.::. Cung cấp thông tin đầy đủ, trung thực là trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, đơn vị sự nghiệp, hiệp hội, cơ sở hành chính, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng trên địa bàn .::. .............................................................................................................................................................................................................. ........................................  

Tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Vĩnh Phúc tháng 9 và 9 tháng đầu năm 2018

Lời văn

Số liệu



Chín tháng đầu năm 2018, UBND tỉnh đã tập trung quán triệt, chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương, tổ chức, đoàn thể và doanh nghiệp tích cực triển khai cụ thể hóa các Nghị quyết của Chính phủ, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; thường xuyên chỉ đạo theo dõi, đánh giá, phân tích tình hình, đưa ra những giải pháp phù hợp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và bảo đảm an sinh xã hội. Nhìn chung tình hình kinh tế - xã hội đạt nhiều kết quả tích cực. Sản xuất công nghiệp, xây dựng có mức tăng trưởng khá cao so với cùng kỳ; trong nông nghiệp, năng suất, sản lượng lúa tăng, chăn nuôi phát triển ổn định; các ngành dịch vụ tiếp tục ổn định và phát triển, thị trường hàng hóa đa dạng, phong phú, đáp ứng tốt nhu cầu sản xuất và tiêu dùng xã hội. Các hoạt động văn hóa, thể thao, lễ hội, vui chơi giải trí diễn ra khá sôi động, phong phú. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được tăng cường. Công tác bảo đảm an sinh xã hội được cả hệ thống chính trị, cộng đồng xã hội và các doanh nghiệp cùng quan tâm. Tình hình an ninh chính trị được giữ vững, trật tự an toàn xã hội ổn định.

I. TÌNH HÌNH KINH TẾ

1. Tăng trưởng kinh tế

Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) chín tháng đầu năm 2018 theo giá so sánh 2010 dự kiến đạt 57.334 tỷ đồng, tăng 8,02% so cùng kỳ năm 2017. Trong đó, tổng giá trị tăng thêm đạt 44.582 tỷ đồng, tăng 10,79% so cùng kỳ, đóng góp vào tăng trưởng chung là 8,18 điểm %; thuế sản phẩm đạt 12.752 tỷ đồng, giảm 0,66% so cùng kỳ, làm giảm tăng trưởng chung là 0,16 điểm %.

Trong tổng số, giá trị tăng thêm ngành nông, lâm nghiệp và thuỷ sản đạt 3.959 tỷ đồng, tăng 3,85% so với cùng kỳ, đóng góp vào tăng trưởng chung của tỉnh là 0,28 điểm %; riêng ngành nông nghiệp đạt 3.697 tỷ đồng, tăng 3,808% so cùng kỳ, đóng góp vào tăng trưởng chung của tỉnh là 0,25 điểm %. Ngành công nghiệp, xây dựng đạt 29.655 tỷ đồng, tăng 13,23% so cùng kỳ, đóng góp vào tăng trưởng chung của tỉnh là 6,53 điểm %; riêng ngành công nghiệp đạt 27.219 tỷ đồng, tăng 13,64% so cùng kỳ, đóng góp vào tăng trưởng chung của tỉnh là 6,16 điểm %. Giá trị tăng thêm của các ngành dịch vụ đạt 10.968 tỷ đồng, tăng 7,14% so cùng kỳ, đóng góp vào tăng trưởng chung của tỉnh là 1,38 điểm %.

2. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản

a) Nông nghiệp

+Trồng trọt: Sản xuất vụ mùa năm 2018 tiếp tục được sự quan tâm chỉ đạo tích cực của các cấp, các ngành trong tỉnh. Cơ chế, chính sách hỗ trợ tái cơ cấu ngành Nông nghiệp giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh tiếp tục được thực hiện đã tạo điều kiện thuận lợi để người dân yên tâm đầu tư phát triển sản xuất, khuyến khích, thu hút nhiều tổ chức cá nhân tham gia vào đầu tư phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, sản xuất theo chuỗi từ đồng ruộng đến người tiêu dùng, đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao giá trị sản phẩm, đã góp phần quan trọng nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp. Thời tiết từ đầu vụ mùa đến nay tương đối thuận lợi, không có mưa to gây ngập úng xảy ra trên địa bàn, công tác dự báo, phòng trừ sâu bệnh được kiểm soát chặt chẽ nên các loại cây trồng sinh trưởng phát triển tốt, dự báo năng suất các loại cây trồng chính đạt khá hơn vụ mùa năm trước. Kết quả sản xuất vụ mùa như sau:

- Diện tích gieo trồng cây hàng năm toàn tỉnh đạt 33.460 ha, giảm 4,37% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, diện tích trồng lúa đạt 25.580 ha, giảm 3,71%; diện tích ngô đạt 1.753 ha, giảm 18,22%; diện tích cây có hạt chứa dầu 645 ha, tăng 2,54%; rau các loại 2.054 ha, giảm 5,23%. Diện tích gieo trồng cây hàng năm giảm hơn so với cùng kỳ là do bà con chuyển sang làm các ngành nghề phi nông nghiệp cho thu nhập cao hơn nên nhiều chân ruộng bị bỏ không.

- Ước tính năng suất, sản lượng một số cây trồng chủ yếu: lúa đạt 53,47 tạ/ha, tăng 9,92% so với cùng kỳ, sản lượng đạt 136.782 tấn, tăng 5,84%; ngô đạt 46,19 tạ/ha, tăng 25,34%, sản lượng đạt 8.096 tấn, tăng 2,5%; rau các loại đạt 199,12 tạ/ha, tăng 10,84%, sản lượng đạt 40.892 tấn, tăng 5,04% so với cùng kỳ...

Tính chung tình hình trồng trọt cả năm 2018, toàn tỉnh gieo trồng được 90.924 ha cây hàng năm, giảm 2,82% so với năm 2017. Trong đó, diện tích lúa đạt 56.585 ha, giảm 2,25%; ngô 14.294 ha, giảm 5,52%; khoai lang 2.276 ha, tăng 7%; đậu tương 1.249 ha, giảm 15,57%; rau các loại 8.946 ha, giảm 3,91% so với năm 2017... Năng suất, sản lượng một số cây trồng chủ yếu cả năm 2018 ước đạt như sau: năng suất lúa đạt 58,72 tạ/ha, tăng 6,61%, sản lượng đạt 332.244 tấn, tăng 3,73% so với năm 2017; ngô đạt 45,26 tạ/ha, tăng 4,53%, sản lượng đạt 64.688 tấn, giảm 1,24%; khoai lang đạt 104,48 tạ/ha, tăng 3,01%, sản lượng đạt 23.782 tấn, tăng 10,22%; lạc đạt 20,16 tạ/ha, tăng 5,13%, sản lượng đạt 4.860 tấn, tăng 4,6%; đậu tương đạt 19,11 tạ/ha, giảm 2,19%, sản lượng đạt 2.386 tấn, giảm 17,42%; rau các loại đạt 213,49 tạ/ha, tăng 2,3 %, sản lượng đạt 190.985 tấn, giảm 1,7% so với năm 2017...

Tổng diện tích các loại cây lâu năm hiện có 8.278 ha, tăng 0,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó diện tích cây ăn quả ước đạt 7.811 ha, chiếm 94,35% diện tích các loại cây lâu năm. Các loại cây ăn quả chiếm diện tích nhiều như: vải 1.873 ha, chuối 1.807 ha; xoài 758 ha; bưởi 722 ha; nhãn 708 ha... Nhìn chung tỉnh Vĩnh Phúc có diện tích đất trồng cây lâu năm không nhiều và chủ yếu vẫn là nhóm cây ăn quả được trồng phân tán, nhỏ lẻ, chưa có nhiều sản phẩm có thương hiệu.

+ Chăn nuôi: Tình hình chăn nuôi quý III và 9 tháng đầu năm trên địa bàn tỉnh có nhiều thuận lợi: Các cơ chế, chính sách hỗ trợ tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trong đó có phát triển chăn nuôi giai đoạn 2016-2020 theo Nghị quyết số 201/2015/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục được thực hiện đã tạo động lực, khuyến khích các hộ chăn nuôi mở rộng quy mô sản xuất; giá thức ăn chăn nuôi tương đối ổn định, giá bán các sản phẩm chăn nuôi ở mức khá cao người chăn nuôi có lãi đã yên tâm đầu tư phát triển sản xuất; công tác phòng chống dịch bệnh được kiểm soát tốt, từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh không xảy ra các dịch bệnh lớn. Tuy nhiên, sản xuất chăn nuôi vẫn còn gặp nhiều khó khăn nhất là về vốn đầu tư để mở rộng quy mô sản xuất; phần lớn các hộ chăn nuôi nằm xen kẽ trong khu dân cư, quỹ đất nhỏ hẹp không đảm bảo khoảng cách vệ sinh, hầu hết nước thải, chất thải từ chăn nuôi chưa được xử lý gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống của người dân.

Số lượng đàn gia súc, gia cầm tại thời điểm 01/9/2018 như sau: Đàn trâu có 18.857 con, tăng 0,2% so với cùng thời điểm năm trước; đàn bò 117.898 con, tăng 1,22%, trong đó có 10.569 con bò sữa (tăng 1.232 con); đàn lợn có 626.544 con, tăng 1,27%; đàn gia cầm có 10.392 nghìn con, tăng 6,8% so với cùng kỳ, trong đó có 8.790 nghìn con gà, tăng 6,23% so với thời điểm năm trước.

b) Lâm nghiệp

Chín tháng đầu năm, các đơn vị sản xuất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh đã làm tốt công tác chuẩn bị hiện trường, chủ động cây giống... nên đã cơ bản hoàn thành kế hoạch trồng rừng được giao. Diện tích rừng trồng mới tập trung trong 9 tháng ước đạt 677,8 ha, đạt 104,28% kế hoạch năm, tăng 6,04% so với cùng kỳ, riêng quý III trồng mới được 278,6 ha, tăng 26,6 ha. Trong đó, rừng sản xuất 643,8 ha, rừng phòng hộ 14 ha và rừng đặc dụng 20 ha. Diện tích rừng được chăm sóc là 510 ha, tăng 5,42% so với cùng kỳ; diện tích rừng được giao khoán, bảo vệ 9.847 ha, tăng 0,91%.

Công tác phòng chống cháy rừng luôn đ­ược các cấp các ngành chỉ đạo tích cực, nguy cơ cháy rừng được cảnh báo thường xuyên. Song, do thời tiết hanh khô ở những tháng đầu năm, trên địa bản tỉnh đã xảy ra 6 vụ cháy rừng, gây thiệt hại 14,44 ha rừng sản xuất.

c) Thuỷ sản

Chín tháng đầu năm, thời tiết tương đối thuận lợi, tạo điều kiện cho nuôi trồng phát triển, từ đầu năm đến nay không có diện tích bị ngập tràn (năm 2017 diện tích ngập tràn khoảng 2.533,9 ha do ảnh hưởng của cơn bão số 3). Tình hình sản xuất thủy sản diễn ra ổn định, nuôi trồng từng bước được đa dạng hoá, các cơ sở, hộ nuôi trồng thủy sản đã chủ động, tích cực đầu tư, thực hiện thâm canh tăng năng suất, các giống cá mới có năng suất, chất lượng cao được đưa vào sản xuất, chất lượng thủy sản ngày càng đáp ứng được yêu cầu của thị trường và tạo ra thu nhập khá cho người nuôi. 

Diện tích nuôi trồng thuỷ sản 9 tháng đầu năm 2018 ước đạt 6.971 ha, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng thuỷ sản đạt 15.784 tấn, tăng 4,1% so với cùng kỳ. Trong đó, sản lượng khai thác 1.550 tấn, giảm 1,4%; sản lượng nuôi trồng 14.234 tấn, tăng 4,7% so với cùng kỳ.

3. Sản xuất công nghiệp

a) Chỉ số sản xuất

Chỉ số sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh tháng Chín tăng 1,77% so với tháng trước và tăng 20,38% so với cùng kỳ. Chia theo ngành kinh tế cấp I, chỉ số sản xuất của các ngành tăng tương ứng so với tháng trước và cùng kỳ như sau: Ngành công nghiệp khai khoáng tăng 2,89% và tăng 33,31%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 1,82% và tăng 20,47%; ngành sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hoà không khí giảm 1,58% và tăng 16,75%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải giảm 1,17% và tăng 7,26%. Trong tháng, hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn nhìn chung ổn định, sản lượng sản xuất tăng ở hầu hết các ngành, các doanh nghiệp tiếp tục đưa ra kế hoạch sản xuất chung và tích cực để hoàn thành mục tiêu, kế hoạch đề ra trong năm.

Chỉ số sản xuất công nghiệp quý III tăng cao so với quý trước và cùng kỳ với mức tăng tương ứng là 18,04% và 21,79%. Một số ngành có chỉ số tăng cao so với quý trước và quý cùng kỳ năm trước như: Ngành sản xuất trang phục tăng 14,11% và 24,25%; ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 45,07% và 40,05%; ngành sản xuất phương tiện vận tải tăng 13,31% và 10,05%... Một số ngành khác còn lại tăng hoặc giảm nhẹ so quý trước và cùng kỳ.

Chín tháng đầu năm 2018, tình hình kinh tế - xã hội ổn định tạo môi trường và điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp ngành công nghiệp nói riêng phát triển. Các sản phẩm thế mạnh tiếp tục tìm kiếm được thị trường tiêu thụ, nhằm ổn định sản xuất, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động. Dự kiến chỉ số công nghiệp 9 tháng đầu năm tăng 15,75% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành khai khoáng tăng 9,46%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 15,82%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, tăng 22,51%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và  nước thải, rác thải giảm 3,01%. Các ngành công nghiệp mũi nhọn của tỉnh tiếp tục có mức tăng trưởng khá cao, đóng góp tích cực vào mức tăng trưởng của ngành công nghiệp cũng như tăng trưởng của của tỉnh. Trong đó:

- Ngành sản xuất linh kiện điện tử tăng 24,38% so với cùng kỳ. Là ngành có mức tăng cao và tương đối ổn định so với các ngành khác, một phần là do các doanh nghiệp mới tiếp tục đầu tư vào lĩnh vực này, bên cạnh đó các doanh nghiệp trong ngành tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất. Do vậy đây không chỉ là ngành mang lại giá trị sản xuất cao mà còn góp phần ổn định cuộc sống người lao động;

- Ngành sản xuất xe có động cơ tăng 24,77% so cùng kỳ năm trước. Trong 9 tháng đầu năm, thị trường ô tô cũng chịu nhiều áp lực từ chính sách thuế của nhà nước. Tuy vậy, các dòng xe trong nước lại là sự lựa chọn nhiều hơn của khách hàng. Trong những tháng gần đây, lượng xe tiêu thụ tương đối cao do đa dạng về kiểu dáng, chất lượng và giá cả;

- Ngành sản xuất phương tiện vận tải tăng 10,47% so với cùng kỳ năm trước. Các doanh nghiệp trong ngành lấy lại nhịp độ sản xuất, liên tục đưa ra thị trường những mẫu xe được cải tiến về mẫu mã, kiểu dáng, với nhiều tính năng tiện lợi làm hài lòng khách hàng. Bên cạnh đó thị trường xuất khẩu ngày càng được mở rộng ra nhiều nước trên thế giới. Tạo đà cho doanh nghiệp ổn định sản xuất, giúp phát triển ngành sản xuất công nghiệp trên toàn tỉnh.

Các ngành công nghiệp còn lại đều giữ được nhịp độ tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm trước.

b) Sản phẩm công nghiệp chủ yếu

Trong tháng Chín, các doanh nghiệp công nghiệp trên địa bàn tỉnh dự kiến sản xuất được 21.816 tấn thức ăn gia súc, tăng 2,04% so với tháng trước; 470 ngàn đôi giày thể thao, tăng 1,59%; 11.775 ngàn m2 gạch ốp lát, tăng 4,40%; 1.575 máy điều hòa không khí, giảm 4,66%; 5.571 xe ô tô các loại, tăng 0,92%; 198.075 xe máy các loại, tăng 1,16%; 492 triệu kwh điện thương phẩm giảm 1,58%; 2.040 ngàn m­3 nước máy thương phẩm giảm 2,56%; dịch vụ sản xuất linh kiện điện tử đạt 6.728 tỷ đồng, tăng 2,17% so với tháng trước ....

Quý III, sản phẩm sản xuất của các doanh nghiệp dự kiến đạt 63.255 tấn thức ăn gia súc, tăng 1,57% so với quý trước; 1.521 ngàn đôi giày thể thao, tăng 9,43%; 33.860 ngàn m2 gạch ốp lát, tăng 14,04%; 5.476 máy điều hòa không khí, giảm 11,35%; 16.345 xe ô tô các loại, tăng 2,05%; 590.837 xe máy các loại, tăng 13,31%; 1.675 triệu kwh điện thương phẩm, tăng 24,35%; 6.139 ngàn m3 nước máy thương phẩm, tăng 11,76%; dịch vụ sản xuất linh kiện điện tử đạt 18.655 tỷ đồng, tăng 45,06% so với quý trước....

Tính chung chín tháng đầu năm, sản phẩm sản xuất của các doanh nghiệp trên địa bàn thực hiện: 184.156 tấn thức ăn gia súc, tăng 16,40% so với cùng kỳ năm trước; 4.170 ngàn đôi giày thể thao, tăng 8,05%; 92.313 ngàn m2 gạch ốp lát, tăng 0,31%; 15.740 máy điều hòa không khí, tăng 6,18%; 47.095 xe ô tô các loại, tăng 24,77%; 1.575.042 xe máy các loại, tăng 10,47%; 4.090 triệu kwh điện thương phẩm, tăng 22.51%; 16.665 ngàn m­3 nước máy thương phẩm, tăng 15,61%; dịch vụ sản xuất linh kiện điện tử đạt 44.492 tỷ đồng, tăng 24,38% so với cùng kỳ năm trước....

c) Chỉ số sử dụng lao động, chỉ số tiêu thụ, tồn kho

Chỉ số sử dụng lao động trong các doanh nghiệp công nghiệp trên địa bàn tỉnh tháng Chín tăng 1,01% so với cùng tháng năm trước. Tính chung 9 tháng đầu năm, chỉ số sử dụng lao động trong các doanh nghiệp công nghiệp tăng 0,16% so với cùng kỳ. Phân theo ngành công nghiệp, chỉ số sử dụng lao động của ngành khai khoáng 9 tháng đầu năm tăng 1,60%, ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 0,13%, ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt và điều hòa không khí tăng 6,27%... Theo thành phần kinh tế, chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp nhà nước giảm 1,65%; doanh nghiệp ngoài nhà nước giảm 5,47%; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 1,27% so với cùng kỳ năm trước.

Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng Chín tăng 1,27% so với tháng trước. Chín tháng đầu năm, hầu như các ngành đều có chỉ số tiêu thụ tăng, như ngành sản xuất chế biến thực phẩm tăng 17,58%, ngành sản xuất xe có động cơ tăng 23,04%, ngành sản xuất phương tiện vận tải tăng 9,60%...; một số ngành có chỉ số tiêu thụ giảm là ngành dệt giảm 43,44%, ngành sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại giảm 0,82%....

Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng Chín tăng 5,49% so với tháng trước. Trong đó, ngành sản xuất da và các sản phẩm có liên quan giảm 28,54%,  ngành sản xuất kim loại giảm 1,41%, ngành sản xuất xe có động cơ tăng 3,84%, ngành sản xuất phương tiện vận tải khác tăng 13,16%...

4. Đầu tư - xây dựng

Vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn tỉnh trong quý III ước đạt 8.513 tỷ đồng, tăng 10,19% so với quý II và tăng 9,42% so với quý III năm 2017. Lũy kế 9 tháng đầu năm ước đạt 21.644 tỷ đồng, tăng 8,67% so với cùng kỳ. Vốn đầu tư cho xây dựng cơ bản vẫn chiếm tỷ trọng cao trong, lũy kế 9 tháng đầu năm đạt trên 15.226 chiếm 70,34% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Kết quả thực hiện cụ thể như sau:

- Vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn nhà nước: Nhìn chung, tình hình thực hiện vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước trên địa bàn đảm bảo thực hiện đúng tiến độ và bám sát kế hoạch năm. Số công trình dự án mới khởi công trong quý tăng đáng kể, các công trình trọng điểm tiếp tục được tỉnh tập trung vốn, tháo gỡ khó khăn trong quá trình thi công để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, nhằm đạt được các mục tiêu và kế hoạch đã đề ra. Kết quả, tổng vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn nhà nước trên địa bàn tỉnh quý III ước đạt 1.822 tỷ đồng, tăng 22,12% so với quý II; Lũy kế 9 tháng đầu năm vốn thực hiện ước đạt 4.577,7 tỷ đồng.

- Vốn ngoài nhà nước: Trong quý III, đầu tư cho sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn cũng như các hộ dân cư và trang trại tăng mạnh. Bên cạnh đó, Tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các nhà đầu tư trong nước; cải thiện môi trường đầu tư, giúp cho cộng đồng doanh nghiệp từng bước vượt qua khó khăn, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh. Vốn đầu tư khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước có mức tăng ổn định.

Tổng vốn đầu tư khu vực ngoài nhà nước quý III ước đạt 4.342 tỷ đồng, tăng  5,38% so với quý II và tăng 14% so với quý cùng kỳ năm trước. Trong đó, vốn thực hiện của các tổ chức doanh nghiệp ước đạt 1.629 tỷ đồng, tăng 2,04% so với quý II; vốn đầu tư sản xuất kinh doanh và đầu tư xây dựng nhà ở của hộ dân cư ước đạt 2.713 tỷ đồng, tăng 7,49% so với quý II và tăng 25,51% so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng đầu năm, vốn đầu tư ngoài nhà nước ước đạt 11.234 tỷ đồng, tăng 12,44% so với cùng kỳ năm trước.

- Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài:Công tác xúc tiến đầu tư tiếp tục được tỉnh quan tâm, đẩy mạnh. Năm 2018, tỉnh chú trọng tập trung hoàn thiện các cơ sở hạ tầng tại nhiều cụm, khu công nghiệp trong tỉnh đồng thời có những chính sách thu hút đầu tư linh hoạt, thông thoáng để thu hút các nhà đầu tư. Trong tháng Tám, Vĩnh Phúc đã thu hút được 35,4 triệu USD vốn FDI; Trong đó, cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 5 dự án, gồm: Dự án Nhà máy gia công dập linh kiện phi kim Nagano Tech Việt Nam, dự án Công ty TNHH SJ Electronics Vina, dự án Công ty TNHH Đông nam Megatek, dự án sản xuất linh kiện điện tử Joinset và dự án nhà máy sản xuất ISC Vina với tổng vốn đầu tư 13,4 triệu USD; thực hiện điều chỉnh tăng vốn cho 6 dự án với tổng vốn đầu tư tăng thêm gần 22 triệu USD. 

Hiện tại, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh đang tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để trình phê duyệt chủ trương đầu tư và thành lập khu công nghiệp Thái Hoà - Liễn Sơn - Liên Hoà giai đoạn 1, đồng thời tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án trong quá trình triển khai, hoạt động; tiếp tục chỉ đạo các công ty phát triển hạ tầng đẩy nhanh tiến độ xây dựng các khu công nghiệp; hướng dẫn các chủ đầu tư hạ tầng triển khai thực hiện các quy định mới theo Nghị định 82 của Chính phủ về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế; mời gọi các nhà đầu tư mới vào các khu công nghiệp; tiếp tục triển khai kế hoạch đầu tư xây dựng hạ tầng khu công nghiệp Bình Xuyên II – giai đoạn 2 và khu công nghiệp Sông Lô 2.

Tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài quý III ước thực hiện 2.350 tỷ đồng, tăng 11,18% so với quý II và tăng 17,78% so với quý cùng kỳ năm trước. Trong quý, các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài trên địa bàn tỉnh sản xuất kinh doanh ổn định, các doanh nghiệp mới được cấp phép đang khẩn trương đầu tư xây dựng nhà xưởng, máy móc thiết bị, tuyển dụng và đào tạo lao động phục vụ sản xuất kinh doanh của mình. Lũy kế 9 tháng đầu năm, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 5.833,67 tỷ đồng tăng 16,09 % so với cùng kỳ năm trước.

5. Tài chính, ngân hàng

a) Thu chi ngân sách

Tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh 9 tháng đầu năm ước thực hiện 21.675 tỷ đồng, đạt 72% dự toán và bằng 109% so cùng kỳ. Trong đó, thu nội địa ước đạt 18.430 tỷ đồng, bằng 69% dự toán và bằng 108% so cùng kỳ. Một số lĩnh vực thu chủ yếu như sau: Thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước đạt 161 tỷ đồng, bằng 81% dự toán; thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 14.639 tỷ đồng, bằng 63% dự toán; thu tiền sử dụng đất đạt 1.200 tỷ đồng... Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 9 tháng đầu năm ước thực hiện 3.200 tỷ đồng, đạt 108% dự toán.

Tình hình thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước 9 tháng đầu năm và dự kiến cả năm là rất khó khăn, khả năng không đạt dự toán chủ yếu từ lĩnh vực thu từ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Nguyên nhân là do: Thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với dòng xe 1.5cm3 trở xuống giảm từ 40% xuống còn 35% và dòng xe từ 1.5cm3 đến 2.0cm3 giảm từ 45% xuống 40% kể từ năm 2018 làm giảm thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp từ năm 2018; giá xe sản xuất trong nước của hai Công ty Honda và Toyota  giảm do thuế suất nhập khẩu đối với linh kiện ô tô từ các nước ASEAN giảm xuống còn 0% và do phải cạnh tranh với các hãng ô tô khác; năm 2018, hai Công ty Honda va Toyota chuyển chiến lược kinh doanh sang sản xuất các dòng xe có dung tích xi lanh nhỏ, thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt thấp cho nên thuế bình quân phải nộp trên 1 xe sản trong nước của hai công ty giảm; năm 2018 Công ty Honda chỉ sản xuất dòng xe City (dòng xe 1.5cm3) không sản xuất dòng xe CRV mà chuyển sang nhập khẩu. Đồng thời, năm 2018 công ty Honda tiếp tục đầu tư mở rộng tại Hà Nam sẽ làm ảnh hưởng đến số thu ngân sách nhà nước của tỉnh Vĩnh Phúc; cơ cấu tiêu thụ dòng xe sản xuất trong nước thay đổi từ dòng xe có dung tích cao sang dòng xe có dung tích thấp hơn; các công ty chuyển từ sản xuất sang nhập khẩu các dòng xe dung tích xilanh từ 2.0 cm3 trở lên do có lợi thế hơn sản xuất trong nước; do ảnh hưởng của Nghị định 116/NĐ-CP của Chính phủ quy định về điều kiện nhập khẩu xe ô tô, do đó từ đầu năm đến nay hai công ty Honda và Toyota chưa nhập khẩu xe, việc nhập khẩu xe để bán được thực hiện vào những tháng cuối năm 2018, từ đó làm ảnh hưởng đến số nộp thuế nội địa trên địa bàn tỉnh.

Tổng chi ngân sách địa phương 9 tháng đầu năm ước thực hiện đạt 7.429 tỷ đồng, bằng 45% dự toán và bằng 82% so cùng kỳ. Trong đó, chi đầu tư phát triển đạt 2.711 tỷ đồng, bằng 47% dự toán và bằng 67% so cùng kỳ; chi thường xuyên đạt 4.532 tỷ đồng, bằng 45% dự toán và bằng 91% so cùng kỳ.

b) Tín dụng, ngân hàng

Các tổ chức tín dụng trên địa bàn tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ; đa dạng hóa và đẩy mạnh sử dụng các phương tiện, gia tăng dịch vụ thanh toán mới, hiện đại, phù hợp với các chuẩn mực thông lệ và quốc tế; tăng cường hoạt động đảm bảo an ninh, an toàn đối với hệ thông thanh toán; thực hiện giao dịch một cửa tạo thuận lợi cho khách hàng đến giao dịch góp phần phục vụ kinh tế - xã hội tại địa phương. Chủ động tiếp cận với các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài để mở rộng dịch vụ thanh toán, dịch vụ trả lương cho cán bộ công nhân viên qua tài khoản ngân hàng; tăng cường tiếp cận dịch vụ ngân hàng của người thu nhập thấp, các doanh nghiệp nhỏ và vừa. 

Lãi suất huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn 9 tháng đầu năm tương đối ổn định, phổ biến ở mức từ 0,6% đến 1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; từ 4,3% đến 5,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; từ 5,3% đến 6,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn trên 12 tháng ở mức từ 6,5% đến 7,3%/năm.

Thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ và định hướng điều hành của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt nam, với mục tiêu đồng hành cùng khách hàng, từ tháng 2 năm 2018 một số ngân hàng thương mại trên địa bàn đã giảm mức lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên. Hiện, mặt bằng lãi suất cho vay trên địa bàn phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức từ 6% đến 6,5%/năm đối với ngắn hạn; từ  7% đến 9%/năm đối với trung, dài hạn. Lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường ở mức tư 6,8% đến 9%/năm đối với ngắn hạn; từ 9% đến 10,5%/năm đối với trung và dài hạn. Đối với nhóm khách hàng tốt, tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch, lãi suất cho vay ngắn hạn từ 4% đến 5%/năm. Lãi suất ở mức hợp lý đã tác động tích cực đến nền kinh tế, tiếp tục chia sẻ và góp phần tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh.

Đến 31/8/2018, nguồn vốn huy động đạt 63.781 tỷ đồng, tăng 3,14% so với cuối năm 2017; trong đó, huy động vốn trên 12 tháng đạt 18.254 tỷ đồng, chiếm 28,62% tổng nguồn vốn huy động, tăng 36,36% so với cuối năm 2017. Dự kiến đến 30/9/2018, tổng nguồn vốn huy động đạt 65.350 tỷ đồng, tăng 5,67% so với cuối năm 2017. Trong đó, tiền gửi các tổ chức kinh tế 24.410 tỷ đồng, giảm 6,55% so với cuối năm 2017; tiền gửi tiết kiệm 39.760 tỷ đồng, tăng 14,49% so với cuối năm 2017; phát hành giấy tờ có giá 1.180 tỷ đồng, tăng 19,07% so với cuối năm 2017.

Cùng với công tác huy động vốn, hệ thống tổ chức tín dụng trên địa bàn chú trọng mở rộng tín dụng có hiệu quả; tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực phi sản xuất, lĩnh vực có rủi ro cao như bất động sản, chứng khoán, BOT... Tính đến ngày 31/8/2018, tổng dư nợ cho vay trên địa bàn đạt 61.422 tỷ đồng, tăng 2,66% so với tháng trước và tăng 16,25% so với cuối năm 2017. Dự kiến đến 30/9/2018, tổng dư nợ cho vay đạt 62.130 tỷ đồng, tăng 17,59% so với cuối năm 2017. Trong đó, dư nợ cho vay ngắn hạn đạt 38.785 tỷ đồng, tăng 19,61% so với cuối năm 2017, chiếm 62,43% tổng dư nợ; dư nợ cho vay trung và dài hạn đạt 23.345 tỷ, tăng 14,36% so với cuối năm 2017, chiếm 37,57% tổng dư nợ.

6. Thương mại, dịch vụ và giá cả

a) Bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng

Tháng Chín và chín tháng đầu năm, các cơ sở kinh doanh thương mại và dịch vụ trên địa bàn không có biến động nhiều về số lượng và quy mô hoạt động. Kết quả kinh doanh thương mại và dịch vụ trên địa bàn tỉnh có sự phát triển khá so với cùng kỳ. Khối lượng lưu chuyển hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng đảm bảo đáp ứng tốt nhu cầu cho sản xuất và tiêu dùng của đời sống nhân dân.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong tháng Chín ước đạt 4.095,4 tỷ đồng, tăng 16,49% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, kinh tế nhà nước đạt 137,1 tỷ đồng, tăng 8,74%; kinh tế tập thể đạt 7,1 tỷ đồng, tăng 12,59%; kinh tế cá thể đạt 2.005 tỷ đồng, tăng 17,03%; kinh tế tư nhân đạt 1.706,4 tỷ đồng, tăng 18,69%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 239,6 tỷ đồng, tăng 3,21% so với cùng kỳ.

Tính chung chín tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 34.121,9 tỷ đồng, tăng 11,99% so với cùng kỳ năm trước. Phân theo nhóm ngành kinh doanh, doanh thu bán lẻ hàng hóa chín tháng đầu năm ước đạt 29.300,3 tỷ đồng, chiếm 85,87% tổng mức và tăng 12,42% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, lữ hành và hoạt động hỗ trợ du lịch đạt 2.798 tỷ đồng, chiếm 8,20% tổng mức và tăng 9,10% so với cùng kỳ năm trước; các ngành dịch vụ tiêu dùng khác ước đạt 2.023,5 tỷ đồng, chiếm 5,93% tổng mức và tăng 9,10% so cùng kỳ năm trước.

b) Vận tải hành khách và hàng hoá

Trong tháng Chín và chín tháng đầu năm, tình hình kinh doanh vận tải trên địa bàn tỉnh có xu hướng ổn định và có mức tăng, giảm không lớn giữa các tháng. Kinh doanh vận tải hàng hóa đường bộ cũng như đường thủy đều tăng so với cùng kỳ năm trước; trong đó, vận tải hàng hóa đường thủy có mức tăng khá cao do số cơ sở tham gia vận chuyển hàng hóa đường thủy tăng cũng như trọng tải của các tàu ngày càng lớn.

Khối l­ượng hành khách vận chuyển trên địa bàn tỉnh tháng Chín ­ước đạt 2.076 ngàn ngư­ời, luân chuyển đạt 169 triệu ngư­ời.km; so với tháng trước, vận chuyển tăng 0,8%, luân chuyển tăng 1,18%; so với cùng kỳ năm trước, vận chuyển tăng 17,02%, luân chuyển tăng 15,92% về người km. Tính chung chín tháng đầu năm, vận chuyển hành khách đạt 18,16 triệu người, luân chuyển đạt 1.287 triệu người.km, so với cùng kỳ năm trước vận chuyển giảm 4,81%, luân chuyển giảm 3,31%.

Tổng khối l­ượng hàng hoá vận chuyển trên địa bàn tỉnh tháng Chín ­ước đạt 2.867 ngàn tấn, luân chuyển 192 triệu tấn.km; so với tháng trước, vận chuyển hàng hóa tăng 2,96%, luân chuyển tăng 3,11%; so với cùng kỳ năm trước, vận chuyển hàng hóa tăng 8,28%, luân chuyển tăng 15%. Tính chung chín tháng đầu năm, vận chuyển hàng hóa đạt 23,5 triệu tấn, luân chuyển đạt 1.666 triệu tấn.km, so với cùng kỳ năm trước vận chuyển hàng hóa tăng 8,62%, luân chuyển tăng 9,55%.

Tổng doanh thu vận tải tháng Chín ước đạt 381 tỷ đồng, tăng 18,17% so cùng kỳ. Trong đó, vận tải hành khách tăng 13,26%, vận tải hàng hoá tăng 20,07%. Tính chung chín tháng đầu năm, tổng doanh thu vận tải đạt 2.974,6 tỷ đồng, tăng 9,73% so cùng kỳ. Trong đó, doanh thu vận tải đường bộ đạt 2.409,4 tỷ đồng tăng 7,16%; doanh thu vận tải đường sông đạt 565,2 tỷ đồng, tăng 22,24% so với cùng kỳ.

c) Chỉ số giá tiêu dùng

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng Chín tăng 0,50% so với tháng trước. Trong đó, nhóm giáo dục có mức tăng cao nhất so với tháng trước với 4,06%; một mặt, do tháng Chín là thời điểm bước vào đầu năm học mới, nhu cầu mua sắm dụng cụ học tập và các loại sách vở tăng; bên cạnh đó một số trường Cao đẳng, Đại học đóng trên địa bàn áp dụng mức tăng học phí năm học 2018-2019 theo Nghị quyết  số 24/2016/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh với mức tăng đồng loạt khoảng 10% dẫn đến chỉ số gia của nhóm tăng cao, ảnh hưởng đến CPI chung của tỉnh. Một số nhóm hàng khác có mức tăng nhẹ.

Tính chung chín tháng đầu năm, CPI bình quân tăng 4,21% so với bình quân cùng kỳ. CPI chín tháng tăng do chịu tác động của một số yếu tố sau:

- Từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu đã trải qua 19 kỳ điều chỉnh. So với đầu năm, giá xăng A95 đã tăng thêm 2.230 đồng/lít, xăng sinh học E5 tăng 1.700 đồng/lít. Đây là nguyên nhân chính làm chỉ số nhóm giao thông bình quân chín tháng đầu năm tăng 6,97% so với bình quân cùng kỳ;

- Thực hiện Nghị định 72/2018/NĐ-CP, từ 1/7/2018 điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,3 triệu đồng/tháng lên 1,39 triệu đồng/tháng so với trước đây (tăng 6,92%). Mức lương cơ sở tăng đã kéo chỉ số nhóm bảo hiểm y tế tăng 6,41%;

- Học phí các trường đại học trên địa bàn được điều chỉnh tăng theo lộ trình qui định tại Nghị định 86/2015/NĐ-CP ngày 2/10/2015 của Chính phủ, nên chỉ số nhóm giáo dục tăng 3,02%;

- Giá thép xây dựng tăng 6,97% so với bình quân cùng kỳ do khan hiến nguồn cung nguyên liệu, giá ga cũng tăng 7,16% là những nguyên nhân dẫn đến chỉ số nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng tới 6,25%;

- Theo Thông tư số15/2018/TT-BYT ngày 30/5/2018 của Bộ Y tế về Quy định thống nhất giá dịch vụ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc, kể từ ngày 15/7/2018 giá một số dịch vụ y tế trên địa bàn tỉnh đã giảm, nhưng tính chung chín tháng đầu năm chỉ số giá của nhóm thuốc và dịch vụ y tế vẫn tăng tới 23,57% so với bình quân cùng kỳ (sáu tháng đầu năm tăng 35,16%) là yếu tố tác động mạnh đến mức tăng CPI bình quân chung chín tháng đầu năm của toàn tỉnh...

II. MỘT SỐ VẤN ĐỀ XÃ HỘI

1. Công tác giải quyết lao động, việc làm, bảo đảm an sinh xã hội

Công tác thông tin về thị trường lao động, tư vấn và giới thiệu việc làm được các ngành chức năng duy trì thực hiện. Trung tâm Dịch vụ việc làm của tỉnh định kỳ mở phiên giao dịch việc làm tại Sàn giao dịch việc làm vào ngày thứ 5 hàng tuần, tích cực phối hợp với doanh nghiệp trong tỉnh, trao đổi thông tin với ngành chức năng của các tỉnh lân cận trong việc cung ứng lao động đảm bảo chất lượng theo yêu cầu của doanh nghiệp. Tính từ đầu năm đến ngày 13/9/2018, Trung tâm Dịch vụ việc làm của tỉnh đã tổ chức 30 phiên giao dịch việc làm tại Sàn và mở các phiên sàn giao dịch việc làm lưu động tại các huyện, các trường đào tạo nghề của tỉnh; đã có hàng nghìn lao động được tuyển trực tiếp tại sàn; hàng chục nghìn lượt người được tư vấn về chính sách lao động, việc làm, học nghề và bảo hiểm thất nghiệp…

Công tác đào tạo nghề trên địa bàn đã thực hiện đổi mới phương pháp giảng dạy và thực hành, đầu tư hiện đại hóa cơ sở vật chất và trang thiết bị; nâng cao trình độ đội ngũ giáo viên dạy nghề. Trong đó, Trường Cao đẳng nghề Vĩnh Phúc là một trong 45 cơ sở giáo dục đào tạo trên toàn quốc được lựa chọn để đầu tư thành trường nghề chất lượng cao đến năm 2020 với những ngành nghề phục vụ cho cách mạng công nghiệp 4.0, nghề trọng điểm cấp độ quốc tế, khu vực ASEAN và cấp quốc gia như: công nghệ thông tin, cắt gọt kim loại, điện tử công nghiệp, cơ điện tử, kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí; kỹ thuật sửa chữa và lắp ráp máy tính. Trong thời gian tới, các trường dạy nghề của tỉnh cần chủ động hơn nữa trong việc đào tạo nguồn lao động đáp ứng yêu cầu sản xuất công nghiệp thời 4.0; chú trọng đào tạo kỹ năng mềm, kỹ năng khởi nghiệp, tác phong lao động công nghiệp; xây dựng các mô hình liên kết đào tạo theo nhu cầu xã hội, phối hợp kiểm tra, đánh giá chất lượng học sinh, sinh viên, kiểm tra kết quả thực tập tay nghề và giải quyết việc làm cho học viên sau khi tốt nghiệp.

Những năm qua, cùng với tập trung phát triển kinh tế, tỉnh Vĩnh Phúc đặc biệt quan tâm đến công tác bảo đảm an sinh xã hội. Bằng những chủ trương, biện pháp cụ thể, thiết thực, hệ thống chính sách an sinh xã hội ngày càng đồng bộ, hoàn thiện; đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao; an sinh xã hội đã trở thành chỗ dựa vững chắc cho người nghèo, cận nghèo và các đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn. Chín tháng đầu năm, các cơ quan chức năng thực hiện các chương trình thăm hỏi, tặng quà cho các hộ nghèo nhân các dịp lễ, tết và triển khai hỗ trợ tiền điện cho các hộ gia đình thuộc diện được trợ giúp; tiếp tục áp dụng chính sách cho vay và hỗ trợ lãi suất cho vay đối với hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số, đối tượng chính sách, học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn đang theo học tại các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp.

Chế độ, chính sách cho các đối tượng chính sách, gia đình khó khăn được quan tâm thực hiện kịp thời, đầy đủ theo quy định. Tỉnh đã tổ chức thăm hỏi và tặng quà của Chủ tịch nước và của tỉnh tới đối tượng chính sách là người có công, các đơn vị trực tết và bệnh nhân mắc bệnh nặng không về nhà ăn Tết, góp phần động viên, thăm hỏi kịp thời các đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh. Trong kỳ, các cấp, các ngành đã trao tặng 1.275 suất quà tương ứng với số tiền trên 455,4 triệu đồng cho trẻ em; tặng 20 xe đạp, 130 suất học bổng cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn..., triển khai nhiều hoạt động truyền thông về quyền trẻ em, phát động tháng hành động vì trẻ em năm 2018, triển khai mô hình Hệ thống bảo vệ trẻ em dựa vào cộng đồng; xây dựng kế hoạch phòng chống tai nạn thương tích trẻ em, tổ chức diễn đàn “Vì cuộc sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em trong thế giới công nghệ số”, truyền thông về xây dựng mô hình “Ngôi nhà an toàn” cho trẻ em...

Nhân dịp kỷ niệm 71 năm ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2018), tỉnh Vĩnh Phúc đã tổ chức nhiều hoạt động tri ân như: Tổ chức đoàn đại biểu đi dâng hương tại Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn tỉnh Quảng Trị; tổ chức dâng hương và thắp nến tri ân tại toàn bộ nghĩa trang liệt sỹ trong tỉnh; thực hiện khám chữa bệnh miễn phí cho đối tượng chính sách, người có công trên địa bàn; tổ chức Lễ Cầu siêu hương hồn các anh hùng, liệt sỹ tại Đài Tưởng niệm liệt sỹ tỉnh; tổ chức các hoạt động văn nghệ quần chúng nhằm vinh danh người có công và phát động phong trào đền ơn đáp nghĩa; thăm hỏi, tặng quà của Chủ tịch nước và của tỉnh đến các gia đình chính sách. Công tác thăm hỏi, tặng quà các đối tượng chính sách được thực hiện chu đáo, kịp thời, đúng quy định cho 28.938 người với tổng số quà tặng trên 16,659,8 triệu đồng, trong đó Quà của Chủ tịch nước 5.084,6 triệu đồng, quà của tỉnh 11.575,2 triệu đồng.

2. Giáo dục và đào tạo

Từ đầu năm đến nay, ngành Giáo dục đã tổ chức nhiều lớp tập huấn, bồi dưỡng về chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ như dạy học các chủ đề tích hợp liên môn, kỹ năng sống, kỹ năng xây dựng mô hình học tập,... cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong ngành. Thực hiện tốt công tác tuyển sinh và khai giảng năm học mới 2018 - 2019. Đầu tư cơ sở vật chất trường học từng bước được điều chỉnh giữa các cấp học cho phù hợp với nhu cầu thực tế, nhất là đối với bậc học mầm non; công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia được đẩy nhanh tiến độ gắn với yêu cầu chuẩn chất lượng và từng bước đạt chất lượng cao.

Chất lượng giáo dục cả đại trà và mũi nhọn tiếp tục được giữ vững. Kết quả thi THPT quốc gia năm 2018, Vĩnh Phúc là một trong 4 tỉnh có điểm bình quân các môn cao nhất cả nước; tỷ lệ học sinh lớp 12 tốt nghiệp đạt 98,48%. Năm học 2017-2018, Vĩnh Phúc có 70 học sinh đoạt giải, trong đó, có 4 giải Nhất, 32 giải Nhì, 24 giải Ba và 10 giải Khuyến khích; Cuộc thi Olympic tiếng Anh trên internet, Vĩnh Phúc giành 29 Huy chương Vàng (HCV), 31 Huy chương Bạc (HCB) và 35 Huy chương Đồng (HCĐ); Cuộc thi Toán qua Internet, học sinh Vĩnh Phúc đạt 49 HCV, 43 HCB, 27 HCĐ; Cuộc thi Câu lạc bộ Toán tuổi thơ toàn quốc năm 2018, đạt 7 HCV, 7 HCB và 5 HCĐ.

Năm học 2018-2019, ngành Giáo dục và đào tạo tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết 29 BCH Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI; Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; đưa nội dung các cuộc vận động và phong trào thi đua thành các hoạt động thường xuyên của ngành. Tăng cường phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; thực hiện tốt phân luồng sau THCS và liên thông giữa các chương trình giáo dục, cấp học và trình độ đào tạo; xây dựng xã hội học tập, đa dạng hóa phương thức học tập đáp ứng nhu cầu nâng cao hiểu biết và tạo cơ hội học tập suốt đời cho người dân.

3. Y tế, vệ sinh an toàn thực phẩm

Để góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, cũng như góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch về việc lập hồ sơ sức khỏe cá nhân trên địa bàn tỉnh với lộ trình thực hiện năm 2018 khám, lập hồ sơ quản lý cho 50% dân số, năm 2019 là 70%, năm 2020 là 90% và đến năm 2025 là 100% người dân được lập hồ sơ quản lý sức khỏe.

Công tác tuyên truyền phòng chống dịch bệnh tiếp tục được ngành chức năng duy trì và triển khai sâu rộng trên địa bàn tỉnh, nhằm nâng cao ý thức nhân dân trong việc tự phòng bệnh. Bên cạnh đó, ngành Y tế chủ động theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, chỉ đạo các bệnh viện, cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện đúng quy trình kỹ thuật chuyên môn để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, tăng cường công tác vệ sinh buồng bệnh, thực hiện tốt công tác chống nhiễm khuẩn trong các bệnh viện, khám sàng lọc bệnh nhân, phát hiện sớm ca bệnh và điều trị kịp thời. Đồng thời, chú trọng duy trì tốt công tác chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho nhân dân. Từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh không xảy ra bệnh dịch lớn, chỉ xuất hiện rải rác các bệnh tiêu chảy, cúm, quai bị, thủy đậu, tay - chân - miệng...

Công tác tuyên truyền phổ biến Luật An toàn thực phẩm, truyền thông phổ biến kiến thức về an toàn vệ sinh thực phẩm được thực hiện thường xuyên. Sở Y tế tỉnh đã tổ chức phối hợp liên ngành trong công tác thanh kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và dịch vụ ăn uống, khuyến khích các cơ sở sản xuất, kinh doanh chân chính tiếp tục nói không với thực phẩm bẩn vì một xã hội an toàn, lành mạnh. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra vụ 01 vụ ngộ độc thực phẩm tại nhà hàng Nhị Xiên, phường Xuân Hòa, thành phố Phúc Yên với 111 người mắc và đi viện, không có người tử vong, nguyên nhân do vi khuẩn Samonella Enteritidis có trong thịt gà hấp.

4. Các hoạt động văn hoá và thể thao

Chín tháng đầu năm, nhiều hoạt động văn hoá, nghệ thuật diễn ra sôi nổi, đa dạng nhằm chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước, của tỉnh. Trong kỳ, Đoàn Nghệ thuật Ca múa nhạc Vĩnh Phúc tham dự Liên hoan Ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc 2018 do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức đã giành 5 huy chương (gồm 01 HCV, 04 HCB) và 01 Bằng khen của Hội Nhạc sỹ Việt Nam; tham gia “ Liên hoan Hát văn, Hát Chầu văn” toàn quốc năm 2018 tại Huế đạt thành tích xuất sắc... Bên cạnh đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xây dựng kế hoạch, kịch bản và luyện tập chương trình Ngày hội Văn hóa các dân tộc vùng Đông Bắc lần thứ X năm 2018.

Hoạt động thể dục, thể thao diễn ra sôi nổi. Tổ chức thành công giải Kéo co, cờ tướng, võ thuật cổ truyền Mừng Đảng - Mừng Xuân Mậu Tuất; tổ chức thành công Ngày chạy Olympic vì sức khoẻ toàn dân năm 2018; phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức thàng công Vòng chung kết toàn quốc cuộc thi Sáng tạo Robot Việt Nam 2018; phối hợp với Liên đoàn Bóng chuyền tổ chức giải bóng chuyền hạng A toàn quốc, vòng loại, bảng A tại Vĩnh Phúc; tổ chức thành công Đại hội Thể dục thể thao tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ V năm 2018... Từ đầu năm đến nay, tỉnh đã cử các vận động viên tham gia thi đấu tại 50 giải quốc gia và quốc tế, kết quả đã đạt 176 huy chương các loại, trong đó có 50 HCV, 53 HCB và 73 HCĐ.

5. Tình hình trật tự, an toàn giao thông và phòng chống cháy nổ

Trong kỳ, tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội nhìn chung ổn định. Đảm bảo tuyệt đối an toàn các sự kiện chính trị, xã hội quan trọng diễn ra trên địa bàn tỉnh. Lực lượng Công an triển khai đồng bộ các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm, các vụ phạm tội về trật tự xã hội, các vụ trọng án nhanh chóng được điều tra, làm rõ. Công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc phát huy hiệu quả.

Trật tự an toàn giao thông được đảm bảo, không xảy ra các điểm đen mất an toàn giao thông, tuy nhiên các lỗi vi phạm khi tham gia nạn giao thông còn khá phổ biến do ý thức của người tham gia giao thông còn hạn chế. Theo báo cáo của Ban An toàn giao thông tỉnh, trong 03 ngày nghỉ Lễ 2/9, trên địa bàn tỉnh xảy ra 01 vụ tai nạn giao thông. Tính từ đầu năm đến ngày 15/9/2018, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 27 vụ tai nạn giao thông, làm 23 người chết, 19 người bị thương; so với cùng kỳ năm trước, giảm 02 vụ, giảm 03 người chết và giảm 18 người bị thương.

Theo số liệu báo cáo của Công an tỉnh Vĩnh Phúc, trong tháng Chín trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 03 vụ cháy, ước tính giá trị thiệt hại 50 triệu đồng. Lũy kế từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh xảy ra 27 vụ cháy, ước giá trị thiệt hại trên 8,3 tỷ đồng.

Công tác về bảo vệ môi trường được các ngành chức năng chú trọng, Tỉnh đã tổ chức, thực hiện thành công các hoạt động như: Hỗ trợ kinh phí cho công tác bảo vệ môi trường ở các xã xây dựng nông thôn mới; tổ chức tuyên truyền lưu động và diễu hành hưởng ứng Ngày Nước thế giới (22/3) với chủ đề “Nước với Thiên nhiên”; tổ chức Lễ Diễu hành hưởng ứng Chiến dịch Giờ trái đất năm 2018; tổ chức Lễ Mít tinh hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới (5/6)… Từ đầu năm đến nay, các cơ quan chức năng trong tỉnh đã phát hiện 23 vụ vi phạm môi trường; số vụ vi phạm bị xử lý là 23 vụ, số tiền xử phạt trên 1 tỷ đồng.

Để chủ động sẵn sàng ứng phó với mọi diễn biến bất thường của thời tiết, thiên tai có thể xảy ra, năm 2018, công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch của Trung ương, của tỉnh về phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; kiểm tra, rà soát, đánh giá hiện trạng công trình, kiên quyết ngăn chặn, xử lý dứt điểm các hành vi vi phạm an toàn về đê điều, hồ đập trước mùa mưa lũ. Chủ động chuẩn bị đủ nhân lực, vật tư theo phương châm “4 tại chỗ”; nâng cao năng lực phòng ngừa, sức chống chịu trước thiên tai, khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu và các hình thái thiên tai cực đoan khác... Chín tháng đầu năm, trên địa bàn tỉnh chỉ xảy ra một số đợt mưa lớn, các ngành chức năng và nhân dân đã nhanh chóng triển khai các biện pháp khắc phục hậu quả, do đó thiệt hại là không đáng kể./.

 

luat_sua_doi_ltk

Đang truy cập: 11
Trong ngày: 42
Trong tuần: 966
Lượt truy cập: 1405640

Xin cho biết ý kiến của bạn về trang thông tin điện tử Cục Thống kê tỉnh Vĩnh Phúc?
Tốt
Khá
Trung bình
Kém

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỤC THỐNG KÊ TỈNH VĨNH PHÚCChung nhan Tin Nhiem Mang

Địa chỉ: Số 20

Lý Thái Tổ - Phường Đống Đa - Thành phố Vĩnh Yên - Tỉnh Vĩnh Phúc

Điện thoại: 0211 3 861 139, Fax: 0211 3 843 841Email: vinhphuc@gso.gov.vn, cuctk@vinhphuc.gov.vn