.::. Cung cấp thông tin đầy đủ, trung thực là trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, đơn vị sự nghiệp, hiệp hội, cơ sở hành chính, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng trên địa bàn .::. .............................................................................................................................................................................................................. ........................................  

Tình hình kinh tế - xã hội tháng 02 năm 2020

Lời văn

Số liệu

 

Tháng Hai, các đơn vị sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh đã đi vào hoạt động trở lại sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus corona (Covid-19) đã bùng phát lan rộng ra nhiều nước trên thế giới, trong đó Vĩnh Phúc là tâm dịch của cả nước với 11/16 ca nhiễm, đã ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình kinh tế xã hội, đời sống dân cư trên địa bàn. Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Tỉnh ủy, UBND, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Vĩnh Phúc đã quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng chống dịch; ban hành nhiều chủ trương, chính sách, biện pháp đồng bộ, kịp thời, mạnh mẽ nhằm ứng phó và ngăn chặn dịch. Đến nay, dịch bệnh bước đầu được kiểm soát; tình hình sản xuất kinh doanh và đời sống dân cư trên địa bàn ổn định.

1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản

Sản xuất nông nghiệp trong tháng tập trung chủ yếu vào gieo cấy, chăm sóc lúa xuân, gieo trồng cây hoa màu và thu hoạch cây vụ đông. Chăn nuôi gia cầm phát triển tốt, chăn nuôi lợn gặp khó khăn trong công tác tái đàn. Ngành thủy sản đạt mức tăng trưởng khá về sản lượng nuôi trồng.

1.1. Sản xuất nông nghiệp

a) Trồng trọt: Trong tháng, tranh thủ thời tiết thuận lợi, bà con nông dân các địa phương trong tỉnh đã tập trung vào công tác làm đất, khẩn trương gieo cấy lúa và trồng các loại rau màu vụ Xuân đảm bảo tiến độ trong khung thời vụ tốt nhất. Theo tiến độ báo cáo của các địa phương, tính đến ngày 15/2/2020 toàn tỉnh đã gieo trồng được 35.081 ha cây vụ xuân, tăng 18,70% so với cùng kỳ. Trong đó, đã gieo trồng được 28.574 ha lúa, 1.720 ha ngô, 143 ha khoai lang, 1.439 ha lạc, 31 ha đậu tương, 1.711 ha rau các loại... Để đảm bảo sản xuất vụ Đông Xuân năm 2020 đạt kết quả tốt, Sở Nông nghiệp và phát triển Nông thôn tỉnh đã ban hành văn bản số 177/SNN&PTNT-TT&BVTV chỉ đạo các địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh hướng dẫn bà con nông dân thực hiện tốt các nội dung trong công tác chỉ đạo sản xuất vụ Đông Xuân năm 2019-2020.

Hiện nay trên địa bàn đã xuất hiện rải rác sâu bệnh hại cây trồng như: sâu cuốn lá nhỏ, rầy nâu trên lúa Xuân sớm; sâu đục thân 2 chấm hại rải rác trên trà lúa Xuân muộn; sâu tơ, bọ nhảy trên cây rau; bệnh sương mai trên cây su su... Để hạn chế mức thấp nhất thiệt hại do sâu bệnh gây ra cho sản xuất lúa vụ Đông Xuân năm 2020 trên địa bàn, ngành Nông nghiệp tỉnh đã chỉ đạo các địa phương hướng dẫn bà con nông dân thường xuyên thăm đồng để phát hiện sớm và xử lý kịp thời các đối tượng sâu bệnh hại trên đồng ruộng, không để ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của các loại cây trồng.

b) Chăn nuôi: Sản xuất chăn nuôi trong tháng Hai trên địa bàn tỉnh nhìn chung tương đối ổn định, các cơ chế, chính sách hỗ trợ tái cơ cấu ngành Nông nghiệp trong đó có chăn nuôi tiếp tục được thực hiện đã khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để người dân yên tâm đầu tư mở rộng quy mô sản xuất. Mặt khác, giá các loại sản phẩm chăn nuôi nhìn chung giữ ở mức khá cao, chăn nuôi có lãi nên người dân yên tâm đầu tư phát triển.

Chăn nuôi trâu, bò trong tháng tiếp tục có xu hướng giảm, số lượng đầu con giảm so với cùng kỳ do hiệu quả kinh tế không cao và diện tích chăn thả bị thu hẹp, riêng đàn bò sữa phát triển khá mạnh do sản phẩm sữa tươi có thị trường tiêu thụ tốt, đem lại thu nhập cao cho người chăn nuôi nên các hộ dân đã mạnh dạn đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất với nhiều giống bò cho năng suất sữa cao.

Chăn nuôi gia cầm phát triển tốt, số lượng đầu con tăng khá so với cùng kỳ do có thị trường tiêu thụ ổn định. Giá bán các sản phẩm gia cầm hiện đang duy trì ở mức khá cao, sản lượng đáp ứng tốt cho nhu cầu tiêu dùng của người dân địa phương cũng như một số vùng lân cận. Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp về dịch cúm A/H5N6 tại một số tỉnh lân cận, để bảo vệ sản xuất chăn nuôi, tỉnh đã và đang triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh: tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm, đảm bảo phát hiện sớm, xử lý kịp thời, không để dịch bệnh lây lan; tổ chức tiêm phòng vắc xin cho gia súc, gia cầm đợt 1/2020; triển khai đợt tổng vệ sinh, khử trùng tiêu độc môi trường chăn nuôi...

Chăn nuôi lợn vẫn tiếp tục chịu ảnh hưởng của bệnh Dịch tả lợn Châu phi diễn biến phức tạp đã gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi và tác động xấu đến phát triển đàn lợn của tỉnh trong thời gian qua. Hiện nay, các hộ chăn nuôi đang cố gắng tái đàn, mở rộng sản xuất, tuy nhiên công tác tái đàn của người dân vẫn gặp không ít khó khăn do giá con giống quá cao, nguồn cung cấp con giống từ các cơ sở chăn nuôi uy tín, đảm bảo an toàn còn hạn chế, cùng với tâm lý lo ngại dịch bệnh có thể bùng phát trở lại.

1.2. Sản xuất lâm nghiệp

Trong tháng, các đơn vị sản xuất lâm nghiệp và các địa phương trong tỉnh tập trung chủ yếu vào công tác chuẩn bị hiện trường trồng rừng, phát dọn thực bì, chăm sóc cây giống, công tác trồng rừng mới cũng được các địa phương triển khai thực hiện. Diện tích rừng trồng mới tập trung trên địa bàn tỉnh ước đạt 39 ha, tăng 4,00% so với cùng kỳ. Công tác chăm sóc rừng luôn được các chủ rừng tích cực thực hiện, chủ động về các điều kiện để đảm bảo cây trồng phát triển tốt. Công tác phòng chống cháy rừng luôn được các cấp, các ngành liên quan và chủ rừng quan tâm, nghiêm túc thực hiện nên đến nay trên địa bàn tỉnh không xảy ra vụ cháy rừng nào.

Để nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về tác dụng của trồng và bảo vệ rừng gắn liền với phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, tăng độ che phủ rừng, ngày 01/02/2020 UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã tổ chức Lễ phát động "Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ" xuân canh tý 2020, toàn tỉnh phấn đấu trồng 1.600.000 cây phân tán, gồm các loài cây chủ đạo như: Keo, Sấu, Bạch đàn, Xoan, Sấu, Xà cừ, Lát hoa...các địa phương có số lượng cây trồng đầu Xuân lớn là Lập Thạch ,Sông Lô, Phúc Yên.

1.3. Sản xuất thuỷ sản

Tình hình sản xuất thủy sản trên địa bàn tỉnh tháng Hai phát triển ổn định, thời tiết tương đối thuận lợi, từ đầu năm đến nay đã có những cơn mưa rào nên đàn cá phát triển tốt, giá thủy sản duy trì ở mức khá giúp cho người dân yên tâm đầu tư mở rộng sản xuất. Nguồn cung con giống ổn định, chất lượng ngày càng được nâng cao, đảm bảo đáp ứng tốt nhu cầu nuôi trồng của bà con trong và ngoài tỉnh trong mùa vụ mới. Diện tích nuôi trồng thủy sản đến hết tháng Hai dự kiến đạt 4.697 ha, tăng 0,2%; Sản lượng thuỷ sản ước đạt 3.447 tấn, tăng 4,42% so với cùng kỳ. Trong đó, sản lượng khai thác đạt 238 tấn, bằng 97,31%; sản lượng nuôi trồng đạt 3.208 tấn, tăng 4,99% so với cùng kỳ năm trước.

2. Sản xuất công nghiệp

Sản xuất công nghiệp hai tháng năm 2020 mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 (n-CoV) nhưng các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã chủ động ứng phó và có những kế hoạch sản xuất ổn định, khắc phục khó khăn trong trường hợp thiếu lao động, chưa có doanh nghiệp nào phải tạm ngừng hay giảm năng lực sản xuất. Vì vậy, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) đạt mức tăng 6,53% so với cùng kỳ năm trước, trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,40%, ngành khai khoáng giảm nhẹ, sản xuất và phân phối điện đảm bảo cung cấp đủ điện cho sản xuất và tiêu dùng của nhân dân với tốc độ tăng cao hơn mức tăng chung của toàn ngành.

2.1. Chỉ số sản xuất

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng Hai tăng 35,08% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó ngành khai khoáng tăng 14,91%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 35,37%; ngành sản xuất, phân phối điện tăng 23,51%; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 19,32%.

Chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp tháng 02 năm 2020 (%)

ktxh_02_2020_1

Tính chung hai tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tính tăng 6,53% so với cùng kỳ, thấp hơn mức tăng 19,56% của cùng kỳ năm 2019. Trong các ngành công nghiệp cấp II, một số ngành chiếm tỷ trọng lớn có chỉ số sản xuất hai tháng tăng cao so với cùng kỳ năm trước, đóng góp chủ yếu vào tăng trưởng chung của toàn ngành công nghiệp như: Ngành sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 43,04%; ngành sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 37,52%; ngành sản xuất thiết bị điện tăng 30,92%; ngành sản xuất kim loại tăng 28,98%; ngành sản xuất linh kiện điện tử tăng 20,55%… Bên cạnh đó, vẫn có 8/24 ngành công nghiệp cấp II của tỉnh có chỉ số sản xuất giảm so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành sản xuất phương tiện vận tải khác giảm 7,13%, do thị trường đang ở mức bão hòa; ngành sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác giảm 12,72%; ngành sản xuất giường, tủ, bàn ghế giảm 48,59%...

Các ngành công nghiệp còn lại phát triển ổn định.

2.2. Sản phẩm công nghiệp chủ yếu

Hầu hết sản lượng sản phẩm công nghiệp chủ yếu của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tháng Hai dự kiến đều có mức tăng khá so với tháng trước và so với cùng kỳ. Tính chung hai tháng đầu năm 2020, ngoài sản lượng máy điều hòa không khí giảm 65,28%, gạch dùng để ốp lát giảm 12,72%, xe máy các loại giảm 7,13% và quần áo các loại giảm 3,75%, các nhóm sản phẩm công nghiệp chủ yếu còn lại của tỉnh đều có mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm 2019: Dịch vụ sản xuất linh kiện điện tử 15.237 tỷ đồng, tăng 20,55%; nước máy thương phẩm tăng 19,98%; điện thương phẩm tăng 15,61%; thức ăn cho gia súc tăng 12,24%; giày, dép thể thao tăng 10,05%; ô tô tăng 3,90%.

2.3. Chỉ số sử dụng lao động

Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp trên địa bàn tỉnh tại thời điểm 01/02/2020 tăng 0,51% so với tháng trước và tăng 2,01% so với cùng kỳ, trong đó, lao động khu vực doanh nghiệp Nhà nước giảm 11,14%, doanh nghiệp ngoài nhà nước giảm 1,15%, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 3,24%. Tại thời điểm trên, số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp ngành khai khoáng giảm 19,23% so với cùng thời điểm năm trước; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 2,24%; ngành sản xuất, phân phối điện giảm 8,22%; ngành cung cấp nước, xử lý rác thải, nước thải giảm 5,09%.

2.4. Chỉ số tiêu thụ, tồn kho

Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng Hai năm 2020 tăng 3,49% so với tháng trước và tăng 41,76% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung hai tháng đầu năm, nhiều ngành có chỉ số tiêu thụ tăng cao như: ngành sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 79,83%; ngành sản xuất thiết bị điện tăng 38,68%; ngành dệt tăng 34,88%; ngành sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 29,58%; ngành sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 26,89%... Bên cạnh đó, một số ngành có chỉ số tiêu thụ giảm như: ngành sản xuất giường tủ, bàn ghế giảm 44,95%; ngành chế biến gỗ và sản phẩm từ gỗ giảm 15,35%; ngành sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim giảm 10,59%... Các ngành còn lại có biến động nhẹ.

Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng Hai năm 2020 giảm 2,64% so với tháng trước và tăng 34,05% so cùng kỳ năm trước. Hầu hết các ngành đều có chỉ số tồn kho tăng cao so cùng kỳ; trong đó, ngành sản xuất xe có động cơ tăng 127,02%; ngành sản xuất kim loại tăng 79,54%; ngành sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 61,14%...

3. Đầu tư, xây dựng

Tình hình thực hiện vốn đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước tháng Hai đạt tỷ lệ tăng so với tháng trước và so với cùng kỳ, vốn đầu tư tập trung chủ yếu ở các công trình đến giai đoạn hoàn thành và công trình chuyển tiếp, thi công dở dang trong năm 2019. Số lượng dự án khởi công ít do các dự án mới đang thực hiện các thủ tục đầu tư, lựa chọn nhà thầu thiết kế bản vẽ thi công dự toán...

Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng Hai ước đạt 407,46 tỷ đồng tăng 12,64% so với cùng kỳ và bằng 6,15% vốn kế hoạch giao đầu năm. Trong đó, vốn ngân sách cấp tỉnh thực hiện là 267,13 tỷ đồng, vốn ngân sách cấp huyện là 115,52 tỷ đồng và vốn ngân sách cấp xã là 24,81 tỷ đồng. Lũy kế đến hết tháng Hai, vốn đầu tư thuộc nguồn ngân sách Nhà nước thực hiện đạt 813,57 tỷ đồng bằng 12,28% kế hoạch vốn giao đầu năm.

4. Thương mại, giá cả và dịch vụ

 Tháng Hai, chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, cũng là tháng đầu tiên sau Tết nên hoạt động thương mại dịch vụ trong tháng không sôi động như những tháng trước. Trong đó, ảnh hưởng trực tiếp đến ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành và hoạt động kinh doanh vận tải công cộng. Mặc dù vậy, các đơn vị tham gia kinh doanh thương mại và dịch vụ trên địa bàn đã có nhiều giải pháp đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, lên phương án mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, quyết tâm hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra.

 

 ktxh_02_2020_2

a) Bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng

 Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng Hai ước đạt 4.355 tỷ đồng, giảm 2,0% so với tháng trước và tăng 9,99% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, các ngành tăng giảm tương ứng so với tháng trước và so với cùng kỳ như sau: doanh thu bán lẻ hàng hóa trong tháng ước đạt 3.829 tỷ đồng, giảm 1,36% và tăng 12,96%; doanh thu các ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành 263 tỷ đồng, giảm 13,59% và giảm 10,36%; doanh thu các ngành dịch vụ khác trong tháng ước đạt 263 tỷ đồng, tăng 2,0% và tăng 9,83%. Tính chung hai tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 8.799 tỷ đồng, tăng 7,85% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 7.710 tỷ đồng, tăng 9,41%; doanh thu các ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành 568,1 tỷ đồng, giảm 7,06%; doanh thu các ngành dịch vụ khác đạt 521 tỷ đồng, tăng 4,12% so với cùng kỳ năm trước.

b) Vận tải hành khách và hàng hoá

Dự kiến tháng Hai, khối lượng vận chuyển hàng hoá đạt 2.519 nghìn tấn, luân chuyển 192 triệu tấn.km, so với tháng trước giảm 3,0% về tấn và giảm 2,54% về tấn.km, so với cùng kỳ năm trước tăng 0,55% về tấn và tăng 0,31% về tấn km. Khối lượng vận chuyển hành khách đạt 1.883 ngàn ngư­ời, luân chuyển 122 triệu ngư­ời.km, giảm 11,89% về người và giảm 12,23% về người.km so với tháng trước, so cùng kỳ năm trước giảm 13,02% về người và giảm 13,16% về người km. Tính chung hai tháng đầu năm, vận chuyển hàng hóa giảm 6,36%, luân chuyển giảm 8,30% so với cùng kỳ năm trước. Vận chuyển hành khách giảm 7,99%, luân chuyển giảm 7,98% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng doanh thu vận tải tháng Hai ước đạt 338 tỷ đồng, giảm 5,11% so với tháng trước và giảm 1,56% so với cùng kỳ. Tính chung hai tháng đầu năm, doanh thu vận tải đạt 694 tỷ đồng, giảm 3,06% so với cùng kỳ năm trước.

c) Chỉ số giá tiêu dùng

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng Hai giảm 0,30% so với tháng trước; bình quân hai tháng đầu năm tăng 6,82% so cùng kỳ. Nguyên nhân chính làm CPI tháng này giảm so với tháng trước là do giá một số nhóm hàng thiết yếu giảm như: thực phẩm giảm 0,07%; may mặc, mũ nón và giày dép giảm 0,23%; nhà ở, điện nước, chất đốt và VLXD giảm 0,34%; giao thông giảm 2,75%; văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,17%... Các nhóm còn lại giá tương đối ổn định và tăng nhẹ.  

Trong mức giảm 0,30% của chỉ số giá tiêu dùng tháng Hai so với tháng trước có 7/11 nhóm hàng hóa dịch vụ có chỉ số giá giảm, trong đó nhóm có mức giảm cao nhất là nhóm giao thông giảm 2,75% do sự điều chỉnh của tập đoàn xăng dầu Việt Nam vào các ngày 01/02/2020 và 14/02/2020 đã làm cho nhóm nhiên liệu (xăng A95, xăng sinh học E5, dầu Diezen) giảm 5,23% so với tháng trước đã đẩy chỉ số chung của nhóm giảm. Nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng giảm 0,34% so với tháng trước do giá gas được điều chỉnh giảm 20.000đ/bình 12kg từ 01/02/2020 với mức giảm 5,21% so với tháng trước, giá 1 bình gas Petrolimex 12kg niêm yết là 360.000 đồng/bình. Cùng chiều mặt hàng dầu hỏa giảm 6,87% so với tháng trước; giá dầu hỏa bình quân tháng Hai là 14.486 đồng/lít (giảm 1.068 đồng/lít). Nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình giảm 0,15%, do một số siêu thị điện máy, để kích cầu tiêu dùng và cũng để giải quyết bớt lượng hàng đang tồn kho nên các doanh nghiệp đã lên kế hoạch khuyến mãi, giảm giá cho một số sản phẩm như: tủ lạnh, máy giặt, quạt điện, lò vi sóng, bếp từ,... để thu hồi vốn và bán các mẫu mã mới trong năm, dẫn tới chỉ số nhóm này giảm.

Một số nhóm hàng còn lại giá tương đối ổn định và tăng nhẹ.

Giá vàng trên địa bàn tỉnh tăng khá, chỉ số giá trong tháng tăng 2,70% so với tháng trước do trong kỳ có ngày Vía Thần tài nên nhu cầu mua sắm vàng của người dân tăng cao. Giá vàng bình quân trên thị trường tự do là 4.368 nghìn đồng/chỉ. Cùng chiều với giá vàng, giá Đô la Mỹ trên thị trường tự do có xu hướng tăng 0,31% so với tháng trước. Giá bán bình quân là 22,663 đồng/USD.

5. Tài chính, ngân hàng, bảo hiểm

5.1. Tình hình thu,chi ngân sách Nhà nước

Để đạt được dự toán ngân sách năm 2020 mà HĐND giao, ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết, Chỉ thị của Chính phủ; Nghị quyết HĐND tỉnh về thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020; huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Tăng cường kỷ luật tài chính - ngân sách nhà nước; bảo đảm công khai minh bạch và thực hiện tiết kiệm; bảo đảm tỷ lệ chi ngân sách  cho giáo dục, đào tạo, khoa học công nghệ; tiết kiệm chi thường xuyên...

Theo số liệu của Kho bạc Nhà nước Vĩnh Phúc, tổng thu ngân sách trên địa bàn tính đến 15/02/2020 đạt 4.802,79 tỷ đồng, tăng 12,37% so với cùng kỳ. Trong đó, thu nội địa đạt 4.330,7 tỷ đồng; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 464,2 tỷ đồng. Tổng chi ngân sách nhà nước trên địa bàn đến 15/02/2020 đạt 1.935,32 tỷ đồng, tăng 27,0% so với cùng kỳ. Trong đó chi thường xuyên đạt 1.184 tỷ đồng, chi đầu tư phát triển đạt 790,9 tỷ đồng.

5.2. Hoạt động ngân hàng,tín dụng

Lãi suất huy động trên địa bàn phổ biến ở mức từ 0,2- 0,8%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; từ 4,5-5,0%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; từ 5,0-6,6% đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn trên 12 tháng ở mức từ 6,7-7,2%/năm. Mặt bằng lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức từ 5,5-6,0%/năm đối với ngắn hạn và từ 6,5-8,8%/năm đối với trung, dài hạn. Lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường ở mức từ 6,8- 9%/năm đối với ngắn hạn và từ 9,0-10,5%/năm đối với trung, dài hạn.

Ước thực hiện đến 29/02/2020, tổng nguồn vốn huy động đạt 78.000 tỷ đồng, giảm 3,46% so với cuối năm 2019. Trong đó: tiền gửi các tổ chức kinh tế là 27.000 tỷ đồng, giảm 18,17%; tiền gửi tiết kiệm là 49.850 tỷ đồng, tăng 6,58%; phát hành giấy tờ có giá là 1.150 tỷ đồng, tăng 11,54% so với cuối năm 2019. Tổng dư nợ cho vay đến 29/02/2020 ước đạt 78.200 tỷ đồng, tăng 0,23% so với cuối năm 2019. Trong đó, dư nợ cho vay ngắn hạn đạt 50.650 tỷ đồng, giảm 0,46%, chiếm 64,77% tổng dư nợ; dư nợ cho vay trung và dài hạn đạt 27.550 tỷ đồng, tăng 1,53% so với cuối năm 2019, chiếm 35,23% tổng dư nợ.

5.3. Bảo hiểm

Kết quả thu bảo hiểm xã hội (BHXH) trong tháng Hai ước đạt 415,6 tỷ đồng, đưa lũy kế đến hết tháng Hai đạt 695,9 tỷ, tăng 88,9% so với cùng kỳ năm 2019 và đạt 13,7% so với kế hoạch giao. Tính đến tháng 02 năm 2020, toàn tỉnh có 1.066.751 người tham gia đóng bảo hiểm các loại. Trong đó, BHXH bắt buộc là 207.099 người, BHXH tự nguyện là 6.312 người, bảo hiểm thất nghiệp là 199.568 người, bảo hiểm y tế là 1.060.439 người. BHXH tỉnh đã tổ chức quản lý chi đúng, chi đủ, chi an toàn, kịp thời cho các đối tượng thụ hưởng BHXH, BHYT với số tiền 312,4 tỷ đồng (chi BHXH là 234,3 tỷ đồng, BHYT là 78,1 tỷ đổng). Trong đó, giải quyết hưởng BHXH hàng tháng cho 19 người, giải quyết hưởng BHXH một lần cho 328 người, giải quyết ốm đau, thai sản, dưỡng sức cho 3.217 lượt người. Lập danh sách chi trả cho 282 lượt người hưởng bảo hiểm thất nghiệp.

6. Một số vấn đề xã hội

6.1. Hoạt động y tế

- Công tác phòng chống dịch bệnh:

 Thực hiện chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Chính phủ và Bộ Y tế, tỉnh Vĩnh Phúc đã tích cực, chủ động, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh theo tinh thần “chống dịch như chống giặc". Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản lãnh, chỉ đạo cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở vào cuộc, huy động mọi nguồn lực tập trung phòng chống dịch bằng nhiều biện pháp, trong đó, ngành Y tế là lực lượng nòng cốt. Tỉnh đã thành lập 4 đoàn kiểm tra thường xuyên kiểm tra công tác phòng chống dịch tại các huyện, thành phố và cơ sở; thành lập Bệnh viện bệnh lý viêm đường hô hấp cấp với quy mô 300 giường bệnh, khu cách ly tập trung tại trường Quân sự tỉnh và Bệnh viện đa khoa tỉnh. HĐND tỉnh đã kịp thời thông qua Nghị quyết hỗ trợ người thực hiện cách ly tại cơ sở điều trị, cơ sở cách ly tập trung và người thường trú, tạm trú tại địa phương có dịch khoanh vùng, cách ly. Ngành Y tế cũng đã tăng cường 161 cán bộ y tế cho các chốt kiểm soát khu vực cách ly ở xã Sơn Lôi và các xã trên địa bàn huyện Bình Xuyên.

Quyết liệt ứng phó với diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Ban Chỉ đạo thường xuyên tổ chức các cuộc họp nhanh, kịp thời nắm bắt tình hình, chỉ đạo giải quyết các công việc phát sinh. Đồng thời, chỉ đạo Sở Y tế tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế các tuyến trên địa bàn tỉnh hướng dẫn giám sát và phòng chống, chẩn đoán, điều trị bệnh; tổ chức truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, phát tờ rơi cho người dân; kích hoạt toàn bộ hệ thống giám sát, điều tra dịch tễ, điều trị tại các cơ sở y tế, sẵn sàng tiếp nhận, cách ly, điều trị bệnh nhân và phòng chống nhiễm khuẩn tại bệnh viện để chủ động ngăn ngừa dịch bệnh xâm nhập và lây lan. Đến nay, tất cả các trường học, bệnh viện, khu vực công cộng, khu dân cư, nơi có người bị nhiễm bệnh đã được phun thuốc khử trùng; UBND tỉnh triển khai khoanh vùng có dịch và thực hiện các biện pháp kiểm soát, hạn chế đến mức thấp nhất sự lây lan bên trong và ra bên ngoài vùng dịch. 

Theo báo cáo của Sở Y tế, đến ngày 18/2/2020, toàn tỉnh ghi nhận 11 trường hợp dương tính với Covid-19, trong đó, huyện Bình Xuyên 09 trường hợp, Tam Dương 01 trường hợp và Tam Đảo ghi nhận 01 trường hợp. Đặc biệt, từ ngày 13/2/2020 đến nay chưa ghi nhận thêm trường hợp nào nhiễm bệnh. Hiện đã có 7/11 bệnh nhân được xuất viện. Có 470 trường hợp được theo dõi, giám sát; trong số đó, số trường hợp nghi ngờ là 89 người, số tiếp xúc gần là 381 người. Số trường hợp cách ly và theo dõi tại khu cách ly tập trung và cơ sở cách ly điều trị là: 44 trường hợp tại Trung tâm điều trị thuộc phòng khám đa khoa Quang Hà (trong đó: nghi ngờ là 25 và tiếp xúc gần là 19) và 95 trường hợp tại Trường Quân sự tỉnh.

Các bệnh truyền nhiễm khác ổn định, phần lớn các bệnh truyền nhiễm có xu hướng giảm hơn so với so với cùng kỳ năm 2019. Cụ thể các ca bệnh rải rác tại các địa phương ở 9/9 huyện/thành phố như sau: Sốt xuất huyết 02 ca mắc, giảm 08 ca so với tháng trước, giảm 03 ca so với cùng kỳ năm 2019; Sốt ban ban dạng Sởi 07 ca, giảm 03 ca so với cùng kỳ năm 2019; Tay - Chân - Miệng 02 ca, giảm 09 ca so với cùng kỳ năm 2019; Thủy đậu 19 ca, giảm 82 ca so với cùng kỳ năm 2019.

- Tình hình an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP): 

Công tác ATVSTP luôn được các cấp, các ngành tập trung đẩy mạnh hoạt động truyền thông, phổ biến kiến thức, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm và bệnh lây truyền qua thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán; thực hiện thanh, kiểm tra liên ngành, chuyên ngành tại các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm, dịch vụ ăn uống. Trong tháng đã kiểm tra được 486 lượt cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và dịch vụ ăn uống, trong đó có 414 cơ sở đạt tiêu chuẩn về An toàn vệ sinh thực phẩm, tỷ lệ cơ sở đạt tiêu chuẩn ATVSTP là 85,2 %; có 72 cơ sở không đạt tiêu chuẩn do vi phạm các nội dung về An toàn vệ sinh thực phẩm, đoàn kiểm tra đã nhắc nhở các cơ sở khắc phục sai phạm.Tính đến ngày 18/02/2020, trên địa bàn tỉnh không xảy ra hiện tượng ngộ độc thực phẩm.

6.2.  Hoạt động giáo dục

Trước diễn biến phức tạp và tính chất nguy hiểm của dịch bệnh Covid-19, ngày 18/02/2020, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh tiếp tục ban hành Văn bản số 164 về việc cho học sinh nghỉ học đến hết tháng 02 năm 2020. Đây là lần thứ 4, Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc thông báo cho học sinh nghỉ học để phòng ngừa Covid-19. Để củng cố kiến thức cho học sinh trong những ngày nghỉ học, Sở GD&ĐT yêu cầu lãnh đạo các trường tiểu học, THCS và THPT trên địa bàn tiếp tục chỉ đạo các tổ chuyên môn xây dựng kế hoạch, nội dung các môn học theo hướng giúp 100% học sinh ôn tập, củng cố kiến thức trọng tâm, rèn luyện kỹ năng tự học thông qua hệ thống câu hỏi kiểm tra, giải đáp vướng mắc của học sinh; xây dựng thời khóa biểu, chuẩn bị cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ việc dạy học qua các phương tiện công nghệ thông tin: Zalo, Facebook, Messenger, thư điện tử, trang mạng trường học kết nối…

Bên cạnh đó, Sở GD&ĐT cũng yêu cầu các đơn vị giáo dục, các nhà trường chủ động phân công lịch trực cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; tăng cường bảo đảm an ninh trật tự, bảo vệ tài sản, phòng chống cháy nổ; quán triệt, phổ biến tới cán bộ, giáo viên, nhân viên làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến cách phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona, phối hợp với các đơn vị y tế địa phương phun thuốc khử trùng, tổng vệ sinh trường, lớp và tập huấn cho giáo viên, học sinh các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế để đảm bảo sức khỏe, tinh thần khi quay lại trường học tập.

6.3. Hoạt động văn hóa xã hội

Kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930 - 03/02/2020), 70 năm ngày thành lập tỉnh Vĩnh Phúc (12/2/1950 - 12/2/2020) và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất lần thứ hai. Ngày 31/01/2020 tại Quảng trường Hồ Chí Minh diễn ra Lễ hội đường phố với chủ đề “Vĩnh Phúc mùa xuân về”. Đây là dịp tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của các địa phương trong tỉnh; tuyên truyền cho thế hệ trẻ biết hướng về cội nguồn và trân trọng những giá trị văn hóa đậm đà bản sắc quê hương, từ đó nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc bảo tồn, phát huy những giá trị dân tộc trong cuộc sống đương đại và tương lai.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các công điện của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cùng sự chỉ đạo sát sao của UBND tỉnh, Sở Văn hóa thể thao và du lịch đã tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản yêu cầu dừng tất cả các lễ hội chưa khai mạc; với các lễ hội đã khai mạc cũng rút bớt quy mô, thời gian tổ chức. Bên cạnh đó, Sở cũng đã thành lập hai đoàn thanh tra, kiểm tra tại các khu danh thắng, địa phương có lễ hội đầu xuân để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những sai phạm nếu có. Qua công tác kiểm tra cho thấy, về cơ bản, các địa phương, Ban tổ chức lễ hội đã và đang nghiêm túc chấp hành đúng quy định.

Công tác hỗ trợ cho các đối tượng chính sách, gia đình gặp khó khăn, được thực hiện kịp thời, chu đáo, đúng đối tượng. Kết quả tổng hợp đến ngày 12/02/2020 như sau: Quà Chủ tịch nước: 5.250 triệu đồng, tương đương 25.644 xuất quà; Quà của tỉnh: 45.753,5 triệu đồng, tương đương 65.899 xuất quà; Quà của các huyện, thành phố và xã, phường, thị trấn trong tỉnh: 2.768,1 triệu đồng, tương đương 11.924 xuất quà; Quà của các cơ quan, đơn vị, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh: 3.416,3 triệu đồng, tương đương 4.684 xuất quà... đã tạo điều kiện cho mọi người, mọi nhà đón Tết Nguyên đán vui vẻ và đầm ấm.

6.4. Hoạt động an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội

Tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định. Công an tỉnh đã đồng loạt ra quân mở các đợt cao điểm tấn công các loại tội phạm, giải quyết tệ nạn xã hội; bố trí lực lượng tuần tra bảo vệ an toàn các mục tiêu chính trị, kinh tế, văn hóa và các điểm tổ chức sự kiện, lễ hội; tăng cường thực hiện Nghị định 36 của Thủ tướng Chính phủ về quản lý và sử dụng pháo; nắm chắc tình hình, quản lý chặt số đối tượng trọng điểm, bảo vệ tuyệt đối an toàn hoạt động vui Xuân, đón Tết.

Trước những diễn biến khó lường của tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) gây ra, tỉnh Vĩnh Phúc tiến hành lập chốt kiểm soát nhiều nơi, để đưa những người đang cách ly tại cộng đồng về nơi cách ly tập trung. Tại các chốt kiểm soát đều được Công an tỉnh Vĩnh Phúc đảm bảo an ninh trật tự một cách nghiêm ngặt. Công an tỉnh Vĩnh Phúc đã thành lập 06 chốt đảm bảo an ninh trật tự (ANTT). Trong đó Công an thành phố Vĩnh Yên 03 chốt, huyện Bình Xuyên 02 chốt và 01 chốt tại huyện Tam Đảo. Tại các chốt, Công an tỉnh có kế hoạch cụ thể phân công cán bộ, chiến sỹ thường trực cả ngày lẫn đêm thực hiện nhiệm vụ, đảm bảo các khu vực cách ly được chặt chẽ, an toàn.

Tình hình an toàn giao thông: Thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán mật độ và lưu lượng phương tiện tham gia giao thông tăng cao trên hầu hết các tuyến đường. Để đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông, lực lượng cảnh sát giao thông đã triển khai đồng bộ các giải pháp, góp phần ổn định tình hình trật tự an toàn giao thông (TTATGT). Trong đó, lực lượng cảnh sát giao thông Công an tỉnh và các huyện, thành phố phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền về đợt cao điểm đảm bảo ANTT, TTATGT, nâng cao ý thức trách nhiệm của người tham gia giao thông trong việc chấp hành các quy định về TTATGT cũng như chấp hành việc kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm của lực lượng chức năng. Theo báo cáo của Công an tỉnh, từ ngày 16/01/2020-15/02/2020 trên địa bàn tỉnh xảy ra 03 vụ tai nạn giao thông, làm 02 người chết và 01 người bị thương. Lũy tích đến hết tháng Hai trên địa bàn tỉnh xảy ra 04 vụ tai nạn giao thông, làm 03 người chết và 03 người bị thương./.

 

luat_sua_doi_ltk

Đang truy cập: 7
Trong ngày: 219
Trong tuần: 584
Lượt truy cập: 1515992

Xin cho biết ý kiến của bạn về trang thông tin điện tử Cục Thống kê tỉnh Vĩnh Phúc?
Tốt
Khá
Trung bình
Kém

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỤC THỐNG KÊ TỈNH VĨNH PHÚCChung nhan Tin Nhiem Mang

Địa chỉ: Số 20

Lý Thái Tổ - Phường Đống Đa - Thành phố Vĩnh Yên - Tỉnh Vĩnh Phúc

Điện thoại: 0211 3 861 139, Fax: 0211 3 843 841Email: vinhphuc@gso.gov.vn, cuctk@vinhphuc.gov.vn