.::. Cung cấp thông tin đầy đủ, trung thực là trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, đơn vị sự nghiệp, hiệp hội, cơ sở hành chính, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng trên địa bàn .::. .............................................................................................................................................................................................................. ........................................  

File dữ liệu báo cáo (định dạng PDF)

Lời văn

Số liệu


1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản

a) Nông nghiệp

- Trồng trọt: Đến nay, hầu hết các loại cây trồng vụ mùa đã được bà con nông dân gieo trồng xong, một số loại cây có khung thời vụ muộn tiếp tục gieo trồng. Tính đến 15/7/2017, diện tích gieo trồng một số cây chính như sau: Lúa 26.487 ha, bằng 97,48% so với cùng kỳ năm trước; ngô 1.775 ha, tăng 4,79%; khoai lang 258 ha, bằng 93,75%; đậu tương 144 ha, bằng 65,77%; lạc 401 ha, bằng 70,68%; rau các loại 766 ha, bằng 95,73%... Với những cơn mưa dông lớn trên diện rộng trong những ngày vừa qua đã gây ra ngập úng đối với một số diện tích lúa và hoa màu, đồng thời là điều kiện thuận lợi cho các loại sâu bệnh phát sinh, gây hại trên các loại cây trồng như: Sâu cuốn lá nhỏ, chuột, ốc bươu vàng, một số loại sâu ăn lá... Để đảm bảo cho cây trồng phát triển, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã có văn bản chỉ đạo các huyện, thành, thị và các đơn vị liên quan theo dõi chặt chẽ diễn biến của thời tiết, chỉ đạo quyết liệt các biện pháp tiêu úng để bảo vệ cây trồng; khẩn trương kiểm tra rà soát tổng hợp diện tích lúa và hoa màu bị ngập úng để có biện pháp chỉ đạo kịp thời; các đơn vị liên quan hướng dẫn bà con nông dân các biện pháp chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh để cây trồng sinh trưởng tốt; chuẩn bị đủ lượng giống dự phòng đảm bảo chất lượng, sẵn sàng phục vụ nông dân khôi phục sản xuất; các đơn vị thủy lợi kiểm tra hệ thống cống tiêu, trạm bơm tiêu, các luồng tiêu để kịp thời tiêu úng nhanh. Ngoài ra, đối với cây lúa cần tăng cường bón thúc sớm để tăng khả năng chống chịu với sâu bệnh và điều kiện ngoại cảnh bất thuận, đảm bảo cho sản xuất vụ mùa thắng lợi.

- Chăn nuôi: Tình hình sản xuất chăn nuôi trong tháng Bảy được duy trì ổn định, công tác phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm được tích cực triển khai, kiểm soát tốt nên không xảy ra các dịch bệnh lớn. Nhìn chung đàn gia súc, gia cầm giữ tương đối ổn định và phát triển. Riêng chăn nuôi lợn, sau một thời gian dài giá lợn hơi xuống quá thấp gây thua thiệt lớn cho người chăn nuôi, trong những ngày gần đây giá lợn hơi đang tăng mạnh nhưng việc tái đàn của một số hộ nông dân cũng còn gặp không ít khó khăn nhất là vốn để đầu tư.

Để chủ động phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở gia súc, gia cầm, bảo vệ sản xuất chăn nuôi, đến nay các địa phương trong tỉnh đã hoàn thành tiêm phòng và phun thuốc khử trừng tiêu độc chuồng trại, môi trường chăn nuôi đợt I, chuẩn bị cho tiêm phòng đợt II năm 2017.

Công tác kiểm tra, giám sát ngăn chặn buôn bán, vận chuyển gia súc, gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm không qua kiểm dịch của cơ quan chức năng được tăng cường và thực hiện nghiêm túc; thực hiện đầy đủ các quy trình, trình tự, thủ tục trong quá trình kiểm dịch động vật và sản phẩm động vật đã tạo điều kiện để người dân yên tâm sản xuất.

b) Lâm nghiệp

Diện tích rừng trồng mới tập trung tính đến tháng Bảy dự kiến đạt 550,4 ha, tăng 1,7% so với cùng kỳ. Các đơn vị sản xuất lâm nghiệp như: Công ty Lâm nghiệp Lập Thạch đã hoàn thành kế hoạch trồng rừng năm; Trung tâm sản xuất lâm nghiệp Đông Bắc Bộ đã trồng được 10 ha rừng đặc dụng, trong đó có 3,5 ha diện tích rừng trồng thay thế; cùng với đó, đơn vị còn tiếp tục chăm sóc, nuôi dưỡng rừng thêm 15 ha, góp phần bảo vệ môi trường và tăng độ che phủ rừng. Công tác bảo vệ và chăm sóc rừng luôn được các đơn vị và các địa phương tiến hành thường xuyên cho hơn 9.758 ha. Bảy tháng đầu năm, số cây lâm nghiệp trồng phân tán ước đạt 715,7 nghìn cây chủ yếu là cây ăn quả và cây bóng mát. Công tác phòng chống cháy rừng luôn được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo tích cực; đồng thời, lực lượng kiểm lâm thường xuyên phối hợp với chủ rừng thực hiện việc tuyên truyền bảo vệ, phòng chống cháy rừng nên trong tháng không xảy ra vụ cháy rừng nào.

c) Thuỷ sản

Tình hình nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh ổn định. Dự kiến đến hết tháng Bảy, diện tích nuôi trồng thuỷ sản trên địa bàn tỉnh đạt 5.351 ha, tăng 0,12% so với cùng kỳ; sản lượng thủy sản bảy tháng đầu năm đạt 11.281 tấn, tăng 0,40%, trong đó sản lượng nuôi trồng là 10.091 tấn, sản lượng khai thác là 1.190 tấn. Sản xuất giống thuỷ sản ổn định, đáp ứng được nhu cầu về các loại con giống cho bà con nuôi trồng trong và ngoài tỉnh.

2. Sản xuất công nghiệp

a) Chỉ số sản xuất

Chỉ số sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh tháng Bảy tăng 2,44% so với tháng trước và tăng 9,36% so với cùng kỳ. Chia theo ngành kinh tế cấp I, các ngành tăng, giảm tương ứng so với tháng trước và cùng kỳ như sau: ngành công nghiệp khai khoáng tăng 3,22% và tăng 9,62%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 2,45% và tăng 9,43%; ngành sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hoà không khí tăng 2,46% và tăng 17,91%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải tăng 1,01% và giảm 4,07%.

Chia theo ngành kinh tế cấp II: So với tháng trước, chỉ số sản xuất tháng Bảy tăng ở tất cả các ngành công nghiệp chủ yếu của tỉnh với mức tăng từ 1% đến 5%. So với cùng tháng năm trước, 5/10 ngành có chỉ số giảm là: ngành sản xuất chế biến thực phẩm giảm 8,80%, tuy giá bán lợn hơi tăng mạnh trong những ngày vừa qua nhưng chưa có dấu hiệu của việc tái đàn, nên lượng thức ăn chăn nuôi tiêu thụ giảm so cùng kỳ; ngành sản xuất xe có động cơ giảm 4,77%, tuy số lượng xe tiêu thụ tăng khá so cùng kỳ nhưng chủ yếu là xe nhập khẩu nguyên chiếc do ảnh hưởng của chính sách thuế, sản xuất cầm chừng nên sản lượng giảm; ngành dệt giảm 4,20%, ngành sản xuất trang phục giảm 4,51%, ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 4,07%. Các ngành công nghiệp còn lại đều có chỉ số tăng so với cùng kỳ, trong đó ngành sản xuất linh kiện điện tử tăng tiếp tục có chỉ số tăng cao với 52,31% so với cùng kỳ; ngành sản xuất xe máy mấy tháng gần đây có dấu hiệu phục hồi do một số mẫu xe tay ga tiêu thụ tốt, bên cạnh đó các nhà sản xuất tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng tính tiện lợi và thời trang, lượng xe tiêu thụ ổn định, chỉ số sản xuất tháng Bảy tăng 8,55% so với cùng kỳ...

Tính chung bảy tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 5,19% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, ngành công nghiệp khai thác mỏ tăng 4,66%, công nghiệp chế biến chế tạo tăng 5,24%, sản xuất và phân phối điện nước tăng 13,95%, ngành cung cấp nước và hoạt động quản lý, xử lý rác thải giảm 5,66% so với cùng kỳ năm 2016.

b) Sản phẩm công nghiệp chủ yếu

Các sản phẩm công nghiệp chủ yếu sản xuất trong tháng hầu hết đều tăng so với tháng trước. Dự kiến trong tháng Bảy, các doanh nghiệp công nghiệp trên địa bàn tỉnh sản xuất được 14.286 tấn thức ăn gia súc, tăng 3,74% so với tháng trước; 4.949 ngàn quần áo mặc thường, tăng 4,96%; 6.765 ngàn m2 gạch ốp lát, tăng 4%; 87.331 ngàn viên gạch xây dựng bằng đất sét, tăng 1,99%; 4.788 xe ô tô các loại, tăng 1,01%; 166.590 xe máy các loại, tăng 1,45%; doanh thu linh kiện điện tử đạt 3.733 tỷ đồng, tăng 2,24%... Tính chung bảy tháng đầu năm, các doanh nghiệp công nghiệp trên địa bàn tỉnh sản xuất được 98.471 tấn thức ăn gia súc, giảm 5,37% so với cùng kỳ; 33.812 ngàn quần áo mặc thường, tăng 0,46%; 44.820 ngàn m2 gạch ốp lát, giảm 1,29%; 619.457 ngàn viên gạch xây dựng bằng đất sét, tăng 5,48%; 31.016 xe ô tô các loại, giảm 5,71%; 1.086.124 xe máy các loại, tăng 2,74%; doanh thu linh kiện điện tử đạt 20.499 tỷ đồng, tăng 49,60% so với bảy tháng đầu năm 2016...

c) Chỉ số sử dụng lao động

Chỉ số sử dụng lao động trong các doanh nghiệp công nghiệp trên địa bàn tỉnh tháng Bảy tăng 0,84% so với tháng trước và tăng 13,36% so với cùng kỳ năm trước. Cộng dồn từ đầu năm đến hết tháng Bảy, chỉ số sử dụng lao động tăng 9,43%. Chia theo ngành cấp I, chỉ số sử dụng lao động của ngành chế biến chế tạo tăng cao so cùng với mức tăng 10,05%, các ngành còn lại đều giảm nhẹ. Chia theo thành phần kinh tế, chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp nhà nước giảm 3,58%, doanh nghiệp ngoài nhà nước giảm 0,97%, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 12,10% so với cùng kỳ năm trước.

d) Chỉ số tiêu thụ, tồn kho

Nhìn chung sáu tháng đầu năm, sản phẩm công nghiệp sản xuất trên địa bàn tỉnh tiêu thụ khá tốt, thể hiện ở chỉ số tiêu thụ tăng, chỉ số tồn kho giảm so với cùng kỳ. Cụ thể như sau:

- Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo sáu tháng đầu năm tăng 0,12% so với cùng kỳ năm trước. Một số ngành có chỉ số tăng là: ngành dệt tăng 6,45%, ngành sản xuất trang phục tăng 0,91%, ngành sản xuất sản phẩm từ khoáng  phi kim loại tăng 2,57%, ngành sản xuất phương tiện vận tải khác tăng 2,98%. Các ngành có chỉ số tiêu thụ giảm là: ngành sản xuất chế biến thực phẩm giảm 4,76%; ngành sản xuất xe có động cơ giảm 4,89%.

- Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại thời điểm 1/7/2017 giảm 7,57% so với cùng thời điểm năm trước. Trong đó, ngành dệt giảm 3,51%, ngành sản xuất trang phục giảm 4,22%, ngành sản xuất xe có động cơ giảm 14,22%, ngành sản xuất phương tiện vận tải khác giảm 95,52%, ngành sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại tăng 3,94%...

3. Đầu tư, xây dựng

Tổng vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý tháng Bảy đạt 458,61 tỷ đồng giảm 2,31% so với tháng trước và giảm 7,96% so với cùng tháng năm trước. Tính chung bảy tháng đầu năm, tổng vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý đạt 3.032 tỷ đồng, tăng 18,83% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, vốn ngân sách cấp tỉnh đạt 2.212 tỷ đồng, tăng 14,91%; ngân sách cấp huyện đạt 607 tỷ đồng, tăng 20,86%; ngân sách cấp xã đạt 213 tỷ đồng, tăng 71,63%. Tổng vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý bảy tháng đầu năm nay tăng khá là do công tác giải phóng mặt bằng theo kế hoạch cơ bản đã hoàn thành để bàn giao cho các chủ đầu tư triển khai dự án nên số công trình, dự án mới tăng; bên cạnh đó, các chủ đầu tư đẩy nhanh các công trình, dự án đang thi công để đảm bảo hoàn thành kế hoạch năm.

4. Thương mại, giá cả và dịch vụ

a) Bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng

Tình hình kinh doanh thương mại và dịch vụ trên địa bàn tỉnh tháng Bảy ổn định và phát triển, kết quả lưu chuyển hàng hóa và dịch vụ tăng khá so với cùng kỳ, đáp ứng đủ nhu cầu cho sản xuất và tiêu dùng của dân cư. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng Bảy dự kiến đạt 3.601 tỷ đồng, tăng 6,25% so với tháng trước và tăng 21,04% so với cùng kỳ. Trong đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt 3.107 tỷ đồng, tăng 6,36% so với tháng trước và tăng 20,92% so với cùng kỳ; doanh thu hoạt động lưu trú, ăn uống và du lịch đạt 331 tỷ đồng, tăng 5,25% so với tháng trước và tăng 20,50% so với cùng kỳ; doanh thu hoạt động dịch vụ còn lại đạt 163 tỷ đồng, tăng 6,08% so với tháng trước và tăng 24,62% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung bảy tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 22.792 tỷ đồng, tăng 10,60% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt 19.763 tỷ đồng, tăng 10,57; doanh thu hoạt động lưu trú, ăn uống và du lịch đạt 1.993 tỷ đồng, tăng 10,80%; doanh thu hoạt động dịch vụ còn lại đạt 1.036 đồng, tăng 10,74 so với cùng kỳ năm trước.

b) Vận tải hành khách và hàng hoá

Dự kiến tổng khối l­ượng hàng hoá vận chuyển trên địa bàn tỉnh tháng Bảy đạt 2.384 ngàn tấn, luân chuyển đạt 158.183 ngàn tấn.km, so với tháng trước tăng 1,51% về tấn và tăng 1,17% về tấn.km, so với cùng kỳ năm trư­ớc tăng 14,67% về tấn và tăng 16,86% về tấn.km. Bảy tháng đầu năm, vận chuyển 16.297 ngàn tấn, luân chuyển 1.150.990 ngàn tấn.km, so với cùng kỳ năm 2016 tăng 5,0% về tấn và 5,21% về tấn.km.

 Khối lượng hành khách vận chuyển trên địa bàn tỉnh tháng Bảy tăng đáng kể so với những tháng trước, vì đây là thời gian nghỉ hè và cũng là thời gian thích hợp để các gia đình đi nghỉ mát và du lịch. Ước tính khối lượng hành khách vận chuyển trên địa bàn tỉnh tháng Bảy đạt 1.890 ngàn người, luân chuyển 156.905 ngàn người.km, so với tháng trước tăng 1,90% về người và tăng 1,28% về người.km, so với cùng kỳ năm trước tăng 18,27% về người và tăng 17,49% về người.km. Tính chung bảy tháng đầu năm, vận chuyển hành khách đạt 14.755 ngàn người, luân chuyển đạt 1.040.627 ngàn người.km, tăng 8,19% về người và tăng 6,55% về người.km so với cùng kỳ năm 2016.

Tổng doanh thu vận tải tháng Bảy ước đạt 298 tỷ đồng, tăng 1,88% so tháng trước và tăng 19,39% so cùng kỳ. Tính chung bảy tháng đầu năm, tổng doanh thu đạt 2.071 tỷ đồng, tăng 10,41% so cùng kỳ. Trong đó, vận tải hành khách đạt 524 tỷ đồng, tăng 14,17%; vận tải hàng hoá đạt 1.517 tỷ đồng tăng 8,22% so cùng kỳ...

c) Chỉ số giá tiêu dùng

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trên địa bàn tỉnh tháng Bảy tăng 0,29% so với tháng trước, tăng 2,95% so vớí cùng tháng năm trước và tăng 2,71% so với tháng 12 năm trước. Bình quân bảy tháng đầu năm CPI tăng 3,54% so với cùng kỳ. Nguyên nhân chính làm CPI tháng này tăng so tháng trước là do giá một số nhóm hàng thiết yếu tăng như: Thực phẩm tăng 2,21%, giáo dục tăng 0,05%, hàng hóa dịch vụ khác tăng 0,39%;... Các nhóm còn lại giá tương đối ổn định và biến động nhẹ.

Diễn biến giá của các nhóm hàng chính trong tháng Bảy như sau:

- Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 1,42% so với tháng trước, nhưng giảm 6,03% so với cùng tháng năm trước. Trong tháng, nhóm hàng lương thực giảm 0,83% so với tháng trước do giá gạo giảm 1,40%; trong khi giá thực phẩm tăng 2,21% do mặt hàng thịt lợn tăng 4,59%, kéo theo nội tạng động vật tăng 2,95, mỡ ăn tăng 3,04%, thịt chế biến (thịt quay, giò chả) tăng 2,19% do thịt lợn hơi tăng nhanh trong những ngày gần đây;

- Nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng giảm 0,20%. Trong đó, nhóm vật liệu, bảo dưỡng nhà ở tăng 0,89%, chủ yếu là cát xây dựng tăng từ 6,44% đến 7,81%, do công tác truy quyét khai thác cát trái phép được đẩy mạnh trong thời gian qua khiến nguồn cung giảm, giá tăng; ngược chiều giá cát, mặt hàng gạch xây giảm khá, từ 6,44% đến 7,81% tùy từng chủng loại. Nhóm gas và chất đốt khác giảm 2,60%;

- Nhóm giao thông giảm 1,67% do sự điều chỉnh giá xăng dầu của tập đoàn xăng dầu Việt Nam vào các ngày 05/7/2017 và 20/7/2017. Như vậy, từ đầu năm đến nay giá bán lẻ xăng dầu trong nước đã trải qua 14 kỳ điều chỉnh, trong đó 7 lần tăng và 7 lần giảm giá bán, đã kéo chỉ số chung của nhóm giảm;

- Nhóm giáo dục tăng 0,05% do sắp bước vào năm học mới nên thị trường sách giáo khoa trong tháng diễn ra nhộn nhịp, giá sách tăng 00,71% so với tháng trước;

Giá vàng trên địa bàn trong tháng giảm 0,33% so với tháng trước, giá bán bình quân trên thị trường tự do là 3.356 nghìn đồng/chỉ. Ngược chiều với giá vàng, giá Đô la Mỹ trên thị trường tự do biến động tăng 0,07% so với tháng trước, giá bán bình quân phổ biến ở mức 21.825 đồng/USD.  Một số nhóm hàng còn lại giá tương đối ổn định.

5. Một số vấn đề xã hội

- Nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2017), Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh đã xây dựng kế hoạch phối hợp với các ngành, đoàn thể tổ chức các hoạt động thăm hỏi, tặng quà các thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công tiêu biểu ở huyện, thành, thị; tuyên truyền để các địa phương tiến hành chăm sóc, tu bổ, làm sạch đẹp các nghĩa trang liệt sĩ, nhà bia, đài tưởng niệm các liệt sĩ tại địa phương mình; phối hợp cùng với UBND thành phố Vĩnh Yên, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Tỉnh Đoàn thanh niên để tổ chức Chương trình Dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ tại Đài tưởng niệm Liệt sỹ tỉnh. Tổng kinh phí để tổ chức các hoạt động nhân dịp kỷ niệm này là 17,95 tỷ đồng; trong đó, kinh phí cấp về các huyện, thành, thị để tặng quà cho các đối tượng chính sách và người có công là 14,72 tỷ đồng, kinh phí hỗ trợ xây, sửa Nghĩa trang Liệt sỹ 1,74 tỷ đồng, kinh phí cấp về Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh để tổ chức các hoạt động là 1,48 tỷ đồng.

- Kỳ thi Trung học phổ thông (THPT) Quốc gia năm 2017 trên địa bàn tỉnh diễn ra từ ngày 22 đến 24/6/2017 với 28 điểm thi, 482 phòng thi. Trong tổng số 11.361 thí sinh đăng ký dự thi, có 10.643 em là học sinh lớp 12 và 718  thí sinh tự do. Toàn tỉnh có 5.724 thí sinh đăng ký dự thi đại học, chiếm 53,8%. Kết thúc 3 ngày thi, có 11.319 thí sinh dự thi đủ các môn, đạt tỷ lệ 99%; có 42 thí sinh không dự thi từ 1 môn trở lên. Theo kết quả được Hội đồng thi THPT Quốc gia tỉnh Vĩnh Phúc năm 2017 công bố, tỷ lệ tốt nghiệp THPT, bổ túc THPT trong toàn tỉnh đạt 98,8%. Trong đó, học sinh lớp 12 THPT đạt 99,9%; học sinh lớp 12 hệ  giáo dục thường xuyên đạt 97,1%; thí sinh tự do đạt 50,5%. Toàn tỉnh có 139 bài thi được điểm 10, xếp thứ 5 cả nước (năm 2016 xếp thứ 8); 9 thí sinh đạt 10 điểm ở 2 môn thi; 3.210 bài đạt từ 9 điểm trở lên. Điểm bình quân các môn thi của học sinh Vĩnh Phúc đạt 5,72 điểm, cao hơn kết quả thi năm 2016 và xếp thứ 6 toàn quốc.

- Hiện nay, dịch sốt xuất huyết đã xảy ra ở rất nhiều địa phương. Để ngăn chặn, phòng ngừa sự bùng phát, lây lan của dịch sốt xuất huyết, đặc biệt là thời điểm hiện tại, khi đã bắt đầu mùa mưa, tỉnh đang thực hiện kiện toàn Ban Chỉ đạo Phòng, chống sốt xuất huyết từ tỉnh đến cơ sở; tăng cường công tác chỉ đạo tuyến, hướng dẫn chuyên môn, kỹ thuật, đôn đốc các đơn vị tuyến huyện thực hiện giám sát dịch tễ học, phát hiện các ca mắc sốt xuất huyết để chủ động kịp thời khống chế, dập dịch; đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền trong cộng đồng dân cư; thực hiện các biện pháp diệt bọ gậy tại thôn, xóm, nơi có nguy cơ lây truyền dịch bệnh thông qua các chiến dịch vệ sinh môi trường, quyết tâm không để xảy ra dịch bệnh sốt xuất huyêt lớn trên địa bàn.

- Nhằm góp phần vào việc bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân, thời gian qua, các ngành chức năng đã quyết liệt vào cuộc xử lý triệt để các cơ sở, đối tượng vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm; khuyến khích các cơ sở sản xuất, kinh doanh chân chính tiếp tục nói không với thực phẩm bẩn vì một xã hội an toàn, lành mạnh. Trong kỳ, đoàn thanh tra liên ngành đã kiểm tra được 524 lượt cơ sở, trong đó có 428 cơ sở đạt tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm, 96 cơ sở không đạt tiêu chuẩn do vi phạm các nội dung về an toàn vệ sinh thực phẩm, số tiền phạt các cơ sở vi phạm là 70 triệu đồng.

- Trong kỳ, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 02 vụ cháy do sự cố điện, không gây thiệt hại về người, ước tính thiệt hại về tài sản là 930 triệu đồng, Lũy kế từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh xảy ra 18 vụ cháy, ước tính giá trị thiệt hại là 21,4 tỷ đồng. Theo báo cáo của Ban an toàn giao thông tỉnh, tính đến 15/6/2017, toàn tỉnh xảy ra 18 vụ tai nạn giao thông trong đó cả 18 vụ tai nạn đều là đường bộ, làm chết 18 người và bị thương 25 người. So với cùng kỳ năm 2016, số vụ tai nạn tăng 01 vụ nhưng lại giảm số người chết và số người bị thương./.

 

luat_sua_doi_ltk

Đang truy cập: 12
Trong ngày: 198
Trong tuần: 1036
Lượt truy cập: 1406397

Xin cho biết ý kiến của bạn về trang thông tin điện tử Cục Thống kê tỉnh Vĩnh Phúc?
Tốt
Khá
Trung bình
Kém

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỤC THỐNG KÊ TỈNH VĨNH PHÚCChung nhan Tin Nhiem Mang

Địa chỉ: Số 20

Lý Thái Tổ - Phường Đống Đa - Thành phố Vĩnh Yên - Tỉnh Vĩnh Phúc

Điện thoại: 0211 3 861 139, Fax: 0211 3 843 841Email: vinhphuc@gso.gov.vn, cuctk@vinhphuc.gov.vn