.::. Cung cấp thông tin đầy đủ, trung thực là trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, đơn vị sự nghiệp, hiệp hội, cơ sở hành chính, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng trên địa bàn .::. .............................................................................................................................................................................................................. ........................................  

THÔNG CÁO BÁO CHÍ

Về tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Vĩnh Phúc

6 tháng đầu năm 2022

Sáu tháng đầu năm 2022, kinh tế thế giới đang trên đà hồi phục sau 2 năm đại dịch, lại tiếp tục đối mặt với khủng hoảng mới do tác động từ cuộc xung đột giữa Nga-Ukraina và các biện pháp phong tỏa ở Trung Quốc gây tắc nghẽn chuỗi cung ứng toàn cầu, làm gián đoạn sản xuất và thương mại, tình trạng lạm phát, bất ổn tài chính gia tăng... đã tác động đến tăng trưởng hầu hết các nền kinh tế các nước lớn. Tại thời điểm tháng 6/2022, kinh tế toàn cầu năm 2022 được các tổ chức quốc tế dự báo có mức tăng trưởng giảm so với các dự báo đưa ra trước đó. Tại Việt Nam, với quyết tâm phục hồi và phát triển kinh tế theo mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ  đã phát huy tác động, hiệu quả. Kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2022 của nước ta đã đạt được nhiều kết quả tích cực, hầu hết các ngành, lĩnh vực có xu hướng phục hồi và tăng trưởng trở lại, đời sống sinh hoạt của người dân trở về trạng thái bình thường của những năm trước dịch Covid-19.

Tỉnh Vĩnh Phúc bước vào thực nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội năm 2022 với nhiều thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, song với sự chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong việc tổ chức triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng, Quốc hội, Chính phủ vào thực tiễn tại địa phương đã mang lại kết quả tích cực. Kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2022 của tỉnh tiếp tục có bước tăng trưởng khá. Sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản cơ bản duy trì ổn định; sản xuất công nghiệp đạt tốc độ tăng trưởng cao, tiếp tục giữ vai trò chủ đạo trong tăng trưởng kinh tế của tỉnh; các ngành dịch vụ phục hồi mạnh mẽ; an sinh xã hội được bảo đảm; an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

CÁC CHỈ TIÊU TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ

1. Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh và các khu vực kinh tế

Quý I năm 2022, kinh tế Vĩnh Phúc gặp nhiều khó khăn, thách thức khi làn sóng dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên địa bàn, số ca nhiễm mới tăng mạnh sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân và sản xuất. Sang quý II, với sự linh hoạt thực hiện các biện pháp kiểm soát dịch bệnh trong trạng thái chủ động, mở cửa du lịch… đã giúp các hoạt động dịch vụ phục hồi gần như hoàn toàn về trạng thái như trước khi xuất hiện dịch. Tính chung 6 tháng đầu năm, tăng trưởng kinh tế ước tăng 10,10%, tuy thấp hơn mức tăng 14,46% của 6 tháng đầu năm 2021 nhưng là mức tăng cao nhất so giai đoạn 2017-2020. So với các địa phương trong cả nước, tốc độ tăng trưởng GRDP của Vĩnh Phúc đứng thứ 10/63 tỉnh, thành phố. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản ước tăng 1,81%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 15,58%; khu vực dịch vụ tăng 6,32 %; thuế sản phẩm tăng 3,85%.

1.1. Tăng trưởng khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản

 Khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản: Ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 1,81%, đóng góp 0,12 điểm % vào tăng trưởng chung, chủ yếu đóng góp từ ngành chăn nuôi với mức tăng 4,91%. Mặc dù số lượng đầu con gia súc, gia cầm có xu hướng tăng chậm lại, do gặp khó khăn về giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, giá bán một số sản phẩm thấp, đặc biệt là chăn nuôi lợn… song trong 6 tháng đầu năm, tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng và các sản phẩm chăn nuôi chủ yếu khác đều tăng khá so với cùng kỳ.

Ngành trồng trọt do ảnh hưởng của thời tiết khí hậu có những đợt rét đậm, rét hại, mưa kéo dài, nên năng suất của các loại cây trồng vụ Ðông đều giảm so với cùng kỳ. Giá trị tăng thêm ngành trồng trọt ước giảm 2,27% làm giảm 0,06 điểm % tăng trưởng chung của tỉnh.

1.2. Tăng trưởng khu vực công nghiệp - xây dựng

Khu vực công nghiệp - xây dựng tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tốt, là động lực cho tăng trưởng chung của tỉnh, giá trị tăng thêm khu vực công nghiệp - xây dựng 6 tháng đầu năm 2022 tăng 15,58% so với cùng kỳ năm trước, riêng ngành công nghiệp tăng 16,61%, đóng góp vào tăng trưởng chung của tỉnh là 7,58 điểm %.

Trong công nghiệp, ngành sản xuất linh kiện điện tử tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong bối cảnh chuyển đổi số đang là xu thế tất yếu trong hầu hết các lĩnh vực kinh tế - xã hội hiện nay, nhu cầu các thiết bị công nghệ thông tin tăng cao, đã đóng góp chủ yếu vào tăng trưởng của tỉnh với mức tăng trưởng đạt 29,45%, đóng góp 5,50 điểm % vào tăng trưởng chung của tỉnh. Ngành sản xuất ô tô tăng trưởng tích cực trong 2 tháng đầu năm một phần do chính sách giảm lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước theo Nghị định số 103/2021/NĐ-CP ngày 26/11/2021 của Chính Phủ đã kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy các doanh nghiệp trong ngành gia tăng sản lượng, tuy nhiên, sang quý II có xu hướng tăng chậm lại. Giá trị tăng thêm 6 tháng ước tăng 8.85%, đóng góp 0,51 điểm %. Ngành sản xuất xe máy tăng 10,31%, đóng góp 1,11 điểm %. Các ngành công nghiệp còn lại ổn định.

Ngành xây dựng tăng trưởng chủ yếu từ khu vực xã/phường/thị trấn và hộ dân cư (chiếm 51,5% giá trị sản xuất ngành xây dựng, tăng 16,35% so với cùng kỳ). Giá trị tăng thêm ngành xây dựng ước tăng 5,6% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn mức tăng 7,36% của cùng kỳ năm trước, một phần do giá nguyên vật liệu lên cao, các công trình sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước gặp khó khăn trong công tác triển khai thực hiện.

1.3. Tăng trưởng khu vực dịch vụ

 Ngành dịch vụ chịu ảnh hưởng trong những tháng Hai và tháng Ba do dịch bệnh Covid-19 bùng phát trên địa bàn với nhiều ca lây nhiễm trong cộng đồng, tăng trưởng dịch vụ quý I đạt mức tăng thấp (0,87%), tuy nhiên sang đến quý II, dịch bệnh dần được khống chế trên phạm vi cả nước, đời sống sinh hoạt của người dân trở về trạng thái của những năm trước dịch. Đặc biệt hiệu quả của chính sách mở cửa du lịch từ 15/3/2022 và các hoạt động chuẩn bị cho SEA games 31 tổ chức vào tháng 5 nên các hoạt động kinh doanh thương mại, dịch vụ trên địa bàn tỉnh trở lên sôi động. Tính chung 6 tháng đầu năm ước tăng trưởng khu vực dịch vụ đạt 6,32%, đóng góp 1,23 điểm % vào mức tăng chung.

Trong các ngành dịch vụ: ngành Bán buôn bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy tăng 6,67%, đóng góp 0,35 điểm %; ngành vận tải kho bãi tăng 9,13%, đóng góp 0,14 điểm %; Dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 14,29%, đóng góp 0,12 điểm %; ngành tài chính ngân hàng tăng 8,31%, đóng góp 0,16 điểm %; ngành thông tin, truyền thông tăng 5,58%, đóng góp 0,12 điểm % vào tăng trưởng chung của tỉnh.

 bao_cao_ktxh_6t_2022_vinh_phuc_25.6.docx

so_lieu_ktxh_6_thang_nam_2022_tinh_vinh_phuc.xlsx

CỤC THỐNG KÊ TỈNH VĨNH PHÚC

 

luat_sua_doi_ltk

Đang truy cập: 28
Trong ngày: 218
Trong tuần: 1246
Lượt truy cập: 1432280

Xin cho biết ý kiến của bạn về trang thông tin điện tử Cục Thống kê tỉnh Vĩnh Phúc?
Tốt
Khá
Trung bình
Kém

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỤC THỐNG KÊ TỈNH VĨNH PHÚCChung nhan Tin Nhiem Mang

Địa chỉ: Số 20

Lý Thái Tổ - Phường Đống Đa - Thành phố Vĩnh Yên - Tỉnh Vĩnh Phúc

Điện thoại: 0211 3 861 139, Fax: 0211 3 843 841Email: vinhphuc@gso.gov.vn, cuctk@vinhphuc.gov.vn