.::. Cung cấp thông tin đầy đủ, trung thực là trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, đơn vị sự nghiệp, hiệp hội, cơ sở hành chính, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng trên địa bàn .::. .............................................................................................................................................................................................................. ........................................  

Tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Vĩnh Phúc chín tháng đầu năm có những chuyển biến tích cực. Sản xuất công nghiệp có mức tăng trưởng khá, ngoài sản phẩm xe máy và sản phẩm dệt giảm so cùng kỳ, các sản phẩm chủ yếu còn lại nhìn chung đều tăng; một số sản phẩm tăng cao so cùng kỳ như ô tô tăng 26,07%, sản phẩm điện tử tăng 62,88%...

so_lieu__ktxh_9_thang_2015_tin.zip

 

 

Tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Vĩnh Phúc chín tháng đầu năm có những chuyển biến tích cực. Sản xuất công nghiệp có mức tăng trưởng khá, ngoài sản phẩm xe máy và sản phẩm dệt giảm so cùng kỳ, các sản phẩm chủ yếu còn lại nhìn chung đều tăng; một số sản phẩm tăng cao so cùng kỳ như ô tô tăng 26,07%, sản phẩm điện tử tăng 62,88%... Trong nông nghiệp, năng suất lúa tuy giảm so với cùng kỳ nhưng nhìn chung vẫn được mùa; chăn nuôi tiếp tục phát triển và có mức tăng khá. Các ngành dịch vụ hoạt động kinh doanh ổn định và có mức tăng trưởng khá; thị trường hàng hoá, dịch vụ đa dạng, phong phú, đáp ứng nhu cầu cho sản xuất kinh doanh và tiêu dùng. Các lĩnh vực văn hoá, xã hội được duy trì; an sinh xã hội được quan tâm; an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

I. TÌNH HÌNH KINH TẾ

1. Tăng trưởng kinh tế

Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) chín tháng đầu năm 2015 theo giá so sánh 2010 dự kiến đạt 44.862,8 tỷ đồng, tăng 7,51% so cùng kỳ năm 2014. Trong đó, tổng giá trị tăng thêm đạt 34.546.4 tỷ đồng, tăng 6,22% so cùng kỳ, đóng góp vào tăng trưởng chung là 4,85 điểm %; thuế sản phẩm đạt 10.316,4 tỷ đồng, tăng 12,05% so cùng kỳ, đóng góp vào tăng trưởng chung là 2,66 điểm %.

Trong tổng số, giá trị tăng thêm ngành nông, lâm nghiệp và thuỷ sản theo giá so sánh 2010 đạt 3.408,5 tỷ đồng, tăng 2,28% so với cùng kỳ, đóng góp vào tăng trưởng chung của tỉnh là 0,18 điểm %; riêng ngành nông nghiệp đạt 3.196,5 tỷ đồng, tăng 2,25% so cùng kỳ, đóng góp vào tăng trưởng chung của tỉnh là 0,17 điểm %. Ngành công nghiệp, xây dựng đạt 22.146,9 tỷ đồng, tăng 6,10% so cùng kỳ, đóng góp vào tăng trưởng chung của tỉnh là 3,05 điểm %; riêng ngành công nghiệp đạt 20.848,6 tỷ đồng, tăng 6,04% so cùng kỳ, đóng góp vào tăng trưởng chung của tỉnh là 2,85 điểm %. Giá trị tăng thêm của các ngành dịch vụ đạt 8.991 tỷ đồng, tăng 8,11% so cùng kỳ, đóng góp vào tăng trưởng chung của tỉnh là 1,62 điểm %.

2. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản

a) Sản xuất nông nghiệp

+Trồng trọt: Theo số liệu sơ bộ, vụ mùa năm nay toàn tỉnh gieo trồng được 33.183 ha cây hàng năm. Trong tổng số, diện tích lúa là 27.581 ha, giảm 0,65% so với cùng kỳ năm 2014; ngô 1.680 ha, tăng 3,47%; cây lấy củ có chất bột 210 ha, giảm 6,41%; rau các loại 1.688 ha, giảm 3,24%...Vụ mùa năm nay thời tiết nhìn chung thuận lợi, tạo điều kiện cho cây lúa phát triển, tuy nhiên vào thời kỳ lúa trỗ lại mưa nhiều, nắng ít đã ảnh hưởng đến quá trình thụ phấn của cây lúa. Bên cạnh đó một số huyện bị ảnh hưởng của sâu đục thân, sâu cuốn lá nhỏ như huyện Tam Đảo, Sông Lô, Lập Thạch... nên đã ảnh hưởng đến năng suất. Dự kiến, năng suất, sản lượng một số cây trồng chủ yếu vụ mùa như sau: lúa đạt 51,33 tạ/ha, giảm 1,85% so với cùng kỳ, sản lượng đạt 141.581 tấn, giảm 2,49%; ngô đạt 45,27 tạ/ha, tăng 3,68%, sản lượng đạt 7.607 tấn, tăng 7,28%; khoai lang đạt 90,38 tạ/ha, tăng 4,70%, sản lượng đạt 1.899 tấn, giảm 2,01%; rau các loại đạt 182,53 tạ/ha, giảm 3,89%, sản lượng đạt 30.809 tấn, giảm 7,00% so với cùng kỳ... Năng suất, sản lượng cây trồng vụ mùa năm nay ngoài cây ngô, còn lại đều thấp hơn năm trước chủ yếu là một số diện tích đất trồng lúa chuyển đổi sang trồng rau màu khác, làm đường giao thông, xây dựng các công trình nông thôn mới, một số chân ruộng trũng, chuột cắn phá nhiều không cấy được.

Tính chung cả năm 2015, toàn tỉnh gieo trồng được 96.845 ha cây hàng năm, tăng 1,20% so với năm 2014. Trong đó, gieo trồng được 58.423 ha lúa,  giảm 0,29% so với cả năm 2014; 16.096 ha ngô, tăng 6,64%; diện tích nhóm cây lấy củ có chất bột đạt 4.540 ha tăng 0,44%; diện tích gieo trồng cây rau các loại 8.943 ha, tăng 0,73% so với năm 2014...Dự kiến năng suất, sản lượng một số cây trồng chủ yếu cả năm 2015 như sau: năng suất lúa đạt 55,74 tạ/ha, giảm 1,40% so với cùng kỳ, sản lượng đạt 325.654 tấn, giảm 1,68%; ngô đạt 43,17 tạ/ha, tăng 1,15%, sản lượng đạt 69.482 tấn, tăng 7,85%; khoai lang đạt 100,05 tạ/ha, giảm 0,77%, sản lượng đạt 26.244 tấn, giảm 5,10%; rau các loại đạt 204,37 tạ/ha, tăng 1,71%, sản lượng đạt 182.771 tấn, tăng 2,45% so với năm 2014...

Tổng diện tích các loại cây lâu năm hiện có 8.303 ha, tăng 0,72% so với cùng kỳ. Trong tổng số, diện tích cây ăn quả là 7.761 ha chiếm 93,46% diện tích các loại cây lâu năm. Diện tích một số loại cây ăn quả chủ yếu được trồng là: xoài 711 ha, chuối 1.847 ha, na 315 ha, nhãn 792 ha, vải 2.071 ha,... Dự án mở rộng diện tích trồng Thanh long ruột đỏ đến nay được đánh giá là khá thành công và được trồng chủ yếu ở một số xã của các huyện Lập Thạch, Phúc Yên, Tam Đảo. Diện tích loại cây này ước tính có khoảng 151 ha, tăng 3,9%; sản lượng đạt 523 tấn, tăng 3,13% so với cùng kỳ. Cùng với Thanh long, Na dai Bồ Lý cũng đang trở thành loại cây ăn quả mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người sản xuất.

+ Chăn nuôi: Từ đầu năm đến nay, tình hình chăn nuôi trên địa bàn tỉnh có nhiều thuận lợi, không có dịch bệnh lớn xảy ra trên đàn gia súc, gia cầm.  Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục thực hiện chương trình hỗ trợ cho chăn nuôi theo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh, đến nay toàn tỉnh đã hoàn thành 2 đợt tiêm phòng vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm và khử trùng tiêu độc chuồng trại. Hiện nay việc chăn nuôi thuận lợi do giá sản phẩm chăn nuôi đang ở mức có lãi cho người chăn nuôi, vì vậy số lượng đàn gia súc, gia cầm được duy trì ổn định. Tỉnh tiếp tục có các chương trình hỗ trợ cho phát triển đàn bò sữa ở 1 số huyện như: Vĩnh Tường, Lập Thạch... Căn cứ vào kết quả điều tra chăn nuôi thời điểm 01/4/2015 và nhận định về xu hướng phát triển chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. Dự kiến đến thời điểm 01/10/2015, trên địa bàn tỉnh có 20.364 con trâu, giảm 0,52% so với cùng thời điểm năm 2014; 101.475 con bò, tăng 2,18%, trong đó: bò sữa 7.903 con, tăng 16,02%; 519.640 con lợn, tăng 1,99%; 8.292 nghìn con gia cầm, tăng 2,15% so với thời điểm 01/10/2014. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng chín tháng đầu năm 2015 dự kiến đạt 76.993 tấn, tăng 2,72% so với cùng kỳ. Trong đó, sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng đạt 54.645 tấn, tăng 2,79% so với cùng kỳ.

b) Sản xuất lâm nghiệp

Dự kiến chín tháng đầu năm, các đơn vị có sản xuất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh trồng mới được 603 ha, giảm 4,81% so với cùng kỳ. Trong đó, rừng sản xuất 519 ha, rừng phòng hộ 58 ha, rừng đặc dụng 26 ha. Đầu vụ, do chủ động làm tốt công tác chuẩn bị mặt bằng, cuốc hố, khảo sát thực địa, ươm giống cây lâm nghiệp, tập trung lực lượng trồng rừng nên đến nay các đơn vị có sản xuất lâm nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh đã hoàn thành kế hoạch trồng rừng cả năm 2015. Diện tích rừng trồng được chăm sóc dự kiến đạt 464 ha, tăng 12,03% so với cùng kỳ; diện tích rừng được giao khoán bảo vệ 9.759 ha, tăng 5,88% so với cùng kỳ. Sản lượng gỗ khai thác dự kiến đạt 18.985 m3, giảm 1,97% so với cùng kỳ; sản lượng củi khai thác 41.166 ste, giảm 1,60%.

Công tác phòng chống cháy rừng đ­ược chỉ đạo tích cực, nguy cơ cháy rừng được cảnh báo thường xuyên, song do thời tiết đầu năm hanh khô kéo dài, độ ẩm trong không khí thấp nên chín tháng đầu năm đã xảy ra 03 vụ cháy, giảm 8 vụ so với cùng kỳ; diện tích cháy 10,00 ha, tăng 5,8 ha.

c) Sản xuất thuỷ sản

Trong những năm gần đây nhờ đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu đàn cá sang các giống cá mới có năng suất, chất lượng cao như: Cá rô phi đơn tính dòng Đường Nghiệp, chép lai 3 máu, chim trắng, ba ba, trê lai,... vào sản xuất kết hợp với việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất, hạ tầng, chuyển đổi dần phương thức nuôi trồng sang thâm canh và bán thâm canh đã góp phần đưa thủy sản của tỉnh có những chuyển biến tích cực cả về chất lượng, sản lượng đáp ứng được nhu cầu của thị trường và tạo ra hiệu quả kinh tế cao.

Dự kiến đến hết tháng Chín, diện tích nuôi trồng thuỷ sản đạt 7.061 ha, đạt 100,86% kế hoạch năm và tăng 1,70% so với cùng kỳ. Diện tích nuôi trồng thuỷ sản chủ yếu là nuôi cá và ươm giống thuỷ sản. Một số hộ nuôi trồng giống thuỷ sản khác có giá trị cao như: Ba ba, ếch và cá sấu, tuy nhiên số lượng nuôi trồng ít và nhỏ. Sản lượng thuỷ sản chín tháng đầu năm dự kiến đạt 13.809 tấn, tăng 2,47% so với cùng kỳ. Trong đó, cá 12.774 tấn, tăng 2,61% so cùng kỳ; tôm 60 tấn giảm 4,76%; thuỷ sản khác 975 tấn tăng 1,04% so cùng kỳ.

3. Sản xuất công nghiệp

a) Chỉ số sản xuất và sản phẩm công nghiệp

Sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh tháng Chín nhìn chung giữ ở mức ổn định, các doanh nghiệp tiếp tục đẩy mạnh sản xuất cũng như tìm kiếm đối tác nhằm hoàn thành kế hoạch cả năm. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) trong tháng tăng 3,47% so tháng trước, song lại giảm 0,92% so cùng kỳ. Chia theo ngành kinh tế cấp I, các ngành tăng (giảm) tương ứng so với tháng trước và cùng kỳ như sau: ngành công nghiệp khai khoáng tăng 2,82% và tăng 17,15%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 3,50% và  giảm 1,03%; ngành sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hoà không khí giảm 1,86% và tăng 14,42%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải tăng 2,10% so tháng trước và tăng 1,69% so cùng kỳ.

 Chín tháng đầu năm, tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh tiếp tục ổn định đã tạo điều kiện cho sản xuất kinh doanh phát triển, nhiều doanh nghiệp công nghiệp mới đầu tư và dần đi vào sản xuất đã góp phần làm cho ngành công nghiệp trong toàn tỉnh tăng. Tuy nhiên, vẫn còn những sản phẩm đang ở ngưỡng bão hòa, mức tiêu thụ giảm nên sản xuất giảm đã ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành, nhát là sản phẩm xe máy. Dự kiến chín tháng đầu năm chỉ số sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh tăng 3,25% so cùng kỳ năm trước. Chia theo ngành kinh tế cấp I: ngành công nghiệp khai khoáng tăng 21,18%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 3,21%; ngành công nghiệp sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước tăng 14,20%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải giảm 1,67%.

So với cùng kỳ năm trước, chín tháng đầu năm nay ngoài ngành sản xuất xe máy và ngành dệt có chỉ số sản xuất giảm, các ngành công nghiệp còn lại hầu hết có chỉ số tăng, một số ngành có chỉ số tăng cao như: ngành công nghiệp khai khoáng tăng 21,18%, sản phẩm của ngành ngày càng đa dạng và đáp ứng kịp thời nhu cầu xây dựng các loại công trình, cùng đó là việc bán sản phẩm với tiêu chí phục vụ "đưa sản phẩm đến tận chân công trình" nên lượng khách hàng ngày càng ổn định, giúp cho sản xuất của các doanh nghiệp trong ngành phát triển; ngành sản xuất chế biến thực phẩm tăng 30,68%, do các doanh nghiệp trong ngành đã từng bước đáp ứng được yêu cầu của khách hàng về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như mẫu mã của sản phẩm,... nên sản phẩm tiêu thụ tốt góp phần đưa giá trị sản xuất của ngành ngày càng tăng; ngành sản xuất linh kiện điện tử tăng 62,88%. Đây là ngành có mức tăng khá nhất cả về quy mô và giá trị từ đầu năm đến nay. Với những chính sách thông thoáng đã thu hút được nhiều doanh nghiệp lớn trong ngành đầu tư vào tỉnh, một số doanh nghiệp đã đi vào sản xuất có doanh thu đạt cao tạo ra công việc và thu nhập ổn định cho người lao động, mang lại giá trị sản xuất cao cho toàn ngành; ngành sản xuất xe có động cơ tăng 26,07% so cùng kỳ năm trước. Xã hội phát triển, đời sống nhân dân tăng lên, nhu cầu sử dụng các phương tiện hiện đại cũng tăng lên đáng kể. Cùng với đó các doanh nghiệp liên tục đổi mới mẫu mã, nâng cấp các tính năng sử dụng, đưa ra nhiều dòng xe với nhiều mức giá phù hợp cho mọi đối tượng sử dụng trong xã hội đã nâng mức tiêu thụ sản phẩm đem lại giá trị sản xuất của ngành tăng lên.

Dự kiến tháng Chín, các đơn vị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh sản xuất được 21.882 m­3 đá các loại, tăng 3,13% so với tháng trước; 167 tấn chè các loại, giảm 1,32%; 14.021 tấn thức ăn gia súc tăng 5,13%; 4.012 ngàn quần áo mặc thường, tăng 6,19%; 7.301 ngàn m2 gạch ốp lát, tăng 5,24%; 84.843 ngàn viên gạch xây dựng bằng đất sét, tăng 3,89%; 3.922 xe ô tô các loại, tăng 2,89%; 173.635 xe máy các loại, tăng 3,51%; sản xuất linh kiện điện tử tăng 2,14% so với cùng kỳ... Tính chung chín tháng đầu năm, các đơn vị sản xuất công nghiệp trên địa bàn sản xuất được: 213.005 m3 đá các loại, tăng 31,18% so với cùng kỳ; 2.099 tấn chè các loại, giảm 11,29%; 124.666 tấn thức ăn gia súc, tăng 35,85%; 35.529 ngàn quần áo mặc thường, tăng 7,17%; 58.688 ngàn m2 gạch ốp lát, tăng 4,69%; 715.452 ngàn viên gạch xây dựng bằng đất sét, tăng 10,73%; 36.912 xe ô tô các loại, tăng 26,07%; 1.417.701 xe máy các loại, giảm 10,46%; điện thương phẩm đạt 1.424 triệu kwh, tăng 14,20%; nước thương phẩm đạt 10.092 ngàn m­3, tăng 8,60%... so với cùng kỳ 2014.

b) Chỉ số tiêu thụ, chỉ số tồn kho của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo

Với những yếu tố thuận lợi cùng với sự cố gắng tìm kiếm và mở rộng thị trường của các doanh nghiệp, hoạt động tiêu thụ sản phẩm của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã có những chuyển biến tích cực. Chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tám tháng đầu năm tăng 10,10% so với cùng kỳ. Trong đó, ngành sản xuất xe có động cơ tăng 26,78%; ngành dệt tăng 11,13%; ngành sản xuất trang phục tăng 5,69%...

Tại thời điểm 01/9/2015, chỉ số tồn kho tăng 12,07% so với tháng trước và tăng 35,32% so với cùng kỳ. Các ngành có chỉ số hàng tồn kho giảm so cùng thời điểm năm trước là: Ngành sản xuất phương tiện vận tải khác giảm 67,47%; ngành sản xuất xe có động cơ giảm 5,75%. Một số ngành có xu hướng tăng như: Ngành sản xuất chế biến thực phẩm tăng trên 4 lần; ngành dệt tăng 171,46%; ngành sản xuất trang phục tăng 49,75%...

c) Chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp công nghiệp

Chỉ số sử dụng lao động trong các doanh nghiệp công nghiệp trên địa bàn tỉnh tại thời điểm 01/9/2015 tăng 0,05% so với tháng trước và tăng 17,07% so với cùng kỳ. Tính chung chín tháng đầu năm tăng 12,45%. Theo ngành công nghiệp cấp I, ngoài ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có chỉ số sử dụng lao động trong chín tháng tăng cao so với cùng kỳ năm trước (tăng 13,22%), các ngành còn lại tăng không đáng kể. Theo thành phần kinh tế, doanh nghiệp ngoài nhà nước giảm 3,18%; doanh nghiệp nhà nước tăng 3,14%; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 23,47% so với cùng kỳ năm trước.

4. Đầu tư - xây dựng

Năm 2015, tỉnh Vĩnh Phúc đã tiếp tục thực hiện việc tăng cường quản lý đầu tư về xây dựng cơ bản, không đầu tư dàn trải mà tập trung đầu tư vào các công trình, dự án trọng điểm; đồng thời chú trọng đến việc thu hút và giải ngân nguồn vốn ODA. Công tác xúc tiến đầu tư của tỉnh có nhiều sự đổi mới với việc triển khai đồng bộ các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, khai thác và phát huy tốt các nguồn lực cho đầu tư phát triển như: giải quyết nhanh các thủ tục hành chính, tạo quỹ đất sạch, hỗ trợ đào tạo nghề... Đặc biệt tỉnh đã làm tốt công tác chăm sóc các nhà đầu tư tại chỗ, tạo dựng hình ảnh và sự hấp dẫn của địa phương đối với các nhà đầu tư đang sản xuất, kinh doanh tại đây, nên đã có nhiều nhà đầu tư từ các nước phát triển như: Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Ấn Độ, Singapore… tới tham quan và đầu tư tại tỉnh. Vì vậy, trong chín tháng đầu năm  nguồn vốn từ các doanh nghiệp FDI đầu tư vào tỉnh có nhiều tín hiệu khả quan. Tính đến hết tháng Tám, tỉnh đã cấp mới giấy chứng nhận đầu tư cho 20 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký 172,36 triệu USD; lũy kế đến nay, toàn tỉnh hiện có 197 dự án FDI còn hiệu lực với tổng số vốn đăng ký là 3.153,58 triệu USD.

Công tác thu hút vốn ODA tiếp tục được tăng cường thực hiện, đến nay tỉnh đã tập trung vận động và chuẩn bị văn kiện cho 6 dự án lớn với tổng vốn vận động lên khoảng 400 triệu USD. Trong đó 3 dự án sử dụng nguồn vốn của WB, ADB và OFID dự kiến trình chính phủ phê duyệt vào cuối quý III/2015. Ước tính đến hết tháng 9/2015 nguồn vốn ODA của tỉnh được giải ngân trên 482 tỷ đồng, nguồn vốn giải ngân đạt cao chủ yếu là do dự án Cải thiện môi trường đầu tư đã giải quyết xong nhiều vướng mắc trong triển khai và thực hiện. Nhìn chung các công trình, dự án khác sử dụng nguồn vốn này được thực hiện đúng mục đích và tiến độ, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

 Dự kiến tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội chín tháng đầu năm đạt 14.601 tỷ đồng, tăng 24,16% so với cùng kỳ. Trong đó, nguồn vốn nhà nước trên địa bàn đạt 3.853 tỷ đồng; vốn ngoài nhà nước là 7.964 tỷ đồng; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 2.784 tỷ đồng.

5. Tài chính, tín dụng

Hoạt động tín dụng, ngân hàng đã có chiều hướng tăng trở lại, mặt bằng lãi suất hiện đang ở mức hợp lý, thanh khoản của hệ thống ngân hàng thương mại tiếp tục được duy trì tốt; Lãi suất huy động VND đang phổ biến ở mức 0,8% đến 1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; từ 4,5% đến 5,4%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; từ 5,4% đến 6,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; và từ 6,4% đến 7,2%/năm đối với tiền gửi kỳ hạn trên 12 tháng. So với đầu năm, lãi suất huy động VND đã giảm thêm từ 0,1% đến 0,5%/năm ở hầu hết các kỳ hạn. Cùng với những tín hiệu ấm dần lên từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn nên nguồn vốn huy động và dư nợ cho vay đạt khá. Tính đến hết tháng Tám, tổng nguồn vốn huy động đạt 33.818 tỷ đồng, tăng 9,10% so với cùng kỳ, đặc biệt là nguồn tiền phát hành giấy tờ có giá tăng 561,54%, nguồn tiền gửi tiết kiệm của dân cư tăng 16,13% so cùng kỳ. Tổng dư nợ cho vay đạt 29.704 tỷ đồng, tăng 8,05% so với cùng kỳ. Cơ cấu tín dụng đang dần được đầu tư đúng hướng, tập trung vào lĩnh vực xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới và cho các doanh nghiệp vay...

6. Thương mại, dịch vụ và giá cả

a) Bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng

Hoạt động kinh doanh thương mại đáp ứng tốt nhu cầu cho sản xuất và tiêu dùng của nhân dân. Trong những năm gần đây trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã có ngày càng nhiều cơ sở kinh doanh có quy mô lớn cho hiệu quả cao, giúp cho kinh doanh thương mại và dịch vụ trong tỉnh ngày càng phát triển. Các hoạt động xúc tiến thương mại, các chương trình bình ổn giá một số mặt hàng thiết yếu, đưa hàng Việt về nông thôn, người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam… tiếp tục được tỉnh chỉ đạo thực hiện tốt. Bên cạnh đó, nhiều đơn vị, cơ sở đã mở rộng ngành nghề, đa dạng hoá các mặt hàng kinh doanh.

Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tháng Chín dự kiến đạt 2.592 tỷ đồng, tăng 0,81% so với tháng trước và tăng 6,74% so với cùng kỳ. Trong đó, kinh tế cá thể tăng 10,61%; kinh tế tư nhân tăng 3,12%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài bằng 95,49% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung chín tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ dự kiến đạt 24.315 tỷ, tăng 10,16 % so cùng kỳ năm 2014. Trong đó, kinh tế cá thể đạt 13.659 tỷ, tăng 10,46%; kinh tế tư nhân đạt 9.264 tỷ, tăng 11,24%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 1.265 tỷ, tăng 4,21% so với cùng kỳ. Phân theo nhóm ngành kinh tế, chín tháng đầu năm ngành thương nghiệp bán lẻ đạt 20.993 tỷ đồng, tăng 10,04%; ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lich đạt 2.218 tỷ, tăng 11,40%; các ngành dịch vụ khác còn lại đạt 1.104 tỷ, tăng 9,88% so với cùng kỳ.

b) Xuất, nhập khẩu hàng hoá 

Tổng kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn tháng Chín dự kiến đạt 139.772 ngàn USD, tăng 1,82% so với tháng trước và tăng 7,06% so với cùng kỳ. Trong đó, kinh tế tư nhân đạt 4.759 ngàn USD, bằng 37,81%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 134.938 ngàn USD, tăng 14,54% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung chín tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn đạt 1.138.346 ngàn USD, tăng 12,25% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 1.102.313 ngàn USD, tăng 17,81%; kinh tế trong nước 36.033 ngàn USD, bằng 45,99% so với cùng kỳ. Hàng xuất khẩu trong chín tháng đầu năm chủ yếu là các mặt hàng: phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 370.865 ngàn USD, tăng 34,71%; hàng điện tử 434.728 ngàn USD, tăng 15,73%; hàng dệt may 169.007 ngàn USD, tăng 6,93%; chè 17.097 ngàn USD, bằng 51,52% so với cùng kỳ năm 2014.

Tổng kim ngạch nhập khẩu tháng Chín trên địa bàn tỉnh dự kiến đạt 198.359 ngàn USD, tăng 1,59% so với tháng trước và tăng 12,69% so với cùng kỳ. Trong đó: kinh tế nhà nước đạt 412 ngàn USD, tăng 1,73%; kinh tế tư nhân đạt 15.021 ngàn USD, tăng 26,67%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 182.926 ngàn USD, tăng 11,71% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung chín tháng đầu năm, tổng kim ngạch nhập khẩu trên địa bàn đạt 1.706.701 ngàn USD, tăng 20,48% so với cùng kỳ năm trư­ớc. Trong đó, kinh tế nhà nước đạt 3.637 ngàn USD, tăng 24,26%; kinh tế tư nhân 121.059 ngàn USD, tăng 70,73%; kinh tế có vốn ĐTNN 1.582.005 ngàn USD, tăng 17,82% so với cùng kỳ. Hàng nhập khẩu chủ yếu trong chín tháng đầu năm là các nguyên vật liệu để gia công sản xuất như: linh kiện, phụ tùng ô tô, xe máy, vải may mặc, hàng điện tử, thức ăn gia súc và nguyên phụ liệu chế biến.

c) Vận tải hành khách và hàng hoá

Tháng Chín và chín tháng đầu năm, tình hình kinh doanh vận tải trên địa bàn tỉnh ổn định. Hoạt động vận tải đã đáp ứng tốt nhu cầu vận chuyển hàng hóa cho sản xuất, kinh doanh và nhu cầu đi lại của nhân dân. Tổng khối lượng hàng hóa vận chuyển trên địa bàn tỉnh tháng Chín dự kiến đạt 2.107 ngàn tấn, luân chuyển đạt 137.896 ngàn tấn.km, tăng 21,24% về tấn và tăng 24,04% về tấn km so với cùng kỳ. Tính chung chín tháng đầu năm, tổng khối lượng hàng hoá vận chuyển đạt 18.986 ngàn tấn, luân chuyển 1.269.831 ngàn tấn.km, tăng 7,24% về tấn và tăng 6,97% về tấn.km so với chín tháng đầu năm 2014.

Khối l­ượng hành khách vận chuyển trên địa bàn tháng Chín đạt 1.445 ngàn người, luân chuyển đạt 140.564 ngàn người.km, tăng 7,39% về người và tăng 5,96% về người.km so với tháng trước; so với cùng kỳ năm trước tăng 13,19% về người và tăng 12,16% về người,km. Tính chung chín tháng đầu năm, khối lượng hành khách vận chuyển đạt 15.673 ngàn người, luân chuyển 1.066.579 ngàn người.km, tăng 6,05% về người và tăng 6,39% về người.km so với cùng kỳ năm 2014.

Tổng doanh thu dịch vụ vận tải tháng Chín dự kiến đạt 254 triệu đồng, tăng 19,44% so với cùng kỳ. Trong đó, vận tải hành khách tăng 19,43%, vận tải hàng hóa tăng 17,95%. Tính chung chín tháng đầu năm, tổng doanh thu vận tải đạt 2.297 tỷ đồng, tăng 11,39% so cùng kỳ. Trong đó, vận tải đường bộ đạt 1995 tỷ đồng, tăng 11,67%; vận tải đường sông đạt 288 tỷ đồng, tăng 9,49% so với cùng kỳ.

d) Chỉ số giá tiêu dùng

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trên địa bàn tỉnh tháng Chín giảm 0,07% so với tháng trước, giảm 0,29% so với cùng tháng năm trước và tăng 0,02% so tháng 12 năm trước. Tính chung chín tháng đầu năm CPI tăng 0,20% so với bình quân cùng kỳ năm 2014. Nguyên nhân chính làm CPI tháng này giảm so tháng trước là do giá xăng dầu được điều chỉnh giảm vào các ngày 19/8 và 3/9/2015, trong đó giá xăng giảm 8,75%, giá dầu diezel giảm 7,51%, giá dầu hỏa giảm 9,01%, kéo theo chỉ số giá nhóm giao thông giảm 3,46%; từ 01/9/2015 giá gas được điều chỉnh giảm 12.000đ/bình 12kg, như vậy liên tiếp trong 4 tháng nay, giá gas liên tục giảm với tổng mức giảm là 37.500 đồng/bình 12 kg làm cho chỉ số gas giảm 1,39%; giá vật liệu xây dựng như xi măng, sắt các loại đều giảm từ 3,19% đến 4,64% do chi phí vận chuyển giảm và để cạnh tranh với sắt nước ngoài đang được nhập khẩu ồ ạt về thị trường Việt Nam.

Diễn biến giá của các nhóm hàng chính trong tháng Chín như sau:

- Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uốngtăng 0,25% so với tháng trước. Mặc dù giá hàng lương thực tiếp tục ổn định, song giá một số mặt hàng thực phẩm thiết yếu tăng đã đẩy chỉ số chung của nhóm tăng. Trong đó, lương thực giảm 0,15%; thực phẩm tăng 0,51% do giá một số mặt hàng thịt lợn, thịt gà, trứng, hải sản, rau tươi tăng; dịch vụ ăn uống ngoài gia đình giảm 0,35%;

- Nhóm May mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,53%. Do đã bướcvào năm học mới, nhu cầu mua sắm quần áo cho trẻ em tăng, nên giá hàng hóa của nhóm tăng như: quần áo trẻ em tăng từ 5,05% đến 10,85%; áo đi mưa tăng 5,74%;

- Nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng giảm 1,03%. Chủ yếu là do giá các mặt hàng như: dầu hỏa giảm  9,01%; gas giảm 1,39%; nhóm vật liệu, bảo dưỡng nhà ở giảm 1,04%; cùng với đó, nhóm điện sinh hoạt cũng giảm 1,36% do trong tháng thời tiết đã mát mẻ hơn, nhu cầu sử dụng các thiết bị làm mát của người dân giảm làm cho chỉ số giá điện giảm;

- Thuốc và dịch vụ y tế tăng 1,13%. Tuy giá các loại thuốc tân dược tương đối ổn định, nhưng giá một số dịch vụ khám chữa bệnh tăng theo quy định của UBND tỉnh về mức giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đối với các cơ sở y tế công lập trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc năm 2015;

- Nhóm giao thông giảm 3,46%.Trong 11 nhóm hàng chính, đây là nhóm có chỉ số giảm mạnh nhất, do nhóm nhiên liệu và dịch vụ taxi giảm;

- Giá vàng tháng Chín tăng tăng 3,57% so với tháng trước; giá bình quân trên thị trường tự do là 3.221 nghìn đồng/chỉ. Cùng chiều với giá vàng, giá Đô la Mỹ trên thị trường tự do tăng 2,90% so với tháng trước; giá bán bình quân phổ biến ở mức 22.518 đồng/USD.

Một số nhóm hàng còn lại giá tương đối ổn định.

II. MỘT SỐ VẤN ĐỀ XÃ HỘI

1. Công tác giải quyết lao động, việc làm, bảo đảm an sinh xã hội

Với mục tiêu góp phần giải quyết việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp, dư thừa lao động và giảm nghèo, trong những năm gần đây tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích, ưu tiên chính sách đào tạo nghề, giải quyết việc làm, thúc đẩy hoạt động đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Đặc biệt, trong năm 2015, tỉnh thành lập trung tâm đào tạo xuất khẩu lao động tỉnh với mục tiêu đẩy mạnh công tác xuất khẩu lao động và hỗ trợ tốt nhất cho người lao động có mong muốn đi lao động ở nước ngoài; tiếp tục cho vay vốn theo các dự án nhỏ hỗ trợ việc làm, dành các khoản vay ưu đãi với lãi suất thấp đối với người thất nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh có khả năng thu hút nhiều lao động...

Chín tháng đầu năm đã diễn ra 32 phiên giao dịch việc làm với 398 doanh nghiệp tham gia tuyển dụng; có một số công ty tuyển dụng trên 300 lao động như: Công ty TNHH Heasung Vina, công ty TNHH giày da Xuân Long, công ty TNHH SeKonix Vina...  Các cơ quan chức năng thực hiện tư vấn về chính sách lao động và việc làm cho 10.500 lượt người, giới thiệu việc làm cho 2.800 lượt người. Dự kiến chín tháng đầu năm, toàn tỉnh giải quyết việc làm cho trên 11.000 lao động.

Các chính sách an sinh xã hội tiếp tục được tỉnh quan tâm, hiện các đối tượng bảo trợ xã hội của tỉnh đã và đang được quan tâm chăm sóc, thụ hưởng chế độ cao hơn 1,7 lần so với  mặt bằng chung chính sách do Trung ương quy định. Đời sống vật chất và tinh thần của người có công, người nghèo, dân tộc thiểu số và các đối tượng yếu thế được cải thiện rõ rệt.

2. Giáo dục và đào tạo

Cơ sở vật chất trường học và trang thiết bị giảng dạy năm học 2014-2015 được tăng cường đầu tư theo chiều sâu, hiện đại, chuẩn quốc gia; triển khai đồng bộ các giải pháp tăng cường chất lượng giáo dục toàn diện, giáo dục đại trà; thực hiện tốt nhiệm vụ phát hiện và bồi dưỡng học sinh giỏi, học sinh năng khiếu. Học sinh của tỉnh luôn đạt được thứ hạng cao trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp quốc gia; tại các sân chơi trí tuệ, học sinh của tỉnh luôn đạt thành tích cao và khẳng định được vị trí tốp đầu toàn quốc. Tại kỳ thi chọn học sinh giỏi Quốc gia lớp 12 năm học 2014-2015, toàn tỉnh có 84 học sinh dự thi ở 10 môn học, có 73 em đoạt giải, chiếm tỷ lệ 86,9%, trong đó có 04 giải nhất, 25 giải nhì, 19 giải na và 25 giải khuyến khích. Đây là năm có số lượng và chất lượng giải cao nhất từ trước đến nay. Trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2015, tỉnh Vĩnh Phúc có 13.256 thí sinh tham dự, tỷ lệ học sinh Vĩnh Phúc đỗ tốt nghiệp THPT đạt 95%, cao hơn mức bình quân chung của cả nước.

Thực hiện các văn bản chỉ đạo của Bộ GD&ĐT và của UBND tỉnh Vĩnh Phúc về giáo dục và đào tạonăm học 2015 - 2016, 100% các trường học trong tỉnh thực hiện ngày tựu trường đúng thời gian quy định để chuẩn bị cho năm học mới (từ 01/8/2015 đến 10/8/2015) và ngày bắt đầu năm học là 31/8/2015 đối với bậc mầm non và tiểu học; 24/8/2015 đối với bậc trung học cơ sở và trung học phổ thông... Ngày 05/9 "Ngày toàn dân đưa trẻ đến trường" cùng với hàng triệu học sinh trên cả nước tỉnh Vĩnh Phúc cũng đã long trọng tổ chức Lễ khai giảng năm học mới 2015-2016. Buổi lễ khai giảng được tổ chức ngắn gọn, trang trọng; các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao tạo được không khí vui tươi, lành mạnh và thực sự trở thành ngày hội khai trường của học sinh.

3. Y tế, vệ sinh an toàn thực phẩm

Chín tháng đầu năm, Ngành Y tế đã chủ động theo dõi, giám sát tình hình  bệnh dịch, nhất là các bệnh dịch mới nổi như dịch MERS-CoV, xây dựng kế hoạch phòng chống dịch, tập huấn chuyên môn cho cán bộ y tế từ tuyến tỉnh đến tuyến huyện và xã; tổ chức truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, hướng dẫn người dân các biện pháp phòng chống dịch bệnh, vận động nhân dân chủ động tiêm vắc-xin phòng bệnh, vệ sinh môi trường không để dịch bệnh lây lan ra cộng đồng.

Công tác an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn tỉnh nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của các cấp, các ngành. Hoạt động thông tin, giáo dục, truyền thông phổ biến kiến thức cho người dân được thực hiện thường xuyên bằng nhiều hình thức phong phú như: Tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông đại chúng, cấp phát tờ gấp, treo băng zôn, khẩu hiệu, qua đó nhận thức của người tiêu dùng và các đối tượng sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm được nâng lên.

Công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh được tổ công tác liên ngành thực hiện hiệu quả. Tính đến ngày 01/9/2015, đã thanh kiểm tra 3.064 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, nhà hàng ăn uống, bếp ăn tập thể, trong đó số cơ sở đạt tiêu chuẩn chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm  là 2.522 cơ sở (đạt 82,31%).

Tính từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 04 vụ ngộ độc thực phẩm với tổng số 81 người mắc, không có người tử vong. Ngay khi xảy ra tình trạng ngộ độc thực phẩm, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm đã phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng, các địa phương tổ chức điều tra lấy mẫu xét nghiệm để tìm nguyên nhân theo đúng quy trình.

4. Các hoạt động văn hoá và thể thao,

  Các hoạt động văn hóa, thể thao được duy trì, đảm bảo phục vụ kịp thời các nhiệm vụ chính trị của địa phương và nhu cầu sinh hoạt văn hoá, tinh thần của nhân dân như: Chương trình chào mừng kỷ niệm 40 năm Ngày Giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước; kỷ niệm 125 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh; chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015-2020 và tổ chức các hoạt động kỷ niệm 70 năm ngày Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9… đã được các ngành chức năng triển khai thực hiện. Các hoạt động văn hoá, văn nghệ trên đều thể hiện tình yêu quê hương đất nước, ca ngợi Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại, vẻ đẹp của biển đảo quê hương, khát vọng hòa bình và ca ngợi quê hương Vĩnh Phúc đang trên đường đổi mới và phát triển. Hoạt động thể dục thể thao tiếp tục duy trì ổn định, các lớp đào tạo năng khiếu thể thao và chế độ tập luyện thường xuyên của các đội tuyển được chú trọng.

5. Tình hình trật tự an toàn xã hội và tai nạn giao thông

 Chín tháng đầu năm, Công an tỉnh đã thực hiện đồng bộ, quyết liệt các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, tăng cường phát hiện, đấu tranh ngăn chặn các biểu hiện, hoạt động vi phạm an ninh trật tự xã hội. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, kiểm soát an toàn giao thông được đẩy mạnh, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh được duy trì ổn định. Theo báo cáo của Ban An toàn giao thông tỉnh, tính đến ngày 15/8/2015, tỉnh Vĩnh Phúc đã xảy ra 28 vụ tai nạn giao thông (trong đó có 01 vụ tai nạn đường sắt, 27 vụ tại nạn đường bộ), làm 26 người chết và 12 người bị thương. So với cùng kỳ năm trước, số vụ tai nạn giao thông giảm 5 vụ, số người chết giảm 02 người, số người bị thương tăng 02 người. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tai nạn giao thông trên địa bàn là do ý thức của người tham gia giao thông chưa cao, nhiều trường hợp tai nạn do uống rượu bia khi tham gia giao thông; các phương tiện vận tải như xe chở khách và xe trọng tải lớn phóng nhanh vượt ẩu... Trong đợt nghỉ lễ 2/9 vừa qua, nhu cầu đi lại của nhân dân tăng cao, các lực lượng chức năng đã tăng cường tuần tra, kiểm soát, nhằm phát hiện những tồn tại, hạn chế trong công tác vận tải hành khách nên đã không xảy ra vụ tai nạn giao thông nào trên địa bàn tỉnh.

6. Tình hình cháy nổ và bảo vệ môi trường

Chín tháng đầu năm, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 17 vụ cháy, giảm 13 vụ so với cùng kỳ năm trước, các vụ cháy không gây thiệt hại về người, giá trị thiệt hại khoảng 12.560 triệu đồng.

Trong kỳ, tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với các Bộ, ngành chức năng đã tổ chức nhiều hoạt động hưởng ứng Tuần lễ quốc gia Nước sạch và vệ sinh môi trường và ngày Môi trường thế giới, nhằm nâng cao nhận thức cho các cấp, các ngành và mọi tầng lớp nhân dân về bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên, sử dụng tiết kiệm nguồn nước, như: tổ chức Lễ Mít tinh quốc gia hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới (5/6) tại Quảng trường Hồ Chí Minh; tổ chức Lễ ra quân vệ sinh môi trường, thu gom, nạo vét rác thải và phát quang bụi rậm với sự tham gia của hàng nghìn đoàn viên, thanh niên trên địa bàn tỉnh. Tính đến 15/9/2015, các cơ quan chức năng trong tỉnh đã phát hiện 22 vụ vi phạm môi trường; số vụ vi phạm bị xử lý là 22 vụ, số tiền xử phạt 571,6 triệu đồng, riêng tháng Chín có 05 vụ vi phạm bị xử lý với số tiền xử phạt là 257,1 triệu đồng./.

 

luat_sua_doi_ltk

Đang truy cập: 11
Trong ngày: 562
Trong tuần: 1481
Lượt truy cập: 1428651

Xin cho biết ý kiến của bạn về trang thông tin điện tử Cục Thống kê tỉnh Vĩnh Phúc?
Tốt
Khá
Trung bình
Kém

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỤC THỐNG KÊ TỈNH VĨNH PHÚCChung nhan Tin Nhiem Mang

Địa chỉ: Số 20

Lý Thái Tổ - Phường Đống Đa - Thành phố Vĩnh Yên - Tỉnh Vĩnh Phúc

Điện thoại: 0211 3 861 139, Fax: 0211 3 843 841Email: vinhphuc@gso.gov.vn, cuctk@vinhphuc.gov.vn