.::. Cung cấp thông tin đầy đủ, trung thực là trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, đơn vị sự nghiệp, hiệp hội, cơ sở hành chính, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng trên địa bàn .::. .............................................................................................................................................................................................................. ........................................  

BÁO CÁO
Tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Vĩnh Phúc tháng 11 và 11 tháng đầu năm 2022

 1. Sản xuất nông, lâm nghiệp, thuỷ sản

Sản xuất nông nghiệp

Sn xut nông nghip trong tháng chủ yếu tập trung vào thu hoạch các loại rau màu vụ Mùa và gieo trồng cây vụ Đông theo khung thời vụ. Chăn nuôi trâu, bò, gia cầm nhìn chung ổn định; chăn nuôi lợn gặp khó khăn trong việc duy trì và mở rộng quy mô đàn lợn do giá bán lợn hơi có xu hướng giảm.

Trồng trọt

Tính đến trung tuần tháng Mười một, bà con nông dân cơ bản đã hoàn tất việc gieo trồng vụ Đông năm 2022 - 2023, chỉ còn một số diện tích rau và cây trồng khác đang tiếp tục được gieo trồng. Tổng diện tích cây trồng các loại ước đạt 13.930,5 ha, giảm 8,68% so với cùng kỳ.

Chăn nuôi

Tổng đàn trâu, bò trong tháng ước đạt 114.980 con, giảm 0,52%; sản lượng thịt trâu, bò hơi đạt 600,5 tấn, giảm 2,05% so với cùng kỳ. Riêng chăn nuôi bò sữa của tỉnh có sự phát triển khá do sản phẩm sữa có đầu ra ổn định, sản lượng sữa đạt 4.400 tấn, tăng 22,22% so với cùng kỳ.

Tổng đàn lợn tại thời điểm 30/11/2022 ước đạt 491.500 con, tăng 3,65% so với cùng thời điểm năm trước. Sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng trong tháng ước đạt 6.320 tấn, tăng 5,51% so với cùng kỳ.

Tổng đàn gia cầm tại thời điểm 30/11/2022 ước đạt 12,24 triệu con, tăng 0,25%. Sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng trong tháng ước đạt 3,05 nghìn tấn, tăng 4,46% so với cùng kỳ. Sản lượng trứng gia cầm trong tháng ước đạt 57,5 triệu quả, tăng 9,32% so với cùng kỳ.

Tính chung 11 tháng đầu năm 2022, ước tính sản lượng thịt trâu, bò hơi xuất chuồng đạt 6.463,3 tấn, giảm 1,37%; thịt lợn hơi đạt 73.338,4 tấn, tăng 5,41%; thịt gia cầm hơi đạt 35.770,1 tấn, tăng 4,36%; sản lượng trứng gia cầm đạt 614,0 triệu quả, tăng 7,56%; sản lượng sữa bò tươi đạt 50.100 tấn, tăng 12,94% so với cùng kỳ.

Sản xuất lâm nghiệp

Sản lượng gỗ khai thác ước đạt 4.660 m3, tăng 5,96% so với cùng kỳ; sản lượng củi khai thác ước đạt 4.060 ste, giảm 6,02% so với cùng kỳ.

Tính chung 11 tháng đầu năm, sản lượng gỗ khai thác ước đạt 42.865,8 m3, tăng 3,83%; sản lượng củi khai thác ước đạt 44.547 ste, giảm 8,36% so với 11 tháng đầu năm 2021.

Sản xuất thuỷ sản

Tính chung 11 tháng đầu năm, tổng sản lượng thủy sản ước đạt 21.521,33 tấn, tăng 0,96%; trong đó, sản lượng thủy sản nuôi trồng ước đạt 19.802,52 tấn, tăng 1,07%, sản lượng thủy sản khai thác ước đạt 1.718,81 tấn, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2021. Số lượng con giống do các cơ sở trên địa bàn sản xuất ước đạt 3.060,2 triệu con, tăng 2,14% so với cùng kỳ.

2. Sản xuất công nghiệp

Tháng 11/2022, sn xut công nghip trên địa bàn tỉnh tiếp đạt mức tăng khá so với tháng trước và so với cùng kỳ.  Các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp có sự chủ động hơn về nhân lực và phương án sản xuất kinh doanh; tích cực tìm kiếm đơn hàng mới, mở rộng thị trường cung ứng nguyên vật liệu đầu vào và tiêu thụ sản phẩm. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tăng 10,69% so với tháng trước và tăng 21,01% so với cùng kỳ. Tính chung 11 tháng đầu năm, IIP ước tính tăng 16,39% so vi cùng knăm trước.

Tháng 11/2022, ước tính chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP)tăng 10,69% so với tháng trước và tăng 21,01% so với cùng kỳ năm trước. So với cùng kỳ, ngành Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 21,18%; ngành Sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hoà không khí tăng 11,33%; ngành Cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 6,09%; riêng ngành Khai khoáng giảm 58,06% do trữ lượng khai thác của một số mỏ đá đã gần cạn kiệt.

Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu tháng 11/2022 đều có sản lượng sản xuất tăng so cùng kỳ năm trước; trong đó, một số sản phẩm chủ lực của tỉnh ghi nhận mức tăng khá, đóng góp chủ yếu vào mức tăng chung của toàn ngành công nghiệp: Giày thể thao ước đạt 1.410,5 nghìn đôi, tăng 15,86%; gạch ốp lát đạt 9.419,2 nghìn m2, tăng 22,44%; xe máy các loại đạt 189.724 chiếc, tăng 31,07%; doanh thu sản xuất linh kiện điện tử ước đạt 24.048 tỷ đồng, tăng 29,21% so với tháng 11/2021.

Tính chung 11 tháng năm 2022, IIP ước tăng 16,39% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2021 tăng 11,30%). Một số ngành công nghiệp trọng điểm phát triển ổn định và có IIP tăng khá so với cùng kỳ năm trước: Sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 21,84%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 20,83%; sản xuất phương tiện vận tải khác tăng 16,50%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 11,82%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 10,65%. Ngược chiều, một số ngành có IIP giảm so với cùng kỳ do hoạt động sản xuất còn gặp khó khăn: Ngành khai khoáng khác giảm 37,07%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (trừ giường, tủ, bàn, ghế); sản xuất sản phẩm từ rơm, rạ và vật liệu tết bện giảm 20,32%; sản xuất kim loại giảm 4,41%; sản xuất chế biến thực phẩm giảm 3,40%.

Tính chung 11 tháng đầu năm nay, sản lượng sản xuất của 06 sản phẩm công nghiệp chủ yếu trên của tỉnh đều tăng so với 11 tháng đầu năm 2021.

Số lao động làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/11/2022 tăng 2,72% so với tháng trước và tăng 5,01% so với cùng kỳ năm 2021.

Tháng 11/2022, Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 19,36% so với tháng trước và tăng 1,05% so cùng kỳ.

Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng Mười một tăng 5,88% so với tháng trước và giảm 56,48% so với cùng kỳ năm trước.

3. Đầu tư và phát triển doanh nghiệp

Vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn ngân sách Nhà nước

Tháng 11/2022, Tổng vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý tiếp tục duy trì xu hướng tăng và là tháng thứ 11 tăng liên tiếp kể từ đầu năm. Tính chung 11 tháng đầu năm tổng vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý đạt 69,54% kế hoạch. Đây là kết quả của sự chỉ đạo, triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, đặc biệt trong công tác giải ngân vốn đầu tư công­­ nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp, tổ chức, nhà đầu tư, đóng góp tích cực cho tăng trưởng chung của tỉnh trong năm 2022.

Tháng 11/2022, dự kiến tổng vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý đạt 973,11 tỷ đồng, tăng 6,39% so với tháng trước, tăng 2,30% so với tháng cùng kỳ năm trước.

Tính chung 11 tháng đầu năm, vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý ước đạt 6.785,57 tỷ đồng, tăng 4,74% so với cùng kỳ năm trước.

Tình hình thu hút đầu tư

Công tác xúc tiến đầu tư của tỉnh trong những tháng cuối năm có nhiều tín hiệu khởi sắc, lượng vốn đầu tư thu hút được tăng đều qua các tháng, tăng chủ yếu ở các dự án điều chỉnh quy mô vốn đăng ký, điều đó cho thấy Vĩnh Phúc tiếp tục là điểm đến đầu tư an toàn, tiềm năng cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước[1].

Theo số liệu Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc, đến ngày 15/11/2022, toàn tỉnh đã thu hút được 26 dự án DDI (17 dự án cấp mới, 09 dự án điều chỉnh vốn) với tổng vốn đăng ký đạt 12.220 tỷ đồng, giảm 26,23% về số dự án, giảm 25,71% về vốn đăng ký.

Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được 62 dự án (27 dự án cấp mới, 35 dự án điều chỉnh vốn) với tổng vốn đăng ký đạt 317,96 triệu USD, bằng 31,42% so với cùng kỳ.

Tình hình đăng ký doanh nghiệp

Tính đến ngày 15/11/2022, toàn tỉnh có 1.235 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 21.148 tỷ đồng, tăng 17,40% về số doanh nghiệp, tăng 86,96% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước.

Số lượng doanh nghiệp tham gia quay trở lại thị trường tiếp tục có xu hướng tích cực với 383 doanh nghiệp, tăng 16,77% so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 11 tháng đầu năm 2022 lên 1.618 doanh nghiệp (trung bình mỗi tháng có 147 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động).

Số lượng doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh và doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong kỳ là 606 doanh nghiệp, tăng 21,44% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 532 doanh nghiệp, tăng 29,44%; số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể là 74 doanh nghiệp, giảm 15,91%. Trung bình mỗi tháng có 55 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

4. Thương mại, dịch vụ

Tháng 11/2022, tình hình kinh doanh thương mại và dịch vụ trên địa bàn tỉnh tiếp tục ổn định và tăng khá. Các nhà phân phối, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng bán lẻ trên địa bàn tích cực đa dạng hóa sản phẩm với nhiều mặt hàng phong phú về chủng loại, đa dạng về mẫu mã; đưa ra nhiều chương trình giảm giá, khuyến mại hấp dẫn nhằm kích cầu tiêu dùng và gia tăng sức mua trong dân. Tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 2,26% so với tháng trước và tăng 23,42% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng đầu năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 60,32 nghìn tỷ đồng, tăng 20,43% so với cùng kỳ.

Bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng

Tháng 11/2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 6.261,2 tỷ đồng, tăng 2,26% so với tháng trước và tăng 23,42% so với cùng kỳ.

Doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 5.517,1 tỷ đồng, chiếm 88,12% tổng mức, tăng 2,33% so với tháng và tăng 23,05% so với cùng kỳ. Đây là tháng thứ 9 liên tiếp, doanh thu bán lẻ hàng hóa trên địa bàn ghi nhận mức tăng so với cùng kỳ.

Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành ước đạt 497 tỷ đồng, chiếm 7,94% tổng mức, tăng 1,07% so với tháng trước và tăng 29,87% so với cùng kỳ năm trước.

 Doanh thu các ngành dịch vụ tiêu dùng ước đạt 247,1 tỷ đồng, chiếm 3,95% tổng mức, tăng 3,16% so tháng trước và tăng 19,66% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 11 tháng đầu năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 60.328,3 tỷ đồng, tăng 20,43% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 53.765,8 tỷ đồng, tăng 20,4%; doanh thu các ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành là 4.221,2 tỷ đồng, tăng 23,98%; doanh thu các ngành dịch vụ khác là 2.341,3 tỷ đồng, tăng 14,99% so với cùng kỳ.

Vận tải hành khách và hàng hoá

Hoạt động vận tải trong những tháng cuối năm diễn ra sôi động hơn do nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa của người dân gia tăng khi dịp lễ tết cuối năm đến gần. Doanh thu vận tải tháng 11 năm 2022 ước đạt 452,72 tỷ đồng, tăng 1,97% so với tháng trước và tăng 37,84% so với cùng kỳ.

Vận tải hành khách: Doanh thu vận tải hành khách ước đạt 85,08 tỷ đồng, tăng 2,92% so với tháng trước và tăng 193,41% so với cùng kỳ. Khối lượng hành khách vận chuyển ước đạt 1.791,5 nghìn lượt người, tăng 2,23%; khối lượng hành khách luân chuyển trong tháng ước đạt 100,41 nghìn người.km, tăng 2,24% so với tháng trước.

Tính chung 11 tháng đầu năm, vận tải hành khách ước đạt 18.230,8 nghìn lượt khách, tăng 78,82%; luân chuyển ước đạt trên 1.072.175 nghìn lượt khách.km, tăng 64,68% so với cùng kỳ.

Vận tải hàng hoá: Doanh thu hoạt động dịch vụ vận tải hàng hoá tháng Mười ước đạt 353,87 tỷ đồng, tăng 20,79% so với cùng kỳ; khối lượng hàng hóa vận chuyển ước đạt 3.885,6 nghìn tấn, tăng 1,14%; khối lượng luân chuyển hàng hóa ước đạt 283.608 nghìn tấn.km, tăng 1,39% so với tháng trước.

Tính chung 11 tháng đầu năm, vận tải hàng hóa đạt gần 37.275 nghìn tấn hàng hóa vận chuyển, tăng 39,63%; luân chuyển ước đạt 2.558.158 nghìn tấn.km, tăng 27,35% so với cùng kỳ năm trước.

5. Tài chính, ngân hàng, bảo hiểm

Tình hình thu, chi ngân sách nhà nước

Mười một tháng đầu năm, cân đối ngân sách Trung ương và ngân sách các cấp địa phương được đảm bảo, các cấp chính quyền, ngành chức năng đã gia tăng các biện pháp kiểm soát lạm phát, kịp thời thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, nhất là chính sách miễn, giảm, gia hạn thời hạn nộp thuế, phí; gia tăng các biện pháp không để lọt nguồn thu; đồng thời, hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc tăng trưởng khá so với cùng kỳ, qua đó đóng góp tích cực vào nguồn thu ngân sách của tỉnh.

Theo số liệu Kho bạc Nhà nước tỉnh Vĩnh Phúc, tính đến 15/11/2022, tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt 30.282 tỷ đồng, tăng 5,76% so với cùng kỳ, bằng 94,95% so với dự toán.

Tổng chi ngân sách nhà nước đến ngày 15/11/2022 đạt 18.934 tỷ đồng, tăng 5,93% so với cùng kỳ.

Hoạt động ngân hàng, tín dụng

Mười một tháng đầu năm, lãi suất thế giới tăng nhanh, xu hướng lạm phát quốc tế ở mức cao, tạo áp lực lạm phát trong nước gia tăng. Để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi kinh tế, ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã điều chỉnh tăng các mức lãi suất điều hành với tổng mức tăng là 2%/năm. Do đó, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay trên địa bàn có xu hướng tăng so với cuối năm 2021 (lãi suất tiền gửi bình quân tăng 0,52%/năm, lãi suất cho vay bình quân tăng khoảng 0,4%/năm) chủ yếu do nhu cầu tín dụng tăng cao nhằm đáp ứng cho tăng trưởng kinh tế phục hồi trở lại; cụ thể: Lãi suất cho vay trên địa bàn phổ biến từ 5-11,5%/năm đối với từng kỳ hạn và đối tượng; lãi suất huy động bằng VNĐ phổ biến từ 0,8-9%/năm đối với từng kỳ hạn.

Tổng dư nợ cho vay ước tính đến 30/11/2022 ước đạt 116.500 tỷ đồng, tăng 14,17% so với cuối năm 2021.

Kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất 2% đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh theo NĐ 31 và Thông tư 03 đến lũy kế từ đầu chương trình đến nay có 43 khách hàng được hỗ trợ lãi suất (HTLS) với số tiền 362,39 triệu đồng, trong đó: 01 DN được HTLS 342,42 triệu đồng; 39 hộ kinh doanh được HTSL 19,98 triệu đồng. Tổng dư nợ cho vay được HTLS đến cuối kỳ đạt 143,76 tỷ đồng.

Bảo hiểm

Ước tính đến 30/11/2022 toàn tỉnh có 1.136.308 người tham gia đóng bảo hiểm các loại. Trong đó, tham gia BHXH có 251.412 người, chiếm 41,2% lực lượng lao động (bao gồm: BHXH bắt buộc: 233.610 người; BHXH tự nguyện: 17.802 người) tham gia BH thất nghiệp: 225.636 người, chiếm 37% lực lượng lao động; tham gia BHYT: 1.118.506 người, tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 93,5% dân số.

6. Chỉ số giá

Giá thịt gia súc, gia cầm, rau tươi, hoa tươi,... giảm do nguồn cung dồi dào trong khi nhu cầu tiêu thụ của người dân đang ở mức ổn định, một số loại vật liệu xây dựng như: thép, cát vàng, cát đen,... có xu hướng giảm là nguyên nhân chính tác động làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11/2022 giảm 0,15% so với tháng trước. Tuy nhiên, so với tháng 12/2021 và cùng kỳ, CPI vẫn đang ở mức tăng cao, lần lượt tăng 7,46% và tăng 7,15%.

Mười một tháng đầu năm, CPI tăng 4,20% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù giá nhiên liệu được điều chỉnh giảm mạnh trong những tháng gần đây nhưng tính chung giá nhiên liệu vẫn tăng cao (tăng 31,87%) so sới cùng kỳ năm trước, tác động làm CPI chung tăng 0,92 điểm phần trăm, đây cũng là yếu tố chính làm CPI tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Việc điều chỉnh mức thu học phí tăng cao trong năm học 2022-2023 đã đẩy chỉ số nhóm dịch vụ giáo dục tăng cao 13,46% so với bình quân cùng kỳ, làm CPI tăng 0,87 điểm phần trăm. Nhóm ăn uống ngoài gia đình tăng mạnh 10,67%, do giá nguyên vật liệu chế biến và nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng, làm cho nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 4,63%, tác động làm CPI chung tăng 0,68 điểm phần trăm. Ở chiều ngược lại, giá các loại thịt gia súc giảm sâu so với cùng kỳ (giảm 6,83%), chủ yếu giảm ở nhóm thịt lợn và giảm sâu hơn ở các tháng đầu năm, đã tác động làm CPI chung giảm 0,41 điểm phần trăm.

Giá vàng và Đô la Mỹ: Tháng 11/2022, chỉ số giá vàng tăng 1,54% so với tháng trước, giá vàng bình quân là 5.461 nghìn đồng/chỉ. Giá Đô la Mỹ trên thị trường tự do tăng 2,61% so với tháng trước, giá bán bình quân là 24.420 đồng/USD. Bình quân 11 tháng đầu năm, chỉ số giá vàng tăng 0,35%, chỉ số giá Đô la Mỹ tăng 1,49 % so với cùng kỳ năm trước

7. Một số vấn đề xã hội

Y tế

Công tác phòng chống dịch bệnh: Từ ngày 01 đến 31/10/2022, số ca mắc các bệnh truyền nhiễm trên địa bàn tỉnh so với cùng kỳ năm trước như sau: 88 ca mắc Sốt xuất huyết, tăng 84 ca; 43 ca Tay - Chân - Miệng, tăng 40 ca; Cúm 745 ca, giảm 94 ca; Tiêu chảy 165 ca, giảm 213 ca; viêm gan vi rút B 10 ca, tăng 03 ca;... Trước tình hình đó, ngành Y tế tỉnh Vĩnh Phúc đã chủ động tuyên truyền hướng dẫn các địa phương cách phòng chống dịch bệnh; giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh nhằm phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh. Toàn bộ các ca mắc đã được ngành Y tế  xử lý và điều trị kịp thời, không để dịch bệnh lớn xảy ra.

Công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19: Từ ngày 01/01/2022 đến ngày 17/11/2022 số ca nhiễm COVID-19 trên địa bàn tỉnh là 364.739 ca, trong đó có 322 ca phát sinh trong tháng. Hiện nay, toàn tỉnh có 40 bệnh nhân đang điều trị (Điều trị tại các cơ sở cách ly y tế là 06 người, chiếm 15%; điều trị tại nhà 24 người, chiếm 85%). Công tác tiêm phòng vắc xin COVID-19 mũi 2 cho trẻ em từ 05 đến 12 tuổi đang được ngành Y tế của tỉnh đẩy nhanh tiến độ. Đến nay, tổng số trẻ đã được tiêm phòng là 143.506 trẻ (trong đó: Mũi 1: 145.503 , đạt 91%; Mũi 2: 90.705, đạt 57,5%).

Tình hình an toàn vệ sinh thực phẩm: Theo báo cáo của Chi cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm tỉnh, Từ ngày 01 đến ngày 31/10/2022, ngành Y tế và Uỷ ban nhân dân các cấp trong tỉnh đã tiến hành thanh tra, kiểm tra, giám sát được 231 lượt cơ sở: Có 201 cơ sở đạt, chiếm tỷ lệ 87,0 %; số cơ sở vi phạm 30 cơ sở, chiếm 13,0 % (số cơ sở bị nhắc nhở là 27, số cơ sở bị xử lý vi phạm 03), số tiền xử phạt là 5,6 triệu đồng. Trong tháng, trên địa bàn tỉnh không xảy ra hiện tượng ngộ độc thực phẩm.

Công tác phòng chống HIV/AIDS: Tại tỉnh Vĩnh Phúc, tính đến ngày 31/10/2022: Lũy tích có 4.906 người nhiễm HIV (số người nhiễm HIV có hộ khẩu tại tỉnh là 2.365 người), lũy tích số người chuyển AIDS là 2.376 người (số có hộ khẩu tại tỉnh là 1.559 người), lũy tích số người tử vong do AIDS là 1.099 người (số có hộ khẩu tại tỉnh là 895 người), số người nhiễm HIV hiện còn sống là 3.807 (trong đó có hộ khẩu tại tỉnh là 1.470 người). Số bệnh nhân đang nhận thuốc điều trị ARV là 1.095 bệnh nhân (trong đó có 23 trẻ em).

Giáo dục

Trong tháng, các trường học trên địa bàn tỉnh đã tổ chức nhiều phong trào hoạt động thi đua sôi nổi nhằm tri ân các thầy, cô mừng Kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 – 20/11/2022). Như như: Phong trào"Dạy tốt - Học tốt"; làm Báo tường; các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao; trang trí lớp học, vệ sinh trường lớp… Các hoạt động được diễn ra thiết thực, trang trọng, có ý nghĩa giáo dục và tạo được không khí vui tươi, phấn khởi trong toàn thể cán bộ, giáo viên, học sinh trong tỉnh. 

Hoạt động văn hóa, thể thao

Trong tháng, tỉnh đã triển khai các hoạt động tuyên truyền, chào mừng kỷ niệm 60 năm Ngày Bác Hồ về thăm tỉnh Vĩnh Phúc (02/3/1963 - 02/3/2023) và Mừng Đảng - Mừng Xuân Quý Mão 2023. Bên cạnh đó, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch của tỉnh đã tổ chức nhiều chương trình văn hóa nghệ thuật và chiếu phim ở các địa phương phục vụ đông đảo nhân dân trong tỉnh.

Tình hình an ninh, trật tự, an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ, bảo vệ môi trường

Tình hình an ninh trật tự: Từ ngày 15/10/2022 đến ngày 14/11/2022, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 43 vụ vi phạm trật tự an toàn xã hội (giảm 02 vụ so với tháng trước), làm bị thương 06 người, thiệt hại tài sản 549,24 triệu đồng, đã điều tra làm rõ 43 vụ (đạt 100%), với 98 đối tượng và thu hồi tài sản trị giá 539,24 triệu đồng.

Tình hình an toàn giao thông: Theo Kế hoạch, từ ngày 15/11/2022 đến ngày 05/02/2023, lực lượng Cảnh sát Giao thông của tỉnh đồng loạt ra quân đợt cao điểm đảm bảo trật tự an toàn giao thông dịp Tết nguyên đán Quý Mão và các Lễ hội đầu xuân 2023. Theo đó, Cảnh sát giao thông các địa phương trong tỉnh sẽ đẩy mạnh hoạt động tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao; sử dụng triệt để các phương tiện, kỹ thuật nghiệp vụ để xử lý nghiêm các hành vi; tăng cường và duy trì các tổ công tác phối hợp cảnh sát trật tự, cảnh sát hình sự, cảnh sát cơ động... để phòng, chống tội phạm và đua xe trái phép. Trong tháng, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 06 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm cho 06 người chết và 03 người bị thương. Nguyên nhân các vụ tai nạn giao thông chủ yếu do ý thức chấp hành giao thông của người tham gia giao thông còn yếu như: phóng nhanh, vượt ẩu, đi không đúng làn đường quy định... So với cùng kỳ năm trước, số vụ tai nạn tăng 05 vụ, số người chết tăng 05 người, số người bị thương tăng 03 người.

Tình hình cháy, nổ: Trong tháng, trên địa bàn tỉnh xảy ra 10 vụ cháy (gồm: 02 vụ cháy nhà đơn lẻ, 01 vụ cháy nhà ở kết hợp kinh doanh, 01 vụ cháy phương tiện giao thông, 01 vụ cháy cơ sở sản xuất kinh doanh, 03 vụ cháy rừng và 01 vụ cháy trạm biến áp), giá trị thiệt hại là 223 triệu đồng và 1.350m2  rừng. Cộng dồn từ đầu năm, toàn tỉnh xảy ra 24 vụ cháy, bị thương 01 người, giá trị thiệt hại  là 2.835 triệu đồng và 1.350m2 rừng.

Công tác bảo vệ môi trường: Trong tháng Mười một, tỉnh Vĩnh Phúc phát hiện 38 vụ VPMT, số vụ đã xử lý là 38 vụ với số tiền xử phạt là 92,08 triệu đồng. So với tháng trước, số vụ VPMT và số vụ đã xử lý đều giảm 18 vụ; số tiền xử phạt giảm 126,22 triệu đồng. Lũy kế từ đầu năm đến nay, phát hiện 353 vụ, xử lý 329 vụ, số tiền đã xử phạt 2.647,18 triệu đồng. So với lũy kế cùng kỳ năm trước số vụ VPMT phát hiện tăng 285 vụ, số vụ đã xử lý tăng 279 vụ và số tiền xử phạt tăng 1.498,68 triệu đồng./.


bao_cao_ktxh_thang_11_nam__2022_vinh_phuc.docx

so_lieu_ktxh_thang_11-2022_tinh_vinh_phuc.xlsx

 

luat_sua_doi_ltk

Đang truy cập: 19
Trong ngày: 73
Trong tuần: 985
Lượt truy cập: 1405823

Xin cho biết ý kiến của bạn về trang thông tin điện tử Cục Thống kê tỉnh Vĩnh Phúc?
Tốt
Khá
Trung bình
Kém

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỤC THỐNG KÊ TỈNH VĨNH PHÚCChung nhan Tin Nhiem Mang

Địa chỉ: Số 20

Lý Thái Tổ - Phường Đống Đa - Thành phố Vĩnh Yên - Tỉnh Vĩnh Phúc

Điện thoại: 0211 3 861 139, Fax: 0211 3 843 841Email: vinhphuc@gso.gov.vn, cuctk@vinhphuc.gov.vn