.::. Cung cấp thông tin đầy đủ, trung thực là trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, đơn vị sự nghiệp, hiệp hội, cơ sở hành chính, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng trên địa bàn .::. .............................................................................................................................................................................................................. ........................................  

 

File dữ liệu báo cáo (định dạng PDF)

Lời văn

Số liệu

 

1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản

a) Nông nghiệp

- Trồng trọt: Theo số liệu sơ bộ, tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm vụ đông xuân năm 2017 đạt 60.458 ha, giảm 3,57% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, diện tích lúa đạt 31.321 ha, tăng 0,35% so với cùng kỳ; ngô 12.986 ha, giảm 9,28%; đậu tương 1.332 ha, giảm 24,24%; lạc 1.986 ha, giảm 11,66%; rau các loại 7.143 ha, giảm 0,59% so với cùng kỳ... Hiện nay, phần lớn diện tích lúa đang trong thời kỳ trỗ và vào hạt; một số diện tích lúa xuân sớm ở các huyện Tam Dương, Tam Đảo, Lập Thạch, Bình Xuyên đã chín đang đi vào thu hoạch.

Thời tiết vụ đông xuân năm nay tương đối thuận lợi, tình hình sâu bệnh hại được kiểm soát, phòng trừ kịp thời nên cho cây trồng phát triển khá tốt. Nếu từ nay đến kết thúc thu hoạch, thời tiết không có diễn biến bất thường, dự kiến năng suất, sản lượng một số cây trồng chủ yếu vụ đông xuân như sau: năng suất lúa đạt 59,35 tạ/ha, tăng 1,38%, sản lượng đạt 185.892 tấn, tăng 1,74% so với cùng kỳ; ngô đạt 44,10 tạ/ha, tăng 2,20%, sản lượng đạt 57.264 tấn, giảm 7,29%; đậu tương đạt 19,97 tạ/ha, tăng 5,61%, sản lượng đạt 2.660 tấn, giảm 19,99%; rau các loại đạt 217,48 tạ/ha, tăng 5,18%, sản lượng đạt 155.344 tấn, tăng 4,56% so với cùng kỳ năm 2016...

- Chăn nuôi: Tình hình sản xuất chăn nuôi trên địa bàn tỉnh nhìn chung được duy trì tương đối ổn định. Nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ tái cơ cấu ngành nông nghiệp được thực hiện đã tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy cho sản xuất chăn nuôi phát triển. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi thì chăn nuôi lợn thời gian gần đây đang gặp phải những khó khăn do giá lợn hơi xuống quá thấp (từ 20.000 đ/kg-22.000đ/kg) và chưa có dấu hiệu hồi phục đã gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi. Nhằm giảm thiểu khó khăn cho người chăn nuôi lợn, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan và các địa phương đưa ra một số giải pháp cấp bách, thống nhất tổ chức thực hiện hỗ trợ ổn định phát triển đàn lợn. Theo đó, từ ngày 05/5/2017 Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã mở một số quầy bán thịt lợn an toàn, bình ổn giá tại Thành phố Vĩnh Yên và một số huyện, với giá thịt hơi mua vào cao hơn và giá bán thịt giảm hơn giá thị trường theo từng ngày tối thiểu là 20%; Sở Công thương đã đề xuất với UBND tỉnh giải pháp bình ổn thị trường thị lợn và hỗ trợ khó khăn trong chăn nuôi thịt lợn trên địa bàn tỉnh. Trong đó, đề nghị UBND tỉnh xem xét trích từ nguồn dự trữ tài chính của tỉnh để hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh thịt lợn tổ chức các điểm bán hàng bình ổn giá thịt lợn tại các chợ trên địa bàn tỉnh, đồng thời hỗ trợ cho các hộ chăn nuôi lợn tiếp tục duy trì số đàn lợn đến khi xuất chuồng…

Để chủ động phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở gia súc, gia cầm, bảo vệ sản xuất chăn nuôi, đến nay các địa phương trong tỉnh đã hoàn thành việc tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm và phun thuốc khử trừng tiêu độc chuồng trại, môi trường chăn nuôi đợt I năm 2017. Công tác kiểm tra, giám sát ngăn chặn buôn bán, vận chuyển gia súc, gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm không qua kiểm dịch của cơ quan chức năng được tăng cường và thực hiện nghiêm túc.

b) Lâm nghiệp

Đến nay, diện tích rừng trồng mới tập trung trên địa bàn tỉnh trồng được 284,9 ha, tăng 37,8 ha so với cùng kỳ, trong đó phần lớn là rừng sản xuất; số cây lâm nghiệp trồng phân tán là 576,9 nghìn cây, chủ yếu là cây bóng mát, cây ăn quả và một số cây lâm nghiệp khác. Thời điểm này, ở các đơn vị sản xuất lâm nghiệp cùng với các địa phương đang tập trung chủ yếu trong công tác bảo vệ, chăm sóc, nuôi dưỡng rừng theo kế hoạch và tiếp tục thực hiện chăm sóc cây giống để cung cấp cho thị trường. Ngoài ra, Trung tâm sản xuất Lâm nghiệp Đông Bắc Bộ còn cải tạo, khoanh nuôi tái sinh rừng cho hơn 10 ha.

Công tác phòng chống cháy rừng tiếp tục được tăng cường, lực lượng kiểm lâm thường xuyên phối hợp với chủ rừng thực hiện việc tuyên truyền bảo vệ rừng nên cho đến nay trên địa bàn tỉnh chưa xảy ra vụ cháy rừng nào.

c) Thuỷ sản

Sản xuất thuỷ sản trong tháng ổn định. Diện tích nuôi cá dự kiến đến hết tháng Năm đạt 5.261 ha, giảm 1,20% so với cùng kỳ, diện tích nuôi thủy sản khác là 2,6 ha. Phần lớn diện tích nuôi trồng thuỷ sản là nuôi bán thâm canh và quảng canh cải tiến với hình thức nuôi hỗn hợp, đã có nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật được ứng dụng vào sản xuất thủy sản nhằm tăng năng suất, sản lượng nuôi trồng.

Dự kiến tổng sản lượng thủy sản tháng Năm đạt 1.894 tấn, tăng 1,82% so với cùng kỳ; tính chung năm tháng đầu năm sản lượng thủy sản đạt 7.791 tấn, tăng 0,19% so với năm tháng đầu năm 2016. Hiện nay đang vào vụ nuôi trồng mới nên nhu cầu con giống cho sản xuất tăng cao. Các hộ và cơ sở sản xuất giống lớn của tỉnh đã đảm bảo đủ nguồn giống để cung cấp cho bà con nuôi trồng trong và ngoài tỉnh.

2. Sản xuất công nghiệp

Chỉ số sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh tháng Năm tăng 2,03% so với tháng trước và tăng 3,50% so với cùng kỳ. Chia theo ngành kinh tế cấp I, các ngành tăng, giảm tương ứng so với tháng trước và cùng kỳ như sau: ngành công nghiệp khai khoáng tăng 11,66% và tăng 2,89%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 2,00% và tăng 3,57%; ngành sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hoà không khí tăng 2,00% và tăng 2,71 %; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải tăng 2,75% và giảm 4,72%.

Tính chung năm tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp 2,51% so với cùng kỳ năm 2016. Có 3/10 ngành công nghiệp chủ yếu của tỉnh có chỉ số sản xuất giảm là: Ngành sản xuất chế biến thực phẩm giảm 5,05% do giá lợn hơi vẫn giảm sâu; ngành sản xuất xe có động cơ giảm 6,06% do doanh nghiệp sản xuất ô tô giảm sản lượng sản xuất và tăng nhập khẩu xe nguyên chiếc; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải 6,84%. Chỉ số sản xuất của các ngành công nghiệp còn lại hầu hết đề tăng so với cùng kỳ, trong đó ngành sản xuất sản phẩm điện tử tiếp tục tăng 21,56% so với năm tháng đầu năm 2016, đóng góp tích cực vào tăng trưởng của ngành công nghiệp cũng như tăng trưởng chung của tỉnh. 

Dự kiến trong tháng Năm, các doanh nghiệp công nghiệp trên địa bàn tỉnh sản xuất được 12.769 tấn  thức ăn gia súc, tăng 1,44% so với tháng trước; 4.871 ngàn quần áo các loại, tăng 5,80%; 6.899 ngàn m2 gạch ốp lát, tăng 4,48%; 98.422 ngàn viên gạch xây dựng bằng đất sét, tăng 2,98%; 4.105 xe ô tô các loại, tăng 0,91%; 167.126 xe máy các loại, tăng 2,03%; 189 triệu kw.h điện thương phẩm, tăng 2,00%; 1.220 ngàn m­3 nước máy thương phẩm, tăng 1,75%.

Tính chung năm tháng đầu năm, các doanh nghiệp công nghiệp trên địa bàn tỉnh sản xuất được 67.675 tấn  thức ăn gia súc, giảm 4,05% so với cùng kỳ; 24.363 ngàn quần áo các loại, tăng 4,06%; 31.697 ngàn m2 gạch ốp lát, tăng 0,29%; 456.592 ngàn viên gạch xây dựng bằng đất sét, tăng 7,76%; 21.562 xe ô tô các loại, giảm 6,06%; 762.390 xe máy các loại, tăng 1,77%; 893 triệu kw.h điện thương phẩm, tăng 8,58%; 6.048 ngàn m­3 nước máy thương phẩm, tăng 3,88% so với cùng kỳ.

3. Đầu tư, xây dựng

Trong tháng  Năm, các công trình, dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh tiếp tục được các chủ đầu tư quan tâm và đẩy nhanh tiến độ; công tác giải phóng mặt bằng được tăng cường tạo thuận lợi cho các dự án thi công. Vì vậy, tổng vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý trong tháng được duy trì và đảm bảo.

Dự kiến, tổng vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý tháng Năm đạt 450,76 tỷ đồng, tăng 6,63% so với tháng trước. Trong đó, thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh là 335,92 tỷ đồng, tăng 14,75%; vốn ngân sách cấp huyện là 89,44 tỷ đồng, giảm 11,68%; vốn ngân sách cấp xã là 25,39 tỷ đồng, giảm 11,44% so với tháng trước. Tính chung năm tháng đầu năm, tổng vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý đạt 2.101 tỷ đồng, tăng 30,07% so với cùng kỳ năm 2016.

4. Thương mại, vận tải

a) Bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng

Tình hình kinh doanh thương mại và dịch vụ trên địa bàn tỉnh trong tháng ổn định, kết quả lưu chuyển hàng hóa và dịch vụ đáp ứng đủ nhu cầu cho sản xuất và tiêu dùng của dân cư. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng Năm dự kiến đạt 3.343 tỷ đồng, tăng 5,89% so với tháng trước và tăng 12,02% so với cùng kỳ. Trong đó, khu vực kinh tế cá thể tăng 11,26%, khu vực kinh tế tư nhân tăng 14,06%, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tăng 2,91% so với cùng kỳ năm trước. Trong tháng, nhóm ngành hàng kinh doanh gỗ và vật liệu xây dựng; xăng dầu các loại; hàng hóa khác tiếp tục có chiều hướng tăng khá.

Tính chung năm tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ đạt 15.876 tỷ đổng, tăng 8,41% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, khu vực kinh tế cá thể đạt 8.394 tỷ đồng, tăng 7,58%; khu vực kinh tế tư nhân 6.353 tỷ đồng, tăng 10,59%; khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài 1.007 tỷ đồng, tăng 2,06% so với cùng kỳ. Chia theo nhóm ngành kinh tế, ngành thương nghiệp thực hiện 13.809 tỷ đồng, tăng 8,47%; lưu trú, ăn uống và du lịch 1.344 tỷ đồng, tăng 8,14%; các ngành dịch vụ còn lại đạt 724 tỷ đồng, tăng 7,70% so với cùng kỳ.

b) Vận tải hành khách và hàng hoá

 Khối lượng hàng hóa vận chuyển trên địa bàn tỉnh tháng Năm dự kiến đạt 2.357 ngàn tấn, luân chuyển đạt 171.258 ngàn tấn.km. So với tháng trước, tăng 1,71% về tấn và tăng 1,96% về tấn.km; so cùng kỳ năm trước, tăng 10,06% về tấn và tăng 12,41% về tấn.km. Tính chung 5 tháng đầu năm, khối lượng hàng hóa vận chuyển đạt 11.456 ngàn tấn, luân chuyển 848.684 ngàn tấn.km, tăng 1,11% về tấn và tăng 4,30% về tấn.km so cùng kỳ.

Hoạt động vận tải đã đáp ứng tốt nhu cầu vận chuyển hàng hóa và đi lại của nhân dân. Dự tính khối lượng hành khách vận chuyển trong tháng đạt 2.142 ngàn người, luân chuyển 142.734 ngàn người.km. So với tháng trước, tăng 0,46% về người và tăng 0,56% về người.km; so với  cùng kỳ năm trước tăng 5,75% về người và tăng 5,86 về người.km. Tính chung 5 tháng đầu năm, vận chuyển đạt 11.331 ngàn người, luân chuyển 720.008 ngàn người.km, tăng 4,64% về người và tăng 2,01% về người.km so cùng kỳ.

Tổng doanh thu vận tải tháng Năm đạt 301 tỷ đồng, tăng 2,73% so với tháng trước và tăng 13,37% so cùng kỳ. Trong đó, vận tải hành khách là 73 tỷ đồng, tăng 10,75%; vận tải hàng hóa 224 tỷ đồng, tăng 13,49% so cùng kỳ. Tính chung 5 tháng đầu năm, tổng doanh thu vận tải đạt 1.476 tỷ đồng, tăng 8,69% so với cùng kỳ.

5. Một số vấn đề xã hội

a) Về y tế:

Hiện nay, dịch sốt xuất huyết đã xảy ra ở một số địa phương trong cả nước. Để ngăn chặn, phòng ngừa sự bùng phát, lây lan của dịch sốt xuất huyết, đặc biệt là thời điểm hiện tại, khi đã bắt đầu mùa mưa, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống sốt xuất huyết, đặc biệt là tại các khu vực nguy cơ cao bùng phát dịch; chỉ đạo các Trung tâm Y tế tuyến huyện, các trạm y tế cấp xã thực hiện định kỳ theo đúng kế hoạch các hoạt động diệt bọ gậy, loăng quăng, vệ sinh môi trường, phun hóa chất diệt muỗi chủ động; tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ tuyến huyện, xã, người phun hoá chất và đội ngũ cộng tác viên.

Nhằm góp phần vào việc bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân, thời gian qua, các ngành chức năng đã quyết liệt vào cuộc xử lý triệt để các cơ sở, đối tượng vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm; khuyến khích các cơ sở sản xuất, kinh doanh chân chính tiếp tục nói không với thực phẩm bẩn vì một xã hội an toàn, lành mạnh. Với sự vào cuộc tích cực của các ngành, các cấp và sự hưởng ứng của người dân, công tác quản lý đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đã đạt nhiều kết quả khả quan. Trong kỳ không xảy ra tình trạng ngộ độc thực phẩm nào.

Công tác phòng chống HIV/AIDS tiếp tục được đẩy mạnh đặc biệt chú trọng đến việc thông tin, truyền thông về các hoạt động tư vấn, chăm sóc, điều trị người nhiễm HIV và bệnh nhân AIDS; phối hợp liên ngành chặt chẽ trong hoạt động phòng chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh.

b) Về giáo dục:

Kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia năm 2017, Vĩnh Phúc có 52 đơn vị có học sinh dự thi với khoảng 11.400 thí sinh. Trong đó, có 10.681 thí sinh lớp 12 và 719 thí sinh tự do, trong đó có 5.728 thí sinh đăng ký xét tuyển đại học. Sở Giáo dục và Đào tạo Vĩnh Phúc dự kiến thành lập 28 điểm thi tại các huyện, thị, thành với tổng số 489 phòng thi. Đến thời điểm hiện tại, công tác tổ chức đăng ký dự thi cho thí sinh được triển khai đúng tiến độ. Sở Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức hội nghị quán triệt các quy chế thi, lịch thi và các vấn đề liên quan đến kỳ thi theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trong đó, yêu cầu các trường học làm tốt các công tác: phổ biến kịp thời, đầy đủ thông tin về kỳ thi tới đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh và phụ huynh học sinh để có nhận thức đúng, đầy đủ về những điểm đổi mới của kỳ thi; hướng dẫn, tư vấn cho học sinh hoàn thiện hồ sơ thi, đăng ký dự thi, môn thi và địa điểm thi đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm... Các đơn vị được giao nhiệm vụ chuẩn bị điểm coi thi cần rà soát, bổ sung các điều kiện đảm bảo về cơ sở vật chất; chủ động liên hệ với các cơ quan liên quan trong việc đảm bảo an toàn, an ninh cho điểm thi; phối hợp với phụ huynh học sinh xây dựng phương án tổ chức, quản lý việc đi lại, ăn, ở của thí sinh trong những ngày thi, bảo đảm an toàn giao thông và sức khỏe của thí sinh trong kỳ thi.

c) Hoạt động văn hoá xã hội:

Trong tháng, các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh đã tổ chức các hoạt động tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn: Chiến thắng lịch sử 30/4, Quốc tế Lao động 1/5, 63 năm ngày chiến thắng Điện Biên Phủ, 127 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh... Qua đó, giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, khơi dậy lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc và khát vọng hòa bình, góp phần nâng cao chất lượng các phong trào thi đua trong đời sống xã hội.

Đầu tháng Năm, Liên đoàn Lao động tỉnh đã tổ chức lễ phát động Tháng công nhân và khai mạc giải bóng đá nam công nhân lao động các khu công nghiệp lần thứ VII. Tháng công nhân năm 2017 được gắn với Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động, trọng tâm là thực hiện tốt chủ đề “Vì lợi ích đoàn viên” do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát động. Theo đó, Liên đoàn Lao động tỉnh sẽ chỉ đạo các công đoàn cơ sở triển khai nhiều hoạt động cụ thể, hướng về cơ sở, nhất là thực hiện có hiệu quả các giải pháp chăm lo cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, các chế độ chính sách đối với người lao động. Cùng với đó, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật lao động, các nội dung, kỹ năng về an toàn lao động; phát động các phong trào thi đua yêu nước, nhất là phong trào “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” đến công nhân lao động. 

d) Về trật tự, an toàn giao thông:

Nhằm xử lý triệt để các vi phạm trật tự an toàn giao thông, tạo ý thức tự giác chấp hành pháp luật về an toàn giao thông ở mọi lúc, mọi nơi, từ cuối năm 2016, Công an tỉnh đã chỉ đạo Phòng Cảnh sát giao thông triển khai thí điểm việc xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông qua hình ảnh, hay còn gọi là "phạt nguội". Bước đầu, tập trung vào hành vi không đội mũ bảo hiểm của người tham gia giao thông bằng xe mô tô. Từ khi triển khai thực hiện đến nay, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh đã ghi nhận hình ảnh của gần 500 trường hợp vi phạm, kết quả đã xác minh, ra quyết định xử phạt đối với hàng trăm trường hợp.

Trên cơ sở kết quả triển khai thí điểm, ngày 8/5/2017 Công an tỉnh đã ban hành kế hoạch xử phạt vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông qua việc phát hiện vi phạm bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ trên địa bàn toàn tỉnh. Theo đó, không chỉ Phòng Cảnh sát giao thông mà Công an các huyện, thành phố, thị xã sẽ bố trí lực lượng sử dụng các thiết bị trực tiếp ghi hình, ghi lại hình ảnh vi phạm của người, phương tiện vi phạm. Đồng thời, trích xuất hình ảnh từ các máy quay camera giám sát giao thông được lắp đặt tại các điểm cố định trên các tuyến đường để thu thập hình ảnh về hành vi vi phạm như không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông bằng xe mô tô, xe máy, không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông, chở quá số người quy định, lạng lách, đánh võng... Thông qua hình ảnh đã được ghi lại, Phòng Cảnh sát giao thông và Công an các huyện, thành phố, thị xã sẽ tiến hành tra cứu thông tin phương tiện, xác định cụ thể chủ phương tiện và thực hiện việc xử lý vi phạm hành chính theo quy định./. 

 

luat_sua_doi_ltk

Đang truy cập: 5
Trong ngày: 168
Trong tuần: 1228
Lượt truy cập: 1420412

Xin cho biết ý kiến của bạn về trang thông tin điện tử Cục Thống kê tỉnh Vĩnh Phúc?
Tốt
Khá
Trung bình
Kém

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỤC THỐNG KÊ TỈNH VĨNH PHÚCChung nhan Tin Nhiem Mang

Địa chỉ: Số 20

Lý Thái Tổ - Phường Đống Đa - Thành phố Vĩnh Yên - Tỉnh Vĩnh Phúc

Điện thoại: 0211 3 861 139, Fax: 0211 3 843 841Email: vinhphuc@gso.gov.vn, cuctk@vinhphuc.gov.vn