.::. Cung cấp thông tin đầy đủ, trung thực là trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, đơn vị sự nghiệp, hiệp hội, cơ sở hành chính, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng trên địa bàn .::. .............................................................................................................................................................................................................. ........................................  

Tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Vĩnh Phúc tháng 11 và 11 tháng đầu năm 2018

Lời văn

Số liệu



1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản

a) Nông nghiệp

+ Trồng trọt:  Hiện nay, bà con nông dân các địa phương trong tỉnh đang tập trung chăm sóc rau màu vụ Đông và gieo trồng tiếp một số loại cây còn trong khung thời vụ. Sản xuất Vụ Đông năm 2018, cơ cấu cây trồng tiếp tục chuyển dịch theo hướng mở rộng diện tích cây trồng có năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế cao, thị trường dễ tiêu thụ. Các mô hình Vùng rau an toàn theo quy trình VietGap, mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị từ đồng ruộng đến người tiêu dùng được đầu tư mở rộng quy mô. Tính đến ngày 15/11/2018, toàn tỉnh đã gieo trồng được 15.106 ha, giảm 12,93%  so với cùng kỳ. Trong đó, ngô đông 7.276 ha, giảm 25,50%; khoai lang 1.559 ha, giảm 7,99%; đậu tương 1.001 ha, giảm 0,51%; lạc 184 ha, tăng 12,10%; rau các loại 4.276 ha, tăng 4,77%; cây trồng khác 809 ha, tăng 27,54%  so với cùng kỳ năm 2017...

Công tác dự báo tình hình sâu bệnh trên cây trồng được các ngành chức năng của tỉnh đặc biệt quan tâm theo dõi chặt chẽ. Trong tháng, một số đối tượng sâu bệnh hại đã xuất hiện rải rác với mức độ nhẹ trên cây trồng ở các địa phương như: Bệnh đốm lá, gỉ sắt trên cây ngô; sâu tơ, sâu cuốn lá, sâu khoang trên cây rau, cây đậu tương; bệnh sương mai, giả sương mai trên cây cà chua, dưa chuột...Các đối tượng sâu bệnh trên đã được phát hiện, xử lý kịp thời. Nhìn chung các loại cây trồng đang sinh trưởng và phát triển tốt.

+ Chăn nuôi: Tình hình chăn nuôi trong tháng tiếp tục duy trì được ổn định. Các hộ chăn nuôi gia cầm đang vào đàn để chuẩn bị sản phẩm cung cấp cho thị trường vào dịp tết Nguyên đán. Sản lượng sản phẩm chăn nuôi thu được trong tháng đều đạt khá, đáp ứng tốt nhu cầu thị trường. Công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm được thực hiện tốt. Đến nay, toàn tỉnh đã hoàn thành tiêm phòng vắc xin cho gia súc, gia cầm và khử trùng tiêu độc vệ sinh môi trường chăn nuôi đợt 2 năm 2018 với hơn 2,7 triệu liều vắc xin cúm, 151 nghìn liều vắc xin lở mồm long móng và hơn 141 nghìn liều vắc xin dịch tai xanh, tụ huyết trùng và dịch tả được tiêm cho các đàn gia súc, gia cầm trong toàn tỉnh.

 b) Lâm nghiệp

Trong tháng, các đơn vị sản xuất lâm nghiệp và các địa phương trên địa bàn tỉnh tập trung chăm sóc, bảo vệ rừng cùng khai thác gỗ và các loại lâm sản khác. Tính đến nay, diện tích rừng trồng mới tập trung trên địa bàn tỉnh ước đạt 690 ha, đạt 106,15% Kế hoạch năm, tăng 4,88% so với cùng kỳ, trong đó: Rừng sản xuất 656 ha, rừng phòng hộ 14 ha, rừng dặc dụng 20 ha. Công tác chăm sóc rừng đang được tiến hành cho hơn 510 ha, tăng 6,25% so với cùng kỳ; công tác giao khoán, bảo vệ rừng của tỉnh luôn được các chủ rừng và các địa phương quan tâm thực hiện tích cực cho 9.847 ha, tăng 0,91%. Bên cạnh đó, một số địa phương tiếp tục chuyển đổi diện tích rừng đầu nguồn ít xung yếu sang quy hoạch phát triển rừng sản xuất; số cây lâm nghiệp trồng phân tán toàn tỉnh trồng được 1.600 nghìn cây, đạt Kế hoạch đề ra. Sản lượng gỗ khai thác trong tháng ước đạt 2.235 m3, tăng 4,92% so với cùng kỳ; sản lượng củi ước đạt 4.320 ste, tăng 3,56%.

Công tác phòng chống cháy rừng luôn được các cấp, các ngành, các địa phương và chủ rừng quan tâm thực hiện, tháng 11 không xảy ra vụ cháy rừng nào.

c) Thuỷ sản

 Nuôi trồng thuỷ sản trên địa bàn tỉnh trong tháng phát triển ổn định, giá thủy sản trên thị trường đang ở mức tương đối cao, nhu cầu tiêu thụ thủy sản dịp cuối năm sẽ tăng nên các hộ tập trung vào đầu tư, đẩy mạnh thâm canh nâng cao năng suất và đa dạng các loại thủy sản để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Dự kiến đến hết tháng Mười một, diện tích nuôi trồng thủy sản trên toàn tỉnh đạt 6.916 ha, tăng 0,8% so với cùng kỳ; sản lượng thủy sản khai thác đạt 1.888 tấn, giảm 1,8% ; sản lượng thủy sản nuôi trồng đạt 17.350 tấn, tăng 4,8% so với cùng kỳ. Hiện nay, đã vào cuối vụ nuôi thả giống thuỷ sản nên các hộ và các đơn vị chuyên sản xuất, cung ứng giống đang tu sửa, cải tạo diện tích ươm giống và chăm sóc đàn cá bố mẹ để chuẩn bị cho mùa vụ năm sau.

2. Sản xuất công nghiệp

a) Chỉ số sản xuất

Tháng Mười một, hoạt động sản xuất công nghiệp diễn ra khẩn trương, các doanh nghiệp tập trung sản xuất, hoàn thành kế hoạch năm. Chỉ số sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh tháng Mười một tăng 2,56% so với tháng trước và tăng 11,49% so với cùng kỳ. Chia theo ngành kinh tế cấp I, các ngành tăng tương ứng so với tháng trước và cùng kỳ như sau: Ngành công nghiệp khai khoáng tăng 9,33% và tăng 27,66%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 2,56% và tăng 11,38%; ngành sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hoà không khí tăng 1,91% và tăng 22,67%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải tăng 0,74% và tăng 6,53%. Tính chung 11 tháng năm 2018 chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 14,90% so với cùng kỳ năm trước.

Trong tháng, ba ngành ngành công nghiệp thế mạnh của tỉnh là ngành sản xuất ô tô, xe máy và ngành sản xuất linh kiện điện tử tiếp tục là ngành chiếm tỷ trọng cao và có mức tăng trưởng khá. Trong đó, ngành sản xuất linh kiện điện tử có chỉ số sản xuất trong tháng tăng 3,43% so với tháng trước và tăng 38,47% so với cùng kỳ, đang dần vươn lên chiếm tỷ trọng cao nhất trong các ngành chế biến, chế tạo của tỉnh. Với các chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư, đặt biệt đối với các ngành thuộc lĩnh vực có hàm lượng công nghệ cao, đang thu hút rất nhiều doanh nghiệp thuộc lĩnh vực linh kiện điện tử đầu tư tại Vĩnh Phúc.

Ngành sản xuất xe có động cơ vẫn ổn định sản xuất với mức tăng 1,22% so với tháng trước và tăng 13,48% so với cùng kỳ. Trong 11 tháng đầu năm, ngành sản xuất ô tô trong nước chịu nhiều áp lực từ chính sách thuế của nhà nước, đang phải cạnh tranh với thị trường ô tô nhập khẩu đang rất sôi động với nhiều  giá cả và kiểu dáng. Tuy vậy, với nhu cầu đang tăng cao của người dân, đặc biệt là loại xe gia đình, các dòng xe trong nước vẫn là sự lựa chọn của nhiều khách hàng. Do vậy, lượng sản phẩm tiêu thụ trong các tháng gần đây đều đạt khá, chỉ số sản xuất 11 tháng đầu năm tăng 23,71% so cùng kỳ.

Chỉ số sản xuất ngành sản xuất phương tiện vận tải tăng 2,14% so với tháng trước, đây là mức tăng cao trong một vài tháng trở lại đây. Mặc dù so cùng kỳ, chỉ số sản xuất của ngành giảm 8,11%, nhưng tính chung mười một tháng đầu năm chỉ số vẫn tăng 6,99%, đóng góp vào tăng trưởng chung toàn ngành công nghiệp của tỉnh.

Các ngành công nghiệp còn lại đều giữ được nhịp độ tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm trước.

b) Sản phẩm công nghiệp chủ yếu

Tháng Mười một, sản lượng một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh dự kiến có mức tăng cao so với tháng trước và so với cùng: Thức ăn gia súc đạt 24.700 tấn, tăng 5,43% so với tháng trước và tăng 31,93% so với cùng kỳ; giày thể thao 583 ngàn đôi, tăng 1,41% và 33,66%; gạch ốp lát 12.613 ngàn m2 tăng 1,84% và 21,88%; xe ô tô các loại 5.625 tăng 1,22% và 13,48%; điện thương phẩm 484 triệu kwh tăng 1,91% và 22,67%; nước máy thương phẩm 2.054 ngàn m­3 tăng 0,04% và 15,96% ...Tính chung 11 tháng đầu năm 2018, các đơn vị sản xuất công nghiệp trên địa bàn sản xuất được 231.448 tấn thức ăn gia súc, tăng 18,53% so với cùng kỳ; 70.114 ngàn quần áo các loại, tăng  7,85%; 116.959 ngàn m2 gạch ốp lát, tăng 3,14%; 57.909 xe ô tô các loại, tăng 23,71%; 1.983.238 xe máy các loại, tăng 6,99% so với cùng kỳ năm 2017.

c) Chỉ số sử dụng lao động

Chỉ số sử dụng lao động trong các doanh nghiệp công nghiệp trên địa bàn tháng 11 tăng 1,4% so với tháng trước, giảm 2,75% so với cùng kỳ. Tính chung 11 tháng đầu năm, chỉ số sử dụng lao động trong các doanh nghiệp công nghiệp giảm  0,26 % so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, lao động khu vực doanh nghiệp nhà nước giảm 1,06%, doanh nghiệp ngoài nhà nước giảm 3,68%, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 0,64% so với cùng kỳ năm trước.

Ngành chế biến chế tạo với việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tự động hóa thay thế sức lao động ở một số công đoạn dẫn đến chỉ số sử dụng lao động 11 tháng giảm 0,28% so với cùng kỳ, kéo theo chỉ số toàn ngành công nghiệp giảm 0.26%. Trong khi các ngành công nghiệp khác vẫn mở rộng quy mô, tuyển dụng thêm lao động với mức tăng khá so với cùng kỳ năm trước: Ngành khai khoáng tăng 12,08%, ngành cung cấp nước, hoạt động và xử lý rác thải, nước thải tăng 15,76%, ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 5,39%.

d) Chỉ số tiêu thụ, tồn kho

Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 11 năm 2018 tăng 1,97% so với tháng trước và tăng 1,82% so với cùng kỳ. Chỉ số cộng dồn từ đầu năm đến cuối tháng 11 năm 2018 ước tăng 11,53% so với cùng kỳ năm 2017. Một số ngành có chỉ số tiêu thụ tăng cao so với cùng kỳ như ngành sản xuất chế biến thực phẩm tăng 21,5%, ngành sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 49,27%; ngành chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre nứa tăng 48,45%; ngành sản xuất xe có động cơ tăng 21,72%; ngành sản xuất kim loại tăng 23,48%.... Một số ngành có chỉ số tiêu thụ 11 tháng giảm như ngành sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu giảm 8,75%; ngành sản xuất thiết bị điện giảm 15,76%; ngành sản xuất giường tủ bàn ghế giảm 12,14%...

Cùng với mức tiêu thụ tăng cao trong tháng, chỉ số tồn kho của một số ngành tháng 11 năm 2018 giảm nhiều so với tháng trước như ngành chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre nứa giảm 53,25%; ngành sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất và sản phẩm hóa chất giảm 12,93%; ngành sản xuất xe có động cơ giảm 0,65%; ngành sản xuất kim loại giảm 3,01%...làm cho chỉ số tồn kho của toàn ngành công nghiệp chế biến chế tạo tháng 11 giảm 0,31% so với tháng trước nhưng vẫn có mức tăng 6,05% so với cùng kỳ năm 2017.

3. Đầu tư, xây dựng

Tháng 11, tình hình thời tiết thuận lợi cho hoạt động của ngành xây dựng. Với sự nỗ lực và phấn đấu để hoàn thành đúng kế hoạch đề ra, các công trình giao thông, thủy lợi, công trình xây dựng trụ sở, trường học và một số công trình hạ tầng khác đang được tiến hành rất khẩn trương. Ước thực hiện vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý tháng 11 đạt 664,13 tỷ đồng tăng 7,16% so với tháng trước. Trong đó nguồn vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh là 480,82 tỷ đồng tăng 7.24%, vốn ngân sách cấp huyện  141,52 tỷ đồng tăng 6,33%; vốn ngân sách cấp xã là 41,79 tỷ đồng tăng 9,17% so với tháng trước. Lũy kế đến hết tháng 11, vốn đầu tư thuộc nguồn ngân sách nhà nước thực hiện đạt 5.452,84 tỷ đồng, bằng 87,10% tổng nguồn vốn kế hoạch năm.

Qua rà soát tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án, một số công trình xác định không có khả năng hoàn thành kế hoạch vốn được giao đã được UBND tỉnh ra quyết định thu hồi và điều chỉnh bổ sung cho các dự án thuộc các ngành, lĩnh vực khác có nhu cầu tại Quyết định số 2292/QĐ-UBND ngày 04/10/2018, số tiền 185,8 tỷ đồng. Dự kiến số vốn kế hoạch đầu tư công năm 2018 không giải ngân hết đề nghị chuyển nguồn sang thanh toán năm 2019 là khoảng 448,4 tỷ đồng của một số công trình, dự án; gồm: Nhà hát tỉnh Vĩnh Phúc, Bệnh viện Sản nhi, Khu đào tạo vận động viên thể dục thể thao giai đoạn 2, đường từ Cầu Bì La đến trung tâm thị trấn Lập Thạch, Đường song song đường sắt tuyến phía Bắc (đoạn từ đường Nguyễn Tất Thành đến đường QL2C, Đường vành đai 2 Thành phố Vĩnh Yên đoạn từ QL2 đến đường Tôn Đức Thắng, Đầu tư thí điểm áp dụng công nghệ mới trong việc xử lý chất thải y tế ở một số bệnh viện và trung tâm y tế cấp huyện đang có những bức xúc về môi trường, Trường THPT Nguyễn Thị Giang tại địa điểm mới, Trường THPT Trần Hưng Đạo, Trung tâm y tế thị xã Phúc Yên, Hạ ngầm lưới điện trung thế khu du lịch Đại Lải…

4. Thương mại, dịch vụ và giá cả

a) Bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng

Tình hình kinh doanh thương mại và dịch vụ trên địa bàn tỉnh tháng Mười một nhìn chung ổn định và có sự phát triển khá so với cùng kỳ. Các mặt hàng thiết yếu được cung ứng đầy đủ, kịp thời cho nhu cầu sản xuất và tiêu dùng đời sống của nhân dân. Công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, tập trung ngăn chặn, xử lý các vi phạm về kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng hóa không đảm bảo an toàn thực phẩm, được các cơ quan chức năng triển khai tích cực. Lực lượng quản lý thị trường thường xuyên kiểm tra, kiểm soát và xử lý kịp thời những hành vi vi phạm pháp luật về thương mại đã góp phần đẩy mạnh hoạt động kinh doanh, kích thích sức mua của người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong tháng dự kiến đạt 4.331 tỷ đồng, tăng 17,90% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó kinh tế nhà nước đạt 141,5 tỷ đồng, tăng 12,24%; kinh tế tập thể đạt 7,4 tỷ đồng, tăng 11,89%; kinh tế cá thể đạt 2.123,8 tỷ đồng tăng 20,36%; kinh tế tư nhân đạt 1.793,9 tỷ đồng, tăng 17,22%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 264,0 tỷ đồng, tăng 7,49% so với cùng kỳ. Tính chung mười một tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa ước đạt 42.714 tỷ đồng, tăng 13,13% so với cùng kỳ năm trước cụ thể từng ngành như sau:

Tháng 11, tổng mức bán lẻ của 12/12 nhóm hàng đều tăng so cùng kỳ năm trước với mức tăng thấp nhất là ngành sửa chữa xe có động cơ, mô tô, xe máy và xe có động cơ tăng 0,48% và  ngành có mức tăng cao nhất là nhóm hàng may mặc tăng 4,68%. Ngoài ra, một số nhóm hàng có mức tăng cao trong tháng như:  hàng lương thực, thực phẩm tăng 3,98%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 4,06%; gỗ và vật liệu xây dựng tăng 2,05%, ô tô các loại tăng 3,47%...Tính chung 11 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa ước đạt 36.759 tỷ đồng, tăng 13,62% so với cùng kỳ năm trước.

 Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành giảm so với tháng trước, do thời tiết chuyển sang thu đông, kết thúc mùa du lịch nên lượt khách lưu trú và lữ hành giảm mạnh. Ước tháng 11 doanh thu lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành đạt 315 tỷ đồng, giảm 2,65% so với tháng trước và tăng 7,65% so với cùng kỳ. Trong đó, chủ yếu tập trung ở khu vực cá thể với 2.842 tỷ đồng chiếm 82,65%, tăng 9,41% so với cùng kỳ. Lũy kế 11 tháng doanh thu lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành đạt 3.439 tỷ đồng tăng 9,32% so với cùng kỳ. Trong đó dịch vụ ăn uống đạt cao nhất 3.056 tỷ đồng chiếm 88,86% và tăng 9,33% so với cùng kỳ năm 2017.

Doanh thu hoạt động dịch vụ khác có xu hướng tăng hơn trong những tháng cuối năm. Tổng doanh thu tháng Mười Một ước đạt 248 tỷ đồng, tăng 2,33% so với tháng trước và tăng 19,28% so với cùng kỳ năm 2017. Lũy kế 11 tháng, tổng doanh thu dịch vụ khác ước đạt 2.516 tỷ đồng tăng 11,48% so với cùng kỳ năm 2017.

b) Vận tải hành khách và hàng hoá

Để đáp ứng nhu cầu vận chuyển trong điều kiện sản xuất công nghiệp, xây dựng, lưu chuyển hàng hóa tăng cao và nhu cầu đi lại của nhân dân ngày càng lớn, hoạt động vận tải trong tháng đạt kết quả khá cả về sản lượng và doanh thu. Ước khối l­ượng hành khách vận chuyển trên địa bàn tỉnh tháng Mười ­một đạt 2,50 triệu ngư­ời, tăng 2,25% so với tháng trước, luân chuyển đạt 189 triệu ngư­ời km, tăng 2,98. So với cùng kỳ năm trước tăng lần lượt là 29,43% và 16,58%. Lũy kế từ đầu năm đến nay, vận chuyển hành khách đạt 23,1 triệu người, tăng 1,32% so với cùng kỳ; luân chuyển đạt 1.662 triệu người.km, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm 2017.

Tổng khối l­ượng hàng hoá vận chuyển trên địa bàn tỉnh tháng Mười Một ước đạt 2,9 triệu tấn, luân chuyển đạt 211 triệu tấn.km. So với tháng trước, vận chuyển và luân chuyển hàng hóa tăng lần lượt là 3,51% và 3,41%; so với cùng kỳ năm trước tăng lần lượt là 14,18% và 11,7%. Tính chung mười một tháng đầu năm, vận chuyển hàng hóa đạt 29,3 triệu tấn, tăng 10,01% so với cùng kỳ; luân chuyển đạt 2.084 triệu tấn.km, tăng 9,36% so với cùng kỳ năm 2017.

Tổng doanh thu vận tải trong tháng ước đạt 474,5 tỷ đồng, tăng 42,46% so với cùng kỳ. Trong đó, vận tải hành khách đạt 91,3 tỷ đồng, tăng 28,29%; vận tải hàng hoá đạt 368,9 tỷ đồng tăng 45,86% so cùng kỳ. Mười một tháng đầu năm tổng doanh thu đạt 3.906 tỷ đồng, tăng 15,76% so cùng kỳ.

c) Chỉ số giá tiêu dùng

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 năm 2018 trên địa bàn tỉnh giảm 0,79% so với tháng trước; tăng 2,45% so với cùng tháng năm trước và tăng 2,29% so tháng 12 năm trước; bình quân 11 tháng năm 2018 so cùng kỳ tăng 3,94%. Nguyên nhân chính làm CPI tháng này giảm là do giá một số nhóm hàng thiết yếu giảm như: thực phẩm giảm 1,78%; nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng giảm 1,44%; giao thông giảm 2,09%. Các nhóm còn lại giá tương đối ổn định và tăng nhẹ. Diễn biến giá của các nhóm hàng chính trong tháng 11 năm 2018 như sau:

- Hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 1,22% do giá một số mặt hàng như: thịt gia súc tươi sống giảm 5,03%, thịt vịt giảm 1,34%, trứng các loại giảm 2,12%, thủy sản tươi sống giảm 0,38%, rau tươi, khô và chế biến trong tháng giảm 0,11%... đã kéo chỉ số chung của nhóm giảm;

- Nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng giảm 1,44%. Chủ yếu do chỉ số nhóm vật liệu, bảo dưỡng nhà ở chính giảm 0,22%; chỉ số giá điện giảm 2,56%; dầu hỏa tháng 11 giảm 1,03% và giá gas giảm 6,81% so với tháng trước do điều chỉnh giảm của tập đoàn xăng dầu Việt Nam;

- Nhóm giao thông giảm 2,09% so với tháng trước, giảm chủ yếu là nhóm nhiên liệu giảm 4,18% làm cho chỉ số chung của nhóm giảm;

- Nhóm văn hóa, giải trí và dịch vụ tăng 0,02%, chủ yếu ở mặt hàng hoa tươi tăng 0,56% do trong tháng có ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, đã khiến cho thị trường hoa tươi sôi động và giá các loại hoa tăng;

Các nhóm còn lại giá tương đối ổn định.

Giá vàng trên địa bàn tỉnh tăng, chỉ số giá trong tháng tăng 0,77% so với tháng trước. Giá vàng bình quân trên thị trường tự do là 3.545 nghìn đồng/chỉ. Ngược chiều với giá vàng, giá Đô la Mỹ trên thị trường tự do biến động giảm nhẹ 0,03% so với tháng trước. Giá bán bình quân phổ biến ở mức 22.610 đồng/USD.

5. Tài chính, ngân hàng

a) Thu chi ngân sách

Tổng thu ngân sách trên địa bàn tính đến 16/11/2018 đạt 26.832 tỷ đồng, bằng 88% dự toán. Trong đó, thu nội địa ước đạt 22.539 tỷ đồng, bằng 84% dự toán. Một số lĩnh vực thu chủ yếu như sau: Thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước đạt 201 tỷ đồng, bằng 100,5% dự toán; thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 17.919 tỷ đồng, bằng 76% dự toán... Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 4.225 tỷ đồng, bằng 142% dự toán.

Tổng chi ngân sách địa phương đến 16/11/2018 thực hiện ước đạt 13.082 tỷ đồng, bằng 79% dự toán. Trong đó, chi đầu tư phát triển đạt 6.489 tỷ đồng; chi thường xuyên đạt 6.557 tỷ đồng.

b) Tín dụng, ngân hàng

Hoạt động huy động vốn: Các TCTD trên địa bàn tăng cường huy động tiền gửi tiết kiệm trong dân cư, tiền gửi các TCKT và phát hành GTCG, đảm bảo thanh khoản và đáp ứng cho các nhu cầu vốn của nền kinh tế. Ngoài nguồn vốn huy động tại địa phương, các TCTD trên địa bàn nhận vốn điều hoà từ Hội sở chính để tăng nguồn, bù đắp thanh khoản do các TCKT rút ra phục vụ sản xuất kinh doanh. Ước thực hiện đến 30/11/2018, tổng nguồn vốn huy động đạt 65.350 tỷ đồng;, tăng 5,67% so với cuối năm 2017.

Hoạt động tín dụng: Cùng với công tác huy động vốn, hệ thống tổ chức tín dụng trên địa bàn chú trọng mở rộng tín dụng có hiệu quả; tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực phi sản xuất, lĩnh vực có rủi ro cao (như bất động sản, chứng khoán, BOT…), lĩnh vực tín dụng tiêu dùng, đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng. Ước đến 30/11/2018, tổng dư nợ cho vay trên địa bàn đạt 64.680 tỷ đồng, tăng 22,41% so với cuối năm 2017.

6. Một số vấn đề xã hội

a) Về giáo dục

Kỷ niệm 36 năm ngày Hiến chương các Nhà giáo Việt Nam 20/11, ngành Giáo dục đã làm tốt công tác tuyên truyền và tổ chức lễ kỷ niệm trang trọng, ý nghĩa với nhiều hoạt động như: Phong trào thi đua “Dạy tốt- học tốt”, “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”,…Các trường, các địa phương đã tổ chức buổi gặp mặt cán bộ quản lý, giáo viên giỏi tiêu biểu nhằm ôn lại truyền thống vẻ vang, phát huy bản chất tốt đẹp nghề dạy học; nâng cao tinh thần trách nhiệm, giữ gìn phẩm chất đạo đức, bồi dưỡng năng lực nhà giáo; thêm yêu nghề, yêu trò, sáng tạo, tận tụy phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Trong tháng, nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ chào mừng đã diễn ra nhằm góp phần tôn vinh lực lượng làm công tác giáo dục của tỉnh.

Để chuẩn bị cho kỳ thi Chọn học sinh giỏi quốc gia THPT năm học 2018-2019, Sở GD&ĐT đã tổ chức Kỳ thi chọn HSG lớp 12 chương trình THPT chuyên. Toàn tỉnh có 10 trường THPT dự thi với 310 học sinh (164 học sinh lớp 11, 146 học sinh lớp 12) đăng ký dự thi ở 10 môn: Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tin học, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí, Tiếng Anh và Tiếng Pháp. Kỳ thi đã diễn ra nghiêm túc, an toàn. Kết quả, có 30 học sinh (HS) đạt giải nhất, 70 HS đạt giải nhì, 90 HS đạt giải ba và 60 HS đạt giải khuyến khích.

b) Về y tế

Tháng 11, thời tiết đã chuyển sang mùa đông, nguy cơ về các bệnh liên quan đến đường hô hấp như, cảm cúm, viêm mũi họng, viêm phế quản, phổi ...tăng cao. Ngành Y tế đã chủ động giám sát tình hình, chỉ đạo các đơn vị y tế chủ động phòng chống dịch, tăng cường công tác y tế dự phòng, duy trì tốt việc chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân. Trong tháng, trên địa bàn tỉnh không có dịch bệnh lớn xảy ra.

Để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong dịp tết Nguyên đán, Ngành Y tế đã tăng cường công tác thanh, kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về an toàn vệ sinh thực phẩm của các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống trên địa bàn. Trong tháng 10, các đoàn thanh, kiểm tra liên ngành của tỉnh đã tiến hành thanh, kiểm tra 282 cơ sở. Kết quả, có 250 cơ sở đạt tiêu chuẩn về ATVSTP (đạt 88,65%); 32 cơ sở không đạt tiêu chuẩn do vi phạm các nội dung về ATVSTP như: Quảng cáo thực phẩm khi chưa được cơ quan có thẩm quyền xác nhận nội dung theo quy định; khu vực sản xuất không bảo đảm cách biệt nguồn ô nhiễm, không có đủ thiết bị, biện pháp phòng chống côn trùng và động vật gây hại; người lao động không mang, mặc trang phục bảo hộ lao động theo quy định; sản xuất thực phẩm không phù hợp quy chuẩn kỹ thuật tương ứng... Có 30 cơ sở bị nhắc nhở khắc phục và 02 cơ sở bị xử phạt với số tiền là 27 triệu đồng. Trong tháng, trên địa bàn tỉnh không xảy ra trường hợp ngộ độc thực phẩm.

c) Văn hóa thể thao

Ngày 02/11, tại tỉnh Vĩnh Phúc, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức khai mạc Ngày hội Văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc lần thứ X, năm 2018, đón Bằng Unesco ghi danh Nghi lễ và trò chơi kéo co là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Với chủ đề “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc vùng Đông Bắc trong thời kỳ đổi mới - hội nhập và phát triển bền vững đất nước” đã thu hút sự tham gia của trên 1.000 nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công, vận động viên quần chúng, đồng bào các dân tộc 10 tỉnh gồm: Vĩnh Phúc, Bắc Kạn, Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Bắc Giang, Quảng Ninh, Thanh Hóa. Đây là dịp để các tỉnh giới thiệu những tiềm năng về văn hóa, thể thao và du lịch, phát huy giá trị di sản văn hóa các vùng, miền trong khu vực nhằm góp phần phát triển kinh tế, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân; giáo dục truyền thống yêu nước, củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc trên địa bàn.

Hướng tới Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ VIII năm 2018, ngày 15/11/2018, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Lễ xuất quân của Đoàn thể thao Vĩnh Phúc. Tham dự Đại hội, đoàn thể thao Vĩnh Phúc có 11 đội tuyển với 129 VĐV và 23 huấn luyện viên (HLV) tham gia thi đấu các môn: Đua thuyền, bắn súng, bắn cung, xe đạp, Wushu, Pencaksilat, bóng chuyền, quần vợt, karatedo, điền kinh, vật, với mục tiêu đoạt 13 Huy chương vàng trở lên.

d) Tình hình an toàn giao thông và cháy nổ

Theo báo cáo của Ban An toàn giao thông tỉnh, Tính đến 15/11/2018, trên địa bàn tỉnh xảy ra 40 vụ tai nạn giao thông, trong đó, có 39 vụ tai nạn giao thông đường bộ, 1 vụ tai nạn giao thông đường thủy, làm chết 32 người và 35 người bị thương. So với cùng kỳ, giảm cả số người chết và bị thương. Tuy nhiên, tình hình trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh vẫn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn cao. Theo kết luận của cơ quan chức năng, nguyên nhân chủ yếu gây ra các vụ tai nạn là do người điều khiển phương tiện giao thông không quan sát, không làm chủ tốc độ, chuyển hướng không đảm bảo an toàn và đi sai làn đường... Để tăng cường ý thức của người tham gia giao thông, lực lượng cảnh sát giao thông đã phối hợp với các cấp, các ngành tổ chức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông tại các cơ quan, doanh nghiệp, trường học, khu dân cư... Nhưng vẫn còn một bộ phận không nhỏ người tham gia giao thông ý thức chưa cao. Qua đợt tuần tra, kiểm soát, lực lượng chức năng đã ra quyết định xử phạt 4.322 trường hợp với số tiền trên 2,5 tỷ đồng.

Hưởng ứng Tháng an toàn phòng cháy, chữa cháy (PCCC) các cấp, các ngành trong tỉnh đã tập trung tổ chức các hoạt động như: Tuyên truyền trực quan, lưu động về PCCC và cứu nạn cứu hộ (CNCH) ở những nơi đông người và trên hệ thống truyền thanh xã, phường, thị trấn; treo pano, áp phích, băng rôn, khẩu hiệu ở nơi công cộng và cổng các cơ quan, đơn vị; phổ biến kiến thức pháp luật PCCC; xây dựng phương án chữa cháy và huy động nhiều lực lượng, phương tiện tham gia diễn tập PCCC&CNCH. Trong tháng, trên địa bàn tỉnh không xảy ra tình trạng cháy, nổ./.

 

luat_sua_doi_ltk

Đang truy cập: 14
Trong ngày: 143
Trong tuần: 1015
Lượt truy cập: 1406194

Xin cho biết ý kiến của bạn về trang thông tin điện tử Cục Thống kê tỉnh Vĩnh Phúc?
Tốt
Khá
Trung bình
Kém

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỤC THỐNG KÊ TỈNH VĨNH PHÚCChung nhan Tin Nhiem Mang

Địa chỉ: Số 20

Lý Thái Tổ - Phường Đống Đa - Thành phố Vĩnh Yên - Tỉnh Vĩnh Phúc

Điện thoại: 0211 3 861 139, Fax: 0211 3 843 841Email: vinhphuc@gso.gov.vn, cuctk@vinhphuc.gov.vn