.::. Cung cấp thông tin đầy đủ, trung thực là trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, đơn vị sự nghiệp, hiệp hội, cơ sở hành chính, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng trên địa bàn .::. .............................................................................................................................................................................................................. ........................................  

BÁO CÁO

Tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Vĩnh Phúc

tháng 02 và 02 tháng đầu năm 2022

 

1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản

Trồng trọt

Theo báo cáo của các địa phương, tiến độ gieo trồng vụ Xuân năm nay nhanh hơn năm trước do lịch xả nước đổ ải cho gieo trồng sớm hơn (khoảng 10 ngày). Tính đến ngày 15/2/2022, toàn tỉnh đã gieo trồng được 31.129 ha diện tích vụ Xuân, đạt 81,92% kế hoạch và tăng 18,01% so với cùng thời điểm năm trước, trong đó diện tích lúa đạt 24.350 ha, ngô 1.774 ha, lạc 1.204 ha, rau các loại 1.795 ha,...

Chăn nuôi

Ước tính đến 28/02/2022, đàn trâu toàn tỉnh giảm 1,74% so với cùng thời điểm năm trước; đàn bò giảm 2,2%; đàn gia cầm tăng 0,43%; đàn lợn giảm 0,24% so với cùng kỳ. Sản lượng thịt trâu, bò hơi xuất chuồng trong tháng ước đạt 539,5 tấn, giảm 16,25%; sản lượng thịt lợn hơi đạt 7.308 tấn, giảm 1,34%; thịt gia cầm hơi đạt 3.850 tấn, giảm 9,07%; sản lượng trứng gia cầm 61 triệu quả, tăng 4,27%; sản lượng sữa bò tươi đạt 4.520 tấn, tăng 6,35% so với cùng kỳ.

Sản xuất lâm nghiệp

Trong tháng, sản xuất lâm nghiệp chủ yếu tập trung vào công tác ươm cây giống, chuẩn bị hiện trường cho công tác trồng rừng, bảo vệ rừng, thực hiện trồng cây phân tán hưởng ứng “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” xuân Nhâm Dần 2022 và chương trình trồng 01 tỷ cây "vì một Việt Nam xanh”. Số lượng cây trồng phân tán trong tháng Hai ước đạt 80 nghìn cây, chỉ bằng 52,08% so cùng kỳ do diện tích trồng tại các nơi công cộng như bệnh viện, trường học, trung tâm văn hóa, công sở,... ngày càng giảm. Sản lượng gỗ khai thác ước đạt 2.397 m3, tăng 3,31%; sản lượng củi khai thác ước đạt 2.551 ste, tăng 2,85% so với cùng kỳ.

Công tác bảo vệ và phòng chống cháy rừng tiếp tục được thực hiện tốt, không xảy ra cháy rừng trên địa bàn.

Sản xuất thuỷ sản

Tháng 02/2022, sản xuất thủy sản trên địa bàn tỉnh nhìn chung ổn định; các hộ nuôi thủy sản đã chủ động các biện pháp chăm sóc, phòng, chống rét và dịch bệnh cho các đối tượng nuôi. Giá thủy sản sau Tết duy trì ở mức cao giúp cho người dân yên tâm đầu tư sản xuất, tiếp tục thu hoạch cá thương phẩm cung cấp cho thị trường. Tổng sản lượng thủy sản ước đạt 1.792,3 tấn, giảm 1,60% so với cùng kỳ; trong đó, sản lượng khai thác nội địa ước đạt 111,10 tấn, giảm 3,22%; sản lượng nuôi trồng ước đạt 1.681,20 tấn, giảm 1,49%. Tính chung hai tháng đầu năm, tổng sản lượng thủy sản ước đạt 3.743 tấn, tăng 1,65%; trong đó, sản lượng khai thác nội địa ước đạt 272 tấn, giảm 2,65%; sản lượng nuôi trồng ước đạt 3.471 tấn, tăng 2,0% so với hai tháng đầu năm 2021.

  1. Sản xuất công nghiệp

Tháng Hai năm 2022, tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp, các ca lây nhiễm trong cộng đồng có xu hướng tăng nhanh. Tuy nhiên với các biện pháp kiểm soát dịch bệnh chủ động, thích ứng an toàn, linh hoạt theo tinh thần Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11 tháng 10 năm 2021 của Chính phủ, hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh trong tháng tiếp tục duy trì ổn định; các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn đã chủ động xây dựng kịch bản, thực hiện các phương thức sản xuất, kinh doanh an toàn, thích ứng tốt với các diễn biến khác nhau nhằm duy trì thông suốt hoạt động sản xuất kinh doanh trong bối cảnh có dịch.

Chỉ số sản xuất công nghiệp

Tháng 02/2022, Chỉ số sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh ước tính giảm 24,81% so với tháng trước, trong đó: ngành chế biến, chế tạo giảm 25,01%; sản xuất và phân phối điện giảm 4,57%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 16,63%; ngành khai khoáng giảm 18,48%. Nguyên nhân chủ yếu là do tháng Hai có 28 ngày, đồng thời là tháng có kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, số ngày hoạt động thực tế của các doanh nghiệp đều giảm từ 6 đến 8 ngày so với tháng trước nên sản lượng sản xuất của các ngành công nghiệp đều giảm đáng kể. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm trước, chỉ số IIP của tỉnh vẫn đạt mức tăng khá cao, tăng 24,64%.

Sản phẩm sản xuất chủ yếu

Dự kiến sản lượng các sản phẩm công nghiệp chủ yếu trong tháng đều tăng khá so cùng kỳ: thức ăn gia súc, gia cầm ước đạt 27.600 tấn, tăng 27,26%; giày thể thao 1.100,2 nghìn đôi, tăng 25,84%; ô tô các loại 3.477 chiếc, tăng 13,63%; xe máy các loại 102.160 chiếc, tăng 14,51%; doanh thu sản xuất linh kiện điện tử ước đạt 13.479,2 tỷ đồng, tăng 37,05%.

Chỉ số sử dụng lao động

Sau kỳ nghỉ Tết, đa số người lao động đã quay trở lại làm việc ổn định tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn, một số doanh nghiệp có tuyển dụng thêm nhân công để đảm bảo hoàn thành đơn hàng và kế hoạch sản xuất của năm. Chỉ số sử dụng lao động của các doanh nghiệp công nghiệp trên địa bàn trong tháng Hai tăng 2,12% so với tháng trước và giảm 0,34% so với cùng kỳ. So với tháng Một, chỉ số sử dụng lao động của các doanh nghiệp trong các ngành như sau: Ngành khai khoáng tăng 1,18%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 2,16%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng và điều hòa không khí tăng 0,16%; ngành cung cấp nước và hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải giữ ở mức ổn định.

Chỉ số tiêu thụ, tồn kho

Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng Hai giảm 28,46% so với tháng trước và tăng 5,58% so với cùng kỳ năm trước. So với tháng trước, ngoài ngành sản xuất thiết bị điện có chỉ số tiêu thụ tăng 0,72%; các ngành công nghiệp còn lại đều có chỉ số tiêu thụ giảm; trong đó, một số ngành có chỉ số tiêu thụ giảm sâu so với tháng trước là: Sản xuất phương tiện vận tải khác giảm 39,42%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ giảm 30,33%; sản xuất xe có động cơ giảm 26,60%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic giảm 25,08%...

Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng Hai tăng 3,75% so với tháng trước và tăng 7,81% so với cùng kỳ năm trước. So với tháng trước, 07/18 ngành công nghiệp có chỉ số tồn kho tăng: Sản xuất chế biến thực phẩm tăng 29,88%; sản xuất phương tiện vận tải khác tăng 26,24%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (trừ giường, tủ, bàn, ghế), sản xuất sản phẩm từ rơm, rạ và vật liệu tết bện tăng 22,65%. 11/18 ngành công nghiệp còn lại có chỉ số tồn kho giảm: Dệt giảm 26,23%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu giảm 21,13%; sản xuất thiết bị điện giảm 13,38%...

  1. Đầu tư và phát triển doanh nghiệp

Vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn ngân sách Nhà nước

Tháng Hai, tình hình thực hiện vốn đầu tư thuộc nguồn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý có sự sụt giảm so với tháng trước do trong tháng có kỳ nghỉ Tết kéo dài, nhiều công trình, dự án tạm dừng thi công. Tuy nhiên, một số công trình trọng điểm được chủ đầu tư và các nhà thầu quan tâm, duy trì tiến độ thi công, đảm bảo hoàn thành đúng thời hạn, do vậy, ước tính tổng vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước trong tháng đạt 297,72 tỷ đồng, bằng 4,29% vốn kế hoạch năm 2022 và tăng 2,26% so với cùng kỳ. Trong đó, vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh thực hiện là 126,21 tỷ đồng, vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện là 157,21 tỷ đồng và 14,3 tỷ đồng là vốn ngân sách Nhà nước cấp xã quản lý.

Thu hút đầu tư trực tiếp

 Theo số liệu của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc, đến ngày 15/02/2022, tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 07 dự án DDI (03 dự án cấp mới, 04 dự án điều chỉnh vốn) với tổng vốn đăng ký đạt 1.335 tỷ đồng, tăng mạnh về số vốn đăng ký điều chỉnh (đạt 1.305 tỷ đồng, tăng 715,83% so với cùng kỳ); 13 dự án FDI (04 dự án cấp mới, 09 dự án điều chỉnh vốn) với tổng vốn đăng ký đạt 103,85 triệu USD, tăng chủ yếu ở các dự án điều chỉnh vốn với tổng số đăng ký điều chỉnh đạt 39,85 triệu USD, tăng 23,93% so với cùng kỳ.

Tình hình đăng ký doanh nghiệp

Tính đến ngày 15/02/2022, toàn tỉnh có 145 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 2.268 tỷ đồng, tăng 5,07% về số doanh nghiệp, tăng 53% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 15,64 tỷ đồng, tăng 45,61% so với cùng kỳ.

Số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, giải thể vẫn có chiều hướng gia tăng với 294 doanh nghiệp, tăng 38,68% so với cùng kỳ, trong đó, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 279 doanh nghiệp, tăng 43,81%; số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể là 15 doanh nghiệp, giảm 16,67% so với cùng kỳ.

4. Thương mại, dịch vụ và giá cả

Tháng Hai, tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp trên địa bàn và kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh doanh thương mại, dịch vụ trên địa bàn tỉnh. Cùng với sức mua của người tiêu dùng giảm sau Tết nên tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong tháng giảm nhiều so với tháng trước và cùng kỳ. Hoạt động giao thông vận tải đảm bảo thông suốt, tiếp tục đáp ứng tốt nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa phục vụ sản xuất, kinh doanh của Nhân dân.

Tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng

Tháng 02/2022, Tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ lưu trú ăn uống, du lịch lữ hành và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 4.271,03 tỷ đồng, giảm 23,1% so với tháng trước và giảm 7,92% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể theo từng nhóm ngành kinh doanh như sau:

- Tổng mức bán lẻ hàng hóa ước đạt 3.861,05 tỷ đồng, giảm 21,78% so với tháng trước và giảm 7,18% so với cùng kỳ 2021. So với cùng kỳ năm trước, toàn bộ 12 nhóm ngành hàng chủ yếu đều giảm.

- Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành ước đạt 253,82 tỷ đồng, giảm 37,64% so với tháng trước và giảm 7,61% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, doanh thu dịch vụ lưu trú ước đạt 20,86 tỷ đồng, giảm 7,49%; doanh thu dịch vụ ăn uống đạt 230,61 tỷ đồng, giảm 8,56% so với cùng kỳ. Dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh đã có những hoạt động trở lại, doanh thu trong tháng ước tính đạt 2,35 tỷ đồng.

 - Doanh thu các ngành dịch vụ tiêu dùng khác ước đạt 156,16 tỷ đồng, giảm 26,07% so tháng trước và giảm 20,81% so với tháng cùng kỳ năm 2021.

Tính chung 02 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 9.825,2 tỷ đồng, tăng 0,06% so với cùng kỳ. Trong đó: Doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 8.796,96 tỷ đồng, giảm 0,10%; doanh thu các ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành đạt 660,85 tỷ đồng, tăng 9,09%; doanh thu các ngành dịch vụ tiêu dùng khác đạt 367,39 tỷ đồng, giảm 10,78%.

Vận tải hành khách và hàng hoá

Ước tính doanh thu hoạt động vận tải tháng Hai đạt 325,1 tỷ đồng, giảm 9,87% so với tháng trước và giảm 0,82% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu vận tải hành khách ước đạt 50,9 tỷ đồng, tăng 26,09% so với tháng trước và giảm 25,09% so với cùng kỳ; doanh thu vận tải hàng hóa ước đạt 266,4 tỷ đồng, giảm 14,88% so với tháng Một và tăng 5,99% so với tháng 02 năm trước. Tính chung 02 tháng đầu năm nay, doanh thu vận tải ước đạt 685,8 tỷ đồng, giảm 3,49% so với cùng kỳ năm 2021.

Chỉ số giá

- Chỉ số giá tiêu dùng: Tháng Hai năm 2022, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trên địa bàn tỉnh tăng 0,92% so với tháng trước và tăng 1,12% so với cùng kỳ. Tính chung hai tháng đầu năm, CPI tăng 0,88% so với cùng kỳ.

- Chỉ số giá vàng và Đô la Mỹ: Chỉ số giá vàng trong tháng Hai tăng 1,8% so với tháng trước nhưng giảm 1,15% so với cùng kỳ; giá Đô la Mỹ trên thị trường tư do giảm nhẹ với mức giảm 0,65% so với tháng trước và giảm 0,7% so với cùng tháng năm trước. Trên thị trường tự do, giá vàng bình quân là 5.605 nghìn đồng/chỉ, giá bán bình quân Đô la Mỹ là 22.950 đồng/USD.

  1. Tài chính, ngân hàng, bảo hiểm

Tình hình thu, chi ngân sách Nhà nước

Theo số liệu Kho bạc Nhà nước tỉnh Vĩnh Phúc, tổng thu ngân sách trên địa bàn đến ngày 15/02/2022 đạt 6.141,1 tỷ đồng, tăng 3,30% so với cùng kỳ, chủ yếu tăng ở nguồn thu từ hải quan (đạt 868,3 tỷ đồng, tăng 53,06%) do trong tháng, lượng hàng hóa, nguyên vật liệu nhập khẩu phục vụ cho sản xuất tăng cao (thu từ thuế GTGT hàng hóa nhập khẩu đạt 764,9 tỷ đồng, tăng 88,55%); thu nội địa đạt 5.265,6 tỷ đồng, giảm 2,66% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng chi ngân sách nhà nước đến ngày 15/02/2022 đạt 1.710,3 tỷ đồng, giảm 24,08% so với cùng kỳ. trong đó chi thường xuyên đạt 1.253,8 tỷ đồng, giảm 5,75%; chi đầu tư phát triển (bao gồm cả chi tạm ứng đạt 441,5 tỷ đồng, giảm 51,27%.

Hoạt động ngân hàng, tín dụng

Tháng Hai là tháng có Tết Nguyên Đán, nhu cầu tiền mặt tăng cao nhưng lãi suất huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn ổn định, không có hiện tượng tăng mùa vụ, phổ biến ở mức 0,1 - 0,2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và từ 3,3 - 6,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến trên 12 tháng. Lãi suất cho vay các lĩnh vực ưu tiên phổ biến ở mức 4 - 9,5%/năm đối với ngắn hạn; 5-7,8%/năm đối với từng kỳ hạn và đối tượng. Tổng nguồn vốn huy động dự kiến đến 28/02/2022 ước đạt 97.000 tỷ đồng, tăng 0,68% so với cuối năm 2021.

 Tổng dư nợ cho vay đến 28/02/2022 ước đạt 105.000 tỷ đồng, tăng 2,9% so với cuối năm 2021. Trong đó, dư nợ cho vay ngắn hạn ước đạt 73.500 tỷ đồng, tăng 3,79%, chiếm 69,27% tổng dư nợ; dư nợ cho vay trung và dài hạn đạt 31.500 tỷ đồng, tăng 0,88% so với cuối năm 2021, chiếm 30,73% tổng dư nợ. Dự kiến nợ xấu đến 28/02/2022 ước đạt 817 tỷ đồng; giảm 0,37% so với tháng 12/2021, chiếm tỷ lệ 0,78% trên tổng dư nợ.

Bảo hiểm

Ước tính đến 28/02/2022, toàn tỉnh có 1.118.773 người tham gia đóng bảo hiểm các loại. Trong đó, tham gia BHXH có 248.691 người, chiếm 37,47% lực lượng lao động (bao gồm: BHXH bắt buộc: 228.807 người; BHXH tự nguyện: 19.884 người) tham gia BH thất nghiệp: 221.000 người, chiếm 33,29% lực lượng lao động; tham gia BHYT: 1.098.889 người, tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 91,88% dân số.

Tổng số tiền thu bảo hiểm các loại ước đạt 721,2 tỷ đồng, đạt 12,4% kế hoạch giao và tăng 7,13% so với cùng kỳ năm 2021. Công tác chi trả, nhất là trả lương hưu và trợ cấp BHXH được thực hiện đồng bộ, nhanh gọn và an toàn đến tận tay đối tượng. Hai tháng đầu năm, BHXH tỉnh đã giải quyết hưởng BHXH hàng tháng cho 169 người; BHXH một lần cho 1.248 người; Giải quyết ốm đau, thai sản, dưỡng sức cho 7.019 lượt người; lập danh sách chi trả cho 368 lượt người hưởng bảo hiểm thất nghiệp.

6. Một số vấn đề xã hội

Y tế

- Công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19: Tháng Hai năm 2022, tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh tiếp tục diễn biến phức tạp, số ca mắc mới tăng cao, nhất là thời điểm sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần. Công tác phòng, chống dịch Covid-19 tiếp tục được triển khai quyết liệt và đồng bộ. Tính từ ngày 27/04/2021 đến ngày 24/02/2022, trong tỉnh đã phát sinh 71.250 ca mắc Covid-19; trong đó, có nhiều ca xảy ra trong cộng đồng và các đơn vị sản xuất kinh doanh. Toàn tỉnh có 51.463 bệnh nhân đang điều trị, số bệnh nhân đã điều trị khỏi là 22.077 người và có 11 bệnh nhân tử vong.

Lũy kế tính đến ngày 24/02/2022, toàn tỉnh đã tiêm vắc xin cho 783.051 người đạt trên 99,1% dân số trên 18 tuổi với tổng số liều được tiêm 2.130.905 liều (tiêm mũi 1: 783.051 người, mũi 2: 772.905 người, mũi 3: 574.949 người); đã tiêm được 114.135 người người từ 12-17 tuổi, đạt 98,4% dân số từ 12-17 tuổi với tổng số liều được tiêm là 226.235 (tiêm mũi 1: 114.135 người, mũi 2: 112.100 người).

- Tình hình an toàn vệ sinh thực phẩm (VSATTP): Công tác phòng, chống ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm được thực hiện thường xuyên; hoạt động thanh tra, kiểm tra liên ngành VSATTP được tăng cường, các đoàn thanh, kiểm tra đặc biệt chú trọng kiểm tra các sản phẩm, nhóm sản phẩm tiêu dùng phổ biến trong dịp Tết và các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống. Trong tháng trên địa bàn tỉnh không có trường hợp ngộ độc thực phẩm xảy ra.

- Công tác phòng chống HIV/AIDS: Tính đến ngày 31/01/2022, lũy tích có 4.779 người nhiễm HIV, số người chuyển AIDS là 2.353 người, số người tử vong do AIDS là 1.069 người, số người nhiễm HIV hiện còn sống là 3.710. Số bệnh nhân đang nhận thuốc điều trị ARV là 1.077 bệnh nhân.

Giáo dục

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 tại các địa phương trên địa bàn tỉnh cùng với thời tiết không khí lạnh tăng cường, chuyển rét đậm, rét hại, tỉnh Vĩnh Phúc đã cho học sinh các trường tiểu học, trung học cơ sở chuyển trạng thái từ học tập trực tiếp sang trực tuyến từ ngày 21/2/2022, cho đến khi có thông báo mới của Ban Chỉ đạo các huyện/thành phố; các trường mầm non tiếp tục mở cửa đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của phụ huynh, tạo điều kiện để phụ huynh yên tâm lao động, sản xuất; các trường trung học phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên tiếp tục trì dạy học trực tiếp; đồng thời tổ chức dạy học trực tuyến đối với học sinh thuộc diện F0, F1.

Công tác an sinh xã hội

Công tác chăm lo chuẩn bị Tết cho nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội, nhất là các đối tượng chính sách, gia đình gặp khó khăn, được thực hiện kịp thời, chu đáo, đúng đối tượng. Kết quả tổng hợp đến ngày 17/02/2022, đã trao 24.169 xuất quà của Chủ tịch nước, tương đương 7.365 triệu đồng; 44.556 xuất quà của tỉnh, tương đương 37 tỷ đồng, tạo điều kiện cho mọi người, mọi nhà đón Tết Nguyên đán vui vẻ và đầm ấm.

 Công tác Chúc thọ, mừng thọ người cao tuổi năm 2022, toàn tỉnh có 19.331 người cao tuổi được chúc thọ, mừng thọ (Thọ 100 tuổi: 318 người; thọ 90 tuổi: 1.789 người; từ 70 đến dưới 90 tuổi có 17.224 người) toàn bộ người cao tuổi trên địa bàn tỉnh đã được nhận đầy đủ kinh phí, hiện vật chúc thọ, mừng thọ theo quy định.

Tình hình an ninh, trật tự, an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ, thiên tai và bảo vệ môi trường

- Tình hình an ninh trật tự: Từ ngày 15/01/2022 đến ngày 14/02/2022, tỉnh Vĩnh Phúc xảy ra 41 vụ vi phạm trật tự an toàn xã hội (giảm 13 vụ so với tháng trước), làm bị thương 11 người, thiệt hại tài sản 889,9 triệu đồng, đã điều tra làm rõ 35 vụ (đạt 85,36%), bắt giữ 65 đối tượng, thu hồi tài sản trị giá 387,85 triệu đồng.

- Tình hình an toàn giao thông: Trong 09 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần (từ ngày 29/01 đến ngày 06/02/2022), trên địa bàn tỉnh không xảy ra tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông. Lực lượng chức năng đã kiểm tra phát hiện và xử lý 461 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông, xử phạt 410,55 triệu đồng, tạm giữ 395 bộ giấy tờ xe, tước giấy phép lái xe 07 trường hợp, tạm giữ 64 xe mô tô, 03 xe ô tô. Trong tháng Hai, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 01 vụ tai nạn giao thông đường bộ, không có người chết và bị thương.

- Công tác bảo vệ môi trường: Trong tháng, trên địa bàn tỉnh đã phát hiện và xử lý 44 vụ vi phạm môi trường với số tiền phạt là 467,7 triệu đồng; so với cùng kỳ năm trước tăng 19 vụ và số tiền xử phạt tăng 189,16 triệu đồng.

- Tình hình cháy, nổ: Trong tháng, không có vụ cháy, nổ nào xảy ra./.

Tải file báo cáo tại đây:

bao_cao_ktxh_thang_2_-_2022_tinh_vinh_phuc.docx

so_lieu_ktxh_thang_2-2022_tinh_vinh_phuc.xlsx


 

luat_sua_doi_ltk

Đang truy cập: 42
Trong ngày: 602
Trong tuần: 1653
Lượt truy cập: 1441274

Xin cho biết ý kiến của bạn về trang thông tin điện tử Cục Thống kê tỉnh Vĩnh Phúc?
Tốt
Khá
Trung bình
Kém

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỤC THỐNG KÊ TỈNH VĨNH PHÚCChung nhan Tin Nhiem Mang

Địa chỉ: Số 20

Lý Thái Tổ - Phường Đống Đa - Thành phố Vĩnh Yên - Tỉnh Vĩnh Phúc

Điện thoại: 0211 3 861 139, Fax: 0211 3 843 841Email: vinhphuc@gso.gov.vn, cuctk@vinhphuc.gov.vn