.::. Cung cấp thông tin đầy đủ, trung thực là trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, đơn vị sự nghiệp, hiệp hội, cơ sở hành chính, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng trên địa bàn .::. .............................................................................................................................................................................................................. ........................................  

 

File dữ liệu báo cáo (định dạng PDF)

Lời văn

Số liệu

 

 

Chín tháng đầu năm 2016, UBND tỉnh đã tập trung quán triệt, chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương, tổ chức, đoàn thể và doanh nghiệp tích cực triển khai cụ thể hóa các Nghị quyết của Chính phủ, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; thường xuyên chỉ đạo theo dõi, đánh giá, phân tích tình hình, đưa ra những giải pháp phù hợp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và bảo đảm an sinh xã hội. Nhìn chung tình hình kinh tế - xã hội đạt nhiều kết quả tích cực. Tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng khá. Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản nghiệp tiếp tục ổn định; sản xuất công nghiệp từng bước phục hồi và phát triển, các doanh nghiệp mới đầu tư đi vào sản xuất tạo ra giá trị sản lượng lớn đóng góp vào tăng trưởng của ngành cũng như  tăng trưởng chung của tỉnh; các ngành dịch vụ đáp ứng tốt cho sản xuất, tiêu dùng và đời sống nhân dân. Thu ngân sách nhà nước đạt khá so với dự toán và tăng so với cùng kỳ năm trước. Các hoạt động văn hóa, thể thao, lễ hội, vui chơi giải trí diễn ra khá sôi động, phong phú. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được tăng cường. Công tác bảo đảm an sinh xã hội được cả hệ thống chính trị, cộng đồng xã hội và các doanh nghiệp cùng quan tâm. Tình hình an ninh chính trị được giữ vững, trật tự an toàn xã hội ổn định, an toàn giao thông được đảm bảo. Đặc biệt, tỉnh đã tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội, bầu cử HĐND các cấp và triển khai kiện toàn các cơ quan HĐND cấp huyện, cấp xã.

I. TÌNH HÌNH KINH TẾ

1. Tăng trưởng kinh tế

Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) chín tháng đầu năm 2016 theo giá so sánh 2010 dự kiến đạt 47.740 tỷ đồng, tăng 7,69% so cùng kỳ năm 2015. Trong đó, tổng giá trị tăng thêm đạt 34.919 tỷ đồng, tăng 6,53% so cùng kỳ, đóng góp vào tăng trưởng chung là 4,83 điểm %; thuế sản phẩm đạt 12.821 đồng, tăng 10,98% so cùng kỳ, đóng góp vào tăng trưởng chung là 2,86 điểm %.

Trong tổng số, giá trị tăng thêm ngành nông, lâm nghiệp và thuỷ sản đạt 3.666 tỷ đồng, tăng 2,49% so với cùng kỳ, đóng góp vào tăng trưởng chung của tỉnh là 0,20 điểm %; riêng ngành nông nghiệp đạt 3.445 tỷ đồng, tăng 2,74% so cùng kỳ, đóng góp vào tăng trưởng chung của tỉnh là 0,21 điểm %. Ngành công nghiệp, xây dựng đạt 22.378 tỷ đồng, tăng 7,31% so cùng kỳ, đóng góp vào tăng trưởng chung của tỉnh là 3,44 điểm %; riêng ngành công nghiệp đạt 20.937 tỷ đồng, tăng 7,05% so cùng kỳ, đóng góp vào tăng trưởng chung của tỉnh là 3,11 điểm %. Giá trị tăng thêm của các ngành dịch vụ đạt 8.875 tỷ đồng, tăng 6,13% so cùng kỳ, đóng góp vào tăng trưởng chung của tỉnh là 1,19 điểm %.

2. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản

a) Nông nghiệp

+Trồng trọt: Theo số liệu sơ bộ, vụ mùa năm nay toàn tỉnh gieo trồng được 33.221 ha cây hàng năm, tăng 0,11% so với vụ mùa năm 2015. Trong tổng số, diện tích lúa là 27.172 ha, giảm 1,48% so với cùng kỳ năm 2015; ngô 1.694 ha, tăng 0,80%; khoai lang 275 ha, tăng 30,89%; rau các loại 1.832 ha, tăng 8,52%... Do chịu ảnh hưởng của cơn bão số 3 (từ ngày 18/8 đến ngày 21/8) kèm theo mưa lớn rải rác đến hết tháng Tám đã làm cho nhiều diện tích lúa đang trong thời kỳ sắp trỗ bị ngập úng, nhiều diện tích hoa màu bị ảnh hưởng. Theo ước tính, diện tích lúa bị ngập 6.702 ha, trong đó diện tích lúa bị mất trắng 3.020 ha, tập trung chủ yếu ở các huyện Vĩnh Tường, Yên Lạc, Bình Xuyên ảnh hưởng lớn đến năng suất và sản lượng chung của toàn tỉnh. Dự kiến, năng suất, sản lượng một số cây trồng chủ yếu vụ mùa như sau: lúa đạt 41,44 tạ/ha, giảm 19,67% so với cùng kỳ, sản lượng đạt 112.602 tấn, giảm 20,87%; ngô đạt 39,19 tạ/ha, giảm 13,81%, sản lượng đạt 6.637 tấn, giảm 13,12%; khoai lang đạt 81,28 tạ/ha, giảm 11,85%, sản lượng đạt 2.235 tấn, tăng 15,38% do diện tích tăng; rau các loại đạt 172,42 tạ/ha, giảm 6,16%, sản lượng đạt 31.582 tấn, tăng 1,84% so với cùng kỳ...

Tính chung cả năm 2016, toàn tỉnh gieo trồng được 95.933 ha cây hàng năm, giảm 0,94% so với năm 2015. Trong đó, trồng được 58.383ha lúa, giảm 0,07% so với cả năm 2015; 16.008 ha ngô, giảm 0,55%; 2.196 ha khoai lang, giảm 16,28%; 1.978 ha đậu tương, giảm 22,13%; 2.815 ha lạc, giảm 6,51%; 9.017 ha rau các loại, tăng 0,83% so với năm 2015... Dự kiến năng suất, sản lượng một số cây trồng chủ yếu cả năm 2016 như sau: Năng suất lúa đạt 50,58 tạ/ha, giảm 9,45%, sản lượng đạt 295.316 tấn, giảm 9,51% so với năm 2015; ngô đạt 42,73 tạ/ha, giảm 1,07%, sản lượng đạt 68.402 tấn, giảm 1,60%; khoai lang đạt 97,55 tạ/ha, giảm 2,64%, sản lượng đạt 21.419 tấn, giảm 18,50%; lạc đạt 18,63 tạ/ha, giảm 1,64%, sản lượng đạt 5.244 tấn, giảm 8,02%; đậu tương đạt 18,68 tạ/ha, tăng 2,02%, sản lượng đạt 3.693 tấn, giảm 20,60%; rau các loại đạt 199,79 tạ/ha, giảm 2,36 %, sản lượng đạt 180.147 tấn, giảm 1,56% so với năm 2015...

Tổng diện tích các loại cây lâu năm hiện có 8.321 ha, tăng  0,2% so với cùng kỳ năm 2015, trong đó diện tích cây ăn quả là 7.792 ha, chiếm 93,65% diện tích các loại cây lâu năm. Các loại cây ăn quả dễ trồng chiếm nhiều diện tích như: Vải 2.007 ha, chuối 1.832 ha, nhãn 775 ha, xoài 753 ha, na 333 ha... Một số loại cây ăn quả diện tích có xu hướng giảm so với cùng kỳ như: Hồng xiêm 11 ha, giảm 7,8%; quýt 13 ha, giảm 5,1%; táo 60 ha, giảm 3,4%; nhãn 775 ha, giảm 0,9%; cây dâu tằm 140 ha, giảm 4,2%. Nguyên nhân giảm là do hiệu quả kinh tế không cao, một số loại cây ăn quả do rớt giá nên người dân chuyển đổi sang trồng các loại cây ăn quả khác, ngoài ra việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất cũng làm cho diện tích các loại cây trồng này giảm.

+ Chăn nuôi: Chín tháng đầu năm 2016, tình hình chăn nuôi trên địa bàn tỉnh có nhiều thuận lợi. Tỉnh tiếp tục thực hiện chương trình hỗ trợ cho chăn nuôi theo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh; công tác tuyên truyền, kiểm tra phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm được triển khai thực hiện tích cực ở tất cả các địa phương và tăng cường đến tận cơ sở, hộ chăn nuôi; người dân đã chủ động trong việc phòng chống dịch bệnh đàn gia súc, gia cầm nên từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh không xảy ra các dịch bệnh lớn. Bên cạnh đó, giá các loại sản phẩm chăn nuôi tương đối ổn định ở mức khá cao, người dân yên tâm đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, đàn gia súc, gia cầm tăng khá nhanh so với cùng kỳ, nhất là đàn lợn.

Ước tính, tại thời điểm 01/9/2016 có 20.566 con trâu, tăng 0,99%; 108.986 con bò, tăng 7,4%; 632.054 con lợn, tăng 21,63%; đàn gia cầm có 9.664 nghìn con, tăng 16,55%, trong đó có 8.309 ngàn con gà, tăng 15,87% so với cùng thời điểm năm 2015. Dự kiến chín tháng đầu năm, sản lượng thịt trâu đạt 1.214 tấn, tăng 0,26%; sản lượng thịt bò đạt 3.981 tấn, tăng 8,68%; sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng đạt 62.713 tấn, tăng 15,19%; sản lượng gà đạt 17.438 tấn, tăng 10,35%; trứng gà đạt 231,5 triệu quả, tăng 16,73% so với cùng kỳ năm 2015.

b) Lâm nghiệp

Dự kiến chín tháng đầu năm, các đơn vị sản xuất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh trồng mới tập trung được 587 ha, đạt 86,9% kế hoạch năm, giảm 8,76% so với cùng kỳ. Trong đó, rừng sản xuất  554 ha, rừng phòng hộ 4 ha và rừng đặc dụng 29 ha. Diện tích rừng được chăm sóc là 462 ha và 9.756 ha rừng được giao khoán, bảo vệ. Sản lượng gỗ khai thác 9 tháng đầu năm dự kiến đạt 17.844 m3, sản lượng củi đạt 41.051ste.

Công tác phòng chống cháy rừng luôn đ­ược các cấp các ngành chỉ đạo tích cực, nguy cơ cháy rừng được cảnh báo thường xuyên. Song, do thời tiết hanh khô ở những tháng đầu năm nên đã xảy ra 4 vụ cháy rừng trên địa bàn tỉnh với diện tích rừng bị cháy là 21,1 ha.

c) Thuỷ sản

Sản xuất thủy sản trên địa bàn tỉnh chín tháng đầu năm cơ bản ổn định, giá thủy sản ở mức cao, nuôi trồng từng bước được đa dạng hoá, chất lượng thủy sản ngày càng đáp ứng được yêu cầu của thị trường và tạo ra thu nhập khá cho người nuôi. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của cơn bão số 3 vào giữa tháng Tám, mưa lớn kéo dài làm cho một số diện tích nuôi trồng thủy sản bị ngập tràn ảnh hưởng tới sản lượng nuôi trồng thủy sản của tỉnh.

Diện tích nuôi trồng thuỷ sản chín tháng đầu năm ước đạt 7.109 ha, tăng 1,56% so với kế hoạch năm và tăng 2,10% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng thuỷ sản đạt 13.664 tấn, giảm 1,05% so với cùng kỳ. Trong đó, sản lượng khai thác 1.370 tấn, tăng 0,06%; sản lượng nuôi trồng 12.294 tấn, giảm 1,17%.

3. Sản xuất công nghiệp

Sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh tháng Chín nhìn chung giữ ở mức ổn định, các doanh nghiệp tiếp tục đẩy mạnh sản xuất cũng như tìm kiếm đối tác nhằm hoàn thành kế hoạch cả năm. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) trong tháng tăng 3,49% so tháng trước và tăng 6,65% so cùng kỳ. Chia theo ngành kinh tế cấp I, các ngành tăng (giảm) tương ứng so với tháng trước và cùng kỳ như sau: ngành công nghiệp khai khoáng tăng 2,89% và tăng 10,35%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 3,51% và  tăng 6,75%; ngành sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hoà không khí giảm 0,64% và tăng 12,34%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải tăng 1,81% so tháng trước và giảm 10,36% so cùng kỳ.

 Chín tháng đầu năm, tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh tiếp tục ổn định đã tạo điều kiện cho sản xuất kinh doanh phát triển, nhiều doanh nghiệp công nghiệp mới đầu tư và dần đi vào sản xuất góp phần cho tăng trưởng của ngành công nghiệp cũng như tăng trưởng chung của tỉnh. Tuy nhiên, vẫn còn những sản phẩm đang ở ngưỡng bão hòa, mức tiêu thụ giảm, nhất là sản phẩm xe máy. Dự kiến 9 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh tăng 4,02% so cùng kỳ năm trước. Chia theo ngành kinh tế cấp I: ngành công nghiệp khai khoáng tăng 0,86%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,06%; ngành công nghiệp sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước tăng 12,13%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải giảm 4,59%. So với cùng kỳ năm trước, chín tháng đầu năm nay ngoài ngành sản xuất xe máy và ngành sản xuất chế biến thực phẩm có chỉ số sản xuất giảm, các ngành công nghiệp chế biến còn lại hầu hết có chỉ số tăng, một số ngành có chỉ số tăng cao như:

- Ngành sản xuất linh kiện điện tử tăng 35,82 % so với cùng kỳ, là ngành có chỉ số tăng cao nhất trong toàn ngành công nghiệp. Một mặt do xu hướng công nghệ thông tin ngày càng phát triển, mặt khác các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này cũng đáp ứng được nhu cầu đa dạng về nhiều chủng loại, mẫu mã, chất lượng sản phẩm của thị trường, nên chỉ số sản xuất liên tục tăng;

- Ngành sản xuất trang phục tăng 19,70%. Các doanh nghiệp lớn thuộc ngành này trên địa bàn tỉnh chủ yếu sản xuất theo các đơn đặt hàng của các đối tác nước ngoài như Đài Loan, Hàn Quốc...Với việc luôn giữ được uy tín cả về thời gian và chất lượng sản phẩm nên ngày càng có nhiều hợp đồng được ký kết, tạo việc làm cho người lao động cũng như lợi nhuận cho các doanh nghiệp trong ngành;

- Ngành sản xuất xe có động cơ tăng 13,84%. Xã hội phát triển, đời sống nhân dân tăng lên, nhu cầu sử dụng các phương tiện hiện đại cũng tăng lên đáng kể. Cùng với đó, các doanh nghiệp liên tục đổi mới mẫu mã, nâng cấp các tính năng sử dụng, đưa ra nhiều dòng xe với nhiều mức giá phù hợp cho mọi đối tượng sử dụng nên mức tiêu thụ sản phẩm tăng khá, giá trị sản xuất của ngành tăng lên;

- Ngành sản xuất kim loại tăng 10,95%. Sản phẩm của ngành luôn có chỗ đứng với không chỉ thị trường trong nước mà cả thị trường khu vực với lượng tiêu thụ tương đối ổn định qua các tháng đã góp phần mang lại giá trị sản xuất cao cho ngành...

Các sản phẩm công nghiệp chủ yếu sản xuất trong tháng Chín dự kiến đều tăng hơn so với tháng trước. Trong đó, sản xuất được 16.838 tấn thức ăn gia súc, tăng 4,30%; 5.312 ngàn quần áo mặc thường, tăng 5,82%; 7.001 ngàn m2 gạch ốp lát, tăng 7,62%; 85.939 ngàn viên gạch xây dựng, tăng 4,22%; 5.418 xe ô tô các loại, tăng 3,40%; 161.550 xe máy các loại, tăng 2,10%... Tính chung chín tháng đầu năm sản xuất được: 136.995 tấn thức ăn gia súc, 43.989 ngàn quần áo các loại, 58.911 ngàn m2 gạch ốp lát, doanh thu dịch vụ sản xuất linh kiện điện tử  đạt 13.887 tỷ đồng, 43.408 xe ô tô các loại, trên 1.376 ngàn xe máy....

4. Đầu tư - xây dựng

Năm 2016, tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục thực hiện việc tăng cường quản lý đầu tư về xây dựng cơ bản, không đầu tư dàn trải mà tập trung đầu tư vào các công trình, dự án trọng điểm; cùng với việc thực hiện những giải pháp trong việc quy hoạch phát triển hạ tầng giao thông theo hướng đồng bộ và hiện đại với các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và những cơ chế chính sách thu hút đầu tư được thực hiện linh hoạt, thông thoáng đã thu hút được sự quan tâm của nhà đầu tư. Tính từ đầu năm đến hết tháng Tám, tỉnh đã cấp mới giấy chứng nhận đầu tư cho 26 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký 186,7 triệu USD, lũy kế đến hết tháng Tám toàn tỉnh hiện có 227 dự án FDI còn hiệu lực với tổng số vốn đăng ký là 3.449,7 triệu USD. Đến nay, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã có 11 khu công nghiệp được thành lập và cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng diện tích quy hoạch 2.081,7 ha, trong đó có 7 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động.

Công tác giải ngân nguồn vốn ODA tiếp tục được tăng cường thực hiện. Ba dự án ODA chính của tỉnh năm 2016 là: Dự án cải thiện môi trường đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc; Dự án phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn bền vững các tỉnh miền núi phía Bắc tỉnh Vĩnh Phúc và Dự án nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tiếp tục được tỉnh quan tâm và giải ngân vốn. Dự kiến đến hết tháng Chín, nguồn vốn ODA của tỉnh được giải ngân trên 434 tỷ đồng.

 Tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội trên địa bàn tỉnh chín tháng đầu năm dự kiến đạt 16.805 tỷ đồng, tăng 14,86% so với cùng kỳ. Trong đó, nguồn vốn nhà nước trên địa bàn đạt 4.231 tỷ đồng, vốn ngoài nhà nước là 8.470 tỷ đồng, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 4.104 tỷ đồng. Nguyên nhân nguồn vốn đầu tư tăng là do tình hình kinh tế trên địa bàn tỉnh có những chuyển biến tích cực, các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn ổn định và phát triển, công tác xúc tiến và hỗ trợ đầu tư mang lại hiệu quả. Trong chín tháng đầu năm nhiều công trình mới, công trình trọng điểm tiếp tục được quan tâm thực hiện góp phần vào sự phát triển kinh tế chung của tỉnh. Tuy nhiên do công tác giải phóng mặt bằng còn gặp khó khăn nên tiến độ thực hiện một số công trình còn chậm so với kế hoạch gây ảnh hưởng phần nào tới công tác giải ngân nguồn vốn.

5. Tài chính, ngân hàng

a) Thu chi ngân sách

Các giải pháp đồng bộ trong công tác điều hành thu Ngân sách nhà nước được tỉnh chỉ đạo quyết liệt, ngành Thuế đã chủ động, tích cực đôn đốc khai thác các nguồn thu trên tất cả các lĩnh vực; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chống thất thu thuế, trốn thuế, nợ thuế, nên các khoản thu nội địa tăng khá so với cùng kỳ. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn chín tháng ước đạt 22.560 tỷ đồng, đạt 87,24% dự toán, trong đó thu nội địa đạt 20.025 tỷ đồng. Tổng chi ngân sách ước đạt 8.296 tỷ đồng, bằng 56% dự toán, trong đó chi thường xuyên chiếm 63,28%, chi đầu tư phát triển chiếm 31,80% tổng chi ngân sách địa phương.

b) Tín dụng, ngân hàng

Trong đầu Quý I năm 2016, lãi suất huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn có xu hướng tăng nhẹ, chủ yếu do yếu tố mùa vụ, mang tính chất tạm thời để đáp ứng nhu cầu thanh toán và dự phòng chi trả trong dịp Tết Nguyên đán. Từ tháng Ba đến nay, lãi suất huy động của các tổ chức tín dụng được duy trì ổn định. Hiện tại, mặt bằng lãi suất của hệ thống ngân hàng trên địa bàn như sau:

- Lãi suất huy động: Mặt bằng lãi suất huy động bằng VND phổ biến ở mức từ 0,8 đến 1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; từ 4,5 đến 5,4%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; từ 5,4 đến 6,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn trên 12 tháng ở mức từ 6,4 đến 7,2%/năm. Lãi suất huy động USD ở mức 0%/năm đối với cả tiền gửi của cá nhân và của tổ chức.

- Lãi suất cho vay: Mặt bằng lãi suất cho vay trên địa bàn phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức từ 6 đến 7%/năm đối với ngắn hạn; từ 9 đến 10%/năm đối với trung, dài hạn. Lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường ở mức từ 6 đến 9%/năm đối với ngắn hạn; từ 9 đến 11%/năm đối với trung và dài hạn. Đối với nhóm khách hàng tốt, tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch, lãi suất cho vay từ 5 đến 6%/năm.

Đến 31/8/2016, nguồn vốn huy động đạt 42.265 tỷ đồng, tăng 7,04% so với cuối năm 2015. Trong đó, huy động bằng Việt Nam Đồng chiếm 91,34%, huy động vốn bằng ngoại tệ chỉ chiếm 8,66% tổng nguồn vốn huy động. Dự kiến đến 30/9/2016, tổng nguồn vốn huy động đạt 43.150 tỷ đồng, tăng 9,28% so với cuối năm 2015. Tổng dư nợ tín dụng đến 31/8/2016 đạt 38.023 tỷ đồng, tăng 15.52%  so với cuối năm 2015. Dự kiến đến 30/9/2016 tổng dư nợ cho vay đạt 38.490 tỷ đồng, tăng 16,94% so với cuối năm 2015. Trong đó: Dư nợ cho vay ngắn hạn đạt 22.210 tỷ đồng, tăng 12,1% so với cuối năm 2015, chiếm 57,7% tổng dư nợ; dư nợ cho vay trung và dài hạn đạt 16.280 tỷ, tăng 24,2% so với cuối năm 2015, chiếm 42,3% tổng dư nợ.

6. Thương mại, dịch vụ và giá cả

a) Bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng

Tháng Chín và chín tháng đầu năm 2016, tình hình kinh doanh thương mại và dịch vụ trên địa bàn tỉnh ổn định. Số lượng các cơ sở tham gia kinh doanh thương mại dịch vụ không biến động nhiều, nhưng nhiều đơn vị, cơ sở đã mở rộng ngành nghề, đa dạng hoá các mặt hàng và phương thức kinh doanh nên kết quả lưu chuyển hàng hoá và dịch vụ đã đáp ứng tốt nhu cầu cho sản xuất và tiêu dùng của nhân dân.

Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng Chín dự kiến đạt 2.818 tỷ đồng, tăng 1,36% so tháng trước và tăng 8,83% so với cùng kỳ. Tính chung chín tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hoá đạt 25.334 tỷ, tăng 5,52 % so với cùng kỳ. Trong đó, kinh tế cá thể 14.415 tỷ, tăng 7,25%; kinh tế tư nhân 8.842 tỷ, tăng 7,92%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài 1.857 tỷ bằng 85,38% so với cùng kỳ. Phân theo nhóm ngành kinh tế, ngành thương nghiệp bán lẻ thực hiện 21.724 tỷ đồng, tăng 5,38%; kinh doanh dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch 2.332 tỷ, tăng 8,37% và các ngành dịch vụ phục vụ tiêu dùng khác thực hiện 1.277 tỷ, tăng 2,88% so cùng kỳ.

b) Xuất, nhập khẩu hàng hoá 

Tổng kim ngạch xuất khẩu tháng Chín dự kiến đạt 163,6 triệu USD tăng 2,27% so tháng trước và tăng 16,64% so với cùng tháng năm trước. Tính chung chín tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 1.278,8 triệu USD tăng 12,25% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 1.235,9 triệu USD, tăng 11,64 %; kinh tế trong nước 42,9 triệu USD, tăng 19,92% so với cùng kỳ. Các mặt hàng  xuất khẩu trong chín tháng đầu năm chủ yếu là: phương tiện vận tải và phụ tùng 415,3 triệu USD, tăng 12,54%; các mặt hàng điện tử và linh kiện 556,2 triệu USD, tăng 1,13 lần; hàng dệt may 177,2 triệu USD, bằng 96,16%; chè 18,3 triệu USD, tăng 7,79 % so cùng kỳ năm trước...

Tổng kim ngạch nhập khẩu tháng Chín dự kiến đạt 245,4 triệu USD, tăng 5,89% so tháng trước và tăng 24,19 so với cùng kỳ năm trư­ớc. Tính chung chín tháng đầu năm, tổng kim ngạch nhập khẩu đạt 1.868,5 triệu USD, tăng 9,53% so với cùng kỳ năm trư­ớc. Trong đó, kinh tế Nhà nước ước 2,4 triệu USD,  kinh tế tư nhân 98,9 triệu USD, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài 1.767,2 triệu USD. Hàng nhập khẩu chủ yếu trong chín tháng đầu năm là các nguyên vật liệu để gia công sản xuất như:  linh kiện, phụ tùng ô tô, xe máy; hàng điện tử;  vải các loại và nguyên phụ liệu dệt may da giầy; thức ăn gia súc và nguyên phụ liệu chế biến...

c) Vận tải hành khách và hàng hoá

Tổng khối l­ượng hàng hoá vận chuyển trên địa bàn tỉnh tháng Chín dự kiến đạt 2.090 ngàn tấn, luân chuyển 126.736 ngàn tấn.km, so với tháng trước tăng 1,0% về tấn và 2,15% về tấn.km, so với cùng kỳ tăng 10,01% về tấn và tăng 9,89% về tấn.km. Tính chung chín tháng đầu năm, vận chuyển hàng hóa đạt 20.358 ngàn tấn, luân chuyển 1.367.354 ngàn tấn.km, tăng 5,7% về tấn và tăng 5,06% về tấn.km so với cùng kỳ. Khối l­ượng hành khách vận chuyển tháng Chín đạt 1.602 ngàn ngư­ời, luân chuyển 160.876 ngàn ngư­ời.km, so tháng trước tăng 2,31% về người và tăng 1,96% về người km, so với cùng kỳ tăng 11,09% về người và tăng 13,32% về người km. Tính chung chín tháng đầu năm, vận chuyển đạt 17.251 ngàn người, luân chuyển đạt 1.336.269 ngàn người.km, tăng 4,13% về người và tăng 4,95% về người.km so với cùng kỳ. Dự kiến tổng doanh thu vận tải chín tháng đầu năm đạt 2.454,3 tỷ đồng, tăng 7,64% so cùng kỳ. Trong đó, vận tải đường bộ đạt 2.100,1 tỷ đồng, tăng 5,63%; vận tải đường sông đạt 354,1 tỷ đồng, tăng 21,34%.

d) Chỉ số giá tiêu dùng

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trên địa bàn tỉnh tháng Chín tăng 0,44% so với tháng trước, tăng 2,17% so với cùng tháng năm trước và tăng 2,08% so tháng 12 năm trước; bình quân chín tháng đầu năm CPI tăng 1,44% so với cùng kỳ năm 2015. CPI tháng này tăng chủ yếu do giá một số mặt hàng lương thực thực phẩm, giá xăng dầu và mức thu học phí tăng... Các nhóm còn lại giá tương đối ổn định và biến động nhẹ.

Diễn biến giá của các nhóm hàng chính trong tháng Chín như sau:

- Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uốngtăng 0,12% so với tháng trước và tăng 2,08% so với cùng tháng năm trước. Trong tháng, giá nhóm hàng lương thực, thực phẩm như gạo các loại, ngan vịt, trứng gia cầm, rau tươi tăng... đã kéo chỉ số chung của nhóm tăng;

- Nhóm giao thông tăng 0,74% do giá xăng dầu trong nước được điều chỉnh tăng vào các ngày 19/8 và 5/9/2016 đã kéo chỉ số nhóm nhiên liệu tăng 1,45%, góp phần vào sự tăng chung của nhóm;

- Nhóm giáo dục tăng 6,10% do tỉnh đã có quy định tạm thời mức thu, sử dụng học phí đối với cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh.

Một số nhóm hàng còn lại giá tương đối ổn định.

Giá vàng trên địa bàn tỉnh giảm giảm 0,59% so với tháng trước, giá bán bình quân trên thị trường tự do là 3.535 nghìn đồng/chỉ. Ngược chiều với giá vàng, giá Đô la Mỹ trên thị trường tự do biến động tăng 0,46% so với tháng trước, giá bán bình quân phổ biến ở mức 21.532 đồng/USD.

II. MỘT SỐ VẤN ĐỀ XÃ HỘI

1. Công tác giải quyết lao động, việc làm, bảo đảm an sinh xã hội

Hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm và xuất khẩu lao động tiếp tục được UBND tỉnh tập trung chỉ đạo. Chín tháng đầu năm tỉnh đã tổ chức 28 phiên giao dịch việc làm, đã tuyển tại sàn 1,5 nghìn lao động.

Chế độ, chính sách cho các đối tượng chính sách, gia đình khó khăn được các cấp, các ngành quan tâm chăm lo và thực hiện nghiêm theo quy định. Tỉnh đã tổ chức thực hiện tốt việc thăm hỏi và tặng quà của Chủ tịch nước và của tỉnh tới đối tượng chính sách và người có công, thăm và tặng quà các đơn vị trực tết và bệnh nhân mắc bệnh nặng không về nhà ăn tết Nguyên đán với tổng kinh phí 17,2 tỷ đồng. Công tác đền ơn đáp nghĩa tiếp tục được thực hiện tốt.

Hoạt động bảo trợ xã hội và giảm nghèo được đặc biệt chú trọng. Phê duyệt kết quả tổng điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016-2020. Công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em tiếp tục được quan tâm. Tỉnh đã phát động Tháng hành động vì trẻ em năm 2016, với chủ đề  “Vì cuộc sống an toàn, phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em”, với nhiều hành động thiết thực.

2. Giáo dục và đào tạo

Hoạt động giáo dục và đào tạo được quan tâm, thực hiện quyết liệt và sâu rộng theo Nghị quyết của Trung ương và Chương trình hành động của Tỉnh ủy về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Trong chín tháng, Ngành Giáo dục đã tổ chức nhiều lớp tập huấn, bồi dưỡng về chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ như dạy học các chủ đề tích hợp liên môn, kỹ năng sống, kỹ năng xây dựng mô hình học tập,... cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong Ngành. Thực hiện tốt công tác tuyển sinh và khai giảng năm học mới 2016-2017. Đầu tư cơ sở vật chất trường học từng bước được điều chỉnh giữa các cấp học cho phù hợp với nhu cầu thực tế, nhất là đối với bậc học mầm non; công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia được đẩy nhanh tiến độ gắn với yêu cầu chuẩn chất lượng và từng bước chất lượng cao.

Chất lượng giáo dục cả đại trà và mũi nhọn tiếp tục được giữ vững. Năm học 2015-2016, công tác phổ cập giáo dục được củng cố và duy trì, chất lượng phổ cập mẫu giáo cho trẻ mầm non 5 tuổi, phổ cập tiểu học và phổ cập THCS tiếp tục được giữ vững, nhiều chỉ số chung toàn tỉnh vượt các tiêu chí phổ cập của Bộ Giáo dục. Kết quả thi THPT quốc gia năm 2016, Vĩnh Phúc là một trong 8 tỉnh có điểm bình quân các môn cao nhất cả nước.

Công tác tư vấn hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS  được quan tâm và duy trì. Năm học 2015-2016,  tỷ lệ tuyển sinh vào lớp 10 THPT so với số học sinh tốt nghiệp THCS đạt 69%, trên 24% học sinh lựa chọn học tại các trung tâm Giáo dục thường xuyên và dạy nghề; tỷlệ học sinh THPT đăng ký xét tuyển đại học và chỉ lấy kết quả tốt nghiệp THPT trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2016 là 50 – 50, cơ bản đáp ứng được lộ trình mục tiêu phân luồng học sinh sau THCS của tỉnh đã đề ra.

3. Y tế, vệ sinh an toàn thực phẩm

Công tác y tế và chăm sóc sức khoẻ nhân dân được Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh đặc biệt quan tâm và chỉ đạo quyết liệt, nhất là trong quá trình đầu tư xây dựng cơ sở vật chất Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Bệnh viện Sản – Nhi. Chủ động phân luồng, điều chuyển chức năng khám, chữa bệnh một số chuyên ngành giữa 3 bệnh viện (Đa khoa tỉnh, Phục hồi chức năng, Y học cổ truyền), tăng cường cơ sở vật chất, lắp đặt hệ thống máy móc, trang thiết bị để đảm bảo tiến độ di dời toàn bộ bệnh viện Đa khoa tỉnh phục vụ bàn giao mặt bằng thực hiện dự án xây dựng mới.

Các chương trình mục tiêu như tiêm chủng mở rộng, chương trình sức khỏe sinh sản, phòng chống suy dinh dưỡng, chương trình phòng chống các bệnh lây nhiễm, các bệnh không lây, bảo vệ sức khỏe tâm thần cộng đồng, y tế học đường, chương trình dân số kế hoạch hóa gia đình, phòng chống HIV tiếp tục được duy trì, triển khai có hiệu quả.

Công tác vệ sinh an toàn thực phẩm được tăng cường, lực lượng chức năng đã tiến hành thanh, kiểm tra 3,45 nghìn lượt cơ sở, trong đó tỷ lệ cơ sở đạt tiêu chuẩn chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm chiếm 82,5%; xử lý các cơ sở vi phạm theo đúng quy định. Tuy nhiên, trong chín tháng đầu năm trên địa bàn tỉnh còn xảy ra 03 vụ ngộ độc thực phẩm, không có trường hợp nào tử vong (giảm 01 vụ so với cùng kỳ năm 2015 nhưng số người mắc tăng 82 người).

Công tác khám, chữa bệnh được cải thiện ở cả 3 tuyến; việc thực hiện quy chế bệnh viện, quy trình kỹ thuật chuyên môn được thực hiện nghiêm từ khâu tiếp đón người bệnh, làm hồ sơ bệnh án, chẩn đoán, theo dõi, tiên lượng và điều trị. Thuốc, vật tư y tế được cung ứng đầy đủ, kịp thời, có chất lượng, giá cả hợp lý phục vụ công tác khám, chữa bệnh. Công tác đào tạo cán bộ luôn được quan tâm và chú trọng để bổ sung về số lượng cũng như về chất lượng. Công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở y, dược tư nhân trong việc chấp hành các quy định của Nhà nước được tiến hành thường xuyên hơn.

4. Các hoạt động văn hoá và thể thao,

Chín tháng đầu năm, nhiều hoạt động văn hoá nghệ thuật diễn ra sôi nổi, đa dạng chào mừng các ngày lễ của đất nước, của tỉnh như: các hoạt động tuyên truyền, cổ động phục vụ cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội khoá XIV và bầu cử Đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021; các hoạt động chào mừng và đón nhận bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt đối với Khu di tích- danh thắng Tây Thiên- Tam Đảo và Di tích Kiến trúc nghệ thuật tháp Bình Sơn- Sông Lô; tổ chức triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý”. Tích cực chuẩn bị các điều kiện tổ chức lễ kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh. Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa tiếp tục được chú trọng thực hiện và đạt kết quả tốt. Các thiết chế văn hoá thể thao gắn với thực hiện chương trình xây dựng Nông thôn mới tiếp tục được ưu tiên tập trung đầu tư. Công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa được đẩy mạnh. 

Phong trào thể dục thể thao quần chúng được nâng cao cả về chất lượng và số môn tập luyện. Tỉnh đã phát động và hưởng ứng tích cực ngày chạy Olimpic Việt Nam năm 2016; tổ chức nhiều giải thi đấu thể thể thao mừng Đảng mừng xuân, kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống ngành thể dục thể thao (27/3); đăng cai và tổ chức thành công giải bóng chuyền nữ Châu Á năm 2016. Các giải thể thao quần chúng được tổ chức thường xuyên từ tỉnh đến cơ sở cho nhiều đối tượng, môn thể thao khác nhau hình thành giải truyền thống hàng năm; tổ chức thành công Hội khỏe phù đổng cấp tỉnh năm 2016 và tham gia Hội khỏe Phù Đổng khu vực 2, đoàn Vĩnh Phúc xếp thứ 3 toàn đoàn.

Hoạt động các cơ quan báo chí, phát thanh truyền hình, xuất bản các ấn phẩm, trang thông tin điện tử đã bám sát định hướng tuyên truyền và làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền các chủ đề trọng tâm của đất nước và của tỉnh qua đó nâng cao khả năng tiếp cận thông tin và trình độ dân trí trong nhân dân./.

 

luat_sua_doi_ltk

Đang truy cập: 6
Trong ngày: 6
Trong tuần: 1493
Lượt truy cập: 1428894

Xin cho biết ý kiến của bạn về trang thông tin điện tử Cục Thống kê tỉnh Vĩnh Phúc?
Tốt
Khá
Trung bình
Kém

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỤC THỐNG KÊ TỈNH VĨNH PHÚCChung nhan Tin Nhiem Mang

Địa chỉ: Số 20

Lý Thái Tổ - Phường Đống Đa - Thành phố Vĩnh Yên - Tỉnh Vĩnh Phúc

Điện thoại: 0211 3 861 139, Fax: 0211 3 843 841Email: vinhphuc@gso.gov.vn, cuctk@vinhphuc.gov.vn