.::. Cung cấp thông tin đầy đủ, trung thực là trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, đơn vị sự nghiệp, hiệp hội, cơ sở hành chính, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng trên địa bàn .::. .............................................................................................................................................................................................................. ........................................  

File dữ liệu báo cáo (định dạng PDF)

Lời văn

Số liệu



I. PHÁT TRIỂN KINH TẾ

Triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2016, năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XVI; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 trong bối cảnh kinh tế - xã hội cả nước phải đối mặt với khó khăn, thách thức như: Giá dầu thô thế giới diễn biến phức tạp khó dự báo; chịu ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai, bão lũ, hạn hán, sự cố ô nhiễm môi trường biển;... Trong tỉnh, thời tiết diễn biến bất thường ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của nhân dân; sản lượng sản phẩm xe máy tiếp tục giảm... Song, ngay từ đầu năm UBND tỉnh đã ban hành nhiều giải pháp chỉ đạo, điều hành nhằm thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016; tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành rà soát các cơ chế, chính sách; tiến hành tổng kết các chương trình, đề án của tỉnh để điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp; chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho phát triển sản xuất kinh doanh; đồng thời xem xét, giải quyết trực tiếp tại cơ sở các vấn đề thực tiễn phát sinh trên các lĩnh vực... Do đó, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục ổn định và phát triển. Tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng khá so với năm 2015; thu ngân sách nhà nước vượt dự toán đề ra và tăng khá so với năm trước; các lĩnh vực văn hoá - xã hội tiếp tục được quan tâm, an sinh xã hội được đảm bảo, an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Kết quả cụ thể trên các lĩnh vực như sau:

1. Tăng trưởng kinh tế

Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) năm 2016 theo giá so sánh dự kiến đạt 65.203 tỷ đồng, tăng 8,56% so với năm 2015. Trong đó:

- Giá trị tăng thêm ngành nông, lâm nghiệp và thuỷ sản đạt 4.547 tỷ đồng, tăng 3,15% so với năm 2015, đóng góp vào tăng trưởng chung của tỉnh là 0,23 điểm %; riêng ngành nông nghiệp đạt 4.256,5 tỷ đồng, tăng 3,61%, đóng góp vào tăng trưởng chung của tỉnh là 0,25 điểm %. Trong nông nghiệp cơ cấu cây trồng có sự chuyển biến rõ nét, các giống lúa chất lượng tiếp tục được duy trì và mở rộng diện tích; các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao được phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của trận mưa lớn cuối tháng 5/2016 và cơn bão số 3 làm năng suất, sản lượng giảm so với năm 2015. Chăn nuôi có nhiều thuận lợi, quy mô tổng đàn có xu hướng tăng do giá bán ở mức có lãi tạo điều kiện cho người chăn nuôi tái đàn.

- Tổng giá trị tăng thêm ngành công nghiệp, xây dựng đạt 31.860 tỷ đồng, tăng 9,94% so với năm 2015, đóng góp vào tăng trưởng chung của tỉnh là 4,80 điểm %. Trong đó, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp đạt 29.773 tỷ đồng, tăng 9,49%, đóng góp vào tăng trưởng chung của tỉnh là 4,30 điểm %. Nhìn chung ngành công nghiệp của tỉnh tiếp tục xu hướng phục hồi và lấy lại đà tăng trưởng ở cả ba khu vực; sản lượng sản xuất của hầu hết các sản phẩm công nghiệp chủ yếu của tỉnh đều tăng; riêng sản phẩm xe máy tiếp tục giảm, ảnh hưởng đến tăng trưởng của khu vực FDI và ngành công nghiệp của tỉnh.

- Các ngành dịch vụ tiếp tục phát triển. Giá cả thị trường ổn định, mạng lưới và cơ sở hạ tầng các trung tâm thương mại, chợ và các cơ sở kinh doanh tiếp tục được mở rộng và ngày càng hoàn thiện; tiếp tục thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại... Tổng giá trị tăng thêm của các ngành dịch vụ đạt 12.420 tỷ đồng, tăng 6,26% so với năm 2015, đóng góp vào tăng trưởng chung của tỉnh là 1,19 điểm %. Thuế sản phẩm đạt 16.645 tỷ đồng, tăng 9,23% so với cùng kỳ, đóng góp vào mức tăng trưởng chung của tỉnh là 2,34 điểm %.

Cơ cấu kinh tế (cơ cấu giá trị tăng thêm) năm 2016 của tỉnh Vĩnh Phúc là: Khu vực I (Nông, lâm nghiệp và thủy sản) 10,41%; khu vực II (Công nghiệp - xây dựng) 61,97%; khu vực III (các ngành dịch vụ) 27,62%.

2. Thu chi ngân sách, tài chính tín dụng

Năm 2016, tỉnh đã tập trung chỉ đạo làm tốt công tác quản lý thu, chủ động rà soát từng khoản thu, kiểm tra, thanh tra việc hoàn thuế giá trị gia tăng bảo đảm đúng quy định, tăng cường biện pháp chống chuyển giá, xử lý nợ đọng, trốn thuế, kê khai không trung thực các khoản phải nộp NSNN, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm,… đồng thời khai thác tốt các nguồn thu. Dự kiến tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 29.231 tỷ đồng, tăng 12,98% so với năm 2015, trong đó thu nội địa đạt 25.852 tỷ đồng, tăng 14,78% so với năm 2015. Các khoản chi ngân sách được quản lý và thực hiện tiết kiệm triệt để, đáp ứng kịp thời nhiệm vụ chi của tỉnh. Tổng chi ngân sách dự kiến đạt 26.112 tỷ đồng, tăng 15,55% so với năm 2015, trong đó chi đầu tư phát triển chiếm 26,91% tổng chi ngân sách địa phương.

Dịch vụ tín dụng ngân hàng tiếp tục góp phần hỗ trợ tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Mặt bằng lãi suất huy động duy trì ổn định. Các biện pháp huy động vốn từ nguồn tiền tiết kiệm của dân cư, phát hành giấy tờ có giá, chứng chỉ hóa tiền gửi tiết kiệm, nguồn ngoại hối chuyển về nước, tiền gửi định chế tài chính, tiền gửi nhàn rỗi tạm thời của các doanh nghiệp... được các tổ chức tín dụng thực hiện hiệu quả. Dự kiến đến thời điểm 31/12/2016, nguồn vốn huy động trên địa bàn đạt 47.350 tỷ đồng, tăng 19,92% so với cuối năm 2015; dư nợ đạt 41.250 tỷ đồng, tăng 25,33% so với cuối năm 2015.

3. Đầu tư, xây dựng

a. Tình hình thực hiện vốn đầu tư

Năm 2016 là năm đầu tiên Luật đầu tư công trung hạn 5 năm 2016-2020 được tỉnh áp dụng thực hiện. Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục thực hiện việc tăng cường quản lý đầu tư về xây dựng cơ bản, như việc bố trí vốn đầu tư tập trung, khắc phục tình trạng phân tán, dàn trải, đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn đầu tư. Dự kiến cả năm 2016, tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn tỉnh thực hiện 24.886 tỷ đồng tăng 4,00% so với năm trước. Trong đó, vốn nhà nước 6.201 đồng, tăng 4,14%; vốn ngoài nhà nước 12.286 tỷ đồng tăng 3,21%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 6.368 tỷ đồng, tăng 5,42%.

b. Công tác xúc tiến và thu hút đầu tư

 Công tác xúc tiến và thu hút đầu tư được triển khai tích cực. Tỉnh đã xây dựng và hoàn thiện chương trình xúc tiến đầu tư năm 2016 báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư phê duyệt làm căn cứ triển khai thực hiện. Phê duyệt danh mục dự án kêu gọi đầu tư để phục vụ công tác xúc tiến và kêu gọi đầu tư của tỉnh. Tham dự Hội nghị hợp tác giữa các địa phương Việt Nam – Pháp lần thứ 10 với chủ đề “Hướng tới đối tác kinh tế hiệu quả và bền vững”. Đặc biệt, nhằm tăng cường quảng bá hình ảnh, đẩy mạnh thu hút đầu tư, xúc tiến các hoạt động thương mại, tỉnh đã tổ chức đoàn công tác đến thăm, làm việc tại 04 nước Châu Âu và 02 nước Châu Mỹ, qua đó kết nối được với các Tập đoàn, doanh nghiệp có nhu cầu đầu tư sang Việt Nam, giới thiệu đến tìm hiểu môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh Vĩnh Phúc, nhằm giúp tỉnh thu hút thêm nhiều dự án FDI, nhất là các dự án đến từ Hoa Kỳ.

Để tiếp tục quảng bá hình ảnh và môi trường đầu tư của tỉnh đến cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước, giúp các nhà đầu tư hiểu rõ hơn về chủ trương và quyết tâm đổi mới của tỉnh trong thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp, Vĩnh Phúc sẽ tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư với quy mô lớn nhất từ trước đến nay vào ngày 27/12/2012 tại Trung tâm hội nghị tỉnh. Hội nghị sẽ có sự tham gia của hơn 500 đại biểu là lãnh đạo Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương và địa phương; các tổ chức xúc tiến đầu tư và thương mại quốc tế; các ngân hàng trong nước và quốc tế; các địa phương của một số nước có kết nghĩa với tỉnh Vĩnh Phúc; các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước và đông đảo phóng viên báo chí trong nước và quốc tế. Đây là 1 trong những hoạt động chào mừng 20 năm tái lập tỉnh.  

 Năm 2016, toàn tỉnh có 80 dự án được quyết định chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đầu tư, trong đó có 50 dự án DDI với tổng vốn đầu tư đăng ký 8,93 nghìn tỷ đồng và 30 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 304 triệu USD. So với năm 2015, số lượng dự án thu hút được tăng, nhưng số vốn đăng ký đều giảm. Trong kỳ đã có thêm 55 dự án đi vào hoạt động gồm 35 dự án DDI và 20 dự án FDI.

c. Thu hút các dự án ODA

Năm 2016, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo quyết liệt công tác vận động các dự án ODA và vốn vay ưu đãi, trong đó đã làm việc trực tiếp và tham gia các diễn đàn, hội thảo,… về chính sách của nhà tài trợ cũng như chính sách của Chính phủ để huy động vốn đầu tư cho phát triển cơ sở hạ tầng của tỉnh. Hiện nay, tỉnh đang triển khai 07 dự án ODA gồm: 03 dự án chuyển tiếp, 01 dự án mới bắt đầu triển khai và 03 Dự án đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư. Dự kiến, năm 2016 giải ngân đạt 683 tỷ đồng, trong đó vốn đối ứng ước đạt 153 tỷ đạt 100% kế hoạch, vốn ODA ước đạt 550 tỷ đồng bằng 147% kế hoạch.

4. Tình hình phát triển doanh nghiệp.

Với quan điểm chính quyền luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, năm 2016 tỉnh đã tổ chức nhiều hội nghị đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn và đặc biệt kể từ tháng 10/2016 UBND tỉnh tổ chức gặp gỡ thường kỳ với các doanh nhân vào chiều thứ 6 hàng tuần. Ngoài ra, việc tổ chức thực hiện Nghị quyết 04-NQ/TU của Tỉnh ủy tiếp tục được triển khai bằng các hoạt động cụ thể như: công khai, minh bạch các thủ tục hành chính; đào tạo trợ giúp nguồn nhân lực; hỗ trợ nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa và đổi mới công nghệ; hỗ trợ xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường; hỗ trợ thương mại điện tử, thông tin quảng bá doanh nghiệp; mặt bằng sản xuất kinh doanh; chính sách tín dụng ưu đãi... Do vậy, nhìn chung tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn đã hồi phục mạnh hơn. Số doanh nghiệp được đăng ký thành lập mới tăng cao về số lượng và số vốn đăng ký so với năm 2015.

5. Sản xuất nông, lâm nghiệp, thuỷ sản

a. Sản xuất nông nghiệp

* Trồng trọt:

- Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm năm 2016 đạt 95.933 ha, giảm 0,94% so với năm trước. Nguyên nhân giảm do thời tiết diễn biến tương đối phức tạp, rét đậm, rét hại ở vụ đông, mưa lớn ở vụ xuân và vụ mùa đã làm nhiều diện tích lúa và hoa màu bị giảm năng suất, sản lượng; mặt khác chi phí nông nghiệp cao, đầu ra cho các sản phẩm không ổn định đã ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả sản xuất nông nghiệp của địa phương. Diện tích, năng suất, sản lượng một số cây trồng chính năm 2016 như sau: Lúa đạt 58.383 ha (giảm 0,07%), năng suất đạt 50,02 tạ/ha (giảm 10,45%), sản lượng đạt 292 ngàn tấn (giảm 10,51%) so với năm 2015; ngô đạt 16.008 ha (giảm 0,55%), năng suất đạt 42,73 tạ/ha (giảm 1,07%), sản lượng đạt 68.402 tấn (giảm 1,60%); diện tích đậu tương giảm 22,13%, năng suất tăng 2,02%, sản lượng giảm 20,60%; diện tích rau các loại tăng 0,83%, năng suất giảm 2,83%, sản lượng giảm 2,03% so với năm trước...

- Tổng diện tích các loại cây lâu năm hiện có 8.342 ha, tăng 0,40% so với năm 2015. Trong đó, diện tích cây ăn quả là 7.806 ha, chiếm 93,58% diện tích các loại cây lâu năm. Trong đó, thanh long 166 ha, tăng 3,23%; chuối 1.841 ha, tăng 1,32%; nhãn 772 ha,.. Cây ăn quả năm nay nhìn chung ổn định, một số diện tích cây trồng thoái hoá, kém chất lượng, năng suất thấp đã được trồng mới bổ sung thay thế bằng các loại cây khác hiệu quả hơn như: Dứa 486 ha, chanh 118 ha, bưởi 514 ha... Một số cây ăn quả giống mới sau thời gian trồng thử nghiệm đã bước đầu đem lại hiệu quả và trở thành cây trồng chính đem lại nguồn thu nhập ổn định cho bà con ở một số địa phương như cây na, thanh long ruột đỏ. Sản phẩm “Thanh long ruột đỏ huyện Lập Thạch” đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ số 239720, tại Quyết định số 7766/QĐ-SHTT ngày 20/02/2015. Việc cấp bằng chứng nhận nhãn hiệu thanh long ruột đỏ huyện Lập Thạch sẽ góp phần tạo dựng, giữ gìn uy tín, mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu sang thị trường nước ngoài, tạo ra giá trị tăng thêm cho sản phẩm, từ đó giúp người dân yên tâm đầu tư sản xuất (bước đầu đã xuất khẩu sang thị trường Malaysia với số lượng 1.000 kg).

* Chăn nuôi: Với sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp, các ngành, sự hỗ trợ bằng cơ chế, chính sách từ các chương trình, dự án của tỉnh và nỗ lực của người lao động nên sản xuất chăn nuôi năm 2016 trên địa bàn tỉnh có nhiều thuận lợi, giá bán các loại sản phẩm chăn nuôi tương đối ổn định và ở mức khá, mang lại lợi nhuận cho người chăn nuôi. Công tác phòng chống dịch bệnh được tích cực triển khai, kiểm soát tốt nên không xảy ra các dịch bệnh nguy hiểm trên đàn gia súc, gia cầm, do đó người chăn nuôi yên tâm sản xuất và tăng quy mô đàn nên sản xuất chăn nuôi phát triển mạnh, đã đóng góp quan trọng vào tốc độ phát triển của toàn ngành nông nghiệp. 

Kết quả điều tra chăn nuôi tại thời điểm 01/10/2016 như sau:

- Đàn trâu có 20.075 con, giảm 0,43% so với cùng thời điểm năm trước. Số lượng đàn trâu giảm là do cơ giới hóa trong nông nghiệp ngày càng nhiều nên đàn trâu nuôi lấy sức cày kéo giảm, nuôi trâu lấy thịt mang lại lợi nhuận chưa cao;

- Đàn bòcó 112.424 con, tăng 9,20%. Trong đó, số bò lai tăng 12,55%, số bò sữa 8.699 con, giảm 0,39%. Đàn bò sữa giữ ở mức ổn định;

- Đàn lợn (không tính lợn sữa) có 688.324 con, tăng 25,67%. Năm 2016 giá lợn hơi luôn ổn định ở mức khá cao mang lại lợi nhuận cho người chăn nuôi nên các hộ chăn nuôi lớn tích cực đầu tư mở rộng quy mô sản xuất. Hiện nay chăn nuôi dần đi vào sản xuất lớn, số lượng trang trại và gia trại chăn nuôi lợn đều tăng, nhiều trang trại đầu tư nuôi lợn nái và lợn nuôi thịt theo qui mô lớn;

- Tổng đàn gia cầm có 9.751 nghìn con, tăng 16,19% so với cùng thời điểm. Trong đó, đàn gà 8.404 nghìn con, tăng 16,80 %; vịt, ngan, ngỗng 1.347 nghìn con, tăng 12,40%. Số lượng đàn gia cầm tăng là do trong năm không có dịch bệnh lớn nào xảy ra, mặt khác giá các sản phẩm gia cầm trong năm luôn ở mức có lãi cho người chăn nuôi nên các hộ đã tích cực đầu tư, mở rộng quy mô.

b. Sản xuất lâm nghiệp:

Diện tích rừng trồng mới tập trung trên địa bàn tỉnh năm 2016 đạt 591 ha, giảm 8,12% so với năm trước. Trong đó, rừng sản xuất 558 ha, rừng đặc dụng 29 ha, rừng phòng hộ 3,8 ha. Diện tích rừng được chăm sóc là 462 ha, giảm 0,22% so với năm trước. Công tác bảo vệ rừng của tỉnh luôn được các đơn vị và các địa phương duy trì thường xuyên. Công tác phòng chống cháy rừng tuy đã được các ngành chức năng chỉ đạo tích cực, nguy cơ cháy rừng luôn được cảnh báo, song do thời tiết hanh khô ở những tháng đầu năm, giữa năm nắng nóng kéo dài nên từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh xảy ra 5 vụ cháy rừng, diện tích cháy 28,1 ha, so với năm trước tăng 2 vụ.

 c. Sản xuất thuỷ sản:

 Diện tích nuôi trồng năm 2016 đạt 6.844 ha, giảm 1,38% so với năm trước do một số ao hồ đầm đã hết hạn đấu thầu hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng; ngoài ra việc xây dựng các công trình công cộng, san lấp ao hồ cũng làm giảm diện tích nuôi trồng. Sản lượng thủy sản năm 2016 dự kiến đạt 19.312 tấn, giảm 2,26% so với năm trước. Trong đó, sản lượng nuôi trồng đạt 17.175 tấn, giảm 3,41%; sản lượng khai thác đạt 2.137 tấn, tăng 8,09% so với cùng kỳ.

6. Sản xuất công nghiệp

a. Chỉ số sản xuất và sản phẩm công nghiệp

Chỉ số sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh năm 2016 tăng 6,56% so với năm 2015. Trong đó, ngành công nghiệp khai khoáng tăng 1,14%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,64%; ngành công nghiệp sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước tăng 12,51%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải giảm 5,10% so với năm trước.

Một số ngành có mức tăng trưởng tương đối cao so với năm trước như: Ngành sản xuất sản phẩm điện tử tăng 26,75%, đây là ngành có mức tăng cao nhất về quy mô. Sự phát triển của công nghệ thông tin trong những năm gần đây cùng với những chính sách ưu đãi đầu tư đặc biệt đã thu hút một số lượng lớn doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này góp phần đem lại giá trị cao cho toàn ngành; ngành sản xuất xe có động cơ tăng 18,88%, do nhu cầu sử dụng ô tô của người dân tăng lên, cùng với việc các nhà sản xuất liên tục đưa ra thị trường các mẫu xe phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng và giá cả hợp lý đã làm cho sản phẩm của ngành có mức tiêu thụ tốt trong năm, góp phần tăng giá trị sản xuất công nghiệp cho toàn ngành; ngành sản xuất trang phục tăng 14,52% so năm trước. Các doanh nghiệp trong ngành luôn cập nhật xu hướng thời trang trong khu vực cũng như trên thế giới, đáp ứng kịp thời những đơn đặt hàng trong và ngoài nước. Đồng thời với những chính sách thu hút đầu tư của tỉnh một số doanh nghiệp mới tiếp tục đầu tư vào lĩnh vực này, tạo ra giá trị sản xuất của ngành ngày càng tăng.

Bốn ngành công nghiệp có chỉ số giảm so với năm trước là: ngành sản xuất chế biến thực phẩm giảm 1,25%; ngành dệt giảm 0,05%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và sử lý rác thải giảm 5,10%; ngành sản xuất phương tiện vận tải giảm 3,57%. Thực tế hiện nay, thị trường tiêu thụ xe máy đang ở mức bão hòa, số xe máy trên đầu người đã ở mức cao, nhu cầu mua sắm xe máy giảm làm cho sản lượng sản xuất giảm; kéo theo sản lượng của các doanh nghiệp tham gia công nghiệp phụ trợ như sản xuất phụ tùng xe máy bị sụt giảm đáng kể. Các ngành công nghiệp còn lại hoạt động ổn định và phát triển.

Dự kiến năm 2016, các đơn vị sản xuất công nghiệp trên địa bàn sản xuất được: 190.481 tấn thức ăn gia súc, tăng 0,22%; 58.920 ngàn quần các loại, tăng 14,52%; 78.864 ngàn m2 gạch ốp lát, tăng 0,33%; 1.026 triệu viên gạch xây dựng bằng đất sét, tăng 5,58%; doanh thu linh kiện điện tử 22.614 tỷ đồng, tăng 29,17%; 62.666 xe ô tô các loại, tăng 18,88%; 1.952 nghìn xe máy các loại, giảm 3,57%; điện thương phẩm đạt 2.155 triệu kwh, tăng 12,51%; nước thương phẩm đạt 14.645 ngàn m­3, tăng 6,09% so với năm 2015...

b. Chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp công nghiệp

Chỉ số sử dụng lao động trong các doanh nghiệp công nghiệp trên địa bàn tỉnh tại thời điểm 01/12/2016 tăng 0,16% so với tháng trước và tăng 6,64% so với cùng kỳ năm trước; dự kiến cả năm 2016 tăng 4,79%. Theo ngành công nghiệp cấp I, ngoài ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có chỉ số sử dụng lao động trong tháng tăng 5,18% so với cùng kỳ năm trước, các ngành còn đều giảm. Theo thành phần kinh tế, doanh nghiệp nhà nước giảm 2,42%; doanh nghiệp ngoài nhà nước giảm 0,56%; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 6,30% so năm 2015.

7. Hoạt động thương mại và dịch vụ

Dịch vụ kinh doanh thương mại diễn ra sôi động, hàng hóa trên thị trường phong phú, đa dạng đáp ứng tốt nhu cầu cho sản xuất và tiêu dùng của nhân dân. Hệ thống cơ sở hạ tầng chợ, trung tâm thương mại, cửa hàng kinh doanh được đầu tư, mở rộng. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước  35.080 tỷ đồng, tăng 8,88% so với năm 2015. Trong đó: kinh tế nhà nư­ớc thực hiện đạt 245 tỷ đồng, tăng 7,98%; kinh tế tập thể đạt 46 tỷ đồng tăng 14,47%; kinh tế cá thể 19.798 tỷ đồng, tăng 9,69%; kinh tế tư nhân 12.298 tỷ đồng, tăng 10,79%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài 2.693 tỷ đồng, bằng 96,09% so với năm 2015. Phân theo nhóm ngành kinh tế, trong  năm ngành thương nghiệp bán lẻ thực hiện 30.279 tỷ đồng, tăng 9,15% so với cùng kỳ; kinh doanh dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch 3.078 tỷ, tăng 9,61% và các ngành dịch vụ phục vụ tiêu dùng khác thực hiện 1.723 tỷ, tăng 3,13% so cùng kỳ.

Dự kiến năm 2016, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 1.771 triệu USD, tăng 11,17% so năm trước. Trong đó, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 1.705 triệu USD, tăng 10,23 %; kinh tế trong nước 66 triệu USD, tăng 42,52%. Hàng  xuất khẩu trong năm chủ yếu là các mặt hàng: Phương tiện vận tải và phụ tùng 574 triệu USD, tăng 23,80%; hàng điện tử và linh kiện 748 triệu USD, tăng 19,52%; hàng dệt may 269 triệu USD, bằng 88,12% so cùng kỳ năm 2015... Tổng kim ngạch nhập khẩu năm 2016 đạt 2.557 triệu USD, tăng 9,98% so với năm trư­ớc. Trong đó, kinh tế trong nước ước đạt 156 triệu USD, tăng 26,69%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài 2.401 triệu USD, tăng 9,04% so năm trước, chiếm 93,90% trong tổng giá trị hàng nhập khẩu. Hàng nhập khẩu chủ yếu trong năm là các nguyên vật liệu để gia công sản xuất như: Hàng điện tử và linh kiện 690 triệu USD, tăng 22,36%; ô tô các loại (bao gồm cả linh kiện đồng bộ) 968 triệu USD, tăng 10,76%; vải các loại 127 triệu USD, bằng 93,97% so cùng kỳ năm trước...

Kinh doanh vận tải đáp ứng tốt nhu cầu cho các hoạt động sản xuất và đi lại của nhân dân. Tổng khối l­ượng hàng hoá vận chuyển trên địa bàn tỉnh năm 2016 dự kiến đạt 27.086 ngàn tấn, luân chuyển 1.839 triệu tấn.km, tăng 4,32% về tấn và tăng 4,23% về tấn.km so với năm 2015. Khối l­ượng hành khách vận chuyển năm 2016 đạt 23.479 ngàn người, luân chuyển 1.779 triệu người.km, tăng 4,09% về người và tăng 4,07% về người.km so với năm  2015. Tổng doanh thu vận tải dự kiến đạt 3.292 tỷ đồng, tăng 7,03% so cùng kỳ, trong đó vận tải đường bộ đạt 2.794 tỷ đồng, tăng 4,66%, vận tải đường sông đạt 498 tỷ đồng, tăng 22,58% so với cùng kỳ.

II. MỘT SỐ VẤN ĐỀ XÃ HỘI

1. Lao động, việc làm

Hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm và xuất khẩu lao động tiếp tục được UBND tỉnh tập trung chỉ đạo. Tính đến 15/12/2016, Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh đã tổ chức 41 phiên giao dịch việc làm, tuyển được 2.137 lao động. Năm 2016, toàn tỉnh giải quyết việc làm cho 24.808 lao động, vượt 7,86% so với kế hoạch đề ra. Trong đó, lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản 4.664 lao động, công nghiệp và xây dựng 11.569 lao động, dịch vụ 6.606 lao động, xuất khẩu 1.969 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Đã giải quyết cho 2.253 hộ gia đình và người lao động vay vốn giải quyết việc làm tại chỗ với số tiền là 69,9 tỷ đồng, 187 người được vay vốn xuất khẩu lao động với số tiền trên 10,3 tỷ đồng.

Công tác dạy nghề tiếp tục được quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị thực hành. Chất lượng dạy và học tiếp tục được nâng cao, trong năm 2016 đã tổ chức các kỳ thi tay nghề với 116 thí sinh đến từ 12 cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh, các thí sinh dự thi ở 12 nhóm nghề: Công nghệ ô tô, hàn, thiết kế kỹ thuật cơ khí... Kết thúc hội thi đã có 11 thí sinh đạt giải Nhất, 17 thí sinh đạt giải Nhì, 33 thí sinh giải Ba và 30 thí sinh đạt giải Khuyến khích; tổ chức Hội thi Thiết bị tự làm tỉnh Vĩnh Phúc; tham dự hội thi tay nghề quốc gia, kết quả có 12 học sinh đạt giải, trong đó 01 giải nhất, 01giải nhì, 02 giải ba và 08 giải khuyến khích... Các hoạt động trên đã tạo ra sân chơi lành mạnh, bổ ích để học sinh, sinh viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của tỉnh giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao trình độ tay nghề phát hiện và tôn vinh lực lượng lao động trẻ có kỹ thuật, phát triển thế hệ công nhân mới có tay nghề cao trực tiếp tham gia sản xuất, kinh doanh, góp phần tăng năng suất lao động và nâng cao chất lượng sản phẩm. Đồng thời khuyến khích niềm say mê nghiên cứu khoa học, phát huy tiềm năng trí tuệ, sự sáng tạo để tạo ra các thiết bị có tính ứng dụng hiệu quả vào thực tiễn.

2. Công tác an sinh xã hội

Chế độ, chính sách cho các đối tượng chính sách, gia đình khó khăn được các cấp, các ngành quan tâm chăm lo và thực hiện nghiêm theo quy định. Tỉnh đã tổ chức thực hiện tốt việc thăm hỏi và tặng quà của Chủ tịch nước và của tỉnh tới đối tượng chính sách là người có công, thăm và tặng quà các đơn vị trực tết và bệnh nhân mắc bệnh nặng không về nhà ăn tết Nguyên đán. Công tác đền ơn đáp nghĩa tiếp tục được thực hiện tốt.

Hoạt động bảo trợ xã hội và giảm nghèo được đặc biệt chú trọng. Phê duyệt kết quả tổng điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016-2020. Năm 2016, ước tỷ lệ hộ nghèo còn 3,89% giảm 1,07% so với năm 2015.

Công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em tiếp tục được quan tâm. Tỉnh đã phát động Tháng hành động vì trẻ em năm 2016, với chủ đề  “Vì cuộc sống an toàn, phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em”, với nhiều hành động thiết thực.

Công tác Bảo hiểm tiếp tục được được quan tâm thực hiện theo Chương trình hành động số 49-CTr/TU của Tỉnh ủy. Chế độ chính sách BHXH, BHYT được giải quyết kịp thời, đúng định mức, đúng đối tượng thụ hưởng. Ước thực hiện năm 2016, tỷ lệ người tham gia BHYT, BHXH, BH tự nguyện chiếm 76,5% dân số, tăng 5,1% so với năm 2015.

3. Giáo dục, đào tạo

Hoạt động giáo dục và đào tạo được quan tâm, thực hiện quyết liệt và sâu rộng theo Nghị quyết của Trung ương và Chương trình hành động của Tỉnh ủy về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Trong năm 2016, ngành giáo dục đã tổ chức nhiều lớp tập huấn, bồi dưỡng về chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ như dạy học các chủ đề tích hợp liên môn, kỹ năng sống, kỹ năng xây dựng mô hình học tập,... cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong ngành. Thực hiện tốt công tác tuyển sinh và khai giảng năm học mới 2016-2017. Đầu tư cơ sở vật chất trường học từng bước được điều chỉnh giữa các cấp học cho phù hợp với nhu cầu thực tế, nhất là đối với bậc học mầm non; công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia được đẩy nhanh tiến độ gắn với yêu cầu chuẩn chất lượng và từng bước chất lượng cao.

Chất lượng giáo dục cả đại trà và mũi nhọn tiếp tục được giữ vững. Năm học 2015-2016, công tác phổ cập giáo dục được củng cố và duy trì, chất lượng phổ cập mẫu giáo cho trẻ mầm non 5 tuổi, phổ cập tiểu học và phổ cập THCS tiếp tục được giữ vững, nhiều chỉ số chung toàn tỉnh vượt các tiêu chí phổ cập của Bộ. Kết quả thi THPT quốc gia năm 2016, Vĩnh Phúc là một trong 8 tỉnh có điểm bình quân các môn cao nhất cả nước; chất lượng giáo dục mũi nhọn của tỉnh tiếp tục đạt được ở mức cao, mở rộng ở nhiều đối tượng học sinh, nhiều hoạt động giáo dục, năm học 2015-2016, Vĩnh Phúc tiếp tục có mặt tại các sân chơi trí tuệ cấp quốc gia, các cuộc thi Olympic Quốc tế và khu vực, đặc biệt có 1 giải nhất cuộc thi hùng biện tiếng Anh quốc tế EF - Challenge trở thành đại diện duy nhất của Việt Nam tham dự diễn đàn lãnh đạo trẻ toàn cầu tại Mỹ; 1 huy chương đồng kỳ thi Olympic tin học Châu Á; 1 huy chương vàng Olympic toán quốc gia Singapo và có 1 sản phẩm tham dự cuộc thi quốc tế “Nuôi tinh thể - thắp sáng ước mơ Việt Nam 2016” tại Vương quốc Bỉ đoạt giải 3.

4. Công tác y tế và chăm sóc sức khoẻ cộng đồng

UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành y tế chủ động theo dõi, giám sát thường xuyên các bệnh dịch nhằm phát hiện các trường hợp mắc bệnh sớm nhất, tổ chức cách ly và điều trị kịp thời cho người bệnh; tăng cường hoạt động hỗ trợ chuyên môn và phương pháp nghiệp vụ cho các Trung tâm Y tế tuyến huyện; nhấn mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân các biện pháp phòng, chống bệnh dịch, vận động nhân dân chủ động tiêm phòng các loại vắc xin phòng bệnh, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm. Do đó, trên địa bàn tỉnh không có dịch bệnh xảy ra, chỉ có một số ca bệnh cúm, tiêu chảy, tay chân miệng, sởi, sốt xuất huyết xuất hiện rải rác.

Các chương trình mục tiêu như tiêm chủng mở rộng, chương trình sức khỏe sinh sản, phòng chống suy dinh dưỡng, chương trình phòng chống các bệnh lây nhiễm, các bệnh không lây, bảo vệ sức khỏe tâm thần cộng đồng, y tế học đường, chương trình dân số kế hoạch hóa gia đình, phòng chống HIV tiếp tục được duy trì, triển khai có hiệu quả.

Công tác vệ sinh an toàn thực phẩm được tăng cường, lực lượng chức năng đã tiến hành thanh, kiểm tra 3.773 lượt cơ sở, trong đó tỷ lệ cơ sở đạt tiêu chuẩn chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm chiếm 83,1%; xử lý các cơ sở vi phạm theo đúng quy định. Tuy nhiên, trong năm 2016 trên địa bàn tỉnh còn xảy ra 03 vụ ngộ độc thực phẩm, không có trường hợp nào tử vong (giảm 01 vụ so với năm 2015 nhưng số người mắc tăng 82 người).

5. Hoạt động văn hoá, thể thao

Năm 2016, nhiều hoạt động văn hoá nghệ thuật diễn ra sôi nổi, đa dạng nhằm chào mừng các ngày lễ của đất nước, của tỉnh như: các hoạt động tuyên truyền, cổ động phục vụ cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội khoá XIV và bầu cử Đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021; các hoạt động chào mừng và đón nhận bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt đối với Khu di tích- danh thắng Tây Thiên- Tam Đảo và Di tích Kiến trúc nghệ thuật tháp Bình Sơn- Sông Lô; tổ chức triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý”; kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh.

Chào mừng 20 năm tái lập tỉnh Phúc (01/01/1997 - 01/01/2017), nhiều hoạt động văn hoá nghệ thuật và thể thao đã và sẽ được tổ chức sâu rộng trên địa bàn như: tổ chức trưng bày Triển lãm những thành tựu văn hoá - xã hội của tỉnh tại Trung tâm văn hóa tỉnh; Triển lãm tranh cổ động với 100 tấm lớn tại Quảng trường Hồ Chí Minh; tuyên truyền các cụm băng rôn, pa nô, khẩu hiệu tại các tuyến đường trung tâm của tỉnh và các tuyến đường lớn; phối hợp với các Phòng Văn hóa - Thể Thao, Trung tâm Văn hoá các huyện, thành, thị tổ chức tuyên truyền lưu động; tổ chức Hội diễn ca múa nhạc không chuyên trên địa bàn tỉnh; tổ chức Festival sáng tạo trẻ toàn quốc lần thứ IX; Tổ chức chương trình Giải bóng đá và Hội trại thanh niên với chủ đề “Vĩnh Phúc, 20 năm xây dựng và phát triển”. Lễ kỷ niệm 20 năm ngày tái lập tỉnh Vĩnh Phúc sẽ diễn ra vào ngày 28/12/2016 tại khu vực trước Nhà hát tỉnh và được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1 Đài Truyền hình Việt Nam.

6. Tình hình giao thông

Theo báo cáo của Ban An toàn giao thông tỉnh, tính đến ngày 15/12/2016, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 45 vụ tai nạn giao thông, làm 37 người chết và 66 người bị thương. So với cùng kỳ năm trước, số vụ tai nạn giao thông giảm 02 vụ, số người bị thương tăng 45 người.

Trong năm 2016 Công an tỉnh đã tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, kiểm soát an toàn giao thông, tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm. Để đảm bảo tình hình trật tự an toàn giao thông trên địa bàn toàn tỉnh, nhất là trước khi bước vào dịp tết Dương lịch và Tết nguyên đán 2017, Công an tỉnh triển khai đợt cao điểm về trật tự an toàn giao thông cuối năm 2016, lực lượng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh và Công an các huyện, thành phố, thị xã đồng loạt ra quân tăng cường kiểm tra, kiểm soát khép kín địa bàn nhằm phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm, khảo sát những điểm phức tạp về trật tự an toàn giao thông để tham mưu giải tỏa, xử lý; thực hiện nghiêm túc việc thông báo người vi phạm trật tự an toàn giao thông đến các cơ quan, trường học, nơi cư trú.

7. Thiệt hại do thiên tai

Trong năm, tình hình thời tiết có những diễn biến bất thường, xảy ra một số ngày rét đậm, rét hại, mưa bão và sét đã làm 02 người chết, 06 người bị thương, gây ảnh hưởng đến hơn 8.967 ha lúa, hơn 1.779 ha hoa màu... Các cơ quan chức năng đã tiến hành trợ giúp gia đình có người bị chết, bị thương và đánh giá mức độ thiệt hại về sản xuất để có biện pháp hỗ trợ kịp thời cho người dân.

8. Tình hình cháy, nổ và bảo vệ môi trường

Trong tháng Mười hai, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 05 vụ cháy, trong đó có 02 vụ cháy nhà, 02 vụ cháy rừng và 01 vụ cháy máy xúc. Cả 05 vụ cháy đều không gây thiệt hại về người. Ước tính thiệt hại 2,3 tỷ đồng. Tính từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 37 vụ cháy, thiệt hại khoảng 7,8 tỷ đồng./.

 

luat_sua_doi_ltk

Đang truy cập: 6
Trong ngày: 12
Trong tuần: 1495
Lượt truy cập: 1428902

Xin cho biết ý kiến của bạn về trang thông tin điện tử Cục Thống kê tỉnh Vĩnh Phúc?
Tốt
Khá
Trung bình
Kém

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỤC THỐNG KÊ TỈNH VĨNH PHÚCChung nhan Tin Nhiem Mang

Địa chỉ: Số 20

Lý Thái Tổ - Phường Đống Đa - Thành phố Vĩnh Yên - Tỉnh Vĩnh Phúc

Điện thoại: 0211 3 861 139, Fax: 0211 3 843 841Email: vinhphuc@gso.gov.vn, cuctk@vinhphuc.gov.vn