.::. Cung cấp thông tin đầy đủ, trung thực là trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, đơn vị sự nghiệp, hiệp hội, cơ sở hành chính, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng trên địa bàn .::. .............................................................................................................................................................................................................. ........................................  

Tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Vĩnh Phúc năm 2018

Lời văn

Số liệu

 


Năm 2018, tỉnh Vĩnh Phúc triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện có nhiều thuận lợi, nhưng cũng còn có những khó khăn nhất định như: công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng vẫn gặp nhiều khó khăn ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các dự án đầu tư; hạ tầng một số khu, cụm công nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu, tình trạng ô nhiễm môi trường ở một số nơi chưa có giải pháp khắc phục hiệu quả... Ngay từ đầu năm UBND tỉnh đã ban hành nhiều giải pháp chỉ đạo, điều hành nhằm thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Quán triệt quan điểm xuyên suốt trong chỉ đạo điều hành là tăng cường kỷ luật, kỷ cương; xây dựng hệ thống hành chính liêm chính, hành động; tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi. Tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành luôn sâu sát cơ sở, nắm chắc tình hình, giải quyết kịp thời những vấn đề quan trọng, cấp bách; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ; đối thoại, lắng nghe, giải quyết kiến nghị, tháo gỡ khó khăn của người dân, doanh nghiệp; thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Nhờ sự nỗ lực, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, tình hình KTXH tỉnh Vĩnh Phúc năm 2018 tiếp tục chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.

I. PHÁT TRIỂN KINH TẾ

1. Tăng trưởng kinh tế

Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) năm 2018 theo giá so sánh ước đạt 79.965 tỷ đồng, tăng 8,03% so với năm 2017. Trong đó, khu vực nông, lâm thủy sản tăng 3,72%; khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 15,20%, khu vực dịch vụ tăng 7,46%.

- Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản: Giá trị tăng thêm ngành nông, lâm nghiệp và thuỷ sản đạt 4.725 tỷ đồng, tăng 3,72% so với năm 2017, đóng góp vào tăng trưởng chung của tỉnh là 0,23 điểm %; riêng ngành nông nghiệp đạt 4.366 tỷ đồng, tăng 3,66%, đóng góp vào tăng trưởng chung của tỉnh là 0,21 điểm %. Trong nông nghiệp, sản xuất vụ đông, vụ xuân trên địa bàn diễn ra trong điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi, vụ mùa một số diện tích tuy có chịu ảnh hưởng của mưa bão nhưng theo đánh giá sơ bộ năng suất của các loại cây trồng đều tăng hơn so với năm 2017; chăn nuôi đã có bước phát triển khá do trong năm giá lợn hơi đã tăng trở lại, giá các sản phẩm chăn nuôi ở mức cao, tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng, sản lượng trứng, sữa bò đạt khá.

- Khu vực công nghiệp - xây dựng: Tổng giá trị tăng thêm ngành công nghiệp, xây dựng đạt 40.959 tỷ đồng, tăng 15,20% so với năm 2017, đóng góp vào tăng trưởng chung của tỉnh là 7,30 điểm %.

Từ đầu năm đến nay, lĩnh vực công nghiệp tiếp tục thể hiện vai trò quan trọng trong bức tranh phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Vĩnh Phúc với các ngành công nghiệp mũi nhọn duy trì được tốc độ tăng trưởng khá. Năm 2018, giá trị tăng thêm toàn ngành đạt 38.243 tỷ đồng, tăng 16,01% so với cùng kỳ, đóng góp 7,13 điểm % trong tăng trưởng chung của tỉnh. Trong năm, ba ngành ngành công nghiệp thế mạnh của tỉnh là ngành sản xuất ô tô, xe máy và ngành sản xuất linh kiện điện tử tiếp tục là ngành chiếm tỷ trọng cao và có mức tăng trưởng khá. Trong đó, ngành sản xuất linh kiện điện tử với các chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư, đặt biệt đối với các ngành thuộc lĩnh vực có hàm lượng công nghệ cao, đang thu hút rất nhiều doanh nghiệp thuộc lĩnh vực linh kiện điện tử đầu tư tại Vĩnh Phúc (năm 2016 trên địa bàn tỉnh chỉ có trên 60 doanh nghiệp, đến nay đã có trên 120 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này), chỉ số sản xuất năm 2018 tăng 27,70% so với cùng kỳ, đang dần vươn lên chiếm tỷ trọng cao nhất trong các ngành công nghiệp của tỉnh; Ngành sản xuất ô tô chịu nhiều áp lực từ chính sách thuế của nhà nước, đang phải cạnh tranh với thị trường ô tô nhập khẩu đang rất sôi động với nhiều giá cả và kiểu dáng, nhưng với những nỗ lực của doanh nghiệp trong việc duy trì, tìm kiếm thị trường, chỉ số sản xuất trong năm vẫn đạt mức tăng 23,91% so với năm 2017; Ngành sản xuất xe máy đang dần lấy lại đà tăng trưởng với sản lượng năm 2018 ước đạt 2.197 nghìn sản phẩm, chỉ số sản xuất của ngành năm 2018 tăng 5,62% so với năm 2017.

Như vậy, mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng với tốc độ phát triển ổn định từ đầu năm đến nay có thể thấy hiệu ứng tích cực từ các chính sách, giải pháp điều hành kinh tế vĩ mô kịp thời, hiệu quả của Chính phủ, kết hợp với chỉ đạo quyết liệt các cơ quan chuyên môn đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm.

- Khu vực dịch vụ: Các ngành dịch vụ tiếp tục phát triển. Tổng giá trị tăng thêm của các ngành dịch vụ đạt 15.700 tỷ đồng, tăng 7,46% so với năm 2017, đóng góp vào tăng trưởng chung của tỉnh là 1,47 điểm %. Trong đó, phát triển nổi bật là ngành bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy với mức tăng 11,17% so với năm trước. Năm 2018, giá cả thị trường ổn định, mạng lưới và cơ sở hạ tầng các trung tâm thương mại, chợ và các cơ sở kinh doanh tiếp tục được mở rộng và ngày càng hoàn thiện. Với tỷ trọng chiếm 25,14% trong tổng giá trị tăng thêm các ngành dịch vụ, ngành bán buôn, bán lẻ đã đóng góp 0,48 điểm % vào mức tăng chung của tỉnh. Một số ngành dịch vụ khác có tỷ trọng lớn cũng có mức tăng khá như ngành vận tải kho bãi có mức tăng 8,49%, đóng góp 0,14 điểm %; ngành tài chính, ngân hàng, bảo hiểm tăng 7,61%, đóng góp 0,16 điểm %...

- Thuế sản phẩm trừ trợ cấp: Năm 2018, do chính sách thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc từ khu vực ASEAN giảm nên các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp xe ô tô sẽ chuyển từ sản xuất trong nước sang nhập khẩu một số dòng xe về tiêu thụ trong nước, dẫn đến số thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp giảm mạnh; trong khi đó thuế nhập khẩu tăng. Do đó, Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm trong năm chỉ đạt 18.581 tỷ đồng (theo giá so sánh), giảm 3,73% so với cùng kỳ, làm giảm tăng trưởng chung là 0,97 điểm %.

- Về cơ cấu kinh tế: Với sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp, cơ cấu kinh tế năm 2018 của tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục có sự chuyển dịch tích cực theo hướng công nghiệp hóa. Tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng năm 2018 là 62,15%, các ngành dịch vụ chiếm 29,57%, ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 8,28% (Năm 2017 tỷ trọng tương ứng là 60,73%, 30,54% và 8,73%).

2. Tài chính, ngân hàng, bảo hiểm

2.1. Thu chi ngân sách

Thu ngân sách nhà nước: Năm 2018, mặc dù thu ngân sách của tỉnh từ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài gặp khó khăn khi thực hiện chính sách giảm thuế đối với sản phẩm ô tô; nhưng UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành chủ động thực hiện có hiệu quả các giải pháp điều hành thu ngân sách nhà nước; tích cực đôn đốc, khai thác các nguồn thu trên tất cả các lĩnh vực; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chống thất thu thuế, trốn thuế, nợ thuế... Do vậy, hầu hết các khoản thu khác đều đạt hoặc vượt dự toán. Ước cả năm 2018, tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt 30,59 nghìn tỷ đồng (không bao gồm thu chuyển nguồn), tăng 5,31% so với năm 2017 và tăng 3,21% dự toán. Trong đó, thu nội địa ước đạt 26,69 nghìn tỷ đồng, bằng dự toán năm và tăng 7,87% so với cùng kỳ; thu hải quan đạt 3,9 nghìn tỷ đồng, tăng 32,20% so dự toán và tăng 4,19% so với năm 2017.

Chi ngân sách nhà nước địa phương: Năm 2018, chi ngân sách được kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo theo dự toán. UBND tỉnh đã giao chỉ tiêu, nhiệm vụ chi cho các đơn vị, địa phương ngay từ đầu năm. Ưu tiên nguồn lực cho chi đầu tư phát triển, đảm bảo kinh phí thực hiện các chính sách an sinh xã hội. Thực hiện triệt để tiết kiệm, chống lãng phí ngay từ khâu xác định nhiệm vụ, chủ động sắp xếp thứ tự các nhiệm vụ chi ưu tiên theo mức độ quan trọng, cấp thiết và khả năng triển khai trong năm 2018. Chỉ trình cấp có thẩm quyền ban hành chính sách mới khi cân đối được nguồn vốn. Tăng cường kiểm soát và nâng cao hiệu quả sử dụng các khoản vốn vay. Ước tổng chi ngân sách năm 2018 đạt 30,23 nghìn tỷ đồng, tăng 2,35% so với năm 2017 và bằng 182,64% dự toán. Trong đó chi đầu tư phát triển ước thực hiện 8,8 nghìn tỷ đồng, tăng 20,62% so với năm 2017 và tăng 53,69% so với dự toán, chiếm 29,13% trong tổng chi ngân sách.

2.2. Ngân hàng

Năm 2018, các tổ chức tín dụng trên địa bàn thực hiện kinh doanh hiệu quả, an toàn, kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng theo chỉ tiêu được giao từ đầu năm; chú trọng ưu tiên nguồn vốn cho vay các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ. Đồng thời, duy trì chấp hành nghiêm túc các quy định về lãi suất đối với các tổ chức tín dụng và các ngân hàng trên địa bàn. Theo đó, mức lãi suất huy động trong năm phổ biến ở mức từ  0,6% -7,3%/năm và mức lãi suất cho vay là từ 6%-10,5%/năm đối với từng kỳ hạn. Những tháng cuối năm, nguồn vốn huy động trên địa bàn tiếp tục tăng trưởng cao so với thời điểm cuối năm 2017, cho thấy hoạt động ngân hàng trên địa bàn tiếp tục  tạo được niềm tin cho người dân và doanh nghiệp góp phần đáp ứng tốt nhu cầu vốn cho phát triển kinh tế - xã hội. Dự kiến đến cuối 31/12/2018, tổng nguồn vốn huy động ước đạt 67,8 nghìn tỷ đồng, tăng 9,64% so với cuối năm 2017. Trong đó, nguồn vốn kỳ hạn từ 12 tháng trở lên đạt 19,3 nghìn tỷ đồng, tăng 44,17% so với cuối năm 2017, chiếm 28,47% tổng nguồn vốn huy động, tạo điều kiện tăng nguồn vốn cho vay trung, dài hạn đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

Tín dụng được tăng cường mở rộng đi đôi với an toàn chất lượng, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng trong tiếp cận vốn vay. Các tổ chức tín dụng tiếp tục đơn giản hoá các thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro, đẩy mạnh giải ngân với các chương trình tín dụng ưu đãi, tập trung vốn vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên ... Thực hiện đến 31/12/2018 tổng dư nợ cho vay toàn địa bàn ước đạt 65,2 nghìn tỷ đồng, tăng 23,4% so với cuối năm 2017. Công tác xử lý nợ xấu được triển khai tích cực nhằm kiểm soát ở mức an toàn. Đến 31/12/2018, nợ xấu toàn địa bàn ước 800 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 1,23% tổng dư nợ. Nợ xấu đạt thấp phản ánh kết quả điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, sự chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Vĩnh Phúc đối với các tổ chức tín dụng, đồng thời cũng phản ánh những cố gắng của hệ thống ngân hàng thương mại trong việc nâng cao chất lượng tín dụng toàn địa bàn.

2.3. Bảo hiểm

Công tác bảo hiểm tiếp tục được các ngành, các địa phương triển khai rộng khắp nhằm đảm bảo phục vụ tốt nhất cho các tầng lớp nhân dân và người lao động. Ước tính đến cuối năm, toàn tỉnh có 960.784 người tham gia đóng bảo hiểm các loại, tăng 4,4% so với năm 2017. Trong đó, số người tham gia bảo hiểm xã hội là 191.999 người; tham gia bảo hiểm thất nghiệp là 179.179 người; tham gia bảo hiểm y tế là  959.638. Tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội (bao gồm cả BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện) đạt 29,3% lực lượng lao động; bảo hiểm thất nghiệp đạt 27,4% lực lượng lao động và tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 88% dân số.

Tổng số tiền thu bảo hiểm các loại năm 2018 đạt 4.113,6 tỷ đồng, tăng 18% so với năm 2017 và đạt 101,2 % so với kế hoạch được giao. Công tác cấp sổ, thẻ bảo hiểm các loại được phối hợp chặt chẽ giữa các ngành có liên quan và theo đúng quy trình. Công tác chi trả, nhất là trả lương hưu và trợ cấp BHXH được thực hiện đồng bộ, nhanh gọn và an toàn đến tận tay đối tượng. Trong năm, toàn tỉnh đã chi trả tiền bảo hiểm các loại với tổng số 3.696,3 tỷ đồng; trong đó chi trả các chế độ hưu trí, tử tuất, chế độ ốm đau, thai sản, thất nghiệp...cho 137.016 lượt người với số tiền 2.501,9 tỷ đồng; chi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế cho 1.426.183 lượt người với số tiền 1.191,4 tỷ đồng.

3. Giá cả, lạm phát

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12 năm 2018 trên địa bàn tỉnh giảm 0,34% so với tháng trước; tăng 1,95% so với cùng tháng năm trước và tăng 1,95% so tháng 12 năm 2017. Trong tháng, có 5 trên 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giảm, trong đó giao thông có mức giảm nhiều nhất với 5,47%. Nguyên nhân do trong tháng, giá xăng dầu được điều chỉnh giảm 02 đợt liên tiếp vào các ngày 06/12/2018 và 21/12/2018. Ngoài ra, một số nhóm hàng thiết yếu cũng có chỉ số giảm, góp phần làm cho CPI trong tháng giảm như: Hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,5%; Nhà ở, điện nước, chất đốt và VLXD giảm 1,17%; Thiết bị và đồ dùng gia đình giảm 0,15%; Văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,1%. Các nhóm còn lại giá tương đối ổn định và biến động tăng nhẹ.

Tính chung cả năm 2018, CPI bình quân tăng 3,78% so với bình quân cùng kỳ. Các nguyên nhân chủ yếu làm tăng CPI trong năm 2018:

- Từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu đã trải qua 25 kỳ điều chỉnh. So với đầu năm, giá xăng A95 đã tăng thêm 2.621 đồng/lít, xăng sinh học E5 tăng 1.630 đồng/lít, dầu Diezen tăng 3.066 đồng/lít. Đây là nguyên nhân chính làm chỉ số nhóm giao thông bình quân năm 2018 tăng 6,44% so với bình quân cùng kỳ;

- Trong năm cũng có 2 đợt điều chỉnh giá dịch vụ y tế (ngày 15/7 và 15/12/2018) theo Thông tư số 15/2018/TT-BYT ngày 30/05/2018 và số 39/2018/TT-BYT ngày 30/11/2018 của Bộ Y tế về Quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong một số trường hợp. Theo đó giá dịch vụ khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh tăng làm chỉ số giá nhóm dịch vụ y tế tăng 19,33% và chỉ số chung nhóm thuốc và dịch vụ y tế cũng tăng 15,59% so với bình quân cùng kỳ;

- Giá gas bình quân năm 2018 so với năm 2017 tăng 16.632đ/bình 12 kg đã làm cho chỉ số gas tăng 5,18% so với bình quân cùng kỳ; Bên cạnh đó chỉ số giá dầu hỏa cũng tăng 25,66% so với bình quân cùng kỳ, với mức tăng tuyệt đối là 3.207 đồng/lít so với năm 2017 làm cho chỉ số nhóm gas và các loại chất đốt khác tăng 4,79% so với bình quân cùng kỳ;

Ngoài ra, việc điều chỉnh tăng học phí các trường đại học trên địa bàn theo lộ trình qui định tại Nghị định 86/2015/NĐ-CP ngày 2/10/2015 của Chính phủ và điều chỉnh mức lương cơ sở theo Nghị định 72/2018/NĐ-CP cũng là các nguyên nhân dẫn đến chỉ số giá bình quân nhóm giáo dục và nhóm bảo hiểm y tế tăng so với bình quân cùng kỳ;

Giá vàng và Đô la Mỹ: Giá vàng trên địa bàn tỉnh tháng 12 tăng 0,06% so với tháng trước; Giá vàng bình quân trên thị trường tự do là 3.547 nghìn đồng/chỉ. Ngược chiều với giá vàng, giá Đô la Mỹ trên thị trường tự do biến động giảm  0,08% so với tháng trước; Giá bán bình quân phổ biến ở mức 22.592 đồng/USD.

4. Đầu tư, xây dựng

Năm 2018, hoạt động đầu tư, xây dựng trên địa bàn tăng trưởng khá. Kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội được tăng cường; xây dựng nông thôn mới được triển khai tích cực; các thành phần kinh tế trên địa bàn tiếp tục đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh, đóng góp không nhỏ cho sự tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Kết quả thực hiện vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trong quý IV năm 2018 ước đạt 9.290,83 tỷ đồng, tăng 9,60 % so với quý trước và tăng 9,10% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế cả năm 2018, Vốn đầu tư thực hiện ước đạt 30.922,1 tỷ đồng tăng 8,77% so với năm trước. Trong đó, vốn đầu tư xây dựng cơ bản vẫn chiếm tỷ trọng cao, đạt 21.511 tỷ, chiếm 69,57% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.

Vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý năm 2018 đạt 6.175,5 tỷ đồng, bằng 96,61% so với năm 2017 và bằng 98,6% tổng vốn kế hoạch cả năm. Một số khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công vẫn còn tồn tại, chưa được giải quyết dứt điểm như: Vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng; thủ tục điều chỉnh hạng mục, điều chỉnh thiết kế, tổng mức đầu tư dự án; năng lực của một số nhà thầu còn chưa đảm bảo…. Trước tình hình đó, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành công tác đầu tư xây dựng, đồng thời yêu cầu các ngành chức năng, các chủ đầu tư thường xuyên kiểm tra, giám sát và đôn đốc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công. Nguồn vốn đầu tư công thuộc kế hoạch năm 2018 được bố trí đảm bảo cho các dự án thực hiện, không có tình trạng thi công vượt kế hoạch vốn, không gây nợ đọng trong xây dựng cơ bản; nhiều dự án, công trình đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả.

Khu vực kinh tế tư nhân, trang trại và kinh tế hộ dân cư đang ngày càng đóng góp tỷ trọng vốn lớn trong tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn. Góp phần tích cực vào sự tăng trưởng kinh tế của tỉnh và có vai trò to lớn trong thu hút, giải quyết việc làm cho người lao động khu vực nông thôn, đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động từ khu vực nông nghiệp, nông thôn sang khu vực công nghiệp, dịch vụ. Vốn đầu tư khu vực ngoài nhà nước trên địa bàn tỉnh thực hiện quý IV năm 2018 ước đạt 4.300,9 tỷ đồng, lũy kế cả năm 2018 đạt 15.414,8 tỷ đồng tăng 12% so với năm 2017, chiếm 49,9% vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn.

Khu vực FDI, nhiều doanh nghiệp cũ tiếp tục đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp mới được cấp phép đang khẩn trương đầu tư xây dựng nhà xưởng, máy móc thiết bị, tuyển dụng và đào tạo lao động nên vốn đầu tư khu vực này tăng cao. Riêng thực hiện trong quý IV ước đạt 2.866,7 tỷ đồng, tăng 14,96 % so với quý trước.  Lũy kế cả năm 2018, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 8.869,4 tỷ đồng tăng 34,4 % so với năm 2017.

Kết quả thu hút đầu tư: Trong năm, nhờ thực hiện tốt các giải pháp xúc tiến đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh, xây dựng đồng bộ về kết cấu hạ tầng khu, cụm công nghiệp, nên Vĩnh Phúc tiếp tục thu hút được nhiều dự án đầu tư lớn, dự kiến sẽ đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của tỉnh như: dự án mở rộng, nâng công suất sản xuất xe ô tô của Công ty Ô tô Toyota Việt Nam với tổng vốn đầu tư tăng là 75,015 triệu USD; 02 dự án đầu tư xây dựng nhà ở công nhân của Công ty TNHH in điện tử Minh Đức và Công ty TNHH Fuchuan với tổng vốn đầu tư đăng ký là 51 triệu USD.... Tính chung cả năm, toàn tỉnh cấp chứng nhận/chủ trương đầu tư cho 92 dự án, trong đó: Dự án đầu tư trong nước (DDI) được cấp mới là 35 dự án và điều chỉnh tăng vốn cho 10 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng vốn là 4,57 nghìn tỷ đồng, tăng 97,32% về vốn đầu tư so với năm 2017 và đạt 182,84% so với kế hoạch; Dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), tỉnh đã cấp mới cho 57 dự án và điều chỉnh tăng vốn cho 33 lượt dự án, với tổng vốn đầu tư đăng ký (cả cấp mới và tăng vốn) đạt 450 triệu USD, bằng so với năm 2017 và đạt 180% so với kế hoạch. Lũy kế đến hết năm 2018, tổng số dự án còn hiệu lực trên địa bàn tỉnh đạt 1.037 dự án, gồm 715 dự án DDI với tổng vốn đầu tư đăng ký là 71,1 nghìn tỷ đồng và 324 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 4,3 tỷ USD.

5. Tình hình hoạt động của doanh nghiệp

Năm 2018, các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Nghị quyết của Chính phủ, Nghị quyết của Tỉnh ủy, các Chương trình, Kế hoạch hành động của UBND tỉnh về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và đặc biệt tạo điều kiện thúc đẩy phong trào khởi nghiệp đã được UBND tỉnh tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai đồng bộ và quyết liệt. Cơ sở hạ tầng tại nhiều cụm, khu công nghiệp tiếp tục chú trọng tập trung hoàn thiện. Công tác cải cách thủ tục hành chính được triển khai theo hướng tiết giảm về thời gian và đơn giản về thủ tục, trong đó đẩy mạnh triển khai Nghị quyết 36a về xây dựng Chính phủ điện tử trọng tâm là ứng dụng công nghệ thông tin. UBND tỉnh duy trì thường xuyên các cuộc tiếp xúc, gặp gỡ giữa lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành với doanh nghiệp, doanh nhân để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Năm 2018, số doanh nghiệp dân doanh thành lập mới ước đạt 1.150 doanh nghiệp với số vốn đăng ký 6,9 nghìn tỷ đồng, giảm 5,7% về số doanh nghiệp và giảm 26,69% về số vốn đăng ký so với năm 2017. Giảm chủ yếu trong lĩnh vực viễn thông. Nguyên nhân do năm 2017, lượng doanh nghiệp đăng ký mới trong lĩnh vực này tăng cao theo quy định mới của Chính phủ về điều kiện để đủ điều kiện kinh doanh. Trong năm có 225 doanh nghiệp hoạt động trở lại sau thời gian tạm ngừng kinh doanh.

6. Sản xuất nông, lâm nghiệp, thuỷ sản

6.1. Sản xuất nông nghiệp

a) Trồng trọt:

Năm 2018, sản xuất Vụ Đông, vụ Xuân trên địa bàn diễn ra trong điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi, vụ Mùa một số diện tích tuy có chịu ảnh hưởng của mưa bão nhưng theo đánh giá sơ bộ năng suất của các loại cây trồng đều tăng hơn so với năm 2017. Tỉnh tiếp tục thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo Nghị quyết số 201/2015/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh. Nhiều chính sách hỗ trợ sản xuất cho bà con đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp được triển khai thực hiện có hiệu quả.

- Cây hàng năm: Diện tích gieo trồng cây hàng năm năm 2018 toàn tỉnh đạt 90.924 ha, giảm 2,82% so với năm trước. Trong đó, diện tích gieo trồng lúa cả năm đạt 56.585 ha, giảm 2,25%; ngô đạt 14.294 ha, giảm 5,52%; diện tích nhóm cây lấy củ có chất bột 4.018 ha, tăng 1,21%; diện tích nhóm cây có hạt chứa dầu 3.692 ha, giảm 6,49%; diện tích rau các loại 8.946 ha, giảm 3,91%... Năm 2018, cơ cấu cây trồng đã có sự chuyển biến rõ nét, các giống lúa chất lượng tiếp tục được mở rộng diện tích, tỷ lệ giống lúa chất lượng đạt trên 70% tổng diện tích gieo trồng lúa toàn tỉnh; các cây trồng có giá trị kinh tế cao như: Bí đỏ, bí xanh, cà chua, su su, dưa chuột, rau các loại được phát triển mạnh. Một số mô hình thuê ruộng để sản xuất rau quả tập trung, liên kết theo chuỗi giá trị với Công ty Vineco và một số Công ty khác cho hiệu quả kinh tế cao. Đã có hợp tác xã chuyên sản xuất rau quả, liên kết tiêu thụ sản phẩm cho giá trị sản xuất cao trên 1ha như HTX ViSa, Vân Hội xanh, HTX rau an toàn Vĩnh Phúc...

Sơ bộ năng suất, sản lượng một số cây trồng chính như sau:Năng suất lúa đạt 58,41 tạ/ha, tăng 5,56%, sản lượng đạt 330.496 tấn, tăng 3,18% so với năm 2017; ngô đạt 45,26 tạ/ha, tăng 4,53%, sản lượng đạt 64.694 tấn, giảm 2,23%; khoai lang đạt 104,37 tạ/ha, tăng 2,90%, sản lượng đạt 23.758 tấn, tăng 10,11%; đậu tương đạt 19,10 tạ/ha, giảm 2,2%, sản lượng đạt 2.385 tấn, giảm 17,45%; lạc đạt 20,19 tạ/ha, tăng 5,27%, sản lượng đạt 4.868 tấn, tăng 4,77%; rau các loại đạt 213,56 tạ/ha, tăng 2,33%, sản lượng đạt 191.048 tấn, giảm 1,67%...

- Cây lâu năm: Tổng diện tích các loại cây lâu năm hiện có 8.215 ha, giảm 0,3% so với năm 2017. Trong đó, diện tích cây ăn quả là 7.765 ha chiếm 94,51% tổng diện tích các loại cây lâu năm. Cây ăn quả năm nay phát triển theo hướng tăng dần diện tích các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, giảm dần diện tích các loại cây trồng thoái hoá kém chất lượng, giá trị thấp. Các loại cây ăn quả chủ yếu, có đặc điểm sinh trưởng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu trên địa bàn tỉnh và được bà con đầu tư mở rộng diện tích như: Chuối 1.805,1 ha, tăng 0,1%; Bưởi 754,4 ha, tăng 5,0%; Chanh 135,7 ha, tăng 5,9%. Cây Nhãn, Vải chiếm diện tích tương đối lớn trong tổng diện tích cây ăn quả nhưng có xu hướng giảm so với cùng kỳ do việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất: Nhãn 693,6 ha, giảm 1,4%; Vải 1.854,2 ha, giảm 0,4%

Một số giống cây ăn quả mới sau thời gian trồng thử nghiệm đã bước đầu đem lại hiệu quả và trở thành cây trồng đem lại nguồn thu nhập ổn định cho bà con nông dân như: Thanh long ruột đỏ, với diện tích khoảng 187 ha được trồng chủ yếu ở các huyện Lập Thạch, Phúc Yên và Tam Đảo; năng suất đạt 90,04 tạ/ha, tăng 2,3%; sản lượng đạt 1.456 tấn, tăng 3,32% so với năm 2017. Cùng với thanh long, na cũng đang trở thành loại cây ăn quả mang lại hiệu quả kinh tế cao, diện tích trồng đạt 335 ha chủ yếu ở các huyện Tam Đảo, Lập Thạch, Phúc Yên và Sông Lô. Sản phẩm na dai, xã Bồ Lý huyện Tam Đảo đã hoàn thiện hồ sơ đăng ký nhãn hiệu tập thể trình Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận, đang trở thành loại cây giúp bà con có thể xoá đói giảm nghèo.

b) Chăn nuôi:

Tình hình sản xuất chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc phát triển tương đối ổn định. Tỉnh tiếp tục có những cơ chế hỗ trợ cho nông dân, thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Công tác phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm được tích cực triển khai, kiểm soát tốt, không để xảy ra dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn gia súc, gia cầm. Trong năm giá thức ăn chăn nuôi ổn định; giá sản phẩm thịt, trứng, sữa ở mức khá cao, người chăn nuôi có lãi, yên tâm đầu tư, phát triển sản xuất. Tổng sản lượng thịt gia súc gia cầm xuất chuồng và các sản phẩm chăn nuôi đạt cao so với năm trước, đáp ứng nguồn cung thực phẩm cho thị trường.

Chăn nuôi gia cầm của Vĩnh Phúc phát triển khá ổn định với thế mạnh là chăn nuôi gà, đã hình thành vùng chăn nuôi gà đẻ, gà thịt tập trung ở các huyện Tam Dương, Tam Đảo. Các mô hình chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế mà còn tạo ra sản phẩm an toàn cho người sử dụng, góp phần bảo vệ môi trường và phát triển chăn nuôi bền vững. Nhiều cơ sở chăn nuôi đã mạnh dạn ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới nhằm đảm bảo chế độ dinh dưỡng và quản lý dịch bệnh nên hiệu quả tăng lên rõ rệt. Đến cuối năm 2018 đàn gia cầm có 10.520  nghìn con, tăng 5,9% so cùng thời điểm năm trước. Sản lượng thịt gia cầm 31,47 nghìn tấn, tăng 6,81%; Trứng gia cầm 488,95 triệu quả, tăng 6,7%.  

Chăn nuôi lợn với cú sốc năm 2017,  giá lợn hơi xuống quá thấp người chăn nuôi thua lỗ nặng, nhiều hộ chăn nuôi không còn khả năng tiếp tục đầu tư. Nhưng từ đầu năm 2018 đến giữa tháng 4 giá lợn đã tăng trở lại trung bình khoảng 30.000-34.000 đồng/kg người và tăng lên 45.000-50.000 đồng/kg vào các tháng cuối năm, người chăn nuôi đã có lãi. Tuy nhiên, đối với chăn nuôi lợn, chi phí vốn lớn, chu kỳ sản xuất dài trong khi giá cả chưa thực sự ổn định, nên người dân vẫn còn tâm lý e dè, việc tái đàn còn hạn chế. Số lượng đầu con ước tính đến 31/12/2018 là 644.580 con, tăng 0,1% so với năm trước; sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng cả năm ước đạt 91,15 nghìn tấn, tăng 2,04%

Chăn nuôi trâu, bò năm 2018 trên địa bàn có xu hướng giảm. Đến 31/12/2018 ước có 18.126 con trâu, giảm 3,6% so cùng thời điểm năm trước; đàn bò có 112.074 con, giảm 3,8%. Nguyên nhân do cơ giới hóa trong nông nghiệp ngày càng nhiều, chăn nuôi với mục đích lấy sức cày kéo giảm, nuôi lấy thịt mang lại lợi nhuận chưa cao. Bên cạnh đó, quá trình đô thị hóa với việc xây dựng, mở rộng các khu, cụm công nghiệp làm thu hẹp diện tích chăn thả cũng là một nguyên nhân làm giảm đầu con cũng như sản lượng thịt hơi xuất chuồng.

6.2. Sản xuất lâm nghiệp

Diện tích rừng trồng mới tập trung năm 2018 sơ bộ đạt 690,4 ha, đạt 106,22% kế hoạch năm và tăng 1,75% so với năm trước. Bao gồm, 656 ha rừng sản xuất, 14 ha rừng phòng hộ, rừng đặc dụng 20 ha.

Cùng với việc trồng mới, công tác chăm sóc và bảo vệ rừng tiếp tục được quan tâm thực hiện. Trong năm một số địa phương thực hiện trồng rừng thay thế và chuyển diện tích rừng phòng hộ đầu nguồn ít xung yếu sang quy hoạch phát triển rừng sản xuất để nâng cao hiệu quả sử dụng rừng và phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Công tác cải tạo, khoanh nuôi tái sinh và chăm sóc diện tích rừng được các đơn vị lâm nghiệp và các chủ rừng quan tâm thực hiện cho 550 ha rừng. Công tác quản lý, bảo vệ rừng được thực hiện thường xuyên cho 9.847,1 ha rừng hiện có, tăng 0,91%... Công tác trồng cây lâm nghiệp phân tán được các địa phương tích cực thực hiện theo kế hoạch trồng cây của UBND tỉnh nên số lượng cây trồng tăng mạnh so với cùng kỳ, sơ bộ trồng được 1.600,3 nghìn cây, tăng 799,4 nghìn cây so với năm 2017. Sản lượng gỗ khai thác đạt 30.338,8 m3­­­­, tăng 2,62% so với cùng kỳ; sản lượng củi khai thác đạt 51.022,0 ste, tăng 1,40%.

Công tác phòng, chống cháy rừng luôn được các cấp, các ngành chức năng chỉ đạo thực hiện, nguy cơ cháy rừng được cảnh báo thường xuyên. Tuy vậy, do thời tiết hanh khô những tháng đầu năm nên đến nay trên địa bàn tỉnh xảy ra 6 vụ cháy rừng, tăng 1 vụ so với năm trước, diện tích cháy 14,44 ha, giảm 24,27 ha diện tích rừng bị thiệt hại.

6.3. Sản xuất thuỷ sản

Năm 2018, sản xuất thủy sản trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc cơ bản ổn định, thời tiết thuận lợi và giá thủy sản duy trì ở mức cao giúp cho người dân yên tâm sản xuất. Các chính sách hỗ trợ của tỉnh về con giống, máy móc sản xuất đã có tác động tích cực, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong nuôi trồng thủy sản. Cùng với đó, các hộ nuôi trồng thủy sản đã chủ động tích cực đầu tư, áp dụng nuôi thâm canh tăng năng suất, các giống cá có năng suất, chất lượng cao được đưa vào ngày càng nhiều; công tác phòng chống dịch bệnh được các cơ sở, các hộ chủ động thực hiện nên thủy sản nuôi trồng phát triển tốt, sản lượng khá và đa dạng về chủng loại.

Diện tích nuôi trồng thủy sản năm 2018 toàn tỉnh đạt 6.951,2 ha, tăng 0,5% (+35,4 ha) so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Diện tích nuôi cá 6.792,6 ha (chiếm 97,7% diện tích); diện tích nuôi trồng thuỷ sản khác 2,4 ha; diện tích ươm giống 156,2 ha. Nuôi trồng thủy sản ở Vĩnh Phúc chưa có diện tích nuôi chuyên canh mà chủ yếu nuôi kết hợp các loại cá theo phương thức thâm canh, bán thâm canh  3.543,6 ha (chiếm 51% tổng diện tích) và quảng canh, quảng canh cải tiến 3.407,6 ha (chiếm 49% tổng diện tích). Tổng sản lượng thủy sản năm 2018 ước đạt 21.027,9 tấn, tăng 4,2% so với cùng kỳ. Trong đó, sản lượng nuôi trồng đạt 19.005 tấn, tăng 4,9%; sản lượng thủy sản khai thác đạt 2.023 tấn, giảm 2% so với năm 2017.

7. Sản xuất công nghiệp

Vời tiềm năng và lợi thế về phát triển công nghiệp, tỉnh Vĩnh Phúc luôn xác định lấy công nghiệp là khâu đột phá làm động lực tăng trưởng kinh tế, góp phần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng với sự tăng trưởng ổn định từ đầu năm đến nay, ngành công nghiệp của tỉnh tiếp tục góp phần quan trọng đưa kinh tế Vĩnh Phúc đứng ở tốp các tỉnh có nền kinh tế phát triển

7.1. Chỉ số sản xuất công nghiệp

Tháng Mười hai, hoạt động sản xuất diễn ra khẩn trương, các doanh nghiệp tập trung hoàn thành kế hoạch năm. Chỉ số sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp tục đà tăng trưởng với chỉ số sản xuất trong tháng tăng 1,97% so với tháng trước và tăng 14,54% so với cùng kỳ.

Tính chung cả năm 2018, chỉ số sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh tăng 15,17% so với năm trước. Đây là mức tăng cao nhất kể từ năm 2010. Trong đó, ngành công nghiệp khai khoáng tăng 16,93%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 15,17%; ngành công nghiệp sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước tăng 21,73%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải giảm 3,44%. Các ngành công nghiệp mũi nhọn của tỉnh có mức tăng trưởng khá, đóng góp tích cực vào mức tăng trưởng của ngành công nghiệp cũng như tăng trưởng của của tỉnh. Trong đó:

- Ngành sản xuất linh kiện điện tử tăng 27,70% so với cùng kỳ. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cùng với nhu cầu linh kiện điện tử ngày càng cao của các tập đoàn điện tử đa quốc gia tại Việt Nam như Sam Sung, LG, Nokia...kéo theo các ngành công nghiệp phụ trợ trên địa bàn tỉnh phát triển. Đây là ngành đang chiếm ưu thế và có đóng góp chiếm tỷ lệ cao trong ngành công nghiệp cũng như trong tăng trưởng kinh tế của toàn tỉnh.

- Ngành sản xuất xe có động cơ tăng 23,91% so cùng kỳ năm trước. Trong năm 2018, thị trường ô tô cũng chịu nhiều áp lực từ chính sách thuế của nhà nước. Tuy vậy, các dòng xe trong nước lại là sự lựa chọn nhiều hơn của khách hàng. Trong những tháng gần đây, lượng xe tiêu thụ tương đối cao do đa dạng về kiểu dáng, chất lượng và giá cả. Cuối năm 2018, Dự án mở rộng, nâng công suất sản xuất xe ô tô của công ty Ô tô Toyota Việt Nam với tổng vốn đầu tư tăng là 75,015 triệu USD được UBND tỉnh Vĩnh Phúc cấp phép, đây là tín hiệu khả quan cho sự tăng trưởng trong ngành công nghiệp cũng như tăng trưởng chung của tỉnh.

- Ngành sản xuất phương tiện vận tải tăng 5,62% so với cùng kỳ năm trước. Các doanh nghiệp trong ngành lấy lại nhịp độ sản xuất, liên tục đưa ra thị trường những mẫu xe được cải tiến về mẫu mã, kiểu dáng, với nhiều tính năng tiện lợi làm hài lòng khách hàng. Cùng với đó, thị trường xuất khẩu ngày càng được mở rộng ra nhiều nước trên thế giới. Tạo đà cho doanh nghiệp ổn định sản xuất, giúp phát triển ngành sản xuất công nghiệp trên toàn tỉnh.

 Bên cạnh các ngành sản xuất phát triển, năm 2018 vẫn có 5/24 ngành kinh tế cấp 2 sản xuất trên địa bàn có chỉ số sản xuất giảm so với năm 2017. Trong đó ngành Dệt là ngành có chỉ số giảm mạnh nhất giảm 46,37% nguyên nhân do một số doanh nghiệp trong ngành ngừng hoạt động hoặc chuyển sang ngành nghề khác (Công ty G.Home, Công ty HDL ....). Một số ngành nghề với sản phẩm truyền thống, chưa cạnh tranh được sản phẩm nhập ngoại hoặc không không tìm kiếm được thị trường tiêu thụ làm cho chỉ số sản xuất giảm như: ngành sản xuất giường tủ bàn ghế giảm 3,8%; ngành sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu giảm 6,94%; Sản xuất máy móc, thiết bị khác giảm 3,65%; hoạt động thu gom và xử lý rác thải, tái chế phế liệu giảm 8,18% so với năm 2017.

Các ngành công nghiệp còn lại đều giữ được nhịp độ tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm trước.

7.2. Sản lượng sản phẩm công nghiệp chủ yếu

Hầu hết sản lượng sản phẩm công nghiệp chủ yếu của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tháng Mười hai dự kiến đều có mức tăng cao so với tháng trước và so với cùng kỳ. Tính chung cả năm 2018, ngoài sản lượng máy điều hòa không khí giảm 3,65%, các nhóm sản phẩm công nghiệp chủ yếu còn lại của tỉnh đều có mức tăng trưởng khá cao so với năm 2017. Trong đó, xe ô tô các loại 64.209 chiếc, tăng 23,91%; xe máy các loại 2.197.010, tăng 5,62%; giày, dép thể thao 6.173 ngàn đôi, tăng 18,68%; thức ăn gia súc 253.776 tấn, tăng 17,32%; doanh thu linh kiện điện tử đạt 67.946 ngàn tỷ đồng, tăng 27,70% so với cùng kỳ...

7.3. Chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp công nghiệp

Trong tháng Mười hai, các doanh nghiệp vẫn liên tục tuyển dụng lao động để bảo đảm hoàn thành kế hoạch sản xuất năm. Chỉ số sử dụng lao động trong các doanh nghiệp công nghiệp trên địa bàn trong tháng tăng 1,38% so với tháng trước, giảm 3,02% so với cùng kỳ. Tính chung cả năm 2018, chỉ số sử dụng lao động trong các doanh nghiệp công nghiệp giảm 0,34 % so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, lao động khu vực doanh nghiệp nhà nước giảm 2,02%, doanh nghiệp ngoài nhà nước giảm 3,09%, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 0,01% so với cùng kỳ năm trước.

Ngành chế biến chế tạo với việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tự động hóa thay thế sức lao động ở một số công đoạn dẫn đến chỉ số sử dụng lao động năm 2018 giảm 0,65% so với cùng kỳ, kéo theo chỉ số toàn ngành công nghiệp giảm 0,34%. Trong khi các ngành công nghiệp khác vẫn mở rộng quy mô, tuyển dụng thêm lao động với mức tăng khá so với cùng kỳ năm trước: Ngành khai khoáng tăng 9,26%, ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 20,58%, ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 4,54%.

7.4. Chỉ số tiêu thụ, tồn kho

Với những yếu tố thuận lợi cùng với những giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh của UBND tỉnh và sự cố gắng tìm kiếm, mở rộng thị trường của các doanh nghiệp, hoạt động tiêu thụ sản phẩm của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã có những chuyển biến tích cực. Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng Mười hai tiếp tục có mức tăng 0,78% so với tháng trước và tăng 0,39% so với cùng kỳ. Chỉ số cộng dồn cả năm 2018 ước tăng 10,61% so với năm 2017. Một số ngành có chỉ số tiêu thụ tăng cao với cùng kỳ như ngành sản xuất chế biến thực phẩm tăng 16,28%, ngành sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 53,32%; ngành chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre nứa tăng 51,85%; ngành sản xuất xe có động cơ tăng 21,93%; ngành sản xuất kim loại tăng 24,61%...

Chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại thời điểm 01/12/2018 tăng 0,43% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 33,65 so với thời điểm năm trước. Một số ngành có chỉ số tiêu thụ trong tháng tăng cao nhưng chỉ số tồn kho giảm như ngành chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre nứa giảm 26,12%, ngành sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất và sản phẩm hóa chất giảm 9,77%, ngành sản xuất xe có động cơ giảm 16,38%.

8. Thương mại, dịch vụ

8.1. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng:

Năm 2018, kinh doanh thương mại trên địa bàn tỉnh có sự phát triển khá so với cùng kỳ. Cơ sở hạ tầng phục vụ kinh doanh thương mại tiếp tục được đầu tư, mở rộng. Số lượng các đơn vị tham gia kinh doanh thương mại, dịch vụ tăng; nhiều đơn vị đã mở rộng ngành nghề, đa dạng hóa các mặt hàng và phương thức kinh doanh. Trong năm, trên địa bàn tỉnh đã khai trương thêm nhiều cơ sở kinh doanh hàng hoá và dịch vụ có giá trị lớn, như: ô tô, xe máy, các mặt hàng điện, điện tử cao cấp. Cùng với đó, công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát thị trường giá cả và chất lượng hàng hóa được tăng cường, góp phần đẩy mạnh hoạt động thương mại và dịch vụ, kích thích sức mua của người tiêu dùng, nên kết quả lưu chuyển hàng hóa và dịch vụ trên địa bàn tăng khá so với cùng kỳ, đáp ứng tốt cho nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của nhân dân.

Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2018 ước đạt 47.042 tỷ đồng, tăng 14,29% so với năm 2017. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 40.506,3 tỷ đồng, tăng 14,93% so cùng kỳ. Kinh tế cá thể  tiếp tục chiếm thị phần lớn trên thị trường bán lẻ; tổng mức cả năm ước đạt 19.223,3 tỷ đồng, chiếm 47,5% tổng mức bán lẻ. Trong khi đó, khối doanh nghiệp lại có thế mạnh về vốn, trình độ quản lý, sự năng động và được hỗ trợ của Nhà nước khi tham gia vào chương trình hỗ trợ vốn, bình ổn giá, nên tỷ trọng tăng dần qua các năm. Năm 2018, tổng mức bán lẻ của khối doanh nghiệp ước đạt 17.382,6 tỷ đồng, chiếm 42,91%; so với năm 2017, tăng 2% về tỷ trọng và tăng 15,9% về giá trị. Phân theo nhóm hàng, ngành gỗ và vật liệu xây dựng vẫn là ngành hàng chiếm tỷ trọng và có mức tăng cao nhất trong tổng mức, doanh thu năm 2018 đạt 12.861 tỷ đồng, chiếm 31,75% tổng mức và tăng 22,28% so với cùng kỳ. Các nhóm hàng thiết yếu chiếm tỷ trọng lớn đều có mức tăng khá như: nhóm lương thực, thực phẩm, chiếm 21,54%, tăng 12,58 %; đồ dùng, dụng cụ trang thiết bị gia đình chiếm 7,79%, tăng 8,44% so với cùng kỳ năm 2017;

Các hoạt động dịch vụ cũng tiếp tục được mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng dịch vụ nhằm đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Năm 2018, dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành và dịch vụ khác tăng khá. Tổng doanh thu năm 2018 ước đạt 6.535,6 tỷ đồng, tăng 10,45% so với năm 2017. Trong đó doanh thu dịch vụ ăn uống, lưu trú ước đạt 3.667,5 tỷ đồng, tăng 9,07%; dịch vụ du lịch lữ hành ước đạt 93,7 tỷ đồng, tăng 8,68%; Các ngành dịch vụ tiêu dùng khác ước đạt 2.774,3 tỷ đồng, tăng 12,40% so cùng kỳ năm trước.

8.2. Kinh doanh vận tải

Năm 2018, giá xăng dầu đã điều chỉnh 25 lần tác không động nhỏ đến hoạt động vận tải. Trong khi đó, để đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa và nhu cầu đi lại của nhân dân ngày càng lớn, nên hoạt động vận tải tiếp tục được mở rộng cả về quy mô và chất lượng dịch vụ.

Kinh doanh vận tải hàng hóa đường bộ cũng như đường thủy đều tăng so với cùng kỳ năm trước; doanh thu năm 2018 ước đạt 3.176 tỷ đồng, tăng 16,54% so với năm 2017. Trong đó, vận tải hàng hóa đường thủy có mức tăng khá cao 23,79%. Hiện nay, đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh gồm 2 tuyến sông chính là sông Hồng và sông Lô, với tổng chiều dài khoảng 63km; 3 bến phà, 6 bến đò và 44 bến bãi kinh doanh, tập kết cát, sỏi. Số cơ sở tham gia vận chuyển hàng hóa đường thủy tăng cũng như trọng tải của các tàu ngày càng lớn. Tổng khối lượng hàng hoá vận chuyển trên địa bàn tỉnh năm 2018 ước đạt 32.435 ngàn tấn, tăng 10,55% so với năm trước; khối lượng luân chuyển 2.335 triệu tấn.km 11,58%. Trong đó, ngành đường thủy chiếm 41,5% khối lượng vận chuyển, tăng 13,88% và chiếm 55,2% về khối lượng luân chuyển, tăng 14,28% so với năm 2017.

Vận tải hành khách: Những năm gần đây, hoạt động của mạng lưới xe buýt trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc ngày càng đáp ứng tốt nhu cầu của người dân. Việc đi lại bằng xe buýt đã trở thành quen thuộc, phổ biến của nhiều tầng lớp dân cư, cả ở các đô thị và vùng nông thôn của tỉnh. Vĩnh Phúc hiện có 8 tuyến xe buýt với 79 đầu xe. Trong năm, một số tuyến được điều chỉnh tăng chuyến, kéo dài tuyến, nhất là vào giờ cao điểm để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, đặc biệt là học sinh và công nhân lao động ở các huyện làm việc tại các khu công nghiệp trong tỉnh. Khối l­ượng hành khách vận chuyển năm 2018 ước đạt 24.929 ngàn người, tăng 0,83% so với năm 2017; luân chuyển 1.763 triệu HK.km, tăng 1,65%. Tổng doanh thu vận tải hành khách năm 2018 ước đạt 905 tỷ đồng, tăng 4,64% so với năm 2017.

8.3. Xuất nhập khẩu

 Hoạt động xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp tục được đẩy mạnh.Ước năm 2018, kim ngạch xuất khẩu hàng hoá đạt 2,246 tỷ USD, tăng 12% so năm 2017 với các sản phẩm xuất khẩu chủ lực là xe máy và linh kiện xe máy, phụ tùng ô tô, đệm ghế ô tô, chè, linh kiện điện tử, hàng dệt may và giày dép. Thị trường xuất khẩu chủ yếu đối với sản phẩm hàng hóa của tỉnh là Hoa Kỳ, EU, Nga, ASEAN, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và Đài Loan. Kim ngạch nhập khẩu năm 2018 ước đạt 2,78 tỷ USD, tăng 4,32% so với năm 2017 chủ yếu là nguyên vật liệu phục vụ sản xuất kinh doanh, máy móc thiết bị tài sản cố định, vật tư xây dựng tạo tài sản cố định từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản…

8.4. Dịch vụ du lịch

 Dịch vụ du lịchtiếp tục được tỉnh quan tâm. Hạ tầng phục vụ du lịch như các tuyến đường giao thông kết nối các khu du lịch, các khách sạn tiêu chuẩn, các khu nghỉ dưỡng… đã và đang được tập trung đầu tư, từng bước hoàn thiện tạo cơ sở vật chất phục vụ cho các hoạt động du lịch của tỉnh. UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị, Chương trình hành động số 41 của Tỉnh ủy về phát triển du lịch thành nền kinh tế mũi nhọn. Chương trình xúc tiến du lịch năm 2018 được ban hành từ đầu năm và được các cấp, các ngành tổ chức triển khai theo kế hoạch. Thông qua nhiều kênh thông tin, các hội chợ, hội thảo… công tác tăng cường quảng bá du lịch Vĩnh Phúc tiếp tục được thực hiện. Từng bước xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh. Các loại hình du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, lễ hội, tâm linh, du lịch cộng đồng, du lịch kết hợp với hội nghị, hội thảo; du lịch nghỉ dưỡng cuối tuần, du lịch nông thôn… tiếp tục được phát triển. Một số tour, tuyến du lịch mới như tour một ngày chinh phục 3 đỉnh Tam Đảo, tour du lịch con đường tâm linh, tuyến Thanh Lanh - Ngọc Bội - Thác Bản Long… được đưa vào khai thác và thu hút được đông đảo sự lựa chọn của du khách. Lượng du khách đến tham quan và du lịch tại tỉnh trong năm 2018 ước đạt 5,2 triệu lượt khách, tăng 15% so với năm 2017, trong đó khách quốc tế đạt 37,89 nghìn lượt khách tăng 20%, khách nội địa đạt 5,162 triêu lượt; doanh thu từ các hoạt động du lịch ước đạt 1,67 nghìn tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2017.

8.5. Bưu chính viễn thông 

Hoạt động dịch vụ bưu chính viễn thông tiếp tục triển khai có hiệu quả các chương trình, dự án như: nghiên cứu thị trường, khách hàng, mở rộng và nâng cao chất lượng mạng lưới, đa dạng hoá các dịch vụ, đổi mới phong cách phục vụ, tăng cường kinh doanh có hiệu quả các dịch vụ truyền thống, chủ động phát triển các dịch vụ mới... với mục tiêu đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt đối với các tầng lớp dân cư trên địa bàn tỉnh. Vì thế, số lượng thuê bao sử dụng mạng Wifi, Internet trên địa bàn tỉnh tăng nhanh, nhất là nhóm thuê bao Internet trên truyền hình. Năm 2018, toàn tỉnh phát triển mới thêm 19,45 nghìn thuê bao internet, lũy kế đến hết năm 2018, tổng số thuê bao internet là 135 nghìn thuê bao, tăng 16,83%. 

II. CÁC VẤN ĐỀ XÃ HỘI

1. Lao động, việc làm

Năm 2018, Vĩnh Phúc đã vận hành hiệu quả sàn giao dịch việc làm của tỉnh; thực hiện tốt các cơ chế, chính sách về hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm nên kết quả thực hiện ở lĩnh vực này đã vượt mục tiêu Nghị quyết của HĐND tỉnh. Từ đầu năm đến ngày 13/12/2018, đã có 43 phiên giao dịch việc làm được tổ chức tại Sàn giao dịch việc làm và 04 phiên giao dịch việc làm lưu động được thực hiện ở các địa phương trong tỉnh. Số người được giải quyết việc làm trong năm đạt 24.885 người, tăng gần 2.000 người so với kế hoạch đề ra; trong đó, có 2.000 người đi xuất khẩu lao động. Lao động của Vĩnh Phúc đã tham gia vào các lĩnh vực sản xuất như: cơ khí, thực phẩm, điện tử, may mặc, nông nghiệp, giúp việc gia đình, điều dưỡng tại cơ sở y tế cũng như trung tâm dưỡng lão và tập trung ở 03 thị trường truyền thống là Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan. Hiện tỉnh Vĩnh Phúc đang thực hiện các hoạt động xúc tiến để tìm kiếm và mở rộng thị trường xuất khẩu lao động sang một số nước như Mỹ, Úc, Anh, Đức…

Bước vào đợt cao điểm sản xuất cuối năm, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh hiện chưa tuyển đủ lao động theo yêu cầu. Trong khi đó, người lao động lại có xu hướng nhảy việc, tìm kiếm cơ hội việc làm với mức thu nhập tốt hơn, nên việc giữ được người lao động gắn bó với doanh nghiệp trở thành vấn đề mà đa số các doanh nghiệp ưu tiên giải quyết. Để giải quyết bền vững tình trạng biến động lao động, thiếu nhân công ở khu công nghiệp, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã chỉ đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các sở, ngành, địa phương tổ chức rà soát, nắm bắt thực trạng nhu cầu, yêu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động, nắm bắt nguyện vọng của người lao động. Từ đó, định hướng đào tạo nghề; kết nối, hỗ trợ các doanh nghiệp trong tuyển dụng nhân công; đồng thời, liên kết giữa các trường nghề với doanh nghiệp để tổ chức đào tạo theo nhu cầu sử dụng. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trong lĩnh vực điện tử, may mặc trên địa bàn tỉnh cần chủ động tăng tỷ lệ sử dụng nhân công là nam giới và thời gian sử dụng lao động, cũng như áp dụng những chế độ đãi ngộ tốt để người lao động yên tâm sản xuất và gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.

2. Công tác an sinh xã hội

Công tác chỉ đạo và triển khai thực hiện các chế độ, chính sách cho người nghèo được triển khai đồng bộ và kịp thời trên địa bàn tỉnh. Các phong trào “Tương thân, tương ái”, “Quỹ vì người nghèo”, “Cả nước chung tay vì người nghèo – Không để ai bị bỏ lại phía sau” được tổ chức thường xuyên và thu hút sự hưởng ứng của nhiều lực lượng xã hội. Các cấp, các ngành đã tổ chức thực hiện tốt các cơ chế, chính sách hỗ trợ kinh tế, phát triển sản xuất, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của hộ nghèo, hộ cận nghèo. Trong năm, tỉnh đã trao hơn 2,2 nghìn xuất quà cho hộ nghèo có hoàn cảnh khó khăn trong dịp tết Nguyên Đán Mậu Tuất 2018; duyệt danh sách cho 345 hộ nghèo thuộc diện được hỗ trợ nhà ở đăng ký vay vốn; hỗ trợ xây dựng 100 căn nhà cho hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; chỉ đạo rà soát các hộ sống ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn thiếu nước sinh hoạt...

Năm 2018, trên địa bàn tỉnh không xảy ra tình trạng thiếu đói giáp hạt, thiếu đói do thiên tai và dịch bệnh nguy hại, do đó không tổ chức đoàn cứu trợ xã hội khẩn cấp. Tuy vậy, công tác bảo trợ xã hội luôn được các cấp, các ngành duy trì; tiếp tục công tác tiếp nhận, quản lý, nuôi dưỡng, chăm sóc và phục hồi chức năng cho đối tượng ở Trung tâm Bảo trợ xã hội và Trung tâm Nuôi dưỡng, phục hồi chức năng người tâm thần của tỉnh.

Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, chăm sóc đời sống người có công với cách mạng tiếp tục được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện qua đó đã huy động được cả cộng đồng tham gia, góp phần ổn định và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ và người có công. Các chế độ chính sách đối với người có công, thân nhân người có công được thực hiện hiệu quả, trong năm tỉnh đã cấp lại cấp thẻ bảo hiểm y tế đối tượng người có công, cựu chiến binh, thanh niên xung phong, người hưởng chế độ theo Quyết định số 62 của Thủ tướng là 85 nghìn người; quyết định hưởng trợ cấp cho 155 trường hợp hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; quyết định cho 1 thân nhân lão thành cách mạng hưởng trợ cấp 1; thực hiện chính sách ưu đãi trong giáo dục và đào tạo đối với 10 người; đề nghị cấp lại Bằng Tổ quốc ghi công cho 574 liệt sỹ; hỗ trợ 19,16 tỷ đồng để xây mới và sửa chữa 716 nhà cho các đối tượng... Đề án Cổng Thông tin điện tử về liệt sỹ, mộ liệt sỹ và nghĩa trang liệt sỹ được đã và đang triển khai hiệu quả. Công tác thăm hỏi và tặng quà đối tượng chính sách được thực hiện thường xuyên.

3. Giáo dục, đào tạo

Trong năm, ngành giáo dục và đào tạo tiếp tục thực hiện tốt các giải pháp đổi mới căn bản, toàn diện theo Nghị quyết của Đảng, Chương trình hành động của Tỉnh ủy; tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng về chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong ngành; tổ chức kỳ thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp từ giáo viên hạng III lên giáo vên hạng II; thực hiện tốt công tác tuyển sinh và khai giảng năm học mới 2018 - 2019; việc đầu tư, điều chỉnh cơ sở vật chất trường học giữa các cấp học cơ bản phù hợp với nhu cầu thực tế; công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia được đẩy nhanh tiến độ gắn với yêu cầu chuẩn về chất lượng và từng bước đạt chất lượng cao; đội ngũ giáo viên các cấp được sắp xếp, sử dụng hợp lý, hiện tượng thừa, thiếu giáo viên giữa các vùng, miền từng bước được khắc phục.

Tổ chức hoạt động giáo dục được toàn ngành triển khai mạnh mẽ. Phong trào thi đua “dạy tốt, học tốt” được duy trì và thực hiện hiệu quả. Chất lượng giáo dục cả đại trà và mũi nhọn tiếp tục được giữ vững; trong cuộc thi THPT quốc gia năm 2018 chất lượng điểm trung bình các môn thi của học sinh trong tỉnh đứng thứ 4 toàn quốc, tăng 2 bậc so với năm 2017; chất lượng giáo dục mũi nhọn của tỉnh tiếp tục đạt mức cao, mở rộng nhiều đối tượng học sinh; ngoài các cuộc thi do tỉnh, do Bộ tổ chức, học sinh Vĩnh Phúc đã tích cực tham gia các cuộc thi như thi Toán Hà Nội mở rộng, Tìm kiếm tài năng toán học trẻ, Olimpic toán Singapo mở rộng và đều đạt thành tích tốt.

Công tác tư vấn hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS được quan tâm và duy trì. Công tác giáo dục nghề nghiệp luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh thông qua việc ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ người lao động tham gia học nghề; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của cơ sở giáo dục nghề nghiệp; từng bước chuẩn hóa trình độ giáo viên theo quy định của Bộ Lao động. Bên cạnh đó, để thực hiện tốt công tác hướng nghiệp cho học sinh, ngành Giáo dục Vĩnh Phúc thành lập các Ban hướng nghiệp, Tổ tư vấn hướng nghiệp trong nhà trường với nhiệm vụ triển khai các nội dung thực hiện giáo dục hướng nghiệp lồng ghép vào các môn học như công nghệ, sinh học, giáo dục công dân và các hoạt động ngoài giờ lên lớp. Xây dựng mối liên kết chặt chẽ giữa cơ sở đào tạo và các doanh nghiệp sử dụng lao động trên địa bàn; tăng cường đầu tư cho các Trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên; chuyển mục tiêu từ phát triển theo số lượng sang đầu tư vào chất lượng đào tạo.

4. Y tế và chăm sóc sức khoẻ cộng đồng

UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành y tế triển khai hiệu quả các Chương trình hành động của Tỉnh ủy về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân và dân số trong tình hình mới theo các Nghị quyết của Trung ương; chỉ đạo ngành y tế chủ động theo dõi, giám sát thường xuyên các bệnh dịch nhằm phát hiện các trường hợp mắc bệnh sớm nhất, tổ chức cách ly và điều trị kịp thời cho người bệnh; tăng cường hoạt động hỗ trợ chuyên môn và phương pháp nghiệp vụ cho các Trung tâm Y tế tuyến huyện; nhấn mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân các biện pháp phòng, chống bệnh dịch, vận động nhân dân chủ động tiêm phòng các loại vắc xin phòng bệnh, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm. Do đó, trên địa bàn tỉnh không có dịch bệnh xảy ra, chỉ có một số ca bệnh cúm, tiêu chảy, tay chân miệng, sởi, sốt xuất huyết xuất hiện rải rác.

Công tác khám, chữa bệnh được tiếp tục cải thiện ở cả 3 tuyến. Việc thực hiện Quy chế bệnh viện, Quy trình kỹ thuật chuyên môn được thực hiện nghiêm túc từ khâu tiếp đón người bệnh, làm hồ sơ bệnh án, chẩn đoán, theo dõi, tiên lượng và điều trị; Công tác xã hội hóa trong lĩnh vực y tế đạt được những kết quả tích cực, góp phần nâng cao năng lực khám chữa bệnh của các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh, đồng thời tạo điều kiện cho người dân tiếp cận với các kỹ thuật chẩn đoán lâm sàng hiện đại đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng cao của nhân dân trong tỉnh.

Các chương trình mục tiêu như tiêm chủng mở rộng, chương trình sức khỏe sinh sản, phòng chống suy dinh dưỡng, chương trình phòng chống các bệnh lây nhiễm, các bệnh không lây, bảo vệ sức khỏe tâm thần cộng đồng, y tế học đường, chương trình dân số kế hoạch hóa gia đình, phòng chống HIV, AIDS tiếp tục được duy trì, triển khai có hiệu quả. Tính đến ngày 30/11/2018, lũy tích số người nhiễm HIV là 4.277 người (trong đó, số người nhiễm HIV có hộ khẩu tại tỉnh là 2.077 người), lũy tích số người chuyển AIDS là 2.256 người (số có hộ khẩu tại tỉnh là 1.476 người), lũy tích số người tử vong do AIDS là 964 người (773 trường hợp có hộ khẩu tại tỉnh).

Công tác quản lý, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm tiếp tục có chuyển biến tích cực, đề cao ý thức, trách nhiệm của người dân, người sản xuất, doanh nghiệp và chính quyền các cấp. Công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm được các cấp, các ngành thực hiện quyết liệt, trong năm các lực lượng chức năng đã tiến hành thanh, kiểm tra 4,051 nghìn lượt cơ sở, tỷ lệ cơ sở đạt tiêu chuẩn chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm là 84,4%. Đoàn kiểm tra đã xử lý các cơ sở vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm theo đúng quy định của pháp luật. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra vụ 02 vụ ngộ độc thực phẩm  ở thành phố Phúc Yên và huyện Tam Dương với 124 người mắc, không có trường hợp tử vong.

5. Hoạt động văn hoá, thể thao

Công tác tuyên truyền, cổ động, tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật, vui chơi giải trí, triển lãm, biểu diễn nghệ thuật, chiếu phim, tổ chức lễ hội truyền thống chào mừng các ngày lễ của đất nước, của tỉnh được các đơn vị tích cực triển khai thực hiện theo kế hoạch năm; các hoạt động diễn ra sôi nổi, đa dạng, rộng khắp, đảm bảo trang nghiêm, trật tự, tiết kiệm, đúng quy định; phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức công diễn một số tiết mục đặc sắc của Liên hoan Múa rối Quốc tế lần thứ V, năm 2018; Tổ chức thành công ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc và đón nhận bằng UNESCO công nhận kéo co là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại qua đó quảng bá sâu rộng hình ảnh con người, văn hóa Vĩnh Phúc đến với bạn bè. Tham gia và đạt thành tích xuất sắc tại “ Liên hoan Hát văn, Hát Chầu văn” toàn quốc năm 2018 tại Huế; Liên hoan Ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc 2018 do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức đã giành 5 huy chương (gồm 01 HCV, 04 HCB) và 01 Bằng khen của Hội Nhạc sỹ Việt Nam...

Hoạt động thể dục thể thao quần chúng tiếp tục phát triển gắn với cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và “Chương trình xây dựng nông thôn mới”; tổ chức thành công ngày chạy Olimpic vì sức khỏe toàn dân năm 2018 và Đại hội thể dục, thể thao các cấp, qua đó lựa chọn được nhiều vận động viên tham dự Đại hội Thể dục thể thao toàn quốc lần thứ VIII. Kết quả, đoàn Vĩnh Phúc đã giành 9 HCV, 6 HCB, 13 HCĐ và đứng thứ 16 toàn quốc (riêng bộ môn đua thuyền đứng thứ nhất toàn quốc với 2 HCV cá nhân, 4 HCV tập thể ). Thể thao thành tích cao được quan tâm, tiếp tục phát triển vượt bậc, đón nhận nhiều thành tích ấn tượng, nhất là ở các giải đấu khu vực và thế giới. Vận động viên của tỉnh đã tham gia 33 giải thể thao, đạt tổng số 98 huy chương các loại, trong đó đạt: 29 huy chương vàng, 24 huy chương bạc, 45 huy chương đồng (trong đó huy chương quốc tế là 14 huy chương: 05 HCV, 05 HCB, 04 HCĐ; huy chương trong nước là 39 huy chương: 06 HCV, 06 HCB, 27 HCĐ).

Hoạt động của các cơ quan báo chí, bản tin, trang thông tin điện tử, đài truyền thanh huyện, xã,... trên địa bàn tỉnh đã bám sát định hướng và làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền các chủ đề trọng tâm; xuất bản nhiều ấn phẩm được quan tâm, cải thiện cả về hình thức và nội dung đáp ứng tốt nhiệm vụ chính trị của tỉnh và góp phần nâng cao dân trí đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và sinh hoạt văn hoá tinh thần của nhân dân.

6. Tình hình trật tự an ninh, an toàn xã hội, an toàn giao thông

Trong kỳ, tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội nhìn chung ổn định. Đảm bảo tuyệt đối an toàn các sự kiện chính trị, xã hội quan trọng diễn ra trên địa bàn tỉnh. Lực lượng Công an triển khai đồng bộ các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm, các vụ phạm tội về trật tự xã hội, các vụ trọng án nhanh chóng được điều tra, làm rõ. Công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc phát huy hiệu quả. Để đảm bảo an ninh trật tự trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi và các lễ hội đầu năm 2019, từ ngày 16/11/2018 đến ngày 15/02/2019, lực lượng Công an sẽ đồng loạt ra quân, tấn công trấn áp các loại tội phạm, tệ nạn xã hội,…không để hình thành các ổ nhóm, tụ điểm phức tạp về trật tự, an toàn xã hội.

Công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông được tăng cường, kết hợp với đẩy mạnh các biện pháp tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người tham gia giao thông nhất là trước khi bước vào dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán 2019, Công an tỉnh sẽ triển khai đợt cao điểm về TTATGT, lực lượng Cảnh sát giao thông tăng cường kiểm tra, kiểm soát nhằm phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm; đồng thời, khảo sát những điểm phức tạp về TTATGT, điểm giao cắt với đường sắt, biển báo hư hỏng… để có biện pháp kịp thời khắc phục những điểm còn bất hợp lý về tổ chức giao thông trên địa bàn.

Theo báo cáo của Ban an toàn giao thông tỉnh, tính đến 15/12/2018, trên địa bàn tỉnh xảy ra 44 vụ tai nạn giao thông làm 35 người chết và 40 người bị thương. So với cùng kỳ năm ngoái số vụ tai nạn giao thông giảm 01 vụ, giảm 03 người chết và giảm 05 người bị thương.

7. Thiệt hại do thiên tai

Thời tiết năm 2018 tương đối thuận lợi, trong năm diễn ra nhiều ngày mưa lớn nhưng thiệt hại không đáng kể, không ảnh hưởng lớn đến đời sống và sản xuất của nhân dân.

8. Tình hình cháy, nổ và bảo vệ môi trường

Công tác phòng chống cháy nổ được chú trọng, các hình thức tuyên truyền về phòng chống cháy nổ được triển khai sâu rộng, đa dạng, từ qua hệ thống phát thanh tại các điểm giao thông đến truyền thanh xã, phường, các cơ quan thông tin đại chúng; đồng thời đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Toàn dân tham gia PCCC” nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của cộng động trong công tác PCCC… Triển khai công tác huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ về PCCC cho lực lượng dân phòng, lực lượng PCCC cơ sở, PCCC chuyên ngành; tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện và xử phạt nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định PCCC. Tuy nhiên, tính từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 34 vụ cháy, ước giá trị thiệt hại là 405.489 triệu đồng (trong đó có 01 vụ cháy lớn do chập điện ở Công ty TNHH Vina Korea ước tính giá trị thiệt hại là 396.337 triệu đồng).

Công tác bảo vệ môi trường tiếp tục được quan tâm, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật về bảo vệ môi trường đến các tầng lớp nhân dân. Năm 2018, tỉnh Vĩnh Phúc đã tổ chức các hoạt động tuyên truyền lưu động và diễu hành hưởng ứng Ngày Nước thế giới (22/3); Chiến dịch Giờ trái đất năm 2018; mít tinh hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới (5/6)…; tăng cường công tác quản lý, tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng an toàn đối với hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật; đặc biệt là việc sử dụng và thu gom bao bì thuốc bảo về thực vật sau sử dụng; kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu vào tỉnh các loại chất thải phế liệu làm nguyên liệu sản xuất. Trong tháng, có 01 vụ vi phạm môi trường bị phát hiện và xử lý với số tiền xử phạt là 28,6 triệu đồng. Từ đầu năm đến nay, các cơ quan chức năng trong tỉnh đã phát hiện 26 vụ vi phạm môi trường; thực hiện xử lý 26 vụ, số tiền xử phạt trên 1.099 triệu đồng./.

 

luat_sua_doi_ltk

Đang truy cập: 14
Trong ngày: 306
Trong tuần: 1278
Lượt truy cập: 1428284

Xin cho biết ý kiến của bạn về trang thông tin điện tử Cục Thống kê tỉnh Vĩnh Phúc?
Tốt
Khá
Trung bình
Kém

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỤC THỐNG KÊ TỈNH VĨNH PHÚCChung nhan Tin Nhiem Mang

Địa chỉ: Số 20

Lý Thái Tổ - Phường Đống Đa - Thành phố Vĩnh Yên - Tỉnh Vĩnh Phúc

Điện thoại: 0211 3 861 139, Fax: 0211 3 843 841Email: vinhphuc@gso.gov.vn, cuctk@vinhphuc.gov.vn