.::. Cung cấp thông tin đầy đủ, trung thực là trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, đơn vị sự nghiệp, hiệp hội, cơ sở hành chính, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng trên địa bàn .::. .............................................................................................................................................................................................................. ........................................  

Tình hình KT-XH tỉnh Vĩnh Phúc tháng Bảy và 7 tháng năm 2019 

1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản

1.1. Nông nghiệp

- Trồng trọt: Đến nay, phần lớn các loại cây trồng vụ mùa đã được bà con nông dân gieo trồng xong, chỉ còn một số loại rau màu có khung thời vụ muộn đang được tiếp tục gieo trồng. Tính đến 15/7/2019, toàn tỉnh đã gieo trồng được 23.870 ha lúa, giảm 6,69% so với cùng kỳ, nguyên nhân chủ yếu do một số diện tích được chuyển đổi mục đích sử dụng, xây dựng các công trình; ngoài ra một số diện tích trũng bà con không gieo cấy mà để lúa tái sinh và một số diện tích khá lớn bị bỏ trống. Diện tích gieo trồng một số loại cây chủ yếu còn lại đạt được như sau: cây ngô 1.440 ha, giảm 17,86% so với cùng kỳ; khoai lang 203 ha, giảm 11,65%; đậu tương 151 ha, tăng 3,35%; lạc 426 ha, giảm 9,73%; rau các loại 1.542 ha, tăng 0,21% so với cùng kỳ.

Trong tháng, thời tiết diễn biến phức tạp, nắng nóng kéo dài, mưa nhiều, độ ẩm cao là điều kiện thuận lợi cho các đối tượng sâu bệnh phát sinh và gây hại trên các loại cây trồng như: Sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân 2 chấm, chuột, ốc bươu vàng và một số loại sâu ăn lá khác... Để bảo vệ an toàn cho sản xuất, giành vụ mùa thắng lợi, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh đã chỉ đạo các huyện, thành phố theo dõi chặt chẽ diễn biến của thời tiết, hướng dẫn bà con nông dân thường xuyên thăm đồng, kịp thời phát hiện sâu bệnh chủ động phòng, chống bằng các biện pháp tổng hợp, xử lý kịp thời, hiệu quả không để ảnh hưởng đến kết quả sản xuất.

- Chăn nuôi: Tháng Bảy, tình hình chăn nuôi gia cầm trên địa bàn có dấu hiệu khởi sắc do giá các sản phẩm gia cầm như thịt hơi, trứng sau một thời gian dài xuống quá thấp, đã có dấu hiệu tăng trở lại và duy trì ở mức khá cao; thị trường tiêu thụ tốt nên người dân đã yên tâm, tập trung đầu tư phát triển sản xuất. Tuy nhiên, chăn nuôi lợn vẫn gặp nhiều khó khăn do bệnh Dịch tả lợn Châu phi (DTLCP) xảy ra ở nhiều địa phương đến nay vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại, việc tiêu thụ các sản phẩm thịt lợn cũng như việc tái đàn của các hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh còn hạn chế.

Trong tháng, công tác kiểm soát dịch bệnh, giám sát ngăn chặn buôn bán, vận chuyển gia súc, gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm không qua kiểm dịch của các cơ quan chức năng tiếp tục được tăng cường và thực hiện nghiêm túc; thực hiện đầy đủ các quy trình, trình tự, thủ tục trong quá trình kiểm dịch động vật và sản phẩm động vật.

1.2. Lâm nghiệp

Tháng Bảy, thời tiết mưa nhiều tạo điều kiện thuận lợi cho việc chăm sóc và phát triển rừng, công tác chuẩn bị hiện trường trồng rừng của các đơn vị sản xuất lâm nghiệp cũng như các địa phương đã cơ bản hoàn thành. Đến nay, toàn tỉnh đã trồng được 465 ha rừng trồng mới tập trung, tăng 1% so với cùng kỳ và đạt 66% kế hoạch năm; số cây lâm nghiệp trồng phân tán ước trồng được 1.308 nghìn cây; sản lượng gỗ khai thác trong tháng ước đạt 3.647 m3, tăng 3,89%; sản lượng củi khai thác ước đạt 4.204 Ste, tăng 1,03% so với cùng kỳ năm trước.

Công tác phòng, chống cháy rừng luôn được các cơ quan chức năng, các địa phương trong tỉnh và các chủ rừng quan tâm thực hiện. Do vậy, từ đầu năm đến nay không có vụ cháy rừng nào xảy ra.

1.3. Thuỷ sản

Tình hình sản xuất thủy sản trên địa bàn tỉnh trong tháng diễn ra ổn định, các hộ tập trung vào đầu tư, chăm sóc cho đàn cá. Công tác phòng chống dịch bệnh được quan tâm thực hiện. Sản lượng thủy sản đạt khá; nguồn cung con giống ổn định, đáp ứng tốt nhu cầu của bà con nông dân trong tỉnh cũng như ở một số địa phương lân cận.

Sản lượng thủy sản nuôi trồng tháng Bảy ước đạt 1.440 tấn, tăng 5,60% so với cùng kỳ; sản lượng thủy sản khai thác ước đạt 288 tấn, giảm 1,84%. Tính chung bảy tháng đầu năm, tổng sản lượng thủy sản ước đạt 12.247 tấn, tăng 4,49% so với cùng kỳ. Trong đó, sản lượng nuôi trồng đạt 11.093 tấn, tăng 5,23%; sản lượng khai thác đạt 1.154 tấn, giảm 2,09% so với cùng kỳ.

2. Sản xuất công nghiệp

2.1. Chỉ số sản xuất

Chỉ số sản xuất công nghiệp trên địa bàn đang có dấu hiệu chững lại sau nhiều tháng duy trì mức tăng 2 con số, đến tháng Sáu đạt 7,8% so với cùng kỳ và ước tháng Bảy chỉ đạt 0,09%. Nguyên nhân là do ngành sản xuất mô tô, xe máy vẫn gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ, trong khi đó ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất là ngành sản xuấn linh kiện điện tử đang có tốc độ tăng trưởng chậm lại. So với tháng trước, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng Bảy tăng 1,84%. Chia theo ngành kinh tế cấp I, các ngành tăng, giảm tương ứng so với tháng trước và cùng kỳ như sau: ngành công nghiệp khai khoáng tăng 6,01% và tăng 22,15%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 1,82% và giảm 0,17%;  ngành sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hoà không khí tăng 2,04% và tăng 10,81%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải tăng 2,50% và tăng 18,87%.

CHỈ SỐ SẢN XUẤT NGÀNH CÔNG NGHIỆP SO VỚI CÙNG KỲ (%)

 t720191

Tính chung bảy tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 9,33% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức tăng 12,38% của bảy tháng năm 2018 nhưng cao hơn mức tăng bảy tháng của 04 năm tính từ 2017 trở về trước. Trong các ngành công nghiệp cấp II, một số ngành chiếm tỷ trọng lớn có chỉ số sản xuất tăng cao so với cùng kỳ, đóng góp tích cực vào tăng trưởng chung của toàn ngành công nghiệp như: Ngành sản xuất linh kiện điện tử tiếp tục đạt mức tăng khá 38,48%; ngành sản xuất kim loại tăng 25,69%; ngành sản xuất các sản phẩm từ khoáng phi kim loại tăng 24,17%; ngành sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 23,41%… Tuy vậy, vẫn có 5/24 ngành công nghiệp cấp II của tỉnh có chỉ số sản xuất giảm so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành sản xuất xe có động cơ giảm 2,68% do xe lắp ráp trong nước đang tiếp tục phải cạnh tranh với thị trường xe nhập khẩu đang rất dồi dào về nguồn cung, đa dạng về kiểu dáng, mẫu mã và giá thành; ngành sản xuất phương tiện vận tải giảm 15,01% do thị trường đang ở thời điểm bão hòa, cùng với đó, xe máy điện ngày càng ra mắt nhiều mẫu mới, pin lưu trữ lâu hơn, đi xa hơn và chi phí rẻ, đang giành thị phần của xe máy chạy xăng; ngành sản xuất giường, tủ, bàn ghế giảm 21,97%; ngành sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu giảm 6,04%; ngành khai khoáng giảm 5,61%.

Các ngành công nghiệp còn lại phát triển ổn định.

2.2. Sản phẩm công nghiệp chủ yếu

Khối lượng sản xuất một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu trong tháng Bảy đều tăng so với tháng trước. Cụ thể: Thức ăn gia súc ước đạt 21.123 tấn, tăng 1,50%; quần áo các loại 6.436 nghìn cái, tăng 3,40%; giày, dép thể thao 586 nghìn đôi, tăng 4,71%; gạch ốp lát 14.114 nghìn m2, tăng 3,42%; máy điều hòa không khí 2.602 cái, tăng 0,66%; xe ô tô chở dưới 10 người 5.387 chiếc, tăng 3,68%; xe máy các loại 137.747 chiếc, tăng 0,69%...

Tính chung bảy tháng đầu năm 2019, ngoài sản lượng ô tô giảm 2,68% và xe máy giảm 15,04%, các nhóm sản phẩm công nghiệp chủ yếu còn lại của tỉnh đều có mức tăng trưởng khá cao so với cùng kỳ năm 2018: Giày thể thao đạt 3.996 nghìn đôi, tăng 23,41%; gạch ốp lát 86.000 ngàn m2, tăng 24,17%; máy điều hòa không khí 15.577 cái, tăng 24,49%; điện thương phẩm 3.350 triệu kwh, tăng 14,86%...

2.3. Chỉ số sử dụng lao động

Chỉ số sử dụng lao động trong các doanh nghiệp công nghiệp trên địa bàn tháng Bảy tăng 0,65% so với tháng trước và giảm 0,22% so với cùng kỳ. Tính chung bảy tháng đầu năm chỉ số tăng 0,18% so với cùng kỳ; trong đó, khu vực doanh nghiệp Nhà nước giảm 5,17%, doanh nghiệp ngoài nhà nước tăng 5,62%, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài giảm 0,92%.

2.4. Chỉ số tiêu thụ, tồn kho

Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng Bảy năm 2019 tăng 2,01% so với tháng trước và giảm 9,97% so với cùng kỳ. Bảy tháng đầu năm, nhiều ngành có chỉ số tiêu thụ tăng cao như: ngành sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 21,69%; ngành sản xuất khoáng phi kim tăng 22,99%, ngành sản xuất kim loại tăng 24,36%, ngành chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ tăng 49,46%... Bên cạnh đó, một số ngành có chỉ số tiêu thụ giảm như: ngành sản xuất xe có động cơ giảm 6,91%, ngành sản xuất phương tiện vận tải khác giảm 17,73%... Các ngành còn lại có biến động nhẹ.

Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng Bảy năm 2019 tăng 9,29% so với tháng trước và tăng 57,86% so cùng kỳ. Hầu hết các ngành đều có chỉ số tồn kho tăng cao so cùng kỳ; trong đó, ngành sản xuất xe có động cơ tăng 100,77%, ngành sản xuất phương tiện vận tải khác tăng 148,18%...

3. Đầu tư, xây dựng

Tháng Bảy, tình hình thời tiết đã chuyển sang mùa mưa bão ảnh hưởng đến tiến độ thi công các công trình xây dựng ngoài trời, đặc biệt là các công trình thủy lợi, công trình cải tạo hồ, đầm, nạo vét kênh mương. Nhưng với quyết tâm hoàn thành kế hoạch đã đề ra, UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định về quy trình và thời gian thực hiện các thủ tục đầu tư; yêu cầu các chủ đầu tư phối hợp với nhà thầu thi công đẩy nhanh tiến độ, kể cả thi công 3 ca để đảm bảo hoàn thành kế hoạch được giao. Các dự án trọng điểm được UBND tỉnh quan tâm sát sao, chỉ đạo quyết liệt các địa phương, đơn vị tập trung thời gian, nhân lực, nguồn lực để giải quyết khó khăn, vướng mắc sớm bàn giao các công trình vào sử dụng theo đúng tiến độ.

Dự kiến, tổng vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý tháng Bảy đạt 505,7 tỷ đồng, tăng 3,25% so với tháng trước và tăng 7,81% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh là 332,3 tỷ đồng, tăng 10,35%; vốn ngân sách cấp huyện là 135,2 tỷ đồng, tăng 2,38%; vốn ngân sách cấp xã là 38,2 tỷ đồng, tăng 6,46% so với cùng kỳ. Tính chung bảy tháng đầu năm, tổng vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý đạt 3.156,1 tỷ đồng, tăng 4,21% so với cùng kỳ và đạt 50,64% kế hoạch giao vốn đầu năm.

4. Thương mại, dịch vụ và giá cả

4.1. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng

Tình hình kinh doanh thương mại và dịch vụ trên địa bàn tỉnh trong tháng diễn ra khá sôi động. Hệ thống các siêu thị mini thuộc chuỗi siêu thị Vinmarrt mới khai trương đi vào hoạt động đã đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân về các thực phẩm sạch, sản phẩm uy tín, chất lượng. Bên cạnh đó, tháng Bảy vẫn là tháng cao điểm về du lịch, nghỉ mát, tỉnh Vĩnh Phúc với các điểm du lịch, nghỉ dưỡng nổi tiếng như Tam Đảo, Đại Lải...đã thu hút nhiều khách du lịch trong nước và quốc tế nên doanh thu các ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch tăng khá so với tháng trước và so với cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng Bảy ước đạt 4.449 tỷ đồng, tăng 3,93% so với tháng trước và tăng 13,02% so với cùng kỳ. Tính chung bảy tháng đầu năm 2019, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính đạt 29.465 tỷ đồng, tăng 9,56% so với cùng kỳ năm trước.

Phân theo nhóm ngành hàng:

- Doanh thu bán lẻ hàng hóa tháng Bảy ước đạt 3.797 tỷ đồng, tăng 13,14% so với cùng kỳ năm trước và tăng ở hầu hết các nhóm ngành hàng như: Phương tiện đi lại tăng 23%; Hàng may mặc tăng 15,66%; Gỗ và vật liệu xây dựng tăng 14,94%; Hàng lương thực thực phẩm tăng 10,19%... Bảy tháng đầu năm doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 25.349 tỷ đồng, tăng 9,56% so với cùng kỳ.

- Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành tháng Bảy ước đạt 389 tỷ đồng, tăng 11,30% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu dịch vụ lưu trú đạt 33 tỷ đồng, tăng 9,49%; doanh thu dịch vụ ăn uống đạt 346 tỷ đồng, tăng 11,41%; doanh thu du lịch, lữ hành đạt 10 tỷ đồng, tăng 13,85% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung bảy tháng đầu năm doanh thu của ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành đạt 2.355 tỷ đồng tăng 9,67% so với cùng kỳ.

- Doanh thu các ngành dịch vụ khác tháng Bảy ước đạt 263 tỷ đồng, tăng 13,93% so với cùng kỳ năm trước. Bảy tháng đầu năm 2019, doanh thu các ngành dịch vụ khác đạt 1.761 tỷ đồng, tăng 9,42% so với cùng kỳ.

4.2. Vận tải hành khách và hàng hoá

Trong kỳ, tập đoàn xăng dầu Việt Nam điều chỉnh tăng giá xăng dầu 02 lần liên tiếp đã tác động không nhỏ đến hoạt động vận tải trên địa bàn. Tuy nhiên, các đơn vị kinh doanh vận tải vẫn duy trì tốt chất lượng phục vụ, đảm bảo lưu thông hàng hóa cũng như đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân kịp thời, thuận lợi và an toàn. Dự kiến, khối lượng vận chuyển hành khách tháng Bảy ước đạt 2.045 ngàn người, tăng 0,89% so với tháng trước và tăng 5,61% so với cùng kỳ năm trước; luân chuyển hành khách đạt 145 triệu người.km, so với tháng trước và cùng kỳ năm trước tăng lần lượt là 1,40% và 4,25%. Vận chuyển hàng hóa đạt 2.847 ngàn tấn, tăng 1,50% so với tháng trước và tăng 8,96% so với cùng kỳ; luân chuyển hàng hóa đạt 204 triệu tấn.km, so với tháng trước tăng 1,49% so cùng kỳ năm trước tăng 7,62%. Tính chung bảy tháng đầu năm, vận chuyển hành khách đạt 14.653 ngàn người, tăng 4,52%; luân chuyển hành khách đạt 997 triệu người.km, tăng 5,12% so cùng kỳ; vận chuyển hàng hóa đạt 19.269 ngàn tấn, tăng 7,53%; luân chuyển hàng hóa đạt 1.422 triệu tấn.km, tăng 6,99% so cùng kỳ.

Tổng doanh thu vận tải tháng Bảy ước đạt 370,8 tỷ đồng, tăng 1,91% so với tháng trước và tăng 14,03% so cùng kỳ. Trong đó, vận tải hành khách đạt 82,3 tỷ đồng, tăng 9,56%; vận tải hàng hóa 277,7 tỷ đồng, tăng 14,57% so cùng kỳ. Tính chung bảy tháng đầu năm, tổng doanh thu vận tải đạt 2.531 tỷ đồng, tăng 10,13% so với cùng kỳ.

4.3. Chỉ số giá

a) Chỉ số giá tiêu dùng

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trên địa bàn tỉnh tháng Bảy tăng 0,55% so với tháng trước, tăng 1,05% so với cùng tháng năm trước và tăng 1,25% so tháng Mười Hai năm trước. Tính chung bảy tháng đầu năm, CPI tăng 1,28% thấp hơn rất nhiều so với mức tăng bình quân 4,29% của bảy tháng năm 2018.

Trong 11 nhóm hàng chủ yếu, có 6 nhóm hàng ghi nhận mức chỉ số tăng so với tháng trước là: Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 1,53% do nhóm ăn uốn ngoài gia đình tăng 1,28%. Bên cạnh đó, giá nhóm hàng lương thực tăng 0,09% và thực phẩm tăng 1,83% đã kéo theo chỉ số chung của nhóm tăng; nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,28% chủ yếu ở các loại đồ uống không còn như nước giải khát có ga tăng 1,63%, bia chai tăng 1,27% so với tháng trước; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,01% chủ yếu ở mặt hàng quạt tích điện tăng 0,55% so với tháng trước do thời tiết nắng nóng kéo dài, nhu cầu sử dụng các thiết bị làm mát phục vụ mùa hè tăng; nhóm giao thông tăng 0,01% do có sự điều chỉnh giá xăng dầu của Tập đoàn xăng dầu Việt Nam vào ngày 17/7/2019; nhóm văn hóa giải trí và du lịch tăng 0,31%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,82%.

Các nhóm còn lại giá tương đối ổn định.

b) Chỉ số giá vàng và Đô la Mỹ

Giá vàng thế giới và trong nước những ngày qua liên tiếp tăng giá. Đỉnh điểm là ngày 19/7/2019, giá vàng trong nước đã vượt mốc 40 triệu đồng mỗi lượng theo đà tăng của giá vàng thế giới và đây là mức cao nhất trong vòng 6 năm trở lại đây. Chỉ số giá Giá vàng trên địa bàn tỉnh tháng Bảy tăng 5,89% so với tháng trước, giá bán bình quân ở mức 3.831 nghìn đồng/chỉ. Nguyên nhân chủ yếu khiến giá vàng trên thị trường tăng mạnh là do một số ngân hàng Trung ương ở các nước đồng loạt hạ lãi suất khiến giá vàng thế giới tăng cao. Ngược chiều với giá vàng, giá Đô la Mỹ bình quân chung của cả tháng Bảy giảm 0,25% so với tháng trước, mức giá bán bình quân phổ biến là 22.653 đồng/USD.

CHỈ SỐ GIÁ TIÊU DÙNG, CHỈ SỐ GIÁ VÀNG, CHỈ SỐ GIÁ ĐÔ LA MỸ

(So với tháng 12 năm 2018)

t720192

5. Tài chính, ngân hàng, bảo hiểm

5.1. Tình hình thu, chi ngân sách Nhà nước

Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tiếp tục duy trì tiến độ khả quan, chi ngân sách đáp ứng kịp thời các yêu cầu đầu tư phát triển, chi trả nợ, đảm bảo quốc phòng, an ninh và hoạt động của bộ máy nhà nước. Theo số liệu của Kho bạc Nhà nước, tổng thu ngân sách trên địa bàn tính đến 22/7/2019 ước đạt 16.881 tỷ đồng, bằng 60,74% dự toán. Trong đó, thu nội địa đạt 14.535 tỷ đồng, bằng 59,96% dự toán; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 2.308 tỷ đồng, bằng 65,01% dự toán. Trong thu nội địa, một số khoản thu chiếm tỷ trọng lớn và đạt mức thu khá như: Thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 10.304 tỷ đồng, bằng 51,83% dự toán; thu từ thuế thu nhập cá nhân đạt 494 tỷ, bằng 69,59% dự toán; các khoản thu về nhà đất đạt 2.098 tỷ đồng, bằng 306% so dự toán...

Tổng chi ngân sách nhà nước trên địa bàn đến 22/7/2019 hiện đạt 9.468 tỷ đồng, trong đó chi thường xuyên đạt 4.896 tỷ đồng, chi đầu tư phát triển đạt 4.541 tỷ đồng.

5.2. Hoạt động ngân hàng, tín dụng

Nhằm đáp ứng nhu cầu về vốn cho nền kinh tế, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn làm tốt công tác huy động vốn, mở rộng tín dụng đi đôi với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung tín dụng cho các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, địa phương. Theo đó, mặt bằng lãi suất của các tổ chức tín dụng được duy trì ổn định. Lãi suất huy động phổ biến ở mức 4,5-7,3%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng trở lên. Lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 6-9%/năm; các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường ở mức 6,8-10,5%/năm. Dự kiến tổng nguồn vốn huy động đến 31/7/2019 đạt 72.800 tỷ đồng, tăng 5,49% so với cuối năm 2018. Trong đó, tiền gửi các tổ chức kinh tế là 28.150 tỷ đồng, giảm 0,34%; tiền gửi tiết kiệm là 43.870 tỷ đồng, tăng 9,58%; phát hành giấy tờ có giá là 780 tỷ đồng, tăng 6,41% so với cuối năm 2018. Tổng dư nợ cho vay dự kiến đến 31/7/2019 đạt 73.790 tỷ đồng, tăng 9,71% so với cuối năm 2018. Trong đó, dư nợ cho vay ngắn hạn đạt 48.040 tỷ đồng, tăng 12,65%, chiếm 65,10% tổng dư nợ; dư nợ cho vay trung và dài hạn đạt 25.750 tỷ đồng, tăng 4,61% so với cuối năm 2018; chiếm 34,89% tổng dư nợ.

Các tổ chức tín dụng trên địa bàn tiếp tục thực hiện các giải pháp xử lý nợ xấu nhằm kiểm soát nợ xấu ở mức an toàn. Thực hiện nghiêm các quy định về cấp tín dụng, an toàn hoạt động, cơ cấu lại nợ nhằm hạn chế nợ xấu phát sinh và nâng cao chất lượng tín dụng. Nợ xấu toàn địa bàn đến hết tháng Bảy năm 2019 ước là 700 tỷ, chiếm tỉ lệ 0,95% trên tổng dư nợ.

5.3. Bảo hiểm

Tính đến tháng Bảy năm 2019, toàn tỉnh có 1.013.097 người tham gia đóng bảo hiểm các loại. Trong đó, Bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc là 197.088 người, BHXH tự nguyện 4.473 người, bảo hiểm thất nghiệp 183.088 người, bảo hiểm y tế là 1.008.624 người. So với mục tiêu của Nghị quyết số 21 và số 28-NQ/TW: tỷ lệ bao phủ BHXH đạt 31,6% lực lượng lao động, bảo hiểm thất nghiệp đạt 28,7% lực lượng lao động và tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế  đạt 91,4% dân số.

Kết quả thu BHXH trong tháng Bảy ước đạt 388,7 tỷ đồng, đưa lũy kế đến hết tháng Bảy đạt 2.610,5 tỷ, tăng 381,1 tỷ đồng so với cùng kỳ và đạt 58,3% so với kế hoạch giao. Trong tháng, Bảo hiểm xã hội tỉnh Vĩnh Phúc đã thực hiện chi đúng, chi đủ, kịp thời cho các đối tượng thụ hưởng chế độ BHXH, bảo hiểm y tế với tổng số tiền là 398,4 tỷ đồng (trong đó: Chi BHXH là 296,9 tỷ đồng, chi bảo hiểm y tế là 101,5 tỷ đồng). Cụ thể: giải quyết hưởng BHXH hàng tháng cho 33 người; giải quyết hưởng BHXH một lần cho 485 người; giải quyết ốm đau, thai sản, dưỡng sức cho 3.840 lượt người; giải quyết cho 787 lượt người hưởng bảo hiểm thất nghiệp.

6. Một số vấn đề xã hội

6.1. Tình hình giáo dục

Kỳ thi Trung học phổ thông (THPT) quốc gia năm 2019, Vĩnh Phúc có trên 12.000 thí sinh đăng ký dự thi. Toàn tỉnh thành lập 26 điểm thi tại 9 huyện, thành phố với tổng số 540 phòng thi. Tình hình an ninh, trật tự và an toàn giao thông tại các điểm thi được đảm bảo, kỳ thi diễn ra thuận lợi, an toàn, nghiêm túc. Theo số liệu tổng hợp của Sở Giáo dục và Đào tạo, kỳ thi THPT quốc gia năm nay, số thí sinh dự thi đạt 99,68%, riêng bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên có 99,63% thí sinh dự thi. Tổng số thí sinh bỏ thi ở tất cả các môn thi là 35 em. Tỷ lệ tốt nghiệp của khối THPT đạt 99,4%, tỷ lệ tốt nghiệp của khối Giáo dục Thường xuyên đạt 93,26%. So với cùng kỳ năm ngoái, kết quả kỳ thi THPT quốc gia năm nay của Vĩnh Phúc nhìn chung vẫn giữ ổn định ở mức cao về tỷ lệ học sinh tốt nghiệp. Điểm bình quân các môn thi của học sinh Vĩnh Phúc đạt 5,74 điểm và xếp thứ sáu toàn quốc sau Nam Định, Hà Nam, Bình Dương; Ninh Bình và Thành phố Hồ Chí Minh.

6.2. Hoạt động văn hóa, thể thao

Nhân dịp kỷ niệm 72 năm ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2019), đoàn đại biểu lãnh đạo tỉnh đã đến đặt vòng hoa, dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại các nghĩa trang: Nghĩa trang Điện Biên Phủ, Nghĩa trang Trường Sơn, nghĩa trang Đường 9, Khu di tích Thành cổ Quảng Trị, Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc... Nhân dịp này, Sở Lao động - Thương binh & Xã hội tỉnh Vĩnh Phúc đã xây dựng kế hoạch phối hợp với các ngành, đoàn thể tổ chức các hoạt động: Thăm hỏi, tặng quà các thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công tiêu biểu ở huyện, thành phố; tuyên truyền để các địa phương tiến hành chăm sóc, tu bổ, làm sạch đẹp các nghĩa trang liệt sĩ, nhà bia, đài tưởng niệm các liệt sĩ tại địa phương mình; phối hợp với UBND thành phố Vĩnh Yên, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Tỉnh Đoàn Vĩnh Phúc tổ chức Chương trình Dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ tại Đài tưởng niệm Liệt sỹ Tỉnh. Cũng nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm này, tối 16/7/2019 Nhà hát nghệ thuật tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức chương trình nghệ thuật “Còn mãi với thời gian” và biểu diễn báo cáo trước khi tham dự Liên hoan “Tiếng hát Đường 9 xanh – 2019” tại Quảng Trị. Buổi biểu diễn đã thu hút được đông đảo quần chúng nhân dân đến xem và tạo động lực để các nghệ sỹ Nhà hát nghệ thuật tham gia Liên hoan đạt thành tích tốt nhất.

Trong kỳ, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức giải vô địch Cúp các câu lạc bộ bóng chuyền hơi tỉnh năm 2019. Giải đấu quy tụ 82 câu lạc bộ bóng chuyền hơi với gần 1.000 vận động viên đến từ 7 huyện, thành phố và 1 đơn vị tham gia, gồm: Tam Đảo, Yên Lạc, Vĩnh Tường, Bình Xuyên, Tam Dương, Vĩnh Yên, Phúc Yên và Công an tỉnh. Đây cũng là dịp để tỉnh chọn lực lượng tham gia giải bóng chuyền hơi trung, cao tuổi toàn quốc khu vực I (từ Thừa Thiên Huế trở ra) được tổ chức tại tỉnh Vĩnh Phúc từ ngày 01 đến 08/10/2019..

6.3. Tình hình y tế

Ngành Y tế Vĩnh Phúc đã chủ động phối hợp với các cấp, các ngành liên quan triển khai kế hoạch phòng chống dịch bệnh, tăng cường công tác y tế dự phòng, duy trì tốt việc chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho nhân dân. Các bệnh dịch có nguy cơ bùng phát cao trong mùa hè như: Sốt xuất huyết, Tay- Chân- Miệng, Sởi... được ngành Y tế tỉnh chủ động theo dõi, giám sát chặt chẽ. Đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh không có dịch bệnh lớn xảy ra. Dự án “Vì mẹ và bé - Vì tầm vóc Việt” tiếp tục được triển khai thực hiện tại các địa phương, đặc biệt chú trọng hoạt động khám và tư vấn sức khỏe sinh sản lưu động miễn phí cho người lao động tại các khu công nghiệp.

Công tác tuyên truyền phổ biến Luật An toàn thực phẩm, truyền thông phổ biến kiến thức về an toàn vệ sinh thực phẩm được thực hiện thường xuyên. Sở Y tế tỉnh đã tổ chức phối hợp liên ngành trong công tác thanh kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và dịch vụ ăn uống. Tính đến ngày 17/7/2019, trên địa bàn tỉnh không xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm nào.

Công tác phòng chống HIV/AIDS tiếp tục được đẩy mạnh, đặc biệt chú trọng đến việc thông tin, truyền thông về các hoạt động tư vấn, chăm sóc, điều trị người nhiễm HIV và bệnh nhân AIDS; phối hợp liên ngành chặt chẽ trong hoạt động phòng chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh. Tính đến ngày 30/6/2019, lũy tích có 4.350 người nhiễm HIV (số người nhiễm HIV có hộ khẩu tại tỉnh là 2.112 người); lũy tích số người chuyển AIDS là 2.280 người (số có hộ khẩu tại tỉnh là 1.494 người); lũy tích số người tử vong do AIDS là 992 người (798 trường hợp có hộ khẩu tại tỉnh). Số bệnh nhân đang nhận thuốc điều trị ARV là 896 bệnh nhân (23 trẻ em).

6.4. Tình hình an ninh trật tự và phòng, chống cháy nổ

Tình hình an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh được duy trì ổn định; công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật được đẩy mạnh. Ngành Công an đã thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, đảm bảo duy trì trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Trong tháng, tỉnh Vĩnh Phúc thực hiện đợt cao điểm bảo đảm trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng. Công an tỉnh đã huy động tối đa lực lượng, phương tiện; tăng cường tổ chức tuyên truyền, tuần tra, kiểm soát, không để xảy ra tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng; kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông, quy tắc tham gia giao thông, nhất là các lái xe có nồng độ cồn, ma túy, vi phạm tốc độ, xe quá khổ, quá tải gây ô nhiễm môi trường, hư hỏng kết cấu hạ tầng giao thông, tổ chức đua xe trái phép, không đội mũ bảo hiểm. Theo báo cáo của Ban An toàn giao thông tỉnh, từ ngày 16/6/2019 đến ngày 15/7/2019, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 01 vụ tai nạn giao thông, làm 01 người chết, không có người bị thương, nâng tổng số vụ tai nạn giao thông trong bảy tháng đầu năm lên 19 vụ, làm 22 người chết, 14 người bị thương. Qua tuần tra, kiểm soát đảm bảo trật tự an toàn giao thông các lực lượng chức năng đã lập biên bản, ra quyết định xử phạt 5.123 trường hợp vi phạm, nộp vào Kho bạc Nhà nước trên 2,8 tỷ đồng.

Trong kỳ, trên địa bàn tỉnh xảy ra 06 vụ cháy ước tính thiệt hại 420 triệu đồng. Trong đó, có 01 vụ cháy lớn ở Công ty TNHH Dong Yang Electronics Việt Nam, khu công nghiệp Bá Thiện, huyện Bình Xuyên, thiệt hại đang được các ngành chức năng thống kê. Nguyên nhân cháy đang được điều tra làm rõ. Lũy kế từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh xảy ra 20 vụ cháy, nổ, ước tính giá trị thiệt hại trên 5,55 tỷ đồng.

Theo số liệu của Sở Tài nguyên và Môi trường, trong tháng Bảy đã phát hiện và xử lý 04 vụ vi phạm môi trường với số tiền phạt là 170 triệu đồng. Lũy kế từ đầu năm trên địa bàn tỉnh phát hiện và xử lý 09 vụ vi phạm môi trường với số tiền bị phạt 809,67 triệu đồng./.

 

luat_sua_doi_ltk

Đang truy cập: 6
Trong ngày: 112
Trong tuần: 1150
Lượt truy cập: 1422418

Xin cho biết ý kiến của bạn về trang thông tin điện tử Cục Thống kê tỉnh Vĩnh Phúc?
Tốt
Khá
Trung bình
Kém

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỤC THỐNG KÊ TỈNH VĨNH PHÚCChung nhan Tin Nhiem Mang

Địa chỉ: Số 20

Lý Thái Tổ - Phường Đống Đa - Thành phố Vĩnh Yên - Tỉnh Vĩnh Phúc

Điện thoại: 0211 3 861 139, Fax: 0211 3 843 841Email: vinhphuc@gso.gov.vn, cuctk@vinhphuc.gov.vn