.::. Cung cấp thông tin đầy đủ, trung thực là trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, đơn vị sự nghiệp, hiệp hội, cơ sở hành chính, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng trên địa bàn .::. .............................................................................................................................................................................................................. ........................................  

Tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Vĩnh Phúc tháng Bảy và 7 tháng đầu năm 2018

Lời văn

Số liệu

1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản

a. Nông nghiệp

- Trồng trọt: Đến nay, hầu hết các loại cây trồng vụ mùa đã được bà con nông dân gieo trồng xong, chỉ còn một số loại rau màu có khung thời vụ muộn tiếp tục gieo trồng. Tính đến 15/7/2018, diện tích lúa đã gieo trồng đạt 25.817 ha, giảm 2,82% so với cùng kỳ. Một mặt, là do một số diện tích được chuyển mục đích sử dụng, xây dựng các công trình; mặt khác, một số diện tích trũng người dân sợ ngập không cấy mà để lúa tái sinh; ngoài ra còn một số diện tích bỏ trống không gieo trồng do hiệu quả không cao. Diện tích gieo trồng các loại cây chủ yếu còn lại đạt được như sau: Ngô đã trồng 2.071 ha, giảm 3,35% so với cùng kỳ; khoai lang 247 ha, giảm 5,51%; đậu tương 140 ha, giảm 4,56%; lạc 427 ha, giảm 2,51%; rau các loại 1.340 ha, tăng 3,17% so với cùng kỳ.

Trong tháng, thời tiết diễn biến phức tạp, nắng nóng kéo dài, mưa nhiều, độ ẩm cao là điều kiện thuận lợi cho các đối tượng sâu bệnh phát sinh và gây hại trên các loại cây trồng như: Sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân 2 chấm, chuột, ốc bươu vàng, một số loại sâu ăn lá... Để bảo vệ an toàn cho sản xuất, giành vụ mùa thắng lợi, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh đã chỉ đạo các huyện, thành phố theo dõi chặt chẽ diễn biến của thời tiết, hướng dẫn bà con nông dân thường xuyên thăm đồng, kịp thời phát hiện sâu bệnh chủ động phòng, chống bằng các biện pháp tổng hợp khi đến ngưỡng như: Giữ mực nước trong ruộng hợp lý, ngắt ổ trứng sâu, bắt thủ công ốc bươu vàng, phun các loại thuốc bảo vệ thực vật...

- Chăn nuôi: Tình hình sản xuất chăn nuôi trong tháng được duy trì ổn định và phát triển. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã ban hành văn bản chỉ đạo các địa phương tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân áp dụng các biện pháp phòng chống nắng, nóng cho đàn vật nuôi; công tác phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm được tích cực triển khai, kiểm soát tốt nên không xảy ra các dịch bệnh lớn. Nhìn chung đàn gia súc, gia cầm phát triển tốt. Riêng chăn nuôi lợn vẫn còn có khó khăn nhất định; mặc dù trong thời gian gần đây giá lợn hơi tăng khá mạnh nhưng chưa thực sự ổn định nên các hộ dân chưa dám đầu tư tái đàn, mở rộng quy mô sản xuất.

Để chủ động phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở gia súc, gia cầm, bảo vệ sản xuất chăn nuôi, đến nay các địa phương trong tỉnh đã hoàn thành tiêm phòng và phun thuốc khử trừng tiêu độc chuồng trại, môi trường chăn nuôi đợt I, chuẩn bị cho tiêm phòng đợt II năm 2018.

b. Lâm nghiệp

Dự kiến đết hết tháng Bảy diện tích rừng trồng mới tập trung trên địa bàn tỉnh đạt 520,7 ha, tăng 2,91% so với cùng kỳ. Công tác bảo vệ và chăm sóc rừng luôn được các đơn vị và các địa phương tiến hành thường xuyên cho hơn 9.758 ha. Số cây lâm nghiệp trồng phân tán bảy tháng đầu năm ước đạt 1.276 nghìn cây, chủ yếu là cây ở ven đường và trong khuôn viên các đơn vị sự nghiệp, hành chính nhà nước. Sản lượng gỗ khai thác trong tháng ước đạt 2.733,5m3,tăng2,03% so với cùng kỳ; sản lượng củi khai thác ước đạt 4.292,6 ste, tăng 0,73%.

Công tác phòng chống cháy rừng luôn được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo tích cực; đồng thời, lực lượng kiểm lâm thường xuyên phối hợp với các chủ rừng thực hiện việc tuyên truyền bảo vệ, phòng chống cháy rừng. Tuy nhiên, do thời tiết nắng nóng kéo dài, nền nhiệt cao hồi đầu tháng Bảy nên đã xảy ra 01 vụ cháy rừng tại xã Ngọc Thanh, Thành phố Phúc Yên với diện tích cháy là 3,3 ha.

 c. Thuỷ sản

Tình hình nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh ổn định. Dự kiến đến hết tháng Bảy, diện tích nuôi trồng thuỷ sản đạt 5.695 ha, tăng 0,9% so với cùng kỳ; sản lượng đạt 11.721 tấn, tăng 3,70%.

Hiện nay đang vào vụ nuôi trồng mới nên nhu cầu con giống cho sản xuất tăng cao. Số lượng con giống trong tháng ước đạt 147,6 triệu con, tăng 3,0% so với cùng kỳ. Các cơ sở sản xuất giống lớn của tỉnh như: Chi cục thủy sản, Công ty cổ phần giống Yên Lạc, Trung tâm Thủy sản cấp 1, Trung tâm giống vật nuôi, các hộ chuyên sản xuất giống đã chuẩn bị đủ đàn cá bố mẹ và các cở sở vật chất cần thiết đảm bảo tốt cho vụ sản xuất giống mới phục vụ tốt, đủ nhu cầu con giống cho bà con nuôi trồng thuỷ sản trong tỉnh cũng như của các vùng lân cận.

2. Sản xuất công nghiệp

Sản xuất công nghiệp tháng Bảy tiếp tục ổn định và phát triển, với mức tăng 2,58% so với tháng trước và 14,68% so với cùng kỳ năm trước. Chia theo ngành kinh tế cấp I, chỉ số sản xuất tháng Bảy của các ngành tăng, giảm tương ứng so với tháng trước và cùng kỳ như sau: ngành công nghiệp khai khoáng tăng 9,72% và tăng 22,91%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 2,59% và tăng 14,59%; ngành sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hoà không khí tăng 2,40% và tăng 27,93%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải giảm 0,56% và tăng 3,03%.

Tính chung bảy tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 12,38% so với cùng kỳ năm trước. Chia theo ngành kinh tế cấp II, có có 3/10 ngành công nghiệp chủ yếu của tỉnh có chỉ số sản xuất giảm so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, ngành công nghiệp dệt giảm 52,91% so với cùng kỳ do một số doanh nghiệp trong ngành gặp khó khăn trong việc tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm; ngành sản xuất sản phẩm từ chất khoáng phi kim loại giảm 1,68%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý, xử lý rác thải giảm 6,50%. Các ngành công nghiệp chủ yếu còn lại đều có mức tăng khá so với cùng kỳ, tăng cao nhất tiếp tục là ngành sản xuất sản phẩm điện tử với chỉ số sản xuất tăng 28,86%; ngành sản xuất ô tô và xe máy có chỉ số sản xuất bảy tháng đầu năm tăng lần lượt là 18,59% và 9,88% so với cùng kỳ; sản xuất chế biến thực phẩm tăng 15,71%, chủ yếu do chăn nuôi ổn định và phát triển, sản phẩm tiêu thụ thức ăn cho gia súc, gia cầm tăng khá ...

Dự kiến trong tháng Bảy, các doanh nghiệp công nghiệp trên địa bàn tỉnh sản xuất được 21.700 tấn thức ăn gia súc, 424 ngàn đôi giày thể thao, 10.256 ngàn m2 gạch ốp lát, 2.356 máy điều hòa không khí, 5.200  xe ô tô các loại, 182.007 xe máy các loại, 500 triệu kwh điện thương phẩm, 1.885 ngàn m­3 nước máy thương phẩm... Tính chung bảy tháng đầu năm, các doanh nghiệp công nghiệp trên địa bàn tỉnh sản xuất được 142.601 tấn thức ăn gia súc, tăng 15,71% so với cùng kỳ năm trước; 3.073 ngàn đôi giày thể thao, tăng 6,75%; 68.708 ngàn m2 gạch ốp lát, giảm 1,68%; 12.629 máy điều hòa không khí, tăng 15,59%; 35.950 xe ô tô các loại, tăng 18,59%; 1.166.212 xe máy các loại, tăng 9,88%; 2.915 triệu kwh điện thương phẩm, tăng 16,73%; 12.411 ngàn m­3 nước máy thương phẩm, tăng 13,70% so với cùng kỳ...

3. Đầu tư, xây dựng

Tháng Bảy, tình hình thời tiết đã chuyển sang mùa mưa bão ảnh hưởng đến tiến độ thi công các công trình xây dựng ngoài trời, đặc biệt là các công trình thủy lợi, công trình cải tạo hồ, đầm, nạo vét kênh mương. Nhưng với quyết tâm hoàn thành kế hoạch đã đề ra, UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định về quy trình và thời gian thực hiện các thủ tục đầu tư theo Quyết định số 08/2017/QĐ-UBND ngày 14/3/2017 của UBND tỉnh; yêu cầu các chủ đầu tư phối hợp với nhà thầu thi công đẩy nhanh tiến độ, kể cả thi công 3 ca để đảm bảo hoàn thành kế hoạch được giao.

Kết quả thực hiện vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý tháng Bảy ước đạt 470 tỷ đồng, tăng 2,25% so với tháng trước và tăng 1,86% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nguồn vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh là 300 tỷ đồng, cấp huyện là 137 tỷ đồng, vốn ngân sách cấp xã là 33 tỷ đồng. Tính chung bảy tháng đầu năm, tổng vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý đạt 3.029 tỷ đồng, bằng 99,83% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, vốn ngân sách cấp tỉnh đạt 2.091 tỷ đồng, bằng 93,92%, ngân sách cấp huyện đạt 706 tỷ đồng, tăng 18,55%, ngân sách cấp xã đạt 232 tỷ đồng, tăng 9,35%.

4. Thương mại, dịch vụ và giá cả

a. Bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng

Tình hình kinh doanh thương mại và dịch vụ trên địa bàn tỉnh tháng Bảy tiếp tục tăng trưởng so với tháng trước, tăng khá cao so với cùng kỳ và tăng ở tất cả các nhóm ngành cũng như thành phần kinh tế. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong tháng dự kiến đạt 4.071 tỷ đồng, tăng 1,39% so với tháng trước và tăng 18,89% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, kinh tế nhà nước đạt 134 tỷ đồng, tăng 6,52%; kinh tế tập thể đạt 6 tỷ đồng, tăng 5,84%; kinh tế cá thể đạt 1991 tỷ đồng, tăng 18,23%; kinh tế tư nhân đạt 1.704 tỷ đồng, tăng 22,70%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 236 tỷ đồng, tăng 7,22% so với cùng kỳ. Tính chung bảy tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 25.992 tỷ đồng, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm trước. Phân theo nhóm ngành kinh doanh, doanh thu bán lẻ hàng hóa bảy tháng đạt 22.296 tỷ đồng, chiếm 85,78% tổng mức và tăng 10,97% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, lữ hành và hoạt động hỗ trợ du lịch ước đạt 2.144 tỷ đồng, chiếm 8,25% tổng mức và tăng 8,27% so với cùng kỳ năm trước; các ngành dịch vụ tiêu dùng khác ước đạt 1.552 tỷ đồng, chiếm 5,97% tổng mức và tăng 8,67% so cùng kỳ năm trước.

b. Vận tải hành khách và hàng hoá

Tổng khối l­ượng hàng hoá vận chuyển trên địa bàn tỉnh tháng Bảy dự kiến đạt 2.633 ngàn tấn, luân chuyển đạt 184.542 ngàn tấn.km; so với tháng trước bằng về tấn và giảm 0,68% về tấn.km, so với cùng kỳ năm trước tăng 8,51% về tấn và tăng 9,23% về tấn.km. Tính chung bảy tháng đầu năm 2018, vận chuyển đạt 17.861 ngàn tấn, luân chuyển đạt 1.307 triệu tấn.km, tăng 9,06% về tấn và tăng 11,35% về tấn.km so với cùng kỳ năm 2017.

Khối l­ượng hành khách vận chuyển trong tháng dự kiến đạt 1.898 ngàn ngư­ời, luân chuyển đạt 140.847 ngàn ngư­ời.km; so với tháng trước tăng không đáng kể, nhưng so với cùng tháng năm trước giảm 6,33% về người và giảm 9,09% về người.km. Tính chung bảy tháng đầu năm, vận chuyển ước đạt 13.706 ngàn người, luân chuyển 929.456 ngàn người km, giảm 9,21% về người và giảm 9,80% về người.km so với cùng kỳ năm 2017.

Tổng doanh thu vận tải ước tháng Bảy ước đạt 330 tỷ đồng, tăng 0,27% so tháng trước và tăng 7,41% so cùng kỳ. Tính chung bảy tháng đầu năm, tổng doanh thu vận tải dự kiến đạt 2.243 tỷ đồng, tăng 8,77% so cùng kỳ. Trong đó, vận tải hành khách đạt 502 tỷ đồng, giảm 2,38%; vận tải hàng hoá đạt 1.678 tỷ đồng, tăng 11,60% so cùng kỳ.

c. Chỉ số giá tiêu dùng

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trên địa bàn tỉnh tháng Bảy giảm 0,38% so với tháng trước, tăng 4,68% so vớí cùng tháng năm trước và tăng 2,06% so với tháng Mười hai năm trước; bình quân bảy tháng đầu năm, CPI tăng 4,29% so cùng kỳ. Nguyên nhân chính làm CPI tháng này giảm so tháng trước là do giá một số nhóm hàng thiết yếu như: Lương thực giảm 0,60%, thuốc và dịch vụ y tế giảm 8,88%, giao thông giảm 0,61%... Các nhóm còn lại giá tương đối ổn định và biến động nhẹ

Diễn biến giá của các nhóm hàng chính trong tháng Bảy như sau:

- Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uốngtăng 0,58% so với tháng trước. Trong tháng, nhóm hàng lương thực giảm 0,6% so với tháng trước do nguồn cung dồi dào nên giá gạo giảm 0,73%, ngô bắp giảm 12,99%; trong khi giá thực phẩm tăng 0,83%, trong đó, mặt hàng thịt lợn tăng 4,06%, kéo theo mỡ ăn tăng 2,50%, thịt chế biến (thịt quay, giò chả) tăng 4,12% do thịt lợn hơi tăng nhanh trong những ngày gần đây;

- Nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,56%. Trong đó, nhóm điện sinh hoạt tăng 2,50%, nước sinh hoạt tăng 2,83% do nắng nóng kéo dài, nhu cầu sử dụng điện, nước sinh hoạt của người dân tăng cao; ngược chiều, nhóm vật liệu bảo dưỡng nhà ở khác giảm 0,62%, chủ yếu là gạch xây các loại giảm từ 1,61% đến 2,38% do nguồn cung gạch nhiều; cùng với đó, dầu hỏa cũng giảm 0,97% so với tháng trước;

- Nhóm giao thông giảm 0,61% do giá xăng dầu được điều chỉnh giảm nhẹ vào ngày 7/7/2018 và ngày 23/7/2018. Theo đó, giá dầu diezen giảm 215đ/lít (trong 2 đợt), giá xăng E5 và A 95 không thay đổi so với tháng Sáu;

- Thuốc và dịch vụ y tế giảm 8,88%, đây là nhóm có mức giảm chỉ số mạnh nhất trong 11 nhóm hàng, yếu tố chính góp phần làm giảm CPI trên địa bàn tỉnh. Trong đó, khám chữa bệnh ngoại trú và nội trú giảm so với tháng trước lần lượt 7,72% và11,79%. Nguyên nhân là do, trên địa bàn tỉnh đã áp dụng điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo Thông tư số15/2018/TT-BYT, ngày 30/5/2018 của Bộ Y tế về Quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong một số trường hợp có hiệu lực thi hành từ ngày 15/7/2018. Giá các loại thuốc ổn định.

Giá vàng trên địa bàn giảm 0,72% so với tháng trước, giá vàng bình quân trên thị trường tự do là 3.581 nghìn đồng/chỉ. Ngược chiều với giá vàng, giá Đô la Mỹ trên thị trường tự do biến động tăng 1,16% so với tháng trước, giá bán bình quân phổ biến ở mức 22.313 đồng/USD.

Một số nhóm hàng còn lại giá tương đối ổn định.

5. Một số vấn đề xã hội

a. Về y tế

Trong kỳ, ngành Y tế đã chủ động giám sát tình hình các bệnh dịch, chỉ đạo các đơn vị y tế chủ động phòng chống dịch, tăng cường công tác y tế dự phòng, duy trì tốt việc chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân, do đó trong tháng trên địa bàn tỉnh không có dịch lớn xảy ra. Dự án chăm sóc sức khỏe sinh sản và Cải thiện tình trạng dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi tiếp tục được triển khai thực hiện tại các địa phương, đặc biệt chú trọng tuyên truyền đến các đối tượng là phụ nữ có thai, vận động đi khám thai đúng lịch để được quản lý, nhằm phát hiện sớm, hạn chế tai biến sản khoa; tuyên truyền cho các bà mẹ có con dưới 5 tuổi về cách phòng, chống suy dinh dưỡng, tư vấn nuôi trẻ khỏe mạnh.

Công tác tuyên truyền phổ biến Luật An toàn thực phẩm, truyền thông phổ biến kiến thức về an toàn vệ sinh thực phẩm được thực hiện thường xuyên. Sở Y tế tỉnh đã tổ chức phối hợp liên ngành trong công tác thanh kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và dịch vụ ăn uống. Trong tháng không có trường hợp ngộ độc thực phẩm xảy ra trên địa bàn.

Công tác phòng chống HIV/AIDS tiếp tục được đẩy mạnh, đặc biệt chú trọng đến việc thông tin, truyền thông về các hoạt động tư vấn, chăm sóc, điều trị người nhiễm HIV và bệnh nhân AIDS; phối hợp liên ngành chặt chẽ trong hoạt động phòng chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh. Tính đến ngày 30/6/2018, lũy tích có 4.220 người nhiễm HIV (số người có hộ khẩu tại tỉnh là 2.038 người), số người chuyển AIDS là 2.227 người (số có hộ khẩu tại tỉnh là 1.457 người), lũy tích số người tử vong do AIDS là 949 người (759 trường hợp có hộ khẩu tại tỉnh).

b. Về giáo dục

Kỳ thi Trung học phổ thông (THPT) quốc gia năm 2018, Vĩnh Phúc có hơn 12.000 thí sinh đăng ký dự thi. Toàn tỉnh thành lập 28 điểm thi tại 9 huyện, thành phố với tổng số 540 phòng thi; trong đó, 27 điểm thi dành cho thí sinh lớp 12 và 1 điểm thi dành cho thí sinh tự do. Trong 3 ngày diễn ra kỳ thi THPT quốc gia, tình hình anh ninh trật tự và an toàn giao thông tại các điểm thi trong tỉnh được đảm bảo, kỳ thi diễn ra thuận lợi, an toàn, nghiêm túc.Theo số liệu tổng hợp của Sở Giáo dục và Đào tạo, tại kỳ thi THPT quốc gia năm nay, số thí sinh dự thi đạt hơn 99,7%, riêng bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên có hơn 99,5% thí sinh dự thi. Tổng số thí sinh vắng mặt tại 3 môn thi bắt buộc Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ là 90 thí sinh; trong đó, có 40 thí sinh được miễn thi, 3 thí sinh bị ốm, số còn lại không rõ lý do. Đối với 2 bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội, có 98 lượt thí sinh vắng thi.

Theo kết quả được Hội đồng thi THPT Quốc gia năm 2018 tỉnh Vĩnh Phúc công bố, tỷ lệ tốt nghiệp của khối THPT đạt 99,53%, tỷ lệ tốt nghiệp của khối Giáo dục Thường xuyên đạt 95,91%. So với cùng kỳ năm ngoái, kết quả kỳ thi THPT quốc gia năm nay của Vĩnh Phúc nhìn chung vẫn giữ ổn định ở mức cao về tỷ lệ học sinh tốt nghiệp. Điểm bình quân các môn thi của học sinh Vĩnh Phúc đạt 5,40 điểm và xếp thứ tư toàn quốc (Hà Nam xếp thứ nhất với 5,49 điểm; Nam Định xếp thứ hai với 5,48 điểm; Ninh Bình xếp thứ ba với 5,45 điểm).

c. Hoạt động văn hoá xã hội

Nhân dịp kỷ niệm 71 năm ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2018), Sở Lao động - Thương binh & Xã hội tỉnh Vĩnh Phúc đã xây dựng kế hoạch phối hợp với các ngành, đoàn thể tổ chức các hoạt động: Thăm hỏi, tặng quà các thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công tiêu biểu ở các huyện, thành phố; tuyên truyền để các địa phương tiến hành chăm sóc, tu bổ, làm sạch đẹp các nghĩa trang liệt sĩ, nhà bia, đài tưởng niệm các liệt sĩ tại địa phương mình. Ngày 10/7/2018, Chính phủ Ấn Độ phối hợp với tổ chức Bhagwan Mahaveer Viklang Sahayata Samiti và UBND tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức khai mạc Dự án Trại lắp chân giả miễn phí cho 250 thương, bệnh binh và người khuyết tật tại tỉnh Vĩnh Phúc. Đây là những hoạt động thiết thực nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh Liệt sỹ; Đồng thời, qua việc triển khai Dự án sẽ góp phần tăng cường hiểu biết, thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp giữa nhân dân hai nước Việt Nam và Ấn Độ.

Đoàn Nghệ thuật Ca múa nhạc Vĩnh Phúc đã tham dự và đạt thành tích cao tại "Liên hoan Ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc 2018"do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức tại tỉnh Cao Bằng với sự góp mặt của 12 đơn vị nghệ thuật và trên 700 nghệ sỹ, diễn viên đến từ các tỉnh, thành phố thuộc khu vực phía Bắc. Đây thực sự trở thành điểm đến, là nơi gặp gỡ, giao lưu và trình diễn tài năng nghệ thuật đỉnh cao giữa các đơn vị nghệ thuật cũng như đông đảo nghệ sỹ, diễn viên. Kết thúc liên hoan, Đoàn Nghệ thuật Ca múa nhạc Vĩnh Phúc đã giành 5 huy chương (gồm 01 huy chương vàng, 04 huy chương bạc) và 01 Bằng khen của Hội Nhạc sỹ Việt Nam.

d. Tình hình cháy nổ và trật tự, an toàn giao thông

Trong kỳ, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 03 vụ cháy do sự cố điện, không gây thiệt hại về người, ước tính thiệt hại về tài sản là 270 triệu đồng. Lũy kế từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 21 vụ cháy, ước tính giá trị thiệt hại là 8 tỷ đồng.

Theo báo cáo của Ban an toàn giao thông tỉnh, tính từ đầu năm đến 15/6/2018, toàn tỉnh xảy ra 14 vụ tai nạn giao thông trong đó 13 vụ tai nạn đều là đường bộ, 01 vụ tai nạn giao thông đường thủy, làm chết 11 người và bị thương 8 người. So với cùng kỳ năm 2017, tình hình tai nạn giao thông giảm ở cả 3 tiếu chí, số vụ tai nạn giảm 04 vụ, số người chết giảm 07 người và số người bị thương giảm 17 người. Trong kỳ, các lực lượng chức năng đã tăng cường tuần tra, kiểm soát đường bộ ra quyết định xử phạt 7.825 trường hợp, nộp Kho bạc Nhà nước trên 2,7 tỷ đồng; tuần tra, kiểm soát đường sắt phát hiện 94 trường hợp vi phạm, ra quyết định xử phạt 94 trường hợp với số tiền gần 10 triệu; tuần tra, kiểm soát giao thông đường thủy phát hiện và lập biên bản ra quyết định xử phạt 13 trường hợp vi phạm với số tiền 34,6 triệu đồng./.

 

luat_sua_doi_ltk

Đang truy cập: 24
Trong ngày: 354
Trong tuần: 1262
Lượt truy cập: 1432603

Xin cho biết ý kiến của bạn về trang thông tin điện tử Cục Thống kê tỉnh Vĩnh Phúc?
Tốt
Khá
Trung bình
Kém

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỤC THỐNG KÊ TỈNH VĨNH PHÚCChung nhan Tin Nhiem Mang

Địa chỉ: Số 20

Lý Thái Tổ - Phường Đống Đa - Thành phố Vĩnh Yên - Tỉnh Vĩnh Phúc

Điện thoại: 0211 3 861 139, Fax: 0211 3 843 841Email: vinhphuc@gso.gov.vn, cuctk@vinhphuc.gov.vn