.::. Cung cấp thông tin đầy đủ, trung thực là trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, đơn vị sự nghiệp, hiệp hội, cơ sở hành chính, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng trên địa bàn .::. .............................................................................................................................................................................................................. ........................................  


Ngay từ khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, bộ máy chính quyền các cấp được hình thành và đi vào hoạt động. Xuất phát từ nhu cầu cấp thiết về thông tin kinh tế - xã hội của Chính phủ và cơ quan chính quyền địa phương ở các cấp, ngày 06/5/1946 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 61/SL thành lập Nha Thống kê Việt Nam tiền thân của ngành Thống kê Việt Nam ngày nay. Trải qua 75 năm hình thành và phát triển, ngành thống kê Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, khẳng định được vai trò, vị trí, uy tín đối với Đảng, Nhà nước, cơ quan quản lý các cấp, người dùng tin trong nước và quốc tế.

Gắn liền với sự phát triển của Thống kê Việt Nam, Thống kê Vĩnh Phúc cũng không ngừng phát triển, vừa đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị toàn ngành, vừa đáp ứng kịp thời yêu cầu thông tin xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trong quá trình xây dựng và phát triển, do hoàn cảnh lịch sử và yêu cầu nhiệm vụ Cách mạng của từng thời kỳ, nên tên gọi cũng như tổ chức bộ máy và hoạt động thống kê của ngành Thống kê tỉnh Vĩnh Phúc cũng có nhiều thay đổi cùng với sự thay đổi về quản lý hành chính và sự thay đổi về cơ cấu tổ chức, phương pháp thống kê, hoạt động thống kê của ngành Thống kê Việt Nam.

Ngày 20/2/1956, Thủ tướng Chính phủ ban hành Điều lệ 695/TTg thành lập Cục Thống kê Trung ương thuộc Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, theo đó tỉnh đã thành lập Ban Thống kê tỉnh Vĩnh Phú, ctiền thân của Cục Thống kê tỉnh Vĩnh Phúc ngày nay. Đến năm 1957, Chi cục Thống kê tỉnh Vĩnh Phúc được thành lập theo Nghị định số 142/TTg ngày 08/4/1957 của Thủ Tướng Chính Phủ. Ngày 26/01/1968, Uỷ ban thường vụ Quốc hội ra Nghị quyết số 504/NQ-QH về việc hợp nhất hai tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ thành tỉnh Vĩnh Phú. Theo đó, Chi cục Thống kê tỉnh Vĩnh Phú được thành lập trên cơ sở sáp nhập Chi cục Thống kê tỉnh Phú Thọ và Chi cục Thống kê tỉnh Vĩnh Phúc cho đến tháng 12/1996. Nhìn chung trong giai đoạn này, tuy còn nhiều khó khăn về điều kiện kinh phí, phương tiện làm việc nhưng ngành Thống kê Vĩnh Phúc luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ do Trung ương và Tỉnh uỷ, UBND tỉnh giao; phục vụ ngày càng tốt hơn cho công tác lãnh đạo, quản lý của các cấp, các ngành.

Năm 1997, tỉnh Vĩnh Phúc được tái lập theo Nghị quyết Kỳ họp thứ X Quốc Hội khóa IX. Cùng với đó, Cục Thống kê tỉnh Vĩnh Phúc cũng được tái thành lập trên cơ sở tách Cục Thống kê tỉnh Vĩnh Phú thành Cục Thống kê tỉnh Phú Thọ và Cục Thống kê tỉnh Vĩnh Phúc.

65_ky_niem_tk_

Từ khi tái lập Tỉnh đến nay, được sự quan tâm của Tổng cục Thống kê, của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, ngành Thống kê Vĩnh Phúc không ngừng phát triển về mọi mặt, đáp ứng tốt nhu cầu thông tin thống kê cho các đối tượng dùng tin.

Cơ sở vật chất và phương tiện làm việc được trang bị ngày càng đồng bộ và hiện đại. Thiết bị tin học và công nghệ thông tin được hiện đại hoá, 100% công chức được trang bị máy tính kết nối đường truyền internet tốc độ cao; việc gửi và nhận báo cáo cơ bản thực hiện qua phần mềm eoffice; toàn ngành đã áp dụng việc giao việc trên phần mềm TaskGov; việc gửi báo cáo thi đua, đánh giá chất lượng, chấm điểm cũng được thực hiện trên phần mềm của Ngành…

Phương pháp thống kê và phổ biến thông tin thống kê có nhiều đổi mới. Từ năm 1997 đến nay, nội dung, nhiệm vụ và phương pháp thống kê có nhiều thay đổi. Hệ thống chỉ tiêu thống kê được xây dựng theo hướng đổi mới và áp dụng đồng bộ thống nhất, thông suốt và hiệu quả, phù hợp với tiêu chuẩn, thông lệ Quốc tế. Phương pháp biên soạn chỉ tiêu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cũng được đổi mới. Theo đó, từ năm 2016 Tổng cục Thống kê thực hiện biên soạn và công bố số liệu GRDP cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nhằm khắc phục tình trạng chênh lệch số liệu GDP giữa Trung ương và địa phương, đảm bảo sự thống nhất, đầy đủ về phạm vi, loại bỏ thông tin trùng chéo.

Việc đổi mới và hoàn thiện phương pháp thu thập thông tin cũng đạt được những kết quả quan trọng, giúp nâng cao chất lượng số liệu cũng như vai trò, vị thế của ngành Thống kê trong bối cảnh Chính phủ điện tử và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Từ năm 2018 đến nay, ứng dụng công nghệ thông tin được áp dụng ở hầu hết các công đoạn trong các cuộc điều tra, tổng điều tra thống kê; hình thức thu thập thông tin đã thay đổi từ phiếu giấy sang phiếu điện tử được thực hiện trên thiết bị điện thoại thông minh, máy tính bảng và webform. Điển hình là cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, là cuộc Tổng điều tra đầu tiên tại Việt Nam ứng dụng công nghệ thông tin trong tất cả các công đoạn từ khâu lập bảng kê, phân công lực lượng, thu thập thông tin đến xử lý dữ liệu, công bố kết quả... giúp nâng cao chất lượng số liệu, rút ngắn quá trình xử lý thông tin, công bố sớm kết quả Tổng điều tra, đảm bảo cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác và kịp thời.

Với quan điểm đổi mới, vừa phục vụ tốt sự lãnh đạo, điều hành Lãnh đạo các cấp, vừa “hướng về người dùng tin”. Trong những năm qua, đối tượng sử dụng thông tin thống kê ngày càng mở rộng, lượng thông tin cung cấp cho đối tượng dùng tin không ngừng tăng lên, hình thức phổ biến thông tin ngày càng đa dạng, phong phú. Năm 2015, Cục Thống kê tỉnh Vĩnh Phúc đã đưa vào sử dụng Trang thông tin điện tử của Cục Thống kê tỉnh Vĩnh Phúc (Website), đây là kênh quan trọng, kịp thời phổ biến thông tin thống kê cũng như các tin tức thời sự, chính trị của ngành, của tỉnh. Đặc biệt từ năm 2019 nay, Cục Thống kê tỉnh Vĩnh Phúc đã tổ chức họp báo công bố số liệu tình hình kinh tế, xã hội theo định kỳ 6 tháng, cả năm. Các thông tin thống kê công bố trong các kỳ họp báo được đưa đến người dùng tin theo hướng tiếp cận trực tiếp, đa chiều, có những phân tích, đánh giá cụ thể, chuyên sâu nhằm thống nhất trong nhận định, giúp nâng cao hiệu quả trong việc sử dụng thông tin thống kê.

Công tác nghiên cứu khoa học có nhiều tiến bộ, nhiều sáng kiến, đề tài, chuyên đề được áp dụng trong công tác chuyên môn cũng như đáp ứng yêu cầu của Tỉnh Ủy, UBND tỉnh, của các cấp, các ngành địa phương. Trong đó tiêu biểu là các đề tài, chuyên đề, nhiệm vụ khoa học như: Nghiên cứu, áp dụng phương pháp luận Hệ thống tài khoản Quốc gia để xác định tốc độ tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động của cấp huyện (năm 2004); chuyên đề khoa học về khắc phục chênh lệch số liệu GDP giữa Trung ương và địa phương (năm 2008); nghiên cứu, đề xuất hệ thống chỉ tiêu áp dụng thống nhất cho Đại hội đảng bộ cấp xã (năm 2010); tính tỷ suất hàng hóa một số sản phẩm nông lâm thủy sản của tỉnh (năm 2012); biên soạn “Cẩm nang thống kê cấp xã” (năm 2013); tính toán một số chỉ tiêu đánh giá trình độ công nghiệp hóa - hiện đại hóa trên địa bàn tỉnh hàng năm (năm 2013); hệ thống chỉ tiêu áp dụng trong văn kiện đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 2015 - 2020 cấp tỉnh, huyện và cấp xã (năm 2015); thiết kế hệ thống biểu áp dụng báo cáo các chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, cấp huyên, cấp xã (năm 2018); xây dựng danh mục các chỉ tiêu thống kê kinh tế - xã hội phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh (năm 2020)…

Sản phẩm thống kê của ngành trong giai đoạn này được nâng lên cả về số lượng và chất lượng. Ngoài các sản phẩm được phổ biến định kỳ thường xuyên hàng tháng, quý và cả năm như: Báo cáo tổng hợp, tờ gấp tình hình kinh tế - xã hội, niên giám thống kê hàng năm của cấp tỉnh, cấp huyện; các báo cáo phân tích kết quả các cuộc điều tra, tổng điều tra; báo cáo phân tích chuyên đề chuyên sâu… Từ khi tái lập tỉnh đến nay, ngành Thống kê Vĩnh Phúc đã thực hiện và hoàn thành nhiều bộ số liệu về tình hình kinh tế - xã hội phục vụ cho các cấp, các ngành ở địa phương trong việc đánh giá, xây dựng và hoạch định các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của từng thời kỳ, theo đơn vị hành chính và theo từng giai đoạn cụ thể. Nổi bật như: Số liệu kinh tế - xã hội tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 1996-2000 so với giai đoạn1991-1995, với các tỉnh lân cận, với vùng Đồng bằng Sông Hồng và cả nước; Hệ thống số liệu kinh tế - xã hội sau 10 năm, 15 năm, 20 năm tái lập tỉnh; Hệ thống số liệu phục vụ công tác tổng kết chuyên đề đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá ở Vĩnh Phúc sau 20 năm và sau 30 năm đổi mới; biên soạn hệ thống số liệu thống kê phục vụ đánh giá kết quả thực hiện mục tiêu Đại hội Đảng các cấp qua các nhiệm kỳ... Ngoài ra, để có cơ sở cho tỉnh đánh giá và hoạch định đối với một số ngành, lĩnh vực, Cục Thống kê tỉnh Vĩnh Phúc đã chủ động đề xuất và thực hiện các cuộc điều tra ngoài kế hoạch của ngành như: Điều tra thống kê về cơ cấu giá trị sản xuất khu vực nông thôn, thành thị năm 2005; chỉ số phát triển con người (HDI) năm 2006; lao động đang làm việc ở ngoài tỉnh năm 2007; vốn đầu tư phát triển toàn xã hội năm 2004, năm 2009; đánh giá về hoạt động sản xuất kinh doanh của khu vực tài chính, tín dụng trên địa bàn tỉnh năm 2008; thực trạng lao động năm 2014; tính giá trị sản xuất ngành công nghiệp quý phân theo cấp huyện từ năm 2013 đến nay; khảo sát thu nhập bình quân đầu người (chia theo cấp huyện) năm 2020…

Trải qua 65 năm xây dựng và phát triển, các thế hệ lãnh đạo, công chức, lao động của ngành Thống kê tỉnh Vĩnh Phúc đã luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, khắc phục mọi khó khăn, đoàn kết nội bộ, giữ vững bản lĩnh, bảo vệ tính độc lập về chuyên môn nghiệp vụ, thường xuyên đổi mới, sáng tạo hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, đóng góp quan trọng vào quá trình xây dựng ngành Thống kê Việt Nam và trong sự nghiệp xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, của đất nước. Nhiều tập thể, cá nhân của Ngành đã được Đảng, Nhà nước, được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Vĩnh Phúc ghi nhận và tặng thưởng nhiều phần thưởng, danh hiệu cao quí. Có được kết quả này, ngoài việc phát huy truyền thống, vươn lên bằng nội lực còn là sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Tổng cục Thống kê, của Tỉnh uỷ, HĐND và UBND tỉnh; sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ban ngành, các địa phương và các đối tượng thống kê trên địa bàn tỉnh.

Kỷ niệm ngày truyền thống của Ngành trong không khí phấn khởi chào mừng thành công Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, Ngành Thống kê Vĩnh Phúc quyết tâm phát huy những thành tích đã đạt được, khắc phục những hạn chế tồn tại, không ngừng phấn đấu vươn lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2021 và những năm tiếp theo, góp phần xây dựng tỉnh Vĩnh Phúc ngày càng phát triển./.

Đ/c Phùng Đắc Hưng - Phó Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Vĩnh Phúc

 

luat_sua_doi_ltk

Đang truy cập: 17
Trong ngày: 186
Trong tuần: 1026
Lượt truy cập: 1406356

Xin cho biết ý kiến của bạn về trang thông tin điện tử Cục Thống kê tỉnh Vĩnh Phúc?
Tốt
Khá
Trung bình
Kém

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỤC THỐNG KÊ TỈNH VĨNH PHÚCChung nhan Tin Nhiem Mang

Địa chỉ: Số 20

Lý Thái Tổ - Phường Đống Đa - Thành phố Vĩnh Yên - Tỉnh Vĩnh Phúc

Điện thoại: 0211 3 861 139, Fax: 0211 3 843 841Email: vinhphuc@gso.gov.vn, cuctk@vinhphuc.gov.vn