất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh như: Trung tâm khoa học sản xuất lâm nghiệp Đông Bắc Bộ, Công ty Lâm nghiệp Lập Thạch, Vườn Quốc gia Tam Đảo đã hoàn thành kế hoạch trồng rừng năm 2015. Tại các địa phương, tính đến nay việc trồng rừng chỉ đạt 78,1% kế hoạch, nguyên nhân là do nguồn cung ứng cây giống không kịp đảm bảo tiêu chuẩn xuất vườn, nguồn lực của các chủ rừng còn hạn chế. Công tác phòng, chống cháy rừng luôn được quan tâm đặc biệt, các địa phương chủ động tích cực triển khai phòng, chống cháy rừng nên từ đầu tháng đến nay trên địa bàn tỉnh không xảy ra vụ cháy rừng nào.

c. Thuỷ sản

 Sản xuất nuôi trồng thuỷ sản trong tháng có nhiều thuận lợi do mưa nhiều, tạo điều kiện cho ao, hồ, đầm đủ nước để nuôi trồng thuỷ. Dự kiến Tám tháng đầu năm, diện tích nuôi trồng thuỷ sản đạt 7.061 ha, đạt 100,86% kế hoạch năm và tăng 1,01% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng đạt 12.129 tấn, tăng 2,21% so cùng kỳ.

2. Sản xuất công nghiệp

a) Chỉ số sản xuất và sản phẩm công nghiệp

Sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc trong tháng phát triển ổn định, các doanh nghiệp đã tích cực tìm kiếm và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm; một số doanh nghiệp mới đầu tư đã đi vào sản xuất, tạo ra những sản phẩm hàng hóa có giá trị, góp phần làm tăng giá trị sản xuất của toàn ngành. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) trên địa bàn tỉnh tháng Tám tăng 3,84% so tháng trước và tăng 10,60% so cùng kỳ. Chia theo ngành kinh tế cấp I, các ngành tăng giảm tương ứng so với tháng trước và cùng kỳ là: ngành công nghiệp khai khoáng tăng 3,93% và tăng 41,31%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 3,86% và tăng 10,61%; ngành sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hoà không khí tăng 1,27% và tăng 15,90%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải tăng 2,86% so tháng trước và  giảm 0,82% so cùng kỳ. Tính chung tám tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 4,56%. Trong đó, ngành công nghiệp khai khoáng tăng 22,45%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,54%; ngành sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hoà không khí tăng 14,51%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải giảm 2,29% so tám tháng đầu năm 2014.

Trong tháng, chỉ số sản xuất của hầu hết các ngành đều tăng, một số ngành có chỉ số tăng cao so với cùng kỳ như: Ngành sản xuất xe có động cơ tăng 33,83% so với cùng kỳ. Bên cạnh việc các doanh nghiệp liên tục cải tiến mẫu mã, tập chung vào các tính năng dễ sử dụng cho người sử dụng xe lần đầu, thì việc các ngân hàng đang nới lỏng lãi suất cho vay tiền mua xe cũng là một trong những yếu tố chính làm tăng lượng tiêu thụ ô tô trên thị trường; ngành sản xuất linh kiện điện tử tăng tăng 23,01%. Thị trường của sản phẩm linh kiện điện tử ngày càng mở rộng trong và ngoài nước, cùng với những chính sách thu hút đầu tư của tỉnh, đã có nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư vào lĩnh vực này, góp phần đưa sản xuất của ngành phát triển nhanh chóng; ngành sản xuất trang phục tăng 16,23%, do sản phẩm của ngành không chỉ được người tiêu dùng Việt Nam tin dùng mà còn được xuất khẩu ngày càng tăng hơn nhờ lượng đơn đặt hàng của các đối tác nước ngoài luôn ổn định; ngành sản xuất chế biến thực phẩm tăng 11,27% so cùng kỳ...

Dự kiến tháng Tám, các đơn vị sản xuất công nghiệp trên địa bàn sản xuất được  24.378 m3 đá các loại tăng 3,28% so với tháng trước; 208 tấn chè các loại, tăng 1,08%; 12 ngàn tấn thức ăn gia súc, tăng 4,21%; 4.283 ngàn quần áo mặc thường, tăng 5,10%; 6.634 ngàn m2 gạch ốp lát, tăng 0,88%; 83.535 ngàn viên gạch xây dựng, tăng 4,95%; 4.783 xe ô tô các loại, tăng 0,36%; 178.518 xe máy các loại, tăng 3,37%. Tính chung tám tháng đầu năm, các đơn vị sản xuất công nghiệp trên địa bàn sản xuất được 194.283 m3 đá các loại, tăng 34,57% so với cùng kỳ năm trước; 2.082 tấn chè các loại, tăng 6,44%; 109.308 tấn thức ăn gia súc, tăng 40,48%; 32.022 ngàn quần áo mặc thường, tăng 8,54%; 51.083 ngàn m2 gạch ốp lát, tăng 3,22%; 631.545 ngàn viên gạch xây dựng, tăng 10,98%; 33.961 xe ô tô các loại, tăng 33,20%; 1.249.735 xe máy các loại, giảm 10,35% so với cùng kỳ năm trước.

b) Chỉ số tiêu thụ, chỉ số tồn kho của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo

Với những yếu tố thuận lợi cùng với sự cố gắng tìm kiếm và mở rộng thị trường của các doanh nghiệp, hoạt động tiêu thụ sản phẩm của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã có những chuyển biến tích cực. Chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng Bảy tăng 4,7% so với tháng trước và tăng 13,28% so với cùng kỳ. Tính chung bảy tháng đầu năm, chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,17%. Trong đó, ngành sản xuất xe có động cơ tăng 29,07%; ngành dệt tăng 9,79%; ngành sản xuất trang phục tăng 9,42%...

Tại thời điểm 01/8/2015, chỉ số tồn kho tăng 1,5% so với tháng trước và tăng 26,53% so với cùng kỳ. Các ngành có chỉ số hàng tồn kho giảm so cùng thời điểm năm trước là: Ngành sản xuất phương tiện vận tải khác giảm 53,43%; ngành sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại giảm 5,75%; ngành dệt giảm 4,5%. Một số ngành có xu hướng tăng như: Ngành sản xuất chế biến thực phẩm tăng trên 4 lần; ngành sản xuất xe có động cơ tăng 19,45%; ngành sản xuất trang phục tăng 13,12%...

c) Chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp công nghiệp

Chỉ số sử dụng lao động trong các doanh nghiệp công nghiệp trên địa bàn tỉnh tại thời điểm 01/8/2015 tăng 0,74% so với tháng trước và tăng 18% so với cùng kỳ; tính chung tám tháng đầu năm tăng 11,07%. Theo ngành công nghiệp cấp I, ngoài ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có chỉ số sử dụng lao động trong tháng tăng cao so với cùng kỳ năm trước (tăng 19,08%), các ngành còn lại tăng không đáng kể. Theo thành phần kinh tế, doanh nghiệp ngoài nhà nước giảm 2,3%; doanh nghiệp nhà nước tăng 2,22%; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 23,47% so với tháng cùng kỳ năm trước.

3. Đầu tư, xây dựng

Dự kiến tháng Tám, tổng vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý đạt 492,6 tỷ đồng, tăng 4,69% so với tháng trước. Giá trị này được thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh là 343,6 tỷ đồng, tăng 10,30%; vốn ngân sách cấp huyện là 111,7 tỷ đồng, giảm 0,63% và vốn ngân sách cấp xã là 37,3 tỷ đồng, giảm 19,92% so với tháng trước. Tính chung tám tháng đầu năm, tổng vốn đầu tư thuộc nguồn vốn nhà nước đạt 2.864,4 tỷ đồng, tăng 18,87% so với cùng kỳ. Trong đó, vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh là 1.823,3 tỷ đồng, tăng 35,09%; vốn ngân sách cấp huyện là 744,8 tỷ đồng, tăng 28,16% và vốn ngân sách cấp xã là 296,2 tỷ đồng, bằng 61,85% so với cùng kỳ. Nguyên nhân tăng chủ yếu là do các công trình, dự án mới được khởi công nhằm đáp ứng các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới và các dự án, công trình quan trọng của tỉnh tiếp tục được các nhà đầu tư, nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

4. Thương mại, giá cả và dịch vụ

a. Bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng

Trong tháng, tình hình kinh doanh thương mại và dịch vụ trên địa bàn tỉnh nhìn chung ổn định, lượng hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng luôn đảm bảo, đáp ứng tốt nhu cầu cho sản xuất và tiêu dùng của đời sống xã hội. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng Tám dự kiến đạt 2.734 tỷ đồng, bằng 98,64% so tháng trước và tăng 12,33% so với cùng kỳ. Trong đó, kinh tế cá thể tăng 14,99%; kinh tế tư nhân tăng 11,74%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài bằng 92,34% so cùng kỳ năm trước. Tính chung tám tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ đạt 21.886,6 tỷ đồng, tăng 11,69 % so cùng kỳ năm 2014. Trong đó, kinh tế nhà nư­ớc đạt 81,34 tỷ đồng, bằng 66,47%; kinh tế tập thể 22,12 tỷ đồng, bằng 83,23%; kinh tế cá thể 12.302 tỷ đồng, tăng 11,38%; kinh tế tư nhân 8.400 tỷ đồng, tăng 13,54%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài 1.081,1 tỷ đồng, tăng 7,71% so cùng kỳ năm 2014. Phân theo nhóm ngành kinh tế, ngành thương nghiệp bán lẻ đạt 18.884,6 tỷ đồng, tăng 11,11% so với cùng kỳ; kinh doanh dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch 2.075,3 tỷ đồng, tăng 15,55%; các ngành dịch vụ khác còn lại đạt 926,7 tỷ, tăng 15,38% so cùng kỳ.

b. Xuất, nhập khẩu hàng hoá

Tổng kim ngạch xuất khẩu tháng trên địa bàn tỉnh tháng Tám dự kiến đạt 135,9 triệu USD, tăng 2,1% so tháng trước và bằng 78,15% so với cùng kỳ. Trong đó, kinh tế trong nước đạt 4,6 triệu USD, tăng 7,8% so tháng trước và bằng 41,68% so với cùng kỳ; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 131,2 triệu USD, tăng 1,91% so tháng trước và bằng 80,65% so cùng kỳ. Tính chung tám tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 997,2 triệu USD, tăng 12,86% so cùng kỳ. Trong đó, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 966 triệu USD, tăng 18,11%; kinh tế trong nước 31,2 triệu USD, bằng 47,52% so với cùng kỳ. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu trong tháng chủ yếu là: hàng điện tử 49,8 triệu USD, tăng 27,53%; phương tiện vận tải và phụ tùng 43,7 triệu USD, tăng 24,56%; hàng dệt may 19,7 triệu USD, tăng 4,17%; chè 2,5 triệu USD, bằng 68,33 % so cùng kỳ.

Tổng kim ngạch nhập khẩu trên địa bàn tỉnh trong tháng dự kiến đạt 197,4 triệu USD, tăng 1,53% so với tháng trước và tăng 13,56% so với cùng kỳ. Trong đó, kinh tế nhà nước đạt 438 ngàn USD, tăng 14,96%; kinh tế tư nhân đạt 15,5 triệu USD, tăng 43,88%;  kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài 181,5 triệu USD, tăng 11,55% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung tám tháng đầu năm, tổng kim ngạch nhập khẩu đạt 1.510,5 triệu USD, tăng 21,76% so với cùng kỳ. Trong đó, kinh tế nhà nước đạt 3,2 triệu USD, tăng 27,95%; kinh tế tư nhân đạt 106,8 triệu USD, tăng 80,89%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài 1.400,5 triệu USD, tăng 18,79% so với cùng kỳ năm trước. Hàng nhập khẩu trong tháng chủ yếu là các nguyên vật liệu để gia công sản xuất như: linh kiện, phụ tùng ô tô, xe máy, vải may mặc, hàng điện tử, thức ăn gia súc và nguyên phụ liệu chế biến...

c. Chỉ số giá tiêu dùng, chỉ số giá vàng và Đô la Mỹ

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trên địa bàn tỉnh tháng Tám giảm 0,09% so với tháng trước, tăng 0,20% so vớí cùng tháng năm trước và tăng 0,09% so với tháng 12 năm trước. Tính chung tám tháng đầu năm, CPI tăng 0,27% so với bình quân cùng kỳ năm 2014. Nguyên nhân chính làm CPI tháng này giảm so tháng trước là do giá một số nhóm hàng thiết yếu như: Lương thực giảm 0,94%; ăn uống ngoài gia đình giảm 0,04%; nhà ở, điện nước, chất đốt và VLXD giảm 0,71%; giao thông giảm 2,34%... Các nhóm còn lại giá tương đối ổn định và biến động nhẹ.

Diễn biến CPI của các nhóm hàng chính trong tháng Tám như sau:

- Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,20% so với tháng trước. Trong đó, lương thực giảm 0,94%; thực phẩm tăng 0,46%, do giá một số mặt hàng như thịt, trứng, hải sản, rau tươi tăng; giá dịch vụ ăn uống ngoài gia đình giảm nhẹ;

- Nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,28%. Chuẩn bị vào năm học mới, nhu cầu sắm sửa quần áo mới tựu trường cho các em trở lên nhộn nhịp hơn hẳn. Giá quần âu, áo sơ mi trẻ em đều tăng từ 3,08% đến 8,47%;

- Nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng giảm 0,71%. Chủ yếu là do: Giá dầu hỏa bình quân tháng Tám giảm 9,26% so với tháng trước, do điều chỉnh giảm của tập đoàn xăng dầu Việt Nam; từ ngày 01/8/2015 các công ty kinh doanh gas trên cả nước đều đồng loạt giảm giá với mức giảm 667đ/kg, tương đương giảm 8.000đ/bình 12kg so với giá hiện hành, giảm 1,52% so với tháng trước; nhóm vật liệu, bảo dưỡng nhà ở giảm 0,84. Trong đó, xi măng giảm từ 0,53% đến 1,86%, sắt giảm 2,18% đến 3,94%; nhóm điện sinh hoạt giảm 0,46%, do trong tháng không còn những đợt nắng nóng cao điểm kéo dài, thời tiết đã mát mẻ hơn, nhu cầu sử dụng máy điều hòa của người dân giảm nên giá điện giảm hơn;

- Nhóm giao thông giảm 2,34%, do sự điều chỉnh giá xăng dầu của tập đoàn xăng dầu Việt Nam vào các ngày 20/7 và 04/8/2015, góp phần vào sự giảm chung của nhóm;

- Nhóm giáo dục tăng 0,32%.Sắp bước vào năm học mới nên thị trường hàng văn phòng phẩm trong tháng diễn ra nhộn nhịp, giá sách giáo khoa trọn bộ có chiều hướng tăng từ 3,29% đến 3,67% tùy cấp học;

- Giá vàng trên địa bàn tỉnh giảm 2,96% so với tháng trước, giá bình quân trên thị trường tự do là 3.110 nghìn đồng/chỉ. Ngược chiều với giá vàng, giá Đô la Mỹ trên thị trường tự do tiếp tục có biến động tăng nhẹ so với tháng trước, giá bán bình quân phổ biến ở mức 21.883 đồng/USD;

Một số nhóm hàng còn lại giá tương đối ổn định.

d. Vận tải hành khách và hàng hoá

Tổng khối l­ượng hàng hoá vận chuyển trên địa bàn tỉnh tháng Tám dự kiến đạt 2.077 ngàn tấn, luân chuyển đạt 135.250 ngàn tấn.km, tăng 6,03% về tấn và tăng 11,54% về tấn.km so với tháng trước; so với cùng kỳ năm trư­ớc, vận chuyển hàng hoá tăng 13,67% về tấn và tăng 14,51% về tấn.km. Tính chung tám tháng đầu năm, vận chuyển đạt 17.027 ngàn tấn, luân chuyển đạt 1.159.738 ngàn tấn.km, tăng 5,17% về tấn và tăng 6,02% về tấn.km so với cùng kỳ năm 2014.

Khối l­ượng hành khách vận chuyển trên địa bàn tỉnh trong tháng dự kiến đạt 1.214 ngàn ngư­ời, luân chuyển đạt 114.836 ngàn ngư­ời.km, tăng 0,95% về người và tăng 1,95% về người.km so với tháng trước; so cùng kỳ năm trước, tăng 0,23% về người và tăng 0,71% về người.km. Tính chung tám tháng đầu năm, vận chuyển đạt 14.095 ngàn người, luân chuyển đạt 927.791 ngàn người.km, tăng 0,78% về người và tăng 1,8% về người.km so với cùng kỳ năm  2014.

Tổng doanh thu vận tải tháng Tám dự kiến đạt 244,2 tỷ đồng, tăng 5,04% so tháng trước và tăng 17,13% so cùng kỳ. Trong đó, vận tải hành khách đạt 51,8 tỷ đồng, tăng 7,03%; vận tải hàng hoá đạt 189,5 tỷ đồng, tăng 19,35% so cùng kỳ. Tám tháng đầu năm tổng doanh thu đạt 2.047,9 tỷ đồng, tăng 9,45% so cùng kỳ.

 5. Một số vấn đề xã hội

- Về y tế:Trong kỳ, Ngành Y tế đã chủ động theo dõi giám sát tình hình các bệnh dịch, nhất là các bệnh dịch mới nổi như dịch MERS-CoV, xây dựng kế hoạch phòng chống dịch, tập huấn chuyên môn cho cán bộ y tế từ tuyến tỉnh đến tuyến huyện, xã; tổ chức truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, hướng dẫn người dân các biện pháp phòng chống dịch bệnh, vận động nhân dân chủ động tiêm vắc-xin phòng bệnh, vệ sinh môi trường không để dịch bệnh lây lan ra cộng đồng.

Công tác an toàn vệ sinh thực phẩm thường xuyên được các ngành chức năng thanh, kiểm tra nhằm phát hiện các cơ sở sản xuất, chế biến không đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm , xử lý kịp thời các cơ sở vi phạm, bảo vệ sức khỏe người dân. Ngày 02/8/2015, trên địa bàn tỉnh xảy ra 01 vụ ngộ độc thực phẩm ở Trường Cao đẳng nghề Việt Xô số 1 với 28 bị ngộ độc, nguyên nhân do ăn bánh mỳ kẹp chả bên ngoài hàng quán, không xác định được căn nguyên, vụ ngộ độc không gây tử vong, sau khi được điều trị tại cơ sở Y tế 28 người đã trở lại trường học.

- Về giáo dục đào tạo:Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2015, tỉnh Vĩnh Phúc có 13.256 thí sinh tham dự. Tại kỳ thi THPT quốc gia năm nay, tỷ lệ học sinh Vĩnh Phúc đỗ tốt nghiệp THPT đạt 95%, cao hơn mức bình quân chung của cả nước. Trong đó, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp của khối giáo dục phổ thông đạt 97,4%; khối giáo dục thường xuyên đạt 80%. Theo đánh giá chung, kết quả tốt nghiệp phản ánh đúng chất lượng giáo dục tại mỗi đơn vị, nhà trường.

Chỉ còn ít ngày nữa các học sinh trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc cùng hàng triệu học sinh trong cả nước sẽ bước vào năm học mới 2015-2016. Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, công tác chỉnh trang, vệ sinh trường lớp đang được ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh khẩn trương hoàn tất, sẵn sàng mọi điều kiện tốt nhất cho năm học mới. Bên cạnh đó Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thị xã, thành phố đã tổ chức cho đội ngũ cán bộ, giáo viên tập huấn chuyên môn và chính trị; quán triệt các Chỉ thị, Nghị quyết, Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động về “Đổi mới căn bản toàn diện Giáo dục đào tạo" để đáp ứng nhu cầu đổi mới, nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục.

- Về văn hóa: Cùng với các tỉnh, thành phố trong cả nước, hơn 1 triệu người dân Vĩnh Phúc đang ra sức thi đua lao động, học tập, sản xuất lập thành tích chào mừng kỷ niệm 70 Cách mạng Tháng 8 và Quốc khánh mùng 2/9. Trong những ngày này, nhiều phong trào được tổ chức, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia như: Phong trào “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”; “Giải phóng mặt bằng, thu hút đầu tư, đẩy mạnh phát triển công nghiệp”; “Dạy tốt, học tốt”; “Nâng cao chất lượng chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân”; “Thi đua quyết thắng”; “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ”... Với tinh thần xung kích của tuổi trẻ, những ngày này, các “chiến sĩ áo xanh” đang tích cực quét dọn, vệ sinh môi trường, trang trí cờ hoa, băng rôn làm cho đường làng, ngõ phố xanh - sạch – đẹp hơn…

Các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao được tổ chức ở hầu hết các địa phương trong tỉnh. Đặc biệt, trong dịp kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng 8 và Quốc khánh mùng 2/9, tại Thành phố Vĩnh Yên sẽ tổ chức bắn pháo hoa vào tối 01/9 tại Quảng trường Hồ Chí Minh.

- Tình hình tai nạn giao thông: Theo báo cáo của Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh, tính đến 15/7/2015, toàn tỉnh xảy ra 25 vụ tai nạn giao thông trong đó 24 vụ tai nạn đường bộ và 01 vụ tai nạn đường sắt, làm chết 23 người và bị thương 11 người. So với cùng kỳ năm 2014, giảm cả về số vụ, số người chết. Các vụ tai nạn giao thông phần lớn đều xảy ra trên đường bộ, nhất là các tuyến tỉnh lộ và quốc lộ, phần lớn là va chạm giữa xe mô tô với các phương tiện khác. Trong kỳ, các lực lượng chức năng đã tăng cường tuần tra, kiểm soát và phát hiện 6.698 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ, tạm giữ 1.166 phương tiện, 5.453 bộ giấy tờ xe, ra quyết định xử phạt 5.459 trường hợp, nộp Kho bạc Nhà nước trên 3 tỷ đồng. Tuần tra, kiểm soát giao thông đường thủy phát hiện 39 trường hợp vi phạm, xử phạt 38,5 triệu đồng.

- Tình hình cháy nổ và bảo vệ môi trường: Trong tháng Tám, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 01 vụ cháy phòng nghỉ dãy nhà điều hành công ty TNHH Tư vấn xây dựng Vĩnh Phú - Tích Sơn - Vĩnh Yên, nguyên nhân cháy do sự cố điện, vụ cháy không gây thiệt hại về người, số tiền thiệt hại khoảng 300 triệu đồng. Luỹ kế từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 16 vụ cháy, số tiền thiệt hại là 12.458 triệu đồng. Trong tháng, các cơ quan chức năng đã phát hiện 01 vụ vi phạm môi trường; số vụ vi phạm môi trường bị xử lý là 01 vụ với tổng số tiền phạt 11,5 triệu đồng. Luỹ kế từ đầu năm số vụ vi phạm môi trường là 16 vụ, số tiền xử phạt là 314,5 triệu đồng./.

 

luat_sua_doi_ltk

Đang truy cập: 9
Trong ngày: 32
Trong tuần: 1142
Lượt truy cập: 1423084

Xin cho biết ý kiến của bạn về trang thông tin điện tử Cục Thống kê tỉnh Vĩnh Phúc?
Tốt
Khá
Trung bình
Kém

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỤC THỐNG KÊ TỈNH VĨNH PHÚCChung nhan Tin Nhiem Mang

Địa chỉ: Số 20

Lý Thái Tổ - Phường Đống Đa - Thành phố Vĩnh Yên - Tỉnh Vĩnh Phúc

Điện thoại: 0211 3 861 139, Fax: 0211 3 843 841Email: vinhphuc@gso.gov.vn, cuctk@vinhphuc.gov.vn