.::. Cung cấp thông tin đầy đủ, trung thực là trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, đơn vị sự nghiệp, hiệp hội, cơ sở hành chính, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng trên địa bàn .::. .............................................................................................................................................................................................................. ........................................  

Tình hình kinh tế - xã hội tháng 01 năm 2020

Lời văn

Số liệu

 

1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản

1.1. Sản xuất nông nghiệp

a) Trồng trọt: Trong tháng Một, bà con nông dân các địa phương trong tỉnh tập trung thu hoạch cây vụ đông, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để gieo trồng cây vụ xuâ Tính đến hết ngày 15/01/2020, toàn tỉnh thu hoạch được 12.285 ha cây vụ đông, đạt 82,7% diện tích gieo trồng. Trong đó, đã thu hoạch 5.596 ha ngô, bằng 97,44%; khoai lang 1.383 ha, bằng 95,43%; đậu tương 723 ha, bằng 80,67%; lạc 186 ha, tăng 19,74%; rau các loại 3.389 ha, tăng 15,00% so với cùng kỳ năm trước.... Dự kiến, đến hết tháng Một, toàn tỉnh sẽ thu hoạch cơ bản xong diện tích cây trồng vụ đông. Cùng với việc thu hoạch cây vụ đông, bà con nông dân các địa phương trong tỉnh đã tiến hành làm đất, gieo mạ, tiến hành gieo trồng cây vụ xuân. Đến nay, các địa phương trong tỉnh đã gieo trồng được 5.679ha cây vụ xuân, gồm 5.252 ha lúa và 212 ha rau các loại.

Để sản xuất đạt kết quả tốt, ngành Nông nghiệp tỉnh đã tổ chức Hội nghị triển khai sản xuất vụ Đông Xuân 2020 đến các địa phương với nhiệm vụ, giải pháp cụ thể: Tăng cường tuyên truyền định hướng của tỉnh về cơ cấu giống, thời vụ, cơ chế, chính sách hỗ trợ, kỹ thuật thâm canh cây trồng, hướng dẫn nông dân triển khai áp dụng quy trình kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc để đạt năng suất, hiệu quả kinh tế cao, theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết để có giải pháp chỉ đạo kịp thời; bố trí cơ cấu cây trồng hợp lý phù hợp với điều kiện thực tế từng địa phương. Đối với cây Rau và cây hàng năm khác cần đa dạng hóa sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường, mở rộng diện tích sản xuất rau an toàn, đẩy mạnh áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng mở rộng diện tích cây hàng hóa có năng suất, chất lượng cao, có thị trường tiêu thụ tốt, tăng cường đưa tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, chế biến và tiêu thụ các sản phẩm trồng trọt trên địa bàn tỉnh.

b) Chăn nuôi:

Sản xuất chăn nuôi trong tháng Một trên địa bàn tỉnh nhìn chung tương đối ổn định. Công tác phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh luôn được các cấp, các ngành, các địa phương quan tâm chỉ đạo thực hiện; dịch bệnh trên địa bàn được kiểm soát chặt chẽ; bên cạnh đó ý thức của người dân trong việc phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm đã được nâng lên.

Chăn nuôi trâu, bò trong tháng tiếp tục có xu hướng giảm, số lượng đầu con giảm so với cùng kỳ do hiệu quả kinh tế không cao và diện tích chăn thả bị thu hẹp, riêng đàn bò sữa phát triển khá mạnh do sản phẩm sữa tươi có thị trường tiêu thụ tốt, đem lại thu nhập cao cho người chăn nuôi nên các hộ dân đã mạnh dạn đầu tư, mở rộng sản xuất.

Chăn nuôi gia cầm phát triển tốt do có thị trường tiêu thụ, không có dịch bệnh lớn xảy ra. Cùng với đó, giá bán các sản phẩm gia cầm hiện nay đang duy trì ở mức khá cao, người dân yên tâm tập trung đầu tư phát triển, đảm bảo cung cấp sản phẩm đáp ứng tốt cho nhu cầu tiêu dùng hàng ngày cũng như trong dịp Tết Nguyên Đán Canh Tý.

Chăn nuôi lợn vẫn tiếp tục gặp khó khăn khăn do ảnh hưởng của bệnh Dịch tả lợn Châu phi diễn biến phức tạp đã gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi và ảnh hưởng xấu đến phát triển đàn lợn của tỉnh trong thời gian qua. Mặc dù hiện nay giá lợn hơi đang ở mức cao nhưng do giá con giống quá cao cùng với tâm lý lo ngại dịch bệnh bùng phát trở lại nên công tác tái đàn của người dân vẫn gặp không ít khó khăn.

1.2. Sản xuất lâm nghiệp

Trong tháng, thời tiết diễn biến tương đối thuận lợi đã tạo điều kiện cho  công tác ươm cây giống lâm nghiệp và chuẩn bị hiện trường trồng rừng. Công tác chuẩn bị cho Tết trồng cây Xuân Canh Tý 2020 cũng được các địa phương khẩn trương thực hiện. Các đơn vị, chủ rừng vẫn tiếp tục duy trì bảo vệ diện tích rừng hiện có, đồng thời chăm sóc thường xuyên cho diện tích rừng trồng năm đầu và cho diện tích rừng trồng năm 2, năm 3. Sản lượng gỗ khai thác trong tháng ước đạt 3.045 m3, tăng 3,85% so với cùng kỳ; sản lượng củi ước đạt 2.480 ste, tăng 0,77%.

Công tác phòng chống cháy rừng tiếp tục được chỉ đạo triển khai tích cực, thực hiện đồng bộ đến từng cá nhân, đơn vị được giao rừng, trong tháng không có vụ cháy rừng nào xảy ra.

1.3. Sản xuất thuỷ sản 

Tình hình sản xuất thủy sản trên địa bàn tỉnh tháng Một nhìn chung ổn định, các hộ có diện tích đã thu hoạch đang khẩn trương cải tạo, đầu tư thêm cơ sở vật chất để chuẩn bị cho vụ nuôi mới. Công tác phòng chống dịch bệnh, chống rét cho đàn cá được bà con quan tâm, chủ động thực hiện nên không có dịch bệnh xảy ra, đàn cá phát triển tốt. Hiện nay, giá các sản phẩm thủy sản vẫn giữ ở mức khá và có lãi nên bà con yên tâm tập trung đầu tư, mở rộng sản xuất. Nguồn cung con giống ổn định, đảm bảo đáp ứng tốt nhu cầu nuôi trồng của bà con trong và ngoài tỉnh trong mùa vụ mới. Diện tích nuôi trồng thủy sản tháng Một dự kiến đạt 4.615 ha, tăng 0,2%; Sản lượng thuỷ sản ước đạt 1.805 tấn, tăng 4,38% so với cùng kỳ. Trong đó, sản lượng khai thác đạt 167 tấn, bằng 97,84%; sản lượng nuôi trồng đạt 1.638 tấn, tăng 5,10% so với cùng kỳ năm trước.

2. Sản xuất công nghiệp

2.1. Chỉ số sản xuất

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng Một giảm 31,75% so với tháng trước. So với cùng kỳ năm 2019, IIP ước tính giảm 22,79%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 18,18% của cùng kỳ năm trước do Tết Nguyên đán năm nay vào tháng Một nên số ngày làm việc trong tháng giảm. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 23,27%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 8,72%; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 8,41%.

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) so với cùng kỳ

ktxh_1_2020_1

Trong các ngành công nghiệp cấp II, một số ngành chiếm tỉ trọng lớn có chỉ số sản xuất giảm so với cùng kỳ năm trước làm giảm tăng trưởng chung của toàn ngành công nghiệp như: Ngành sản xuất linh kiện điện tử giảm 6,27%; ngành sản xuất kim loại giảm 17,58%; ngành sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác giảm 22,23%; ngành sản xuất xe có động cơ giảm 35,45%; ngành sản xuất phương tiện vận tải khác giảm 36,07%...

Các ngành công nghiệp còn lại có mức tăng hoặc giảm nhẹ.

2.2. Sản phẩm công nghiệp chủ yếu

Do số ngày nghỉ Tết năm nay tập trung vào tháng Một nên hầu hết sản lượng sản phẩm công nghiệp chủ yếu của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trong tháng dự kiến đều có mức giảm so với tháng trước và so với cùng kỳ. Ngoài sản lượng điện thương phẩm tăng 8,72%; nước máy thương phẩm tăng 11,67%, các nhóm sản phẩm công nghiệp chủ yếu còn lại của tỉnh đều ghi nhận mức giảm so với cùng kỳ năm 2019 như: Thức ăn gia súc 17.414 tấn, giảm 24,07%; gạch dùng để ốp lát 8.233 nghìn m2, giảm 22,23%; xe ô tô chở dưới 10 người 3.834 chiếc, giảm 35,45%; xe máy các loại 117.944 chiếc, giảm 36,07%...

2.3. Chỉ số sử dụng lao động

Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp trên địa bàn tỉnh tại thời điểm 01/01/2020 tăng 0,38% so với tháng trước và tăng 5,39% so với cùng kỳ, trong đó, lao động khu vực doanh nghiệp Nhà nước giảm 6,12%, doanh nghiệp ngoài nhà nước tăng 2,46%, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 6,51%. Tại thời điểm trên, số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp ngành khai khoáng giảm 25,44% so với cùng thời điểm năm trước; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,60%; ngành sản xuất, phân phối điện tăng 3,44%; ngành cung cấp nước, xử lý rác thải, nước thải giảm 4,88%.

2.4. Chỉ số tiêu thụ, tồn kho

Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng Một năm 2020 giảm 32,14% so với tháng trước và giảm 28,57% so với cùng kỳ năm trước. Trong các ngành công nghiệp cấp 2, ngoài ngành dệt có chỉ số tiêu thụ tăng 6,87%; ngành sản xuất sản phẩm từ giấy tăng 40,88%, các ngành còn lại đều có chỉ số tiêu thụ giảm, trong đó một số ngành có chỉ số tiêu thụ giảm khá mạnh như: Ngành sản xuất giường, tủ, bàn ghế giảm 51,70%; ngành chế biến gỗ giảm 35,78%; ngành sản xuất xe có động cơ giảm 33,18%; ngành sản xuất trang phục giảm 32,30%; ngành sản xuất phương tiện vận tải khác giảm 31,33%...

Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng Một năm 2020 giảm 3,03% so với tháng trước và tăng 31,04% so cùng kỳ năm trước, trong đó một số ngành có chỉ số tồn kho giảm như: Ngành sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu giảm 64,49%; ngành sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy giảm 64,04%; ngành chế biến gỗ giảm 36,51%; ngành sản xuất giường, tủ, bàn ghế giảm 16,76%; ngành sản xuất xe có động cơ giảm 15,12%. Một số ngành có chỉ số tồn kho tăng cao hơn nhiều so với mức tăng chung như: Ngành sản xuất phương tiện vận tải khác tăng 60,78%; ngành sản xuất kim loại tăng 53,12%; ngành sản xuất trang phục tăng 39,00%; ngành sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 34,60%...

3. Đầu tư, Xây dựng

Kế hoạch vốn đầu tư thuộc nguồn ngân sách Nhà nước do tỉnh quản lý năm 2020 được dự toán tại Nghị Quyết số 78/NQ-HĐND ngày 11/12/2019 của Hội đồng nhân dân Tỉnh Vĩnh Phúc là 6.624,5 tỷ đồng, tăng 4,99% so với kế hoạch năm 2019. Bao gồm: nguồn phân theo nguyên tắc và tiêu chí là 4.727,2 tỷ đồng; nguồn thu từ đất 700 tỷ đồng; nguồn xổ số kiến thiết là 26 tỷ đồng; nguồn bội chi ngân sách địa phương là 1021,6 tỷ đồng; vốn ngân sách Trung ương 149,7 tỷ đồng. Năm 2020, việc xây dựng kế hoạch và phân bổ vốn đầu tư từ NSNN của Vĩnh Phúc tiếp tục được cơ cấu lại theo hướng tập trung, khắc phục dàn trải, nâng cao hiệu quả đầu tư. Ưu tiên bố trí vốn cho chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và các chương trình, nhiệm vụ thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh. Để hoàn thành kế hoạch và thực hiện có hiệu quả nguồn vốn đầu tư ngân sách Nhà nước trên địa bàn, các cấp, các ngành đã tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư phục vụ các dự án đầu tư. Các đơn vị được giao làm chủ đầu tư tổ chức lựa chọn nhà thầu và đẩy nhanh tiến độ thi công ngay từ những tháng đầu năm.

Tình hình thực hiện các công trình, dự án đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước trên địa bàn diễn ra khẩn trương. Vốn đầu tư thực hiện tập trung chủ yếu ở các công trình chuyển tiếp và công trình thi công dở dang trong năm 2019; số công trình, dự án khởi công mới ít do các công trình dự án mới vẫn chủ yếu đang trong giai đoạn làm thủ tục, hồ sơ chuẩn bị đầu tư... Ước trong tháng Một, tổng vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước đạt 488,79 tỷ đồng bằng 7,38% vốn kế hoạch năm 2020; Trong đó vốn ngân sách cấp tỉnh thực hiện là 315,01 tỷ đồng, vốn ngân sách cấp huyện là 138,49 tỷ đồng và vốn ngân sách cấp xã là 35,29 tỷ đồng.

4. Thương mại, dịch vụ và giá cả

a) Bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng

Tháng Một, là tháng có tết Nguyên đán nên thị trường hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn tỉnh diễn ra khá sôi động từ những ngày đầu tháng. Để bảo đảm cân đối cung - cầu, ổn định giá cả hàng hóa các tháng cuối năm 2019 và trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, nhằm góp phần kiềm chế lạm phát, bình ổn thị trường, bảo đảm an sinh xã hội, đồng thời gắn với thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, Sở Công Thương đã triển khai Chỉ thị 12/CT-BCT ngày 21/10/2019 của Bộ Công Thương về việc thực hiện các giải pháp đảm bảo cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2019 và dịp tết Nguyên đán Canh Tý 2020 đến UBND các huyện, thành phố và Các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thương mại trên địa bàn tỉnh.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng

ktxh_1_2020_2

Nhìn chung, thị trường hàng hóa trên địa bàn tỉnh ổn định, hàng Việt Nam ngày càng chiếm ưu thế với nguồn cung, mẫu mã đa dạng, phong phú, chất lượng tốt và giá cả hợp lý nên được người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn. Công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát thị trường giá cả và chất lượng hàng hóa được tăng cường đã góp phần đẩy mạnh hoạt động thương mại và dịch vụ, kích thích sức mua của người tiêu dùng nên kết quả lưu chuyển hàng hóa và dịch vụ trong kỳ đạt khá. Dự kiến, tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn tỉnh tháng Một đạt 4.612 tỷ đồng, tăng 9,88% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể theo từng nhóm ngành kinh doanh như sau:

- Tổng mức bán lẻ hàng hóa trong tháng ước đạt 4.038 tỷ đồng, tăng 0,34% so với tháng trước và tăng 10,39% so với cùng kỳ năm trước. Các siêu thị, các cửa hàng bán lẻ đều có chương trình khuyến mại để kích cầu thị trường trong dịp Tết Nguyên đán, do đó doanh thu tăng khá ở tất cả các nhóm ngành hàng như: Nhóm hàng gỗ và vật liệu xây dựng tăng 12,32%; Nhóm hàng lương thực thực phẩm tăng 10,68%; Nhóm hàng đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 8,19%; Nhóm hàng ô tô con (dưới 9 chỗ ngồi) tăng 7,93% so với cùng kỳ...

- Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành ước đạt 313 tỷ đồng giảm 12,61% so với tháng trước và tăng 6,86% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu dịch vụ lưu trú ước đạt 26 tỷ đồng, tăng 7,37%; doanh thu dịch vụ ăn uống ước đạt 278 tỷ đồng, tăng 6,76%; Doanh thu du lịch lữ hành ước đạt 9,0 tỷ đồng, tăng 8,54% so với cùng kỳ năm trước. Xu hướng đi du lịch, du xuân trong kỳ nghỉ tết Nguyên Đán ngày càng nhiều, các đơn vị lữ hành đã đưa ra các tour du lịch với chương trình và mức giá hấp dẫn, lượt khách lữ hành trong tháng tăng khá.

- Doanh thu các ngành dịch vụ còn lại ước đạt ước đạt 261 tỷ đồng, giảm 5,22% so với tháng trước và tăng 5,94% so với cùng kỳ năm trước.

b) Vận tải hành khách và hàng hoá

Để đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân trong và ngoài tỉnh, đồng thời cung cấp đầy đủ lượng vật tư hàng hoá cho sản xuất và tiêu dùng trong dịp tết Nguyên đán, các đơn vị vận tải đã có kế hoạch, chuẩn bị đầy đủ các phương tiện vận chuyển, tăng thời lượng vận chuyển hàng hoá và hành khách, do đó hoạt động vận tải đáp ứng tốt nhu cầu vận chuyển hàng hoá và đi lại của nhân dân.

Dự kiến trong tháng Một, khối lượng vận chuyển hành khách đạt 2.278 ngàn người, luân chuyển đạt 148 triệu người.km. So với cùng kỳ năm trước, vận chuyển hành khách tăng 3,38%, luân chuyển tăng 3,71%. Khối lượng vận chuyển hàng hoá đạt 2.770 nghìn tấn, luân chuyển đạt 218 triệu tấn.km. So với  cùng kỳ năm trư­ớc, vận chuyển hàng hóa giảm 6,37%, luân chuyển giảm 6,38%.

Tổng doanh thu vận tải tháng Một dự kiến đạt 376,5 tỷ đồng, tăng 1,07% so với cùng kỳ. Trong đó, vận tải hành khách đạt 90 tỷ đồng, tăng 8,12%; vận tải hàng hoá đạt 276 tỷ đồng, giảm 1,21% so với cùng kỳ do năm nay Tết Nguyên đán vào tháng Một, sớm hơn 1 tháng so với năm trước dẫn đến thời gian hoạt động vận tải trong tháng ít hơn cùng kỳ.

c) Chỉ số giá tiêu dùng

Tháng Một, là tháng có Tết Nguyên Đán nên thị trường hàng tiêu dùng diễn ra khá sôi động, đa dạng về mẫu mã, chủng loại và không có tình trạng khan hiếm hàng xảy ra. Mặc dù là tháng có Tết nhưng giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm tương đối ổn định. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng Một tăng 1,10% so với tháng trước và tăng 7,42% so bình quân cùng kỳ.

Trong 11 nhóm hàng chủ yếu, có 9 nhóm hàng ghi nhận mức chỉ số tăng so với tháng trước. Cụ thể:

- Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 1,17% so với tháng trước và tăng 17,19% so với cùng tháng năm trước, do thực phẩm tăng 1,59%. Trong đó, giá thịt lợn tăng 3,33%, giá thịt bò tăng 3,75%, giá nội tạng động vật tăng 3,60%, nguyên nhân chủ yếu là do nguồn cung thịt lợn giảm. Mặt khác nhu cầu sử dụng của người dân phục vụ cho hoạt động chế biến và tiêu dùng thực phẩm dịp Tết Nguyên Đán tăng; nhóm trứng các loại tăng 2,29%; nhóm thủy sản tươi sống tăng 1,52% so với tháng trước... Thực phẩm tăng kéo theo nhóm ăn uống ngoài gia đình cũng tăng 0,55% so với tháng trước;

- Nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,78% chủ yếu tăng ở mặt hàng nước có ga tăng 2,66%; nước uống tăng lực đóng chai, lon, hộp tăng 5,16% do nhu cầu mua sử dụng trong dịp Tết của người dân tăng cao. Các mặt hàng còn lại giá tương đối ổn định;

- Nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 2,26% chủ yếu do giá gas được điều chỉnh tăng từ 01/01/2020 lên 50.000đ/bình 12kg với mức tăng 14,99% so với tháng trước. Giá 1 bình gas Petrolimex 12kg niêm yết là 380.000 đồng/bình. Cùng chiều, mặt hàng dầu hỏa tăng 3,80% so với tháng trước, giá dầu hỏa bình quân tháng 1/2020 là 15.554 đồng/lít (tăng 570 đồng/lít); nhóm dịch vụ sửa chữa nhà ở tăng 0,41% chủ yếu ở mặt hàng gạch xây và công sơn tường do nhu cầu hoàn thiện các công trình xây dựng vào những ngày cuối năm tăng, làm cho chỉ số nhóm tăng;

- Nhóm Giao thông tăng 0,78% so với tháng trước chủ yếu ở mặt hàng xăng dầu. Trong tháng, giá xăng, dầu được điều chỉnh 02 đợt vào ngày 1 và ngày 16 tháng 1 năm 2020 đã làm cho chỉ số nhóm tăng. Giá xăng bán bình quân tháng 1/2020 như sau: xăng 95 là 20.049 đồng/lít, xăng sinh học E5 là 19.859 đồng/lít, dầu Diezen là 16.564 đồng/lít, đã làm ảnh hưởng đến chỉ số chung của nhóm;

Các nhóm còn lại giá tương đối ổn định và có mức biến động nhẹ so với tháng trước.

d) Chỉ số giá vàng và Đô la Mỹ

Chỉ số giá vàng trên địa bàn tỉnh tháng Một tăng khá, chỉ số giá trong nhóm tăng 4,29% so với tháng trước. Giá vàng bình quân trên thị trường tự do là 4.253 nghìn đồng/chỉ. Giá Đô la Mỹ trên thị trường tự do có xu hướng ổn định so với tháng trước. Giá bán bình quân ở mức 22.593 đồng/USD.

5. Tài chính, ngân hàng

Tình hình thu, chi ngân sách Nhà nước:

Dự toán thu, chi ngân sách nhà nước năm 2020 tỉnh Vĩnh Phúc được xây dựng theo mục tiêu từng bước cơ cấu lại ngân sách địa phương theo hướng bảo đảm an toàn, bền vững, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô; tăng cường huy động, quản lý, phân bổ và sử dụng các nguồn lực tài chính trong xã hội hiệu quả, công bằng; siết chặt kỷ cương, kỷ luật tài chính - ngân sách; thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết tốt nhiệm vụ phát triển văn hóa, xã hội, môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, đảm bảo quốc phòng và an ninh trong tình hình mới. Kế hoạch thu NSNN năm 2020 là 33.500 tỷ, trong đó thu nội địa là 29.350 tỷ đồng; Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 4.150 tỷ đồng. Dự toán chi cân đối ngân sách địa phương là 17.614 tỷ đồng. Trong đó, chi đầu tư phát triển là 6.474,8 tỷ đồng, chi thường xuyên là 9.518,7 tỷ đồng.

Theo số liệu của Kho bạc Nhà nước, tổng thu ngân sách trên địa bàn tính đến 15/01/2020 đạt 613,5 tỷ đồng. Trong đó, thu nội địa đạt 426,5 tỷ đồng; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 185,1 tỷ đồng. Tổng chi ngân sách nhà nước trên địa bàn đến 15/01/2020 đạt 837,2 tỷ đồng, trong đó chi thường xuyên đạt 491,5 tỷ đồng, chi đầu tư phát triển đạt 345,5 tỷ đồng.

Hoạt động ngân hàng, tín dụng: Tháng Một là tháng giáp tết Nguyên Đán nhu cầu tiền mặt tăng cao nhưng lãi suất huy động của các TCTD trên địa bàn ổn định đáp ứng nhu cầu thanh toán của người dân và dự phòng chi trả của các tổ chức tín dụng. Hiện, lãi suất huy động trên địa bàn phổ biến ở mức từ 0,2% đến 0,8%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; từ 4,5% đến 5,0%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; từ 5,0% đén 6,6%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn trên 12 tháng ở mức từ 6,7% đến 7,2%/năm. Mặt bằng lãi suất cho vay trên địa bàn phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức từ 6% đến 6,5%/năm đối với ngắn hạn và từ 7% đến 9%/năm đối với trung, dài hạn. Lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường ở mức từ 6,8% đến 9%/năm đối với ngắn hạn và từ 9,0% đến 10,5%/năm đối với trung, dài hạn.

Ước thực hiện đến 31/01/2020, tổng nguồn vốn huy động đạt 81.000 tỷ đồng, tăng 0,25% so với cuối năm 2019. Trong đó: tiền gửi các tổ chức kinh tế là 33.165 tỷ đồng, tăng 0,52% ; tiền gửi tiết kiệm là 46.800 tỷ đồng, tăng 0,06%; phát hành giấy tờ có giá là 1.035 tỷ đồng, tăng 0,39% so với cuối năm 2019.

Tổng dư nợ cho vay đến 31/01/2020 ước đạt 78.200 tỷ đồng, tăng 0,23% so với cuối năm 2019. Trong đó, dư nợ cho vay ngắn hạn đạt 50.950 tỷ đồng, tăng 0,13%, chiếm 61,20% tổng dư nợ; dư nợ cho vay trung và dài hạn đạt 27.250 tỷ đồng, tăng 0,42% so với cuối năm 2019, chiếm 35,80% tổng dư nợ.

6. Một số vấn đề xã hội

- Hoạt động y tế: Cuối năm là thời điểm các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chuẩn bị nguồn hàng để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng vào những dịp lễ, tết. Tuy nhiên, bên cạnh sự phong phú, đa dạng về chủng loại của các mặt hàng thực phẩm, kéo theo không ít nguy cơ về hàng giả, hàng nhái, hàng đã quá hạn sử dụng, thực phẩm nhập lậu, thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, kém chất lượng có trà trộn gây mất vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP), ảnh hưởng đến sức khoẻ của cộng đồng. Để chủ động phòng, chống sự cố thực phẩm, ngộ độc thực phẩm cho nhân dân, Ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 171/KH-BCĐLNATTP ngày 19/12/2019 về việc triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán Canh tý và mùa Lễ hội Xuân 2020. Theo đó, từ ngày 15/12/2019 đến ngày 25/3/2020, các Đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành về ATVSTP ở 3 cấp (tỉnh, huyện và xã) sẽ tăng cường thanh, kiểm tra công tác ATVSTP trong sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu và sử dụng thực phẩm... Tính đến ngày 16/01/2020, trên địa bàn tỉnh không xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm nào.

Trong dịp tết Cổ truyền, Ngành Y tế duy trì chế độ trực 24/24 giờ đảm bảo xử lý kịp thời các ca cấp cứu; động viên, chăm sóc chu đáo những bệnh nhân lưu trú trong các bệnh viện, trung tâm y tế, cơ sở y tế trong thời gian tết Nguyên đán, đảm bảo sức khoẻ cho nhân dân; tăng cường khâu kiểm tra các cơ sở khám chữa bệnh, kiểm soát chặt chẽ thị trường thuốc chữa bệnh, tập trung kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh rau, củ quả, bánh kẹo, rượu, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, cơ sở giết mổ, kinh doanh gia cầm, thực phẩm không rõ nguồn gốc... Đồng thời, có các biện pháp dự phòng, phòng chống dịch bệnh, các biện pháp ngăn chặn dịch sốt xuất huyết, tay- chân- miệng... xảy ra trên địa bàn. Tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân phòng bệnh, giữ gìn vệ sinh, an toàn thực phẩm, không để xảy ra ngộ độc thức ăn, đặc biệt trong các dịp lễ, tết.

- Hoạt động bảo đảm giao thông, trật tự an toàn xã hội và phòng tránh cháy nổ: Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 1658/CĐ-TTg ngày 9/12/2019, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Kế hoạch số 179/KH-UBND về bảo đảm trật tự an toàn giao thông dịp tết Dương lịch, tết Nguyên đán Canh Tý và Lễ hội xuân 2020 theo đó đợt cao điểm bắt đầu từ ngày 29/12/2019 đến ngày 28/2/2020. Các đơn vị thuộc Công an tỉnh tổ chức các đợt cao điểm tuần tra, kiểm soát, tăng cường kiểm tra xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông, tập trung xử lý các hành vi, vi phạm quy định về tốc độ, xe ô tô chở quá khổ, quá tải trọng, xe ô tô cơi nới thành thùng trái phép, xe ô tô khách chở quá số người quy định, đi không đúng làn đường, tránh, vượt sai; đón trả khách không đúng nơi quy định; kiểm tra ngăn chặn việc vận chuyển trái phép pháo, chất cháy, nổ, chở xe ô tô không hút hết nhiên liệu trong hầm hàng ô tô khách; tập trung xử phạt đối với người điều khiển phương tiện vi phạm quy định về nồng độ cồn...

Trong tháng, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 01 vụ cháy cơ sở tái chế nhựa của hộ dân ở xã Đại Đồng - huyện Vĩnh Tường, do sự cố điện gây thiệt hại 90 triệu đồng, không có thiệt hại về người. Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường, trong tháng đã phát hiện và xử lý 01 vụ vi phạm môi trường với tổng số tiền phạt 6,3 triệu đồng.

- Hoạt động văn hóa- xã hội: Chào mừng kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, 70 năm ngày thành lập tỉnh Vĩnh Phúc, mừng Xuân Canh Tý, hướng tới chào mừng Đại hội Đảng bộ các cấp và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, ngành Văn hóa đã xây dựng Kế hoạch cụ thể nhằm tổ chức tốt các hoạt động trên. Nhiều chương trình nghệ thuật Mừng Đảng- Mừng Xuân sẽ được tổ chức tại Quảng trường - Nhà hát tỉnh nhằm tạo không khí vui tươi, phấn khởi. Bên cạnh đó, để nhân dân đón Tết vui vẻ, an toàn, các ngành chức năng tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát việc tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch, lễ hội trong dịp tết Nguyên đán đúng quy định của Nhà nước về tổ chức lễ hội, đảm bảo vệ sinh môi trường và an ninh trật tự; ngăn chặn kịp thời các biểu hiện tiêu cực, lợi dụng lễ hội để hoạt động mê tín dị đoan, thu lợi bất chính; không tổ chức các lễ hội quá sớm trước Tết hoặc kéo dài nhiều ngày sau Tết. Tăng cường kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch trong dịp tết triển khai các biện pháp nhằm ngăn chặn các hành vi “chặt chém”, nâng giá dịch vụ tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn.

Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các ngành, các cấp chủ động tổ chức thực hiện chu đáo việc thăm hỏi, tặng quà, chăm lo tết cho các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, người có công với cách mạng, các gia đình thuộc diện chính sách, gia đình đặc biệt khó khăn; Vận động các tầng lớp nhân dân phát huy tinh thần tương thân, tương ái, giúp đỡ các gia đình gặp khó khăn, người già, trẻ em không nơi nương tựa; Tạo điều kiện cho mọi người, mọi nhà đón tết Nguyên đán Canh Tý vui vẻ và đầm ấm./.

 

luat_sua_doi_ltk

Đang truy cập: 10
Trong ngày: 168
Trong tuần: 581
Lượt truy cập: 1512005

Xin cho biết ý kiến của bạn về trang thông tin điện tử Cục Thống kê tỉnh Vĩnh Phúc?
Tốt
Khá
Trung bình
Kém

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỤC THỐNG KÊ TỈNH VĨNH PHÚCChung nhan Tin Nhiem Mang

Địa chỉ: Số 20

Lý Thái Tổ - Phường Đống Đa - Thành phố Vĩnh Yên - Tỉnh Vĩnh Phúc

Điện thoại: 0211 3 861 139, Fax: 0211 3 843 841Email: vinhphuc@gso.gov.vn, cuctk@vinhphuc.gov.vn