.::. Cung cấp thông tin đầy đủ, trung thực là trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, đơn vị sự nghiệp, hiệp hội, cơ sở hành chính, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng trên địa bàn .::. .............................................................................................................................................................................................................. ........................................  

 

File dữ liệu báo cáo (định dạng PDF)

Lời văn

Số liệu

 

 

1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản

a. Nông nghiệp

- Trồng trọt: Đến nay, hầu hết các loại cây trồng vụ mùa đã được bà con nông dân gieo trồng xong, một số loại cây có khung thời vụ muộn tiếp tục gieo trồng. Tính đến 15/7/2016, toàn tỉnh đã gieo trồng được 31.826 ha cây hàng năm, giảm 2,02% so với cùng kỳ. Trong đó, lúa 26.930 ha, đạt 96,62% kế hoạch và bằng 98,20% so với cùng kỳ năm trước; ngô 1.510 ha, tăng 2,10%; khoai lang 141 ha, bằng 77,47%; đậu tương 192 ha, bằng 77,42%; lạc 448 ha, bằng 91,99%; rau các loại 1.619 ha, bằng 94,91% so với cùng kỳ năm trước...

Với diễn biến thời tiết như hiện nay là điều kiện thuận lợi cho các loại sâu bệnh phát sinh và gây hại trên các loại cây trồng như: Sâu cuốn lá nhỏ, chuột, ốc bươu vàng, một số loại sâu ăn lá... Để đảm bảo cho cây trồng phát triển ổn định cần đảm bảo đủ nước và chủ động phòng trừ sâu bệnh gây hại bằng các biện pháp kỹ thuật phòng trừ, sử dụng các loại thuốc trừ sâu, bệnh đặc hiệu, đảm bảo phun đúng thuốc, đúng lúc, đúng cách phòng trừ hiệu quả nhằm hạn chế tối đa ảnh hưởng của sâu bệnh đến kết quả sản xuất. Ngoài ra đối với cây lúa cần tăng cường bón thúc sớm để tăng khả năng chống chịu với sâu bệnh và điều kiện ngoại cảnh bất thuận, đảm bảo cho sản xuất vụ mùa thắng lợi.

- Chăn nuôi: Tình hình sản xuất chăn nuôi trong tháng Bảy tiếp tục ổn định và phát triển. Công tác phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm được tích cực triển khai, kiểm soát tốt nên không xảy ra các dịch bệnh lớn; mặt khác, giá bán các sản phẩm từ chăn nuôi tương đối ổn định và có lợi cho người sản xuất nên bà con yên tâm sản xuất, tích cực đầu tư, tăng quy mô đàn. Công tác kiểm tra, giám sát ngăn chặn buôn bán, vận chuyển gia súc, gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm không qua kiểm dịch của cơ quan chức năng được tăng cường và thực hiện nghiêm túc. Nhìn chung đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc phát triển ổn định và có chiều hướng tăng khá so với cùng kỳ năm trước.

b. Lâm nghiệp

Đến nay, công tác chuẩn bị hiện trường trồng rừng và hoạt động trồng rừng trên địa bàn tỉnh cơ bản được hoàn tất, diện tích rừng trồng mới tập trung dự kiến đạt 503,8 ha, giảm 21,6% so với cùng kỳ. Công tác chăm sóc và bảo vệ rừng hiện có vẫn được các cá nhân, tổ chức tiến hành thường xuyên cho hơn 9.758 ha; thực hiện cải tạo phục hồi, nâng cao chất lượng cho 6,8 ha rừng, chủ yếu ở Thị xã Phúc Yên. Hiện nay, thời tiết liên tục nắng nóng kéo dài với nhiệt độ cao khiến cho nhiều diện tích rừng của tỉnh Vĩnh Phúc đối mặt với nguy cơ xảy ra cháy rừng lớn. Vì vậy, công tác bảo vệ và phòng cháy chữa cháy rừng đang được các cấp, các ngành và chủ rừng tích cực thực hiện.

c. Thuỷ sản

Dự kiến đến hết tháng Bảy diện tích nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh đạt 6.903 ha, tăng 2,8% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng đạt 1.323 tấn, tăng 1,9%, trong đó sản lượng nuôi trồng đạt 1.175 tấn, tăng 2,6%, sản lượng khai thác đạt 148 tấn, giảm 3,4% so với cùng kỳ.

Sản xuất giống thuỷ sản ổn định, đáp ứng được nhu cầu về các loại con giống cho bà con nuôi trồng trong tỉnh và cung cấp cho một số tỉnh bạn. Dự kiến đến hết tháng Bảy, số lượng con giống sản xuất đạt 2.031 triệu con, tăng 1,1% so với cùng kỳ.

2. Sản xuất công nghiệp

Trong tháng, sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh nhìn chung ổn định, các doanh nghiệp tập trung sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm đạt mục tiêu kế hoạch năm của từng doanh nghiệp. Chỉ số sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh tháng Bảy tăng 1,52% so với tháng trước và tăng 3,83% so với cùng kỳ năm trước. Chia theo ngành kinh tế cấp I, các ngành tăng, giảm tương ứng so với tháng trước và cùng kỳ như sau: ngành công nghiệp khai khoáng tăng 11,16% và tăng 0,57%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 1,49% và tăng 3,94%; ngành sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hoà không khí tăng 3,80% và tăng 11,08%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải tăng 1,74% và giảm 14,09%.

Tính chung bảy tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh tăng 4,73% so với bảy tháng đầu năm 2015. Chia theo ngành kinh tế cấp II, 7 tháng đầu năm có 4/10 ngành công nghiệp chủ yếu của tỉnh có chỉ số sản xuất giảm so với cùng kỳ năm trước là: ngành khai khoáng giảm 3,3%, ngành sản xuất chế biến thực phẩm giảm 1,84%, ngành sản xuất phương tiện vận tải khác giảm 7,58%, ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 3,6%. Các ngành công nghiệp chủ yếu còn lại đều có chỉ số tăng so với cùng kỳ năm trước, một số ngành tiếp tục có chỉ số tăng cao, đóng góp vào tăng trưởng của ngành cũng như tăng trưởng chung của tỉnh. Trong đó, ngành sản xuất linh kiện điện tử tăng 42,96%; ngành sản xuất trang phục tăng 19,50%; ngành sản xuất xe có động cơ tăng 12,28%...

Dự kiến trong tháng Bảy, các doanh nghiệp công nghiệp trên địa bàn tỉnh sản xuất được 15.996 tấn thức ăn gia súc, tăng 6,60% so với tháng trước; 5.232 ngàn quần áo các loại, tăng 3,36%; 7.045 ngàn m2 gạch ốp lát, tăng 4,26%; 91 triệu viên gạch xây dựng bằng đất sét, tăng 6,29%; 5.077 xe ô tô các loại, tăng 2,32%; 154.593 xe máy các loại, tăng 0,06%... Tính chung 7 tháng đầu năm, các doanh nghiệp công nghiệp trên địa bàn tỉnh sản xuất được 104.386 tấn thức ăn gia súc, tăng 0,83%; 33.706 ngàn quần áo các loại, tăng 19,50; 45.396 ngàn m2 gạch ốp lát, tăng 1,64%; 600 triệu viên gạch xây dựng bằng đất sét, tăng 10,05%; 33.098 xe ô tô các loại, tăng 12,28%; 1.058.234 xe máy các loại, giảm 7,58% so với cùng kỳ năm 2015...

3. Đầu tư, xây dựng

Tổng giá trị vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn Nhà nước do địa phương quản lý tháng Sáu đạt 437,83 tỷ đồng, tăng 10,19% so với tháng trước và tăng 1,30% so với cùng kỳ. Trong đó, nguồn vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh đạt 329,45 tỷ đồng, tăng 13,27%; cấp huyện đạt 87,75 tỷ đồng, tăng 1,92%; cấp xã đạt 20,63 tỷ đồng, tăng 1,21% so với tháng trước.

Dự kiến tháng Bảy, tổng giá trị vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý đạt 497,23 tỷ đồng, tăng 13,57% so với tháng trước. Giá trị này được thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh là 388,86 tỷ đồng, tăng 18,03%; cấp huyện đạt 90,21 tỷ đồng, tăng 2,80%; cấp xã đạt 18,16 tỷ đồng, giảm 11,98% so với tháng trước. Nguồn vốn đầu tư trong tháng tiếp tục được duy trì và tập trung vào những công trình, dự án trọng điểm, các dự án phục vụ cho các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh. Tính chung bảy tháng đầu năm, tổng giá trị vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý đạt 2.550 tỷ đồng, tăng 7,52% so với cùng kỳ.

4. Thương mại, giá cả và dịch vụ

a. Bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng

Tháng Bảy, tình hình kinh doanh thương mại và dịch vụ trên địa bàn tỉnh ổn định, lượng hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng đáp ứng tốt nhu cầu cho sản xuất và tiêu dùng đời sống xã hội. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng Bảy dự kiến đạt 3.012 tỷ đồng, tăng 3,32% so tháng trước và tăng 7,76% so với cùng kỳ. Trong đó kinh tế cá thể tăng 9,60%; kinh tế tư nhân tăng 9,10%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài bằng 88,92% so cùng kỳ năm trước.

Bảy tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ dự kiến đạt 19.894 tỷ, tăng 5,79 % so cùng kỳ năm 2015. Trong đó, kinh tế nhà nư­ớc đạt 144 tỷ đồng, tăng 11,28%; kinh tế tập thể 26 tỷ, tăng 14,28%; kinh tế cá thể 11.257 tỷ, tăng 6,63%; kinh tế tư nhân 6.996 tỷ, tăng 9,63%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài 1.470 tỷ bằng 85,78% so cùng kỳ năm 2015. Phân theo nhóm ngành kinh tế, ngành thương nghiệp bán lẻ thực hiện 17.053 tỷ đồng, tăng 5,8% so với cùng kỳ; kinh doanh dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch 1.837 tỷ, tăng 6,47%; các ngành dịch vụ khác thực hiện 1.004 tỷ, tăng 4,27% so cùng kỳ.

b. Xuất, nhập khẩu hàng hoá

Tổng kim ngạch xuất khẩu tháng Bảy dự kiến đạt 162,7 triệu USD, tăng 7,19% so tháng trước và tăng 22,29% so với cùng kỳ. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 5,6 triệu USD, tăng 16,8% so tháng trước và tăng 29,4 % so với cùng kỳ; khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 157,1 triệu USD, tăng 6,88% so tháng trước và tăng 22,06% so cùng kỳ năm trư­ớc. Tính chung 7 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 960,3 triệu USD, tăng 11,44% so cùng kỳ năm trước. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu trong tháng là: Phương tiện vận tải và phụ tùng 51,2 triệu USD, chiếm 31,45% tổng số; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện 38,9 triệu USD, chiếm 23,94%; điện thoại các loại và linh kiện 36,8 triệu USD, chiếm 22,61%; hàng dệt may 18,3 triệu USD, chiếm 11,23% tổng giá trị xuất khẩu...

Tổng kim ngạch nhập khẩu tháng Bảy đạt 240,5 triệu USD, tăng  2,13%  so với tháng trước và tăng 23,67% so với cùng kỳ năm trư­ớc. Trong đó, kinh tế Nhà nước thực hiện đạt 277 ngàn USD, bằng 65,17%; kinh tế tư nhân đạt 14,4 triệu USD, bằng 97,45%, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 225,8 triệu USD, tăng 25,96% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 7 tháng đầu năm, tổng kim ngạch nhập khẩu dự kiến đạt 1.402,8 triệu USD, tăng 6,83% so với cùng kỳ năm trư­ớc. Hàng nhập khẩu trong tháng chủ yếu là các nguyên vật liệu để gia công sản xuất như: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện 66,3 triệu USD, tăng 3,39%; linh kiện và phụ tùng ô tô các loại 82,3 triệu USD, tăng 69,33%; vải các loại 9,3 triệu USD; thức ăn gia súc và nghuyên liệu 6,4 triệu USD...

c. Chỉ số giá tiêu dùng

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng Bảy giảm 0,08% so với tháng trước, tăng 1,75% so vớí cùng tháng năm trước và tăng 1,84% so với tháng 12 năm trước. Tính chung 7 tháng dầu năm, CPI tăng 1,31% so cùng kỳ. Nguyên nhân chính làm CPI tháng này giảm so tháng trước là do giá một số nhóm hàng thiết yếu như: Lương thực, thực phẩm; nhà ở, chất đốt và VLXD; thiết bị đồ dùng gia đình giảm... Các nhóm còn lại giá ổn định và biến động nhẹ.

Diễn biến giá của các nhóm hàng chính trong tháng Bảy như sau:

- Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,16% so với tháng trước và tăng 2,38% so với cùng tháng năm trước. Do giá hàng lương thực, và giá một số mặt hàng thực phẩm chính yếu như: thịt lợn, gia cầm, thủy sản các loại giảm... đã kéo chỉ số chung của nhóm giảm nhẹ;

- NhómĐồ uống và thuốc lá giảm 0,02%, chủ yếu giảm ở mặt hàng nước giải khát;

- Nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng giảm 1,53%. Do, giá mặt hàng nhà ở thuê tiếp tục giảm 3,17% vì đang là thời điểm  kỳ nghỉ hè của học sinh sinh viên nên giá thuê nhà giảm; vật liệu bảo dưỡng nhà ở giảm 0,59%. Trong đó, giá mặt hàng xi măng giảm 0,14%, sắt các loại giảm từ 0,88% đến 1,56%, gạch xây giảm từ 2,64% đến 3,38%...;

- Thiết bị và đồ dùng gia đình giảm 0,05%,chủ yếu do mặt hàng đệm mút các loại giảm 1,39%, do các cửa hàng có chương trình giảm giá xả kho hàng;

- Nhóm giao thông tăng 1,42%, đây là nhóm có chỉ số tăng cao nhất trong 11 nhóm hàng. Chỉ số nhóm tăng chủ yếu ở mặt hàng xăng dầu và xe gắn máy của Honda. Giá xăng dầu trong nước được điều chỉnh tăng vào các ngày 20/6 và 5/7/2016, dẫn tới chỉ số giá nhóm nhiên liệu tăng 2,39% so với tháng trước; chỉ số mặt hàng phương tiện đi lại (xe gắn máy Honda) cũng tăng 0,88% đã kéo chỉ số chung của nhóm tăng;

Giá vàng và Đô la Mỹ:Giá vàng trên địa bàn tăng 4,27% so với tháng trước, giá bán bình quân trên thị trường tự do là 3.493 nghìn đồng/chỉ. Ngược chiều với giá vàng, giá Đô la Mỹ trên thị trường tự do biến động giảm 0,03% so với tháng trước, giá bán bình quân phổ biến ở mức 21.610 đồng/USD.

d. Vận tải hành khách và hàng hoá

 Tổng khối l­ượng hàng hoá vận chuyển trên địa bàn tỉnh tháng Bảy dự kiến đạt 2.222 ngàn tấn, luân chuyển 150,3 triệu tấn.km. So với tháng trước, tăng 2,24% về tấn và tăng 1,77% về tấn.km; so với cùng kỳ năm trư­ớc, tăng 9,64% về tấn và tăng 7,58% về tấn km. Tính chung 7 tháng đầu năm, vận chuyển đạt 16.276 ngàn tấn, luân chuyển đạt 1.128,7 triệu tấn km, tăng 5,84% về tấn và tăng 6,82% về tấn.km so với cùng kỳ năm 2015.

Khối l­ượng hành khách vận chuyển tháng Bảy dự kiến đạt 1.468 ngàn ngư­ời, luân chuyển 139,9 triệu ngư­ời.km. So với tháng trước, tăng 1,44% về người và tăng 0,60% về người.km; so cùng kỳ năm trước, tăng 10,97% về người và tăng 10,98% về người.km. Tính chung 7 tháng đầu năm, vận chuyển đạt 14.096 ngàn người, luân chuyển 1.018,7 triệu người.km, tăng 2,45% về người và tăng 2,17% về người km so với cùng kỳ năm  2015.

Tổng doanh thu vận tải ước tháng Bảy đạt 276,3 tỷ đồng, tăng 2,71% so tháng trước và tăng 8,89% so cùng kỳ. Trong đó, vận tải hành khách đạt 62,2 tỷ đồng, tăng 11,14%; vận tải hàng hoá đạt 211,6 tỷ đồng, tăng 8,64%  so cùng kỳ. Bảy tháng đầu năm, tổng doanh thu đạt 1.947 tỷ đồng, tăng 8,52% so cùng kỳ.

5. Một số vấn đề xã hội

- Nhân dịp kỷ niệm 69 năm ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2016), Sở Lao động - Thương binh & Xã hội tỉnh Vĩnh Phúc đã xây dựng kế hoạch phối hợp với các ngành, đoàn thể tổ chức các hoạt động thăm hỏi, tặng quà các thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công tiêu biểu ở huyện, thành, thị; tuyên truyền để các địa phương tiến hành chăm sóc, tu bổ, làm sạch đẹp các nghĩa trang liệt sĩ, nhà bia, đài tưởng niệm các liệt sĩ tại địa phương mình; phối hợp cùng với UBND thành phố Vĩnh Yên, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Tỉnh Đoàn thanh niên để tổ chức Chương trình Dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ tại Đài tưởng niệm Liệt sỹ Tỉnh.

- Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2016 tỉnh Vĩnh Phúc có hơn 12.000 thí sinh dự thi tại 2 cụm thi gồm: Cụm thi tốt nghiệp dành cho thí sinh dự thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT do Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì có tổng số 6.263 thí sinh đăng ký dự thi tại 18 điểm thi với 221 phòng thi đặt tại các huyện, thành, thị. Cụm thi đại học dành cho thí sinh xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh đại học do Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 chủ trì có 6.073 thí sinh đăng ký dự thi tại 10 điểm thi với 210 phòng thi đặt tại thị xã Phúc Yên. Kết thúc 4 ngày thi THPT Quốc gia, tại cụm thi tốt nghiệp có 6.238 thí sinh dự thi đủ các môn, đạt tỷ lệ 99,6%, không có thí sinh vi phạm quy chế; cụm thi đại học có 6.030 thí sinh dự thi đủ các môn, đạt tỷ lệ 99,31%, 4 thí sinh buộc dừng thi do vi phạm quy chế. Trong 4 ngày diễn ra kỳ thi, các điều kiện về cơ sở vật chất, tình hình an ninh trật tự, an toàn giao thông tại các điểm thi được đảm bảo, toàn tỉnh không có cán bộ, giáo viên coi thi vi phạm quy chế thi.

- Trong kỳ trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc xảy ra 02 vụ cháy nổ, ước tính giá trị thiệt hại do cháy nổ 550 triệu đồng, không có thiệt hại về người. Tính từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 23 vụ cháy nổ, giá trị thiệt hại ước tính 4,7 tỷ đồng, không có thiệt hại về người. Trong tháng Bảy, qua kiểm tra của Phòng Cảnh sát môi trường thuộc Công an tỉnh đã phát hiện và xử lý 01 vụ vi phạm môi trường với số tiền phạt 14 triệu đồng. Tính từ đầu năm đến nay, đã phát hiện và xử lý 17 vụ vi phạm môi trường trên địa bàn tỉnh với số tiền xử phạt 813 triệu đồng./.

 

luat_sua_doi_ltk

Đang truy cập: 7
Trong ngày: 205
Trong tuần: 1033
Lượt truy cập: 1406437

Xin cho biết ý kiến của bạn về trang thông tin điện tử Cục Thống kê tỉnh Vĩnh Phúc?
Tốt
Khá
Trung bình
Kém

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỤC THỐNG KÊ TỈNH VĨNH PHÚCChung nhan Tin Nhiem Mang

Địa chỉ: Số 20

Lý Thái Tổ - Phường Đống Đa - Thành phố Vĩnh Yên - Tỉnh Vĩnh Phúc

Điện thoại: 0211 3 861 139, Fax: 0211 3 843 841Email: vinhphuc@gso.gov.vn, cuctk@vinhphuc.gov.vn