.::. Cung cấp thông tin đầy đủ, trung thực là trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, đơn vị sự nghiệp, hiệp hội, cơ sở hành chính, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng trên địa bàn .::. .............................................................................................................................................................................................................. ........................................  

Tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Vĩnh Phúc tháng 10 và 10 tháng đầu năm 2018

Lời văn

Số liệu



1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản

a. Nông nghiệp

- Trồng trọt: Hiện nay, bà con nông dân trong tỉnh đã cơ bản thu hoạch xong vụ mùa và khẩn trương gieo trồng cây vụ đông. Tính đến 15/10/2018 toàn tỉnh đã gieo trồng được 11.343 ha, bằng 93,39 %  so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngô 6.569 ha, bằng 85,05%; khoai lang 1.119 ha, bằng 99,64%; đỗ tương 941 ha, bằng 210,51%; lạc 114 ha, bằng 99,13%; rau các loại 2.497 ha, bằng 96,22% so với cùng kỳ... Nhằm tạo động lực và khuyến khích các tổ chức, cá nhân, hộ nông dân tham gia sản xuất cây trồng vụ đông, đặc biệt là sản xuất tập trung theo tiêu chuẩn VietGap, UBND tỉnh tiếp tục ban hành chính sách hỗ trợ về kinh phí sản xuất cây vụ đông tại Quyết định số 2026/QĐ-UBND ngày 31/8/2018. Theo đó, kinh phí hỗ trợ là hơn 12 tỷ đồng cho 8.385 ha cây vụ đông; mức hỗ trợ từ 6-8% chi phí sản xuất, tương đương 1,4 triệu đồng/ha. Tuy nhiên, theo đánh giá của các địa phương, diện tích gieo trồng các loại cây màu vụ đông 2018-2019 tiếp tục giảm so với vụ đông 2017-2018, nhiều diện tích sẽ không được gieo trồng, chủ yếu là do sản xuất vụ đông chi phí lớn, phải sử dụng nhiều công lao động, hiệu quả kinh tế không cao.

- Chăn nuôi: Tình hình sản xuất chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc trong tháng nhìn chung ổn định và phát triển. Số lượng đàn trâu giảm nhẹ so với cùng kỳ, trong khi đàn bò, đàn gia cầm có chiều hướng phát triển khá; một mặt do giá các loại sản phẩm ở mức khá cao, người chăn nuôi có lãi nên yên tâm đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, mặt khác đây cũng là tháng các hộ chăn nuôi vào đàn để chuẩn bị sản phẩm cung cấp cho thị trường vào dịp Tết Nguyên đán. Riêng đàn lợn, do trong những tháng gần đây giá lợn hơi ở mức khá cao, nên người dân đang có xu hướng tăng đàn trở lại.

Công tác phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm thường xuyên được các cấp lãnh đạo quan tâm chỉ đạo các địa phương thực hiện, nên trong tháng không có dịch bệnh xảy ra. Hiện nay, các địa phương trên địa bàn tỉnh đang triển khai tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm và khử trùng, tiêu độc, vệ sinh chuồng trại đợt 2 năm 2018.  

b. Lâm nghiệp

Đến nay, các đơn vị sản xuất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh trồng đ­ược 690 ha rừng tập trung, tăng 6,01% so với cùng kỳ và đạt 106,15% kế hoạch năm. Trong đó, rừng sản xuất 656 ha; rừng đặc dụng 20 ha; rừng phòng hộ 14 ha. Công tác bảo vệ, chăm sóc và nuôi dưỡng rừng luôn được duy trì với 510 ha rừng được chăm sóc và 9.847 ha rừng được bảo vệ; khoanh nuôi tái sinh, phục hồi rừng được Vườn Quốc gia Tam Đảo duy trì thường xuyên với diện tích 40 ha được chuyển tiếp từ năm trước sang. Kế hoạch trồng cây UBND tỉnh giao từ đầu năm được các huyện, thành phố đã chủ động thực hiện nên số lượng cây lâm nghiệp trồng phân tán tăng cao, đạt 1.600,3 nghìn cây tăng 200% so với năm trước.

Công tác phòng chống cháy rừng luôn được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo tích cực; đồng thời, lực lượng kiểm lâm thường xuyên phối hợp với chủ rừng thực hiện việc tuyên truyền bảo vệ, phòng chống cháy rừng nên trong tháng không xảy ra vụ cháy rừng nào.

c. Thuỷ sản

Dự kiến đến hết tháng Mười, diện tích nuôi trồng thuỷ sản đạt 6.971 ha, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, diện tích nuôi cá chiếm chủ yếu với 97,7% tổng diện tích. Đến nay diện tích nuôi trồng thủy sản đã ổn định, các cơ sở, hộ nuôi trồng thủy sản đang tích cực đầu tư, chăm sóc nhất là trên các diện tích một lúa, một cá để có thể thu hoạch vào dịp cuối năm. Sản lượng thuỷ sản trong tháng dự kiến đạt 1.786 tấn, tăng 3,4% so với cùng kỳ. Tính chung mười tháng đầu năm sản lượng thủy sản đạt 17.571 tấn, tăng 4% so cùng kỳ.

2. Sản xuất công nghiệp

a) Chỉ số sản xuất

Hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh trong tháng tiếp tục ổn định, các doanh nghiệp đang khẩn trương đẩy nhanh tiến độ, tăng năng suất để hoàn thành mục tiêu kế hoạch đề ra trong năm. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng Mười tăng 2,97% so tháng trước và tăng 6,24% so cùng kỳ. Chia theo ngành kinh tế cấp I, các ngành tăng, giảm tương ứng so với tháng trước và cùng kỳ như sau: Ngành công nghiệp khai khoáng tăng 1,66% và tăng 38,38%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 3,02% và tăng 6,03%; ngành sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hoà không khí tăng 0,12% và tăng 23,35%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải tăng 0,40% và tăng 6,01%. Tính chung mười tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 14,57% so với cùng kỳ năm 2017.

Tình hình cụ thể một số ngành như sau:

-  Chỉ số sản xuất của ngành sản xuất kim loại thnags mười tăng 1,01% so với tháng trước và tăng 10,32% so với cùng kỳ; tính chung mười tháng đầu năm tăng tới 18,20%. Các doanh nghiệp trong ngành này luôn tạo môi trường tốt cho người lao động, tạo ra những sản phẩm đạt chất lượng cao, đồng thời tiếp tục mở rộng thị trường xuất khẩu nên sản lượng tiêu thụ khá;

- Ngành sản xuất chế biến thực phẩm với sản phẩm chính là thức ăn gia súc, gia cầm có chỉ số sản xuất trong tháng tăng 2% so với tháng trước, và tăng 16,75% so với cùng kỳ; mười tháng đầu năm tăng 15,96%. Một mặt do đàn gia cầm như gà, vịt có chiều hướng phát triển khá trong thời gian gần đây; bên cạnh đó, giá thịt lợn hơi đang ở mức cao, người dân có xu hướng tăng đàn trở lại, là điều kiện thuận lợi cho ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi phát triển;

- Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cùng với nhu cầu linh kiện điện tử ngày cành cao của các tập đoàn điện tử đa quốc gia tại Việt Nam như Sam Sung, LG, Nokia...kéo theo các ngành công nghiệp phụ trợ trên địa bàn tỉnh phát triển. Chỉ số sản xuất của ngành sản xuất linh kiện điện tử tháng Mười tăng 5,82% so với tháng trước và tăng 8,66% so với cùng kỳ; cộng dồn mười tháng đầu năm, chỉ số sản xuất của ngành này tăng 21,76%. Đây là ngành đang chiếm ưu thế và có đóng góp chiếm tỷ lệ cao trong ngành công nghiệp cũng như trong tăng trưởng kinh tế của toàn tỉnh;

- Chỉ số sản xuất của ngành sản xuất xe có động cơ tăng 1,31% so với tháng trước và tăng 28,25% so với cùng kỳ. Nhu cầu về các loại xe gia đình trong những năm gần đây có xu hướng tăng cao, thị trường xe ô tô nhập khẩu đang rất sôi động với nhiều dòng xe với mẫu mã và giá cả khác nhau. Đứng trước khó khăn đó, các nhà sản xuất xe trong nước liên tục đưa ra thị trường những mẫu xe phù hợp xu hướng và nhu cầu sử dụng của người dùng, nhiều chương tình giảm giá và quà tặng đi kèm nhằm cạnh tranh xe nhập ngoại. Vì vậy, lượng sản phẩm tiêu thụ trong tháng đạt mức khá, chỉ số sản xuất mười tháng đầu năm tăng 24,23% so cùng kỳ, góp phần đóng góp vào tăng trưởng chung của toàn ngành;

- Ngành sản xuất phương tiện vận tải trong tháng tuy chỉ tăng 0,63% so với tháng trước và giảm 2,93% so với cùng kỳ, nhưng tính chung mười tháng đầu năm chỉ số sản xuất vẫn tăng tới 8,58% so với cùng kỳ.

Các ngành công nghiệp còn lại tiếp tục ổn định và phát triển.

b) Sản phẩm công nghiệp chủ yếu

Sản lượng một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tháng Mười dự kiến có mức tăng cao so với tháng trước và so với cùng kỳ. Trong đó, sản xuất được trên 21 nghìn tấn thức ăn cho gia súc, tăng  2% so tháng trước và tăng 16,75% so với cùng kỳ năm trước; 633 nghìn đôi giày dép các loại, tăng 12,93 và tăng 45,82%; xe ô tô các loại đạt 5.271 chiếc, tăng 1,31% và tăng 28,25%; gạch ốp lát đạt 11.809 nghìn m2, tăng 3,37% và tăng tăng 7,08%... Tính chung mười tháng đầu năm, các đơn vị sản xuất công nghiệp trên địa bàn sản xuất được trên 204 nghìn tấn thức ăn gia súc, tăng 15,96% so với cùng kỳ; 4.894 nghìn đôi giày dép các loại, tăng  14%; gạch ốp lát đạt 103.770 ngàn m2, tăng 0,7%; xe ô tô các loại đạt 51.998 chiếc, tăng 24,23%; xe máy các loại đạt 1.766.845 chiếc, tăng 8,58%; doanh thu linh kiện điện tử đạt trên 60 nghìn tỷ đồng, tăng 21,76% so với cùng kỳ năm 2017...

c) Chỉ số sử dụng lao động, chỉ số tiêu thụ, tồn kho

Chỉ số sử dụng lao động trong các doanh nghiệp công nghiệp trên địa bàn tỉnh tháng Mười tăng 1,08% so với tháng trước và tăng 0,81% so với cùng kỳ.

Tính chung mười tháng đầu năm, chỉ số sử dụng lao động trong các doanh nghiệp công nghiệp tăng 0,2% so với cùng kỳ. Phân theo ngành công nghiệp, chỉ số sử dụng lao động của ngành khai khoáng mười tháng đầu năm tăng 11,22%, ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 0,19%, ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt và điều hòa không khí tăng 5,26%... Theo thành phần kinh tế, chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp nhà nước giảm 2,01%, doanh nghiệp ngoài nhà nước giảm 4,73%, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 1,51% so với cùng kỳ năm trước.

Trong tháng Mười, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 1,18%, chỉ số tồn kho tăng 1,46% so với tháng trước. Một số ngành đạt được cả hai tiêu chí là chỉ số tiêu thụ tăng, chỉ số tồn kho giảm như: ngành sản xuất xe có động cơ chỉ số tiêu thụ tăng 0,74%, chỉ số tồn kho giảm 2,33%; ngành sản xuất phương tiện vận tải chỉ số tiêu thụ tăng 0,49%, chỉ số tồn kho giảm 3,77%...

 

3. Đầu tư, xây dựng

Tổng vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý tháng Mười ước đạt trên 611 tỷ đồng, tăng 3,9% so với tháng trước và bằng 94,2% tháng cùng kỳ năm trước. Trong đó, thực hiện từ nguồn vốn ngân sách cấp tỉnh trên 444 tỷ đồng, vốn ngân sách cấp huyện là 130 tỷ đồng, vốn ngân sách cấp xã là 37 tỷ đồng. Trong tháng, Các công trình, dự án trọng điểm của tỉnh tiếp tục được tập trung nguồn lực thực hiện và giải ngân vốn; các dự án đường giao thông nông thôn, công trình trường học, trạm y tế đã được phê duyệt của một số xã chuẩn bị về đích trong chương trình xây dựng nông thôn mới đang được chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu sớm. Lũy kế đến hết tháng Mười, vốn đầu tư thuộc nguồn ngân sách nhà nước thực hiện đạt trên 4.780 tỷ đồng, bằng 97,9% so với cùng kỳ năm trước và bằng 76,36% kế hoạch vốn giao đầu năm.

4. Thương mại, dịch vụ và giá cả

a) Bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng

Tình hình kinh doanh thương mại và dịch vụ trên địa bàn tỉnh tháng Mười ổn định và có sự phát triển khá so với cùng kỳ. Các mặt hàng thiết yếu được cung ứng đầy đủ, kịp thời cho nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của đời sống nhân dân. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong tháng dự kiến đạt 4.226,9 tỷ đồng, tăng 2,31 % so với tháng trước và tăng 17,04% so với cùng kỳ. Trong đó, kinh doanh thương mại đạt 3.671,6 tỷ đồng tăng 2,83% so với tháng trước và tăng 17,85% so với cùng kỳ; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 306,7 tỷ đồng, giảm 3,02% so với tháng trước và tăng 9,06% so với cùng kỳ; ngành du lịch lữ hành đạt 7,5 tỷ, giảm 5,38% so tháng trước và tăng 7,12% so cùng kỳ; các ngành dịch vụ phục vụ tiêu dùng khác đạt 241,2 tỷ đồng, tăng 1,76% so với tháng trước và tăng 15,98% so với cùng kỳ năm 2017.

Tính chung mười tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 38.385,2 tỷ đồng, tăng 12,63% so với cùng kỳ năm trước. Phân theo nhóm ngành kinh doanh, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 33.005,2 tỷ đồng, chiếm 85,98% tổng mức và tăng 13,11% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, lữ hành và hoạt động hỗ trợ du lịch đạt 3.113,9 tỷ đồng, tăng 9,15%; ngành dịch vụ tiêu dùng khác đạt 2.266 tỷ đồng, tăng 10,61% so cùng kỳ năm trước.

b) Vận tải hành khách và hàng hoá

Khối l­ượng hành khách vận chuyển trên địa bàn tỉnh tháng Mười ­ước đạt 2,16 triệu ngư­ời, luân chuyển đạt 176 triệu ngư­ời km. So với tháng trước, vận chuyển và luân chuyển hành khách đều tăng 3%; so với cùng kỳ năm trước tăng  lần lượt là 7,73% và 10,03%. Lỹ kế từ đầu năm đến nay, vận chuyển hành khách đạt 20,3 triệu người, giảm 3,52% so với cùng kỳ; luân chuyển đạt  1.465 triệu người.km, giảm 1,77% so với cùng kỳ năm 2017.

Tổng khối l­ượng hàng hoá vận chuyển trên địa bàn tỉnh tháng Mười ước đạt 2,9 triệu tấn, luân chuyển đạt 201 triệu tấn.km. So với tháng trước, vận chuyển và luân chuyển hàng hóa tăng lần lượt là 3,12% và 3,23%; so với cùng kỳ năm trước tăng  lần lượt là 18,14% và 13%. Tính chung mười tháng đầu năm, vận chuyển hàng hóa đạt 26,5 triệu tấn, tăng 9,74% so với cùng kỳ; luân chuyển đạt 1.869 triệu tấn.km, tăng 10,02% so với cùng kỳ năm 2017.

Tổng doanh thu vận tải trong tháng ước đạt 404,5 tỷ đồng, tăng 20,29% so với cùng kỳ. Trong đó, vận tải hành khách đạt 84,6 tỷ đồng, tăng 11,43%; vận tải hàng hoá đạt 310 tỷ đồng tăng 24,74% so cùng kỳ. Mười tháng đầu năm tổng doanh thu đạt 3.383 tỷ đồng, tăng 11,02% so cùng kỳ.

c) Chỉ số giá tiêu dùng

Thị trường hàng tiêu dùng trên địa bàn tỉnhtrong tháng ổn định, giá các mặt hàng cơ bản không có nhiều biến động lớn, nguồn cung hàng hóa dồi dào đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng Mười tăng 0,32% so với tháng trước, tăng 3,13% so vớí cùng tháng năm trước và tăng 3,11% so với tháng Mười hai năm trước. Tính chung mười tháng đầu năm, CPI bình quân tăng 4,1% so cùng kỳ. Nguyên nhân làm CPI tháng này tăng so với tháng trước là do giá một số nhóm hàng thiết yếu tăng như:

- May mặc, mũ nón, giày dép tăng 1,72%.Trong tháng, do ảnh hưởng của yếu tố thời tiết, có những đợt không khí lạnh tràn về, đã làm cho nhu cầu may mặc, mua sắm quần áo ấm của người dân tăng lên nên giá thành nhóm hàng may mặc có biến động tăng nhẹ;

- Nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,34%. Chủ yếu do mặt hàng gas tiếp tục được điều chỉnh tăng 12.000đ/bình 12kg từ 1/10/2018 với mức tăng 3,27%; cùng với đó mặt hàng dầu hỏa cũng tăng 2,86% so với tháng trước;

- Thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,03%. Mặt hàng tăng chủ yếu trong nhóm là đèn điện thắp sáng tăng 2,91%, đồ điện khác (dây dẫn điện) tăng 1,40% do nhu cầu hoàn thiện các công trình xây dựng trên địa bàn tăng, thêm vào đó giá xăng dầu tăng cũng làm ảnh hưởng tới giá thành các loại đồ điện;

- Nhóm giao thông tăng 1,71%so với tháng trước, chủ yếu là nhóm nhiên liệu tăng 3,34%.

Giá vàng trên địa bàn giảm 0,28% so với tháng trước, giá bình quân trên thị trường tự do là 3.518 nghìn đồng/chỉ. Ngược chiều với giá vàng, giá Đô la Mỹ trên thị trường tự do tăng 0,22% so với tháng trước, giá bán bình quân phổ biến ở mức 22.617 đồng/USD.

Các nhóm còn lại giá tương đối ổn định và biến động nhẹ.

5. Tài chính, ngân hàng

a) Thu chi ngân sách

Tổng thu ngân sách trên địa bàn tính đến 20/10/2018 đạt 22.868 tỷ đồng, bằng 75% dự toán. Trong đó, thu nội địa ước đạt 18.972 tỷ đồng, bằng 71% dự toán. Một số lĩnh vực thu chủ yếu như sau: Thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước đạt 176 tỷ đồng, bằng 88% dự toán; thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 14.758 tỷ đồng, bằng 63% dự toán; thu tiền sử dụng đất đạt 1.797 tỷ đồng... Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 3.831 tỷ đồng, bằng 129% dự toán.

Tổng chi ngân sách địa phương đến 20/10/2018 thực hiện đạt 11.923 tỷ đồng, bằng 72% dự toán. Trong đó, chi đầu tư phát triển đạt 5.964 tỷ đồng; chi thường xuyên đạt 5.932 tỷ đồng, bằng 58% dự toán.

b) Tín dụng, ngân hàng

Đến 30/09/2018, nguồn vốn huy động đạt 62.533 tỷ đồng, tăng 1,12% so với cuối năm 2017. Trong đó, huy động vốn trên 12 tháng đạt 18.162 tỷ đồng, chiếm 29,04% tổng nguồn vốn huy động, tăng 35,67% so với cuối năm 2017. Ước thực hiện đến 30/10/2018, tổng nguồn vốn huy động đạt 65.350 tỷ đồng, tăng 5,67% so với cuối năm 2017. Trong đó, tiền gửi các tổ chức kinh tế đạt 22.330 tỷ đồng, giảm 14,51%; tiền gửi tiết kiệm đạt 39.900 tỷ đồng, tăng 14,89%; phát hành giấy tờ có giá 950 tỷ đồng, giảm 4,14% so với cuối năm 2017.

Tổng dư nợ cho vay trên địa bàn đến 30/9/2018 đạt 63.123 tỷ đồng, tăng 2,77% so với tháng trướcvà tăng 19,47% so với cuối năm 2017. Cùng với công tác huy động vốn, hệ thống tổ chức tín dụng trên địa bàn chú trọng mở rộng tín dụng có hiệu quả; tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực phi sản xuất, lĩnh vực có rủi ro cao như bất động sản, chứng khoán, BOT... Ước đến ngày 30/10/2018, tổng dư nợ cho vay trên địa bàn đạt 63.640  tỷ đồng, tăng 20,45% so với cuối năm 2017. Trong đó, dư nợ cho vay ngắn hạn đạt 40.360 tỷ đồng, chiếm 63,42% tổng dư nợ, tăng 24,47 % so với cuối năm 2017; dư nợ cho vay trung và dài hạn đạt 23.280 tỷ, chiếm 36,58% tổng dư nợ và tăng 14,04 % so với cuối năm 2017.

6. Một số vấn đề xã hội

a) Giáo dục và đào tạo

Trong tháng Mười, cùng với việc chỉ đạo nâng cao chất lượng dạy và học, ngành Giáo dục và Đào tạo đã tăng cường công tác quản lý, hướng dẫn các trường thực hiện thu các khoản đóng góp đầu năm học theo đúng quy định, công khai, minh bạch, đảm bảo không để việc thu các khoản đóng góp đầu năm học bị biến tướng thành lạm thu, gây dư luận bức xúc. Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh đã có văn bản chỉ đạo các trường trên địa bàn tỉnh phải thực hiện thu đúng, thu đủ các khoản thu theo quy định, không thu các nội dung đã được ngân sách cấp chi thường xuyên. Đối với các khoản thu phục vụ trực tiếp học sinh như: Tiền học 2 buổi/ngày, ăn bán trú, nước uống, tăng cường kỹ năng sống, học ngoại ngữ, sổ liên lạc điện tử, may đồng phục… chỉ được thu theo nguyên tắc tự nguyện, không ép buộc, không cào bằng, công khai, minh bạch thu, chi…

Trong tháng, Sở Giáo dục, đào tạo tỉnh Vĩnh Phúc đã tổ chức tổ chức kỳ thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp từ giáo viên hạng III lên giáo viên hạng II. Kỳ thi được tổ chức trong 2 ngày 13 và 14/10/2018 với 1.253 viên chức tham gia. Đây là khâu đặc biệt quan trọng và cần thiết nhằm để đánh giá, lựa chọn đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn của chức danh nghề nghiệp viên chức. Thông qua mỗi kỳ thi, giáo viên có thêm cơ hội tự đánh giá bản thân, từ đó, nêu cao tinh thần tự giác học tập, rèn luyện, phấn đấu nâng cao trình độ năng lực, thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ.

Tuần lễ học tập suốt đời năm 2018 với chủ đề “Học ở trường, học ở sách vở, học lẫn nhau và học ở nhân dân” được tổ chức tại các trường PTTH, Trung tâm GDTX trên địa bàn tỉnh. Đây là hoạt động thường xuyên, được tổ chức hàng năm đã trở thành phong trào quần chúng rộng khắp trong tỉnh và là nhân tố quan trọng để phát huy phong trào khuyến học, khuyến tài, từng bước xây dựng xã hội học tập. Tuần lễ diễn ra từ ngày 01 đến ngày 7/10/2018 với các hoạt động mang nội dung hướng dẫn cho người học các kỹ năng tìm kiếm, khai thác và sử dụng thông tin trên mạng Internet, giới thiệu các tài liệu điện tử hữu ích trên website của nhà trường; khuyến khích giáo viên, học sinh tham gia các cộng đồng, câu lạc bộ đọc sách online bằng cách tạo các trang Facebook hay Blogs của thư viện nhà trường để học sinh và giáo viên trao đổi về những cuốn sách hay, đảm bảo cho mọi công dân có cơ hội bình đẳng trong học tập đào tạo, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về xã hội học tập và học tập suốt đời.

b) Y tế, chăm sóc sức khỏe

Tháng Mười là thời điểm giao mùa nên nguy cơ bùng phát dịch bệnh truyền nhiễm tăng cao. Trước tình hình đó, ngành Y tế đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch bệnh dễ phát sinh và lây lan trong cộng đồng dân cư nên trong tháng trên địa bàn tỉnh không xảy ra dịch bệnh lớn, chỉ có một số ca bệnh sốt xuất huyết, viêm não Nhật Bản, tay chân miệng, sốt phát ban nghi sởi rải rác tại các địa phương. Ngành Y tế đã chủ động theo dõi giám sát tình hình các ca bệnh dịch, chỉ đạo các đơn vị y tế  chủ động phòng chống dịch, tập trung kiểm tra giám sát và tổ chức điều trị kịp thời cho người bệnh; tuyên truyền hướng dẫn nhân dân trong công tác vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh trong nhà trường không để dịch bệnh lây lan, không có bệnh nhân tử vong do dịch.

Công tác thanh, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn vệ sinh thực phẩm của các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể trên địa bàn tỉnh được duy trì thường xuyên.  Trong tháng, đã tiến hành kiểm tra được 480 lượt cơ sở sản xuất, chế iến, kinh doanh thực phẩm và dịch vụ ăn uống, trong đó có 434 cơ sở đạt tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm, đạt 90,4%; 46 cơ sở không đạt tiêu chuẩn do vi phạm các nội dung về an toàn vệ sinh thực phẩm, đã nhắc nhở 42 cơ sở, phạt tiền 4 cơ sở nộp ngân sách nhà nước trên 37 triệu đồng. Trong tháng không có vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra.

c) Tình hình cháy nổ, bảo vệ môi trường và an toàn giao thông 

Tháng Mười, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc xảy ra 03 vụ cháy, thiệt hại về tài sản ước tính hơn 320 triệu đồng. Luỹ kế từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 30 vụ cháy nổ, làm chết 01 người, bị thương 10 người, tổng giá trị thiệt hại về tài sản ước tính 8,64 tỷ đồng.

Trong tháng, các cơ quan chức năng đã tổ chức kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Qua kiểm tra đã phát hiện 02 vụ vi phạm môi trường; số vụ vi phạm môi trường đã xử lý là 02 vụ với số tiền xử phạt 38,6 triệu đồng.

Theo báo cáo của Ban An toàn giao thông tỉnh, từ ngày 16/9/2018 đến ngày 15/10/2018, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 05 vụ tai nạn giao thông, làm 04 người chết, 06 người bị thương; so với cùng kỳ năm trước, số vụ tai nạn giao thông tăng 01 vụ, số người bị thương tăng 06 người. Lũy kế từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 32 vụ tai nạn giao thông, trong đó có 31 vụ tai nạn giao thông đường bộ, 01 vụ tai nạn giao thông đường thủy; làm 27 người chết, và 25 người bị thương. So với cùng kỳ năm trước, giảm cả số vụ, số người chết và số người bị thương. Nguyên nhân chủ yếu gây ra các vụ tai nạn trên là do người điều khiển phương tiện giao thông không chú ý quan sát, không làm chủ tốc độ, chuyển hướng không đảm bảo an toàn và đi sai phần đường./.

 

luat_sua_doi_ltk

Đang truy cập: 5
Trong ngày: 29
Trong tuần: 1139
Lượt truy cập: 1423002

Xin cho biết ý kiến của bạn về trang thông tin điện tử Cục Thống kê tỉnh Vĩnh Phúc?
Tốt
Khá
Trung bình
Kém

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỤC THỐNG KÊ TỈNH VĨNH PHÚCChung nhan Tin Nhiem Mang

Địa chỉ: Số 20

Lý Thái Tổ - Phường Đống Đa - Thành phố Vĩnh Yên - Tỉnh Vĩnh Phúc

Điện thoại: 0211 3 861 139, Fax: 0211 3 843 841Email: vinhphuc@gso.gov.vn, cuctk@vinhphuc.gov.vn