.::. Cung cấp thông tin đầy đủ, trung thực là trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, đơn vị sự nghiệp, hiệp hội, cơ sở hành chính, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng trên địa bàn .::. .............................................................................................................................................................................................................. ........................................  

BÁO CÁO
Tình hình kinh tế - xã hội quý I năm 2022 tỉnh Vĩnh Phúc

Cùng với nhiều địa phương trên cả nước, tỉnh Vĩnh Phúc bước vào thực nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội năm 2022 với nhiều khó khăn, thách thức khi làn sóng dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, số ca nhiễm mới tăng mạnh sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, trong đó ghi nhận nhiều ca mắc mới trong cộng đồng và các khu công nghiệp, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân và sản xuất, kinh doanh. Song với sự chủ động, linh hoạt thực hiện các biện pháp kiểm soát dịch bệnh. Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện các chương trình, kế hoạch, đề án về phát triển kinh tế - xã hội; triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp phục hồi, phát triển nhanh hoạt động sản xuất kinh doanh, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, ưu tiên một số ngành, lĩnh vực quan trọng. Nhờ đó, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục có bước tăng trưởng khá. Sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản duy trì ổn định; sản xuất công nghiệp đạt tốc độ tăng trưởng tốt, tiếp tục giữ vai trò chủ đạo trong tăng trưởng kinh tế của tỉnh; các ngành dịch vụ được duy trì; an sinh xã hội được bảo đảm; an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

I. Tăng trưởng kinh tế

Quý I năm 2022, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) ước tăng 7,89% so cùng kỳ năm trước, thấp hơn tốc độ tăng 8,78% của quý I năm 2021 nhưng cao hơn tốc độ tăng 6,38% của quý I năm 2020. So với các địa phương trong cả nước, tốc độ tăng trưởng GRDP quý I của Vĩnh Phúc đứng thứ 13/63 tỉnh, thành phố.

- Khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản: Ngành nông nghiệp tăng 1,10%, đóng góp 0,06 điểm % vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Trong nông nghiệp, ngành chăn nuôi tuy còn gặp khó khăn về giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, giá bán một số sản phẩm thấp… song cơ bản vẫn phát triển ổn định và đạt mức tăng trưởng 3,44% đóng góp 0,12 điểm %.

- Khu vực công nghiệp - xây dựng: Giá trị tăng thêm khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 14,52 %, đóng góp 7,19 điểm % vào tăng trưởng của tỉnh. Trong đó, công nghiệp tăng 15,7%, đóng góp 7,04 điểm%.

- Khu vực dịch vụ: Hoạt động kinh doanh thương mại trên địa bàn diễn ra sôi động vào thời điểm cuối tháng Một, khi người dân tập trung mua sắm những mặt hàng tiêu dùng phục vụ dịp Tết Nguyên đán cổ truyền. Tháng Hai và tháng ba dịch bệnh Covid-19 bùng phát trên địa bàn với nhiều ca lây nhiễm trong cộng đồng nên người dân có xu hướng hạn chế tiêu dùng hơn trước nên hoạt động thương mại, dịch vụ trên địa bàn có phần trầm lắng hơn. Do vậy, khu vực dịch vụ đạt mức tăng trưởng thấp, tăng 1,17%, đóng góp 0,24 điểm % vào tăng trưởng GRDP chung của tỉnh.

- Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm: Thuế sản phẩm quý I năm 2022 ảnh hưởng bởi chính sách miễn giảm thuế theo Nghị quyết 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, trong đó có hướng dẫn giảm thuế GTGT từ 10% xuống 8% từ ngày 01/02/2022. Do đó, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm quý I chỉ tăng 1,64% so với cùng kỳ năm 2021, đóng góp vào tăng trưởng chung của tỉnh là 0,40 điểm %.

II. Tình hình thu, chi ngân sách nhà nước

Theo số liệu của Kho bạc Nhà nước tính đến 15/3/2022, tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt 9.204,7 tỷ đồng, tăng 6,18% so với cùng kỳ. Trong đó, thu nội địa đạt 7.758 tỷ đồng, tăng 1,91%. Chuỗi cung ứng hàng hóa được phục hồi và phát triển trở lại sau thời gian ảnh hưởng của dịch Covid-19, lượng hàng hóa, nguyên vật liệu nhập khẩu phục vụ cho sản xuất tăng, làm cho nguồn thu Hải quan tăng mạnh (đạt 1.439,4 tỷ đồng, tăng 36,54% so với cùng kỳ).

Tổng chi ngân sách nhà nước đến ngày 15/3/2022 đạt 6.896,1 tỷ đồng, tăng 20,66% so với cùng kỳ. Tình hình thực hiện vốn đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước trong kỳ cơ bản bám sát kế hoạch năm, tập trung hiệu quả cho các dự án trọng điểm và có xu hướng tăng so với cùng kỳ, chi đầu tư phát triển (bao gồm cả tạm ứng) đạt 4.970,2 tỷ đồng, tăng 34,50%, chi thường xuyên đạt 1.911,02 tỷ đồng, giảm 4,62%.

III. Hoạt động ngân hàng, tín dụng

Tổng dư nợ cho vay đến 31/3/2022 ước đạt 106.000 tỷ đồng, tăng 3,88% so với cuối năm 2021. Trong đó, dư nợ cho vay ngắn hạn đạt 74.100 tỷ đồng; tăng 4,64%; dư nợ cho vay trung và dài hạn đạt 31.900 tỷ đồng, tăng 2,16% so với cuối năm 2021.

Tổng nguồn vốn huy động dự kiến đến 31/3/2022 ước đạt 97.000 tỷ đồng, tăng 0,68% so với cuối năm 2021.

Quý 1 năm 2022, lãi suất cho vay trên địa bàn phổ biến từ 4-9,5%/năm đối với từng kỳ hạn và đối tượng; lãi suất huy động bằng VNĐ phổ biến từ 0,1-6,5%/năm đối với từng kỳ hạn. Dự kiến nợ xấu đến 31/3/2022 ước đạt 812 tỷ đồng giảm 0,25% so với tháng 12/2021, chiếm tỷ lệ 0,77% trên tổng dư nợ.

IV. Bảo hiểm

Ước tính đến tháng Ba năm 2022, toàn tỉnh có 1.115.132 người tham gia đóng bảo hiểm các loại. Trong đó: tham gia BHXH 239.085 người, chiếm 36,30% lực lượng lao động; tham gia BH thất nghiệp: 215.042 người; tham gia BHYT: 1.098.851 người, tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 91,88% dân số. Tổng số tiền thu bảo hiểm các loại đến hết quý I năm 2022 đạt 1.219,7 tỷ, giảm 9,10% so với cùng kỳ.

V. Đầu tư và xây dựng

a) Đầu tư

Kết quả thực hiện vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn tỉnh trong quý I ước đạt 8.942,6 tỷ đồng, tăng 7,10% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, vốn đầu tư thuộc ngân sách Nhà nước ước đạt 1.147,1 tỷ đồng, tăng 3,67%; vốn đầu tư của dân cư và tư nhân ước đạt 2.766,1 tỷ đồng, tăng 4,28%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 5.029,5 tỷ đồng, tăng 9,56% so với cùng kỳ năm trước.

Theo số liệu Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc đến ngày 15/3/2022, tỉnh đã có 07 dự án DDI được cấp phép mới và điều chỉnh vốn (03 dự án cấp mới, 04 dự án điều chỉnh vốn) với tổng vốn đăng ký đạt 1.345,5 tỷ đồng; 19 dự án FDI (6 dự án cấp mới, 13 dự án điều chỉnh vốn) với tổng vốn đăng ký đạt 183,3 triệu USD.

b) Xây dựng

Quý I năm 2022, ước tính tổng giá trị sản xuất ngành xây dựng theo giá hiện hành đạt 5.822,6 tỷ đồng, giảm 30,49% so với quý trước và tăng 10,47% so với cùng quý năm 2021. So với quý I năm 2021, giá trị sản xuất ngành xây dựng tăng ở tất cả các loại công trình: Công trình nhà ở tăng 11,90%; công trình nhà không để ở tăng 6,90%; công trình kỹ thuật dân dụng tăng 10,81% và hoạt động xây dựng chuyên dụng tăng 8,66%.

Theo giá so sánh năm 2010, giá trị sản xuất ngành xây dựng quý I năm nay ước đạt 3.860,9 tỷ đồng, tăng 3,07% so với quý I năm 2021. Trong đó tăng chủ yếu ở các công trình nhà ở, đạt 1.818,2 tỷ đồng, tăng 4,12%; công trình kỹ thuật dân dụng đạt 1.126,5 tỷ đồng, tăng 3,11%.

VI. Hoạt động của doanh nghiệp

a) Tình hình đăng ký doanh nghiệp

Tính đến ngày 15/3/2022, toàn tỉnh có 271 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 3.628 tỷ đồng, tăng 11,98% về số doanh nghiệp, tăng 37,30% về vốn đăng ký so với cùng kỳ. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 13,39 tỷ đồng, tăng 22,61% so với cùng kỳ. Trong quý, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động là 185 doanh nghiệp, tăng 5,71% so với cùng kỳ, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động lên 456 doanh nghiệp (trung bình mỗi tháng có 152 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động).

Số lượng doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể trong kỳ là 314 doanh nghiệp, tăng 38,94% so với cùng kỳ, bao gồm: 293 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 45,77%; 21 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 16% so với cùng kỳ. Trung bình mỗi tháng có 105 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

b) Xu hướng SXKD của doanh nghiệp

Kết quả điều tra xu hướng sản xuất kinh doanh quý Một của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cho thấy: So với quý IV năm 2021, có 16,67% số doanh nghiệp được hỏi đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh tốt hơn; 44,44% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn và 38,89% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh giữ ở mức ổn định. Xu hướng sản xuất kinh doanh trong quý II năm 2022 được các doanh nghiệp đánh giá và dự báo sẽ tốt hơn so với quý I, cụ thể: Có 45,56% số doanh nghiệp được hỏi đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh sẽ tốt lên; 24,44% số doanh nghiệp dự báo sẽ gặp khó khăn hơn và 30,0% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh giữ được sự ổn định.

VII. Sản xuất nông, lâm nghiệp, thuỷ sản

Quý I năm 2022, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh diễn ra trong điều kiện thời tiết có những đợt rét đậm, rét hại, mưa kéo dài ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng cây trồng vụ đông, sản xuất vụ xuân vẫn cơ bản bám sát khung lịch thời vụ, đảm bảo tiến độ. Chăn nuôi gia cầm phát triển ổn định, chăn nuôi lợn gặp khó khăn do giá thức ăn tăng trong khi giá lợn có xu hướng giảm. Các biện pháp phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi tiếp tục được thực hiện tốt, chưa phát hiện các ổ dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.

a) Sản xuất nông nghiệp

- Sản xuất vụ Đông: Diện tích gieo trồng cây hằng năm của toàn tỉnh là 15.472,99 ha, đạt 103,15% kế hoạch, tăng 1,98% (+301,02 ha) so với vụ Đông năm trước. Trong đó: ngô 5.690 ha, tăng 5,25%; đậu tương 494 ha, giảm 14,06%; khoai lang 1.286 ha, giảm 5,13%; lạc 234 ha, tăng 12,8%; rau các loại 5.451 ha, giảm nhẹ so với vụ Đông năm trước... Năng suất của các loại cây trồng vụ Ðông đều giảm so với cùng kỳ. Cụ thể: ngô đạt 46,43 tạ/ha, giảm 0,69 tạ/ha; khoai lang đạt 123,57 tạ/ha, giảm nhẹ; đậu tương đạt 19,95 tạ/ha, giảm 0,7 tạ/ha ; rau các loại 232,10 tạ/ha, giảm 8,84%...

- Sản xuất vụ Xuân: Tính đến ngày 15/3/2022, toàn tỉnh đã gieo trồng được 37.312 ha, đạt 98,19% kế hoạch, giảm 1,92% so với cùng kỳ. Trong đó, diện tích lúa 29.206 ha, giảm 1,49%; 2.018 ha ngô, giảm 2,89%; 214 ha khoai lang, giảm 10,05%; 64 ha đậu tương, giảm 19,41%; 1.398 ha lạc, giảm 7,03%; 2.407 ha rau các loại, giảm 2,05% so với cùng kỳ...

- Chăn nuôi trâu, bò: Ước tính tháng Ba, đàn trâu, bò toàn tỉnh có 120.281 con, bằng 98,4% so với cùng thời điểm năm trước. Trong đó, đàn trâu ước đạt 17.681 con, đàn bò ước đạt 102.600 con. Sản lượng thịt trâu, bò hơi xuất chuồng trong quý Một ước đạt 1.715,8 tấn, giảm 1,20% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng ước đạt 355,8 tấn, giảm 2,71%; sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng ước đạt 1.360,0 tấn, giảm 0,8%. Sản lượng sữa bò tươi ước đạt 14.400,0 tấn, tăng 13,52% so với cùng kỳ.

- Chăn nuôi lợn: Tổng đàn lợn ước tính đến 31/3/2022 đạt 465,0 nghìn con, tăng 2,23% so với cùng thời điểm năm 2021. Sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng trong quý ước đạt 22.430,0 tấn, tăng 4,62% so với quý I năm 2021.

- Chăn nuôi gia cầm: Tổng đàn gia cầm tính đến hết tháng Ba ước đạt 11.795,0 nghìn con, tăng 0,48% so với cùng kỳ; trong đó, đàn gà ước đạt 10.280,0 nghìn con, tăng 1,2%. Sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng trong quý I ước đạt 11.085,0 tấn, tăng 3,12%. Trong đó, sản lượng thịt gà hơi xuất chuồng ước đạt 10.170,0 tấn, tăng 3,21% so với cùng kỳ. Sản lượng trứng gia cầm ước đạt 182.800,0 nghìn quả, tăng 4,31% so với cùng kỳ năm trước.

b) Sản xuất lâm nghiệp

Trong quý I năm 2022, toàn tỉnh trồng mới tập trung được 109,0 ha, tăng 6,86% so cùng kỳ; số lượng cây phân tán trồng được 335,6 nghìn cây, giảm 27,04% do quy đất trồng cây phân tán hạn hẹp, diện tích trồng cây phân tán tại các địa điểm công cộng như trường học bệnh viện, các trung tâm văn hóa, thể thao... giảm nhiều. Sản lượng gỗ khai thác và sản lượng củi khai thác ước đạt lần lượt là:  10.746,5 m3, tăng 5,30% và 7.402 ste, giảm 0,90%. Công tác quản lý rừng, phòng, chống cháy rừng tiếp tục được các ngành chức năng và chủ rừng chú trọng thực hiện.

c) Sản xuất thuỷ sản

Ước tính diện tích nuôi trồng tính đến hết tháng Ba đạt 4.533,35 ha, giảm 0,96%. Tổng sản lượng thủy sản trong quý I ước đạt 5.593,20 tấn, giảm 0,97% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, sản lượng khai thác nội địa ước đạt 489,90 tấn, giảm 4,54%; sản lượng nuôi trồng ước đạt 5.126,10 tấn, giảm 0,63%. Số lượng con giống ước đạt 951,5 triệu con, giảm 3,15% so với cùng kỳ năm trước.

VIII. Sản xuất công nghiệp

Mặc dù dịch bệnh trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp, các ca lây nhiễm trong khu công nghiệp tăng nhanh, song công tác phòng chống dịch đã được điều chỉnh theo hướng thích ứng, linh hoạt, hiệu quả. Các đơn vị sản xuất đã ứng phó tốt với các diễn biến khác nhau của dịch Covid-19. Vì vậy, vuợt qua những khó khăn, ngành công nghiệp tiếp tục khởi sắc đạt mức tăng trưởng cao. Đây là bước khởi đầu quan trọng thúc đẩy kinh tế đạt mức tăng trưởng cao trong năm 2022.

a) Chỉ số sản xuất công nghiệp

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng Ba ước tính tăng 36,51% so với tháng trước và tăng 12,62% so với cùng kỳ năm trước. IIP quý I năm 2022 ước tính tăng 15,29% so với cùng kỳ. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 15,37%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 9,29%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 13,92%; riêng ngành khai khoáng giảm 18,33%.

b) Sản phẩm công nghiệp chủ yếu

Quý I năm nay, các doanh nghiệp công nghiệp trên địa bàn tỉnh dự kiến sản xuất được: 84.084 tấn thức ăn gia súc, gia cầm, tăng 8,68%; 3.502 nghìn đôi giày thể thao, tăng 3,40%; 22.409 nghìn m2 gạch ốp lát, giảm 21,23%; 15.400 xe ô tô các loại, tăng 10,07%; 417.268 xe máy các loại, tăng 15,47%; doanh thu sản xuất linh kiện điện tử ước đạt 46.099 tỷ đồng, tăng 21,99% so với cùng quý năm 2021.

c) Chỉ số sử dụng lao động

Chỉ số sử dụng lao động của các doanh nghiệp công nghiệp trên địa bàn trong tháng Ba tăng 3,78% so với tháng trước và tăng 2,21% so với cùng tháng năm trước. So với tháng Hai, chỉ số sử dụng lao động tháng Ba của các doanh nghiệp trong các ngành như sau: Ngành khai khoáng tăng 2,30%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 3,84%; ngành cung cấp nước và hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 0,52%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng và điều hòa không khí giữ ở mức ổn định.

d) Chỉ số tiêu thụ, tồn kho

Tháng Ba năm nay, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 48,45% so với tháng Hai và tăng 6,28% so cùng kỳ. Tính chung quý I năm 2022, chỉ số tiêu thụ toàn ngành tăng 0,64% so cùng kỳ năm 2021.

Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng Ba tăng 11,51% so với tháng trước và giảm 10,82% so với cùng kỳ năm trước, so với tháng trước, 11/18 ngành công nghiệp có chỉ số tồn kho tăng.

IX. Thương mại, dịch vụ

Quý I năm 2022, hoạt động kinh doanh thương mại trên địa bàn diễn ra sôi động, nhất vào thời điểm tháng Một. Người dân tăng cường mua sắm hàng hóa chuẩn bị đón Tết Cổ truyền nên sức mua tăng cao, kéo doanh thu hoạt động vận tải hàng hóa gia tăng. Từ nửa cuối tháng Hai, dịch bệnh Covid-19 bùng phát trên địa bàn với nhiều ca lây nhiễm trong cộng đồng nên hoạt động thương mại, dịch vụ trên địa bàn có phần trầm lắng hơn. Tính chung ba tháng đầu năm, thị trường nhìn chung ổn định, kết quả hoạt động bán lẻ hàng hóa và kinh doanh dịch vụ tăng nhẹ so với cùng kỳ.

a) Bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tháng Ba ước đạt 4.709,40 tỷ đồng, tăng 1,78% so với cùng kỳ. Tính chung 3 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 14.620,22 tỷ đồng, tăng 1,21% so với cùng kỳ.

- Doanh thu bán lẻ hàng hóa tháng Ba ước đạt 4.250,85 tỷ đồng, tăng 2,75% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung quý I/2022, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 13.131,22 tỷ đồng, tăng 1,45% so với cùng kỳ năm trước.

- Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành tháng Ba ước đạt 271,46 tỷ đồng, giảm 7,54% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung quý I/2022 ước đạt 930,08 tỷ đồng, tăng 3,93% so với cùng kỳ năm trước.

- Các ngành dịch vụ tiêu dùng khác trong tháng Ba ước đạt 187,1 tỷ đồng, giảm 4,65% so với cùng kỳ. Tính chung quý I/2022 ước đạt 558,92 tỷ đồng, giảm 8,07% so với cùng kỳ năm trước.

b) Vận tải hành khách và hàng hoá

Tổng doanh thu hoạt động vận tải quý I năm 2022 ước đạt 1.049,2 tỷ đồng, giảm 1,57% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu vận tải hành khách ước đạt 159,07 tỷ đồng, giảm 24,68%; doanh thu vận tải hàng hóa ước đạt 867,06 tỷ đồng, tăng 4,41% so với cùng kỳ. Quý I năm 2022, tổng khối lượng luân chuyển hành khách ước đạt 229.832 nghìn HK.km, giảm 11,1%; tổng khối lượng luân chuyển hàng hóa ước đạt 562.244 nghìn tấn.km, tăng 5,73% so với cùng kỳ.

c) Hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa

Theo số liệu báo cáo của Chi cục Hải quản tỉnh Vĩnh Phúc, kim ngạch xuất khẩu tính đến ngày 15/3/2022 trên địa bàn ước đạt 2.745 triệu USD, tăng 15,70% so với cùng kỳ.

Kim ngạch nhập khẩu tính đến ngày 15/3/2022 ước đạt 2.918 triệu USD, tăng 24,42% so với cùng kỳ.

d) Chỉ số giá

Chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng Ba năm 2022 tăng 0,92% so với tháng trước và tăng 2,06% so với cùng kỳ năm trước, tăng nhiều nhất là nhóm giao thông tăng 3,97% sau 2 đợt điều chỉnh tăng ngày 01/3/2022 và ngày 11/3/2022. Tính chung ba tháng đầu năm CPI tăng 1,27% so với cùng kỳ năm trước.

Chỉ số giá vàng và Đô la Mỹ trên địa bàn biến động cùng chiều với giá vàng và giá đồng Đô la Mỹ trên thị trường thế giới, chỉ số giá vàng trong tháng Ba tăng 1,78% so với tháng trước, giá vàng bình quân trên thị trường tự do là 5.705 nghìn đồng/chỉ. Giá Đô la Mỹ trên thị trường tự do trong tháng tăng 1,31% so với tháng trước, giá bán bình quân ở mức 23.250 đồng/USD. Bình quân ba tháng đầu năm 2022, chỉ số giá vàng giảm 0,57%, chỉ số giá Đô la Mỹ giảm 0,21% so với cùng kỳ năm trước.

X. MỘT SỐ VẤN ĐỀ XÃ HỘI

a) Công tác giải quyết lao động, việc làm, bảo đảm an sinh xã hội

- Công tác giải quyết lao động, việc làm:

Công tác giải quyết việc làm được chú trọng với mục tiêu tạo việc làm mới, đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp, quý I năm 2022, toàn tỉnh ước giải quyết việc làm cho: 5.492 lao động (đạt 32,3% so với Kế hoạch năm 2022). Trong đó, giải quyết việc làm trong nước 5.456 (lĩnh vực công nghiệp-xây dựng: 3.011 người; lĩnh vực nông, lâm ngư nghiệp: 975 người; lĩnh vực thương mại-dịch vụ: 1.470 người); đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài cho 36 người. Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh đã tư vấn về việc làm cho: 1.634 lượt người; giới thiệu việc làm cho: 371 lượt người; cung ứng 182 lao động; đăng thông tin tuyển dụng của doanh nghiệp trên trang thông tin điện tử: 106 lượt doanh nghiệp.

- Công tác an sinh xã hội: Tính đến cuối năm 2021, toàn tỉnh còn 5.207 hộ nghèo đa chiều, chiếm 1,51% tổng số hộ dân toàn tỉnh, trong đó: hộ nghèo khu vực thành thị chiếm 0,98%, hộ nghèo khu vực nông thôn chiếm 1,72%. Kết quả cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách dự tính hết tháng 3/2022 như sau: Số đối tượng hiện đang được tiếp cận nguồn vốn là 97.838 khách hàng với tổng số dư nợ trên 3.325,8 tỷ đồng.

- Thực hiện chính sách với người có công: Người có công, gia đình chính sách trên địa bàn tỉnh được các cấp, các ngành thực hiện đúng, đầy đủ, kịp thời các chế độ chính sách theo quy định. Cụ thể, thăm hỏi và tặng quà của Chủ tịch nước, của cấp tỉnh, huyện, xã tới đối tượng chính sách, người có công với tổng số tiền trên 37,1 tỷ đồng. Trong đó, quà Chủ tịch nước cho 24.169 đối tượng, tổng kinh phí là trên 7,3 tỷ đồng; quà của tỉnh cho 36.945 đối tượng với tổng kinh phí gần 29,8 tỷ đồng.

b) Giáo dục và đào tạo

- Giáo dục phổ thông: Ngày 19/02/2022 UBND tỉnh đã ban hành văn bản số 957/UBND-VX2 cho học sinh các trường tiểu học, trung học cơ sở chuyển trạng thái từ học tập trực tiếp sang trực tuyến từ ngày 21/02. Các trường mầm non tiếp tục mở cửa đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của phụ huynh, tạo điều kiện để phụ huynh yên tâm lao động, sản xuất. Công tác chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh vào các lớp đầu cấp THCS, THPT năm học 2022-2023 đã được UBND tỉnh và Sở GD&ĐT ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện, đảm bảo chất lượng tuyển sinh vào lớp 10 và thực hiện tốt việc phân luồng học sinh sau THCS.

- Công tác đào tạo nghề: Công tác dạy nghề tiếp tục được triển khai thực hiện. Công tác tư vấn hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS được quan tâm và duy trì, các trường chuyên nghiệp và đào tạo nghề đã tiếp tục đổi mới chương trình đào tạo, phương pháp đào tạo, đánh giá kết quả học tập của người học gắn với năng lực thực hiện, bước đầu áp dụng chương trình đào tạo đảm bảo tỷ lệ thời lượng dành cho dạy thực hành, thực tập theo hướng đáp ứng chuẩn đầu ra của học sinh tốt nghiệp.

c) Y tế, vệ sinh an toàn thực phẩm

- Công tác phòng, chống dịch Covid-19: Theo báo cáo của Sở Y tế tính từ 27/4/2021 đến ngày 24/3/2022, tỉnh Vĩnh Phúc ghi nhận 322.024 ca bệnh COVID-19, hiện có 35.624 bệnh nhân COVID-19 đang điều trị (trong đó: điều trị tại các cơ sở cách ly y tế là 1.771 người, chiếm 4,97% và điều trị tại nhà 33.853 người, chiếm 95,03%).

Với mục tiêu tăng tỷ lệ bao phủ vắc xin phòng Covid-19 trong cộng đồng, tỉnh Vĩnh Phúc đã khẩn trương triển khai chiến dịch tiêm vắc xin năm 2022. Tính đến ngày 24/3/2022, toàn tỉnh đã tiêm vắc xin cho 788.133 người, đạt tỷ lệ trên 99,8% dân số trên 18 tuổi với tổng số liều được tiêm 2.207.672 liều (Mũi 1: 788.133, đạt 99,8%; Mũi 2: 776.797, đạt 98,3%; Mũi 3 + Mũi bổ sung: 642.742, đạt 81,4%). Đã tiêm được 115.644 người từ 12-17 tuổi, đạt tỷ lệ 99,7% dân số từ 12-17 tuổi.

- Tình hình an toàn vệ sinh thực phẩm: Các hoạt động truyền thông, giáo dục, phổ biến kiến thức về an toàn thực phẩm trong tháng được đẩy mạnh trên phạm vi toàn tỉnh, đặc biệt là dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần và mùa Lễ hội Xuân 2022. Hoạt động thanh tra, kiểm tra liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm được tăng cường, các đoàn thanh, kiểm tra đặc biệt chú trọng kiểm tra các sản phẩm, nhóm sản phẩm tiêu dùng phổ biến trong dịp Tết và các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống. Trong quý trên địa bàn tỉnh không có trường hợp ngộ độc thực phẩm xảy ra.

- Công tác phòng chống HIV/AIDS: Công tác tư vấn, chăm sóc và điều trị người nhiễm HIV và bệnh nhân AIDS được thực hiện ở tất cả các cở sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh. Tính đến ngày 28/02/2022: lũy tích có 4.789 người nhiễm HIV, lũy tích số người chuyển AIDS là 2.353 người, lũy tích số người tử vong do AIDS là 1.069 người, số người nhiễm HIV hiện còn sống là 3.720. Số bệnh nhân đang nhận thuốc điều trị ARV là 1.066 bệnh nhân.

d) Các hoạt động văn hoá và thể thao

Hoạt động văn hóa, thông tin đã tập trung thực hiện các nhiệm vụ chính trị, các sự kiện quan trọng của đất nước và của tỉnh, trọng tâm là kỷ niệm 92 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam; tuyên truyền cổ động trực quan phòng chống dịch bệnh Covid-19; tổ chức Hội Báo Xuân Vĩnh Phúc năm 2022 mừng Đảng mừng xuân Nhâm Dần; phát động Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ; tổ chức Lễ dâng hương Quốc Mẫu Tây Thiên Xuân Nhâm Dần 2022…

Các đội tập luyện thể thao thành tích cao tiếp tục được quan tâm, tập luyện thường xuyên, đảm bảo an toàn hiệu quả theo chương trình, kế hoạch.         Để chuẩn bị cho các giải thi đấu thể thao trong năm 2022, các đội thể thao mũi nhọn được tỉnh duy trì luyện tập hiệu quả với tổng số 259 vận động viên (VĐV) ở 03 tuyến: tuyến tuyển: 89 VĐV, tuyến trẻ: 51 VĐV, tuyến năng khiếu: 119 VĐV...

Công tác chuẩn bị các điều kiện tổ chức Đại hội Thể dục Thể thao tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ VI, dự kiến tổ chức trong quý III/2022 đang được các cấp, ngành gấp rút thực hiện. Đại hội được tổ chức thi đấu 16 môn thể thao với tổng số 99 bộ huy chương các loại gồm bóng đá nam; bóng chuyền nam, nữ; bóng chuyền hơi nam, nữ; bóng rổ nam, nữ; điền kinh trong sân; chạy việt dã; bóng bàn; cầu lông; vật dân tộc; pencaksilat; wushu; karatedo; cờ tướng; bơi; bắn nỏ; võ cổ truyền.

Công tác chuẩn bị mọi điều kiện từ bị cơ sở vật chất cũng như nguồn lực phục vụ cho việc tổ chức đăng cai 2 môn thi đấu Muay và Golf tại Đại hội Thể thao Đông Nam Á SEA Games 31 cơ bản đã hoàn thiện. Các hạng mục nâng cấp, cải tạo phục vụ 2 nội dung thi đấu đều đạt theo chuẩn quốc tế, đảm bảo đầy đủ, đúng yêu cầu của Ban tổ chức SEA Games.

e) Tình hình trật tự an toàn xã hội và tai nạn giao thông

- Tình hình trật tự an toàn xã hội: Từ ngày 15/02/2021 đến ngày 14/3/2022, tỉnh Vĩnh Phúc xảy ra 42 vụ vi phạm trật tự an toàn xã hội (tăng 01 vụ so với tháng trước), làm chết 01 người, bị thương 07 người, thiệt hại tài sản 1.296,83 triệu đồng, đã điều tra làm rõ 38 vụ (đạt 90,48%), với 84 đối tượng, thu hồi tài sản trị giá 1.127,73 triệu đồng.

- Tai nạn giao thông: Trong tháng Ba, các lực lượng chức năng của tỉnh tiến hành tuần tra, kiểm soát, xử lý các vi phạm trật tự an toàn giao thông. Kết quả: Đã lập biên bản 4.224 trường hợp, ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 2.662 trường hợp với số tiền 1.578,1 triệu đồng. Ngoài ra lực lượng chức năng đã ghi hình 229 trường hợp, ra quyết định xử phạt 138 trường hợp, với số tiền 41,15 triệu đồng. Trong tháng, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 03 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm 02 người chết và 01 người bị thương; so với tháng trước, số vụ tai nạn tăng 02 vụ, tăng 02 người chết và tăng 01 người bị thương; so với cùng kỳ năm trước, giảm 01 vụ, giảm 04 người chết và giảm 05 người bị thương.

f) Tình hình cháy nổ và bảo vệ môi trường

- Tình hình cháy nổ: Theo báo cáo của Công an tỉnh Vĩnh Phúc, 3 tháng đầu năm, trên địa bàn tỉnh xảy ra 01 vụ cháy (trong đó có không có người chết và bị thương), giá trị thiệt hại 25 triệu đồng.

- Công tác bảo vệ môi trường: Theo số liệu của Sở Tài nguyên và Môi trường, trong tháng các cơ quan chức năng đã phát hiện 37 vụ vi phạm môi trường, số vụ đã xử lý 28 vụ, số tiền đã xử phạt 49 triệu đồng. Lũy kế ba tháng đầu năm, phát hiện 121 vụ, xử lý 97 vụ, số tiền đã xử phạt 1.029 triệu đồng. So với cùng kỳ năm trước số vụ tăng 73 vụ, số vụ đã xử lý tăng 67 vụ và số tiền xử phạt tăng 620,1 triệu đồng./.

bao_cao_ktxh_quy_1_2022_vinh_phuc_29.3.docx (tải file)

so_lieu_ktxh_quy_i-2022_tinh_vinh_phuc_.xlsx 

 

luat_sua_doi_ltk

Đang truy cập: 11
Trong ngày: 93
Trong tuần: 1448
Lượt truy cập: 1429203

Xin cho biết ý kiến của bạn về trang thông tin điện tử Cục Thống kê tỉnh Vĩnh Phúc?
Tốt
Khá
Trung bình
Kém

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỤC THỐNG KÊ TỈNH VĨNH PHÚCChung nhan Tin Nhiem Mang

Địa chỉ: Số 20

Lý Thái Tổ - Phường Đống Đa - Thành phố Vĩnh Yên - Tỉnh Vĩnh Phúc

Điện thoại: 0211 3 861 139, Fax: 0211 3 843 841Email: vinhphuc@gso.gov.vn, cuctk@vinhphuc.gov.vn