.::. Cung cấp thông tin đầy đủ, trung thực là trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, đơn vị sự nghiệp, hiệp hội, cơ sở hành chính, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng trên địa bàn .::. .............................................................................................................................................................................................................. ........................................  

Tình hình kinh tế - xã hội quí I năm 2019 tỉnh Vĩnh Phúc

Lời văn

số liệu


Bước vào năm 2019, ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2019; Xây dựng kịch bản tăng trưởng theo từng quý và chỉ đạo các cấp, các ngành thường xuyên, chủ động theo dõi sát tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư,…. kịp thời tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án đầu tư lớn, trọng điểm. Kết quả quý I năm 2019, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục phát triển trên hầu hết các lĩnh vực. Trong nông nghiệp, diện tích gieo trồng vụ đông giảm nhưng năng suất các loại cây trồng chủ yếu đều tăng; số lượng đàn gia súc, gia cầm cũng như sản lượng, sản phẩm chăn nuôi đều tăng so với cùng kỳ. Sản xuất công nghiệp tiếp tục đạt mức tăng trưởng khá. Các ngành thương mại dịch vụ hoạt động ổn định, thị trường hàng hoá trên địa bàn đa dạng, phong phú, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, nhất là trong dịp Tết.

1. Tăng trưởng kinh tế

Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) qúy I năm 2019 theo giá so sánh 2010 đạt 20.094 tỷ đồng, tăng 8,75% so quý I năm 2018. Đây là mức tăng cao nhất của quý I trong 3 năm trở lại đây. Trong đó, khu vực nông, lâm thủy sản tăng 0,05%; khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 11,46%, khu vực dịch vụ tăng 7,52%.

- Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản: Giá trị tăng thêm ngành nông, lâm nghiệp và thuỷ sản quý I năm 2019 đạt 1.139 tỷ đồng, tăng 0,05%, đóng góp vào tăng trưởng chung của tỉnh là 0,003 điểm %;

Trong Nông nghiệp, thời tiết vụ đông khá thuận lợi nên các loại cây trồng chủ yếu nhìn chung phát triển tốt, năng suất đều tăng, nhưng do diện tích gieo trồng giảm 12% so với cùng kỳ (trên 2.000 ha), làm giá trị ngành trồng trọt giảm 6,38% so cùng kỳ. Sản xuất chăn nuôi, cùng với nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ của tỉnh và sự cố gắng của người chăn nuôi, đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn phát triển tốt, số lượng đầu con tương đối ổn định. Ngoài sản lượng thịt lượng trâu bò hơi giảm 5,35%, sản lượng sản phẩm chăn nuôi còn lại đều tăng so với quý I năm trước. Trong đó, sản lượng thịt gia cầm tăng 4,59%, sản lượng trứng gia cầm tăng 4,85%, thịt lợn hơi xuất chuồng tăng 2,33 %, sữa bò tăng 27,84%... do đó tăng trưởng của ngành chăn nuôi đạt 3,15%, đóng góp 0,11 điểm % vào tăng trưởng chung của tỉnh.

- Khu vực công nghiệp - xây dựng: Tổng giá trị tăng thêm ngành công nghiệp, xây dựng quý I năm 2019 đạt 10.633 tỷ đồng, tăng 11,46%, đóng góp vào tăng trưởng chung của tỉnh là 5,92 điểm %; riêng ngành công nghiệp đạt 9.866 tỷ đồng, tăng 11,47%, đóng góp vào tăng trưởng chung của tỉnh là 5,49 điểm %.

Trong ba ngành công nghiệp lớn của tỉnh, ngành sản xuất ô tô giảm: Sản lượng sản xuất ô tô 3 tháng ước đạt 13.832 xe, giảm 6,12% so với cùng kỳ; giá trị tăng thêm giảm 7%, làm giảm tăng trưởng chung của tỉnh 0,52 điểm %. Ngành sản xuất xe máy với sản lượng sản xuất xe máy đạt 459.970 xe, giảm 0,61% so với cùng kỳ; nhưng do sản xuất những dòng xe có giá trị cao nên giá trị tăng thêm tăng 2,62% so với cùng kỳ, đóng góp vào tăng trưởng chung 0,44 điểm %. Ngành sản xuất linh kiện điện tử ngày càng chiếm tỷ trọng cao và chiếm ưu thế trong công nghiệp của tỉnh, giá trị tăng thêm theo giá so sánh trong quí I năm 2019 đạt trên 3.335 tỷ, tăng 37,76%, đóng góp tới 4,95 điểm % trong tổng số 8,75 điểm % tăng trưởng chung của tỉnh. Các ngành công nghiệp còn lại có mức tăng trưởng so với cùng kỳ là 5,88%, đóng góp vào tăng trưởng chung của tỉnh là 0,63 điểm %.

- Khu vực dịch vụ: Các ngành dịch vụ tiếp tục ổn định và phát triển với mức tăng từ trên 6% đến gần 10% so với cùng kỳ năm trước. Tổng giá trị tăng thêm của các ngành dịch vụ quý I đạt 3.930 tỷ đồng, tăng 7,52% so với cùng kỳ, đóng góp vào tăng trưởng chung của tỉnh là 1,49 điểm %.

2. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản

2.1. Sản xuất nông nghiệp

+ Trồng trọt:

- Sản xuất vụ Đông: Mặc dù tỉnh đã có rất nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ cho người sản xuất, nhưng do chi phí lớn, phải đầu tư mất nhiều công lao động, hiệu quả kinh tế không cao nên nhiều diện tích bị bỏ không. Tổng diện tích gieo trồng cây vụ Đông năm 2018 - 2019 đạt 15.625 ha, giảm 11,97% so với vụ Đông năm trước. Trong đó: ngô 7.188 ha, giảm 26,41%; đậu tương 921 ha, giảm 8,48%; rau các loại 4.465 ha, giảm 0,35%; khoai lang 1.696 ha, tăng 0,11%; lạc 177 ha, tăng 7,54% so với vụ đông 2017-2018...

Sản xuất vụ Đông năm nay gặp thời tiết tương đối thuận lợi, cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt; bên cạnh đó, công tác dự báo, phòng, trừ sâu bệnh kịp thời nên năng suất của các loại cây trồng chủ yếu nhìn chung đạt cao hơn so với cùng kỳ, tuy nhiên tổng sản lượng một số loại cây trồng có sự tăng giảm khá lớn do sự tăng giảm về diện tích. Năng suất, sản lượng một số loại cây trồng chủ yếu như sau: ngô đạt 43,5 tạ/ha, tăng 0,88%, sản lượng đạt 31.266 tấn, giảm 25,8% so vụ đông năm trước; khoai lang đạt 113,0 tạ/ha, tăng 3,01%, sản lượng đạt 19.167 tấn, tăng 3,1%; đậu tương đạt 20,3 tạ/ha, tăng 4,97%, sản lượng đạt 1.865 tấn, giảm 3,92%; rau các loại đạt 223,13 tạ/ha, tăng 3,53%, sản lượng đạt 97.108 tấn, tăng 4,17%...

- Gieo trồng vụ Xuân: Tính đến hết ngày 15/3/2019, toàn tỉnh đã gieo trồng được 37.982 ha cây vụ Xuân các loại, giảm 3,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, đã gieo cấy được 30.215 ha lúa; 2.226 ha ngô; 72 ha đậu tương; 1.573 ha lạc; 2.117 ha rau các loại... Hiện nay, cây lúa đang đang trong thời kỳ đẻ nhánh, bà con nông dân các địa phương đang tập trung tỉa, dặm để bảo đảm mật độ; bón phân và chăm sóc các loại cây trồng khác theo đúng quy trình, hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn. Nhìn chung, cây lúa và các loại cây trồng khác trong vụ sinh trưởng phát triển tốt.

+ Chăn nuôi: Sản xuất chăn nuôi trên địa bàn tỉnh trong quý I tương đối ổn định, các cơ chế, chính sách hỗ trợ tái cơ cấu ngành Nông nghiệp trong đó có chăn nuôi tiếp tục được thực hiện, tạo điều kiện thuận lợi để người dân yên tâm sản xuất. Tuy nhiên, những tháng đầu năm 2019, sản xuất chăn nuôi vẫn còn gặp không ít khó khăn nhất là thị trường đầu ra cho một số loại sản phẩm còn bấp bênh, thiếu ổn định như giá trứng gia cầm có thời gian xuống quá thấp (trứng gà 1.000đ - 1.100đ/ quả, trứng vịt 1.200đ- 1.300đ/quả) cùng với đó là tình hình dịch bệnh, đặc biệt dịch tả lợn Châu Phi đã bùng phát nhiều tỉnh và đang có những diễn biến phức tạp gây tâm lý không tốt cho người chăn nuôi.

Để chủ động phòng, chống một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho gia súc, gia cầm, ngăn chặn dịch bệnh phát sinh và lây lan trên địa bàn tỉnh, ngày 28/12/2018 UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 10417/KH-UBND về phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, thủy sản năm 2019; Ban hành kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp với bệnh Dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn tỉnh. Thành lập 07 chốt kiểm dịch động vật tạm thời cấp tỉnh và các chốt kiểm dịch cấp huyện, xã; thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật; giám sát chặt chẽ tình hình dịch, nhằm phát hiện sớm, xử lý kịp thời, bảo vệ sản xuất chăn nuôi. Đồng thời thường xuyên rà soát các hộ chăn nuôi, các chợ, tụ điểm kinh doanh, buôn bán lợn, sản phẩm từ lợn; các cơ sở, hộ giết mổ lợn để thực hiện phun khử trùng tiêu độc phòng, chống bệnh dịch; tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi các biện pháp chủ động ngăn chặn và phòng, chống bệnh. Trong 3 tháng đầu năm 2019, không phát hiện dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm xảy ra trên đàn vật nuôi.

2.2. Sản xuất lâm nghiệp

Quý I năm 2019, các đơn vị lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh và các địa phương chủ yếu tập trung chăm sóc cây giống đã ươm, khảo sát thực địa, cuốc hố và bắt đầu trồng rừng vụ xuân. Nhằm góp phần bảo vệ rừng gắn liền với phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời bảo vệ môi trường sinh thái, tăng độ che phủ rừng...ngày 13/02/2019 UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã tổ chức Lễ phát động "Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ" xuân Kỷ Hợi 2019. Ước quý I/2019 toàn tỉnh trồng được 469,7 ngàn cây phân tán, 97 ha rừng tập trung, khoán bảo vệ rừng 9,75 ngàn ha. Công tác tuần tra, giám sát khai thác và phòng chống cháy rừng được tăng cường, vì vậy từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh không xảy ra cháy rừng.

2.3. Sản xuất thuỷ sản

Tình hình nuôi trồng thuỷ sản trên địa bàn tỉnh trong quý I ổn định, thời tiết tương đối ấm nên đàn cá phát triển tốt; giá thủy sản giữ ở mức khá, người nuôi yên tâm đầu tư sản xuất. Trong kỳ, bà con nuôi trồng thủy sản tích cực thu hoạch thuỷ sản và chuẩn bị cho vụ nuôi trồng mới. Sản lượng thủy sản nuôi trồng và khai thác quý I dự kiến đạt 5.195 tấn, tăng 4,1% so với cùng kỳ, trong đó sản lượng nuôi trồng đạt 4.754 tấn, tăng 4,6%; sản lượng khai thác đạt 329 tấn, giảm 1% so với cùng kỳ. Hiện nay đang bắt đầu vụ nuôi trồng mới, nhu cầu con giống cho sản xuất tăng cao và ngày càng đa dạng. Các cơ sở sản xuất giống lớn của tỉnh cũng như các hộ chuyên sản xuất giống đang tích cực ươm và cung cấp giống cho bà con nuôi trồng trong và ngoài tỉnh. Dự kiến trong quý I, sản xuất giống thuỷ sản đạt 907 triệu con, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2018.

3. Sản xuất công nghiệp

3.1. Chỉ số sản xuất

Ngay từ đầu năm, nhiều doanh nghiệp đã đẩy mạnh sản xuất, tìm kiếm và mở rộng thị trường tiêu thụ. Các khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp thường xuyên được các cấp, các ngành tập trung tháo gỡ... Do vậy, sản xuất công nghiệp trên địa bàn tiếp tục có sự tăng trưởng tốt. Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng Ba tăng 33,24% so tháng trước và tăng 9,92% so với cùng kỳ. Tính chung cả quý I, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 11,48% so với cùng kỳ năm trước. Chia theo ngành kinh tế cấp I: ngành công nghiệp khai khoáng giảm 28,72%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 11,50%; ngành công nghiệp sản xuất và phân phối điện tăng 21,23%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải tăng 6,22%.

Quý I đã có sự thay đổi trong tỷ trọng đóng góp tăng trưởng giữa các ngành công nghiệp chế biến chế tạo của tỉnh. Ngành sản xuất linh kiện điện tử đã vượt qua ngành sản xuất xe máy, vươn lên chiếm vị trí dẫn đầu trong cơ cấu đóng góp tăng trưởng: Quí I năm 2018 chiếm 27,35%, quí I năm 2019 chiếm 33,80% trong tổng giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp (trong khi tỷ lệ tương ứng của ngành sản xuất ô tô là 15,51% và 12,94%; ngành sản xuất xe máy là 34,65 và 31,90%). Chỉ số sản xuất trong quý I của ngành linh kiện điện tử tăng tới 34,62% so với cùng kỳ; giá trị tăng thêm đạt 3.335 tỷ, tăng 37,76%, đóng góp tới 4,95% điểm % trong tổng số 8,75% tăng trưởng của tỉnh.

Ngành sản xuất sản xuất xe máy vẫn giữ được sự tăng trưởng ổn định. Các doanh nghiệp vẫn liên tục cập nhật những phiên bản mới với nhiều tính năng và phong cách mới đáp ứng nhu cầu người dân. Mặc dù chỉ số sản xuất quý I giảm nhẹ so với cùng kỳ, sản lượng trong quý đạt 459.970 xe, giảm 0,61% so với quý I năm 2018, nhưng do sản xuất những dòng xe có giá trị cao nên giá trị tăng thêm đạt 3.147 tỷ đồng tăng 2,62% so với cùng kỳ.

Ngành sản xuất xe có động cơ tiếp tục đối mặt với những khó khăn khi năm 2019 thị trường ô tô được dự báo sẽ cạnh tranh gay gắt hơn, hầu hết các dòng xe đều có thể nhập về Việt Nam từ cuối năm 2018. Theo số liệu báo cáo của hai doanh  nghiệp (Toyota và Hon Da), lượng xe tiêu thụ trong 2 tháng đầu năm tăng 59,7% so với cùng kỳ, nhưng chủ yếu là các dòng xe nhập khẩu (chiếm 52,3% tổng lượng xe tiêu thụ). Đây là nguyên nhân sản xuất xe của 2 doanh nghiệp giảm hơn so cùng kỳ. Kết quả sản xuất quý I năm 2019, sản lượng sản xuất ô tô 3 tháng ước đạt 13.832 xe, giảm 6,12% so với cùng kỳ. Giá trị tăng thêm quý I đạt 1.277 tỷ đồng, giảm 7,01% so với cùng kỳ, làm giảm tăng trưởng chung của tỉnh 0,52 điểm %.

Các ngành công nghiệp còn lại đều giữ được nhịp độ tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm trước.

3.2. Sản phẩm công nghiệp chủ yếu

Dự kiến quý I, các doanh nghiệp công nghiệp trên địa bàn sản xuất được 63.133 tấn thức ăn gia súc tăng 7,70%; 1.476 ngàn đôi giày thể thao tăng 17,35%; 33.162 ngàn m2 gạch ốp lát tăng 15,31%; 3.249 máy điều hòa không khí, giảm 20,50%; 13.832 xe ô tô các loại giảm 6,12%; 459.970 xe máy các loại giảm 0,61%; 1.295 triệu kwh điện thương phẩm tăng 21,23%; 5.892 ngàn m­3 nước máy thương phẩm tăng 17,06%...

3.3. Chỉ số sử dụng lao động

Sau thời gian nghỉ Tết, lao động trong các doanh nghiệp có biến động nhẹ, không ảnh hưởng đến kết quả hoạt động của doanh nghiệp. Chỉ số sử dụng lao động trong các doanh nghiệp công nghiệp trên địa bàn tháng 03 năm 2019 tăng 1,68% so với tháng trước và tăng 4,13% so cùng kỳ. Tính chung quý I năm 2019 tăng 0,12% so cùng kỳ. Chia theo ngành cấp I, ngành khai khoáng tăng 3,09%; ngành chế biến chế tạo tăng 0,12%, ... Theo thành phần kinh tế, doanh nghiệp nhà nước giảm 2,70%; doanh nghiệp ngoài nhà nước tăng 1,80%; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài giảm 0,31% so với cùng kỳ năm trước.

3.4. Chỉ số tiêu thụ, tồn kho ngành chế biến chế tạo

Quý I năm 2019, chỉ số tiêu thụ toàn ngành tăng 1,36% so cùng kỳ, một số ngành có chỉ số tiêu thụ tăng khá như ngành chế biến và sản xuất các sản phẩm từ gỗ, tăng 43,11%; ngành sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 42,03%; ngành sản xuất kim loại, tăng 28,49%... Chỉ số tồn kho toàn ngành thời điểm cuối tháng Ba tăng 5,94% so với tháng trước và tăng 11,62% so cùng kỳ. Một số ngành có chỉ số tồn kho giảm so với tháng trước như ngành sản xuất sản xuất xe có động cơ, giảm 10,27%; ngành sản xuất hóa chất, giảm 10,13%... ngành có chỉ số tồn kho tăng so với tháng trước như ngành sản xuất kim loại, tăng 42,34%; ngành sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy, tăng 13,72%, ngành sản xuất giường tủ, bàn ghế tăng 9,54%...

4. Đầu tư, xây dựng và phát triển doanh nghiệp

Môi trường đầu tư tiếp tục được cải thiện đã thu hút thêm được dự án mới góp phần thúc đẩy vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn đạt khá so cùng kỳ năm trước. Dự kiến, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn quý I thực hiện được 6.155 tỷ đồng, tăng 13,38% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, đầu tư từ nguồn vốn nhà nước đạt 1.265 tỷ đồng, tăng 0,41%; vốn ngoài nhà nước đạt 3.437 tỉ đồng, tăng 25,79%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 1.453 tỷ đồng, tăng 4,16% so với cùng kỳ năm trước.

Công tác quản lý đầu tư công được UBND tỉnh hết sức quan tâm, chỉ đạo điều hành, thường xuyên nắm bắt, cập nhật thông tin nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện, trong đó tập trung vào việc thi công công trình và giải ngân vốn đầu tư công. Phân bổ vốn được thực hiện đúng theo các nguyên tắc trong cơ chế giao và điều hành kế hoạch nhà nước, trong đó tập trung ưu tiên thanh toán nợ, công trình chuyển tiếp, bố trí dự án mới khi đảm bảo đầy đủ thủ tục đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư công và các văn bản hướng dẫn.

Hoạt động kinh tế đối ngoại, xúc tiến đầu tư tiếp tục được chú trọng. Lãnh đạo tỉnh đã tiếp và làm việc với nhiều đoàn công tác của các tổ chức, doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước đến tỉnh như: Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD); Tập đoàn Lenovo Trung Quốc cùng các doanh nghiệp phụ trợ; Tổng Giám đốc Công ty TNHH Interflex Vina; đoàn công tác Trường Đại học Hannam, Hàn Quốc; Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Liên bang Nga tại Việt Nam… để tranh thủ vận động, hợp tác và xúc tiến đầu tư vào tỉnh. Trong quý I, tỉnh đã chấp thuận chủ trương, cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 27 dự án, trong đó có 19 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký mới là 87,1 triệu USD và 8 dự án DDI với tổng vốn đầu tư đăng ký mới là 5 nghìn tỷ đồng. Luỹ kế đến hết tháng 3/2019 toàn tỉnh có 1.070 dự án gồm: 344 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 4,65 tỷ USD và 726 dự án DDI với tổng vốn đầu tư đăng ký là 76,7 ngàn tỷ đồng.

Ba tháng đầu năm 2019, số doanh nghiệp dân doanh thành lập mới ước đạt 260 doanh nghiệp với số vốn đăng ký trên 1.640 tỷ đồng, tăng 1,6% về số doanh nghiệp và tăng 16,6% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2018. Đồng thời có 230 lượt doanh nghiệp làm thủ tục đăng ký thay đổi đăng ký kinh doanh; 25 doanh nghiệp thực hiện các thủ tục giải thể và 150 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn. Lũy kế đến 31/3/2019, toàn tỉnh có 9.844 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh với số vốn đăng ký trên 89 ngàn tỷ đồng, trong đó có 7.215 doanh nghiệp thực tế hoạt động (tương đương 73,3% doanh nghiệp đăng ký) và 2.629 doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh có thời hạn hoặc chờ giải thể do hạn chế về năng lực tài chính, năng lực quản trị, chưa có mặt bằng sản xuất, chưa tìm kiếm được thị trường,...

5. Tài chính, ngân hàng, bảo hiểm

5.1. Tình hình thu, chi ngân sách Nhà nước

Công tác thu ngân sách nhà nước được tăng cường, ngành Thuế đã tổ chức chỉ đạo thu một cách quyết liệt, hiệu quả ngay từ những ngày đầu năm; đôn đốc quyết toán các khoản thu ngân sách nhà nước trên địa bàn như: thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp, các khoản thu từ đất, thu phí, lệ phí...; thường xuyên tuyên truyền và triển khai các biện pháp tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc tại cơ sở để công tác thu có hiệu quả... Ước tổng thu ngân sách quý I của tỉnh đạt 8,016 ngàn tỷ đồng, bằng 29% so với dự toán năm, tăng 12,40% so với cùng kỳ. Trong đó: Thu nội địa đạt 7,016 ngàn tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ, đạt 29% so với dự toán năm; Thu từ Hải quan ước đạt 1.000 tỷ đồng, tăng 2,35% so cùng kỳ.

Chi ngân sách nhà nước: Các nhiệm vụ thu, chi ngân sách nhà nước năm 2019 đã được hướng dẫn chi tiết đối với các đơn vị dự toán trực thuộc ngân sách cấp tỉnh và cấp huyện. UBND tỉnh đã cấp bổ sung kinh phí thực hiện nhiệm vụ cho các cơ quan, đơn vị được hưởng đảm bảo kịp thời; chuyển nguồn kinh phí năm 2018 sang năm 2019 để tiếp tục thực hiện. Nhìn chung, công tác quản lý chi ngân sách của tỉnh trong quý I năm 2019 đã được tăng cường, kiểm soát chi chặt chẽ, quản lý chi theo dự toán, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tổng chi ngân sách nhà nước quý I ước đạt 2,5 ngàn tỷ đồng, đạt 15% so với dự toán, bằng 95% so với cùng kỳ.

5.2. Hoạt động ngân hàng, tín dụng

Thực hiện kế hoạch kinh doanh năm 2019, tăng trưởng tín dụng có hiệu quả đi đôi với kiểm soát chất lượng tín dụng. Trong đó, ưu tiên tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên, tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận vốn tín dụng của DN và người dân. Kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán...; tăng cường quản lý rủi ro đối với các dự án BOT, BT giao thông, tín dụng tiêu dùng. Tích cực triển khai hiệu quả, thiết thực chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp.

 Hiện, lãi suất huy động trên địa bàn phổ biến ở mức 0,5-1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 4,3-5,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 5,3-6,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn trên 12 tháng ở mức 6,5-7,3%/năm.Mặt bằng lãi suất cho vay trên địa bàn phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 6-6,5%/năm đối với ngắn hạn; 7-9%/năm đối với trung, dài hạn. Lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường ở mức 6,8-9%/năm đối với ngắn hạn; 9-10,5%/năm đối với trung và dài hạn.

Tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng đến cuối tháng Ba ước đạt 66.280 tỷ đồng; giảm 3,96% so với cuối năm 2018. Trong đó, tiền gửi của các tổ chức kinh tế đạt: 23.330 tỷ đồng, giảm 17,41%; tiền gửi tiết kiệm 42.950 tỷ đồng, tăng 7,28% so với cuối năm 2018. Tổng dư nợ cho vay đến cuối tháng Ba ước đạt 67.450 tỷ đồng; tăng 0,28% so với cuối năm 2018, trong đó: dư nợ cho vay ngắn hạn 42.190 tỷ đồng; giảm 1,06% so với cuối năm 2018; chiếm 62,55% tổng dư nợ; dư nợ cho vay trung và dài hạn đạt 225.260 tỷ đồng, tăng 2,62% so với cuối năm 2018; chiếm 37,45% tổng dư nợ. Nợ xấu tháng 3/2019 ước là 772 tỷ, chiếm tỉ lệ 1,14% trên tổng dư nợ; nợ xấu giảm thấp góp phần cải thiện thanh khoản của hệ thống ngân hàng, giảm mặt bằng lãi suất, mở rộng tăng trưởng tín dụng, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trên địa bàn tỉnh.

5.3. Bảo hiểm

Công tác bảo hiểm tiếp tục được các ngành, các địa phương triển khai rộng khắp nhằm đảm bảo phục vụ tốt nhất cho các tầng lớp nhân dân và người lao động. Ước tính đến tháng 3 năm 2019, toàn tỉnh có 979.451 người tham gia đóng bảo hiểm các loại. Trong đó: BHXH bắt buộc: 188.288 người; BHXH tự nguyện: 2.656  người; BH thất nghiệp: 178.000 người; BHYT: 976.795 người. So với mục tiêu của Nghị quyết số 21-NQ/TW: tỷ lệ bao phủ BHXH đạt 28,9% lực lượng lao động, bảo hiểm thất nghiệp đạt 26,9% lực lượng lao động và tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 88,8% dân số.

Tổng số tiền thu bảo hiểm các loại đến hết quý I năm 2019 đạt 1.083,2 tỷ, tăng 16,58% so với cùng kỳ năm 2018, đạt 24,2% so với kế hoạch giao. Công tác cấp sổ, thẻ bảo hiểm các loại được phối hợp chặt chẽ giữa các ngành có liên quan và theo đúng quy trình. Công tác chi trả, nhất là trả lương hưu và trợ cấp BHXH được thực hiện đồng bộ, nhanh gọn và an toàn đến tận tay đối tượng. Trong quý I, đã giải quyết các chế độ BHXH kịp thời, đúng quy định cho các đối tượng thụ hưởng chế độ BHXH với tổng số tiền là 268,4 tỷ đồng (trong đó: Chi BHXH là 175,3 tỷ đồng, chi BHYT là 93,1 tỷ đồng). Cụ thể: Giải quyết hưởng BHXH hàng cho 186 người; Giải quyết hưởng BHXH một lần cho 1.435 người; Giải quyết ốm đau, thai sản, dưỡng sức cho 22.035 lượt người; lập danh sách chi trả cho 1.195 lượt người hưởng bảo hiểm thất nghiệp.

6. Thương mại, dịch vụ và giá cả

6.1. Bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng

Tình hình bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn tỉnh trong quý I diễn ra khá sôi động, nhân dân tập trung nhiều cho mua sắm hàng tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán nên hàng hoá tiêu thụ mạnh vào những ngày đầu tháng Hai. Sức mua tăng mạnh nhất vẫn là các mặt hàng lương thực, thực phẩm và một số sản phẩm thiết yếu khác phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp Tết. Những năm gần đây tỉnh Vĩnh Phúc đã có nhiều chính sách về phát triển thương mại, du lịch và dịch vụ; lực lượng tham gia kinh doanh thương mại, dịch vụ trên địa bàn tăng  góp phần làm cho lưu chuyển hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn tỉnh ổn định và có sự tăng trưởng so cùng kỳ.

Ước tính tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng quý I đạt 12.291 tỷ đồng, tăng 9,23% so với cùng kỳ năm trước và tăng ở tất cả các thành phần kinh tế. Trong đó, kinh tế cá thể và tư nhân vẫn chiếm tỷ trọng cao và có mức tăng khá: kinh tế cá thể đạt 6.007 tỷ đồng, chiếm 48,87% tổng mức, tăng 10,0%; kinh tế tư nhân đạt 5.082 tỷ đồng, chiếm 41,35%, tăng 8,34% so cùng kỳ.

Phân theo nhóm ngành kinh tế, ngành thương nghiệp bán lẻ ước đạt 10.631 tỷ đồng, chiếm 86,49% tổng mức, tăng 9,29% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành hàng lương thực, thực phẩm tăng 7,52%; hàng may mặc tăng 8,40%; gỗ và vật liệu xây dựng tăng 16,60%; ô tô các loại tăng 3,47% so với cùng kỳ...

Trong quý, hoạt động du lịch, lễ hội diễn ra sôi nổi gắn với các hoạt động văn hóa, thể thao và lễ hội đầu năm. Ngành du lịch ước đón 1,75 triệu lượt khách, tăng 16% so cùng kỳ (khách quốc tế là 10,88 ngàn lượt, khách nội địa là 1,739 triệu lượt). Du khách đến tỉnh tập trung chủ yếu ở Lễ hội Tây Thiên; Khu du lịch Tam Đảo; các khu Resort: Sông hồng Thủ đô, FLC Vĩnh Thịnh, Flamingo Đải Lải...Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch quý I ước đạt 913 tỷ, tăng 9,30% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu lưu trú tăng 9,02%, ăn uống tăng 9,41% và du lịch lữ hành tăng 6,41%.

Các ngành dịch vụ tiêu dùng khác ước thực hiện quý I đạt 747 tỷ, chiếm 6,08% tổng mức, tăng 8,27% so cùng kỳ năm trước.

6.2. Vận tải hành khách và hàng hoá

Kinh doanh vận tải trên địa bàn tỉnh những tháng đầu năm đáp ứng tốt nhu cầu vận chuyển hàng hóa và nhu cầu đi lại trong dịp Tết cũng như đi tham quan, lễ hội đầu năm của nhân dân. Ước tổng khối lượng vận chuyển hàng hóa quý I đạt 8.063 ngàn tấn, bằng 619 triệu tấn.km; so với cùng kỳ tăng 6,74% về tấn và tăng 7,19% về tấn.km. Khối lượng vận chuyển hành khách ước đạt 6.563 ngàn người, bằng 424 triệu người.km; so cùng kỳ tăng 3,74% về người và tăng 3,82% về người.km. Tổng doanh thu vận tải ước đạt 1.068 tỷ đồng, tăng 7,24% so cùng kỳ. Trong đó, vận tải đường bộ đạt 854 tỷ đồng, tăng 6,20%; vận tải đường sông đạt 214 tỷ đồng, tăng 11,62% so cùng kỳ...

6.3. Chỉ số giá tiêu dùng

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng Ba giảm 0,30% so với tháng trước, tăng 1,62% so với cùng kỳ và tăng 0,73% so tháng 12 năm trước. Tính chung ba tháng đầu năm, CPI tăng 1,69% so với cùng kỳ, thấp hơn so với mức tăng của ba tháng đầu năm 2018.

Đúng theo qui luật của thị trường, chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 3/2019 giảm do nhu cầu tiêu dùng sau Tết Nguyên Đán giảm. CPI tháng Ba giảm ở 5/11 nhóm hàng chính. Cụ thể: hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 1,63%; may mặc, mũ nón, giầy dép giảm 1,31%; thiết bị và đồ dùng gia đình giảm 0,13%; văn hóa giải trí du lịch giảm 0,11%; hàng hóa và dịch vụ khác giảm 0,01% so với tháng trước. Có 2/11 nhóm có chỉ số tăng: Nhóm giao thông có chỉ số tăng với 2,65%, nguyên nhân chủ yếu là từ nhóm nhiên liệu tăng 5,22% do có sự điều chỉnh tăng giá của tập đoàn xăng dầu Việt Nam (Giá xăng A95, E5: tăng 879 đồng/lít). Bên cạnh đó do nhu cầu xây dựng bắt đầu tăng trở lại, giá thép các loại tiếp tục tăng từ 100đ đến 150đ/kg, từ 1/3/2019 giá gas được điều chỉnh tăng 15.000đ/bình 12kg (+4,43%) làm cho nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,65%. Một số nhóm hàng còn lại giá tương đối ổn định.

Giá vàng và đô la Mỹ: Giá vàng trên địa bàn tỉnh giảm nhẹ, chỉ số giá trong tháng giảm 0,80% so với tháng trước. Giá vàng bình quân trên thị trường tự do là 3.582 nghìn đồng/chỉ. Giá Đô la Mỹ trên thị trường tự do trong tháng có những phiên tăng, giảm nhẹ. Nhưng bình quân chung của cả tháng 3 thì giá ổn định so với tháng trước; Giá bán bình quân phổ biến ở mức 22.527 đồng/USD.

7. Một số vấn đề xã hội

7.1. Giải quyết việc làm và đào tạo nghề

Hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm và xuất khẩu lao động được tăng cường. Trong quý I, Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh đã tổ chức 07 phiên giao dịch. Kết quả, qua 07 phiên giao dịch đã có 98 doanh nghiệp đăng ký tuyển lao động tại Sàn; số lao động đăng ký tại sàn: 406 người; lao động được tuyển tại sàn: 329 người; số người được tư vấn về chính sách lao động và việc làm: 566 lượt người. Ba tháng đầu năm 2019 ước giải quyết việc làm trong toàn tỉnh cho 5.900 lao động (đạt 25,6% so với kế hoạch năm 2019), trong đó: giải quyết việc làm trong nước cho: 5.710 lao động; đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài 190 lao động.

Theo kế hoạch, năm 2019 tỉnh Vĩnh Phúc đặt mục tiêu giải quyết việc làm cho 23 nghìn người, trong đó, đưa 2 nghìn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; phấn đấu tuyển mới 25,6 nghìn người học giáo dục nghề nghiệp. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ chú trọng đẩy mạnh hiệu quả công tác thông tin thị trường lao động; tư vấn, giới thiệu việc làm và cung ứng lao động với mục tiêu tư vấn về việc làm, học nghề, chính sách bảo hiểm thất nghiệp, tiếp tục tổ chức các phiên giao dịch việc làm tại sàn, giao dịch lưu động, giao dịch việc làm online, tăng cường tuyên truyền ở các vùng nông thôn để người dân nắm được thông tin, chủ động tìm kiếm việc làm thích hợp. Tỉnh cũng sẽ tổ chức liên kết với thị trường lao động ngoài tỉnh để tuyển dụng thêm nhân công, cung ứng cho các doanh nghiệp đang cần lao động số lượng lớn.

Công tác đào tạo nghề nghiệp luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh thông qua việc ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ người lao động của tỉnh tham gia học nghề; sự tham gia, vào cuộc của nhiều cấp, nhiều ngành; tư duy, nhận thức của phụ huynh, học sinh về học nghề đã có nhiều thay đổi theo hướng tích cực. Kết quả tuyển sinh đến ngày 13/3/2019 đã tuyển mới được 1.469 học sinh. Cơ sở vật chất, thiết bị dạy học luôn được tỉnh và các cơ sở GDNN quan tâm đầu tư, hoàn thiện; trình độ giáo viên dần chuẩn hóa theo quy định của Thông tư 08/2017/TT-BLĐTBXH ngày 10/3/2017 của Bộ Lao động-TB&XH quy định chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ của nhà giáo GDNN, cơ bản đáp ứng yêu cầu đào tạo hiện nay. Theo kế hoạch, trong giai đoạn 2017 - 2020, toàn tỉnh sẽ đào tạo và hỗ trợ học nghề sơ cấp và dưới 3 tháng cho 19.435 lao động khu vực nông thôn, trong đó: Nhóm nghề nông nghiệp là 12.629, nghề phi nông nghiệp là 6.806 người; trình độ sơ cấp 11.838, học nghề dưới 3 tháng là 7.597 người.

7.2. Công tác bảo đảm an sinh xã hội

Các chế độ, chính sách ưu đãi đối với người có công, gia đình chính sách được thực hiện đúng, đầy đủ, kịp thời theo quy định. Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” tiếp tục được duy trì, trong đó đã huy động được toàn thể các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị xã hội, cộng đồng dân cư tham gia, qua đó góp phần ổn định và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ và người có công.

Hoạt động bảo trợ xã hội và giảm nghèo được chú trọng. Chính sách an sinh xã hội, các chính sách hỗ trợ hộ nghèo, người nghèo, các đối tượng bảo trợ xã hội, đối tượng yếu thế của tỉnh được thực hiện cao hơn so với mặt bằng chung như: hỗ trợ lãi suất vay vốn, hỗ trợ người nghèo học nghề, xuất khẩu lao động, chính sách bảo hiểm y tế người cận nghèo…

Công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em tiếp tục được cải thiện đáng kể về mọi mặt, các quyền của trẻ em ngày càng được đảm bảo tốt hơn. Trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được quan tâm chăm sóc; số trẻ em lang thang kiếm sống, trẻ em phải làm việc xa gia đình, trẻ em vi phạm pháp luật giảm. Các thiết bị vui chơi giải trí cho trẻ em tại nhà văn hóa các thôn, khu dân cư tiếp tục được rà soát và lắp đặt. Việc cấp thẻ bảo hiểm y tế và khám chữa bệnh miễn phí cho trẻ em dưới 6 tuổi tiếp tục được thực hiện tốt.

Đến hết quý I/2019, trên địa bàn tỉnh có hơn 979 ngàn người tham gia bảo hiểu xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm y tế, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó tỷ lệ tham gia BHXH đạt 28,9% lực lượng lao động tỷ lệ tham gia BHYT đạt tỷ lệ 88,8% dân số (vượt 2,3% so với chỉ tiêu giao tại Quyết định 1167/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ).

 

7.3. Giáo dục

Trong quý I, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo ngành Giáo dục và Đào tạo triển khai thực hiện Chương trình hành động của Tỉnh uỷ về thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; tích cực xây dựng các trường đạt chuẩn quốc gia, hiện nay toàn tỉnh có 490/504 trường chuẩn quốc gia đạt tỷ lệ 97% tăng 1,4% so với cùng kỳ năm trước; rà soát việc xây dựng phòng học mầm non; đôn đốc tiến độ xây dựng trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc tại địa điểm mới; điều chỉnh chính sách thưởng cho học sinh, sinh viên, giáo viên đạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi; thành lập Ban chỉ đạo đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; xây dựng Kế hoạch tổ chức Hội khỏe phù đổng tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ IX, tham gia Hội khỏe phù đổng toàn quốc lần thứ X; hoàn thành đánh giá sơ kết học kỳ I, triển khai thực hiện các nhiệm vụ học kỳ II năm học 2018 – 2019…

Hiện nay, Bộ Giáo dục và đào tạo đã công bố lịch thi kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019. Theo đó, kỳ thi sẽ diễn ra trong 03 ngày, từ ngày 25 đến ngày 27/6/2019. Để kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019 đạt kết quả cao, Sở Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản yêu cầu các trường THPT tổ chức tuyên truyền để cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh và phụ huynh học sinh nắm rõ về kỳ thi THPT Quốc gia 2019. Trong đó, đặc biệt lưu ý về nội dung chương trình thi, dự kiến tỷ lệ điểm xét tốt nghiệp THPT năm 2019 là 70% điểm thi và 30% điểm học. Trên cơ sở chương trình giáo dục THPT, hướng dẫn đối với các môn thi THPT Quốc gia và việc lựa chọn bài thi của học sinh, các nhà trường tổ chức xây dựng kế hoạch ôn tập chi tiết cho từng tuần. Việc tổ chức dạy thêm phục vụ ôn thi phải thực hiện theo đúng quy định tại Thông tư số 17 của Bộ GD&ĐT, Văn bản số 999/SGDĐT-GDTrH, ngày 20/9/2018 của Sở GD&ĐT về việc tổ chức và quản lý dạy thêm, học thêm trong nhà trường từ năm học 2018-2019.

7.4. Y tế

Trong kỳ, Ngành Y tế đã chỉ đạo các cơ sở y tế nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho nhân dân, duy trì chế độ trực 24/24 giờ ở tất cả các tuyến; đẩy mạnh kiểm tra, đánh giá chất lượng, sự hài lòng của bệnh nhân, cán bộ y tế tại các cơ sở khám chữa bệnh trong tỉnh. Công tác phòng chống dịch bệnh được quan tâm và tổ chức điều trị kịp thời cho người bệnh, truyền thông, giáo dục sức khỏe, phổ biến kiến thức về các biện pháp phòng chống dịch bệnh trong giai đoạn giao mùa; tổ chức hướng dẫn thực hiện các biện pháp vệ sinh cá nhân, vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh trong nhà trường (đặc biệt là lứa tuổi nhà trẻ, mẫu giáo) không để dịch bệnh lớn xảy ra trên địa bàn. Do đó, trong kỳ trên địa bàn tỉnh không có dịch lớn xảy ra, chỉ xảy ra rải rác một số bệnh truyền nhiễm như cúm, tiêu chảy, thủy đậu, tay - chân - miệng, sởi, quai bị...

Công tác tuyên truyền về Luật an toàn thực phẩm, nâng cao kiến thức, thái độ thực hành về VSATTP, các tiêu chuẩn, quy chuẩn và quy định điều kiện VSATTP cho cộng đồng được tăng cường. Ước tính hết quý I năm 2019, tiến hành kiểm tra 2.500 cơ sở, trong đó số cơ sở đạt tiêu chuẩn chất lượng ATVSTP ước tính 3 tháng là 2.150 cơ sở (đạt tỷ lệ 86%). Các cơ sở vi phạm đã tiến hành xử lý theo quy định. Các lỗi vi phạm chủ yếu như: hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, chứng từ chứng minh nguồn gốc không đầy đủ, rõ ràng; không đăng ký đánh giá xác nhận kiến thức ATTP cho nhân viên trực tiếp tiếp xúc với thực phẩm; vi phạm quy định về tiêu chuẩn sức khỏe trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm, ghi nhãn hàng hóa, sử dụng phụ gia ngoài danh mục cho phép….Quý I năm 2019, trên địa bàn tỉnh không xảy ra vụ ngộc độc thực phẩm nhiều người mắc nào, không có tử vong do ngộ độc thực phẩm.

7.5. Văn hoá, thể thao

Hoạt động văn hóa, thông tinđã tập trung tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị, các sự kiện quan trọng của đất nước và của tỉnh; trọng tâm là những thành tựu, kết quả nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 của cả nước nói chung và tỉnh ta nói riêng, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 của BCH Trung ương Đảng khóa XII, các hoạt động văn hóa, thể thao mừng Đảng, mừng Xuân 2019 gắn với Kỷ niệm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Các ngành, các địa phương đã tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, lễ hội như: Biểu diễn văn nghệ chào năm mới 2019 tại Quảng trường – Nhà hát tỉnh, khai hội báo Xuân và triển lãm sách báo mùa Xuân, biểu diễn nghệ thuật phục vụ nhân dân các xã miền núi và phục vụ các lễ hội; tổ chức các hoạt động triển lãm thư pháp, tặng chữ đầu xuân; tổ chức lễ tôn vinh các bậc Tiên thánh, Tiên triết, Tiên hiền và danh nhân khoa bảng tỉnh tại Văn miếu tỉnh; tuyên truyền, quảng bá tiềm năng phát triển của tỉnh trên các màn hình điện tử ngoài trời và các tuyến phố trung tâm của tỉnh..., góp phần nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân. Quản lý nhà nước về văn hóa, lễ hội được tăng cường, các địa phương tổ chức thực hiện nghiêm các quy định về lễ hội, bảo đảm lành mạnh, an toàn, tiết kiệm.

Hoạt động các cơ quan báo chí, bản tin, trang thông tin điện tử, đài truyền thanh các cấpđã bám sát định hướng tuyên truyền và làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền các chủ đề trọng tâm quý 1/2019, trong đó Báo Vĩnh Phúc đã xuất bản 87 kỳ với hơn 9 ngàn tin, bài, ảnh trên các ấn phẩm; Đài Phát thanh truyền hình phát sóng 24 giờ/ngày với hơn 4 ngàn tin, bài, phóng sự - chuyên mục, phát thanh 3 buổi/ngày, với hơn 1 ngàn tin, bài, phóng sự,…

Thể thao thành tích cao tiếp tục được quan tâm, duy trì các đội tập luyện. Phong trào thể thao quần chúng được diễn ra sâu rộng, tỉnh đã tổ chức thành công ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân năm 2019.

Lễ khởi động Tháng Thanh niên năm 2019 với chủ đề “Thanh niên tình nguyện vì cộng đồng” với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao và các hoạt động có ý nghĩa diễn ra, qua đó góp phần giáo dục lòng yêu nước, tự hào dân tộc, truyền thống vẻ vang của Đảng Cộng sản Việt Nam, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cho thế hệ tuổi trẻ Vĩnh Phúc; phát huy vai trò xung kích, tình nguyện của tuổi trẻ hành động vì cộng đồng; tạo phong trào thi đua sôi nổi chào mừng 88 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931-26/3/2019).

7.6. An ninh, trật tự an toàn xã hội

Tình hình an ninh, trật tự cơ bản ổn định. Các biện pháp đảm bảo an ninh, trật tự được lực lượng chức năng chủ động triển khai, nắm chắc tình hình an ninh nội bộ, an ninh kinh tế, an ninh xã hội để tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp giải quyết ổn định ngay từ cơ sở, không để xảy ra các vụ việc phức tạp. Các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm đảm bảo an ninh, trật tự Tết Nguyên đán và các lễ hội đầu năm được ra quân, triển khai tốt.

Thực hiện đợt cao điểm đảm bảo trật tự an toàn giao thông Tết Nguyên đán và các lễ hội xuân năm 2019, các cơ quan chức năng đã tăng cường phương tiện, lực lượng, thiết bị kỹ thuật và các biện pháp nghiệp vụ, tích cực phòng ngừa, hạn chế mức thấp nhất tai nạn giao thông. Tuy nhiên, theo báo cáo của Ban An toàn giao thông tỉnh, trong ba tháng đầu năm, trên địa bàn tỉnh xảy ra 08 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết 08 người và bị thương 03 người. So với cùng kỳ năm trước tình hình tai nạn giao thông tăng cả trên 3 tiêu chí số vụ, số người chết và số người bị thương. Nguyên nhân chủ yếu được xác định là do người tham gia giao thôngkhông đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định, đi ngược chiều, đi sai làn đường, phần đường, chạy quá tốc độ quy định... Qua tuần tra, kiểm soát, lực lượng chức năng đã lập biên bản, ra quyết định xử phạt 4.186 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông, thu gần 2,0 tỷ đồng nộp ngân sách Nhà nước.

7.7.Cháy, nổ và bảo vệ môi trường

 Tình hình cháy nổ: Để đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy trong dịp Tết Nguyên đán 2019, Lực lượng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy Công an tỉnh đã mở đợt cao điểm về công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; bảo đảm an ninh, trật tự; tổ chức rà soát, xây dựng các ph­ương án xử lý tình huống cháy; thực hiện tốt công tác thường trực sẵn sàng chiến đấu về cả lực lượng và phương tiện để cứu chữa kịp thời, hiệu quả các vụ cháy, nổ xảy ra; yêu cầu các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đóng trên địa bàn kiểm tra các phương tiện, dụng cụ chữa cháy tại chỗ, thiết bị báo cháy, lối thoát nạn, thoát hiểm, đảm bảo an toàn về người và tài sản khi có sự cố xảy ra... Tổ chức tuyên truyền, khuyến cáo nhân dân nâng cao tinh thần tự giác, cảnh giác, đề phòng cháy, nổ. Tính từ đầu tháng Ba đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 02 vụ cháy, ước tính giá trị thiệt hại 1,4 tỷ đồng. Lũy kế từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 09 vụ cháy ước thiệt hại 4,9 tỷ đồng.

 Công tác bảo vệ môi trường:Ngày 07/3/2019, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành văn bản về việc tổ chức các hoạt động hưởng ứng ngày Nước Thế giới. Nhiều hoạt động hưởng ứng ngày Nước Thế giới năm 2019 với chủ đề “Nước cho tất cả - Không ai bị bỏ lại phía sau” đã được tỉnh tổ chức, nhằm tuyên truyền đến người dân việc  tiếp cận nguồn nước an toàn là nền tảng cho sức khỏe cộng đồng, cho sự phát triển bền vững. Các hoạt động hưởng ứng chiến dịch "Giờ trái đất năm 2019" như phát từ rơi, dán poster, treo băng rôn tại các cơ quan, đơn vị, các khu tập trung đông dân cư; tổ chức hoạt động đạp xe tuyên truyền trên địa bàn thành phố Vĩnh Yên; tuyên truyền, vận động các cơ quan, đơn vị và các hộ gia đình trên địa bàn tỉnh tích cực tham gia tắt đèn và các thiết bị điện không cần thiết vào thời điểm diễn ra sự kiện. Đây là sự kiện xã hội có ý nghĩa sâu sắc và tác động lớn đến việc nâng cao ý thức người dân, cộng đồng và xã hội trong việc tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu./.

 

luat_sua_doi_ltk

Đang truy cập: 27
Trong ngày: 31
Trong tuần: 996
Lượt truy cập: 1430659

Xin cho biết ý kiến của bạn về trang thông tin điện tử Cục Thống kê tỉnh Vĩnh Phúc?
Tốt
Khá
Trung bình
Kém

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỤC THỐNG KÊ TỈNH VĨNH PHÚCChung nhan Tin Nhiem Mang

Địa chỉ: Số 20

Lý Thái Tổ - Phường Đống Đa - Thành phố Vĩnh Yên - Tỉnh Vĩnh Phúc

Điện thoại: 0211 3 861 139, Fax: 0211 3 843 841Email: vinhphuc@gso.gov.vn, cuctk@vinhphuc.gov.vn