.::. Cung cấp thông tin đầy đủ, trung thực là trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, đơn vị sự nghiệp, hiệp hội, cơ sở hành chính, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng trên địa bàn .::. .............................................................................................................................................................................................................. ........................................  

Tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Vĩnh Phúc năm 2018

Lời văn

Số liệu


1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản

a) Sản xuất nông nghiệp

- Trồng trọt: Trong tháng Một, bà con nông dân các địa phương trong tỉnh tập trung thu hoạch vụ đông, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để gieo trồng cây vụ xuân. Tính đến hết ngày 15/01/2019, toàn tỉnh thu hoạch được 9.980 ha cây vụ đông, bằng 76,84% so với cùng kỳ. Trong đó, đã thu hoạch 4.743 ha ngô, bằng 65,43%; khoai lang 1.250 ha, bằng 91,49%; đậu tương 881 ha, bằng 98,25%; lạc 91 ha, tăng 3,88%; rau các loại 2.680 ha, bằng 95,09% so với cùng kỳ năm trước.... Dự kiến, đến hết tháng Một, toàn tỉnh sẽ thu hoạch cơ bản xong diện tích cây trồng vụ đông. Cùng với việc thu hoạch cây vụ đông, bà con nông dân các địa phương trong tỉnh đã tiến hành làm đất, gieo mạ, tiến hành gieo trồng cây vụ xuân. Đến nay, các địa phương trong tỉnh đã gieo trồng được 3.213ha cây vụ xuân, gồm 2.893 ha lúa và 320 ha rau các loại.

Để đảm bảo sản xuất vụ xuân năm 2019 đạt kết quả tốt, Sở Nông nghiệp và phát triển Nông thôn tỉnh đã xây dựng Kế hoạch sản xuất và triển khai đến các địa phương trên địa bàn tỉnh thực hiện với nhiệm vụ, giải pháp cụ thể như: tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, định hướng của tỉnh về cơ cấu giống, thời vụ, cơ chế, chính sách hỗ trợ, kỹ thuật thâm canh cây trồng; mở rộng diện tích sản xuất rau an toàn, đẩy mạnh áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt theo tiêu chuẩn Viet GAP; tăng cường đưa tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, chế biến và tiêu thụ các sản phẩm trồng trọt trên địa bàn tỉnh...

 Chăn nuôi: Sản xuất chăn nuôi trong tháng Một trên địa bàn tỉnh nhìn chung tương đối ổn định. Bà con nông dân tiếp tục nhận được hỗ trợ từ các cơ chế, chính sách của tỉnh cho chăn nuôi; giá thức ăn chăn nuôi không có biến động nhiều; giá các loại sản phẩm chăn nuôi như trâu, bò hơi, lợn hơi, gia cầm, trứng các loại nói chung giữ ở mức khá, người chăn nuôi có lãi đã yên tâm đầu tư phát triển sản xuất, số lượng đầu con gia súc, gia cầm các loại trong tháng được duy trì và phát triển.

Công tác phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn luôn được các cấp, các ngành, các địa phương quan tâm chỉ đạo thực hiện; dịch bệnh trên địa bàn được kiểm soát chặt chẽ; bên cạnh đó ý thức của người dân trong việc phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm đã được nâng lên.  Trong tháng, không có dịch bệnh lớn xảy ra trên địa bàn tỉnh, đàn gia súc, gia cầm phát triển tốt, đảm bảo cung cấp các sản phẩm chăn nuôi đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân hàng ngày cũng như trong dịp tết Nguyên Đán.

b) Sản xuất lâm nghiệp

Đến nay, một số đơn vị lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh và các địa phương chủ yếu tập trung chăm sóc cây giống đã ươm, ­chuẩn bị khảo sát thực địa để trồng rừng kịp thời vụ khi được giao kế hoạch. Công tác chuẩn bị cho Tết trồng cây Xuân Kỷ Hợi 2019 cũng được các địa phương khẩn trương thực hiện. Công tác phòng chống cháy rừng tiếp tục được chỉ đạo triển khai tích cực, nguy cơ cháy rừng được cảnh báo thường xuyên cùng với thời tiết có mưa nhỏ nên từ đầu tháng đến nay không có vụ cháy rừng nào xảy ra.

c) Sản xuất thuỷ sản    

Hiện nay đang ở cuối vụ nuôi trồng và sắp đến tết Cổ truyền nên bà con nuôi trồng thủy sản đang tập trung thu hoạch, chuẩn bị diện tích cho nuôi trồng vụ mới. Diện tích một lúa một cá đến nay đã thu hoạch xong và chuyển sang trồng lúa vụ chiêm xuân. Diện tích nuôi trồng thủy sản tháng Một dự kiến đạt 4.603 ha, tăng 0,4%; sản lượng nuôi trồng thuỷ sản ước đạt 1.730 tấn, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm trước. Đối với các cơ sở, hộ chuyên sản xuất giống thủy sản đang tích cực chăm sóc con giống để đảm bảo đủ con giống đáp ứng cho nhu cầu nuôi trồng của mùa vụ mới.

2. Sản xuất công nghiệp

Chỉ số sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh tháng Một giảm 1,12% so với tháng Mười hai năm trước và tăng 18,18% so với cùng kỳ. Chia theo ngành kinh tế cấp I, các ngành tăng, giảm tương ứng so với tháng Mười hai năm trước và cùng kỳ như sau: ngành công nghiệp khai khoáng tăng 5,73% và tăng 9,89%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 1,16% và tăng 18,16%; ngành sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hoà không khí tăng 0,59% và tăng 26,54%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải tăng 0,87% so tháng trước và tăng 12,08% so cùng kỳ.

Phân theo ngành công nghiệp cấp II, hầu hết các ngành đều có mức tăng hoặc giảm nhẹ so với tháng Mười hai năm trước, nhưng  so với cùng kỳ năm trước, nhiều ngành có mức tăng khá và tương đối cao. Trong đó, ba ngành công nghiệp mũi nhọn của tỉnh tiếp tục có mức tăng trưởng khá và cao so với cùng kỳ, cụ thể:

- Ngành sản xuất linh kiện điện tử tăng 40,43% so với cùng kỳ. Đây là ngành có quy mô phát triển ngày càng nhanh và là một trong những ngành mũi nhọn trong việc đưa giá trị ngành công nghiệp của tỉnh ngày càng tăng cao;

- Ngành sản xuất xe có động cơ tăng 6,26% so với cùng kỳ. Do là tháng giáp tết Nguyên đán, nhu cầu mua xe của người dân tăng mạnh; bên cạnh đó, doanh nghiệp liên tục đưa ra thị trường những phiên bản mới với những tính năng tiện dụng, hiện đại, phù hợp nhu cầu của người sử dụng nên sản lượng tiêu thụ tăng khá;

- Ngành sản xuất phương tiện vận tải tăng 7,97% so với cùng kỳ. Thị trường xe máy những ngày này cũng không kém phần sôi động so với thị trường ô tô, nhu cầu sắm xe mới của người dân ngày càng tăng cao, đặc biệt tập trung vào những loại xe tay ga, xe phân khối lớn... Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này cũng luôn có những cải tiến trong mẫu mã, chất lượng, đồng thời có những ưu đãi đối với khách hàng. Do vậy giá trị sản xuất mà ngành đem lại ngày càng cao.

Dự kiến trong tháng Một, sản lượng một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu do các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh sản xuất được như sau: thức ăn gia súc đạt 23.790 tấn, tăng 5,06% so với cùng kỳ; giày thể thao đạt 505 ngàn đôi, tăng 29,44%; vật liệu ốp lát đạt 10.736m2, tăng 22,04%; xe ô tô các loại đạt 5.820, tăng 6,26%; 178.402 xe máy các loại, tăng 7,97%; 375 triệu kwh điện thương phẩm, tăng 26,54% so với cùng kỳ...

Chỉ số sử dụng lao động trong các doanh nghiệp công nghiệp trên địa bàn tháng Một năm nay tăng 0,87% so với tháng Mười hai năm trước. Ngành công nghiệp chế biến chế tạo có chỉ số sử dụng lao động tăng cao nhất, với mức 1,27% so với tháng Mười hai năm trước, tập trung chủ yếu ở các doanh nghiệp sản xuất linh kiện điện tử, nhất là khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Các ngành khác tương đối ổn định.

Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng Một tăng 0,48%, chỉ số tồn kho giảm 8,19% so với tháng Mười hai năm trước. Nhiều ngành có chỉ số tồn kho giảm mạnh, trong khi chỉ số tiêu thụ tăng. Trong đó, nổi bật là ngành sản xuất xe có động cơ với chỉ số tồn kho giảm tới 30,86%, chỉ số tiêu thụ tăng 0,51%; chỉ số tồn kho của ngành sản xuất phương tiện vận tải giảm 26,16%, chỉ số tiêu thụ tăng 0,39% so với tháng Mười hai năm trước...

3. Đầu tư, Xây dựng

Năm 2019, việc xây dựng kế hoạch và phân bổ vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước của Vĩnh Phúc tiếp tục được cơ cấu lại theo hướng tập trung, khắc phục dàn trải, nâng cao hiệu quả đầu tư. Ưu tiên bố trí vốn cho chương trình mục tiêu quốc gia về Xây dựng nông thôn mới, Giảm nghèo bền vững và các chương trình, nhiệm vụ thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh. Vĩnh Phúc xác định, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư - kinh doanh; tập trung giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án trọng điểm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống nhân dân trong tỉnh. Để hoàn thành kế hoạch và thực hiện có hiệu quả nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước trên địa bàn, các cấp, các ngành đã tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư phục vụ các dự án đầu tư. Các đơn vị được giao làm chủ đầu tư tổ chức lựa chọn nhà thầu và đẩy nhanh tiến độ thi công ngay từ những tháng đầu năm.

Tình hình thực hiện vốn đầu tư nguồn ngân sách Nhà nước tháng Một năm nay giảm hơn so tháng Mười hai năm trước. Vốn đầu tư thực hiện tập trung chủ yếu ở các công trình chuyển tiếp và công trình thi công dở dang trong năm 2018; số công trình, dự án khởi công mới ít do các công trình dự án mới vẫn chủ yếu đang trong giai đoạn làm thủ tục, hồ sơ chuẩn bị đầu tư... Ước trong tháng Một, tổng vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước đạt 496,21 tỷ đồng, giảm 31,1% so tháng Mười hai năm trước và đạt 8,27% vốn kế hoạch năm 2019. Trong đó, vốn ngân sách cấp tỉnh thực hiện là 361,26 tỷ đồng, vốn ngân sách cấp huyện là 109,03 tỷ đồng và vốn ngân sách cấp xã là 25,92 tỷ đồng.

4. Thương mại, dịch vụ và giá cả

a) Bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng

Tháng Một, thị trường hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn tỉnh diễn ra sôi động. Các đơn vị, cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn tỉnh đã chuẩn bị một lượng lớn hàng hóa đảm bảo chất lượng, mẫu mã phong phú, giá cả hợp lý phục vụ đầy đủ nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của nhân dân. Dự kiến, tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn tỉnh tháng Một đạt 4.207 tỷ đồng, tăng 18,64% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, kinh tế nhà nước đạt 147 tỷ đồng, tăng 14,22%; kinh tế tập thể đạt 7 tỷ đồng, tăng 68,19%; kinh tế cá thể đạt 2.030 tỷ đồng, tăng 16,87%; kinh tế tư nhân đạt 1.742 tỷ đồng, tăng 19,80%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 281 tỷ đồng, tăng 26,50% so với cùng kỳ. Cụ thể từng lĩnh vực như sau:

- Tổng mức bán lẻ hàng hóa trong tháng ước đạt 3.622 tỷ đồng, tăng 19,58% so với cùng kỳ năm trước. Đây là tháng chuẩn bị cho tết Nguyên đán nên các siêu thị, các cửa hàng bán lẻ đều có chương trình khuyến mại để kích cầu thị trường;

- Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành ước đạt 318 tỷ đồng, tăng 8,79% so với cùng kỳ, chủ yếu tập trung ở khu vực kinh tế cá thể với 262 tỷ đồng, chiếm 82,20%, tăng 8,84% so với cùng kỳ;

- Doanh thu các ngành dịch vụ còn lại ước đạt 267 tỷ đồng, tăng 18,84 so với cùng kỳ.

Nhằm đảm bảo nguồn cung ứng hàng hóa trên địa bàn, nhất là các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhân dân trong dịp tết Nguyên đán, với giá cả hợp lý, đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Ngày 08/01/2019 UBND tỉnh ban hành Công văn số 187/UBND-TH1 về việc thực hiện Chỉ thị số 34/CT-TTg ngày 28/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm. Theo đó, Sở Công thương và Ban chỉ đạo 389 cần theo dõi sát diễn  biến thị trường, cung cầu hàng hóa, nhất là những mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng vào tết Nguyên đán; tổ chức tốt hệ thống phân phối, bảo đảm thông suốt từ nơi sản xuất đến người tiêu dùng, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp mở rộng mạng lưới kinh doanh, tham gia bình ổn thị trường, giá cả, chuẩn bị tốt các mặt hàng thiết yếu bảo đảm chất lượng để cung ứng kịp thời, đầy đủ cho nhân dân với giá cả hợp lý và ổn định; tăng cường gắn kết việc triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, kết hợp với các chương trình bình ổn thị trường, giá cả, các hoạt động kết nối cung cầu và Chương trình đưa hàng Việt nam về nông thôn gắn với việc thực hiện Cuộc vận động " Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"," Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam"; giới thiệu quảng bá tôn vinh các sản phẩm, doanh nghiệp Việt Nam; đồng thời tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường nhằm ngăn chặn việc buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, hàng vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm nhất là các mặt hàng có nhu cầu tiêu dùng cao trong dịp tết Nguyên đán...

b) Vận tải hành khách và hàng hoá

Để đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân trong và ngoài tỉnh, đồng thời cung cấp đầy đủ lượng vật tư hàng hoá cho sản xuất và tiêu dùng trong dịp tết Nguyên đán, các đơn vị vận tải đã có kế hoạch, chuẩn bị đầy đủ các phương tiện vận chuyển, tăng thời lượng vận chuyển hàng hoá và hành khách, do đó hoạt động vận tải đã đáp ứng tốt nhu cầu vận chuyển hàng hoá và đi lại của nhân dân.

Dự kiến trong tháng Một, khối lượng vận chuyển hành khách đạt 2.251 ngàn người, luân chuyển đạt 150 triệu người.km. So với tháng Mười hai năm trước, vận chuyển hành khách tăng 0,45%, luân chuyển tăng 0,69%; so với cùng kỳ năm trước, vận chuyển hành khách tăng 2,42%, luân chuyển tăng 2,05%. Khối lượng vận chuyển hàng hoá đạt 2.989 nghìn tấn, luân chuyển đạt 240 triệu tấn.km. So với tháng Mười hai năm trước, vận chuyển hàng hóa tăng 0,67%, luân chuyển tăng 1,30%; so với cùng kỳ năm trư­ớc, vận chuyển hàng hóa tăng 11,60%, luân chuyển tăng 12,88%.

Tổng doanh thu vận tải tháng Một dự kiến đạt 391 tỷ đồng, tăng 2,19% so tháng Mười hai năm trước và tăng 13,78% cùng kỳ. Trong đó, vận tải hàng hoá đạt 298 tỷ đồng, tăng 17,07% so với cùng kỳ; vận tải hành khách đạt 84 tỷ đồng, tăng 6,26%; hoạt động kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải đạt 9 tỷ đồng, bằng 89,71% so với cùng kỳ.

c) Chỉ số giá tiêu dùng

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trên địa bàn tỉnh tháng Một tăng 0,20% so với tháng Mười hai năm trước và tăng 1,62% so với cùng tháng năm trước. Diễn biến giá một số nhóm hàng hóa so với tháng Mười hai năm trước như sau:

- Giá lương thực tăng 0,15% do nhu cầu tiêu dùng cũng như chế biến các sản phẩm phục vụ tết Nguyên Đán tăng, nhất là các loại gạo tẻ ngon và gạo nếp tăng từ 500 đến 1.000 đồng/kg. Cùng chiều, giá khoai lang và sắn cũng tăng 2,64%, do các loại lương thực này đã cuối vụ, lượng cung giảm đã đẩy giá tăng;

- Giá thực phẩm tăng 2,30%, là một trong những nguyên nhân chính tác động đến mức tăng CPI của tháng. Hầu hết các mặt hàng thực phẩm thiết yếu như thịt lợn, thịt gà, thủy hải sản, rau, quả, trứng gia cầm, mỡ ăn… đều tăng khá. Trong đó, nhóm thịt gia súc tăng 4,51%, thịt gia cầm tăng 3,63%, trứng vịt tăng 5,29%, nhóm rau tươi, khô và chế biến trong tháng tăng 3,18%...

- Nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,79%. Chỉ số giá nhóm này tăng chủ yếu ở mặt hàng áo khoác nam tăng 4,59%, áo khoác nữ tăng 4,80%, bộ thể thao nam tăng 4,55%... Trong tháng, thời tiết lạnh kéo dài nhu cầu mua sắm quần áo giữ ấm của người dân tăng nên giá bán có biến động tăng nhẹ;

- Nhóm giao thông giảm 3,53%. Trong tháng, giá xăng dầu được điều chỉnh 02 đợt vào ngày 01 và ngày 16/01/2019 đã làm cho chỉ số nhóm xăng dầu giảm 7,02%. Cụ thể, xăng A95 không chì giảm 5,56%, xăng E5 không chì giảm 6,12% và dầu Diezen giảm 9,35%, đã góp phần làm cho chỉ số nhóm giao thông giảm.

Giá các nhóm hàng hóa khác ổn định.

Giá vàng trên địa bàn tỉnh trong tháng tăng 0,85% so với tháng Mười hai năm trước, giá bình quân trên thị trường tự do là 3.577 nghìn đồng/chỉ. Ngược chiều với giá vàng, giá Đô la Mỹ trên thị trường tự do giảm 0,29% so với tháng Mười hai năm trước, giá bán bình quân phổ biến ở mức 22.527 đồng/USD.

5. Tín dụng, ngân hàng

Tháng Một là tháng giáp tết Nguyên Đán nên lãi suất huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn có xu hướng tăng nhẹ, chủ yếu do yếu tố mùa vụ, mang tính chất tạm thời để đáp ứng nhu cầu thanh toán của người dân và dự phòng chi trả của các tổ chức tín dụng. Hiện, lãi suất huy động trên địa bàn phổ biến ở mức từ 0,6% đến1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; từ 4,3% đến 5,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; từ 5,3% đén 6,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn trên 12 tháng ở mức từ 6,5% đến 7,3%/năm. Mặt bằng lãi suất cho vay trên địa bàn phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức từ 6% đến 6,5%/năm đối với ngắn hạn và từ 7% đến 9%/năm đối với trung, dài hạn. Lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường ở mức từ 6,8% đến 9%/năm đối với ngắn hạn và từ 9% đến 10,5%/năm đối với trung, dài hạn.

Ước thực hiện đến 31/01/2019, tổng nguồn vốn huy động đạt 69.250 tỷ đồng, tăng 0,34% so với cuối năm 2018. Trong đó, tiền gửi các tổ chức kinh tế là 28.260 tỷ đồng, tăng 0,05% ; tiền gửi tiết kiệm là 40.250 tỷ đồng, tăng 0,54%; phát hành giấy tờ có giá là 740 tỷ đồng, tăng 0,95% so với cuối năm 2018.

Tổng dư nợ cho vay đến 31/01/2019 ước đạt 67.400 tỷ đồng, tăng 0,21% so với cuối năm 2018. Trong đó, dư nợ cho vay ngắn hạn đạt 42.720 tỷ đồng, tăng 0,18%, chiếm 63,38% tổng dư nợ; dư nợ cho vay trung và dài hạn đạt 24.680 tỷ đồng, tăng 0,26% so với cuối năm 2018, chiếm 36,62% tổng dư nợ.

6. Một số vấn đề xã hội

- Hoạt động y tế: Thời điểm trước, trong và sau tết Nguyên đán, nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm tăng cao. Để chủ động phòng, chống sự cố ngộ độc thực phẩm, góp phần thực hiện tốt việc chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe cho nhân dân, ngày 08/01/2019, Ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh đã ban hành kế hoạch “Triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán Kỷ Hợi và mùa Lễ hội Xuân năm 2019”. Theo đó, từ ngày 15/01/2019, các Đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn vệ sinh thực phẩm sẽ tăng cường thanh, kiểm tra công tác an toàn vệ sinh thực phẩm trong sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu và sử dụng thực phẩm... Cơ quan chức năng sẽ kịp thời thông báo những tổ chức, cá nhân vi phạm thuộc diện phải công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để cảnh báo tới cộng đồng. Tính đến ngày 17/01/2019, trên địa bàn tỉnh chưa xảy ra hiện tượng ngộ độc thực phẩm.

Trong dịp tết Cổ truyền, Ngành Y tế duy trì chế độ trực 24/24 giờ đảm bảo xử lý kịp thời các ca cấp cứu; động viên, chăm sóc chu đáo những bệnh nhân lưu trú trong các bệnh viện, trung tâm y tế, cơ sở y tế trong thời gian tết Nguyên đán, đảm bảo sức khoẻ cho nhân dân; tăng cường khâu kiểm tra các cơ sở khám chữa bệnh, kiểm soát chặt chẽ thị trường thuốc chữa bệnh, tập trung kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh rau, củ quả, bánh kẹo, rượu, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, cơ sở giết mổ, kinh doanh gia cầm, thực phẩm không rõ nguồn gốc... Đồng thời, có các biện pháp dự phòng, phòng chống dịch bệnh, các biện pháp ngăn chặn dịch sốt xuất huyết, tay- chân- miệng... xảy ra trên địa bàn. Tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân phòng bệnh, giữ gìn vệ sinh, an toàn thực phẩm, không để xảy ra ngộ độc thức ăn, đặc biệt trong các dịp lễ, tết.

- Hoạt động bảo đảm giao thông, trật tự an toàn xã hội và phòng tránh cháy nổ: Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 1793/CĐ-TTg ngày 13/12/2018, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Kế hoạch tổ chức đợt cao điểm bảo đảm trật tự an toàn giao thông phục vụ tết Dương lịch, tết Nguyên đán Kỷ Hợi và Lễ hội Xuân 2019. Theo đó, tổ chức các đợt cao điểm tuần tra, kiểm soát, tăng cường kiểm tra xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông, có phương án xử lý ngay các hành vi uy hiếp trực tiếp an toàn giao thông, ngăn chặn, trấn áp hành vi đua xe trái phép; bố trí ứng trực trên các tuyến giao thông trọng điểm, các khu vực giao thông phức tạp, đặc biệt các tuyến đường liên xã, liên thôn, hạn chế tối đa các hành vi uống rượu khi tham gia giao thông; Xây dựng phương án, bố trí lực lượng thường trực theo dõi, kiểm tra công tác phòng chống cháy nổ tại các khu dân cư, kho tàng, chợ, trung tâm thương mại, các khu công nghiệp. Thời gian thực hiện đợt cao điểm từ 16/12/2018 đến 20/02/2019.

Để nhân dân đón Tết vui vẻ, an toàn, các đơn vị thuộc Công an tỉnh đã đồng loạt ra quân mở các đợt cao điểm tấn công các loại tội phạm, giải quyết tệ nạn xã hội; bố trí lực lượng tuần tra bảo vệ an toàn các mục tiêu chính trị, kinh tế, văn hóa và các điểm tổ chức sự kiện, lễ hội trên địa bàn; ngăn chặn và xử lý nghiêm trộm cắp, mại dâm, ma túy, bảo vệ tuyệt đối an toàn trong dịp tết Nguyên đán Kỷ Hợi năm 2019.

Trong tháng, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 04 vụ cháy (trong đó có 03 vụ cháy chưa rõ nguyên nhân), ước tính giá trị thiệt hại 450 triệu đồng. Cả 04 vụ cháy đều không gây thiệt hại về người.

- Hoạt động văn hóa- xã hội: Trong tháng, ngành Văn hóa đã xây dựng Kế hoạch cụ thể nhằm tổ chức tốt các hoạt động Chào mừng kỷ niệm 89 năm ngày thành lập Đảng cộng sản Việt Nam, đón tết Kỷ Hợi. Nhiều chương trình nghệ thuật Mừng Đảng- Mừng Xuân sẽ được tổ chức tại Quảng trường - Nhà hát tỉnh nhằm tạo không khí vui tươi, phấn khởi. Để nhân dân đón Tết vui vẻ, an toàn, các ngành chức năng tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát việc tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch, lễ hội trong dịp tết Nguyên đán đúng quy định của Nhà nước về tổ chức lễ hội, đảm bảo vệ sinh môi trường và an ninh trật tự; ngăn chặn kịp thời các biểu hiện tiêu cực, lợi dụng lễ hội để hoạt động mê tín dị đoan, thu lợi bất chính; không tổ chức các lễ hội quá sớm trước Tết hoặc kéo dài nhiều ngày sau Tết. Tăng cường kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch trong dịp tết triển khai các biện pháp nhằm ngăn chặn các hành vi “chặt chém”, nâng giá dịch vụ tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn.

Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các ngành, các cấp chủ động tổ chức thực hiện chu đáo việc thăm hỏi, tặng quà, chăm lo tết cho các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, người có công với cách mạng, các gia đình thuộc diện chính sách, gia đình đặc biệt khó khăn; Vận động các tầng lớp nhân dân phát huy tinh thần tương thân, tương ái, giúp đỡ các gia đình gặp khó khăn, người già, trẻ em không nơi nương tựa; Tạo điều kiện cho mọi người, mọi nhà đón tết Nguyên đán Kỷ Hợi vui vẻ và đầm ấm./.

 

luat_sua_doi_ltk

Đang truy cập: 54
Trong ngày: 597
Trong tuần: 1482
Lượt truy cập: 1436695

Xin cho biết ý kiến của bạn về trang thông tin điện tử Cục Thống kê tỉnh Vĩnh Phúc?
Tốt
Khá
Trung bình
Kém

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỤC THỐNG KÊ TỈNH VĨNH PHÚCChung nhan Tin Nhiem Mang

Địa chỉ: Số 20

Lý Thái Tổ - Phường Đống Đa - Thành phố Vĩnh Yên - Tỉnh Vĩnh Phúc

Điện thoại: 0211 3 861 139, Fax: 0211 3 843 841Email: vinhphuc@gso.gov.vn, cuctk@vinhphuc.gov.vn