.::. Cung cấp thông tin đầy đủ, trung thực là trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, đơn vị sự nghiệp, hiệp hội, cơ sở hành chính, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng trên địa bàn .::. .............................................................................................................................................................................................................. ........................................  

Tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Vĩnh Phúc tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2018

Lời văn

Số liệu


1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản

a. Nông nghiệp

- Trồng trọt: Tính đến hết ngày 15/8/2018, toàn tỉnh gieo trồng được 33.774 ha lúa và rau màu các loại, giảm 3,47% so với cùng kỳ. Trong đó, lúa mùa 25.817 ha, giảm 2,82%; ngô 2.071 ha, giảm 3,36%; khoai lang 247 ha, giảm 5,36%; đỗ tương 140 ha, giảm 4,76%; lạc 427 ha, giảm 2,51%; rau xanh các loại 2.055 ha, giảm 5,17% so với vụ mùa năm 2017...

Trong tháng, bà con nông dân chủ yếu tập trung vào chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho lúa và rau màu, nhìn chung các trà lúa sinh trưởng và phát triển tốt. Tuy nhiên, do thời tiết nắng nóng, mưa nhiều xen kẽ, độ ẩm cao là điều kiện để sâu bệnh phát sinh gây hại cho cây trồng; hiện nay, trên một số diện tích lúa mùa đã xuất hiện sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân 2 chấm, rầy nâu, rầy lưng trắng, bệnh vàng lá sinh lý... Để đảm bảo cho sản xuất đạt kết quả cao, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã ban hành văn bản về việc tiếp tục tăng cường chỉ đạo sản xuất vụ mùa 2018; theo đó, các cơ quan chức năng hướng dẫn bà con nông dân tăng cường kiểm tra đồng ruộng phát hiện sớm các loại sâu bệnh, kịp thời có các biện pháp phòng trừ đảm bảo an toàn, hiệu quả.

- Chăn nuôi: Tình hình sản xuất chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc từ đầu năm đến nay tương đối ổn định, giá bán các sản phẩm từ chăn nuôi ở mức khá cao nên người chăn nuôi yên tâm sản xuất. Riêng chăn nuôi lợn, do giá lợn hơi hiện nay khá cao, dao động từ 48.000 đồng/kg - 54.000 đồng/kg, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã giao Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp với Trung tâm Khuyến nông- Khuyến ngư theo dõi sát diễn biến thị trường để cung cấp thông tin sát thực, kịp thời và đưa ra cảnh báo cho người chăn nuôi nhằm ổn định sản xuất và thị trường.

Công tác phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm và khử trùng tiêu độc môi trường chăn nuôi trên địa bàn tỉnh được thực hiện tốt. Công tác kiểm tra, giám sát ngăn chặn buôn bán, vận chuyển gia súc, gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm không qua kiểm dịch của cơ quan chức năng được tăng cường và thực hiện nghiêm túc; thực hiện đầy đủ các quy trình, trình tự, thủ tục trong quá trình kiểm dịch động vật và sản phẩm động vật đã tạo điều kiện để người dân yên tâm sản xuất.

b. Lâm nghiệp

Diện tích rừng trồng mới tập trung trên địa bàn tỉnh đến tháng Tám ước đạt 608,1 ha, bằng 93,55% kế hoạch năm, tăng 2,79% so với cùng kỳ năm trước. Diện tích rừng trồng năm 1, năm 2, năm 3 được chăm sóc thường xuyên là 510 ha; diện tích rừng được giao khoán bảo vệ 9.758,1 ha; số cây lâm nghiệp trồng phân tán ước đạt 1,31 triệu cây, tăng 524,9 nghìn cây so với cùng kỳ, do năm nay các địa phương tích cực, chủ động thực hiện trồng ngay từ đầu năm để phấn đấu đạt mục tiêu kế hoạch 1,6 triệu cây đã đề ra.

c. Thuỷ sản

Sản xuất thủy sản trong tháng Tám có nhiều thuận lợi, thời tiết mưa nhiều đủ nước cho nuôi trồng; các vùng nuôi thủy sản có nguy cơ bị ngập úng được kiểm tra, rà soát kỹ, đồng thời các hộ sản xuất thủy sản đã thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão. Diện tích nuôi trồng thuỷ sản tính đến hết tháng Tám ước đạt 6.134,2 ha, tăng 1,0% so với cùng kỳ năm trước. Trong tháng, sản lượng thuỷ sản ước đạt 1.883 tấn, tăng 4,5% so với cùng kỳ; số lượng con giống sản xuất đạt 167,2 triệu con, tăng 6,2% so với cùng kỳ.

2. Sản xuất công nghiệp

Sản xuất công nghiệp trong tháng Tám nhìn chung ổn định so với tháng trước và tăng khá so với cùng kỳ năm trước.

Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng Tám chỉ tăng nhẹ với 0,26% so với tháng trước; trong các ngành công nghiệp chủ yếu của tỉnh, hai ngành có chỉ số giảm so với tháng trước là ngành sản xuất xe có động cơ và ngành sản xuất phương tiện vận tải khác với mức giảm lần lượt là 1,39% và 2,26%, các ngành công nghiệp chủ yếu còn lại đều tăng nhưng ở mức độ không cao. So với cùng kỳ năm trước, chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh tăng khá cao với 15,19%. Trong 10 ngành công nghiệp chủ yếu của tỉnh, ngoài ngành dệt có chỉ số giảm so với cùng kỳ, các ngành còn lại đều có mức tăng trưởng, một số ngành có mức tăng trưởng khá cao; ngành có mức tăng trưởng cao nhất so với cùng kỳ là ngành sản xuất xe có động cơ với 34,75%, ngành sản xuất sản phẩm điện tử tăng 26,32%, ngành sản xuất trang phục tăng 25,13%, sản xuất và chế biến thực phẩm tăng 17,05% so với cùng kỳ năm 2017... Tính chung tám tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 13,90% so với cùng kỳ năm 2017; trong đó, ngành công nghiệp khai thác mỏ tăng 5,43%, công nghiệp chế biến chế tạo tăng 13,88%, sản xuất và phân phối điện nước tăng 29,80%, ngành cung cấp nước và hoạt động quản lý, xử lý rác thải giảm 4,43%.

Dự kiến trong tháng Tám, các doanh nghiệp công nghiệp trên địa bàn tỉnh sản xuất được 20.150 tấn thức ăn gia súc gia cầm, tăng 17,05% so với cùng kỳ; 602 ngàn đôi giày thể thao, tăng 42,38%; 11.148 ngàn m2 gạch ốp lát, tăng 3,38%; 2.056 máy điều hòa không khí, tăng 2,85%; 5.181 xe  ô tô các loại, tăng 34,75%;192.511 xe máy các loại, tăng 4,86%, doanh thu linh kiện điện tử đạt 5.470 tỷ đồng, tăng 26,32% so với cùng tháng năm trước ....Tính chung tám tháng đầu năm, các doanh nghiệp công nghiệp trên địa bàn tỉnh sản xuất được 161.110 tấn thức ăn gia súc, tăng 14,07% so cùng kỳ; 3.840 ngàn đôi giày thể thao, tăng 10,98%; 80.407 ngàn m2 gạch ốp lát, giảm 0,32%; 14.569 máy điều hòa không khí, tăng 12,72%; 41.185 xe ô tô các loại, tăng 20,57%; 1.373.670 xe máy các loại, tăng 10,34%; doanh thu linh kiện điện tử đạt 36.650 tỷ đồng, tăng 20,17% so với tám tháng đầu năm 2017...

3. Đầu tư, xây dựng

Tháng Tám, với sự quan tâm sát sao, chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh nhằm đẩy nhanh tiến độ giao vốn và giải ngân vốn đầu tư công trong các tháng cuối năm 2018. UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương, đơn vị tập trung thời gian, nhân lực, nguồn lực để giải quyết khó khăn, vướng mắc đặc biệt trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, giải quyết dứt điểm một số vướng mắc để bàn giao mặt bằng thi công. Bên cạnh đó chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thành, nghiệm thu các công trình chuyển tiếp và tích cực hoàn thiện các thủ tục để triển khai các dự án mới, quyết tâm hoàn thành kế hoạch đề ra.

Tổng vốn đầu tư thực hiện từ nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý trên địa bàn tỉnh trong tháng Tám dự kiến đạt 479,83 tỷ đồng, tăng 2,29% so với tháng trước và đạt 56,04% so với kế hoạch năm 2018. Trong đó, vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh đạt 308,03 tỷ đồng, tăng 2,29%; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện đạt 133,95 tỷ đồng, tăng 1,45% và vốn ngân sách nhà nước cấp xã đạt 37,85 tỷ đồng, tăng 5,46%. Lũy kế đến hết tháng Tám, vốn đầu tư thuộc nguồn ngân sách nhà nước thực hiện đạt 3.508,3 tỷ đồng, giảm 1,88% so với cùng kỳ năm 2017.

4. Thương mại, dịch vụ và giá cả

a. Bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng

Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng Tám dự kiến đạt 4.013 tỷ đồng, tăng 16,21% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, kinh tế nhà nước đạt 136,2 tỷ đồng, tăng 8,23%; kinh tế tập thể đạt 6,6 tỷ đồng, tăng 6,51%; kinh tế cá thể đạt 1.957,7 tỷ đồng, tăng 15,52%; kinh tế tư nhân đạt 1.677,6 tỷ đồng, tăng 19,47%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 234,9 tỷ đồng, tăng 5,64% so với cùng kỳ.

Tính chung tám tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính đạt 30.029 tỷ đồng, tăng 11,41% so với cùng kỳ năm trước. Phân theo nhóm ngành kinh doanh, doanh thu bán lẻ hàng hóa tám tháng đầu năm ước đạt 25.756 tỷ đồng, chiếm 85,77% tổng mức và tăng 11,78% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, lữ hành và hoạt động hỗ trợ du lịch ước đạt 2.481 tỷ đồng, chiếm 8,26% tổng mức và tăng 8,94% so với cùng kỳ năm trước; các ngành dịch vụ tiêu dùng khác ước đạt 1.792 tỷ đồng, chiếm 5,97% tổng mức và tăng 9,64% so cùng kỳ năm trước.

b. Vận tải hành khách và hàng hoá

Trong tháng Tám, tổng khối l­ượng hàng hoá vận chuyển trên địa bàn tỉnh ước đạt 2,61 triệu tấn, tăng 1,16% so với tháng trước và tăng 1,44% so với cùng tháng năm trước; luân chuyển đạt 166,2 triệu tấn.km, tăng 1,09% so với tháng trước và tăng 4,17% so với cùng kỳ. Tính chung tám tháng đầu năm, vận chuyển hàng hóa ước đạt 20,42 triệu tấn, tăng 7,76%; luân chuyển đạt trên 1.453 triệu tấn.km, tăng 8,98% so với tám tháng đầu năm 2017.

Khối l­ượng hành khách vận chuyển trong tháng ­ước đạt 2,21 triệu ngư­ời, so với tháng trước giảm 0,11%, so cùng kỳ năm trước 4,05%; luân chuyển đạt 161,86 triệu ngư­ời.km, so với tháng trước giảm 0,45%, so cùng kỳ năm trước giảm 2,71%. Tám tháng đầu năm ước vận chuyển 16,23 triệu người, giảm 6,72%; luân chuyển 1.113.056 ngàn người km, giảm 6,12% so với cùng kỳ năm  2017.

Tổng doanh thu vận tải ước tháng Tám đạt 323 tỷ đồng, tăng 1,69% so tháng trước và giảm 1,19% so cùng kỳ. Trong đó, vận tải hành khách đạt 70 tỷ đồng, tăng 1,43%; vận tải hàng hoá đạt 244 tỷ đồng, giảm 1,68% so cùng kỳ. Tám tháng đầu năm, tổng doanh thu đạt 2.553 tỷ đồng, tăng 6,89% so cùng kỳ.

c. Chỉ số giá tiêu dùng

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trên địa bàn tỉnh tháng Tám tăng  0,11% so với tháng trước, tăng 3,92% so vớí cùng tháng năm trước và tăng 2,27% so với tháng Mười hai năm trước; bình quân tám tháng đầu năm, CPI tăng 4,25% so với cùng kỳ. Nguyên nhân chính làm CPI tháng này tăng so tháng trước chủ yếu là do giá thực phẩm, vật liệu xây dựng, ga và chất đốt tăng. Trong đó, giá thực phẩm tăng 0,35%, một mặt do nguồn cung hạn chế nên thịt lợn tăng 1,48%, bên cạnh đó, nhóm rau tươi, rau khô và chế biến tăng 1,33% do thời tiết nắng, mưa thất thường ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của cây trồng, sản lượng thu hoạch không cao; Nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,20%, do giá thép tròn và thép cây tăng dẫn đến giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở chính tăng 0,14%, cùng với đó, nhóm gas và các loại chất đốt khác tăng 1,55%, do giá gas và dầu hỏa tăng lần lượt là 1,77% và 0,70%.

Giá vàng trên địa bàn giảm 1,17% so với tháng trước, giá bình quân trên thị trường tự do là 3.539 nghìn đồng/chỉ. Ngược chiều với giá vàng, giá Đô la Mỹ trên thị trường tự do tăng 0,96% so với tháng trước, giá bán bình quân phổ biến ở mức 22.527 đồng/USD.

Các nhóm còn lại giá tương đối ổn định và biến động nhẹ.

5. Hoạt động tín dụng ngân hàng

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh Vĩnh Phúc chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn thực hiện kế hoạch kinh doanh những tháng cuối năm có hiệu quả, an toàn, kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng theo chỉ tiêu được giao từ đầu năm; chú trọng ưu tiên nguồn vốn cho vay các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; hạn chế mức độ tập trung tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản, chứng khoán, lĩnh vực tiêu dùng; cân đối nguồn vốn, sử dụng vốn để cho vay trung và dài hạn; chủ động xây dựng các chương trình cho vay với lãi suất hợp lý, đa dạng hóa các sản phẩm tín dụng, dịch vụ ngân hàng kết hợp với đổi mới quy trình cho vay, đơn giản hóa thủ tục vay vốn, nâng cao khả năng thẩm định để rút ngắn thời gian giải quyết cho vay, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp vay vốn ngân hàng, không để doanh nghiệp có phương án kinh doanh hiệu quả, khả thi thiếu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh…

Trong kỳ, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tăng cường huy động tiền gửi tiết kiệm trong dân cư, tiền gửi các tổ chức kinh tế và phát hành giấy tờ có giá, đảm bảo thanh khoản và đáp ứng cho các nhu cầu vốn của nền kinh tế. Tại thời điểm cuối tháng 7/2018, tiền gửi các tổ chức kinh tế có phần giảm mạnh, tuy nhiên, tiền gửi tiết kiệm của dân cư vẫn tăng trưởng tốt, bù đắp thanh khoản do các tổ chức kinh tế rút tiền gửi thực hiện sản xuất kinh doanh; phát hành giấy tờ có giá cũng tăng trưởng trở lại sau 6 tháng đầu năm tăng trưởng âm. Tổng nguồn vốn huy động tại thời điểm 31/07/2018 đạt 62.989 tỷ đồng, tăng 1,86% so với cuối năm 2017. Dự kiến đến 31/8/2018, tổng nguồn vốn huy động đạt 63.700 tỷ đồng, tăng 3,01% so với cuối năm 2017. Trong đó, tiền gửi các tổ chức kinh tế đạt 23.170 tỷ đồng, giảm 11,3% so với cuối năm 2017; tiền gửi tiết kiệm 39.350 tỷ đồng, tăng 13,31%; phát hành giấy tờ có giá 1.180 tỷ đồng, tăng 19,07% so với cuối năm 2017.

Hệ thống tổ chức tín dụng trên địa bàn chú trọng mở rộng tín dụng có hiệu quả; tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực phi sản xuất, lĩnh vực có rủi ro cao, đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng. Tổng dư nợ cho vay trên địa bàn đến 31/7/2018 đạt 59.828 tỷ đồng, tăng 1,48% so với tháng trước và tăng 13,23% so với cuối năm 2017. Dự kiến đến 31/8/2018, tổng dư nợ cho vay đạt 60.680 tỷ đồng, tăng 14,84% so với cuối năm 2017. Trong đó, dư nợ cho vay ngắn hạn đạt 37.335 tỷ đồng, tăng 15,14% so với cuối năm 2017, chiếm 61,53% tổng dư nợ; dư nợ cho vay trung và dài hạn đạt 23.345 tỷ, tăng 14,36% so với cuối năm 2017 và chiếm 38,47% tổng dư nợ.

6. Một số vấn đề xã hội

a. Về y tế

Trong kỳ, trên địa bàn tỉnh không có dịch lớn xảy ra. Chỉ xuất hiện một số bệnh rải rác ở các địa phương như: viêm não Nhật Bản, thủy đậu, cúm, tay chân miệng, sốt phát ban, tiêu chảy... Ngành Y tế đã chủ động giám sát tình hình các bệnh dịch, chỉ đạo các đơn vị y tế chủ động phòng chống dịch không để xảy ra dịch bệnh lớn trên địa bàn.

Thời gian qua, các ngành chức năng đã quyết liệt vào cuộc xử lý triệt để các cơ sở, đối tượng vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm; khuyến khích các cơ sở sản xuất, kinh doanh chân chính tiếp tục nói không với thực phẩm bẩn vì một xã hội an toàn, lành mạnh. Trong kỳ, các đoàn thanh, kiểm tra liên ngành của tỉnh đã tiến hành thanh, kiểm tra được 162 lượt cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và dịch vụ ăn uống, trong đó có 131 cơ sở đạt tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm (đạt 80,86%); 31 cơ sở không đạt tiêu chuẩn do vi phạm các nội dung về an toàn vệ sinh thực phẩm như: Người trực tiếp chế biến thực phẩm chưa được xác nhận kiến thức và chưa khám sức khỏe định kỳ; không bảo quản riêng từng loại thực phẩm; môi trường sản xuất, kinh doanh không đảm bảo vệ sinh; chưa có chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm hoặc bản cam kết… Có 29 cơ sở  đã bị nhắc nhở khắc phục; 02 cơ sở bị phạt tiền. Trong tháng, chưa ghi nhận vụ ngộ độc thực phẩm nào xảy ra trên địa bàn tỉnh..

b. Về giáo dục

Chỉ còn ít ngày nữa các học sinh trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc cùng hàng triệu học sinh trong cả nước sẽ bước vào khai giảng năm học mới 2018-2019. Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, chỉnh trang, vệ sinh trường lớp đang được ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Vĩnh Phúc tập trung hoàn tất, tạo mọi điều kiện tốt nhất cho năm học mới. Năm học 2018-2019, ngành Giáo dục và đào tạo tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết 29 BCH Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI; Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; đưa nội dung các cuộc vận động và phong trào thi đua thành các hoạt động thường xuyên của ngành. Tăng cường phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; thực hiện tốt phân luồng sau THCS và liên thông giữa các chương trình giáo dục, cấp học và trình độ đào tạo; xây dựng xã hội học tập, đa dạng hóa phương thức học tập đáp ứng nhu cầu nâng cao hiểu biết và tạo cơ hội học tập suốt đời cho người dân.

c. Hoạt động văn hoá xã hội

Chào mừng 73 năm Cách mạng tháng Tám (19/8/1945-19/8/2018) và Quốc khánh mùng 2 tháng 9, trên địa bàn tỉnh đã diễn ra các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, vui chơi giải trí... Tổ chức các hoạt động tri ân, thăm hỏi gia đình chính sách, người có công với cách mạng, đồng thời xây dựng các cụm pano, khẩu hiệu ở các khu trung tâm, nơi tập trung đông người nhằm góp phần giáo dục thế hệ trẻ truyền thống yêu nước và cách mạng, thành quả đấu tranh của thế hệ đi trước; hiểu rõ hơn về cách mạng Việt Nam, phong trào cộng sản và công nhân quốc tế.

d. Tình hình cháy nổ và trật tự, an toàn giao thông

Trong tháng, trên địa bàn tỉnh xảy ra 03 vụ cháy không gây thiệt hại về người, ước tính thiệt hại về tài sản là 250 triệu đồng. Lũy kế từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh xảy ra 24 vụ cháy, ước tính giá trị thiệt hại là 8,3 tỷ đồng. Trong tháng, các cơ quan chức năng đã phát hiện 10 vụ vi phạm môi trường, đã xử lý là 10 vụ với tổng số tiền phạt 91,02 triệu đồng. Luỹ kế từ đầu năm số vụ vi phạm môi trường là 20 vụ, số tiền xử phạt là 608 triệu đồng.

Theo báo cáo của Ban an toàn giao thông tính đến 15/7/2018 trên địa bàn tỉnh xảy ra 18 vụ tai nạn, làm 17 người chết và 10 người bị thương. So với cùng kỳ giảm một vụ tai nạn, giảm 02 người chết và giảm 15 người bị thương. Để tiếp tục đạt mục tiêu ba giảm, bên cạnh tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông gắn với công tác phòng, chống tội phạm, Ban An toàn giao thông tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về an toàn giao thông, trong đó đặc biệt chú trọng việc tuyên truyền, giáo dục Luật Giao thông trong các trường học, đồng thời, tổ chức các đợt tập huấn, nói chuyện chuyên đề về pháp luật giao thông, văn hóa giao thông cho cán bộ, công nhân, đoàn viên, thanh niên trong các cơ quan, đơn vị; duy trì hiệu quả hoạt động các mô hình giữ gìn trật tự an toàn giao thông hiệu quả tại các địa phương…

 

luat_sua_doi_ltk

Đang truy cập: 9
Trong ngày: 108
Trong tuần: 1447
Lượt truy cập: 1429277

Xin cho biết ý kiến của bạn về trang thông tin điện tử Cục Thống kê tỉnh Vĩnh Phúc?
Tốt
Khá
Trung bình
Kém

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỤC THỐNG KÊ TỈNH VĨNH PHÚCChung nhan Tin Nhiem Mang

Địa chỉ: Số 20

Lý Thái Tổ - Phường Đống Đa - Thành phố Vĩnh Yên - Tỉnh Vĩnh Phúc

Điện thoại: 0211 3 861 139, Fax: 0211 3 843 841Email: vinhphuc@gso.gov.vn, cuctk@vinhphuc.gov.vn