.::. Cung cấp thông tin đầy đủ, trung thực là trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, đơn vị sự nghiệp, hiệp hội, cơ sở hành chính, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng trên địa bàn .::. .............................................................................................................................................................................................................. ........................................  

BÁO CÁO

Tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Vĩnh Phúc Tháng 3 và quý I năm 2024

Quý I/2024, tình hình kinh tế toàn cầu tiếp tục đối mặt với những thách thức, phục hồi kinh tế diễn ra chậm, chưa vững chắc. Đến thời điểm tháng 3/2024, hầu hết các tổ chức quốc tế đều hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2024. Kinh tế trong nước cũng đang gặp phải nhiều khó khăn, các doanh nghiệp và người tiêu dùng đều đối mặt với áp lực từ sự suy giảm trong sản xuất và tiêu thụ. Trong bối cảnh đó, để phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn, tỉnh Vĩnh Phúc đã quyết liệt chỉ đạo tập trung bám sát các Chỉ thị, Nghị quyết, Chương trình và sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Nhiều giải pháp tích cực đã được triển khai thực hiện đem lại tiến triển ở một số lĩnh vực: Công tác xúc tiến, thu hút đầu tư có nhiều điểm sáng, môi trường đầu tư tiếp tục được quan tâm, chú trọng cải thiện; sản xuất nông nghiệp duy trì ổn định; sản xuất công nghiệp có dấu hiệu phục hồi; thương mại vận tải đáp ứng tốt nhu cầu của người dân... Các chính sách an sinh xã hội được triển khai kịp thời, có hiệu quả. Tình hình cụ thể như sau:

I. TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ

Tăng trưởng Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP)

Tăng trưởng kinh tế quý I/2024 của tỉnh duy trì xu hướng phục hồi và có mức tăng trưởng ổn định so với cùng kỳ năm trước. Tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) quý I đạt 4,06% so với cùng kỳ. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản ước tăng 2,70%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,79%, khu vực dịch vụ tăng 2,81%.

Tăng trưởng khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản

Giá trị tăng thêm (GTTT) khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 2,70% so với cùng kỳ. Trong đó, ngành nông nghiệp tăng 2,61%, đóng góp 0,14 điểm %; ngành Lâm nghiệp tiếp tục sản xuất ổn định, tăng 3,27% so với cùng kỳ; sản xuất thủy sản tăng 3,53% so với cùng kỳ.

Tăng trưởng khu vực công nghiệp - xây dựng

GTTT khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 6,79%; đóng góp 3,21 điểm % vào tăng trưởng của tỉnh, là ngành kinh tế chủ lực và đang trên đà hồi phục, tuy nhiên mức độ còn tương đối chậm.

Ngành công nghiệp: GTTT ngành công nghiệp tăng 6,68%; tác động tăng 2,84 điểm % tăng trưởng chung của tỉnh. Một số ngành công nghiệp chủ lực: Ngành sản xuất linh kiện điên tử tăng 14,17%, đóng góp 2,91 điểm %, việc di chuyển các công đoạn sản xuất linh kiện điện tử từ Hàn Quốc và Trung Quốc về Việt Nam đã đóng góp duy trì sự tăng trưởng cho ngành kinh tế chủ lực của tỉnh; ngành dệt may tăng 7,31% đóng góp 0,09 điểm %, một số doanh nghiệp trong ngành tiếp cận được các đơn hàng dài hạn.Top of Form

Tuy nhiên, trước áp lực suy thoái kinh tế toàn cầu, nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng có giá trị lớn như: Ô tô, xe máy giảm sút, nên hoạt động sản xuất của các ngành này suy giảm, dẫn tới làm chậm quá trình hồi phục nên kinh tế của tỉnh. Ngành sản xuất ô tô giảm 20,08%; làm giảm 0,55 điểm %. Ngành sản xuất xe máy giảm 5,39%, làm giảm 0,45 điểm %.

Ngành xây dựng: Hoạt động xây dựng trong quý I/2024 vẫn duy trì được sự ổn định và tăng trưởng trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế. Giá cả nguyên vật liệu tăng cao; thị trường bất động sản đang trầm lắng; việc tiếp cận vốn tín dụng khó khăn. Tuy nhiên, nỗ lực của các cấp chính quyền, doanh nghiệp và nhân dân đã giúp cho hoạt động xây dựng tiếp tục được triển khai và đóng góp vào sự phát triển kinh tế của địa phương. GTTT ngành xây dựng quý I/2024 tăng 7,81% so với cùng kỳ, đóng góp 0,38 điểm % tăng trưởng GRDP của tỉnh.

Tăng trưởng khu vực dịch vụ

GTTT ngành dịch vụ đạt mức tăng 2,81% đóng góp 0,64% vào mức tăng GRDP, là mức tăng thấp (chỉ cao hơn quý I/2022 giảm do chịu ảnh hưởng từ việc thực hiện công tác phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn) trong giai đoạn 2018-2024. Hoạt động vận tải, kho bãi có sự tăng trưởng, đáp ứng tốt nhu cầu vận chuyển hàng hóa và đi lại của nhân dân; tăng trưởng của ngành đạt 18,97%, đóng góp 0,38 điểm %.

Sức mua của người tiêu dùng có chiều hướng giảm, chủ yếu tập trung chi tiêu cho các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống. Một số ngành dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn có tốc độ tăng trưởng thấp hoặc giảm nhẹ như: Ngành G giảm 1,02%, làm giảm 0,07 điểm %; ngành I giảm 0,04%; ngành J tăng 0,90%, đóng góp 0,02 điểm %.

1. Sản xuất nông, lâm nghiệp, thuỷ sản

Quý I/2024, sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc nhìn chung ổn định. Thu hoạch vụ Đông đạt kết quả tốt, sản lượng các loại cây trồng chính đều tăng; gieo trồng vụ Xuân diễn ra đúng khung thời vụ giúp cây trồng phát triển tốt; công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi, đàn cá được thực hiện hiệu quả; các sản phẩm chăn nuôi và thủy sản có sự tăng trưởng, đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của người dân.

1.1. Sản xuất nông nghiệp

a, Trồng trọt:

+ Kết quả vụ Đông: Sản lượng các loại cây trồng chính đều tăng: Ngô đạt 26.097 tấn, tăng 1,08%; khoai lang đạt 15.914 tấn, tăng 4,24%; đậu tương 836 tấn, tăng 0,13%; lạc 535 tấn, tăng 13,13%; rau các loại đạt 126.972 tấn, tăng 0,39% so vụ Đông năm 2023.

+ Gieo trồng vụ Xuân: Tính đến trung tuần tháng Ba, toàn tỉnh đã gieo trồng được 36.749,15 ha cây vụ Xuân, đạt 98% kế hoạch và giảm 0,91% so với vụ Xuân năm 2023.

b, Chăn nuôi:

Quý I/2024, tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng tăng 2,01% (thịt trâu bò hơi giảm 2,52%; thịt lợn hơi tăng 2,03%; thịt gia cầm hơi tăng 2,61%); trứng gia cầm tăng 5,30%; sữa bò tăng 2,48% so cùng kỳ.

1.2. Sản xuất lâm nghiệp

Uớc tính toàn tỉnh trồng được 166,3 ha rừng trồng mới tập trung, tăng 15,81% và 273 nghìn cây lâm nghiệp phân tán. Sản lượng gỗ khai thác ước đạt 11.316 m3, tăng 2,17%; sản lượng củi khai thác 7.316 ste, giảm 2,28% so với cùng kỳ.

1.3. Sản xuất thuỷ sản

Quý I/2024, ước tổng sản lượng thủy sản đạt 5.907,67 tấn, tăng 3,03%, (+173,67 tấn); sản lượng con giống sản xuất ước đạt 982 triệu con, tăng 1,75% (+16,9 triệu con) so với cùng kỳ.

2. Sản xuất công nghiệp

Quý I/2024, hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn nhìn chung ổn định. Tuy nhiên, do nền kinh tế toàn cu phục hồi chậm đã gây ảnh hưởng trực tiếp đến đà phục hồi kinh tế của tỉnh, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) quý I/2024 tăng 6,67% cho thấy sự phục hồi nhưng mức độ còn chậm.

Quý I/2024, ước tính IIP tăng 6,67% so với cùng kỳ năm trước ( quý I/2023 giảm 4,90%).

Sản lượng sản xuất một số sản phẩm: Quý I/2024, ước tính sản lượng sản xuất của một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu của tỉnh như thức ăn gia súc, gạch ốp lát, doanh thu linh kiện điện tử đều tăng so với cùng kỳ. Ngược chiều, sản lượng giày thể thao, xe ô tô các loại và xe máy các loại giảm; trong đó, giảm mạnh nhất là sản phẩm giày thể thao với mức giảm 29,94%.

Chỉ số sử dụng lao động của các doanh nghiệp công nghiệp trên địa bàn quý I/2024, tuy sản xuất công nghiệp còn gặp khó khăn nhưng tình hình lao động trong các doanh nghiệp trên địa bàn nhìn chung ổn định, đáp ứng yêu cầu tiến độ đơn hàng. Tháng 3/2024, chỉ số sử dụng lao động của các DN công nghiệp trên địa bàn tỉnh tăng 3,19% so với tháng trước và tăng 2,41% so với cùng kỳ. Tính chung quý I/2024, chỉ số sử dụng lao động toàn ngành tăng 0,17% so với năm quý I/2023.

Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 3/2024, chỉ số tiêu thụ của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tăng 45,0% so với tháng trước và giảm 12,51% so với cùng kỳ năm trước.

Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo: Tháng 3/2024, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có chỉ số tồn kho giảm 4,41% so với tháng trước và tăng 9,19% so với cùng kỳ.

3. Hoạt động của doanh nghiệp

3.1. Tình hình đăng ký doanh nghiệp

Kết quả phát triển doanh nghiệp trong 3 tháng đầu năm 2024, số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới có sự chững lại, tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tính đến 15/03/2024 là 283 doanh nghiệp, giảm 6,91% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, vốn đăng ký của các doanh nghiệp mới đã tăng lên đáng kể với 3.325 tỷ đồng, tăng 40,73% so với cùng kỳ. Ước tính tạo thêm việc làm cho khoảng 3.361 lao động.

Số lượng doanh nghiệp quay trở lại thị trường là 158 doanh nghiệp, tăng 21,54%;  nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 03 tháng đầu năm 2024 lên 441 doanh nghiệp. Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tiếp tục gia tăng với 577 doanh nghiệp, tăng 29,66% so với cùng kỳ. Trong đó, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 535 doanh nghiệp, tăng 25,59%; số doanh nghiệp đã hoàn tất thủ tục giải thể là 42 doanh nghiệp, tăng 23 doanh nghiệp so với cùng kỳ năm trước.

3.2. Xu hướng SXKD ngành công nghiệp chế biến, chế tạo

Theo đánh giá của các DN ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, hoạt động SXKD quý I/2024 tích cực hơn quý IV/2023 với 64,0% DN đánh giá hoạt động tốt hơn và giữ ổn định (21,0% nhận định tốt hơn và 43,0% giữ ổn định), 36,0% DN đánh giá hoạt động SXKD khó khăn hơn. Hai yếu tố “nhu cầu thị trường trong nước thấp”“tính cạnh tranh của hàng hóa trong nước cao” vẫn là những yếu tố ảnh hưởng nhiều nhất đến hoạt động SXKD của DN với tỉ lệ DN lựa chọn lần lượt là 50,0% và 48,0%. Yếu tố “lãi suất vay vốn cao” có tỷ lệ DN lựa chọn là 24,0%, tăng 8,2 điểm phần trăm so với quý IV/2023.

Dự báo tình hình SXKD trong quý II/2024 sẽ tiếp tục tốt hơn với 51,0% số DN được hỏi đánh giá hoạt động SXKD quý II/2024 so với quý I/2024 tốt hơn, 30,0% nhận định giữ ở mức ổn định và 19,0% đánh giá hoạt động SXKD sẽ gặp khó khăn hơn.

4. Thương mại, dịch vụ

Quý I/2024, tình hình kinh tế tiếp tục gặp nhiều khó khăn, người tiêu dùng vẫn có chiều hướng giảm chi tiêu cho các dịch vụ không thiết yếu. Tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn có sự tăng trưởng chậm hơn so với cùng kỳ, tăng 4,51% so với quý I/2023 (quý I/2023 tăng 33,44%). Hoạt động vận tải có sự tăng trưởng, đáp ứng tốt nhu cầu vận chuyển hàng hóa và đi lại của nhân dân.

4.1. Bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng

Tháng 3/2024, Tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt ước đạt 6.053,7 tỷ đồng, tăng 6,06% so với tháng Hai và tăng 4,71% so với cùng kỳ.

Quý I/2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn ước đạt 18.434,8 tỷ đồng, tăng 4,51% so với quý I/2023.

Doanh thu bán lẻ hàng hóa quý I/2024 ước đạt 15.023,5 tỷ đồng tăng 3,88% so với cùng kỳ.

Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành quý I/2024 ước đạt 1.661,3 tỷ đồng, tăng 5,61% so với cùng kỳ.

Doanh thu các ngành dịch vụ tiêu dùng khác quý I/2024 ước đạt 1.750 tỷ đồng, tăng 9,05% so với cùng kỳ.

4.2. Vận tải hành khách và hàng hoá

Quý I/2024, hoạt động vận tải kho bãi trên địa bàn đáp ứng tốt nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa phục vụ sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp, đặc biệt trong dịp Tết và mùa lễ hội đầu năm. Ước tính doanh thu hoạt động vận tải đạt 1.964,31 tỷ đồng, tăng 33,19% so với cùng kỳ. Trong đó:

- Vận tải hành khách: Doanh thu ước đạt 383,04 tỷ đồng, tăng 72,06%; vận chuyển ước đạt 11,69 triệu lượt khách, tăng 71,38%; luân chuyển ước đạt 518,60 triệu lượt khách.km, tăng 72,88% so với cùng kỳ.

- Vận tải hàng hóa: Doanh thu ước đạt doanh thu 1.399,27 tỷ đồng (trong đó vận tải hàng hóa đường bộ ước đạt 971,06 tỷ đồng; vận tải hàng hóa đường thủy ước đạt 428,21 tỷ đồng), tăng 24,06%; ước tính vận chuyển được 11,56 triệu tấn, tăng 22,32% và luân chuyển 1.181,39 triệu tấn.km, tăng 40,80% so với cùng kỳ.

II. ỔN ĐỊNH KINH TẾ VĨ MÔ

1. Tình hình thu, chi ngân sách nhà nước

Theo số liệu của Kho bạc Nhà nước, tính đến 15/3/2024, tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt 7.242 tỷ đồng, tăng 3,58% so với cùng kỳ, bằng 22,80% dự toán giao đầu năm.

Tính đến ngày 15/3/2024, tổng chi NSNN đạt 7.845 tỷ đồng, tăng 0,91% so với cùng kỳ.

2. Hoạt động ngân hàng, tín dụng

Quý I năm 2024, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay trên địa bàn có xu hướng giảm, lãi suất cho vay trên địa bàn phổ biến từ 4-10,5%/năm đối với từng kỳ hạn và đối tượng; lãi suất huy động bằng VNĐ phổ biến từ 0,2-6%/năm đối với từng kỳ hạn.

Tổng nguồn vốn huy động dự kiến đến 31/3/2024 đạt 123.000 tỷ đồng, giảm 2,55% so với cuối năm 2023.

Tổng dư nợ cho vay ước tính đến 31/3/2024 ước đạt 126.000 tỷ đồng, giảm 1,69% so với cuối năm 2023. Nợ xấu ước đạt 1.270 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 1,01 % trên tổng dư nợ.

3. Bảo hiểm

Ước tính đến 31/3/2024, toàn tỉnh có 1.165.507 người tham gia bảo hiểm các loại. Trong đó, có 250.414 người tham gia BHXH, chiếm 41,3% lực lượng lao động (bao gồm: BHXH bắt buộc: 230.357 người; BHXH tự nguyện: 20.257 người); tham gia BH thất nghiệp có 221.947 người, chiếm 36,6% lực lượng lao động; tham gia BHYT có 1.145.450 người, tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 94,6% dân số. Tổng số tiền thu bảo hiểm các loại tháng 3/2024 ước đạt 708 tỷ đồng, tăng 9,67% so với cùng kỳ. Công tác chi trả, nhất là trả lương hưu và trợ cấp BHXH được thực hiện đồng bộ, nhanh gọn và an toàn đến tận tay đối tượng. Quý I  2024 BHXH tỉnh đã giải quyết hưởng BHXH hàng tháng cho 132 người; giải quyết hưởng BHXH một lần cho 2.780 người; giải quyết ốm đau, thai sản, dưỡng sức cho 25.950 lượt người; lập danh sách chi trả cho 1.926 lượt người hưởng bảo hiểm thất nghiệp.

4. Hoạt động đầu tư

- Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội: Quý I/2024, tổng vốn đầu tư thực hiện tăng trưởng ổn định đồng đều ở cả ba khu vực đầu tư, ước đạt 9.789 tỷ đồng, tăng 7,41% so với cùng kỳ.

+ Khu vực Nhà nước ước đạt 1.517 tỷ đồng, tăng 5,03%. Trong đó, vốn thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước ước đạt 1.315 tỷ đồng, bằng 16,91% kế hoạch năm và tăng 5,42% so với cùng kỳ.

+ Khu vực ngoài Nhà nước tăng 9,23%, đạt 4.695 tỷ đồng.

+ Khu vực vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 3.577 tỷ đồng, tăng 6,11%.

- Tình hình thu hút đầu tư: Môi trường đầu tư ở tỉnh Vĩnh Phúc đang liên tục được cải thiện, vốn FDI trong quý I/2024 thu hút được 347,13 triệu USD, tăng 98,59% so với cùng kỳ và đạt tới 86,8% kế hoạch năm.

Tính đến 15/3/2024 tỉnh đã thu hút được 12 dự án DDI (06 dự án cấp mới, 06 dự án điều chỉnh vốn) với tổng vốn đăng ký đạt 2.099 tỷ đồng, giảm 16,83% và đạt 38,16% kế hoạch năm 2024.

5. Hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa

Theo số liệu báo cáo của Chi cục Hải quan tỉnh Vĩnh Phúc, tính đến ngày 15/3/2024 kim ngạch xuất khẩu ước đạt 4.280,5 triệu USD, tăng 17,68% so với cùng kỳ.

Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 4.728,7 triệu USD, tăng 44,61% so với quý I/2023.

6. Chỉ số giá

- Chỉ số giá tiêu dùng: Tháng 3/2024, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trên địa bàn tỉnh giảm 2,37% so với tháng trước, tăng 2,30% so với cùng kỳ. Trong mức giảm 2,37% so tháng trước của CPI, có 06 nhóm hàng tăng giá, 5 nhóm hàng giảm giá. Trong đó tác động làm giảm CPI lớn nhất là nhóm giáo dục giảm 27,10% so với tháng trước, làm CPI chung giảm 1,75 điểm phần trăm; nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tháng 3/2024 giảm 1,82% so với tháng trước, tác động làm CPI chung giảm 0,61 điểm phần trăm.

 Bình quân ba tháng đầu năm 2024, CPI tăng 2,37% so với bình quân cùng kỳ năm 2023, trong đó, ghi nhận 9 nhóm hàng tăng giá và 2 nhóm hàng giảm giá. Một số yếu tố làm tăng CPI trong quý I/2024: Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 3,85% so với cùng kỳ đã tác động làm CPI chung của nhóm tăng 1,29 điểm phần trăm; nhóm thuốc và dụng cụ y tế tăng 6,28% so với cùng kỳ năm trước, tác động làm CPI chung tăng 0,45 điểm phần trăm; nhóm điện sinh hoạt tăng 8,27% so với cùng kỳ năm trước, tác động làm CPI chung tăng 0,27 điểm phần trăm; Giá nhóm giáo dục tăng 3,93% so với cùng kỳ tác động làm CPI tăng 0,25 điểm phần trăm...

- Chỉ số giá vàng và Đô la Mỹ: Tháng 03/2024, chỉ số giá vàng tăng 4,79% so với tháng trước, tăng 27,38% so với cùng kỳ năm trước; chỉ số giá đô la Mỹ tăng 1,39% so với tháng trước, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân ba tháng so cùng kỳ, chỉ số giá vàng tăng 21,58%, chỉ số giá đô la Mỹ tăng 3,85%.

- Chỉ số giá sản xuất: Chỉ số giá nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu dùng cho sản xuất quý I/2024 tăng 1,41% so với quý trước và giảm 0,34% so với cùng kỳ.

III. MỘT SỐ VẤN ĐỀ XÃ HỘI

1. Lao động, việc làm, bảo đảm an sinh xã hội

Lao động việc làm: Thị trường lao động tiếp tục ổn định và kỳ vọng có nhiều chuyển biến tích cực. Ước tính quý 1 năm 2024 lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên toàn tỉnh có 612,7 nghìn người, tăng 0,25% so với cùng kỳ; trong đó đang làm việc có 602,4 nghìn người, tăng 0,28%, chiếm 98,3% lực lượng lao động và chiếm 50,6% dân số trung bình trên toàn tỉnh. Số lao động đang làm việc khu vực thành thị là 201,6 nghìn người (tăng 6,07%), khu vực nông thôn 400,9 nghìn người, giảm 2,4 % so với cùng kỳ.

Công tác hỗ trợ thất nghiệp, giải quyết việc làm: Quý I/2024, toàn tỉnh đã ban hành quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng cho 1.229 người. Số người khai báo tìm kiếm việc làm là 11.927 lượt người. Số lao động thất nghiệp có Quyết định hỗ trợ học nghề: 37 người. Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã tổ chức 03 phiên giao dịch việc làm với 20 lượt doanh nghiệp đăng ký tham gia, nhu cầu tuyển dụng 1.854 người. Về giải quyết việc làm, toàn tỉnh đã thực hiện cho 6.338 lao động; trong đó, giải quyết việc làm trong nước cho 6.108 người, đưa 230 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và hỗ trợ cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng với số tiền 1.977 triệu đồng.

Công tác giảm nghèo, an sinh xã hội: Quý I/2024, tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục thực hiện các chính sách an sinh xã hội nhằm tích cực đạt mục tiêu của năm về tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm còn khoảng 0,44%; mức giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều 0,25%.

Các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được tiếp cận vốn tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất, giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động. Kết quả cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách tính đến hết tháng Hai: Số đối tượng hiện đang được tiếp cận nguồn vốn là 108.866 khách hàng với tổng số dư nợ 4.508.432,2 triệu đồng. Trong đó, đối tượng hộ nghèo hiện được vay vốn là 3.141 hộ (40 hộ mới tiếp cận nguồn vốn trong kỳ), số dư nợ 215.991,5 triệu đồng; cho vay đối với hộ cận nghèo là 5.644 hộ (117 hộ mới tiếp cận nguồn vốn trong kỳ), số dư nợ 400.387,6 triệu đồng.

Trong dịp Tết Cổ truyền Giáp Thìn, tỉnh Vĩnh Phúc đã tổ chức tặng quà với tổng số tiền 42.203,9 triệu đồng được trích từ nguồn ngân sách của tỉnh và nguồn vận động tài trợ của các tổ chức, cá nhân trao tặng đến các hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh.

Công tác bảo trợ xã hội luôn được các cấp, các ngành duy trì như: Tiếp nhận, quản lý, nuôi dưỡng, chăm sóc và phục hồi chức năng cho các đối tượng bảo trợ xã hội; phục hồi chức năng người tâm thần và chi trả hỗ trợ kịp thời đúng quy định. Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 43.628 người hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng tại cộng đồng; 463 đối tượng được chăm sóc tại các cơ sở bảo trợ xã hội. Số tiền trợ cấp trong quý cho các đối tượngbảo trợ xã hội theo nghị định 20/2021/NĐCP là 93.423,5 triệu đồng, trong đó: Trợ cấp hàng tháng: 80.826,3 triệu đồng; trợ cấp đột xuất 12.597,2 triệu đồng.

Công tác với người có công: Quý I/2024, tỉnh đã tiếp nhận 343 hồ sơ và thực hiện tốt việc giải quyết chế độ chính sách đối với người có công và thân nhân người có công theo đúng quy trình về thủ tục hành chính. Hiện nay, tổng số đối tượng người có công với cách mạng và đối tượng khác trên địa bàn tỉnh là 183.611 người; số tiền trợ cấp trong quý cho người có công và thân nhân người có công với cách mạng là 161.606,5 triệu đồng, trong đó: Trợ cấp hàng tháng: 120.067,5 triệu đồng; trợ cấp đột xuất 41.539,0 triệu đồng.

2. Giáo dục, đào tạo

Lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp (GDNN) luôn được tỉnh chú trọng, đặc biệt là công tác giáo dục hướng nghiệp cho học sinh. Tính đến 12/3/2024, tổng số tuyển mới trong lĩnh vực GDNN là 2.654 người; trong đó: trình độ cao đẳng 107 người, trình độ Trung cấp 69 người, Sơ cấp 2.478 người.

3. Y tế

Công tác phòng bệnh và khám chữa bệnh cho Nhân dân: Quý I/2024, tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh được kiểm soát tốt, số ca mắc từ ngày 01/01/2024 đến ngày 29/02/2024 tại tỉnh là 63 ca, các ca mắc chủ yếu điều trị tại nhà, không có bệnh nhân nặng. Các bệnh dịch truyền nhiễm cơ bản đã được tỉnh khống chế. Do đó, trong quý I tỉnh Vĩnh Phúc không có dịch bệnh lớn xảy ra.

Công tác vệ sinh an toàn thực phẩm: Các hoạt động truyền thông, giáo dục, phổ biến kiến thức về an toàn thực phẩm trong quý được đẩy mạnh trên phạm vi toàn tỉnh, đặc biệt là dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn và mùa Lễ hội Xuân 2024. Hoạt động thanh tra, kiểm tra liên ngành VSATTP được tăng cường, các đoàn thanh, kiểm tra đặc biệt chú trọng kiểm tra các sản phẩm, nhóm sản phẩm tiêu dùng phổ biến trong dịp Tết và các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh không xảy ra ngộ độc thực phẩm.

4. Văn hóa, thể thao

Quý I/2024, các hoạt động, sự kiện Mừng Đảng - Mừng Xuân được tổ chức nhằm tạo không khí vui tươi, phấn khởi, đáp ứng nhu cầu của Nhân dân trong dịp Tết: Tại Quảng trường Hồ Chí Minh tổ chức Chương trình nghệ thuật “Thanh âm mùa xuân” đón Giao thừa và trưng bày Hội báo xuân Vĩnh Phúc năm 2024; tại Văn miếu tỉnh tổ chức “Lễ dâng hương các bậc tiên thánh, tiên hiền” tỉnh Vĩnh Phúc  cùng với các hoạt động văn hóa, trò chơi dân gian truyền thống; khai mạc tuần phim mừng Đảng, mừng Xuân Giáp Thìn 2024 tại Nhà hát tỉnh và chiếu phim lưu động tại các huyện, thành phố. Các lễ hội truyền thống được tổ chức long trọng nhưng đảm bảo an toàn, văn minh, tiết kiệm: lễ hội Kéo Song ở TT Hương Canh, lễ hội Đúc Bụt tại xã Đồng Tĩnh, lễ hội Chọi trâu, xã Hải Lựu…

Các hoạt động thể thao diễn ra sôi nổi tại cấp tỉnh và các địa phương trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Văn hóa, thể thao và du lịch chuẩn bị các điều kiện để tổ chức giải thể thao “Mừng Đảng - Mừng Xuân” Giáp Thìn năm 2024; Kéo co; Cờ tướng; Vật; tổ chức ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân năm 2024; tổ chức giải Bóng chuyền da truyền thống Tây Thiên tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ VII năm 2024; tổ chức giải thể thao cho người khiếm thị tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ I, năm 2024; đăng cai giải vô địch các CLB vật cổ điển, vật tự do quốc gia năm 2024. Phong trào tập luyện và thi đấu các môn thể thao ngày càng phát triển rộng khắp, thu hút được số lượng lớn quần chúng nhân dân luyện tập, giúp tăng cường sức khoẻ của nhân dân, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn hiện nay.

5. Tình hình trật tự an toàn xã hội và tai nạn giao thông

Tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội: Lực lượng Công an trong tỉnh phối hợp cùng các Sở, ngành, địa phương chủ động bố trí lực lượng, phương tiện bảo vệ tuyệt đối các hoạt động, các mục tiêu bảo vệ, các sự kiện chính trị, văn hóa, xã hội quan trọng diễn ra trên địa bàn tỉnh..., kịp thời phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh và xử lý các tình huống xảy ra, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Trong quý, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 187 vụ mất trật tự an toàn xã hội, làm 05 người chết và 19 người bị thương (tăng 60 vụ, tăng 02 người chết, giảm 02 người bị thương so với cùng kỳ năm trước), thiệt hại tài sản 9.411,75 triệu đồng, đã điều tra làm rõ 168 vụ, bắt giữ 373 đối tượng, thu hồi tài sản trị giá 1.215,73 triệu đồng.

Tình hình tai nạn giao thông: Tính đến 15/3/2024, toàn tỉnh xảy ra 71 vụ tai nạn giao thông đường bộ làm 30 người chết; số người bị thương 62 người.

Tình hình cháy, nổ: Tính đến ngày 15/3/2024, tỉnh Vĩnh Phúc xảy ra 49 vụ cháy (02 vụ cháy rừng), làm 03 người chết, giá trị thiệt hại 127,4 triệu đồng và 210 m2 rừng.

Công tác bảo vệ môi trường: Tính đến ngày 15/3/2024, trên địa bàn tỉnh đã phát hiện và xử lý 171 vụ vi phạm môi trường với số tiền phạt là 1.613 triệu đồng. So với cùng kỳ, số vụ VPMT đã xử lý tăng 115 vụ; số tiền xử phạt tăng 462 triệu đồng./.

2024.3.25__bao_cao_ktxh_quy_i_2024_vinh_phuc.docx

2024.3.25.so_lieu_ktxh_quy_i-2024_tinh_vinh_phuc.xlsx

 

luat_sua_doi_ltk

Đang truy cập: 56
Trong ngày: 418
Trong tuần: 1414
Lượt truy cập: 1435918

Xin cho biết ý kiến của bạn về trang thông tin điện tử Cục Thống kê tỉnh Vĩnh Phúc?
Tốt
Khá
Trung bình
Kém

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỤC THỐNG KÊ TỈNH VĨNH PHÚCChung nhan Tin Nhiem Mang

Địa chỉ: Số 20

Lý Thái Tổ - Phường Đống Đa - Thành phố Vĩnh Yên - Tỉnh Vĩnh Phúc

Điện thoại: 0211 3 861 139, Fax: 0211 3 843 841Email: vinhphuc@gso.gov.vn, cuctk@vinhphuc.gov.vn